Thoái Hóa Cột Sống: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị

Về lý thuyết, cột sống bị thoái hóa là một trong những hệ lụy thường gặp của tuổi già. Tuy nhiên, trong những năm qua, bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy, tự trang bị kiến thức đủ và đúng về thoái hóa cột sống có thể giúp mọi người chủ động hơn trong việc phát hiện, kiểm soát và điều trị hiệu quả, đồng thời hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ bệnh xảy ra.

bệnh thoái hoá cột sống

Cột sống đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thể chất thường ngày của một người, đồng thời góp phần giảm tải áp lực bằng cách chống đỡ trọng lượng cơ thể. Việc chống đỡ áp lực quá lớn hoặc diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến lớp sụn khớp, phần xương dưới sụn cũng như đĩa đệm cột sống bị tổn thương, bào mòn dẫn đến thoái hóa.

Xem thêm: Cột sống có bao nhiêu đốt?

Thoái hóa cột sống là gì?

Thoái hóa cột sống là tình trạng khi lớp sụn khớp mòn dần, các đầu xương đốt sống sẽ trực tiếp ma sát với nhau khi cơ thể vận động và gây viêm, từ đó dẫn đến sưng bao hoạt dịch khớp và khô khớp do dịch khớp tiết ra bị hạn chế. Ngoài ra, sự ma sát của các đầu xương còn góp phần hình thành gai xương tại đây. Gai xương phát triển quá mức lại tiếp tục cọ xát gây ảnh hưởng đến xương đốt sống, rễ thần kinh và các mô mềm xung quanh. (1)

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

thoái hóa cột sống

Cấu tạo của cột sống gồm 33 đốt sống xếp chồng lên nhau. Trong đó:

  • Dễ bị thoái hóa nhất là các đốt sống L1 – L5 nằm ở khu vực thắt lưng nên còn được gọi là thoái hóa cột sống thắt lưng.
  • Đoạn đốt sống C5 – C7 cũng rất dễ bị thương tổn dẫn đến bào mòn. Tình trạng này gọi là thoái hóa cột sống cổ.

Ngoài ra, tuy không thường xảy ra nhưng các đốt sống ngực (T1 – T12) vẫn có nguy cơ bị thoái hóa.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết thoái hóa đốt sống

Hầu hết bệnh nhân đều có biểu hiện đau nhức khó chịu. Tùy theo vị trí đốt sống bị thoái hóa mà các cơn đau ở mỗi trường hợp sẽ không giống nhau, ví dụ như:

  • Thoái hóa cột sống thắt lưng: người bệnh thường cảm thấy đau ở vùng lưng dưới, mông, bẹn và sau đùi. Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến bắp chân, cẳng chân và cả bàn chân.
  • Thoái hóa đốt sống cổ: khu vực cổ, vai, lưng trên và lưng giữa (đôi khi) đau nhức khó chịu. Khi bệnh trở nặng, cơn đau còn có thể lan xuống cánh tay, bàn tay và thậm chí là các ngón tay. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị đau đầu thường xuyên.
  • Thoái hóa đốt sống ngực: tình trạng đau nhức thường bắt đầu ở vùng lưng giữa và có thể lan đến vùng cổ – vai và cánh tay. Bên cạnh đó, các cơn đau còn dễ khởi phát khi người bệnh chúi người về trước hoặc thực hiện động tác gập người.

Mặt khác, những cơn đau nhức liên quan đến thoái hóa đốt xương sống còn có chung một số đặc điểm như:

banner subs ctch content
  • Cơn đau có xu hướng trở nặng khi bệnh nhân vận động (đặc biệt là những động tác như vặn người, cúi người sâu, nâng vật nặng…), nhưng lại thuyên giảm khi họ nghỉ ngơi.
  • Tình trạng đau nhức lại xảy ra nếu thời gian người bệnh nghỉ vận động quá lâu.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác

Bên cạnh những cơn đau khó chịu, thoái hóa cột sống còn có khả năng gây ra nhiều triệu chứng, dấu hiệu khác. Chúng bao gồm:

  • Cột sống cứng và kém linh hoạt, đặc biệt là vào sáng sớm hoặc sau khi người bệnh ngồi lâu, gây khó khăn cho việc duy trì tư thế tốt.
  • Các cơn đau lưng dưới xuất hiện liên tục
  • Có âm thanh “lạo xạo, lục cục” mỗi khi bệnh nhân cúi người hoặc ưỡn ngực, thường liên quan đến tình trạng khô khớp do thiếu dịch nhờn.
  • Người bệnh có xu hướng gù hoặc cong vẹo cột sống.
  • Khu vực có đốt sống bị viêm có thể sưng đau và mềm, ấm khi sờ vào.

