Thơ Nguyễn Huy Hoàng | Văn Việt

Nguyen Huy HoangNguyễn Huy Hoàng. Quê quán: Hà Tĩnh. TS Ngữ Văn. Nghề nghiệp: Giảng dạy, Nghiên cứu văn học. Hiện sống và làm việc tại Matxcơva – LB Nga. Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam

Tác phẩm đã in

Ngoảnh lại (Thơ) NXB Văn học, Hà Nội 1995

Dư âm (Thơ) NXB Văn học, Hà Nội 1996

Phía bên kia trời (Thơ) NXB Văn học Hà Nội 1999

Miền yêu thương (Thơ) NXB Văn học, Hà Nội 2002

Đa mang (Thơ) NXB Văn học, Hà Nội 2005

Matxcơva thời mở cửa (Truyện Ký) NXB Sáng tạo, Matxcơva Liên bang Nga 1998, NXB Văn hoá Hà Nội tái bản 2002

Vẫn còn có bao điều tốt đẹp (Thơ) NXB Văn học, Hà Nội 2008

Giữa thanh thiên, bạch nhật (Thơ) NXB Văn học, Hà Nội 2009

Một thời tôi từng có (Thơ) NXB Văn học, Hà Nội 2012

Đếm bước cuộc hành trình (Ký sự) NXB Lao động, Hà Nội 2012

Canh ngọn đèn đợi sáng (Thơ) NXB Văn học, Hà Nội 2013

Mưu sinh (Ký sự) NXB Hà Nội 2014

Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX (Giáo trình) NXB Đại học Tổng hợp, Hà Nội 1998

Thi pháp truyện ngắn N. Gogol (Chuyên luận) NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2001

 

 

Những ngày xanh, không trở lại bao giờ…

 

Buổi sáng này, tôi đã gặp ở đâu?

Cây ướt đẫm, trời giăng làn mây mỏng

Nhà bên núi, chợt mờ, rồi chợt hiện

Đường ven đồi, nằm lẩn khuất trong sương

Suối rì rầm, lau xao xác trên nương

Vồng hoa cải, bê lạc bầy, gọi mẹ…

Tôi đã có một ban mai như thế

Đã lâu rồi, thưở ấy, ở Sơn La.

 

Xa lắm rồi, bao ngày tháng trôi qua

Nương ven núi đã mấy mùa hoa cải

Tôi vẫn nhớ con bê vàng cuối bãi

Trên cổ khua chùm lục lạc vang đều

Ngẩn ngơ nhìn bên phía suối trong veo

Cô gái Thái ngâm mình, nghiêng tóc xõa

Dường như chẳng có gì, mà rất lạ

Một mảnh lòng day dứt nhớ Sơn La.

 

Buổi sáng này, như sớm ấy, năm xưa

Sương giăng kín, lá rơi vàng lác đác

Xui tôi nhớ đám mây miền cổ tích

Trong giấc mơ lãng đãng cuối chân trời

Chưa kịp gần đã quá đỗi xa xôi

Tôi đánh mất điều mình chưa kịp có

Còn da diết, xốn xang lòng một thưở

Khi sáng nay, như sớm ấy đang về?

 

Tôi hiểu rằng, tôi đã bỏ ra đi

Với tuổi trẻ không một lời tiễn biệt

Nếu gặp lại con bê, chùm lục lạc

Con suối trong, luống cải chớm hoa vàng

Đường ven đồi, lau xao xác trên nương

Chắc chẳng thể như tôi từng thổn thức

Kho báu vật, tôi vô tình đánh mất

Những ngày xanh, không trở lại bao giờ…

 

 

Em sẽ gặp bến bờ mùa thu ấy

 

Cứ lẩn thẩn hình dung nhiều năm nữa

Em ra sao khi tóc bạc, da mồi?

Lưng chùng xuống, bước ra đường khó nhọc

Liệu em còn đủ nhớ, nhận ra tôi?

