Thợ Thuyền Kim Bồng - Báo Công An Đà Nẵng
Có thể bạn quan tâm
(Cadn.com.vn) - Làng mộc Kim Bồng, thuộc Cẩm Kim, Hội An, Quảng Nam không chỉ nổi tiếng với nghề mộc mỹ nghệ, mà còn vang danh với nghề đóng ghe, thuyền tồn tại hơn 600 năm. Những người thợ ở đây không hề có bằng cấp gì, nhưng những chiếc thuyền của họ làm ra chưa hề nghe nói có bất kỳ sự cố nào.
NHỮNG “KỸ SƯ” CHÂN NƯỚC, CHÂN ĐẤT
Dọc theo chiều dài hơn 1km, cạnh dòng Hoài giang, là 10 khu đóng tàu của người Kim Bồng. Cơ sở nổi tiếng nhất ở đây là xưởng của ông Huỳnh Ri, truyền thống 12 đời, đã từng được UNESCO tài trợ 4.000 USD (1996) để gìn giữ nghề mộc và đóng thuyền. Ông Huỳnh Xướng, con ông Huỳnh Ri, nối tiếp sự nghiệp của cha từ năm 16 tuổi. Theo ông Xướng, mộc Kim Bồng nổi tiếng với nghề đóng tàu, ngư dân từ nhiều tỉnh Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng đều tới đây đặt đóng ghe thuyền. Thuyền ở Kim Bồng nổi tiếng là: bền, chắc, độ chịu lực sóng gió tốt. Mỗi chiếc thuyền làm ra có tuổi thọ lên đến hơn 20 năm.
Những người thợ tại Kim Bồng không hề qua trường lớp đào tạo nào, chỉ tiếp thu kinh nghiệm sông nước hàng trăm năm của cha ông mà tự mình nghiên cứu đóng tàu cho phù hợp. Họ cung cấp hoàn toàn các thuyền, ghe, đò di chuyển trên dòng Hoài giang, của cả vùng sông nước Duy Xuyên, Cửa Đại.
Để có 1 chiếc tàu tốt trước tiên phải lựa chọn vật liệu “chuẩn”. Tất cả gỗ ở đây đều là nhóm gỗ loại I, nhóm gỗ tốt nhất như: sao, xương gà, chò, còng chim, kiền kiền... Những loại gỗ này nhẹ, độ thấm nước thấp, khả năng chịu lực tác động từ sóng gió cao. Trước khi đem ra sử dụng vào việc đóng tàu họ phải đưa gỗ ngâm dưới nước từ 1-2 tháng, để gỗ quen chịu nước. Tuy nhiên, việc ngâm gỗ chỉ dùng cho các thân gỗ lớn, chưa xẻ miếng. Gỗ để đóng tàu ở Cẩm Kim, không hề phơi khô mà ngược lại là ngâm ướt.
Để tạo nên thân tài cong như thường thấy người ta phải ép những thanh gỗ to bản và dài qua lửa ở nhiệt độ cao. Sau đó ghép với nhau bằng các khoan vít. Khi phần khung, sườn tàu đã được hình thành, người ta mới làm tiếp hầm hàng, khoang máy... Quá trình thực hiện đóng tàu, thuyền, nhất thiết phải đặt dưới sự kiểm tra, giám sát ngặt nghèo của các thợ cả.
Chiếc tàu đánh cá này khi hạ thủy có thể đánh bắt ở ngư trường lớn xa hơn 200 hải lý (ảnh nhỏ); và sản phẩm hoàn thành. |
Quá trình dạy và học nghề đóng thuyền không hề đơn giản. Nghề dạy nghề là quan điểm của những người thợ tại đây. Ông Nguyễn Thanh Phong, một người có thâm niên hơn 50 năm làm nghề đóng tàu cho biết: “Nghề này mới vào nghề phải tập cầm cái bào, cây thước, cái cưa... phải thật chắc. Khi làm phải suy nghĩ kỹ, đục đẽo sao cho có ước lượng để khi ráp ván vào là vừa khít. Nếu không, những tấm ván trị giá hàng trăm ngàn đồng cũng hỏng và thành củi đốt. Nghề đóng tàu ngoài sự cần thiết phải tỉ mỉ, kiên trì, yêu nghề còn là sự nhanh nhẹn, thông minh và đặc biệt phải thật thà, không ăn bớt vật tư”.
