Thơ Bèo đánh Bại Quân Minh | Giác Ngộ Online

Câu chuyện như sau: Sau khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, nhà Minh sai Mao Bá Ôn đem quân sang hỏi tội. Mao Bá Ôn dừng quân nơi cửa ải, đưa ra bài thơ "Vịnh cây bèo" gửi quan quân nhà Mạc:Tuỳ điền trục thuỷ mạo ương châmĐáo xứ khan lai thực bất thâmKhông hữu căn miêu không hữu diệpCảm sinh chi tiết cảm sinh tâmĐồ tri tụ xứ ninh tri tánĐản thức phù thời ná thức trầmĐại để trung thiên phong ác khíTảo quy hồ hải tiện nan tầm.(Bèo mọc trong ruộng nước nhỏ như cái kim, rễ bám vào đâu thì không ai biết, không ăn sâu. Bèo đã không gốc rễ, không có lá, không có cả cành. Tuy rằng hợp lại đấy nhưng tan rã cũng rất mau, chỉ một trận gió là tan tác, nếu gặp phải khí trời xấu, bão gió thì quét một trận là ra hồ ra bể, không ai còn thấy vết tích nữa).Bài thơ đồng thời là một văn thư ngoại giao đặc biệt lúc chuẩn bị giáp chiến, kể như một tối hậu thư. Bởi vậy nên giọng điệu lớn lối, răn đe, dè bỉu, nhục mạ... nhằm làm nhụt ý chí của quan quân nhà Mạc – chính thể đang được Mao Bá Ôn ví như cụm bèo trên sóng nước!Khí phách nhà Mạc, được chứng tỏ bằng bài thơ đáp trả. Bài thơ cũng vịnh cây bèo, dùng lối họa nguyên vận, như sau:Cẩm lân mật mật bất dung châmĐái diệp liên căn khởi kế thâmThường dữ bạch vân tranh thuỷ diệnKhảng giao hồng nhật truỵ ba tâmThiên trùng lãng đả thành nan pháVạn trận phong xuy vĩnh bất trầmĐa thiểu ngư long tàng nghiểu lýThái Công vô kế hạ câu tầm.

(Bèo kết lại với nhau đầy đặc như vảy gấm, dù cái kim chui qua cũng không lọt, cành rễ liền nhau mọc chằng chịt ăn rất sâu. Thường cùng đám mây trắng tranh vẻ đẹp trên mặt nước, ôm cả vầng mặt trời vào lòng sóng; ngàn trùng sóng đánh cũng e khó có thể phá; vạn trận gió cồn cũng chẳng thể nào chìm. Bèo còn có cá rồng ẩn mình bên dưới; và khi Thái Công hết kế thì cũng buông câu xuống dưới đám bèo mà tìm).Bài thơ họa quả lợi hại. Bài xướng mượn cây bèo để chỉ sự yếu kém hèn nhược của nước Việt bấy giờ, rằng thế nước mong manh, chẳng chỗ bám, rằng những quần thần chí sĩ đương thời chỉ tạm xuất hiện vậy thôi chứ chỉ cần một trận cuồng phong của binh mã nhà Minh thì tất cả nước Nam đều bị cuốn phăng ra biển Đông. Thị uy trước khi tiến đánh một nước nhỏ, kể ra bài thơ của Mao Bá Ôn cũng khẩu khí khác thường. Nhưng đến bài thơ họa lại thì quả là nhân tài nước Việt chưa cạn kiệt. Cũng với hình ảnh cây bèo vừa được quân Minh đem ra dè bỉu, người nước Nam nhìn thấy ở đó là cả một sự vững chắc sinh động linh hoạt và tàng ẩn nhiều yếu tố bất ngờ. Mao Bá Ôn cho rằng bèo không rễ không cành nên dễ tan tác, còn bài thơ họa lại cho rằng bèo vốn đan nhau giữa lá và rễ không dễ rứt ra được. Bài xướng cho rằng cây bèo xấu xí không đáng để ý, trong khi bài họa nhấn mạnh rằng mây trắng và mặt trời hồng vẫn thường gần gũi với thân bèo. Nói thế khác nào đáp thẳng vào quân Minh rằng "tuy nước nam nhỏ bé nhưng thuộc thành phần chính nghĩa, sở hữu chân lý và có cơ sở hành động đúng đạo". Đối với văn phong ngoại giao trước trận, dùng lời thơ để vừa khẳng định vị thế quân mình, vừa ngầm ý chỉ trích đối phương không chính trực như thế, vốn không có nhiều trong lịch sử. Bài xướng mạnh dạn khẳng định "thiên trùng lãng đả thành nan phá, vạn trận phong xuy vĩnh bất trầm" (ngàn trùng sóng đánh e khó phá; vạn trận gió cồn cũng không chìm). Với cây bèo, quả có thế thật. Sóng đánh khó tan, gió thổi khó chìm, bởi thân bèo nhẹ, bèo là loài thuỷ mộc sống trên mặt nước xưa nay. Đã thế, hai câu kết của bài thơ họa mới là một đòn chí mạng giáng vào thái độ kiêu căng hống hách của quân Minh: "Đa thiểu ngư long tàng nghiểu lý/ Thái Công vô kế hạ câu tầm" (Ít nhiều cũng có rồng đang ẩn/ Lã Vọng tìm mưu cũng tới đây). Đây là lời cảnh báo với quân Minh: chớ khinh nước Việt hết người tài, mặc dù nước nhỏ nhưng nhân tài mưu sĩ đang ẩn nhẫn chờ thời cũng còn trong đó, chẳng đùa được đâu.Với giọng thơ kiêu bạc mà khí phách, đanh thép và thâm thuý, chỉ tám câu thơ đủ đánh lui binh mã nhà Minh. Có lẽ, sự kiện giao tranh không xảy ra như việc “tiền văn hậu võ” của Mao Bá Ôn trên đây cũng là chuyện hiếm hoi trong sử sách.Từ chỗ hâm mộ hai bài thơ hay gắn với sự kiện lịch sử nước nhà, tôi lần tìm lịch sử xuất xứ của hai bài “thơ bèo đặc biệt”.Về sự kiện Mao Bá Ôn đem quân hỏi tội nhà Mạc, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Giáp Ngọ, [Nguyên Hoà] năm thứ 2 [1534], (Mạc Đại Chính năm thứ 5, Minh Gia Tĩnh năm thứ 13). Nhà Minh nghe tin Mạc Đăng Dung cướp ngôi, đặt quan lại nguỵ, chiếm giữ Kinh thành, ngăn trở đường tiến cống, tự tiện làm bài Đại cáo, tiếm xưng là thượng hoàng, tội trạng đã rõ, bèn sai Hàm Ninh hầu Cừu Loan làm tổng đốc quân vụ, Binh bộ thượng [2a] thư Mao Bá Ôn làm tham tán quân vụ, đem quân sang hỏi đánh.