 

Chắc khó lắm, bởi vì tôi cũng vậy

Cũng tháng năm vắt kiệt mảnh thân tàn

Sóng xô dạt, bờ bạc đen số phận

Chọn tôi làm hình phạt chốn trần gian

 

Và khi đó, hai bóng hình tiều tuỵ

Lúc nhớ quên, lúc vô cớ buồn vui

Đáng nguyền rủa thời gian sao nghiệt ngã

Chẳng mồ sâu, tuổi trẻ vẫn chôn vùi

 

Tôi nhớ mãi tóc em lùa trong nắng

Gió mùa thu chải xanh mướt khung trời

Và mỗi lúc nụ cười em toả rạng

Lá ven rừng cũng muốn ghé làn môi

 

Tôi đã viết những vần thơ đau đớn

Đã bao đêm cùng gạch xóa, giãi bày

Từng cay đắng ngỏ lời trên trang giấy

Liệu em còn cất giữ đến hôm nay?

 

Tôi những muốn, khi đêm về nhức mỏi

Em lần trong ký ức cũ xa xăm

Chong đèn đọc những vần thơ quên lãng

Sẽ giống như uống giọt thuốc an thần

 

Em sẽ gặp bến bờ mùa thu ấy

Tuổi hoa niên chói sáng của một thời

Sẽ gặp bóng người gieo hồn trên giấy

Gửi đêm dài, gặt lấy những rụng rơi…

 

 

Giật mình

 

Lạ kỳ đã mấy tháng nay

Nửa đêm trở chứng lại hay giật mình.

 

Phải đâu dồn dập hung tin

Trung Đông nổi lửa, đao binh động trời!

Phải đâu vật chuyển, sao dời

Đất bằng dậy sóng, lòng người đổi thay!

 

Cuộc cờ phó thác rủi may,

Hẩm duyên nhớ mướn, thương vay cuối đời

Mang hồn gửi nắng trăm nơi

Giật mình, hoá khói lên trời hư không.

 

Cũi lồng nhốt vận long đong

Buông câu, thả lưới, vẫn trong bể trần

Cá vàng đã lặn biệt tăm

Giật mình, máng vỡ cuối sân tan tành.

 

Năm tàn xót những ngày xanh

Lá rơi ngồi tiếc thân cành trụi trơ

Mỏi tay vẫy bến xa mờ

Giật mình, vực thẳm xói bờ thời gian

 

 

 

Nghe mùa thu gọi

 

Bao lần từ độ trăng lên

Đêm đem vạt áo dãi trên lá vàng

Chờ cho gió lặng, sao tàn

Áo khăn gói mối sầu giăng, tôi về

 

Một mình với mảnh trăng quê

Một mình và cả tứ bề mênh mông

Một mình tôi, một tấc lòng

Đêm thu trải hết lên nong lá buồn

 

Hôm qua trời đổ trăng suông

Lá rơi, in dấu chân sương ngỡ ngàng

Tôi nâng lấy chiếc lá vàng

Nghe mùa thu gọi trong làn hương khuya

 

 

Tiếng gọi

 

Bỗng trong mưa bụi trắng trời

Tiếng ai nhắn gọi, hay lời tháng năm?

Dặm về, nẻo vắng xa xăm

Chiều đông thấm mỏi bước chân độc hành

 

Đâu rồi, bếp rạ, mái tranh

Đâu rồi, lối ngõ uốn quanh xóm nghèo?

Sân đình, bến nước trong veo

Cây đa đêm hội, trăng treo. Đâu rồi?

