Thiếu Lâm Bắc Phái Đường Lang Quyền Lược Khảo Võ Sư Nguyễn ...

Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Thiếu Lâm Bắc Phái

Đường Lang Quyền Lược Khảo

Võ sư Nguyễn Lâm Võ sư Nguyễn Văn Đại Nghĩa Võ sư Nguyễn Văn Thành Nhân
I. Đường Lang Quyền là môn võ gì ?

Chúng ta đã biết võ công Thiếu Lâm thường đặt nền tảng chiêu thức kỹ thuật mô phỏng theo động tác loài vật, gồm linh cầm, mãnh thú và đôi khi cả côn trùng. Xin nhớ lại, vào thế kỷ 16, các cao thủ thượng thừa Thiếu Lâm Tự đã triển khai 15 thức võ công tiên khởi của Đạt Ma sư tổ thành 72 phép (thất thập nhị huyền công). Sau đó đại sư Bạch Ngọc Phong biến cải thành 170 thức và sắp xếp theo năm loại hình đặc thù, dựa theo hình thái động tác của năm loài vật:

1. Hổ hình: Tiêu biểu cho sức mạnh và luyện xương cốt. 2. Hạc hình: Tiêu biểu cho luyện gân và triển khai thần khí. 3. Long hình: Tiêu biểu cho khổ luyện nội lực và cả ngoại công. 4. Báo hình: Tiêu biểu cho tốc độ và sự linh hoạt. 5. Xà hình: Chủ về nhu công và nội khí.
Bên cạnh năm thể loại chính này, các tôn sư võ học thời trước còn triển khai hoặc phối hợp các loại hình với nhau thành nhiều trường phái khác, chẳng hạn như Hổ Hạc song hình quyền (phối hợp Hổ hình và Hạc hình) của Hồng gia phái tại miền Nam Trung Hoa.

Ngoài năm thể loại đặc thù kể trên, còn nhiều linh cầm mãnh thú khác được mô phỏng dựa vào võ thuật do những động tác dũng mãnh và tốc độ hay sự khéo léo tinh tế của chúng như: Sư Tử, Gấu, Voi, Khỉ... (Thú) và Phụng Hoàng, Én, chim Sẻ, chim Ưng, Đại Bàng... (cầm)

Vậy còn Đường Lang? Đường Lang là cái gì, con gì, cầm hay thú? Đường Lang phi cầm, phi thú, nó chỉ là một loại côn trùng nhỏ bé. Nó chính là con Bọ Ngựa, còn gọi là ngựa trời hay con ngựa bà trời theo phương ngữ miền Nam nước Việt Nam ta.

Có thể có bạn đọc sẽ băn khoăn: To lớn mạnh mẽ như Cọp, ta có thể học được sức mạnh, tốc độ, sự linh hoạt của nó và đòn hổ trảo quả thật thần sầu. Nhỏ bé như loài Khỉ ta vẫn có thể lấy ra được thuật thăng bằng, sức mạnh của đà vung tay, kể cả sự vờ vĩnh láu lỉnh của nó để ứng dụng hư chiêu trong võ thuật chiến đấu. Đến mảnh mai "yểu điệu" như chim Hạc vẫn có sức thuyết phục ở động tác nhẹ nhàng nhưng mau lẹ nhưng mau lẹ, sản sinh sức mạnh cơ gân và lợi ích trong rèn luyện khí lực và tinh thần của nó. Còn con... ngựa bà trời thì chán quá, vừa ốm o, nhỏ thó, vừa xí trai, trông chả có gì oai phong hay duyên dáng cả, đưa nó vào võ thuật làm chi há? Thắc mắc này không phải không chính đáng, nếu ta không tìm hiểu chút xíu về loài côn trùng bé bỏng này.

