Thông Tin Tuyên Truyền - Trung Tâm Dịch Vụ Nông Nghiệp Tỉnh Long An

Lương Lễ Dũng

Lợi nhuận trong chăn nuôi cũng như trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác đều có thể tính bằng bài toán chung đơn giản là lấy thu trừ chi, lợi nhuận cao khi có mức thu cao và mức chi thấp, ngược lại thì lợi nhuận thấp hoặc lỗ. Về khoản thu thì ngoại trừ số ít các trang trại ký kết hợp đồng gia công với giá đã được thỏa thuận có thể nắm trước khoản thu ổn định, còn phần lớn là hộ chăn nuôi quy mô nhỏ và trung bình tiêu thụ sản phẩm trên thị trường tự do không thể kiểm soát được khoản thu do phụ thuộc vào kết quả sản xuất và nhất là thời giá sản phẩm từng lúc. Vì vậy, hộ chăn nuôi chỉ có thể tìm cách tự điều chỉnh các khoản chi sao cho có thể tiết giảm hợp lý.

Có nhiều khoản chi phí cần tính toán trong chăn nuôi như: chuồng trại, thiết bị, con giống, thức ăn, thuốc thú y, lao động, vệ sinh môi trường,… Tuy nhiên các khoản chi nhỏ không ảnh hưởng lớn đến tổng chi như thuốc thú y, sát trùng, vật dụng ít tiền hoặc các khoản chi tuy đáng kể như con giống hoặc trang thiết bị nhưng đã được tính khấu hao và bồi hoàn khi bán thanh lý; chỉ còn khoản chi lớn nhất và bắt buộc phải chi là thức ăn. Tỷ trọng chi phí thức ăn trong chăn nuôi heo và gia cầm chiếm trên dưới 70% tổng các khoản chi, đối với trâu, bò, dê là nhóm vật nuôi sử dụng được các loại thức ăn thô nên tỷ trọng chi phí thức ăn có thấp hơn nhưng vẫn là khoản chi chính yếu. Trên cơ sở bỏ qua các khoản chi nhỏ và khoản chi có khấu hao thì trong điều kiện thực tế của phần lớn hộ chăn nuôi, cách giảm chi là tập trung phân tích chi phí thức ăn để đánh giá hiệu quả chăn nuôi và các hướng điều chỉnh phù hợp.

Để đánh giá việc sử dụng thức ăn đạt được hiệu quả ra sao, phương pháp được áp dụng cho tất cả các trường hợp chăn nuôi là phân tích chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật “Hệ số chuyển hóa thức ăn” hay “Hệ số tiêu tốn thức ăn”, thường gọi là FCR viết tắt từ cụm từ Feed Conversion Ratio. FCR là chỉ số biểu thị số lượng thức ăn đã tiêu tốn để tạo ra một đơn vị sản phẩm, như FCR khi nuôi heo thịt là chỉ số thức ăn đã tiêu tốn để có được một kg thịt tăng trọng, FCR khi nuôi gà đẻ là chỉ số thức ăn đã tiêu tốn để thu được 100 trứng, 1.000 trứng hoặc 10.000 trứng,… Thử lấy một ví dụ minh họa bằng con số để rõ hơn như sau: Một hộ nuôi 20 heo thịt khởi đầu từ heo lẻ bầy có tổng trọng lượng là 480 kg, xuất chuồng được 1.950 kg, số kg thịt hơi tăng trọng là 1.950 kg - 480 kg = 1.470 kg. Suốt thời gian nuôi đã sử dụng 4.410 kg thức ăn, FCR sẽ là 4.410 kg thức ăn chia cho 1.470 kg thịt hơi tăng trọng = 3, có nghĩa là cứ 3 kg thức ăn đem lại 1 kg tăng trọng. Nhìn vào con số FCR qua ví dụ nêu trên, chúng ta sẽ thấy nếu bỏ qua các trường hợp rủi ro hao hụt đàn quá lớn thì khi con số FCR cao tương quan với hiệu quả sử dụng thức ăn thấp và khi đó cần đặt ra yêu cầu xem xét điều chỉnh. Cách tính như trên được áp dụng cho tất cả các đối tượng vật nuôi, kể cả khi nuôi gia cầm đẻ trứng (trứng là đơn vị sản phẩm). FCR chỉ không cần tính đối với vật nuôi ở các giai đoạn hậu bị, mang thai, đẻ và nuôi con do vật nuôi sinh sản không cần thiết đo lường sức tăng trọng.