 

Tìm đâu ra giữa quê người

Cỏ xanh đầu bãi, chiều phơi nắng vàng

Rặng tre nghiêng xuống giếng làng

Bóng ai tóc xõa, trăng loang vai mềm

 

Chập chờn nhớ giữa trời quên

Lòng quê lãng đãng trên miền mộng mơ

Chiều đông, mưa tuyết mịt mờ

Quê hương xa vắng, dường như nhắn về…

 

 

Làng quê Nga hoài niệm

 

Hai mươi năm trước, tôi tìm đến

Tháng Năm xanh thắm cỏ chân đồi

Bên hồ lấm tấm hoa ngân tước

Cô gái chân trần, tóc nắng phơi

 

Bà mẹ người Nga, cười đôn hậu

Buộc tấm khăn san, mở cổng vườn

Gió sớm khẽ lay hàng dâu dại

Tràn ngập căn phòng hương táo thơm

 

Cốc kvat đỏ như màu mận

Sủi bọt men chua uống tỉnh người

Chiêc bánh ra lò còn bỏng giẫy

Sơn hào cũng đến thế này thôi!…

 

Nhà mẹ Nga xưa, tôi về lại

Hỏi mãi, tìm ra lối qua làng

Chợ nông trang cũ tường xiêu vẹo

Bãi chăn nuôi giờ bỏ phế hoang

 

Vườn xưa cánh cổng um tùm cỏ

Nhà trống, gió lùa, bếp lạnh tanh

Tấm thảm ố vàng, mưa dột thấm

Phủ mờ, bụi bám những bức tranh

 

Ông lão đưa đường thờ thẫn kể

Trai làng đi hết, chẳng còn ai

Xóm trên còn độ dăm con trẻ

Già cả như tôi, chỉ mươi người

 

Ơn Chúa, có bà còn tốt phước

Mỗi năm con đến một đôi lần

Còn thì, như lá thu sắp rụng

Ngồi chờ Thần Chết ghé qua thăm

 

Tôi có đứa con lên thành phố

Làm ăn, nghe nói khổ trăm bề

Thân nó, nó lo còn chưa đủ

Tôi già, biết vậy, có mong chi…

 

Suốt chuyến xe về, lòng trĩu nặng

 Làng quê thưở ấy, thế này sao?

Đâu rồi người mẹ Nga đôn hậu

Trùm tấm khăn san, tựa cổng rào?

 

 

Đêm Valentine

 

Thành phố ngập sắc màu, tuyết dịu dàng rắc phấn

Đêm lung linh, náo nhiệt suốt canh khuya

Sau cửa kính, nến hồng, hoa thắm đỏ

Níu bàn chân du khách dạo trên hè

 

Trên quảng trường, dòng người như trẩy hội

Từng cặp đôi ấm áp áo lông choàng

Say men rượu, mắt tràn trề hạnh phúc

Tôi một mình lạc lõng giữa trần gian

 

Trên sàn nhảy, sao thiên hà mờ ảo

Những gót hồng lướt theo nhạc du dương,

Chọn cho mình chiếc bàn con góc vắng

Gọi cà phê, tôi nhấp nháp nỗi buồn

 

Một cô gái phấn son, còn trẻ lắm

Ghé tai tôi: nếu anh có đủ tiền

Tôi cùng anh sẽ thuê phòng khách sạn

Đến hết đời, anh chẳng thể nào quên!

 

Anh đừng ngại, tôi biết anh cô độc

Đêm Valentine, anh chỉ có một mình

Ai cũng vậy, khi đơn côi, trống rỗng

Cần người tình và cốc rượu sămpanh

 

Tôi kéo ghế, mời cô ngồi bên cạnh

Gọi sămpanh và bước lại quầy hoa

– Ba trăm rúp một bông! – người bán hàng cao giọng

– Cho năm bông, giấy kính, buộc lenta!

 

Cô cầm lấy, tôi trao tay cô gái

Những bông hoa rực đỏ một góc tường

Nỗi lận đận, bọt bèo nơi đất trích

Lòng dùng dằng ca kỹ bến Tầm Dương*

 

– Tôi là ai, chắc rằng anh đoán biết

Bước sa cơ, chân sụp xuống vũng bùn

Đã bao phen liều mình, không muốn sống

Lại cùng đường, kiếp nạn vẫn không buông…

 

– Tôi cũng vậy, kẻ hàng binh số phận

Cũng rơi rụng, đắng cay, câu chuyện rất dài…

Cô trẻ, đẹp, tin rằng cô hạnh phúc!

