Thông Cáo Báo Chí Kết Quả Nghiên Cứu Chuyên Sâu Tổng điều Tra ...

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ năm ở Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được công bố vào ngày 19/12/2019. Tiếp theo các kết quả này, Tổng cục Thống kê thực hiện nghiên cứu phân tích chuyên sâu một số chủ đề dân số, gồm: mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư và đô thị hoá, già hóa dân số, đồng thời dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069. Những phát hiện chính từ nghiên cứu này nhằm tiếp tục cung cấp bằng chứng về thực trạng, xu hướng, các nhân tố ảnh hưởng tới dân số và đề xuất những khuyến nghị nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

Một số phát hiện chính dựa trên các nghiên cứu này:

Mức sinh

  • Trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa: tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định ở mức thay thế trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con vẫn là phổ biến. Kết quả này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình đối với mục tiêu giảm sinh.
  • Hiện nay, mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn của khu vực thành thị và cao hơn mức sinh thay thế, TFR tương ứng là 2,26 con/phụ nữ và 1,83 con/phụ nữ. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất cả nước, với TFR mỗi vùng là 2,43 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước, TFR tương ứng là 1,56 con/phụ nữ và 1,8 con/phụ nữ.
  • Năm 2019, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ), cao hơn gấp hai lần so với địa phương có mức sinh thấp nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (1,39 con/phụ nữ). Trong vòng 10 năm qua, toàn quốc có 29 tỉnh ghi nhận mức sinh giảm và 33 tỉnh ghi nhận mức sinh tăng, Sóc Trăng là địa phương duy nhất có mức sinh không thay đổi.
  • Trong số các dân tộc có quy mô dân số trên 1 triệu người (Kinh, Tày, Thái, Khmer, Mường, Mông, Nùng), dân tộc Mông có mức sinh cao nhất. Trải qua ba thập kỷ, mức sinh của các dân tộc này đều giảm, trong đó dân tộc Mông có mức sinh giảm nhiều nhất (năm 1989: 9,30 con/phụ nữ; năm 2009: 4,96 con/phụ nữ; năm 2019: 3,59 con/phụ nữ). Hiện nay, chênh lệch về mức sinh giữa các nhóm dân tộc đang có xu hướng thu hẹp dần.
  • Năm 2019, phụ nữ di cư có mức sinh thấp hơn phụ nữ không di cư với TFR tương ứng là 1,54 con/phụ nữ so với 2,13 con/phụ nữ; phụ nữ có trình độ học vấn càng cao thì mức sinh càng thấp, TFR của nhóm phụ nữ có trình độ trên trung học phổ thông là thấp nhất (1,98 con/phụ nữ) và của nhóm có trình độ dưới tiểu học là cao nhất (2,35 con/phụ nữ); phụ nữ sống trong các hộ nghèo nhất có mức sinh cao nhất trong 5 nhóm mức sống (2,4 con/phụ nữ), phụ nữ sống trong các hộ giàu nhất có mức sinh thấp nhất (2 con/phụ nữ).
  • Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của phụ nữ từ 10-19 tuổi (ASFR10) là 11 con/1000 phụ nữ. Trong đó, khu vực nông thôn cao hơn thành thị, tương ứng là 15 con/1000 phụ nữ và 5 con/1000 phụ nữ. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có ASFR10 là cao nhất, tương ứng là 28 con/1000 phụ nữ và 21 con/1000 phụ nữ. Trong số các dân tộc có quy mô dân số trên 1 triệu người, ASFR10 của dân tộc Mông cao nhất, 65 con/1000 phụ nữ, cao hơn khoảng 9 lần so với dân tộc Kinh và hơn 6 lần so với mức bình quân chung của cả nước.

