Thoát Vị Bẹn Do Còn ống Phúc Tinh Mạc ở Trẻ Em | BvNTP

1. Đại cương

Sự kéo dài của túi thừa phúc mạc ngang qua ống bẹn và đi ra ở lỗ bẹn ngoài đã tạo thành ống phúc tinh mạc. Ở bé trai ống phúc tinh mạc kéo dài cho đến bìu mổ và tinh hoàn; ở bé gái ống tận cùng ở môi lớn và tạo thành ống Nuck.

Các thành phần dính ở mặt sau của ống phúc tinh mạc khác nhau giữa nam và nữ. Ở nam là ống dẫn tinh và bó mạch máu thừng tinh; ở nữ là dây chằng tròn.

Bình thường ở cuối thời kỳ bào thai ống phúc tinh mạc sẽ tự bít lại, riêng ở bé trai phần dưới sẽ tạo thành tinh mạc. Nếu vì lý do nào đó ống không bít được thì sẽ tạo ra các dạng bệnh lý sau đây:

Nếu lỗ thông rộng, ruột và các tạng trong bụng có thể chạy xuống vùng bẹn - bìu và gây ra bệnh lý thoát vị bẹn ở trẻ em.

Trường hợp bít không hoàn toàn từng nấc sẽ tạo thành bệnh lý tràn dịch khu trú hay u nang thừng tinh ở bé trai và u nang ống Nuck ở bé gái. Tụ dịch từ phúc mạc xuống màng tinh hoàn tạo thành bệnh lý tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh.

2. Lâm sàng và chẩn đoán

Thoát vị bẹn ở bé trai. Tuổi phát hiện bệnh thường rất thay đổi có thể là ngay sau sinh nhất là ở trẻ đẻ non hoặc sau vài tháng hoặc vài năm.

Có thể xảy ra sau một đợt trẻ ho nhiều hoặc rặn nhiều (táo bón). Siêu âm có thể giúp chẩn đoán nếu cần trong những trường hợp mới xuất hiện và triệu chứng lâm sàng còn chưa rõ ràng.

Vị trí thoát vị

Thoát vị có thể một bên hoặc cả hai bên, phát hiện dưới dạng một khối u mềm nằm trên nếp bẹn, u thay đổi thể tích, thu nhỏ khi trẻ nằm và phình to khi khóc hoặc chạy nhảy. Thăm khám thường đẩy khối thoát vị lên dễ dàng. Kiểm tra lỗ thoát vị rộng so với phía đối diện.

3. Tiến triển

Ống phúc tinh mạc có thể tự bít trong những tháng đầu của đời sống. Sau 3 tháng tỷ lệ bít sẽ thấp dần cho đến 1 năm tuổi.

4. Biến chứng

Nghẹt cũng thường xảy ra vì ống phúc tinh mạc trong quá trình hình thành không phải là một ống thẳng mà có 3 chỗ hẹp tự nhiên: ở lỗ bẹn sâu, ở lỗ bẹn nông và ở chỗ vòng lên của ống để tạo thành tinh mạc.

Triệu chứng để phát hiện là khối thoát vị trở nên đau và không đẩy lên được nếu đến muộn hơn là bệnh cảnh của tắc ruột.

5. Thái độ xử trí

Trường hợp không nghẹt

Trước 1 tuổi:

Băng ép vùng bẹn với hy vọng ống phúc tinh mạc sẽ tự bít được. Biện pháp này trên thực tế rất khó thực hiện.

Điều trị các nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng như: Ho, táo bón kéo dài, lỵ mót rặn nhiều, hẹp bao quy đầu gây tiểu khó.

Sau 1 tuổi:

Phẫu thuật thắt ống phúc tinh mạc sát lỗ bẹn sâu sau khi đã giải phóng tạng thoát vị. Vấn đề mổ kiểm tra ống phúc tinh mạc bên kia trong cùng một lần mổ cũng được các tác giả đặt ra để tránh bỏ sót thương tổn phối hợp.

Trường hợp nghẹt

Trước 1 tuổi:

Nếu bệnh nhi đến sớm chưa có biểu hiện tắc ruột thì tiền mê, đẩy thoát vị lên và băng ép. Nếu đến muộn có dấu tắc ruột: phẫu thuật.

Sau 1 tuổi:

Chỉ định phẫu thuật giải phóng tạng thoát vị và thắt ống phúc tinh mạc sát lỗ bẹn sâu không nên cố gắng bóc túi thoát vị như người lớn vì dễ gây thương tổn ống dẫn tinh và mạch máu thừng tinh; hơn nữa phần dưới ống phúc tinh mạc sẽ tiếp tục phát triển để thành tinh mạc về sau.

Xem thêm: Thoát vị rốn

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Con Bẹn