Thông Tin Y Tế Trên Các Báo Ngày 07/10/2021 - Điểm Báo

Thông tin y tế trên các báo ngày 07/10/2021 Ngày đăng 07/10/2021 | 08:59 | Lượt xem: 15553 TIN LIÊN QUAN

Hà Nội phân bổ 121.600 liều vắc xin AstraZeneca, ưu tiên tiêm mũi 2

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 15932/SYT-NVY về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đợt 22, gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; các bệnh viện trong và ngoài công lập.

Theo đó, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã có quyết định cấp cho thành phố Hà Nội 100.800 liều vắc xin AstraZenaca, đồng thời điều chuyển vắc xin cho CDC Hà Nội, trong đó cấp cho thành phố 20.800 liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca.

Như vậy, tổng số 121.600 liều vắc xin nêu trên được phân bổ cho 30 quận, huyện, thị xã; trong đó, huyện Đông Anh được phân bổ nhiều nhất với 9.400 liều; tiếp sau là quận Hoàng Mai với 8.300 liều; quận Hà Đông đứng thứ 3 với 7.800 liều; huyện Mê Linh 6.900 liều, quận Long Biên 6.700 liều, Chương Mỹ 5.800 liều; Đống Đa và Thanh Xuân đều được phân bổ bằng nhau với 5.300 liều. 22 quận, huyện, thị xã còn lại được phân bổ từ 1.300-4.900 liều.

Theo Sở Y tế Hà Nội, đối với 121.600 liều vắc xin AstraZeneca, các quận, huyện, thị xã thực hiện ưu tiên tiêm trả mũi 2 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, bảo đảm khoảng cách tối thiểu 8 tuần và tiêm mũi 1 cho các đối tượng chưa được tiêm chủng thuộc nhóm các nhóm đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội, gồm: Các lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng, chống dịch; phụ nữ có thai 13 tuần; người trên 50 tuổi; người có bệnh lý nền; người làm trong các chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu (công nhân nhà tang lễ, cắt tóc, gội đầu, công nhân vệ sinh và người làm tại các chuỗi cung ứng); người nằm trong vùng có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao sau khi xét nghiệm âm tính; công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp; người nước ngoài sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố; người lao động của các đơn vị có đóng góp cho công tác phòng, chống dịch của thành phố; các nhóm đối tượng khác căn cứ vào lượng vắc xin được phân bổ.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu, không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, giảm bớt thủ tục hành chính, bố trí nhân lực làm việc toàn thời gian để đẩy nhanh tiến độ tiêm ngay số vắc xin được phân bổ, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, bảo đảm an toàn nhất, hiệu quả, tăng tốc độ bao phủ vắc xin.

Cùng với đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch tiêm chủng hợp lý, bảo đảm sử dụng vắc xin hiệu quả, tránh hao phí, sử dụng hết vắc xin trước hạn sử dụng; sử dụng vắc xin có hạn gần trước. Ngoài ra, tại mỗi điểm tiêm chỉ tiêm 1 loại vắc xin ở cùng 1 thời điểm để tránh thắc mắc, bảo đảm công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế, trong ngày 6-10, thành phố đã triển khai tiêm 177.187 mũi, trong đó có 1.666 mũi 1; 175.521 mũi 2. Cụ thể, các quận, huyện, thị xã tiêm được 6.622.485 mũi, trong đó có 5.083.287 mũi 1 và 1.539.198 mũi 2. Ngoài ra, tại các bệnh viện trung ương trên địa bàn thành phố tiêm được 1.159.840 mũi, trong đó có 792.138 mũi 1 và 367.702 mũi 2.

Như vậy, đến nay, tổng số thành phố đã tiêm được 7.782.325 mũi, trong đó tiêm được 5.875.425 mũi 1 (đạt 97,6% dân số trên 18 tuổi và 70,8% tổng dân số), tiêm được 1.906.900 mũi 2 (đạt 31,7% dân số trên 18 tuổi và 23% tổng dân số).

