Thiểu Sản Thất Trái Thai Nhi Là Gì? Có điều Trị được Không? | Medlatec

1. Thiểu sản thất trái thai nhi là bệnh như thế nào?

Trái tim của chúng ta gồm 2 nửa trái và phải, được chia thành 4 buồng là tâm nhĩ trái, tâm thất trái, tâm nhĩ phải, tâm thất phải. Trong đó, 2 tâm nhĩ ngăn cách nhau bởi vách liên nhĩ, 2 tâm thất ngăn cách nhau bởi vách liên thất.

Thiểu sản thất trái thai nhi là một dị tật rất phức tạp và ít gặp

Thiểu sản thất trái thai nhi là một dị tật rất phức tạp và ít gặp

Đối với những trường hợp bị thiểu sản thất trái, nửa trái của tim thường rất nhỏ, thậm chí có những trường hợp không có tâm thất trái. Chính vì thế, quá trình bơm máu đi nuôi cơ thể gặp nhiều khó khăn. Khi không được cung cấp đủ máu, các cơ quan trong cơ thể không thể duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp thai nhi và trẻ mới được sinh ra, nhờ còn ống động mạch và lỗ botal nên máu vẫn có thể được đưa tới các cơ quan mà không cần phải qua nửa tim trái.

Có thể phát hiện hội chứng thiểu sản thất trái thai nhi khi siêu âm thai

Có thể phát hiện hội chứng thiểu sản thất trái thai nhi khi siêu âm thai

Trong vòng vài tuần sau sinh, ống động mạch và lỗ botal sẽ đóng lại, đồng nghĩa với việc quá trình bơm máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể ngừng lại và khiến trẻ tử vong.

Một số dấu hiệu của hội chứng thiểu sản thất trái thai nhi:

- Môi, da và móng tay trẻ bị tím tái hoặc có màu xanh.

- Trẻ có biểu hiện khó thở.

- Trẻ bú kém.

- Có hiện tượng hôn mê, thường xuyên có hiện tượng buồn ngủ và không có phản ứng.

- Mạch yếu và nhanh.

2. Phương pháp chẩn đoán và điều trị hội chứng thiểu sản thất trái thai nhi

2.1. Phương pháp chẩn đoán

Bằng kỹ thuật siêu âm, các bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng bệnh trước sinh. Trong trường hợp phát hiện ra tim thai có những bất thường và có dấu hiệu của hội chứng thiểu sản thất trái thai nhi, các bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bầu lên kế hoạch sinh cũng như chuẩn bị những việc cần thiết để chăm sóc cho thai nhi ngay sau khi sinh một cách tốt nhất.

Siêu âm tim là một phương pháp giúp chẩn đoán bệnh

Siêu âm tim là một phương pháp giúp chẩn đoán bệnh

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp trẻ được phát hiện mắc hội chứng HLHS trong vài giờ hay vài ngày sau sinh bằng các phương pháp như siêu âm tim, điện tâm đồ, chụp X-quang ngực, đo hàm lượng oxy trong máu, thông tim hoặc chụp MRI tim để thấy rõ nhất những bất thường.

2.2. Phương pháp điều trị hội chứng thiểu sản thất trái thai nhi

Hội chứng thiểu sản thất trái thai nhi cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ tử vong cho thai nhi và trẻ nhỏ. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ chọn lựa phác đồ điều trị phù hợp nhất để khắc phục tình trạng dị tật bẩm sinh vô cùng phức tạp này.

- Dùng thuốc: Đối với những trường hợp trẻ mới được sinh ra, cần dùng thuốc để giữ kết nối ống động mạch mở, giúp duy trì lưu thông máu đến các cơ quan trong cơ thể, cho đến khi có thể thực hiện được phẫu thuật tim cho trẻ.

- Phẫu thuật: Mục đích của phương pháp phẫu thuật là để nửa bên phải của tim có thể bơm máu có chứa oxy để nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Đồng thời máu đã khử oxy sẽ không đi qua tim mà đi từ tĩnh mạch đến phổi.

Trẻ sẽ cũng cần được thực hiện nhiều loại xét nghiệm cần thiết để phục vụ cho các giai đoạn phẫu thuật diễn ra trong suốt thời thơ ấu của trẻ. Đối với những trường hợp cần thiết, các bác sĩ có thể chỉ định đặt ống thông bổ sung,…

Phẫu thuật điều trị cần được thực hiện sớm để đảm bảo an toàn cho trẻ

Phẫu thuật điều trị cần được thực hiện sớm để đảm bảo an toàn cho trẻ

Một số loại phẫu thuật thường được thực hiện là:

+ Phẫu thuật Norwood: Mục đích của phương pháp phẫu thuật này là nối trực tiếp động mạch chủ tới tâm thất, đồng thời tạo ống thông giữa động mạch chủ và động mạch phổi giúp nửa bên phải của tim có khả năng bơm máu và nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Thời gian thực hiện phẫu thuật là trong vòng 2 tuần đầu tiên kể từ khi trẻ được sinh ra.

+ Phẫu thuật Glenn: Thời gian thực hiện phẫu thuật này là khi trẻ đạt từ 3-6 tháng tuổi và đã được thực hiện phẫu thuật Norwood. Mục đích của phương pháp phẫu thuật này là nối ống nội giữa động mạch chủ và động mạch phổi để thực hiện nối với tĩnh mạch chủ trên nhằm đưa máu về tim qua động mạch phổi. Như vậy, tâm thất phải sẽ giảm được áp lực bởi máu được đưa về thẳng phổi và không cần phải qua tim, đồng thời máu giàu oxy sẽ được bơm lên động mạch chủ để đi đến các cơ quan, duy trì hoạt động sống của cơ thể.

+ Phẫu thuật Fontan: Phẫu thuật này được thực hiện khi trẻ đạt 18 tháng tuổi. Mục đích của phẫu thuật là tạo một con đường dẫn máu ít oxy về thẳng động mạch phổi. Máu giàu oxy và máu ít oxy không trộn lẫn nên có thể tránh được tình trạng tím tái ở trẻ.

Phẫu thuật cho các trường hợp trẻ mắc hội chứng thiểu sản thất trái được đánh giá là loại phẫu thuật phức tạp nhất và khó khăn nhất trong số các loại phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ, đòi hỏi công nghệ hiện đại và bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Những năm trước đây, phương pháp phẫu thuật này có tỉ lệ thành công rất thấp, chỉ dưới 10%. Tuy nhiên, với công nghệ khoa học hiện đại, gần đây, tại Việt Nam, đã có những trường hợp bệnh nhi mắc hội chứng dị tật phức tạp này được cứu sống nhờ phẫu thuật kịp thời.

- Theo dõi chăm sóc: Những trường hợp trẻ mắc phải hội chứng thiểu sản thất trái thai nhi cần được theo dõi và chăm sóc suốt đời bởi các chuyên gia tim mạch vì trẻ vẫn có nguy cơ mắc phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, họ có thể phải dùng thuốc suốt đời hoặc thực hiện các loại phẫu thuật bổ sung. Hơn nữa những trường hợp phải thực hiện phẫu thuật tim khi còn nhỏ cũng có nguy cơ gặp phải những vấn đề về hệ thần kinh trong tương lai.

Để được tìm hiểu thêm về hội chứng này, mời bạn liên hệ đến Hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Từ khóa » Pha Nhĩ Co Là Gì