Hiển nhiên muốn phân tích FCR thì người nuôi cần ghi đầy đủ số liệu diễn tiến sử dụng thức ăn về số lượng, chủng loại và giá mua từ khi khởi đầu đến kết thúc một đợt hay một chu kỳ nuôi. Ghi chép có thể là một công việc khó đối với nhiều nông hộ do chưa quen, tuy nhiên sẽ mau chóng suông sẻ qua vài lần thực hiện. Tính FCR rất cần thiết và hữu ích vì giúp cho người nuôi có cái nhìn chính xác về cách sử dụng thức ăn của mình đã thực sự phù hợp và hiệu quả chưa để từ đó tìm cách điều chỉnh. Cần lưu ý FCR chỉ có ý nghĩa khi gắn với một loại thức ăn cụ thể, do đó khi người nuôi có con số FCR qua thực tế chăn nuôi cần dùng để so sánh với mức chuẩn FCR của nơi sản xuất thức ăn mình đã sử dụng, nếu mức chênh lệch lớn thì cần tìm hiểu nguyên nhân để điều chỉnh lại cách nuôi hoặc có hướng thay đổi thức ăn.

Hiện nay vẫn còn không ít hộ chăn nuôi có tâm lý chọn mua loại thức ăn giá thấp để giảm chi phí; tuy nhiên một khi giá thấp thì cần cân nhắc kỹ giá trị dinh dưỡng của loại thức ăn đó mà lời giải cụ thể chỉ có được qua bài toán phân tích FCR. Lấy một ví dụ nuôi heo thịt như sau: Trường hợp sử dụng thức ăn X có giá 10.000 đồng/kg khi tính FCR là 3,2 và trường hợp sử dụng thức ăn Y có giá 11.000 đồng/kg khi tính FCR là 2,9. Chi phí thức ăn cho 1 kg heo thịt tăng trọng khi dùng thức ăn X là 10.000 đồng/kg x 3,2 = 32.000 đồng, còn chi phí thức ăn khi dùng thức ăn Y là: 11.000 đồng x 2,8 = 30.800 đồng, như vậy loại thức ăn X tuy giá thấp nhưng không hiệu quả bằng thức ăn Y. Nguyên nhân FCR tăng thông thường là do chất lượng các loại thực liệu phối trộn không tốt hoặc thành phần dinh dưỡng không đủ, không cân đối nên phải cần số lượng thức ăn nhiều hơn để bù đắp. Ngoài ra, khi sử dụng thức ăn chất lượng không tốt còn dẫn đến những phát sinh chi phí về công lao động và các khoản chi khác do thời gian nuôi kéo dài hơn. Tương tự, một dạng tiết kiệm không hợp lý khác là trộn thức ăn bao hỗn hợp với một số thực liệu đơn như: cám, tấm, bắp,…; cách làm này cũng không có hiệu quả cao tương tự như trường hợp sử dụng thức ăn X giá thấp nêu trên.