 

Mắt đượm buồn nhìn tuyết phất phơ bay…

——-

* Địa danh trong “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị

 

Đêm  8 – 3

 

Đêm khuya khoắt, bên vệ đường lầm bụi

Chị nhà quê dáng run rẩy, co ro

Tay cóng lạnh, ôm bó hoa ế ẩm

Chân dại tê, nhẫn nhục đứng hàng giờ

 

Xe nườm nượp, nam thanh cùng nữ tú

Các quý ông thời thượng mượt bóng đầu

Khoác tay các quý bà diêm dúa

Đang trưng ra một thế giới sang giàu

 

Bỗng nhiên một chàng trai ghé lại:

– Hoa bao nhiêu? Chị mang hết ra đây!

Chị nhà quê trước vận may nghẹn giọng

– Dạ thưa ông, tất cả mỗi ngần này!

 

– Chị ở đâu?

– Tận ngoại thành, xa lắm!

– Ngày hôm nay có ai tặng chị hoa?

– Loại như tôi, xin ông đừng mai mỉa

Có bao giờ mơ những thứ cao xa!

 

– Chị hãy về với chồng con kẻo muộn

Tôi sẽ mua tất cả bó hoa này

Xin tặng chị!

 

Chị nhà quê oà khóc

Giọt lệ nhoè, rơi nóng cả bàn tay

 

 

Thầy giáo làng

 

Giở trang sách xưa, trên xứ người, lại nhớ

Thưở bát gạo vơi cõng khoai sắn đáy nồi,

Nhớ Thầy giáo trường làng giảng bài Địa lý

Đồng Bắc Bộ phì nhiêu, bát ngát ruộng Tháp Mười

 

Mỏ vàng Bồng Miêu, than đen Hồng Quảng

Sản vật đầy rừng, cá quẫy đặc sông

“Và các em, một ngày không xa nữa

Xã hội phồn vinh, thế giới sẽ đại đồng!”

 

Như giữa quảng trường, giọng Thầy sang sảng

Tay giơ cao, mắt sáng, ngẩng cao đầu

“Rồi mai đây nước nhà công nghiệp hoá

Không còn giàu nghèo, sẽ bình đẳng như nhau…”

 

Thầy nghỉ hưu, ra đi trong túng thiếu

Những năm tám mươi, đói gõ cửa từng nhà

“Tam xuân tích bệnh, bần vô dược”*

Câu thơ vận vào đời, xưa Thầy vẫn ngâm nga

 

Thầy chưa từng một lần ra khỏi huyện

Nhưng trên tấm bản đồ, Thầy đi khắp thế gian

Cây thước gỗ, bảng đen, đã ngàn lần xuyên Việt

Từ vịnh biển thẳm sâu đến chót vót đại ngàn

 

Con đã đến những nơi Thầy chỉ giáo

Cao nguyên Di Linh, Bồng Miêu, Hồng Quảng, Tháp Mười…

Cả những nơi cổ thư chưa từng viết

Bạch Hổ, Yên Tử, Vũng Tàu… rốn dầu tận ngoài khơi

 

Con đã gặp những người dân rời nhà đi lạc xứ

Nghe khúc hát ly quê thắt ruột ở đất người

Con đã qua những cánh rừng cháy trụi

Dù hết bom đạn chiến tranh, lửa tắt lịm lâu rồi

 

Mâm cơm vẫn thế thôi, những người dân vỡ ruộng

Quanh năm lo đói ăn, lo thất bát mùa màng

Những đưa trẻ giống con xưa, ngồi lưng trâu lại đọc

“Nước ta giàu tài nguyên, có biển bạc, rừng vàng…”

