Thơ Chọn Lời Bình: Kéo Vó Tôm - Văn Nghệ Hà Tĩnh

KÉO VÓ TÔM

Lăng xăng con tôm diu

Lầm lũi chú tôm càng

Lại đây mà ăn thính

Thơm thơm mùi cám rang

Loài tôm quen nghe ngóng

Ngay giữa chừng bữa ăn

Động nhẹ, sóng gợn tăm

Thoắt búng càng phóng thẳng

Đặt vó đừng sốt ruột

Chờ niềm vui sẽ về

Tôm trong rổ tí tách

Đạp càng vào lá tre.

Mặt trời nằm đáy vó

Như một chiếc đĩa nhôm

Nhắc vó: mặt trời lọt

Đáy vó: toàn những tôm.

Nguyễn Công Dương

Kéo vó tôm của trẻ em Việt Nam xưa (Ảnh Internet)

Lời bình:

Kéo vó tôm là một công việc thường ngày của người dân nông thôn kéo vó bắt tôm cho bữa cơm bình dị của gia đình. Tưởng là giản đơn quen thuộc nhưng qua con mắt quan sát của các em lại sinh động và hồi hộp như một trò chơi của con trẻ. Và chính điều đó đã gắn bó tình cảm con người với thiên nhiên với một tình yêu lao động từ những việc nhỏ thường ngày. Bài thơ mở ra bằng những chi tiết ngộ nghĩnh đáng yêu, hiếu động của những chú tôm: “Lăng xăng con tôm diu - Lầm lũi chú tôm càng”. Chỉ với mấy động từ gợi hình chọn lọc “lăng xăng” và “lầm lũi” đã bộc lộ không chỉ hình thái mà cả tính cách khắc họa sống động đáng yêu với câu chào mời: “Lại đây mà ăn thính - Thơm thơm mùi cám rang”. Chỉ có trẻ thơ mới có lời mời bạn bè thân thiết như thế. Nhưng loài tôm là con vật tinh khôn láu lỉnh: “Loài tôm quen nghe ngóng” cho ta hình dung mấy cái râu tôm cựa quậy như ăng ten bắt sóng và cái đuôi uốn cong để thấy động là: “Thoắt búng càng phóng thẳng”. Kéo vó tôm chính là một bài học về sự kiên nhẫn chờ đợi kết hợp với sự khôn khéo linh hoạt: “Đặt vó đừng sốt ruột - Chờ niềm vui sẽ về”. Tôi thích chữ “ùa về” hơn là “sẽ về” ở đây: “Chờ niềm vui ùa về” nó tràn trề đúng với tính cách trẻ thơ hơn. Niềm vui ở đây là kết quả của mẻ vó cất tôm không chỉ là những phút giây được hưởng thành quả lao động mà còn là phấn chấn lòng người - Tôn vinh tình yêu lao động từ một công việc nhỏ. Chỉ có dưới con mắt hiếu động của các em mới phát hiện ra chi tiết quấn quýt hồn quê, hồn làng khi mà: Tôm trong vỏ tí tách - Đạp càng vào lá tre”. Tôm tí tách hay lòng em tí tách. Tí tách mà chộn rộn náo nức, tí tách mà sống dậy hân hoan... Tôi rất thích khổ cuối bài thơ thật bất ngờ, thật đẹp. Một vẻ đẹp sóng sánh mà gợi cảm vô cùng khi: “Mặt trời nằm đáy vó - Như một chiếc đĩa nhôm - Nhấc vó: mặt trời lọt - Đáy vó: toàn những tôm”. Ở đây hình ảnh mặt trời được so sánh với chiếc đĩa nhôm - Chiếc đĩa đựng thức ăn, đựng tôm của bữa cơm đồng quê. Một liên tưởng gần gũi và thân quen đặt vào văn cảnh này thật hợp lý. Nhưng khi kéo lên thì mặt trời to lại lọt, tôm nhỏ lại mắc lưới vó - một nghịch lý thật thú vị. Cất vó tôm chính là cất những ký ức đẹp đẽ của tâm hồn tuổi thơ một thời…

Hà Tĩnh, ngày 12/4/2017 Người bình thơ

Từ khóa » Bài Thơ Kéo Vó Tôm