Vâng, có lẽ cũng chính vì thế mà các học giả võ học Âu Mỹ và trên thế giới xếp Đường Lang Quyền vào loại "Võ Thuật Bí Truyền Hiếm Hoi" nhưng vô cùng ác liệt và lợi hại. Do tính cách bí truyền, người ta cố giữ Võ Đường Lang như một tinh hoa võ thuật đặc thù của Trung Quốc, cho nên bí quyết võ công chỉ được truyền thụ chọn lọc riêng biệt giữa các vị sư phụ và môn đồ của hệ phái. Theo A. Miles, một học giả kiêm võ sư hiếm hoi truyền dạy môn "Bát bộ Đường Lang quyền" tại Hoa Kỳ thì mãi đến sau thời kỳ 1984, môn võ mới được truyền bá trên thế giới, ở vào thế hệ thứ tư của võ phái. Nếu nhận định này là đúng, ít ra là đúng ở Hoa Kỳ và một số nước trên thế giới, thì Việt Nam lại là quốc gia tiếp nhận môn võ này sớm hơn: Vào cuối thập kỷ 40, nhà bảo tiêu Triệu Thúc Khê, một đại cao thủ Đường Lang quyền đã lưu lạc giang hồ sang sinh sống tại Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam. Năm 1954, Triệu lão sư cùng hàng triệu đồng bào miền Bắc nước Việt đã di cư vào Nam. Ông dạy võ ở Chợ Lớn, Triệu đại sư vừa dạy Đường Lang quyền và Thái Cực quyền. Vì thấy môn sinh yêu thích võ Thiếu Lâm, vốn là Thiếu Lâm đệ tử thuở thiếu thời, ông truyền dạy luôn võ Thiếu Lâm dưới danh hiệu THIẾU LÂM ĐƯỜNG LANG. (Để hiểu rõ thêm, mời bạn đọc tham khảo sách Thiếu Lâm Kiến An Việt Nam II tức Lôi Vũ Quyền của vs. Nguyễn Lâm và vs. Hồng Ngọc Đại Nghĩa xuất bản năm 2004).

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu ngay về Đường Lang một chút. rất ít sách báo nói về loài côn trùng "vô thưởng vô phạt" này. Đem chữ Đường Lang tra tự điển Việt Anh không có, tìm chữ "con bọ ngựa" có thể thấy tiếng Anh là Mantis. Bộ thế giới bách khoa toàn thư có lẽ dành cho ta sự miêu tả về chú ngựa trời tương đối đầy đủ hơn cả (ở đây ghi là MANTID):

Đường Lang là con ngựa bà trời hay con bọ ngựa, tiếng Anh là Mantid, đôi khi được gọi là "con ngựa trời van vái" (the praying mantis) do nó cứ chấp hai chân trước giương cao lên rồi hạ xuống như thể đang van vái nguyện cầu. Ngựa trời hay sống miền ôn đới, cũng có ở miền Bắc Mỹ. Khi nghỉ ngơi, ngựa trời chấp tay ở tư thế cầu nguyện. Tư thế hiền từ này không phản ánh bản chất thực của nó. Chúng rất dữ dằn và rất háu ăn, chúng không chỉ ăn thịt côn trùng khác mà xơi luôn thịt đồng loại. Một nàng Đường Lang kiều diễm không ngần ngại ăn tươi nuốt sống thân xác tình lang khi nàng quá đói... Hai chân trước của Đường Lang rất mạnh, sử dụng tốt như hai tay với nhiều móc sắc bén để cầm giữ các nạn nhân bị nó tóm được như kẹp cứng bởi cái ê tô hay gọng kìm.

II. Đôi dòng lịch sử

Tài liệu võ thuật Thiếu Lâm nói chung vốn đã thiếu, hiếm, không nhất quán, nhiều khi không rõ ràng, tư liệu về các hệ phái có nguồn gốc Thiếu Lâm càng khan hiếm hơn, nhất là những môn võ bí truyền hoặc không được phổ biến rộng rãi như môn võ Đường Lang. Tuy nhiên vì giá trị nghệ thuật và hiệu quả thực dụng cao trong tự vệ chiến đấu, chúng tôi cố gắng sưu khảo một số thư tịch và tài liệu võ học Trung Hoa cũng như từ các học giả Âu Mỹ để nghiên cứu.

Trước triều đại nhà Minh, có lẽ do ảnh hưởng cấm đoán của ngoại xâm Mông Cổ, nền võ thuật Trung Hoa suy thoái. Đến đời Minh, phong trào võ thuật hồi sinh, các võ sư nghiên cứu lại các dòng võ, phát huy bảo tồn và hòa trộn vào nhau để nâng cao hiệu năng chiến đấu thực dụng. Đường Lang quyền khởi nguyên trong cơ hội này, phát triển mạnh vào khoảng cuối triều Minh tại miền Đông tỉnh Sơn Đông. được mô phỏng cách vận dụng sức mạnh bung bạt từ cổ tay, bàn tay và cánh tay để phản công, tấn công, vồ chụp, nắm bắt và kềm kẹp tay chân địch thủ rồi ra đòn tiếp để hạ gục. Đường Lang quyền được giới võ lâm đánh giá là một môn võ tự vệ hữu hiệu nhưng quá dữ dằn, chẳng khác chi loài côn trùng hung ác mà môn võ đã mô phỏng theo, một môn võ hạ thủ bất lưu tình, ra tay không thương tiếc với phương thức là: "RA MỘT ĐÒN ĐỂ PHÁ VỠ THẾ THỦ CỦA ĐỊCH THỦ, LIÊN CHIÊU TIẾP DĂM BA ĐÒN NỮA ĐỂ HOÀN TOÀN PHẾ BỎ ĐỊCH THỦ".

