Thịt, Trứng, Huyết Chim Sẻ Và Những Bài Thuốc Bổ Thận Dương

“Con chim se sẻ

Nó đẻ cột đình

Bà ngoại đẻ má

Thì má đẻ mình.”

Đó là bài đồng dao mà trước đây, người lớn hay hát cho đám trẻ con nghe, rồi đám trẻ con lại hát cho nhau nghe. Với những đứa trẻ, đặc biệt là các bé trai thì câu chuyện bắt chim luôn là chủ đề hấp dẫn. So với các loại bìm bịp, chèo bẻo, trao trảo, chim sâu… thì chim sẻ là loại trẻ con thích nhất vì chúng rất dạn dĩnh và dễ thương.

Trong y học cổ truyền, thịt, huyết, trứng và cả… phân chim sẻ đều được dùng làm thuốc (1).

Đặc điểm chim sẻ

Con chim se sẻ, hay còn gọi là con chim sẻ (CS), sẻ nhà, ma tước, tước điểu…, có tên khoa học là Passer montanus malaccensis Dubois (2).

Chim sẻ
Chim sẻ

Chim sẻ có kích thước khá nhỏ, có thể cầm gọn thân mình trong lòng bàn tay. Loài này có lông màu nâu và hai má màu trắng, mỏ dày nhưng ngắn, lông đuôi cũng ngắn và có 4 ngón chân.

Thông thường, CS hay làm ổ dưới các mái đình, mái nhà, hốc cây và kiếm ăn theo từng đàn rất dạn dĩnh. Nhất là vào mùa thu hoạch, lúa đem về đầy sân phơi, lũ CS lại sà xuống ăn sâu, ăn lúa và khi người ta đi gần tới thì chúng ào ào bay đi. Vậy mà, chỉ một lát sau thôi, cái bọn tinh ranh ấy lại quay về ăn cho no bụng mới thôi.

Công dụng của chim sẻ – vị thuốc bồi bổ

Thịt chim làm thức ăn thì không có gì lạ nhưng thịt chim sẻ thì được biết đến với nhiều công dụng hơn. Trong y học cổ truyền, thịt CS được gọi là tước nhục, có vị ngọt, tính ấm và không có độc. Bên cạnh đó, thịt CS còn chứa chất đạm và chất béo nên được dùng trong các trường hợp như:

  • Bồi bổ ngũ tạng, giúp ích khí, mạnh dương.
  • Điều trị liệt dương ở nam giới.
  • Điều trị gầy yếu, suy nhược cơ thể và hơi thở ngắn.
  • Dùng cho người tạng phủ hư tổn và thận hư (ở người lớn tuổi).
  • Dùng cho phụ nữ mệt đỏi, đau lưng sau khi sinh nở (1).

Cách dùng: Lấy 5 con chim sẻ, bỏ lông, bỏ nội tạng rồi nấu. Sau khi thịt chim chín, đổ thêm một chén rượu rồi nấu thêm một chút nữa, sau đó để thêm hai chén nước, ba nhánh hành thái nhỏ, hai nắm gạo tẻ (đã vo sạch), nấu cho đến khi thành cháo thì ăn (mỗi ngày ăn một lần vào buổi sáng). Nếu không dùng cách này thì có thể lấy thịt CS tẩm rượu, nướng vàng rồi ăn (1).

Ngoài ra, trong trường hợp bị viêm khí quản mạn tính (ở người cao tuổi) hay ho gà (ở trẻ em) thì có thể dùng món ăn CS hấp đường phèn. Cách làm như sau: lấy hai con CS làm sạch, cắt bỏ mật, xắt nhỏ rồi hấp cách thủy với 20 g đường phèn và ăn trong ngày (1).

công dụng của chim sẻ
Công dụng của chim sẻ, Thịt CS được chế biến thành nhiều món ăn

Huyết chim sẻ có tác dụng gì?

Huyết chim sẻ chứa các huyết sắc tố, chất đạm, chất sắt và Can xi. Trong y học cổ truyền, huyết CS được gọi là tước huyết, có vị ngọt, tính ấm và được biết đến với các công dụng như:

  • Bổ âm (dùng cho người suy nhược cơ thể).
  • Cường dương (dùng cho người yếu sinh lý).
  • Dùng cho người thiếu máu nên hay chóng mặt nhức đầu.