Mất cân bằng giới tính khi sinh

  • Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái, cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức rất cao. TSGTKS bắt đầu tăng tại Việt Nam vào khoảng năm 2004, đã đạt mức 112 bé trai/100 bé gái sau năm 2010 và chững lại từ đó đến nay.
  • TSGTKS ở Việt Nam cao hơn mức sinh học tự nhiên (104-106 trai/100 bé gái) cho thấy có khoảng 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt năm 2019. Số lượng trẻ em gái thiếu hụt chiếm 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra.
  • TSGTKS cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng, trong đó TSGTKS tại khu vực nông thôn của Đồng bằng sông Hồng cao hơn ở khu vực thành thị của khu vực này, tương ứng là 115,2 bé trai/100 bé gái và 112,8 bé trai/100 bé gái[1].
  • Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các nhóm mức sống. Trong 10 năm qua, TSGTKS của nhóm nghèo nhất tăng từ 105,2 lên 108,2 bé trai/100 bé gái; trong khi đó, TSGTKS của nhóm giàu nhất vẫn ở giữ mức cao (năm 2019: 112,9 bé trai/100 bé gái).
  • Tâm lý ưa thích con trai và nhu cầu cần có con trai tác động tới việc sinh thêm con của các cặp vợ chồng. Những cặp vợ chồng đã có hai con nhưng chưa có con trai, khả năng sinh thêm con cao gấp đôi so với những cặp vợ chồng đã có ít nhất một con trai. Việc sinh thêm con để có con trai đặc biệt rõ rệt ở nhóm dân số có trình độ học vấn cao và mức sống tốt hơn.
  • Sự ưa thích con trai còn được thể hiện qua việc lựa chọn giới tính trước sinh ngay từ lần sinh đầu, với TSGTKS là 109,5 bé trai/100 bé gái đối với lần sinh đầu tiên; TSGTKS tiếp tục tăng ở lần sinh từ thứ ba trở lên (119,8 bé trai/100 bé gái). Đối với các cặp vợ chồng sinh liên tiếp 2 con gái, TSGTKS của lần sinh thứ ba là 143,8 bé trai/100 bé gái.
  • Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số trong tương lai như dư thừa số lượng nam thanh niên. Dự báo cho thấy, nếu TSGTKS vẫn giữ nguyên như hiện nay, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người; nếu TSGTKS giảm nhanh và đạt mức bình thường vào năm 2039 thì số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 1,8 triệu người.

Di cư và đô thị hóa

  • Cả nước có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, chiếm 7,3% tổng dân số, thấp hơn so với năm 2009 (6,7 triệu người di cư, chiếm 8,5% dân số). Nữ giới vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới trong tổng dân số di cư nhưng sự khác biệt này đang dần thay đổi theo hướng cân bằng. Phần lớn người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ từ 20-39 tuổi (chiếm 61,8% tổng số người di cư).
  • Tây Nguyên chuyển từ vùng nhập cư trở thành vùng xuất cư (với tỷ suất di cư thuần là -12‰). Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng nhập cư lớn nhất cả nước. Đặc biệt, Đông Nam Bộ, vùng kinh tế phát triển với các khu công nghiệp lớn, tiếp tục là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư với 1,3 triệu người nhập cư. Tỉnh Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất (200,4‰) trong số 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương; tỉnh Sóc Trăng có tỷ suất di cư thuần âm cao nhất (-75,0‰).
  • Trẻ em di cư thiệt thòi hơn trẻ em không di cư trong việc tiếp cận giáo dục cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; đặc biệt, trẻ em trong nhóm di cư ngoại tỉnh chịu thiệt thòi hơn so với trẻ em ở các nhóm di cư khác trong việc tiếp cận giáo dục ở tất cả các cấp. Năm 2019, có tới 83,9% trẻ em không di cư trong độ tuổi 11-18 đang đi học nhưng chỉ có 55,7% trẻ em di cư ngoại tỉnh trong nhóm nhóm tuổi này đang đi học.
  • Trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) của người di cư đã cải thiện so với 10 năm trước, tăng từ 22,9% năm 2009 lên 37,2% năm 2019 và cao hơn so với người không di cư. Năm 2019, tỷ lệ người di cư có trình độ CMKT cao hơn 17,5 điểm phần trăm so với người không di cư.
  • Trong tổng số lao động di cư đang làm việc trong nền kinh tế, có tới 91,4% người di cư làm ở khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tỷ lệ này ở người di cư cao hơn so với người không di cư, đặc biệt tỷ trọng người di cư làm trong khu vực công nghiệp và xây dựng cao gần gấp đôi tỷ trọng người không di cư làm trong cùng khu vực (44,9% so với 27,7%).
  • Tỷ lệ thất nghiệp của người di cư cao hơn người không di cư (2,53% so với 2,01%). Nữ giới di cư có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nam giới di cư, lần lượt là 2,82% và 2,20%. Trong số những người di cư đang thất nghiệp, hơn hai phần ba (69,7%) là những người di cư tới thành thị và chỉ có một phần ba là những người di cư tới nông thôn.
  • Điều kiện về nhà ở của người di cư tốt hơn người không di cư với tỷ lệ người sống trong nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ của hai nhóm này tương ứng là 2,8% và 7,3%. Tuy nhiên, diện tích nhà ở bình quân đầu người của người di cư lại thấp hơn của người không di cư (tương ứng là 21,9m2/người và 25,4m2/người) với gần một nửa người di cư phải đi thuê/mượn nhà để ở.
  • Có mối quan hệ chặt chẽ giữa di cư và đô thị hóa. Người nhập cư từ 5 tuổi trở lên chiếm 12,3% dân số của các đô thị. Áp lực nhập cư đối với đô thị đặc biệt là lớn nhất, cứ 1000 người sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người là người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước.
  • Có sự khác biệt về tỷ lệ thất nghiệp giữa các loại hình đô thị: Tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên ở đô thị đặc biệt cao nhất (3,17%), tiếp đến là đô thị loại I (3,03%), đô thị loại III có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong các nhóm đô thị (2,11%). Tỷ lệ thất nghiệp của nữ cao hơn nam ở tất cả các loại hình đô thị.