III. Đại cương về kỹ thuật và chiến thuật

* Kỹ Chiến Thuật Đường Lang Thủ:

Thường là đặc trưng theo qui trình:

- Đỡ đòn tấn công. - Khóa hoặc xiết chặt tay đối thủ bằng một tay. - Lôi kéo cho đối thủ mất thăng bằng. - Cùng lúc tiếp cận và ra đòn đánh bằng tay kia.
Sức mạnh đòn tay Đường Lang thủ tập trung vào động tác vồ chụp, nắm bắt, xiết bóp và lôi kéo, tận dụng năng lực cẳng tay và cổ tay. Điều đặc biệt cần chú ý là ở môn võ Đường Lang, người ta tận dụng sự khéo léo và sức mạnh đôi tay theo thủ pháp ngựa trời, điển hình là Đường Lang Trảo (móng vuốt bọ ngựa) nhưng lại áp dụng bộ pháp của loài khỉ nhiều hơn, gọi là Hầu bộ. Bộ pháp của loại khỉ vượn (được các danh sư Đường Lang cho là có ưu thế về sự linh hoạt) lanh lợi và thăng bằng. Áp dụng bộ pháp này trong chiến đấu, các võ sĩ Đường Lang di chuyển thoải mái mọi phương hướng vô cùng mau lẹ mà vẫn giữ được thăng bằng, có khả năng phá vỡ thế phòng thủ của đối thủ nên còn được gọi là "THẤT TINH ĐƯỜNG LANG BỘ".

* Các hệ phái Đường Lang

Giống như các môn phái võ thuật khác, với sự rèn luyện tinh tiến không ngừng theo năm tháng, Đường Lang võ công ngày càng phong phú và đa dạng, sản sinh nhiều hệ phái:

- Lục Hợp Đường Lang:

Để môn Đường Lang được sung mãn và thâm sâu hơn, các võ sư cao đẳng đã vận dụng phổ nội lực vào Đường Lang quyền theo yếu quyết lục hợp bát pháp của Thiếu Lâm Công Phu. Nền tảng của lục hợp là điều hợp sáu cơ năng của thân thể hòa hợp với nhau, hành động hỗ tương một cách hài hòa và hữu hiệu: Thân, Thủ, Nhãn, Tinh, Khí và Thần (body, hand, eyes, spirit, chi and soul). Do ảnh hưởng của nội lực lục hợp, thân thủ nhãn, tinh khí thần rất mẫn cảm, các võ sĩ lục hợp Đường Lang hầu như luồn kề cận đối thủ như bắt dính lấy họ và có khả năng cảm ứng được hành động của đối thủ trước khi họ ra tay.

- Thái Cực Đường Lang:

Hệ phái này được coi như mới triển khai sau này. Nghe tên Thái Cực đi đầu, nhiều người tưởng môn Thái Cực Đường Lang là chậm rãi, nhẹ nhàng như các động tác Thái Cực quyền. Không phải vậy, Thái Cực Đường Lang là một môn võ tự vệ rất mau lẹ, mạnh bạo và lợi hại: Võ sĩ Thái Cực Đường Lang có thể vặn eo lách mình làm chệch hướng tấn công của đối phương, thậm chí hứng chịu quả đấm của đối thủ rồi thừa cơ nhập nội áp sát, giáng trả hàng loạt cú đánh liên chiêu, thường nhắm ngay nhược điểm của địch thủ.

Để thực hiện được chiến pháp hiệu quả nhưng khá nguy hiểm này, các môn sinh Thái Cực Đường Lang có phương pháp tập ngạnh công giống như ở võ Thiếu Lâm Tự và võ Thiếu Lâm Kiến An Việt Nam: Làm cứng nhắc tứ chi và thân thể bằng cách cho va chạm chịu đựng, đánh, đập vào mình mẩy và chân tay vào nhau để luyện độ cứng rắn dẻo dai và sức chịu đựng.