———-

* Thơ chữ Hán, Nguyễn Du:”Ba năm mang bệnh, nghèo không thuốc

 

 

Đọc hồi ký

 

Được tặng cuốn hồi ký

Dày những ba trăm trang

Cả núi sách trên giá

Chẳng quyển nào đẹp bằng

 

Nhân vật trong tự truyện

Khiêm tốn viết về mình

Một cuộc đời lăn lộn

Mà không kém lung linh

 

Tuổi thơ đầy gian truân

Túp lều tranh, vách đất

Rồi dành cả tuổi xuân

Lên đường đi đánh giặc

 

Và khi có cương vị

Tầm nhìn mấy chục năm!

Phò dân và giúp nước

Sống ngay thẳng, thanh bần

 

Đọc xong thật cảm động

Như tiểu thuyết chương hồi

Chỉ có điều, tác giả

Kể về người nào thôi!

 

 

Hưu rồi

 

Đã hưu ngót nghét năm trời

Xót xa, tiếc nuối cái thời chưa hưu

Lâu đài, biệt thự quạnh hiu

Lối xưa, xe ngựa dập dìu bấy nay

 

Hưu là như thế này đây:

Chẳng còn xếp nọ, xếp này, kính thưa!

Hết thời kẻ rước, người đưa

Quen theo cửa trước, lạ chờ cửa sau

Hứng lên, chém gió vài câu

Khiến cho khối kẻ rập đầu, dạ ran!

 

Từng đêm lén mở ngăn bàn

Xấp xanh, tờ đỏ xếp tràn phong bao

Thôi thì váy ngắn, chân cao

Thôi thì đặc sản, năm sao ê hề

Cửu trùng lọng đỡ, ô che

Phì gia, ấm tử, phong thê một đời

Đã hưu thấm thoắt năm rồi

Mà sao vẫn cứ rụng rời chân tay

 

Hưu là như thế này đây:

Chẳng ai lai vãng, tối ngày vào ra

Mới vừa thưa gửi, lân la

Hưu rồi, giáp mặt, như là người dưng

Mặt trơ, mày dạn, lạnh lùng

Hẫng người, ngượng buốt sống lưng, ê chề

Kinh vàng, ý ngọc xưa kia

Hỡi ôi, giờ đố ai nghe một lời!

 

Chiều chiều ngồi ngắm cơ ngơi

Xót xa đứt ruột, tiếc thời chưa hưu

 

 

Nơi từng là trận địa

 

Những chiến tích không mảy may dấu vết

Ụ pháo, hố bom, công sự, chiến hào

Đều biến mất.

Bên lô nền chia sẵn

Mấy toà nhà to vật vã, bọc tường cao

 

“Nhà của thằng thời thanh niên trốn lính

Bà bán nước chè, nhổ toẹt miếng trầu tươi

Ngao ngán kể.

 Nó chui vào bệnh viện

Giả ốm đau, điên dại mấy năm trời!

 

Bom đạn hết, nó về làng béo tốt

Nhâng nháo giang hồ, ra Bắc vô Nam

Trùm vay lãi, đòi nợ thuê, chém mướn

Ai nhắc tên cũng táng đởm, kinh hồn

 

Ai cũng gọi nó là ông, là xếp

Mặc bảnh bao, xe bóng lộn lên đời

Nhà nườm nượp rước quan này, quan nọ

 Em út về trổ hết ngón ăn chơi

 

Nó vơ hết đất đai vào dự án

Ruộng thổ cư bù giá rẻ như bèo

Cả di tích chiến tranh, san bằng hết

Lắm ô dù che chắn, đố ai kêu!

 

Tiền bạc nó giờ phải đo bằng khối

Trước mặt xưng ông, sau dân cứ gọi thằng

Chẳng ai dám nói nó ngày xưa trốn lính

Mấy năm trời chui bệnh viện trùm chăn!”