(hanoimoi.com.vn)

10 điều cần biết về hội chứng Covid kéo dài

Người mắc Covid-19 không triệu chứng hay điều trị ICU đã khỏi đều có thể mắc hội chứng hậu Covid, tỷ lệ dao động từ 20 đến 96%.

Tương tự các hội chứng hậu nhiễm SARS hay MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông), ngày càng có nhiều báo cáo về những ảnh hưởng kéo dài sau mắc Covid-19. Tình trạng này được công nhận như một hội chứng ảnh hưởng đa cơ quan, với các triệu chứng biểu hiện dai dẳng.

Hội chứng hậu Covid là gì?

Bệnh Covid kéo dài là tình trạng bệnh nhân mặc dù đã hồi phục khỏi Covid-19 cấp tính nhưng các triệu chứng vẫn còn kéo dài trên 4 tuần kể từ lúc khởi phát nhiễm trùng. Các triệu chứng này có thể đã có từ đợt bệnh cấp hoặc xuất hiện sau khi hồi phục.

Những ai sẽ mắc hội chứng hậu Covid?

Tất cả bệnh nhân Covid-19 cấp tính đều có thể mắc hội chứng hậu Covid, bao gồm người không triệu chứng tới bệnh nhân rất nặng phải điều trị trong đơn vị chăm sóc tích cực (ICU).

Đối tượng nguy cơ

Nhiều nghiên cứu chứng minh độ nặng của Covid-19 cấp tính có liên quan những yếu tố nguy cơ, như tuổi già, nam giới, béo phì, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường... Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho thấy nguy cơ mắc hội chứng hậu Covid liên quan đến các yếu tố kể trên. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh báo cáo hai nhóm tỷ lệ mắc hậu Covid nhiều nhất là nữ và nhóm tuổi 35-49.

Tỷ lệ mắc

Hội chứng Covid kéo dài rất phổ biến. Nhiều báo cáo cho thấy tỷ lệ mắc hội chứng này dao động 20-96%, tùy nghiên cứu. Nhìn chung, ước đoán khoảng 80% bệnh nhân sau khi khỏi sẽ bị ít nhất một triệu chứng hậu Covid.

Biểu hiện bệnh

Giống Covid-19 cấp tính, hội chứng Covid kéo dài gây tổn thương và biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan: hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da lông.

Triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi-vị, giảm khả năng nhận thức, như giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý, như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

Covid kéo dài không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, mà còn thể hiện bằng những bất thường cận lâm sàng, như bất thường xét nghiệm như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormone giáp, giảm độ lọc cầu thận... ; rối loạn chức năng hô hấp: giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; bất thường hình ảnh học: xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực, rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim...

Cơ chế gây bệnh

Các chuyên gia giả thuyết ba cơ chế gây ra tình trạng này. Thứ nhất, do virus xâm nhập trực tiếp vào tế bào cơ thể trong đợt bệnh cấp tính, gây phá hủy tế bào và để lại những tổn thương vĩnh viễn ở nhiều cấu trúc cơ quan. Thứ hai, do đáp ứng viêm quá mức dẫn đến sự tăng cao nồng độ các chất gây viêm (cytokines) trong máu và các mô cơ thể gây nên tình trạng viêm mạn tính nhiều cơ quan; và đáp ứng miễn dịch có phần sai lệch của cơ thể dẫn đến sự hình thành các tự kháng thể kháng lại chính tế bào cơ thể người, từ đó làm rối loạn chức năng nhiều cơ quan. Thứ ba, tình trạng bệnh lý nặng trong đợt cấp như suy hô hấp, tụt huyết áp, tình trạng tắc mạch, giảm oxy mô dẫn đến những tổn thương tế bào khó hồi phục ở nhiều cơ quan.

Ngoài ra, các yếu tố tâm lý xã hội tiêu cực từ đại dịch: mắc bệnh, mất người thân, cách ly xã hội, cô lập, nỗi lo về tài chính, thất nghiệp,... cũng gây ra các triệu chứng tâm lý kéo dài sau Covid.

Hội chứng hậu Covid có nguy hiểm?