(Đại Việt sử ký toàn thư - bản kỷ tục biên, quyển 16, kỷ nhà Lê, phụ lục họ Mạc, phần Trang Dụ Tông hoàng đế).Như vậy, nếu lần nhà Minh đem quân tiến đánh Đại Việt vào năm 1534 như Đại Việt sử ký toàn thư chép trên đây đã làm xuất xứ hai bài thơ Bèo, xét trong bối cảnh Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê vào năm 1527, thì thời gian 1534 nhà Minh đem quân sang hỏi tội (7 năm sau khi nhà Mạc cướp ngôi) theo ĐVSKTT là có thể.Nhưng trên trang web của Viện Việt Học lại dựa vào Việt sử toàn thư, công bố chi tiết về một lần Mao Bá Ôn đem quân đánh nhà Mạc vào năm 1540 (Canh Tý), tức trễ hơn 6 năm so với sự kiện chép trong Đại Việt Sử ký toàn thư. Sự kiện Mao Bá Ôn đem quân đánh nhà Mạc được Viện Việt học thuật lại có liên quan đến một bài thơ của vua Minh, nhưng không thấy nhắc đến sự kiện đối đáp nhau qua bài thơ bèo, cụ thể như sau:"Năm Canh Tý (1540) lại thấy nhà Minh đem lực lượng võ trang sang ta. Về phía Minh đế, ta thấy có chi tiết này đáng kể: Minh triều buổi đầu quả có cương quyết diệt nhà Mạc để cướp nước Việt Nam nên đã cử Đô Đốc Cừu Loan và Tán Lý Mao Bá Ôn vào loại danh thần lương tướng của họ đem quân lên đường, vua Minh đã tặng một bài thơ lời lẽ rất trang trọng, đầy thân mến và khuyến khích. Nguyên văn bài thơ đó như sau:

