Xơ Phổi Vô Căn: Dấu Hiệu, Nguyên ... - Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Anh

Xơ phổi vô căn không chỉ khiến các mô trong phổi bị cứng, xơ hóa mà còn ảnh hưởng đến đường hô hấp và hệ thống mạch máu phổi. Bệnh gây biến đổi cơ học phổi và quá trình trao đổi khí, sinh lý học phế quản, khiến người bệnh gặp khó khăn khi hít thở.

Thực trạng ô nhiễm môi trường, không khí bụi bẩn khiến tỷ lệ mắc bệnh xơ phổi và tử vong do xơ phổi ngày càng gia tăng đến mức báo động trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, hầu hết người bệnh xơ phổi vô căn thường gặp ở độ tuổi 50 – 70 tuổi do hệ miễn dịch suy giảm, ít gặp ở độ tuổi dưới 50 tuổi. Bệnh xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ, đôi khi xuất hiện ở các thành viên trong một gia đình. Nhiều chuyên gia tin rằng một số gen có thể là nguyên nhân của bệnh xơ phổi. (1)

xo phoi vo can nguyen phat
Không khí ô nhiễm là một trong những tác nhân gây xơ phổi

Xơ phổi vô căn là gì?

Xơ phổi vô căn (tiếng Anh là Idiopathic Pulmonary Fibrosis) là một bệnh lý mạn tính ở phổi, không xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Một số giả thuyết cho rằng bệnh hình thành do tình trạng viêm của phế nang, dẫn đến hình thành các mô sẹo (xơ hóa) ở phổi. Chính vì thế, bệnh còn có tên gọi khác là viêm xơ phế nang vô căn (Cryptogenic Fibrosing Alveolitis). (2)

Giáo sư Ngô Quý Châu cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu đều cho rằng xơ phổi khiến các tế bào lót trong phế nang tổn thương bằng một cách nào đó. Mặc dù các tế bào này cố gắng sửa chữa, khắc phục tổn thương nhưng quá trình khắc phục vượt quá sự kiểm soát khiến các phế nang trở nên dày hơn. Phế nang, mô kẽ phổi bị xơ hóa làm giảm lượng oxy đi qua thành phế nang vào mạch máu, lâu ngày gây thiếu oxy trầm trọng, người bệnh ho, mệt mỏi và khó thở nặng dần.

Nguyên nhân gây bệnh

Xơ hóa phổi vô căn còn được gọi là xơ phổi nguyên phát hay xơ phổi tự phát để phân biệt với xơ phổi thứ phát xuất hiện do các tổn thương phổi đã có từ trước như lao phổi, nhồi máu phổi, viêm phổi,… Bệnh là tình trạng không xác định được nguyên nhân gây xơ phổi, tuy nhiên, GS.TS.BS Ngô Quý Châu chia sẻ, các nghiên cứu cho thấy một vài yếu tố nguy cơ có thể kích hoạt tổn thương các tế bào lót trong phế nang phổi gồm:

banner tâm anh quận 7 content
  • Hút thuốc lá: Bệnh thường gặp ở những người thường xuyên hút hoặc đã từng hút thuốc lá;
  • Nhiễm virus: Một số chủng virus như Epstein-Barr, viêm gan siêu vi C là tác nhân gây bệnh;
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, dịch dạ dày có thể trào ngược lên thực quản và bị hít vào phổi một cách vô thức gây xơ phổi;
  • Ô nhiễm môi trường: Môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc hoặc phơi nhiễm với bụi gỗ, bụi kim loại hoặc các hóa chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh;
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc như Methotrexate, Cyclophosphamide, Azathioprine… có thể gây các tác dụng ảnh hưởng đến phổi;
  • Yếu tố di truyền: Một số trường hợp có thể do di truyền.
xo phoi do gen di truyen
Nhiều nghiên cứu cho thấy xơ phổi có thể do một số gen di truyền

Triệu chứng thường gặp của xơ phổi nguyên phát

Xơ phổi nguyên phát gây sẹo và xơ cứng ở phổi. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, những vết sẹo ở phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. GS.TS.BS Ngô Quý Châu chia sẻ, thông thường người bệnh xơ phổi sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Khó thở: Tình trạng này xảy ra do lượng oxy vào máu giảm dần theo quá trình phát triển bệnh. Nhiều người bệnh lầm tưởng đó là biểu hiện khi đã lớn tuổi, lơ là không thăm khám dẫn đến bệnh phát triển nguy hiểm, người bệnh ngày càng khó thở hơn.
  • Ho khan, hoặc ho có đờm.
  • Cơ thể mệt mỏi, cân nặng sụt giảm không rõ nguyên nhân.
  • Ngón tay hoặc ngón chân có hình dùi trống: Thống kê triệu chứng này xuất hiện ở 50% ca bệnh. Ngón tay hoặc ngón chân dùi trống là hiện tượng sưng ở gốc móng tay, móng chân nhưng không đau. Hiện tượng này cũng thường gặp ở những người bệnh tim, phổi và một số bệnh khác.