IV. Đường Lang Bát Thức

- Như trình bày ở trên, vì Đường Lang quyền là một môn võ hiếm hoi và bí truyền nên người ta cố tình giấu nhẹm mọi bí quyết để giữ nó như một tinh hoa đặc thù riêng của người Trung Hoa. Mãi đến vài ba thập kỷ gần đây, một số yếu quyết của môn võ mới được tiết lộ ra ngoài quảng đại quần chúng. Tuy nhiên việc phổ biến truyền thụ còn hạn chế, chưa phát triển rầm rộ và sâu rộng như Thiếu Lâm Công Phu và Thái Cực Quyền. Các nguyên tắc chính yếu này được coi như tiêu chuẩn căn bản về lý thuyết và kỹ chiến thuật giúp người luyện võ Đường Lang hiểu rõ nguyên lý và phương pháp tập luyện đúng đắn. Các nguyên tắc ấy được gọi là Bát Bộ Đường Lang yếu quyết hay Đường Lang bát thức. đó là:

1. Nguyên Tắc Liên Chiêu:

Trong võ Đường Lang, nguyên tắc tiên khởi là ứng dụng một qui trình xuất chiêu liên tục, nghĩa là không ra đòn đơn lẻ, rời rạc mà ra đòn liên hoàn kế tiếp nhau. Mỗi đòn đánh ra sẽ phát sinh đòn kế tiếp. Phương pháp xuất chiêu liên hoàn hàm ý chiến thuật như sau:

"Khi bạn tấn công một đòn, bó buộc đối thủ phải xoay trở tránh né, hoặc đỡ gạt. Đòn đánh mở đường đó chính là cái "vốn" tấn công giúp bạn có thể liên tục ra các đòn khác trong khi đối phương còn đang loay hoay tránh né đòn thứ nhất. Cơ hội này tạo điều kiện cho bạn xuất chiêu hàng loạt để rồi áp sát địch thủ, áp dụng cầm nã thủ chụp bắt, khóa tay chân hoặc vật ngã đối thủ".

Điểm đặc biệt của nguyên tắc liên chiêu là không phải thấy đối thủ sơ hở mới ra đòn, mà chính ta tạo điều kiện khiến đối thủ sơ hở, bằng cách tấn công tới tấp, buộc đối thủ lúng túng, sơ hở trong phòng thủ rồi tấn kích. Tuy nhiên, để thành công trong phương pháp liên chiêu không phải dễ. Ta phải khổ luyện sức bền bỉ dẻo dai và bộ pháp thuần thục, nhuần nhuyễn, biết di động biến hóa, mau lẹ và hợp lý để đạt hiệu quả cao.