 

Trận địa cũ chẳng còn đâu dấu vết

Chỉ quán ăn, nhà chia khoảnh, phân nền

Xe san sát xếp hàng bên hàng nhậu

Quán đèn mờ hát xướng suốt thâu đêm

 

Những đồng đội, trời cho, còn sống sót

Trở về quê lại lam lũ trên đồng

Khi rỗi việc, thừ người châm điếu thuốc

Lại nhớ thời khói lửa, mắt rưng rưng…

 

 

Quan xưa*

 

Một đàn xiểm nịnh vây quanh

Vai cao, đầu thấp, tay khoanh trước thềm

Từ ngài danh phận chửa nên

Đến ông nức tiếng võ biền tứ phương

 

Ghế quan ngự giữa công đường

Đuôi nheo, cờ phướn rủ buông hai hàng

Bát âm, đàn sáo nhặt khoan

Át đi bao tiếng kêu van cửa ngoài.

 

Mặc năm thất bát sắn khoai

Dân đen rã họng, giêng hai ăn mày

Nông phu bỏ ruộng không cày

Lìa quê tan tác chân mây cuối trời;

Mặc nơi biên ải xa xôi

Ngoại bang dòm ngó chờ thời tràn sang.

 

Còn đây, ngay giữa phủ quan

Ăn chơi, hát xướng ngày tàn, canh khuya

Mỹ nhân muôn nẻo cống về

Bạt ngàn vật lạ, ê hề của ngon

Trên là vàng, dưới là son

Dân có còn, nước có còn, mặc bay!

————————-

*Kính dâng hương hồn cụ Phạm Duy Tốn – tác giả “Sống chết mặc bay”

 

 

 

Thăm mẹ chị thanh niên xung phong

 

Chị được đưa về làng

Ba bốn năm về trước

Tiểu sành phủ quốc kỳ

Có xe kèn đón rước

 

Mẹ già ngoại tám mươi

Thoả một niềm mong ước

 Không tìm thấy mồ con

Chết không nhắm mắt được!

 

Chị ra đi mười bảy

Ngã xuống tuổi đôi mươi

Chưa có ai để nhớ

Chưa ai gửi một lời

 

Chưa một ngày nhàn hạ

Bạt đất đá, san đồi

Hết ngủ hầm, ngủ lán

Thế rồi… loạt bom rơi…

 

Một năm mười hai tháng

Một tháng ba chục đêm

Bốn mươi năm đằng đẵng

Bóng mẹ canh ngọn đèn

 

Nước mắt hầu đã cạn

Gian bếp lạnh vào ra

Bữa không buồn nhóm lửa

Cửa thông thống gió lùa

 

Một đời thân góa bụa

Trời thì xa, đất gần

Trút hơi tàn nằm xuống

Biết ai lời trối trăng?

 

Ngồi với mẹ một giờ

Nơi một đời mẹ sống

Lòng nhói tận nỗi đau

Trái tim già vô vọng.

 

 

Matxcơva bây giờ đã khác

 

Matxcơva bây giờ đã khác!

Dù tháp thờ vẫn ngự giữa trời cao

Tuyết vẫn trắng, sông vẫn êm đềm chảy

Rừng bạch dương muôn thưở vẫn rì rào

 

“Matxcơva không tin vào nước mắt”*

Không mơ màng bánh vẽ chín tầng mây.

Đêm choáng lộn phơi trần lưng phố cổ

Thần tượng chen cùng quảng cáo trưng bày

 

Thước đo cũ bỏ đi không dùng nữa

Điều thiêng liêng, thần tượng đã xưa rồi

Cả khúc hát cũng lạc bè, sai giọng

Niềm vinh quang, nay thay mốt, lỗi thời

 

Mốt thời thượng phô mình trên phố xá

Nét vàng son pha lẫn với tân kì

Nơm nớp sống giữa thực hư, thật giả

Giữa thấp hèn và trang trọng, uy nghi

 

Matxcơva – thiên đường cao vòi vọi

Của lớp người gặp vận, mới phất lên!