Giống Covid-19 cấp tính, Covid kéo dài cũng biểu hiện đa cơ quan với nhiều mức độ khác nhau, từ rất nhẹ như rụng tóc, mệt mỏi đến những tình trạng bệnh lý nặng hơn, như xơ phổi dạng tổ ong, di chứng đột quỵ não, di chứng nhồi máu cơ tim, hay suy thận giai đoạn cuối.

Bệnh kéo dài trong bao lâu?

Nhiều triệu chứng có thể tự giới hạn hay có thể kiểm soát với những phương pháp điều trị tiêu chuẩn và chỉ tồn tại trong 2-6 tháng như đau đầu, đau cơ khớp. Song cũng có những di chứng tồn tại vĩnh viễn,như di chứng đột quỵ hay di chứng nhồi máu cơ tim.

Điều trị

Điều trị hội chứng Covid kéo dài đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về hậu Covid cũng như cần kế hoạch chặt chẽ, lâu dài và sự kết hợp của nhiều chuyên khoa. Hiện TP HCM đã có nhiều cơ sở tại các bệnh viện chuyên trị bệnh lý Covid kéo dài, kết hợp tập vật lý trị liệu.

Phòng ngừa

Hội chứng hậu Covid có thể xảy ra ở mọi bệnh nhân Covid-19 từ nhẹ đến nặng, với biểu hiện lâm sàng đa dạng, đôi khi chỉ là bất thường trên các cận lâm sàng mà không có triệu chứng. Tất cả bệnh nhân hồi phục cần được theo dõi, tầm soát các rối loạn có thể có, từ đó lên kế hoạch điều trị tích cực, lâu dài.

(vnexpress.net)

Vaccine Vero Cell được sử dụng hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới như thế nào?

Rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã và đang đưa vaccine Vero Cell vào chương trình tiêm chủng. Tính an toàn và hiệu quả của nó đã được chứng minh bởi ngày càng nhiều dữ liệu cho thấy những hiệu quả rõ ràng.

20 triệu liều vaccine Vero Cell do Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc sản xuất vừa được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế quyết định phân bổ cho 60 trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố. Đây là một trong 8 loại vaccine phòng Covid-19 được phê duyệt có điều kiện tại Việt Nam tính đến ngày 18-9-2021.

Để góp phần phòng, chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19, rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện đã và đang đưa Vero Cell vào chương trình tiêm chủng. Tính an toàn và hiệu quả của nó đã được chứng minh bởi ngày càng nhiều dữ liệu cho thấy những hiệu quả rõ ràng.

Ông Gabriela Jimenez, Cục trưởng Cục Tiêm chủng, Bộ Y tế Peru mới đây cho biết, kể từ khi lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên do Tập đoàn Sinopharm sản xuất đến Peru vào tháng 2 năm nay, Peru đã nhận được khoảng 9 triệu liều vaccine từ Sinopharm. Cho đến nay, người dân Peru đã được tiêm 6,5 triệu liều vaccine của Sinopharm. Thống kê cho thấy hiệu quả của vaccine Sinopharm trong việc ngăn ngừa bệnh nhân Covid-19 trở nặng và tử vong là 94%, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở các bác sĩ Peru được tiêm vaccine Sinopharm đã giảm 98%.

Ông Leo Capitelli, thị trưởng thành phố Serana, bang Sao Paulo, Brazil cho biết: “Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 của Trung Quốc đã cho phép người dân Serana có một cuộc sống an toàn hơn trong dịch bệnh. Số liệu công bố vào cuối tháng 5 cho thấy, sau khi tiêm chủng đầy đủ, số ca Covid-19 có triệu chứng mới tại địa phương đã giảm 80% và số ca tử vong mới giảm 95% trong khi số ca mắc và tử vong trung bình trong ngày ở Brazil vẫn ở mức cao. Thị trưởng Leo Capitelli mới đây cho biết, số ca nhập viện vì Covid-19 và số ca tử vong ở Serrana hiện đã giảm xuống con số 0.

