Thở Nặng Cảnh Báo Bệnh Xơ Phổi Vô Căn - VnExpress

Theo GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, tại Việt Nam, hầu hết người bệnh xơ phổi vô căn thường gặp ở người 50-70 tuổi, ít gặp ở độ tuổi dưới 50. Bệnh xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ, đôi khi xuất hiện ở các thành viên trong một gia đình. Nhiều chuyên gia tin rằng một số gen có thể là nguyên nhân của bệnh xơ phổi.

Xơ phổi vô căn là một bệnh lý mạn tính ở phổi, không xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Một số giả thuyết cho rằng bệnh hình thành do tình trạng viêm của phế nang, dẫn đến hình thành các mô sẹo (xơ hóa) ở phổi. Chính vì thế, xơ phổi vô căn còn có tên gọi khác là viêm xơ phế nang vô căn.

Giáo sư Châu cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu đều cho rằng xơ phổi vô căn khiến các tế bào lót trong phế nang tổn thương. Các tế bào này cố gắng sửa chữa, khắc phục tổn thương nhưng quá trình khắc phục vượt quá sự kiểm soát khiến các phế nang trở nên dày hơn. Phế nang, mô kẽ phổi bị xơ hóa làm giảm lượng oxy đi qua thành phế nang vào mạch máu, lâu ngày gây thiếu oxy trầm trọng, người bệnh ho, mệt mỏi và khó thở nặng dần.

Không khí ô nhiễm là một trong những tác nhân gây xơ phổi. Ảnh: Shutterstock.

Không khí ô nhiễm là một trong những tác nhân gây xơ phổi. Ảnh: Shutterstock.

Nguyên nhân bệnh

Xơ phổi vô căn còn được gọi là xơ phổi nguyên phát, hay xơ phổi tự phát để phân biệt với xơ phổi thứ phát xuất hiện do các tổn thương phổi đã có từ trước như lao phổi, nhồi máu phổi, viêm phổi... Xơ phổi vô căn là tình trạng không xác định được nguyên nhân gây xơ phổi. Tuy nhiên, giáo sư Châu chia sẻ, các nghiên cứu cho thấy một vài yếu tố nguy cơ có thể kích hoạt tổn thương các tế bào lót trong phế nang phổi.

Bệnh thường gặp ở những người thường xuyên hút hoặc từng hút thuốc lá. Một số chủng virus như Epstein-Barr, viêm gan siêu vi C có thể là tác nhân gây bệnh. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nếu không được điều trị sớm và đúng cách, dịch dạ dày có thể trào ngược lên thực quản và bị hít vào phổi một cách vô thức cũng có thể làm tăng nguy cơ gây xơ phổi.

Bên cạnh đó, môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc hoặc phơi nhiễm với bụi gỗ, bụi kim loại hoặc các hóa chất cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số thuốc như methotrexate, cyclophosphamide, azathioprine... có thể gây các tác dụng phụ ảnh hưởng đến phổi. Một số trường hợp xơ phổi vô căn có thể do di truyền.

Nhiều nghiên cứu cho thấy xơ phổi có thể do một số gen di truyền. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều nghiên cứu cho thấy xơ phổi có thể do một số gen di truyền. Ảnh: Shutterstock.

Triệu chứng thường gặp

Xơ phổi vô căn gây sẹo và xơ cứng ở phổi. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, những vết sẹo ở phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Giáo sư Châu lưu ý một số triệu chứng thường gặp ở người bệnh xơ phổi. Trong đó, khó thở là tình trạng xảy ra do lượng oxy vào máu giảm dần theo quá trình phát triển bệnh. Nhiều người bệnh lầm tưởng đó là biểu hiện khi đã lớn tuổi, lơ là không thăm khám dẫn đến bệnh phát triển nguy hiểm, người bệnh ngày càng khó thở hơn. Ho khan, hoặc ho có đờm; cơ thể mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân cũng là biểu hiện của bệnh. Ngoài ra, "ngón tay hoặc ngón chân dùi trống là triệu chứng có thể gặp ở những ca bệnh xơ phổi vô căn", giáo sư Châu nói. Đây là hiện tượng sưng ở gốc móng tay, móng chân nhưng không đau và cũng thường gặp ở những người bệnh tim, phổi và một số bệnh khác.

Giáo sư cũng cho biết thêm, tùy từng giai đoạn tiến triển bệnh mà các triệu chứng bệnh có thể khác nhau. Có thể các triệu chứng bệnh đi nhanh chóng trong đợt bùng phát, sau đó thuyên giảm trong giai đoạn ổn định; có thể bệnh trở nặng hơn và không hồi phục. Các phương pháp can thiệp lúc này không thể ngăn chặn được sẹo và các tổn thương ở phổi, gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy tim, thuyên tắc phổi, tăng áp động mạch phổi...

Ngón tay dùi trống xuất hiện khoảng 50% những bệnh nhân xơ phổi. Ảnh: Shutterstock.

Ngón tay dùi trống xuất hiện khoảng 50% những bệnh nhân xơ phổi. Ảnh: Shutterstock.

Phương pháp điều trị

Theo giáo sư Ngô Quý Châu, hiện chưa có phương pháp điều trị bệnh xơ phổi vô căn triệt để. Các biện pháp can thiệp chủ yếu là kiểm soát và giảm thiểu các triệu chứng bệnh, giúp người bệnh thoải mái hơn, kéo dài thời gian sống, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn, gồm bỏ thuốc lá, sử dụng thuốc, tập vật lý trị liệu, tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm.

Ghép phổi là một cuộc đại phẫu lớn, đòi hỏi phải điều trị suốt đời với các thuốc ức chế miễn dịch nhằm ngăn chặn việc thải loại phổi ghép. Tuy nhiên, không phải tất cả người bệnh xơ phổi vô căn đều có thể thực hiện phương pháp này. Người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Ngoài ra, việc điều trị bằng thuốc hoặc các liệu pháp khác có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người bệnh, do đó có thể cần thận trọng đối với những người bệnh lớn tuổi có triệu chứng bệnh nhẹ. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần được thăm khám, theo dõi thường xuyên để tránh bệnh tiến triển nặng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Biện pháp phòng ngừa

Giáo sư Châu khuyến cáo, để phòng tránh các triệu chứng khó chịu và biến chứng nguy hiểm của xơ phổi vô căn, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau: từ bỏ thói quen hút thuốc lá; thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh; tập thể dục, chơi thể thao nâng cao sức khỏe; tiêm vaccine đầy đủ phòng ngừa các bệnh lý về phổi, và tránh các bệnh lý trở nên nghiêm trọng khi mắc bệnh phổi; thực hiện tái khám định kỳ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Xơ phổi vô căn có thể được kiểm soát nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi có các triệu chứng bệnh kể trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa có hệ thống máy móc hiện đại, hỗ trợ phát hiện và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Thúy Nguyễn

Từ khóa » Xơ Phổi Vô Căn Là Gì