Dự báo dân số giai đoạn 2019-2069

  • Theo phương án trung bình, dự báo dân số Việt Nam năm 2029 là 104,5 triệu người, năm 2039 là 110,8 triệu người và đến năm 2069 là 116,9 triệu người. Trong 5 năm đầu của thời kỳ dự báo, 2019-2024, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của nước ta là 0,93%. Trong tương lai, dự báo tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái “dừng” vào cuối thời kỳ dự báo, giai đoạn 2064-2069.
  • Tỷ số giới tính sẽ tăng nhanh trong giai đoạn 2019-2029. Theo phương án trung bình, dự báo đến năm 2026 dân số nam bằng dân số nữ (tỷ số giới tính đạt mức 100 nam/100 nữ); đến năm 2069, tỷ số giới tính của Việt Nam là 101,4 nam/100 nữ.
  • Theo phương án trung bình, dự báo dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Dự báo đây là thời điểm chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2007[2].
  • Giai đoạn 2026-2039, Việt Nam vẫn trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đã tăng và đạt trên 10%. Năm 2026, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Dự báo, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069) tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 20% đến dưới 29,9%.
  • Theo phương án trung bình, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 50% dân số sống ở khu vực thành thị; đến năm 2069, tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị chiếm 64,8%.

Kết quả nghiên cứu chuyên sâu từ số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, mức sinh của Việt Nam hiện nay duy trì quanh mức sinh thay thế sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lai. Theo đó, dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm. Với thực trạng về mức sinh, cơ cấu dân số cũng như TSGTKS cao như hiện nay, cơ cấu dân số trong lai sẽ có sự thay đổi theo hướng dân số “già” và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh. Ngoài ra, xu hướng di cư và tác động của di cư đến đô thị hóa và phát triển kinh tế – xã hội cũng sẽ là những vấn đề nổi lên trong thời gian tới. Những thông tin này cung cấp thêm bằng chứng làm cơ sở cho việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian tới.

[1] Số liệu ước tính cho các vùng và tỉnh được xây dựng dựa trên tỷ số giới tính của trẻ em dưới 1 tuổi và do đó các ước tính này cho kết quả khác so với các ước tính dựa trên số ca sinh trong 12 tháng trước thời điểm điều tra.

[2] Cơ cấu dân số “vàng” là khi tỷ trọng dân số trẻ em (từ 0-14 tuổi) nhỏ hơn 30%, tỷ trọng dân số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) nhỏ hơn 15%. Cơ cấu dân số “già” có tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên lớn hơn 10% và nhỏ hơn 20%. Cơ cấu dân số “rất già” có tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 20,0% đến 29,9%. Cơ cấu dân số “siêu già” có tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đạt trên 30% tổng dân số.

Từ khóa » Dân Số Di Cư