Thông Cáo Báo Chí Về Tình Hình Kinh Tế Xã Hội Năm 2015

  1. Bối cảnh trong và ngoài nước

– Năm 2015 là năm có ý nghĩa to lớn và quan trọng vì là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011-2015.

– Thị trường toàn cầu có những bất ổn. Kinh tế thế giới chưa lấy lại được đà tăng trưởng và phục hồi chậm.

– Giá dầu thô giảm mạnh.

– Sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu.

– Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015 – 2016.

  1. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh

2.1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2014[1], cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét. Trong mức tăng trưởng chung:

  • Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,41%, thấp hơn mức 3,44% của năm 2014; đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
  • Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước, đóng góp 3,20 điểm phần trăm, trong đó ngành công nghiệp tăng 9,39% so với năm trước (công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,60%); ngành xây dựng tăng 10,82%, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010.
  • Khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm.
  • Quy mô nền kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt 4192,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.

Xét về góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 9,12% so với năm 2014; tích lũy tài sản tăng 9,04%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 8,62 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

2.2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

– Sản lượng lúa cả năm 2015 ước tính đạt 45,2 triệu tấn, tăng 240,9 nghìn tấn so với năm 2014[2]; diện tích gieo trồng đạt 7,8 triệu ha, tăng 18,7 nghìn ha; năng suất đạt  57,7 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha.

– Sản lượng lúa đông xuân đạt 20,7 triệu tấn, giảm 158,8 nghìn tấn; diện tích gieo trồng đạt 3,1 triệu ha, giảm 4,1 nghìn ha; năng suất đạt 66,5 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha. Sản lượng lúa hè thu đạt 15 triệu tấn, tăng 512,5 nghìn tấn; diện tích gieo trồng đạt gần 2,8 triệu ha, tăng 51 nghìn ha; năng suất đạt 53,8 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha. Sản lượng lúa mùa ước tính đạt 9,5 triệu tấn, giảm 112,7 nghìn tấn; diện tích đạt trên 1,9 triệu ha, giảm 28,2 nghìn; năng suất đạt 49,2 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha.

– Tại thời điểm 01/10/2015, đàn trâu cả nước có 2,5 triệu con, tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 5,4 triệu con, tăng 2,5%; đàn lợn có 27,7 triệu con, tăng 3,7%; đàn gia cầm có 341,9 triệu con, tăng 4,3%. Sản lượng thịt trâu hơi đạt 85,8 nghìn tấn, tăng 0,1%; sản lượng thịt bò đạt 299,3 nghìn tấn, tăng 2,2%; sản lượng thịt lợn đạt 3,5 triệu tấn, tăng 4,2%; sản lượng thịt gia cầm đạt 908,1 nghìn tấn, tăng 3,8%.

– Diện tích rừng trồng tập trung năm nay ước tính đạt 240,6 nghìn ha, tăng 8,5% so với năm 2014; sản lượng gỗ khai thác đạt 8309 nghìn m3, tăng 11,9%.

– Sản lượng thuỷ sản năm 2015 ước tính đạt 6549,7 nghìn tấn, tăng 3,4% so với năm trước, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 3513,4 nghìn tấn, tăng 2,9%; sản lượng khai thác đạt 3036,3 nghìn tấn, tăng 4%.

2.3. Sản xuất công nghiệp

– Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,8% so với năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 5,9% của năm 2013 và 7,6% của năm 2014. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 6,5%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%.

– Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm nay tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn mức tăng của cùng kỳ hai năm gần đây[3]. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/12/2015 tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng thời điểm năm 2014 (cùng thời điểm năm 2013 tăng 10,2%; năm 2014 tăng 10%).

– Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2015 tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 4,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8%. Tại thời điểm trên, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp khai khoáng giảm 1,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%[4]; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 1,1%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,3%.

2.4. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

– Trong năm 2015, cả nước có 94754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 601,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014 (Năm 2014, số doanh nghiệp giảm 2,7%; số vốn tăng 8,4% so với năm 2013). Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 là 1471,9 nghìn người, tăng 34,9% so với năm 2014.