Nguyên nhân gây thoái hóa xương cột sống

Xương đốt sống bị thoái hóa chủ yếu là hệ lụy của tuổi tác và tình trạng thương tổn lâu ngày tại cấu trúc cột sống (2). Đây cũng là lý do bệnh thường xảy ra ở những người:

  • Cao tuổi (tầm 50 – 60 trở lên)
  • Bị vẹo cột sống
  • Thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao dễ va chạm ở lưng, cổ dẫn đến chấn thương
  • Có tiền sử bị gãy đốt sống, chấn thương nghiêm trọng hoặc phẫu thuật ở lưng

cột sống bị thoái hóa

Bên cạnh đó, một số yếu tố dưới đây cũng có thể góp phần dẫn đến quá trình bào mòn sụn khớp ở cột sống, bao gồm:

Thoái hóa đĩa đệm cột sống

Đĩa đệm nằm giữa hai đốt sống liền kề chịu trách nhiệm hấp thụ xung động từ các hoạt động thường ngày tác động lên cột sống, từ đó góp phần giảm xóc và hỗ trợ cột sống hoạt động linh hoạt. Nếu đĩa đệm bị thoái hóa, chức năng giảm xóc cũng sẽ suy giảm theo. Khi đó, áp lực tác động lên cột sống lại càng tăng, dần dần gây thương tổn nặng nề tại đây và dẫn đến thoái hóa.

Theo BS.CKI Trần Xuân Anh tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, các đĩa đệm ở cổ và thắt lưng thường dễ bị thoái hóa nhất, do đây là những khu vực cột sống thường phải vận động nhiều và chống đỡ áp lực nặng nề. Ngoài ra, không chỉ thoái hóa đĩa đệm gây ra thoái hóa cột sống mà đôi khi, các khớp đốt xương sống bị bào mòn cũng khiến đĩa đệm bị thoái hóa.

Thừa cân, béo phì

Chống đỡ trọng lượng cơ thể là một trong những chức năng của cột sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cân nặng càng tăng, áp lực các đốt sống phải gánh càng lớn. Một số chuyên gia cho rằng nguy cơ thoái hóa cột sống thắt lưng ở người thừa cân, béo phì cao gấp 5 lần người bình thường.

Ngoài ra, tình trạng chỉ số BMI ≥ 30 (béo phì) còn liên quan đến vấn đề viêm hệ thống dạng nhẹ góp phần phát triển thoái hóa xương sống.

Giới tính

Nồng độ estrogen thấp trong thời kỳ mãn kinh có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe xương khớp của phụ nữ, góp phần thúc đẩy quá trình thoái hóa xương cột sống xảy ra. Đây cũng là nguyên nhân vì sao nguy cơ thoái hóa đốt sống, cụ thể hơn là ở vị trí thắt lưng, ở phụ nữ thường cao hơn đàn ông, đặc biệt với độ tuổi 50 trở lên.

Bệnh thoái hóa cột sống có di truyền không?

Không ít chuyên gia cho rằng thoái hóa cột sống có tính di truyền. Sự hiện diện của một số gene có thể góp phần:

  • Làm tăng nguy cơ phá vỡ lớp sụn khớp cột sống ở người trẻ tuổi
  • Gây biến dạng cấu trúc xương khớp, tạo điều kiện cho quá trình thoái hóa dễ dàng xảy ra

Thoái hóa cột sống có nguy hiểm không?

Nếu không được kiểm soát và điều trị hiệu quả kịp thời, các đốt xương sống bị thoái hóa có thể kéo theo hàng loạt biến chứng nghiêm trọng xảy ra (3). Trong đó, phổ biến nhất là:

Gai cột sống

Khi lớp sụn khớp bị bào mòn, cơ thể sẽ tiến hành cơ chế tự chữa lành thương tổn bằng cách kích thích gai xương hình thành tại đây. Sự phát triển của gai cột sống không chỉ làm biến dạng đầu xương đốt sống mà còn có khả năng ảnh hưởng đến mô mềm và rễ thần kinh xung quanh.