2. Nguyên Tắc Nhập Nội Triệt Hạ Đường Lang quyền rất chú trọng vào nguyên tắc nhập nội để triệt tiêu đối thủ trong trường hợp y sở trường về cách đánh tầm xa như trường quyền (đòn dài). Gặp tình huống này, võ sĩ Đường Lang sẽ tận dụng nguyên tắc thứ hai để áp sát đối thủ và dùng đoản quyền (đòn ngắn) triệt hạ đối thủ. Tuy nhiên, môn sinh Đường Lang được huấn luyện chiến đấu ở cả khoảng cách xa và gần, nghĩa là có thể sử dụng được cả trường lẫn đoản quyền. Mục đích đòn dài trong võ Đường Lang là từ khoảng cách trung bình hay tầm xa, dùng đòn dài gây rối loạn thế phòng thủ của đối phương để nhập nội, tiến gần vị trí thuận lợi nhất bên cạnh hay sau lưng đối thủ phóng ra các đòn ngắn thật nhanh và mạnh vào các nhược điểm của địch thủ để rồi kết thúc bằng kỹ thuật cầm nã hoặc đánh té địch thủ. 3. Nguyên Tắc Công Thủ Đồng Thời
Theo quan niệm về võ thuật của môn phái Đường Lang thì tất cả mọi hành động không phải là độc quyền riêng cho phòng thủ hay tấn công. Mọi hành động đều hàm chứa tiềm lực đối nghịch nhau, nghĩa là động tác tấn công bao hàm cả tiềm năng chống đỡ. Thật khó mà phân biệt động tác phòng ngự hay hành động tấn công trong môn võ ngựa trời, bởi vì cả hai hành động đều được coi như chỉ là thành phần của một tổng thể: Khi bạn tấn công, động tác phòng vệ đã có sẵn trong đầu bạn. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng cứ rèn luyện và thực hành đi. Khi đỡ gạt một đòn tấn công, hãy giáng trả luôn đòn đánh ngay vào tác nhân nguồn gốc của đòn tấn công đó: Đó chính là nguyên tắc đỡ và đánh cùng một lúc hay là CÔNG THỦ ĐỒNG THỜI cũng vậy. Đây là một chiến thuật chiến đấu tự vệ rất có tốc độ và hiệu nghiệm, giống như kỹ thuật THỦ PHẢN ĐỒNG THỜI hay phòng ngự và trả đòn cực nhanh trong cùng một lúc của võ KIENANDO VIET NAM (xin mời đọc sách THIẾU LÂM KIẾN AN VIỆT NAM quyển 1, trang 106 của võ sư Nguyễn Lâm và Hồng Ngọc Đại Nghĩa xuất bản cuối năm 2004).
4. Nguyên Tắc "Công Tả Thủ Hữu"
Có lẽ đây là một nguyên tắc phổ quát ở nhiều trường phái "công tả thủ hữu" có nghĩa đơn giản là: Đánh trái đỡ phải và ngược lại, tấn công bên phải thì phòng thủ bên trái. Dù trong tấn công hay phòng ngự, luôn luôn nhớ bảo vệ chặt chẽ các vùng trọng huyệt và nhược điểm ở châu thân. Nhớ thu hồi quyền cước ngay khi tay chân ta đã chạm mục tiêu (đánh trúng đối thủ), trừ phi ta đang ra đòn liên hoàn hay áp dụng nguyên tắc liên chiêu. Khi tấn công đối thủ bằng tay phải, tay trái ta hoặc che chở bảo vệ toàn thân hoặc phong tỏa tay địch thủ, khống chế y để tay phải công kích tiếp, theo nguyên tắc liên chiêu. Ngoài ra ta vẫn có thể sử dụng cả tay trái phối hợp với tay phải tung đòn liên hoàn với tốc độ cực nhanh trong tình huống thuận lợi.
5. Nguyên Tắc "Dương Đông Kích Tây" YÙ nghĩa chiến thuật của nguyên tắc này là: Nhử bên Đông, đánh bên Tây hay đánh bên trên (thượng đẳng) để mở ra khoảng trống bên dưới (hạ đẳng) và ngược lại. Chiến pháp này làm đối thủ chú tâm chống đỡ một vùng hay một điểm bị tấn kích, trong khi ta thực sự đánh vào điểm khác, thường là nhược điểm của địch thủ. Trong chiến thuật "nghi binh" hay hư chiêu, nguyên tắc này thường được áp dụng, ta phải luôn cơ động, bám sát đối thủ, luôn thay đổi thân pháp và bộ pháp cho vừa tầm công kích. 6. Nguyên Tắc "Phản Xạ Tự Nhiên"
Nguyên tắc thứ sáu này xem ra cũng lạ thường: Khỏi suy nghĩ, cứ hành động. Hành động phải tự nhiên và theo phản xạ. Thực ra nguyên tắc này nhằm nhắc nhở ta phải tinh luyện tới cảnh giới mẫn cảm để có phản ứng cực kỳ mau lẹ. Giữ cơ thể luôn tự nhiên, mẫn nhuệ (sắc sảo, dễ cảm ứng) sẽ giúp ta có khả năng phản ứng tự phát mau lẹ tức khắc. Muốn được như vậy, cần rèn luyện để thủ đắc một bộ óc sáng suốt, một tinh thần thầm lặng mà tỉnh táo và giữ cho bằng được sự thăng bằng cả thể chất lẫn tinh thần.

Chúng ta nhớ rằng các thể loại võ thuật Thiếu Lâm thường mô phỏng các thao tác của cầm thú. Sự mô phỏng này phần lớn dựa trên phương cách săn mồi của chúng. Loài ăn thịt sống dữ tợn như con ngựa trời vậy mà khi chiến đấu chúng không hề nổi cơn thịnh nộ. Ngựa trời tấn công trong một sự tĩnh lặng tập trung cao độ, thật mạnh, thật nhanh, nhắm vào mục tiêu thuận lợi chắc ăn nhất. Phương cách chiến đấu Đường Lang quyền thể hiện tương tự như vậy.