Matxcơva, đáy thẳm sâu cơ cực

Của những người Nga nhỏ bé, thấp hèn!

 

Bao quý ông từng ôm hôn cờ đỏ

Thấy cảnh ăn xin, giờ chẳng động lòng

Đám thanh niên kẻ say mê băng nhóm,

Kẻ phớt đời trước mọi cảnh hưng vong.

 

Vẫn còn lại những người dân chất phác

Nói chuyện bể dâu chỉ mỗi biết lắc đầu.

Matxcơva bây giờ đã khác

Những cái nhìn đầy ắp nỗi lo âu.

 

——————

* Tên một bộ phim nổi tiêng thời Xô viết

 

 

Vẫn như là người lính lúc ra đi

 

Người thương binh già qua đời sáng nay

Đồng đội cũ còn dăm người lác đác

Mắt nhoà lệ. Suốt một đời trận mạc

Những tấm lưng rũ xuống chiếc quan tài

 

Chiếc nạng gỗ nửa đời không thiếu được

Giờ thừa ra, lặng lẽ xếp bên tường

Dưới hốc tủ, những chiếc giày một phía

Trên ngăn bàn, đầy các loại huân chương

 

Con chó già bỏ ăn bên bếp lạnh

Nằm dài ra, hiểu rằng chủ không còn

Vòi nước cũ lâu ngày, không khoá chặt

Chảy giọt dài, giọt ngắn suốt đêm hôm

 

Một tấm áo màu hoa cà thấm máu,

Quyển vở rách bươm với chiếc nơ hồng

Theo trăng trối của người quá cố

Được đặt vào phía trái tim ông.

 

Người thương binh già qua đời sáng nay

Người ta liệm bộ áo quần quân phục

Ông cất kỹ hồi chiến tranh kết thúc

Vẫn như là người lính lúc ra đi!

                           Matxcơva 5 – 1997

 

 

 

Đọc Radisev*

 

“Các người chiếm hàng ngàn mẫu đất

Vô số lâu đài, dinh thự, điền trang

Vũ hội tiệc tùng, liên miên yến ẩm

Tôi tớ, con sen phục dịch hàng đàn

 

Mọi điều luật là roi da, gươm súng

Đám nông nô, những kiếp thợ cày

Sống hay chết, do các người định đoạt

Đòi tự do là chịu kiếp tù đày

 

Các người hãy thử nhịn ăn một bữa

Hãy ở trong lều chịu rét một đêm

Hãy bỏ một ngày nai lưng làm việc

Và thử tra chân vào khóa gông xiềng

 

Thì các người mới hiểu thế nào là đói

Hiểu thế nào là rách rưới, lầm than

Hiểu thế nào là mồ hôi, nước mắt

Và lòng dân sôi tận đáy căm hờn!

 

Tất cả các người đều đáng đem xử bắn

Chẳng cần luật sư, chẳng cần đến quan tòa

Tội của các người sáng tỏ như toán học!”

Tôi đọc những trang sách này trên chuyến tàu

từ Xanh – Peterbua tới Matxcơva.

 

 

Đoản khúc mùa thu

 

Tay đút túi, lang thang dọc vỉa hè

Phố vắng lặng, lòng vẩn vơ, trống trải

Hồn Mỵ Châu, gió vô tình thổi mãi

Lá vàng rơi như lông ngỗng ven đường

 

Giá có ai, nói với tôi rằng

Ở phía trước có một bàn tay vẫy

Ở phía trước có mắt ai ngóng đợi

Một làn môi thầm nhắc gọi tên mình!

 

Giá có ai nói với tôi rằng

Sau sa mạc là địa đàng, đất hứa

Sau cát bỏng và ngút ngàn cháy lửa

Là vườn cây, là mái lá yên bình!

