Thông Tin Không Thể Bỏ Qua Trước Khi đặt Stent Mạch Vành

Stent mạch vành có tác dụng gì?

Stent mạch vành là một ống lưới nhỏ, bằng kim loại hoặc polymer. Dụng cụ này được đặt vào các vị trí động mạch vành bị tắc hẹp nhằm giữ cho mạch vành rộng mở để đưa máu về cơ tim. Nhờ đó, người bệnh sẽ giảm được triệu chứng đau thắt ngực, khó thở, tăng khả năng gắng sức ở người bị thiếu máu cơ tim cục bộ, đồng thời giúp hạn chế nguy cơ nhồi máu cơ tim.

04 loại stent mạch vành thường dùng

  1. Stent kim loại thường (Bare Metal Stent): có ưu điểm là chi phí rẻ, nhưng nguy cơ tái tắc mạch của loại stent này cao hơn các loại stent khác. Theo thống kê, khoảng 30% người bệnh can thiệp đặt stent kim loại thường sẽ bị tắc hẹp mạch vành trở lại sau 6 tháng thực hiện.
  2. Stent phủ thuốc (Drug Eluting Stent, DES): Lớp thuốc này có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của mô sẹo, nhờ đó giảm nguy cơ tái tắc hẹp. So với stent kim loại, stent phủ thuốc có tỷ lệ tái tắc hẹp giảm hơn 20 - 30%. Tuy nhiên vì nguy cơ vẫn còn nên người bệnh sau đặt vẫn phải dùng thuốc chống đông, tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày can thiệp. Một số trường hợp dị ứng với thuốc phủ cũng không đặt được stent này.
  3. Stent tự tiêu/stent sinh học (Bioengineered Stent): Ưu điểm của loại stent này là khả năng tự tiêu và khả năng thúc đẩy quá trình tái tạo thành mạch khỏe mạnh. Nhờ đó, sau khi đặt, người bệnh ít có nguy cơ hình thành cục máu đông hơn. Tuy nhiên, giá của loại stent này lại cao gấp 2 - 3 lần stent kim loại thường.
  4. Stent trị liệu kép (Dual Therapy Stent, DTS): Đây là loại stent mạch vành mới nhất. Nhờ tận dụng lợi thế của stent tự tiêu và stent phủ thuốc, stent trị liệu kép có khả năng làm giảm nguy cơ tái tắc hẹp và hình thành cục máu đông, mô sẹo tốt hơn đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình làm lành tổn thương sau thủ thuật đặt stent mạch vành. Do có nhiều ưu điểm nên chi phí cho loại stent này cũng cao nhất, không phải người bệnh nào cũng chi trả được.

Ngoài 4 loại stent kể trên, hiện nay còn có stent phủ thuốc có khung tự tiêu. Đây cũng là loại stent kết hợp từ stent phủ thuốc và tự tiêu nhưng không có khả năng thúc đẩy quá trình tái tạo thành mạch như stent tự tiêu.

Tắc hẹp mạch vành bao nhiêu thì phải đặt stent?

Thông thường, can thiệp đặt stent sẽ được chỉ định khi kết quả chụp mạch vành bị tắc hẹp trên 70% và người bệnh có triệu chứng đau ngực. Phương pháp này cũng được áp dụng trong các trường hợp:

- Người bệnh bị đau thắt ngực ngay cả khi nghỉ ngơi (đau thắt ngực không ổn định), sử dụng thuốc giãn mạch nhưng không hiệu quả và có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

- Bị đau thắt ngực, mệt mỏi thường xuyên và không thuyên giảm dù đã dùng thuốc điều trị.

Đặt stent mạch vành được coi là phương pháp có độ an toàn cao. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, phương pháp này có thể đẩy người bệnh đến nhiều rủi ro, hơn cả khi không đặt. Vì vậy, người bệnh cần đến các chuyên khoa tim mạch uy tín để được thăm khám trước khi thực hiện.

Loại stent mạch vành nào tốt nhất?

Nếu chỉ đứng trên góc độ đặc điểm của các loại stent, càng stent thế hệ sau, ưu điểm càng nhiều. Tuy nhiên, việc đánh giá một loại stent còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Một stent mạch vành tốt nhất là stent phù hợp với kích cỡ, vị trí bị tắc hẹp, không gây dị ứng với cơ thể và người bệnh. Nhà sản xuất cũng là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá chất lượng của loại stent đó so với loại tương đương. Stent do các nước châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản sẽ chất lượng hơn so với các nước khác ở châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc) sản xuất.

Ví dụ đơn giản nhất như như stent khung tự tiêu là thế hệ mới với nhiều ưu điểm, nhưng độ giữ vững thành mạch máu thấp, không có nhiều kích cỡ nên cũng không phải là lựa chọn cho các trường hợp lòng mạch > 4mm < 2.5mm. Mặt khác kỹ thuật đặt stent này phức tạp hơn những loại khác nhiều lần. Khung tự tiêu dầy nên nguy cơ huyết khối trong lòng mạch lớn, người bệnh phải dùng thuốc kháng đông dài hơn. Hay như một số người bệnh bị dị ứng với stent phủ thuốc, không thể đặt được stent trị liệu kép cho dù được đánh giá là có nhiều ưu điểm nhất hiện nay.

Như vậy, đặt stent loại nào tốt nhất, bác sĩ sẽ là người tư vấn trực tiếp dựa trên tình hình thực tế để chọn ra loại stent nào vừa có hiệu quả cải thiện sức khỏe vừa phù hợp với khả năng kinh tế của mỗi người bệnh.