Tùy từng giai đoạn tiến triển bệnh mà các triệu chứng bệnh có thể khác nhau. Có thể các triệu chứng bệnh đi nhanh chóng trong đợt bùng phát, sau đó thuyên giảm trong giai đoạn ổn định. Hoặc có thể bệnh trở nặng hơn, không hồi phục và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

ngon tay co hinh dui trong
Ngón tay dùi trống xuất hiện khoảng 50% những bệnh nhân xơ phổi

Biến chứng nguy hiểm

Bệnh tiến triển khiến sức khỏe bệnh nhân trở nên tồi tệ, các phương pháp can thiệp lúc này không thể ngăn chặn được sẹo và các tổn thương ở phổi, gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy tim, thuyên tắc phổi, tăng huyết áp động mạch phổi,…

Phương pháp chẩn đoán bệnh xơ phổi vô căn nguyên phát

Trong trường hợp người bệnh có triệu chứng ho khan hoặc khó thở nhưng không xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể nghi ngờ người bệnh mắc chứng xơ phổi tự phát. Thông qua tiếng thở bất thường khi người bệnh hít sâu vào, hoặc đầu ngón tay, ngón chân bị biến dạng thất thường, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp và nồng độ oxy trong máu để xác định chính xác tình trạng bệnh. (3)

“Một số trường hợp phức tạp hơn, người bệnh có thể được chỉ định làm thêm một số kiểm tra cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp CT ngực độ phân giải cao, siêu âm tim và sinh thiết phổi để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán bệnh xơ phổi được chính xác nhất”, GS.TS.BS Ngô Quý Châu chia sẻ thêm.

cac bac si tai khoa noi ho hap tam anh
Khoa Nội hô hấp, BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành 

Phương pháp điều trị bệnh xơ phổi tự phát

Giáo sư Ngô Quý Châu cho biết, hiện chưa có phương pháp điều trị bệnh triệt để, các biện pháp can thiệp chủ yếu là kiểm soát và giảm thiểu các triệu chứng bệnh, giúp người bệnh thoải mái hơn, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn. (4)

  • Bỏ thuốc lá: Nếu người bệnh có thói quen hút thuốc lá, cần bỏ ngay lập tức.
  • Sử dụng thuốc:Trong xơ phổi, phế nang bị viêm dẫn đến xơ hóa. Việc sử dụng các loại thuốc giảm viêm như steroid hoặc corticoid kết hợp với thuốc ức chế miễn dịch được dùng trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý đến tác dụng phụ của steroid như làm tăng huyết áp, đái tháo đường, gây khó ngủ.
  • Tập vật lý trị liệu: Liệu pháp này gồm giáo dục và hướng dẫn người bệnh một số bài tập thể dục, hỗ trợ phục hồi chức năng hô hấp.
  • Tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm: Mục đích của liệu pháp này nhằm giúp bảo vệ người bệnh tránh khỏi nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn nếu đã mắc bệnh xơ phổi.
  • Ghép phổi: Đây là một cuộc đại phẫu lớn, đòi hỏi phải điều trị suốt đời với các thuốc ức chế miễn dịch nhằm ngăn chặn việc thải loại phổi ghép. Tuy nhiên, không phải tất cả người bệnh xơ phổi đều có thể thực hiện phương pháp này. Người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
  • Không điều trị: Việc điều trị bằng thuốc hoặc các liệu pháp khác có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người bệnh, do đó có thể cân nhắc không điều trị đối với những người bệnh lớn tuổi có triệu chứng bệnh nhẹ. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần được thăm khám, theo dõi thường xuyên để tránh bệnh tiến triển nặng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
bac si chau kham cho benh nhan
Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị và lịch hẹn tái khám của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất

Biện pháp phòng ngừa bệnh xơ phổi vô căn

GS.TS.BS Ngô Quý Châu khuyến cáo, để phòng tránh các triệu chứng khó chịu và biến chứng nguy hiểm của hiện tượng viêm xơ phế nang vô căn, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
  • Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh.
  • Tập thể dục, chơi thể thao nâng cao sức khỏe.
  • Tiêm vắc xin đầy đủ phòng ngừa các bệnh lý về phổi, và tránh các bệnh lý trở nên nghiêm trọng khi mắc bệnh phổi.
  • Thực hiện tái khám định kỳ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
cai thuoc la
Không hút thuốc lá là khuyến cáo đầu tiên để phòng ngừa các bệnh lý ở phổi

Hội chứng xơ phổi vô căn có thể được kiểm soát nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi có các triệu chứng bệnh kể trên, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa có hệ thống máy móc hiện đại, hỗ trợ phát hiện và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Khoa Nội hô hấp BVĐK Tâm Anh đầu tư hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại như hệ thống nội soi màng phổi, hệ thống nội soi phế quản ống mềm hiện đại dải tần hẹp NBI, máy chụp X-quang công nghệ cao, máy chụp CT 128 dãy phát hiện sớm ung thư phổi, màng phổi, các bệnh phế quản, phổi; hệ thống đo đa ký giấc ngủ giúp chẩn đoán nguyên nhân ngủ ngáy, mất ngủ và căn chỉnh điều trị hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, máy thở không xâm nhập điều trị suy hô hấp…

Bên cạnh đó, khoa Nội hô hấp BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, đặc biệt là GS.TS.BS Ngô Quý Châu – “cây đại thụ” trong ngành hô hấp Việt Nam. Từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Chủ tịch Hội Hô hấp Hà Nội, thành viên Hội Hô hấp châu Âu, Hội Lồng ngực Hoa Kỳ, Hội Phổi các nước nói tiếng Pháp và thường xuyên trao đổi chuyên môn với các chuyên gia đầu ngành thế giới, GS.TS.BS Ngô Quý Châu không chỉ được biết đến trong lĩnh vực nội hô hấp tại Việt Nam, mà còn có sức ảnh hưởng ở các quốc gia châu Âu. 

Để được tư vấn và đặt lịch khám các bệnh lý hô hấp – phổi mạn tính tại khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách vui lòng liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Bài viết này là tổng hợp tất cả các kiến thức bạn cần biết về bệnh xơ phổi vô căn. Để tham khảo thêm nhiều kiến thức bổ ích về các bệnh đường hô hấp từ các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Tâm Anh hãy xem chuyên mục kiến thức y khoa nội hô hấp.

Từ khóa » Xơ Phổi Vô Căn Là Gì