Đại tướng Nam chinh đởm khí hàoYên hoành thu thủy nhạn linh đaoPhong xuy đà cổ sơn hà độngĐiện thiển tinh kỳ nhật nguyệt caoThiên thượng kỳ lân nguyên hữu chủngHuyệt trung lân nghị khởi năng đàoThái bình đãi chiến qui lai nhậtTrẫm giữ tiên sinh giải chiến bàoLược dịch:Đại tướng Nam chinh khẳng khái saoLưng đeo sáng quắc nhạn linh đaoGió lay trống trận sơn hà độngChớp nhoáng cờ đồn nhật nguyệt caoTrời thẳm kỳ lân sinh giống sẵnHang sâu kiến cỏ trốn đằng nào?Thái bình khi chiếu đòi về nướcTrẫm cởi dùm khanh áo chiến bào”.Thiết nghĩ: nếu hai bài thơ Bèo xuất xứ từ lần đem quân sang Đại Việt năm 1540 này, thì bên cạnh bài thơ của vua Minh, sử chắc sẽ chép cả hai bài thơ Bèo nữa. Nhưng cũng không loại trừ Minh sử vì tự ái trước sự lép vế của bài “thơ xướng” của Mao Bá Ôn mà không chép lại.Về tác giả bài thơ, trong thư tịch của hòa thượng Thích Trí Thủ được lưu giữ trên trang web phatviet.com, có bản dịch hai bài thơ bèo xướng và họa trên. Bản dịch không kèm bản nguyên tác, nhưng có ghi rõ: "Do Trạng Giáp Hải họa. Nguyên tác của Bao Bá Ôn".Bản dịch như sau:CÂY BÈODọc theo ruộng nước bám như châmRể bám vào đâu cũng chẳng thêmVờ có căn nguyên, vờ có lẽDám chi sạch tiết, dám chi tâmTụ rồi đã chắc chi khi tánNổi đó nào hay đến lúc chìmGặp trận trời cho cơn gió lốcQuét tan hồ bể khó mà tìm ***Chen nhau vảy gấm khó luồn kimCành rễ liền nhau chẳng kể thânTranh với bóng mây trên mặt nướcHé dung ánh nhật lọt dòng tâmNghìn trùng sóng đánh thường không vỡMuôn trận phong ba cũng chẳng chìmNào cá nào rồng trong ấy ẩnCần câu Lữ Vọng khó mà tìm.

So với nguyên văn chữ Hán của hai bài thơ, và mặc dù trang web không ghi rõ, nhưng so với bản chép tay trong tập vở của bố tôi, thì bài thứ nhất là Hòa thượng Trí Thủ dịch bài xướng của Mao Bá Ôn, bài thứ hai mới là bài họa, và Hòa thượng ghi rõ là của “Trạng Giáp Hải”. Bản dịch của hoà thượng Thích Trí Thủ dịch sát nghĩa từng bài. Chưa rõ văn bản nguyên tác mà Hoà thượng y cứ để dịch là văn bản nào, nhưng xét độ sát nghĩa giữa bản dịch và nguyên tác hiện có được, thì thấy tư liệu nguyên tác của Hòa thượng là đáng tin cậy. Do vậy, chi tiết Hòa thượng Thích Trí Thủ cho rằng tác giả bản dịch là Giáp Hải cũng đáng lưu tâm.

Về hành trạng của Giáp Hải có chép trong sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, phần “Nhân vật chí”, cụ thể là Giáp Hải đỗ Trạng nguyên khoa Mậu tuất – năm thứ 9 niên hiệu Đại Chính thời Mạc Đăng Doanh (1538). Sách chép: “Ông thường qua Nam Quan bàn việc, ứng đáp tinh lanh, được người Minh xưng là Giáp Tuyên Phủ mà không gọi tên. Năm đầu niên hiệu Diên Thành triều Mạc Mậu Hợp, ông làm Thượng thư bộ Lại, kiêm chức Đô ngự sử, tước Luân quận công”. (Lịch triều Hiến chương loại chí – quyển VII - Phan Huy Chú – bản dịch của Nguyễn Thọ Dực). Tiếc thay, phần ghi công trạng của Giáp Hải không thấy đề cập đến việc đối đáp quanh bài thơ Bèo. Nhưng qua sự ghi nhận “ông thường qua Nam Quan bàn việc, ứng đáp tinh lanh…” chứng tỏ việc bang giao vào thời nhà Mạc có sự tham gia tích cực của Giáp Hải. Dù vậy, với năm đỗ trạng nguyên của Giáp Hải là 1538, sau đó ông mới ra làm quan, thì bài thơ Bèo khó có thể ra đời trong trận ra quân của Mao Bá Ôn vào năm 1534 được. Và nếu quả thật cuộc “nghênh chiến bằng… Bèo” giữa Mao Bá Ôn và Giáp Hải xảy ra trong lần ra quân năm 1540, thì sự việc có thể hình dung: vua Minh dùng lời lẽ phủ dụ rất tình cảm tiễn Mao Bá Ôn lên đường ra trận, nhưng rốt cuộc bị mưu sĩ nhà Mạc giáng cho một quả thơ Bèo, nên đành lặng lẽ rút quân và sau đó cũng không thấy Minh sử nhắc gì đến chuyện này. Lam Điền

Từ khóa » Thơ Bèo Nước Gặp Nhau