Chi phí cho một ca can thiệp đặt ống stent mạch vành

Đặt stent mạch vành giá bao nhiêu tiền sẽ thay đổi tuỳ theo loại stent, loại giường bệnh (tự nguyện hay bình thường), số ngày nằm viện, thuốc dùng trước – trong – sau phẫu thuật, có bảo hiểm y tế hay không…

Giá stent kim loại thường sẽ rơi vào khoảng 15 - 20 triệu, stent phủ thuốc 35 - 45 triệu và khoảng 55 - 65 triệu cho stent tự tiêu. Tuy nhiên tổng chi phí cho toàn bộ 1 ca đặt stent sẽ lên tới 80 – 150 triệu đồng. Trong đó bảo hiểm đúng tuyến chi trả 80%, mức tối đa là 45 tháng lương cơ bản (tương đương 67.050.000đ).

Quy trình đặt stent mạch vành được thực hiện như thế nào?

Trước khi đặt stent, bạn sẽ được bác sĩ cho chụp động mạch vành để xác định chính xác vị trí và mức độ tắc hẹp. Bác sĩ cũng có thể kê đơn 1 số thuốc chống đông. chống dị ứng hoặc yêu cầu bạn tạm dừng một số loại thuốc như Metformin (thuốc điều trị tiểu đường).

Trong quá trình can thiệp, stent sẽ được đưa vào cơ thể bằng một ống thông nhỏ gắn với bóng cao su ở đầu ống. Bác sĩ sẽ luồn ống này đến vùng xơ vữa qua 1 vết mổ nhỏ ở động mạch bẹn, khuỷu hoặc cổ tay. Sau đó, bóng được bơm lên để làm mở stent và ép sát vào mảng xơ vữa để mở rộng lòng mạch. Cuối cùng, bóng được làm xẹp và rút ra theo ống để lại stent ở đây.

Quá trình đặt stent thường chỉ mất 45 - 120 phút mà không cần gây mê. Người bệnh ít khi bị đau và hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình thực hiện. Sau can thiệp, bạn có thể phải ở lại bệnh viện 1 ngày để theo dõi. Sau đó, đa số người bệnh đều được ra viện ngay ngày hôm sau.

Nên thực hiện can thiệp đặt stent mạch vành ở đâu?

Đặt stent mạch vành không phải là một can thiệp quá phức tạp. Vì vậy, người bệnh hoàn toàn có thể thực hiện ngay tại các chuyên khoa tim mạch bệnh viện tuyến tỉnh. Tuy nhiên, nếu còn lo lắng, dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

- Miền Bắc

1. Viện Tim – Bệnh viện Bạch Mai

2. Viện Tim Hà Nội

3. Trung Tâm Tim Mạch - Viện E

4. Viện Tim – Bệnh viện TWQĐ 108

5. Khoa Tim mạch lồng ngực – Bệnh viện Việt Đức

- Miền Trung

1. Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa

2. Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An

3. Trung Tâm tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế

- Miền Nam

1. Viện Tim Tâm Đức

2. Viện Tim TPHCM

3. Bệnh viện Nhân Dân 115 – HCM

4. Bệnh viện Chợ Rẫy

5. Bệnh viện Thống Nhất

6. Trung Tâm tim Mạch - Bệnh viện Đại học Y Dược

- Miền Tây:

1. Bệnh viện Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ

Các triệu chứng sau đặt stent cần cẩn trọng

Sau đặt stent, người bệnh có thể gặp triệu chứng đi tiểu thường xuyên hơn, choáng váng, mệt mỏi hay vị trí luồn ống thông bị thâm tím. Tuy nhiên, đây đa số đều là các dấu hiệu bình thường, sẽ giảm dần sau vài ngày.

Thay vào đó, bạn nên chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo biến chứng sau đặt như:

- Đau ngực, khó thở

- Sốt, vết mổ sưng đau nhiều

- Xuất huyết

- Rối loạn nhịp tim

Ngay khi có các dấu hiệu này, hãy báo với bác sĩ để được kiểm tra và đưa ra có cách xử trí kịp thời.

Sau đặt stent, người bệnh nên làm gì để tránh biến chứng?

Điều trị và chăm sóc bệnh nhân sau đặt stent mạch vành quan trọng không kém việc phẫu thuật. Những giải pháp tích cực trong thời gian này giúp hạn chế tối đa rủi ro và giữ cho stent có tuổi thọ tốt nhất.

Theo dõi vết mổ

Vị trí luồn ống thông có thể bị sưng nhẹ (trong tuần đầu) hoặc để lại vết bầm tím, sẹo nhỏ khi lành. Điều này là hoàn toàn bình thường nên bạn không cần quá lo lắng. Bạn chỉ cần thay băng và theo dõi hàng ngày.

Sử dụng thuốc đều đặn

Sau đặt stent, bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn thuốc chống tiểu cầu để ngăn ngừa cục máu đông hình thành gần stent. Việc đặt stent mạch vành phải uống thuốc chống đông như Plavix bao lâu sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và được bác sĩ chỉ định. Plavix hay các thuốc chống đông khác thường phải dùng liên tục ít nhất 3 tháng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ phải dùng thuốc chống đông gần như suốt đời.

Tốt nhất, bạn nên thăm khám định kỳ, tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Đồng thời hãy báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng bất thường sau khi đặt stent (xuất huyết dưới da, đi ngoài, đi tiểu ra máu….)

BS Lê Nguyễn Bá Hùng sưu tầm báo SKĐS 20/2/2020

Khoa Khám bệnh

Từ khóa » đặt Ten Tim Mạch