Ông Vương Lỗi, Phó trưởng Khoa Quản lý Chính phủ, Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho rằng, vaccine phòng Covid-19 của Trung Quốc được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao do nhiều yếu tố: “Thứ nhất, tính an toàn và hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 của Trung Quốc đã được thử nghiệm đầy đủ trong quá trình chống dịch ở Trung Quốc và thế giới. Thứ hai, vaccine phòng Covid-19 của Trung Quốc có giá cả hợp lý và đảm bảo chất lượng, thực sự trở thành sản phẩm chung toàn cầu mà mọi người có thể sử dụng, giá cả phải chăng, an toàn và hiệu quả. Thứ ba, yêu cầu về vận chuyển, bảo quản và các điều kiện liên quan khác của vaccine phòng Covid-19 của Trung Quốc tương đối dễ dàng, đặc biệt là ưu điểm không yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, đáp ứng rất tốt nhu cầu thực tế của người dân nhiều nước đang phát triển và khu vực kém phát triển".

Chuyên gia nghiên cứu Từ Tú Quân, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết: "Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng ở nhiều nước, công tác phòng, chống dịch của Trung Quốc đã đạt được những kết quả rõ rệt, trong một thời gian dài, Trung Quốc không có ca tử vong do Covid-19, rất ít ca bệnh nặng và nguy kịch, điều đó cho thấy tác dụng của vaccine phòng Covid-19 của Trung Quốc”. Ông Từ Tú Quân nhận định: Vaccine phòng Covid-19 của Trung Quốc được thế giới ưa chuộng, một mặt là do việc tiêm chủng quy mô lớn trong nước ở Trung Quốc đã chứng minh tính hiệu quả của vắc-xin. Mặt khác, trong quá trình nghiên cứu, sản xuất và tiêm chủng vaccine, Trung Quốc luôn tôn trọng khái niệm lấy người dân làm trung tâm và coi trọng chất lượng của vaccine phòng Covid-19.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, trong cuộc họp báo trả lời một số về vấn đề dư luận quan tâm, trong đó có vấn đề vắc xin Trung Quốc, đã khẳng định: Trung Quốc đã và đang cung cấp hỗ trợ vaccine cho 53 quốc gia và xuất khẩu vắc xin sang 27 quốc gia. Gần đây, nhiều lô vaccine của Trung Quốc hỗ trợ và xuất khẩu đã có mặt ở các như: Mông Cổ, Ai Cập, Thái Lan, Singapore, Dominica, Bolivia và các nước khác. Sở y tế của nhiều nước có hợp tác tiêm chủng với Trung Quốc đều khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vắc xin Trung Quốc. “Chúng tôi khẳng định rằng chất lượng vaccine của Trung Quốc được hàng chục quốc gia trên thế giới công nhận", ông Triệu Lập Kiên nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Kazakhstan, ông Erlan Kiyasov, đã ký lệnh quy định tình trạng những người được tiêm vaccine Vero Cell nhập khẩu từ Trung Quốc trong kế hoạch tiêm chủng của nước này. Theo đó, vaccine Vero Cell sẽ được sử dụng như một loại thuốc phòng ngừa chống lại Covid-19 và được cung cấp cho người lớn trên 18 tuổi để tiêm chủng. Loại vaccine này cần tiêm hai lần, mỗi lần cách nhau từ 21 đến 28 ngày. Nhiệt độ bảo quản của vaccine là 2-8 độ C và thời hạn sử dụng trong điều kiện bảo quản thích hợp là 2 năm. Phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, những người có các triệu chứng dị ứng, động kinh, tiểu đường và các bệnh khác, cũng như những người bị rối loạn chức năng đông máu và suy giảm chức năng miễn dịch, không nên tiêm vaccine Vero Cell. Những bệnh nhân đã được tiêm Globulin miễn dịch qua đường tĩnh mạch nên chọn tiêm vaccine này ít nhất một tháng sau đó để tránh ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Nếu sử dụng hóa chất trị liệu, thuốc chống chuyển hóa, corticosteroid, ... sau khi tiêm chủng, hiệu quả của vaccine có thể bị giảm.