Ngoài yếu tố giá trị dinh dưỡng nội tại thức ăn liên quan đến hệ số tiêu tốn thức ăn thì FCR còn biến thiên dưới tác động của một số yếu tố bên ngoài cũng cần được người nuôi lưu ý như sau:

Thứ nhất là thức ăn dù có chất lượng tốt nhưng nếu cách cho ăn không phù hợp thì FCR sẽ tăng, cụ thể là không nên thường xuyên thay đổi chủng loại thức ăn trong quá trình nuôi, số bữa ăn cho vật nuôi cần ổn định, định lượng khẩu phần cho ăn cần theo hướng dẫn và theo thể trọng thực tế của vật nuôi nhằm giúp cho vật nuôi có đủ nhu cầu dinh dưỡng và chuyển hóa thức ăn được tốt nhất. Khuyến cáo người nuôi heo nên sử dụng thức ăn dạng khô kết hợp với cấp nước qua núm uống tự động sẽ tốt hơn cách cho ăn lỏng hoặc như cần cắt, băm giập cỏ và trộn đều với thức ăn tinh khi cho trâu, bò ăn tốt hơn cách cho ăn riêng cỏ và thức ăn tinh đều đã được khảo sát và đo lường bằng con số FCR cụ thể.

Thứ hai là chất lượng con giống, các giống cao sản đã được chọn lọc đều có khả năng chuyển hóa thức ăn tốt, nghĩa là FCR thấp hơn các giống bản địa. Do đó, mục tiêu của việc đầu tư thay đàn sinh sản theo hướng nâng chất không chỉ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn là biện pháp hạ thấp FCR.

Thứ ba là vật nuôi giai đoạn tuổi càng nhỏ thì FCR càng thấp hơn các giai đoạn phát triển sau, vì thế chúng ta hiểu lý do vì sao khuyến cáo nuôi heo thịt nên xuất chuồng vào lúc heo xấp xỉ một tạ hoặc nuôi bò thịt, trâu thịt thì nên bán ở độ tuổi 18 đến 24 tháng, các loại gia cầm nuôi thịt và lấy trứng tuy khác nhau theo giống nhưng cũng có ngưỡng trọng lượng cần bán thịt hoặc ngưỡng tuổi đẻ cần thanh lý thay đàn tương tự. Nếu tiếp tục nuôi thì vật nuôi vẫn tăng trọng, vẫn đẻ nhưng tốc độ tăng trọng và năng suất đẻ không tương quan hiệu quả với mức tiêu tốn thức ăn, FCR càng lúc càng cao, hiệu quả kinh tế càng lúc càng giảm.

Thứ tư là cách thức quản lý, thức ăn nếu không được bảo quản đúng cách sẽ giảm chất lượng và dẫn đến FCR tăng hoặc như điều kiện chuồng trại kém vệ sinh, môi trường chăn nuôi quá nóng hoặc quá lạnh đều làm giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của vật nuôi và có nghĩa FCR sẽ tăng.

Thứ năm là FCR sẽ tăng khi vật nuôi mắc bệnh cả trong giai đoạn đang điều trị và hồi phục sau điều trị. Tuy nhiên, đây là yếu tố khách quan không thể điều chỉnh mà chỉ có thể giảm bớt rủi ro này bằng cách thực hiện chặt chẽ và đúng kỹ thuật khâu vệ sinh phòng bệnh và trị bệnh.

Như đã đề cập, nếu tất cả các khoản chi đều được ghi lưu để sử dụng cho công việc hạch toán hiệu quả chăn nuôi là yêu cầu lý tưởng hơn hết, tuy nhiên đối với điều kiện thực tế của phần lớn hộ chăn nuôi thì yêu cầu này khó thực hiện đầy đủ Vì vậy, hộ chăn nuôi trước mắt chỉ cần tập trung vào việc ghi số liệu liên quan diễn tiến sử dụng thức ăn và chi phí thức ăn để ít nhất có thể phân tích FCR là cơ bản đủ để đánh giá được hiệu quả chăn nuôi của gia đình nhằm có các hướng điều chỉnh sao cho công sức và vốn liếng bỏ ra có thể thu về lợi nhuận tương xứng./.

Từ khóa » Hệ Số Thức ăn Fcr