Theo ông Nguyễn Nhu, 1 người thợ khác trong làng cho biết, để đóng 1 con thuyền cần 1-2 tuần. Thời gian tùy loại, nếu đóng tàu đi biển phải mất từ 2-3 tháng. Những con thuyền nhỏ bình thường công suất từ 2-5 CV, đã có giá từ 8-9 triệu đồng, chưa kể động cơ do khách hàng tự trang bị. Thông thường, đóng một tàu cá lớn có công suất hàng trăm CV, để hoạt động ở ngư trường xa bờ và bám biển dài ngày phải trải qua 8 công đoạn chính. Trước tiên phải “thỉnh thầy” về chọn ngày đẹp, chủ tàu chọn cây gỗ nguyên khối loại tốt, thành kính đặt xuống hệ đà để làm long cốt cho con tàu. Long cốt được chỉnh sửa xong, các tốp thợ, mỗi người một việc, mới lắp đặt hệ đà, be tàu. Khi be tàu đủ chớm nước theo quy định, mới được phép đóng lắp khung xương của thân tàu. Để học hết 8 công đoạn này, người học phải mất ít nhất 15 năm mới có khả năng thành thạo. Tiếp đến là thực hiện lắp đặt phần then hạ, có nhiệm vụ giữ ổn định bề ngang cho thân tàu trước tác động của sóng biển khi di chuyển ở khơi xa. Sau khi hệ thống then hạ được kiểm tra đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, người thợ cả mới chỉ huy lắp đặt vỏ tàu, lắp đường pô ở hai bên thân để tạo cân bằng thân tàu... Việc làm này với các thuyền ghe nhỏ thì đơn giản hơn. Chỉ 3 công đoạn là: đặt long cốt và đóng khung xương, cuối cùng là then hạ
Ông Nguyễn Nhu chia sẻ: “Công phu đóng tàu từ hàng trăm năm nay vẫn thế, chúng tôi làm theo cách tổ tiên đã làm. Chỉ là giờ đây, công nghệ hiện đại hơn”.
TRĂN TRỞ ĐỂ PHÁT TRIỂN NGHỀ
Trước sự hiện đại hóa ngày càng cấp tập, làng nghề Kim Bồng phải đối mặt với đầy rẫy khó khăn. Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, sự xa lánh của giới trẻ, vốn để phát triển nghề, đòi hỏi nâng cao trình độ thợ, mở rộng nhà xưởng... trở thành bài toán nan giải với làng mộc này phải đối mặt. Theo Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim Phan Trọng Nhân, nghề đóng tàu, thuyền đang gặp khó là do giá nguyên vật liệu đóng tàu liên tục tăng cao, trong khi ngư dân đi biển ngày càng khó khăn. Bây giờ phải đóng thuyền lớn để dân khai thác xa bờ, đòi hỏi vốn và công nghệ và nhân công cao hơn. Các chủ cơ sở đóng tàu ở đây cũng cho biết, nguồn nguyên liệu đóng tàu ngày càng hiếm, do rừng ngày càng cạn kiệt, giá cao. Vì vậy, giá gỗ để đóng một chiếc tàu hiện cao gấp 5 lần so với trước năm 2002, vì thế, nhu cầu đóng tàu của ngư dân trong tỉnh giảm, các hợp đồng ở ngoài tỉnh cũng ít dần.
Ông Huỳnh Xướng, chủ xưởng mộc mỹ nghệ Huỳnh Ri, vừa đóng tàu vừa làm mộc mỹ nghệ. Ông đã có những hợp đồng lên đến hơn 40.000 USD, để vừa có thể dùng mộc đóng thuyền nuôi mộc mỹ nghệ và ngược lại. Hiện nay trong làng hầu hết nhà nào cũng có công làm khoán cho xưởng của ông Xướng. “Trường hợp ông Huỳnh Xướng với các hợp đồng đi khắp thế giới là tấm gương cũng như một hướng phát triển cho làng nghề”, ông Nhân cho biết.
Trong 8 năm qua, chính quyền Hội An đã triển khai dự án khôi phục làng nghề đã đào tạo được cho Kim Bồng 40 người thợ. Hiện những người thợ này đã và đang theo nghề ở trong hoặc ngoài tỉnh. Tất cả đều đã có việc làm và mức lương cao so với các lao động thông thường. Đây cũng được coi là mức tưởng thưởng xứng đáng với những người gắn bó, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông truyền lại.
Đức Thọ
Từ khóa » Thuyền ô Bồng
-
Dịch Thuật: Tục Chèo Thuyền Bằng Chân Vùng Thiệu Hưng
-
Du Ngoạn Phượng Hoàng Cổ Trấn Trên Thuyền ô Bồng
-
Ngồi Trên Thuyền Ô Bồng Lướt Trên Dòng Đà Giang ở Phượng Hoàng ...
-
Thuyền THÁI LAN Dài 80cm Gỗ Tràm Bông Vàng Sang Trọng Cao ...
-
Convert » Quỷ Nói Chi ô Bồng Thuyền - Hố Truyện
-
Huyền Thoại Hồ Núi Cốc - Anh Thơ
-
Chiếc Thuyền Nan - Thu Anh,Hoàng Yến Chibi
-
Chèo Thuyền ở Sông Nho Quế - Chốn Bồng Lai Tiên Cảnh Nơi Cao ...
-
Lễ Hội Hoa Diên Vĩ Suigo Itako - ANA
-
Bông Lan Truyền Thống Con Thuyền - Nhật Bản (loại Nguyên ổ)
-
Xem MV Mới Của Chủ Nhân Bản Hit “Em Là Con Thuyền Cô đơn” Người ...
-
Làng đóng Thuyền Kim Bồng - Tuổi Trẻ Online