– Trong năm nay, cả nước có 21506 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm là 9467 doanh nghiệp, giảm 0,4% so với năm trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là 71391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

2.5. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy:

– Về xu hướng kinh doanh, có 42,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV khả quan hơn quý III; 19,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I năm 2016 so với quý IV năm nay, có 40,9% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 17,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 41,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

– Về khối lượng sản xuất, có 44,8% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý IV năm nay tăng so với quý trước; 20,4% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 34,8% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Xu hướng quý I năm 2016 so với quý IV năm nay, có 42,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 17,6% số doanh nghiệp dự báo giảm và 40,2% số doanh nghiệp dự báo ổn định. Có tới 91,6% doanh nghiệp dự báo năm 2016 có khối lượng sản xuất tăng so với năm 2015.

– Về đơn đặt hàng, có 38,6% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng quý IV cao hơn quý III; 20,8% doanh nghiệp có số đơn đặt hàng giảm và 40,6% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quí I năm 2016 so với quý IV năm 2015 khả quan hơn với 38,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng cao hơn; 18,1% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 43,7% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. Có tới 91,1% số doanh nghiệp lạc quan về số lượng đơn hàng năm 2016 sẽ tăng so với năm 2015.

– Về đơn đặt hàng xuất khẩu quý IV so với quý trước, có 30,7% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn; 21,4% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 47,9% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng quí I năm sau so với quý IV năm nay, có 33% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 19,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 47,8% số doanh nghiệp dự kiến ổn định. Đối với năm 2016, có 90,8% số doanh nghiệp dự báo đơn hàng xuất khẩu tăng lên và giữ ổn định.

– Về chi phí sản xuất, có 24,4% số doanh nghiệp khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý IV tăng so với quý trước; 10,4% số doanh nghiệp cho biết chi phí giảm và 65,2% số doanh nghiệp cho rằng chi phí ổn định. Xu hướng trong quý I năm 2016, có 22,4% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng so với quý IV năm 2015; 10,9% cho rằng chi phí giảm và 66,7% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất ổn định.

– Về giá bán sản phẩm quý IV so với quý trước, có 15,4% số doanh nghiệp cho biết có giá bán sản phẩm tăng; 13,6% số doanh nghiệp có giá bán thấp hơn và 71% số doanh nghiệp có giá bán sản phẩm ổn định. Dự kiến giá bán sản phẩm quý I năm 2016 so với quý IV năm 2015, có 16,1% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ cao hơn; 10,5% số doanh nghiệp dự báo giá bán sẽ thấp hơn và 73,4% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ ổn định.

– Về tình hình tồn kho sản phẩm, có 20,4% số doanh nghiệp có lượng tồn kho quý IV năm 2015 tăng so với quý trước; 31,3% số doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm và 48,3% số doanh nghiệp giữ ổn định. Xu hướng quý I năm 2016 so với quý IV năm nay, có 16,5% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 29,5% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho sẽ giảm và 54% số doanh nghiệp dự báo sẽ giữ ổn định.

– Về tồn kho nguyên vật liệu quý IV so với quý III, có 19,4% số doanh nghiệp cho biết lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 28,6% số doanh nghiệp cho là giảm và 52,0% số doanh nghiệp trả lời giữ nguyên. Dự kiến quý I năm 2016 so với quý IV năm nay, có 15,5% số doanh nghiệp dự báo lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 28,1% dự báo lượng tồn kho giảm và 56,4% số doanh nghiệp cho rằng sẽ không có biến động về tồn kho nguyên, vật liệu.

– Về sử dụng lao động quý IV so với quý III, có 17,3% số doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng lên; 12,7% số doanh nghiệp khẳng định giảm đi và 70% số doanh nghiệp cho biết giữ ổn định. Dự báo cả năm 2016, có 34,3% số doanh nghiệp cho rằng quy mô lao động tăng so với năm 2015 (37,8% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 33,9% doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 25,9% doanh nghiệp Nhà nước dự báo quy mô lao động tăng); 57,6% số doanh nghiệp dự báo giữ quy mô lao động ổn định; 8,1% số doanh nghiệp dự báo quy mô lao động sẽ giảm.

2.6. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2015 ước tính đạt 3242,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014).

Xét theo ngành kinh doanh, bán lẻ hàng hóa đạt 2469,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 372,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 370,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7%.