 

Giá có ai nói với tôi rằng

Với cuộc sống chẳng bao giờ trễ muộn

Hãy đi tới, hãy dang tay đón nhận

Những món quà số phận sẽ ban cho!

 

Tôi sẽ lên đường, ngược cơn gió mùa thu

Để lại đằng sau nỗi lòng phố vắng

Niềm khắc khoải, những giấc mơ vô vọng

Ngựa chồn chân máng cỏ, bốn bức tường

 

Tay đút túi vẩn vơ, trống trải khôn cùng

Lá vàng rải dọc đường như lông ngỗng

Phố vắng lặng, chỉ trời xa trống rỗng

Làm thế nào đi hết được mùa thu

 

 

Giữa mưa thu ướt át

 

Không rả rích cơn mưa, cũng đã đủ buồn rồi

Thu đang đến, ào ào lá rụng

Mái hiên cũ, tường rêu mờ ướt sũng

Con đường mòn lầy lội dấu chân qua

 

Chút nắng hè, mới đó đã rất xa

Ngỡ mộng tưởng, ngỡ chưa từng có thật.

Cũng như em, phía chân trời tít tắp

Có hay không? Hay ảo ảnh xa vời?

 

Tuổi trẻ bỏ ta đi, viên đá cuội chìm rồi,

Những vòng sóng, dư âm còn sót lại

Như tiếc nuối, như mơ hồ nhắc mãi

Như bâng khuâng, điều đã có một lần.

 

Hỏi có gì bền mãi với thời gian?

Rồi tất cả thành bụi mờ dĩ vãng,

Cả mái hiên, cả bức tường rêu xám

Cả con đường tầm tã lá vàng rơi.

 

Và cả anh, cả em, cả bao người

Sẽ có lúc bỗng trở thành quá khứ,

Đến tên tuổi chẳng còn ai nhớ nữa

Như chúng ta chưa có mặt bao giờ!

 

Anh đầu trần đối diện với cơn mưa,

Với em ở phía trời xa tít tắp,

Thì có nghĩa một điều đang có thật

Vẫn còn ta giữa ướt át thu buồn…

            

 

Về Riazan

 

               (X.Exênhin, nhà thơ muôn đời của nhân dân Nga)

                                                    M.Gorki

 

Thật kỳ lạ, cứ bồi hồi, xao xuyến

Riazan dẫu bao bận tôi về.

Những đoàn người hành hương không dứt

Nơi sinh thành thi sĩ của đồng quê.

 

Tôi đứng lặng bên bãi sông bát ngát

Chú bê vàng thơ thẩn cánh đồng xa,

Bên hàng dậu, chó con nằm hóng nắng

Ngỡ Xecgây đâu đó phía sau nhà.

 

Con đường đất bụi mờ in bờ cỏ

Mảnh vườn thưa, nếp nhà gỗ khiêm nhường

Vẫn dáng mẹ áo choàng che kín cổ

Ngóng con về, lối ngõ lẫn đêm sương

 

Vẫn gióng giả từng hồi chuông cầu nguyện

Nắng đầu thu hong thắm dải rừng vàng

Cô thôn nữ, tóc phơi màu kiều mạch

Ngược gió chiều, phơ phất tấm khăn san.

 

Những luận thuyết, những giáo điều, thần tượng

Lần lượt thay qua dâu bể, chuyển vần

Còn nước Nga vẫn nghiêng mình ngưỡng vọng

Trước hồn thơ bất tử của thi nhân.

 

Dường như chỉ làng quê Nga nhân hậu

Mạch thi ca được nuôi dưỡng đời đời

Và âm thanh đàn oocgan muôn điệu

Vượt bến bờ đến với Tổ quốc tôi.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa » Bài Thơ Nói Với Con Của Nguyễn Huy Hoàng