Viết Về Tuổi Thơ
Có thể bạn quan tâm
Vó kéo tôm
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê miền trung, làng tôi tên Chiến Lợi, ở làng Chiến Lợi người dân chung sống hòa thuận với nhau, quanh năm gắn liền với cánh đồng, với con trâu, dòng sông và bến nước sân đình, cuộc sống trôi qua tuy nghèo khó, nhưng rất đỗi yên bình và tràn ngập hạnh phúc.
Ở quê tôi hồi đó người dân còn chưa dùng phân bón hóa chất, các loại thuốc trừ sâu nên tôm cua, cá ốc còn rất nhiều. Trẻ con trong làng thường hay ra đồng, để mò cua, bắt ốc, cua với ốc nhiều đến mức chỉ cần tùy ý thò tay vào một cái lỗ mà con cua làm tổ trên bờ ruộng là có thể bắt được cua một cách dễ dàng, lượn một vòng bờ ruộng là đã bắt được một túi đầy ụ cua với ốc, con nào con nấy to bự. Lũ trẻ con chúng tôi còn hay lặn xuống dưới những vùng nước sâu để có thể bắt được những con trai, con trùng trục, hay đi theo người lớn đi đánh dặm, kéo te để bắt tôm, bắt tép.
Ngày ấy tôi thích nhất là đi theo anh trai và bà đi đặt vó kéo tôm hay còn gọi là tia kéo tôm. Vó kéo tôm thì toàn là tự làm, không phải cái gì cũng đi mua như bây giờ, làng tôi khi ấy chủ yếu là tự cung, tự cấp, cái gì phải cần thiết lắm hoặc không thể làm được mới đi mua, nếu không thì mọi người toàn tự làm ra một cách hết sức sáng tạo, nhưng đơn giản và rất tiện lợi. Để làm vó kéo tôm, dụng cụ cần làm cũng đơn giản lắm, đơn giản như cái cách người dân quê tôi bao đời nay sinh sống ở chốn này vậy. Chỉ cần những thứ sẵn có gồm một cây tre và cái màn hỏng không dùng được nữa, thêm một ít dây để buộc là có thể làm được vó kéo tôm rồi, nói thì vậy thôi chứ làm không hề dễ như vậy. Đầu tiên vải màn phải được cắt theo hình vuông, tre sau khi chặt về thì được chẻ thành những đoạn nhỏ bằng hai ngón tay người lớn và được uốn cong tại giữa mỗi đoạn tre, tiếp theo buộc hai đoạn tre vừa chẻ lại với nhau tại giữa mỗi đoạn. Cuối cùng là buộc vải màn vào bốn cạnh của hai đoạn tre vừa mới buộc được. Nhìn đôi tay bà làm một cách tỉ mỉ, chính xác, tôi cũng hí hửng xí phần hai đoạn tre và một tấm vải màn nhưng loay hoay một lúc là đành bó tay nên phải trả lại cho bà làm cho xong, để còn đi đặt vó kéo tôm. Kéo tôm thường thường chỉ đi đặt vó vào buổi sáng, lúc đấy thời tiết trong ngày là mát mẻ nhất và cũng là lúc tôm cá ăn lên nhiều nhất. Để chuẩn bị cho một buổi kéo vó ba bà cháu đã chuẩn bị thính từ tối hôm trước. Thính được làm từ cám, thứ sinh ra khi xay xát lúa, hầu như nhà nào cũng nuôi lợn, không thì gà, bò nên thường lấy phần cám đó về cho chúng ăn, chính vì vậy cám rất dễ kiếm. Cám được rang lên cho dậy mùi được gọi là thính, nhưng để thính tốt nhất bà thường hay để qua đêm như vậy thính sẽ thơm, dậy mùi hơn và cũng rất tiện để buổi sáng ba bà cháu đi đặt vó kéo tôm từ sáng sớm.