Cách dùng: Khi cắt tiết chim thì hứng tiết vào một chén rượu và uống ngay trong một lần. Mỗi ngày uống một lần như thế và uống liên tục trong 10 ngày (1).

Trứng chim sẻ bổ dương, ích tinh

Trứng chim sẻ có chứa chất đạm, chất béo và các vitamin như A, D, E, các khoáng chất như Can xi, Phốt pho, Mangan và Sắt. Trong Đông y, nó được gọi là tước noãn và có các công dụng như:

  • Bổ thận dương, ích tinh.
  • Dùng cho nam giới thận lạnh, liệt dương, ít tinh.
  • Dùng cho nữ giới huyết khô, khí hư.

Cách dùng: Mỗi ngày ăn từ 3 – 5 quả dưới dạng luộc hoặc chiên, ăn liên tục trong 2 đến 3 tháng (1).

Trứng chim sẻ
Trứng chim

Phân chim sẻ có làm thuốc được không?

Nếu bảo phân chim sẻ cũng có thể làm thuốc, bạn có tin không? Thật vậy, phân CS đã được dùng từ rất lâu trong y học cổ truyền với tên gọi là ma tước phần. Ngay từ thế kỷ XIV, danh y Tuệ Tĩnh đã dùng phân chim để điều trị chứng cổ họng sưng đau: lấy 7 viên phân chim tán thành bột rồi trộn với đường kính để làm thành viên hoàn (2 viên), khi dùng thì ngậm và nuốt nước dần (1).

Theo phân tích hóa học thì trong phân chim sẻ có chứa ni tơ toàn phần và amoniac còn theo y học cổ truyền thì vị thuốc này có vị đắng, tính ôn và có tác dụng tiêu tích. Vì thế, trong trường hợp bụng bị đầy chướng, kết hòn hay ngực sườn đau tức thì có thể lấy 21 viên phân chim phơi khô, tán bột rồi hòa với rượu và uống (1).

Bên cạnh đó, phân CS còn có tác dụng chống viêm và làm sáng mắt. Vì vậy, nó được dùng điều trị mụn nhọt, đầu đinh bằng cách nghiền với nước rồi thoa lên (1).

Hiển nhiên, phân chim sẻ chỉ là một trong các vị thuốc điều trị bệnh và trên thực tế, người ta thường chọn các biện pháp thay thế khác.

Bài thuốc ngâm rượu thịt chim sẻ

Chim sẻ được dùng trong nhiều bài thuốc ngâm rượu với công dụng bồi bổ. Trong đó, có thể kể đến bài thuốc sau đây với công dụng bổ thận, điều trị liệt dương, tiểu tiện nhiều lần, lưng và đầu gối lạnh, đồng thời còn giúp thân thể khỏe khoắn.

Thành phần: 9 con chim sẻ, 30 g viễn chí, 30 g bổ cốt chỉ, 30 g tiểu hồi hương, 30 g sà sàng tử, 90 g đường phèn và 2 kg rượu trắng.

Cách dùng: làm sạch CS (bỏ lông, bỏ nội tạng, bỏ chân) rồi để vào một túi vải cùng với 4 vị thuốc còn lại (đã tán nhỏ), Sau đó, để túi thuốc vào nồi và đổ rượu vào, đậy kín rồi đun bằng lửa nhỏ khoảng nửa tiếng thì đổ vào keo, đậy kín. Sau 7 ngày, vớt bỏ bã và để dùng dần.

Liều lượng: Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 g và uống vào lúc đói (3).

Lưu ý

  • Người bị cao huyết áp không được dùng (1).
  • Ngoài chim sẻ thì chim sẻ đồng (thường thấy ở các vùng núi cao) cũng được dùng như chim sẻ.

Nguồn tham khảo

  1. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 1096.
  2. Passer montanus, https://vi.wikipedia.org/wiki/Passer_montanus,
  3. Mẫn Đào, 999 bài thuốc ngâm rượu, NXB Văn hóa dân tộc, trang 112.

Từ khóa » Bổ Sẻ Là Gì