Thoát vị đĩa đệm

Như đã được đề cập ở trên, thoái hóa cột sống cũng có thể gây tổn thương đĩa đệm. Mỗi đĩa đệm đều có phần nhân nhầy bao bọc bởi lớp bao xơ bên ngoài. Khi lớp bao bên ngoài bị rách hoặc nứt do tổn thương, nhân nhầy sẽ thoát ra và khiến đĩa đệm trượt khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, thoát vị đĩa đệm còn có thể tác động lên đám rối thần kinh đuôi ngựa (cauda equina), dẫn đến biến chứng mất kiểm soát ruột, bàng quang hoặc thậm chí là rối loạn chức năng tình dục.

Chèn ép rễ thần kinh

Gai xương và đĩa đệm bị thoát vị có khả năng chèn vào các rễ thần kinh gần đó gây đau và tê ngứa tay chân, đôi khi còn dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng hơn như:

  • Đau thần kinh tọa
  • Hội chứng cổ vai gáy
  • Thương tổn thần kinh vĩnh viễn gây tàn phế

Một số biến chứng khác

Bệnh nhân bị thoái hóa xương sống đôi lúc còn phải đối mặt với những vấn đề như:

  • Đau đầu, chóng mặt do các động mạch gần đốt sống bị chèn ép
  • Chèn ép tủy sống dẫn đến đau yếu tứ chi, vận động khó khăn hoặc thậm chí là liệt

Quy trình chẩn đoán thoái hóa đốt sống

Thông thường, quy trình chẩn đoán thoái hóa đốt xương sống sẽ gồm các bước như sau:

Kiểm tra sức khỏe tổng quát

Trước tiên, bệnh nhân cần cho bác sĩ biết:

  • Các triệu chứng khó chịu xảy ra ở đâu, bắt đầu từ khi nào
  • Cường độ cũng như tần suất diễn ra của các triệu chứng
  • Cuộc sống hàng ngày bị ảnh hưởng ra sao
  • Điều gì khiến cho các triệu chứng trở nặng
  • Bệnh sử gia đình

Sau đó, các chuyên gia sẽ tiến hành đánh giá sức khỏe tổng thể cũng như cột sống bằng cách:

  • Kiểm tra tổng quát tư thế và vùng da xung quanh khu vực bị ảnh hưởng
  • Dùng tay để kiểm tra các mô mềm cũng như các cơ bị co thắt (nếu có)
  • Kiểm tra từng đoạn đốt sống
  • Đánh giá biên độ vận động của các khớp liên quan
  • Kiểm tra phản xạ thần kinh

Những thông tin do bệnh nhân cung cấp cùng với kết quả kiểm tra sức khỏe tổng quát có thể giúp bác sĩ thu hẹp nguyên nhân khiến người bệnh đau nhức khó chịu. Tuy nhiên, để xác định một người có bị thoái hóa xương sống không, các chuyên gia có thể chỉ định thêm xét nghiệm hình ảnh và một vài xét nghiệm bổ sung khác.

Chẩn đoán thoái hóa cột sống bằng xét nghiệm hình ảnh

Các phương pháp này thường dùng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng thoái hóa, đồng thời loại trừ những nguyên nhân khác gây đau lưng và cổ (4). Chúng có thể kể đến như:

  • Chụp X-quang: giúp kiểm tra khe khớp, tình trạng của đĩa đệm và sự hiện diện của gai xương
  • Chụp CT: cung cấp hình ảnh về cột sống, đĩa đệm cũng như gai xương chi tiết hơn so với phim X-quang
  • Chụp MRI: giúp bác sĩ quan sát các mô mềm, bao gồm cơ bắp, đĩa đệm cột sống, dây chằng và gân
  • Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn (SPECT): thường kết hợp với chụp CT để xác định cụ thể vị trí cột sống đang bị tổn thương

Xét nghiệm chuyên sâu

Mặc dù các xét nghiệm máu hay hút dịch tủy sống không thể phát hiện hay đánh giá tình trạng thoái hóa cột sống nhưng chúng vẫn được bác sĩ chỉ định nhằm loại trừ các vấn đề sức khỏe như viêm đốt sống, nhiễm trùng hoặc ung thư.

Thoái hóa cột sống có chữa khỏi được không?