Bình thường những ngày không phải đi học anh em chúng tôi thường ngủ đến tận khi mặt trời đã ló lên cao, mọi người đi làm đồng chuẩn bị về mới dậy, thế nhưng ngày nào đi kéo vó tôm, chúng tôi sẽ dậy rất sớm vì háo hức mong chờ và vì nếu dậy muộn bà sẽ đi kéo vó mất. Hai anh em tôi vác vó theo bà đến những cái ao gần nhà tiến hành bắt đầu đặt vó, rồi rắc thính. Việc đặt vó cũng phải thật chuyên nghiệp đấy nhé, đặt mà không chuẩn là vó sẽ bị đổ ngay, đồng nghĩa với việc không được con tôm, con tép nào. Ba bà cháu mỗi người một cây gậy cầm một vài cái vó chia nhau ra tiến hành đặt vó, vó đặt đến đâu thì rắc thính luôn đến đấy, mỗi cái vó đặt cách nhau hai đến ba mét. Đặt xong một vòng khoảng hơn chục cái vó thì ba bà cháu tìm chỗ nào đó để nghỉ ngồi chờ, thường thì đặt khoảng năm, mười phút mới bắt đầu kéo vó lên. Nhưng với tính tò mò và háo hức nên anh em tôi ít khi nào kiên nhẫn đợi lâu được đến thế, lúc nào cũng kéo vó lên rất sớm. Mặc dù vậy do tôm cá có nhiều nên vẫn dính vài con, kéo vó lên chỉ chờ có vậy anh em tôi cầm rổ ra vớt cá bỏ xô, rồi đặt vó lại như cũ và chờ để kéo lần hai. Cứ như vậy đến khi mặt trời lên, nắng bắt đầu trở lên gắt, cũng là lúc chiếc xô anh em tôi mang theo đã được kha khá cá tôm, ba bà cháu thu dọn đồ đoàn, vó gậy để về. Thành quả cả buổi sáng của ba bà cháu được mang về nhà cho mẹ, để chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Những con tép, con tôm được mẹ rửa sạch, rang vàng, mùi thơm đến nức mũi, anh em chúng tôi đi hái lá sung về để cuốn với tép rang, vị chát chát của lá sung, vị béo ngậy của tôm, của tép ăn cùng với cơm rất vừa miệng hôm nào mà có món đó anh em tôi đưa cơm liên tục. Giờ nghĩ lại món tép ngày ấy nước miếng tôi vẫn cứ ứa ra ừng ực.
Nhiều năm trôi qua giờ chúng tôi đã lớn, ao hồ đã dần thay thế bằng những ngôi nhà mọc lên, bây giờ tôi cũng chẳng thấy ai làm vó, hay đi đặt vó kéo tôm nữa, bà cũng đã đi xa chúng tôi nhiều năm rồi. Tôm tép muốn ăn có thế ra chợ mua một cách dễ dàng, thế nhưng tôm tép bây giờ chủ yếu là được nuôi chứ tự nhiên trong đồng ruộng chắc không còn. Cũng món ăn đó, cũng cách nấu năm nào nhưng hương vị của nó cứ thiếu thiếu một thứ gì đó chẳng thể như ngày xưa. Chợt tôi nhận ra rằng có những thứ mà con người ta chỉ có thể trải nghiệm, thưởng thức trong một khoảng thời gian hay một khoảnh khắc của đời người mà thôi. Khi đã qua rồi thì tất cả chỉ còn lại trong ký ức, hoài niệm vì vậy hãy trân trọng những gì mà bản thân đang có để không phải hối tiếc về những khoảng ký ức ngày hôm nay của sau này.
+Từ khóa » Bài Thơ Kéo Vó Tôm
-
Thơ Chọn Lời Bình: Kéo Vó Tôm - Văn Nghệ Hà Tĩnh
-
Tôi Lại Về Quê Kéo Vó Tôm… - Tạp Chí Thủy Sản
-
KÉO VÓ TÔM - SĂN TÔM ĐÊM | Bát Giới TV Official - YouTube
-
Bài Thơ: Kéo Vó đêm Trăng (DTNg) - Thi Viện
-
Tuổi Thơ đi Kéo Vó Tôm - Báo Quân đội Nhân Dân
-
VIẾT 1. Dựa Vào Bài "Kéo Vỏ Tôm", Em Hãy Viết Từ 3 đến 5 Câu Tả ...
-
Em Hiểu Như Thế Nào Về 2 Câu Thơ Cuối Trong Bài Thơ: Kéo Vó Tôm ...
-
Giải Bài Tập Tiếng Việt - Tập đọc 3 - Phạm Huy Thiện - Thư Viện đề Thi
-
Cất Vó - Hồng Loan
-
Tôi Lại Về Quê Kéo Vó Tôm… - Tép Bạc
-
Những Ngày đi Cất Vó Tôm
-
Những Bài Thơ Hay Nhất Của Nhà Thơ Nguyễn Công Dương
-
Mùa Kéo Vó Trên Sông Quê Tôi - UBND Huyện Phú Ninh