2.7. Vận tải hành khách, hàng hóa

– Vận tải hành khách năm nay ước tính đạt 3283,1 triệu lượt khách, tăng 7,7% và 143 tỷ lượt khách.km, tăng 7,9% so với năm 2014, trong đó vận tải đường bộ đạt 3099,2 triệu lượt khách, tăng 7,9% và 105 tỷ lượt khách.km, tăng 8,5%; đường sông đạt 146,5 triệu lượt khách, tăng 4% và 2,5 tỷ lượt khách.km, tăng 6,5%; đường hàng không đạt 20,7 triệu lượt khách, tăng 7,9% và 31,1 tỷ lượt khách.km, tăng 7,2%; đường biển đạt 5,4 triệu lượt khách, tăng 5,3% và 267,4 triệu lượt khách.km, tăng 4,9%; đường sắt đạt 11,2 triệu lượt khách, giảm 5,3% và 4,2 tỷ lượt khách.km, giảm 0,3%.

– Vận tải hàng hóa năm nay ước tính đạt 1133,9 triệu tấn, tăng 6% và 226,8 tỷ tấn.km, tăng 3,1% so với năm trước, trong đó vận tải trong nước đạt 1102 triệu tấn, tăng 6,1% và 98,8 tỷ tấn.km, tăng 6,9%; vận tải ngoài nước đạt 31,9 triệu tấn, tăng 3,8% và 128 tỷ tấn.km, tăng 0,3%.

2.8. Khách quốc tế đến Việt Nam

– Khách quốc tế đến nước ta năm 2015 ước tính đạt 7943,7 nghìn lượt người, giảm 0,2% so với năm trước, là năm đầu tiên khách đến Việt Nam giảm kể từ năm 2009. Khách đến bằng đường hàng không trong năm tăng 0,8% so với năm trước; đường bộ giảm 6,5%; đường biển tăng mạnh với 27,5%.

– Xét theo thị trường, đối với châu Á, khách đến từ Hàn Quốc tăng 31,3%; Nhật Bản tăng 3,6%; Ma-lai-xi-a tăng 4,1%; Xin-ga-po tăng 16,9%; Trung Quốc giảm 8,5%; Cam-pu-chia giảm 43,8%; In-đô-nê-xi-a giảm 9,3%; Thái Lan giảm 13,1%; Lào giảm 16,6%; Phi-li-pin giảm 3,5%.

Đối với châu Âu, khách đến từ Anh tăng 5,2%; Đức tăng 4,7%; Hà Lan tăng 7,8%; Tây Ban Nha tăng 10,4%; I-ta-li-a tăng 10,6%; Nga giảm 7,1%; Pháp giảm 1%; Thụy Điển giảm 1,4%.

Đối với châu Mỹ và châu Úc, khách đến từ Hoa Kỳ tăng 10,7%;  Ôx-trây-li-a giảm 5,4%. Khách đến từ châu Phi đạt 27,2 nghìn lượt người, tăng 44,3%.

2.9. Đầu tư phát triển

– Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 1367,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014 và bằng 32,6% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 519,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 38% tổng vốn và tăng 6,7%; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 529,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,7% và tăng 13%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 318,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,3% và tăng 19,9%.

– Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước ước tính đạt 220,4 nghìn tỷ đồng, bằng 100,6% kế hoạch năm và tăng 6,1% so với năm 2014.

– Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015 thu hút 2013 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỷ USD, tăng 26,8% về số dự án và giảm 0,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2015 ước tính đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước.

2.10. Thu, chi ngân sách Nhà nước

– Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015 ước tính đạt 884,8 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 657 nghìn tỷ đồng, bằng 102,9%; thu từ dầu thô 62,4 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 160 nghìn tỷ đồng, bằng 91,4%.

– Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015 ước tính đạt 1064,5 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 162 nghìn tỷ đồng, bằng 83,1% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 157,5 nghìn tỷ đồng, bằng 82,7%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 745 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1%; chi trả nợ và viện trợ 148,3 nghìn tỷ đồng, bằng 98,9%.

2.11. Xuất khẩu hàng hóa

– Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015 ước tính đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, loại trừ yếu tố giá tăng 12,4% (chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa giảm 3,8%). Kim ngạch xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước tính đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8%; khu vực trong nước ước tính đạt 47,3 tỷ USD, giảm 3,5%.