7. Nguyên Tắc Buông Lỏng và Hoán Bộ.
Trọng tâm của nguyên tắc này là cơ thể luôn được buông lỏng, nhu nhuyễn và bộ pháp phải luôn luôn thay đổi. Qua sự buông lỏng ta dễ dàng rèn luyện cơ thể chú trọng vào một công việc đơn thuần hơn. Khi buông lỏng toàn thân, ta dễ triển khai sức mạnh quyền, cước và mức độ nhạy cảm được nâng cao giúp ta nhận thức được hành vi của đối thủ. Trong tập luyện khí công và thiền định, sự buông lỏng càng quan trọng và cần thiết. Các bộ môn này đòi hỏi ta phải nhận thức được sự vận hành của khí trong cơ thể.

Loại Báo (Beo) được chú ý nhờ tốc độ và sức mạnh của nó là một minh họa về sự cần thiết của sự buông lỏng trong động tác. Quan sát hình ảnh quay chậm của loài báo khi chúng đang chạy, người ta thấy được làn sóng gợn lăn tăn trên thân thể nó. Đó là kết quả của sự buông lỏng cơ thể đã làm gia tăng tối đa sức mạnh và tốc độ của nó. Ở môn Đường Lang, môn sinh cũng được rèn luyện gia tăng tối đa sức mạnh và tốc độ bằng cách vận động trong sự buông lỏng tự nhiên. Một trong những khía cạnh quan trọng của nguyên tắc này là ta phải thực hành các động tác liên tục và hoán đổi bộ vị. Nếu không luân lưu thay đổi phương hướng và vị trí, thân thể ta sẽ trì trệ, ù lì như mặt ao tù, đối thủ sẽ dễ tấn công ta, đồng thời dễ nhận ra hướng đánh của ta để hóa giải. Biết thay đổi vị trí, phương hướng cũng như phương pháp chiến đấu, ta sẽ làm đối thủ hoang mang lo dự đoán lung tung, không biết được đòn tấn công của ta phát xuất từ đâu.

8. Tĩnh Trong Động và Động Trong Tĩnh
Đây là một trong những nguyên tắc uyên thâm nhất trong võ học nói chung và trong Đường Lang quyền nói riêng. Thoạt nghe nói trong sự tĩnh lặng có hành động, trong hành động có sự tĩnh lặng có vẻ khó hiểu, mơ hồ và dường như hơi nghịch lý. Thực ra yếu quyết này hàm chứa một khảo nghiệm uyên bác, một tiềm lực đầy hiệu năng trong khổ luyện võ công.

Ba nguồn Triết học phương Đông có ảnh hưởng lớn lao trong võ học là Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo cũng đồng quan niệm như vậy. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết "Nguồn gốc của Động là Tĩnh", hiểu cách khác là sự tĩnh lặng là nguồn gốc cho hành động. Những tảng băng sơn hay khối tuyết đọng khổng lồ là sự yên lặng tuyệt đối (TĨNH) thế mà lại có thể sản sinh ra những dòng nước hay sông ngòi chảy xiết (ĐỘNG). Khi tham thiền nhập định, toàn thân buông lỏng và bất động, ta đang ở tư thế tĩnh lặng tuyệt đối, nhưng dòng khí vẫn vận hành luân lưu trong nội thể. Tập luyện kiên trì và đứng đắn, người tập có thể cảm ứng được điều này. Hãy suy nghiệm thêm về sự lưu hành của khí trong cơ thể như một nguồn nước chảy xiết qua nhiều vòi nhỏ hay ống dẫn. Nếu các vòi nước hay ống dẫn bị xiết chặt, dòng chảy sẽ CHẬM và YẾU, các ống dẫn được nới lỏng, dòng chảy sẽ NHANH và MẠNH hơn.

Trong tập luyện khí công và tham thiền nhập định, ta giữ toàn thân bất động (tĩnh lặng), buông lỏng, các đường kinh mạch được nới lỏng, mở rộng làm cho khí lưu hành dễ dàng hơn, sự vận hành và thẩm thấu khí đến các tế bào và cơ quan nội tạng tốt hơn, khiến cơ thể được nuôi dưỡng tốt hơn và sức mạnh thể chất cũng như tinh thần được gia tăng. Khái niệm về nguyên tắc Động trong Tĩnh và Tĩnh trong Động là vậy.

Tài liệu tham khảo:
BlackBelt KungFu Fighting Styles - J. Hallander KIENANDO KUNGFU - NGUYỄN LÂM & NGUYỄN VĂN ĐẠI NGHĨA

[ Trở Về ]

Từ khóa » Học Võ Bọ Ngựa