Vắc xin Vero Cell đã được Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp vào ngày 7-5-2021, là vaccine bất hoạt đầu tiên được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Báo cáo thử nghiệm liên quan cho thấy hiệu quả của vaccine là 78,2%.

Theo tờ China Daily, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, đã cung cấp hơn 1,2 tỷ liều vaccine Covid-19 nội địa cho các nước và đang tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia đang phát triển.

(qdnd.vn)

Bộ Y tế: Vaccine COVID-19 sắp về nhiều, các địa phương đẩy nhanh tiêm chủng, tăng bao phủ mũi 1

Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19, tăng bao phủ mũi 1 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định.

Bộ Y tế đã gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc hoàn thiện hệ thống dây chuyền lạnh và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, đào tạo, tập huấn và tích cực triển khai tiêm chủng với tỷ lệ sử dụng vaccine cao, đảm bảo an toàn.

Dự kiến thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp nhận số lượng vaccine nhiều hơn trước, do đó để chủ động sẵn sàng cho việc tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm vaccine COVID-19 nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, tránh lãng phí theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện, chuẩn bị sẵn sàng hệ thống trang thiết bị, dây chuyền lạnh tại các tuyến để đảm bảo việc tiếp nhận, bảo quản các loại vaccine COVID-19 với số lượng lớn được cung ứng trong Quý IV/2021.

Tổ chức tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vaccine ngay sau khi được phân bổ, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế; Tăng độ bao phủ mũi 1 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định, đảm bảo an toàn và hiệu quả;

Các địa phương coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong thời gian tới, sử dụng tối đa số vaccine được cấp, không để lãng phí vaccine và đảm bảo tỷ lệ bao phủ tiêm chủng; Chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho các đối tượng khác khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiếp tục bố trí đủ kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để triển khai tiêm vaccine COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Theo ghi nhận trên nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine COVID-19, tính đến hết ngày 5/10/2021, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 48 triệu liều vaccine, tỷ lệ sử dụng đạt 74,8% so với tổng số vaccine đã phân bổ.

Trong đó khoảng 24 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine (tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine là 50,5% dân số từ 18 tuổi trở lên), khoảng 12,5 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều (tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vaccine là 17,4% dân số từ 18 tuổi trở lên).

Báo cáo của Bộ Y tế đến ngày 5/10, tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên của khu vực miền Bắc là 45,4%; miền Trung là 41,3%; Tây Nguyên là 15,2% và miền Nam là 58,0%.

6/63 tỉnh, TP có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên là: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP HCM, Long An, Bình Dương.

3/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho từ 80-90% dân số từ 18 tuổi trở lên là Lạng Sơn, Đà Nẵng, Đồng Nai.

4/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho từ 50-70% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hà Nam, Bắc Ninh, Yên Bái, Phú Yên.

13/63 tỉnh, TP có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho từ 30-50% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Điện Biên, Ninh Thuận, Tiền Giang, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp.

37/63 tỉnh, TP còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho từ 10-30% dân số từ 18 tuổi trở lên.

(suckhoedoisong.vn)

Tạ Duy Tuân

Các tin khác
  • Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 5/1/2025
  • Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 4/1/2025
  • Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 3/1/2025
  • Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 2/1/2025
  • Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 1/1/2025
  • Điểm thông tin y tế trên báo chí ngày 30/12/2024

  • Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
  • Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
  • Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
  • Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
  • 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
  • 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
  • Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
  • Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
  • Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
  • Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc

Dịch vụ công trực tuyến

Phần mềm Quản lý văn bản

Phần mềm QLHS Một cửa

Phần mềm Một cửa (Mới)

Tiếp nhận ý kiến công dân

Danh mục TTHC công

Tra cứu hồ sơ Một cửa

Thư điện tử TP Hà Nội

Thông tin người phát ngôn

Chọn liên kết Đang online: 114 Lượt truy cập trong tuần: 22216 Lượt truy cập trong tháng: 46522 Lượt truy cập trong năm: 46522 Tổng số lượt truy cập: 47341563 Về đầu trang

Từ khóa » Eu Không Công Nhận Vaccine Trung Quốc