– Đóng góp chính vào mức tăng chung chủ yếu là nhóm hàng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng cao: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,7%, điện tử máy tính và linh kiện chiếm 98,2%, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 89,5%, giày dép chiếm 79,7%; hàng dệt may chiếm 60,4%.

– Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm 45,5% tổng kim ngạch, tăng 1,5 điểm phần trăm so với năm 2014; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 39,9%, tăng 0,6 điểm phẩn trăm; hàng nông, lâm chiếm 10,5%, giảm 1 điểm phần trăm;   hàng thủy sản chiếm 4,1%, giảm 1,1 điểm phần trăm.

– Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch ước tính chiếm tỷ trọng 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là EU chiếm 19%…

2.12. Nhập khẩu hàng hóa

– Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2015 ước tính đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98 tỷ USD, tăng 16,4%; khu vực kinh tế trong nước đạt 67,6 tỷ USD, tăng 6,3%. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá nhập khẩu giảm 5,8%), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 13,2% của năm 2014.

– Kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với năm trước: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 23,1%; vải đạt tăng 8,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 7,5%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn tăng so với năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 24,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 25,4%; ô tô tăng 59%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 87,7%.

– Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 91,3% tổng kim ngạch, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2014; hàng tiêu dùng chiếm 8,7%, giảm 0,2 điểm phần trăm.

– Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch chiếm 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu; tiếp đến là Hàn Quốc chiếm 16,7%; ASEAN chiếm 14,4%…

– Cán cân thương mại năm 2015 nhập siêu 3,2 tỷ USD (sau 3 năm liên tiếp xuất siêu[5]), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,3 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 17,1 tỷ USD. Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc ước tính nhập siêu tới 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước; thị trường Nhật Bản sau nhiều năm xuất siêu, năm 2015 nhập siêu hơn 300 triệu USD.

2.13. Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Xuất khẩu dịch vụ năm nay ước tính đạt 11,2 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2014, trong đó xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 7,3 tỷ USD, giảm 0,4%. Nhập khẩu dịch vụ năm 2015 ước tính đạt 15,5 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm trước, trong đó nhập khẩu dịch vụ vận tải và bảo hiểm hàng nhập khẩu đạt 9 tỷ USD.

Nhập siêu dịch vụ năm 2015 ước tính 4,3 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2015. Cân đối thương mại hàng hóa và dịch vụ năm 2015 ước tính xuất siêu 1,5 tỷ USD, trong đó hàng hóa xuất siêu 5,8 tỷ USD, dịch vụ nhập siêu 4,3 tỷ USD.

2.14. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

CPI tháng Mười Hai năm nay tăng 0,02% so với tháng trước, trong đó: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,32%; nhóm đồ uống và thuốc lá, hàng ăn và dịch vụ ăn uống cùng tăng 0,16% (lương thực tăng 0,45%; thực phẩm tăng 0,13%); thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,14%; giáo dục tăng 0,04%; giao thông giảm 1,57%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,05%; bưu chính viễn thông giảm 0,03%.

CPI tháng 12/2015 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2014. CPI bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với bình quân năm 2014.

2.15. Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa

– Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2015 giảm 0,28% so với năm trước; chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp giảm 0,58%; chỉ số giá cước vận tải, kho bãi giảm 3,26%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 1,28%.

– Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá năm 2015 giảm 3,79% so với năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 5,82% so với năm 2014. Tỷ giá thương mại hàng hóa năm nay tăng 2,15% so với năm trước.

  1. Kết quả một số vấn đề xã hội

3.1. Dân số

Dân số trung bình năm 2015 của cả nước ước tính 91,70 triệu người, tăng 974,9 nghìn người so với năm 2014. Tổng tỷ suất sinh năm nay ước tính đạt 2,10 con/phụ nữ. Tỷ suất sinh thô là 16,20‰; tỷ suất chết thô là 6,81‰. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi là 14,73‰. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi là 22,12‰. Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2015 là 73,3 tuổi, trong đó nam là 70,7 tuổi và nữ là 76,1 tuổi.

3.2. Lao động, việc làm, đời sống dân cư

– Tại thời điểm 01/01/2016, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 54,61 triệu người, tăng 185 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2014; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 48,19 triệu người, tăng 506,1 nghìn người.

– Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2015 ước tính 52,9 triệu người, tăng 142 nghìn người so với năm 2014, trong đó lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 44,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,9%; khu vực dịch vụ chiếm 32,8%.

– Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo năm 2015 ước tính đạt 21,9%, cao hơn mức 19,6% của năm trước.

– Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2015 là 2,31%, trong đó khu vực thành thị là 3,29%; khu vực nông thôn là 1,83%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 – 24 tuổi là 6,85%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 25 tuổi trở lên là 1,27%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2015 là 1,82%.

– Năng suất lao động xã hội toàn nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 79,3 triệu đồng/lao động, tương đương 3657 USD/lao động. Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm nay ước tính tăng 6,4% so với năm 2014.

– Trong năm 2015, cả nước có 227,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 27,8% so với năm trước, tương ứng với 944 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 29,6%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 ước tính khoảng 7%-7,2%, giảm 1,2-1,4 điểm phần trăm so với năm 2014.

3.3. Giáo dục, đào tạo

– Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó 12 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.

– Tại thời điểm đầu năm học 2015 – 2016, số giáo viên mẫu giáo là 231 nghìn người; số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy 829 nghìn người, bao gồm: 365 nghìn giáo viên tiểu học; 313 nghìn giáo viên trung học cơ sở và 151 nghìn giáo viên trung học phổ thông. Trong năm học này, cả nước có 3,9 triệu trẻ em đi học mẫu giáo; 7,7 triệu học sinh tiểu học; 5,1 triệu học sinh trung học cơ sở và 2,4 triệu học sinh trung học phổ thông.

– Tính đến thời điểm cuối năm nay, cả nước có 1467 cơ sở dạy nghề, bao gồm 190 trường cao đẳng nghề; 280 trường trung cấp nghề; 997 trung tâm dạy nghề và hơn 1 nghìn cơ sở có dạy nghề với tổng số giáo viên dạy nghề hơn 40,6 nghìn người.

3.4. Tình hình dịch bệnh

– Tính chung năm 2015, cả nước có hơn 57 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (6 trường hợp tử vong); 81,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (52 trường hợp tử vong); 924 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (26 trường hợp tử vong); 376 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 131 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (5 trường hợp tử vong).

– Tính đến thời điểm 17/12/2015, tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống là 231,3 nghìn người, trong đó 79,7 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 80,1 nghìn người.

3.5. Tai nạn giao thông

Tính chung cả năm 2015, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 22404 vụ tai nạn giao thông, làm 8671 người chết; 5984 người bị thương và 14572 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông năm nay giảm 11,5%; số người chết giảm 3,6%; số người bị thương giảm 4,5% và số người bị thương nhẹ giảm 19,7%. Bình quân một ngày trong năm 2015, trên địa bàn cả nước xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm 24 người chết, 16 người bị thương và 40 người bị thương nhẹ.

3.6. Thiệt hại do thiên tai 

Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai xảy ra trong năm làm 157 người chết và mất tích; 199 người bị thương; hơn 30 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; gần 80 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng, hư hỏng; hơn 70 km đê, kè, kênh mương và 341 km đường xe cơ giới bị sạt lở; khoảng 500 đập, cống bị phá hủy và hư hỏng; hơn 200 cột điện trung, cao và hạ thế bị gãy, đổ. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm ước tính khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng.

[1] Mức tăng GDP so với năm trước của một số năm: Năm 2011 tăng 6,24%; năm 2012 tăng 5,25%; năm 2013 tăng 5,42%; năm 2014 tăng 5,98%.

[2]  Sản lượng lúa cả năm năm 2014 đạt 44,98 triệu tấn, tăng 935,9 nghìn tấn so với năm 2013.

[3]  Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2013 tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước; 11 tháng năm 2014 tăng 11,1%.

[4]  Trong đó một số ngành công nghiệp cấp II sử dụng nhiều lao động có chỉ số sử dụng lao động tăng cao: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 24,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 23,8%; sản xuất trang phục tăng 9,6%; sản xuất da và các sản phẩm từ da tăng 7,2%; dệt tăng 6,7%.

[5] Năm 2012 xuất siêu 748,8 triệu USD; năm 2013 xuất siêu 0,3 triệu USD; năm 2014 xuất siêu gần 2,4 tỷ USD.

Từ khóa » Thu Nhập Bình Quân đầu Người Trung Quốc 2015