Một trong những điều cần được người bệnh lưu ý là hiện nay, không có cách nào có thể chữa khỏi thoái hóa cột sống hoàn toàn. Thay vào đó, các phương pháp hiện tại chủ yếu tập trung vào việc:

  • Giảm đau
  • Cải thiện khả năng vận động
  • Làm chậm quá trình thoái hóa

Ngoài ra, các bác sĩ sẽ đánh giá nhiều yếu tố (mức độ thoái hóa, bệnh sử cá nhân…) trước khi đề xuất hướng điều trị hiệu quả, phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Những phương pháp điều trị thoái hóa cột sống thường gặp

Các lựa chọn chữa trị thoái hóa đốt xương sống phổ biến bao gồm:

Điều trị không phẫu thuật

Sử dụng thuốc kê toa

Bác sĩ sẽ đánh giá lối sống, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng thoái hóa cũng như bệnh sử của bệnh nhân trước khi kê toa bất kỳ đơn thuốc nào. Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên báo với bác sĩ về những loại thuốc đang dùng, bao gồm cả vitamin và chất bổ sung, thực phẩm chức năng.

Nhìn chung, các loại thuốc thường được dùng trong điều trị thoái hóa cột sống có thể kể đến như sau:

  • Paracetamol đem lại hiệu quả trong việc giảm đau nhức khó chịu và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng giảm sưng viêm.
  • Nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs), ví dụ như ibuprofen, naproxen… có tác dụng giảm đau và giảm sưng viêm. Tuy nhiên, cần lưu ý đôi khi thuốc có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến dạ dày, thận và tim mạch.
  • Thuốc giảm đau tại chỗ dạng kem, gel, thuốc xịt hoặc miếng dán có thể ít tác dụng phụ hơn so với thuốc dạng uống. Mặc dù vậy, một số tác dụng ngoài ý muốn vẫn có khả năng xảy ra khi sử dụng thuốc.
  • Thuốc giãn cơ giúp khắc phục tình trạng co cứng cơ ở bệnh nhân thoái hóa cột sống. Tuy vậy, hiệu quả này chỉ mang tính tạm thời.
  • Thuốc giảm đau opioid thường chỉ dành cho người bệnh bị đau lưng cấp tính hoặc không đáp ứng với các thuốc khác do nhóm thuốc này có tính gây nghiện, đồng thời có thể kéo theo một vài phản ứng phụ ảnh hưởng đến nhận thức và hệ tiêu hóa.

Tập vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là yếu tố không thể thiếu trong mọi phác đồ điều trị thoái hóa đốt sống. Chăm chỉ tập luyện đều đặn với cường độ thích hợp có thể giúp tăng cường sức mạnh và cải thiện tính linh hoạt ở các cơ vùng cổ, lưng. Điều này có tác dụng hỗ trợ duy trì chức năng của cột sống, đồng thời giảm bớt áp lực lên đĩa đệm cũng như các khớp đốt sống, qua đó thuyên giảm các triệu chứng thoái hóa.

Các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân nên tập với chuyên gia vật lý trị liệu chuyên nghiệp để được hỗ trợ xây dựng chương trình luyện tập phù hợp giúp nâng cao sức bền, tăng biên độ vận động và cải thiện sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tiếp tục duy trì thói quen tập luyện này ở nhà sau khi chương trình tập vật lý trị liệu kết thúc.

Một số phương pháp điều trị nội khoa khác

Bên cạnh việc dùng thuốc và tập vật lý trị liệu, bệnh nhân cũng có thể tìm đến sự trợ giúp từ những phương pháp dưới đây để kiểm soát và đẩy lui các triệu chứng đau nhức, tê cứng khó chịu liên quan đến thoái hóa cột sống, ví dụ như:

  • Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS)
  • Trị liệu thần kinh cột sống (chiropractic)
  • Châm cứu
  • Xoa bóp, massage
  • Tiêm khớp (corticosteroid, tế bào gốc, huyết tương giàu tiểu cầu PRP…)

Phẫu thuật cột sống

Đây có thể xem là lựa chọn điều trị cuối cùng, thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân không đáp ứng tốt với phác đồ điều trị nội khoa và phục hồi chức năng sau ba tháng
  • Người bệnh có biểu hiện bị chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống
  • Bệnh nhân có dấu hiệu trượt đốt sống độ 3 – 4
  • Đĩa đệm bị thương tổn nặng nề, cần được thay đĩa đệm nhân tạo
  • Đau thần kinh tọa lâu ngày hoặc hẹp ống sống nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày

điều trị thoái hóa cột sống bằng phẫu thuật

Nguyên nhân các chuyên gia ít khi đề xuất chữa thoái hóa cột sống bằng phẫu thuật là do phương pháp điều trị xâm lấn này có thể gây ra một vài biến chứng nguy hiểm cho người bệnh sau đó, chẳng hạn như xuất huyết nội, nhiễm trùng và thậm chí là tổn thương thần kinh vĩnh viễn…

Để khắc phục những nhược điểm trên, hiện nay các bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực cơ xương khớp ở Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã áp dụng thành công kỹ thuật mổ nội soi cột sống tiên tiến. Bằng cách giảm thiểu phạm vi xâm lấn, giải pháp phẫu thuật nội soi cột sống tại Bệnh viện Tâm Anh có thể giúp bệnh nhân:

  • Hạn chế rủi ro phát sinh biến chứng hậu phẫu
  • Bớt đau, ít chảy máu
  • Dễ chăm sóc, vệ sinh vết mổ
  • Đẩy nhanh quá trình phục hồi
  • Duy trì biên độ vận động của cột sống sau ca mổ

Các biện pháp hỗ trợ điều trị, khắc phục tại nhà

Mệt mỏi là điều khó tránh khỏi khi bệnh nhân thường xuyên phải đối mặt với tình trạng đau nhức dai dẳng liên quan đến thoái hóa cột sống. Một vài biện pháp khắc phục dưới đây có thể hỗ trợ người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như:

  • Chườm ấm và chườm lạnh
  • Chú trọng chất lượng giấc ngủ
  • Xây dựng thói quen vận động – nghỉ ngơi hợp lý
  • Thay đổi và duy trì cân nặng khỏe mạnh

Bài tập chữa thoái hóa đốt sống

Tập thể dục không chỉ giúp cải thiện khả năng vận động cũng như tính linh hoạt của các đốt sống mà còn góp phần ngăn ngừa thừa cân, béo phì. Các bài tập hỗ trợ chữa thoái hoá cột sống thường được bác sĩ khuyến khích có thể kể đến như:

  • Tư thế cây cầu
  • Tư thế rắn hổ mang
  • Bài tập co giãn cơ lưng
  • Bài tập xoay cổ

Thoái hóa đốt sống kiêng gì và ăn gì?

Thực tế, chú trọng việc nên ăn gì và kiêng gì khi bị thoái hóa cột sống không có tác dụng điều trị vấn đề sức khỏe này. Tuy nhiên, cân nhắc bổ sung và hạn chế một số thực phẩm trong khẩu phần ăn mỗi ngày sẽ đem lại lợi ích trong việc làm chậm quá trình thoái hóa, duy trì cân nặng khỏe mạnh và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Các thực phẩm được khuyến khích bổ sung thường sẽ là những thực phẩm giàu vitamin C, D và canxi, ví dụ như:

  • Cá béo (cá thu, cá hồi…)
  • Quả bơ
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Ớt chuông

Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế dùng thực phẩm, món ăn chứa nhiều đường, chất béo bão hòa hoặc carbs tinh luyện.

Phòng ngừa thoái hóa đốt xương sống

Cột sống bị thoái hóa theo thời gian là hệ quả tất yếu không thể ngăn ngừa. Tuy nhiên, sớm phát hiện các triệu chứng thoái hóa cột sống và tiếp nhận điều trị hiệu quả ngay từ đầu có thể giúp kìm hãm bệnh tiến triển, đồng thời hạn chế rủi ro phát sinh biến chứng. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần:

  • Thay đổi các tư thế xấu khi hoạt động cũng như nghỉ ngơi
  • Cố gắng rèn luyện thể chất với các bài tập tốt cho cột sống
  • Tránh những tư thế, hoạt động khiến cột sống quá tải
  • Đi khám cột sống định kỳ hoặc bất kỳ lúc nào có biểu hiện đau lưng và cổ bất thường, đặc biệt là những người thường xuyên lao động nặng

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Tuy không thể phòng ngừa hay điều trị tận gốc thoái hóa cột sống nhưng hiểu rõ về tình trạng sức khỏe này có thể giúp bệnh nhân kiểm soát bệnh cũng như các triệu chứng khó chịu tốt hơn, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Từ khóa » đau Cột Sống Cổ Lưng