Thông Tin Y Tế Trên Các Báo Ngày 23/10/2021 - Tin Tức Sự Kiện

Thông tin y tế trên các báo ngày 23/10/2021 Ngày đăng 23/10/2021 | 11:26 | Lượt xem: 4953 TIN LIÊN QUAN

Nhiều địa phương xuất hiện ổ dịch mới, lo ngại dịch lây lan trên diện rộng

Sau nhiều tháng chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ 4, tình hình dịch tại Việt Nam có xu hướng giảm nhiệt. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, nhiều địa phương lại có số ca mắc Covid-19 cộng đồng tăng cao, có nguy cơ lây lan trên diện rộng nếu không kiểm soát chặt.

Hà Nội hôm qua (22/10) ghi nhận 10 ca dương tính gồm 8 ca đã cách ly, 2 ca cộng đồng phát hiện tại Bệnh viện 108, là vợ chồng, cùng ở Giáp Bát, Hoàng Mai. Chồng 46 tuổi, là hành chính trưởng của khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Vợ anh 42 tuổi, là dược sĩ tại hiệu thuốc Anh Thư ở đường Thông Phong, Quốc Tử Giám, Đống Đa, xét nghiệm dương tính ngày 21/10.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã truy vết 6 F1 gồm 3 người nhà em gái, 2 nhân viên nhà thuốc Anh Thư, một ở cửa hàng tạp hóa; 4 người liên quan. Phong tỏa tạm thời và lấy mẫu xét nghiệm khoảng 150 người ở ngõ 67 Giáp Bát và hiệu thuốc Anh Thư. Còn tại viện 108, 320 người F1 và liên quan đã xét nghiệm, kết quả đều âm tính.

Nghệ An sáng 23/10, ghi nhận 5 ca dương tính mới với Covid-19 tại 4 địa phương (TP Vinh: 2, Nghi Lộc: 1, Thanh Chương:01, Yên Thành: 1). Trong đó, có 1 ca cộng đồng tại TP Vinh, 4 ca đã được cách ly từ trước (3 ca từ các tỉnh miền Nam về, 1 ca là F1).

Tổng số công dân từ các tỉnh phía Nam về từ ngày 1/10 đến nay là 21.266. Phát hiện 219 ca dương tính (216 ca nhiễm mới, 3 ca tái dương tính).

Tỉnh Thanh Hóa, chiều 22/10, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết, tính từ 17 giờ ngày 21/10 đến 17 giờ ngày 22/10, trên địa bàn ghi nhận 37 trường hợp mắc Covid-19 mới. Trong đó, có 15 bệnh nhân là công dân Thanh Hóa trở về từ các tỉnh, TP phía Nam, những bệnh nhân còn lại được phát hiện từ các điểm dịch trong tỉnh.

Theo đó, tại ổ dịch ở thị xã Bỉm Sơn ghi nhận thêm 13 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại địa phương này lên 120 trường hợp. Đáng chú ý, tại huyện Hậu Lộc ghi nhận một chùm ca bệnh gồm 5 người trong cùng 1 gia đình tại thôn 1, xã Liên Lộc. Trong đó, có 2 trường hợp có lịch trình di chuyển phức tạp.

Hiện các bệnh nhân này đã được chuyển đến cách ly và điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa.

Tính từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 810 ca mắc Covid-19 cộng dồn; 505 người điều trị khỏi ra viện; 5 ca tử vong. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai tiêm được hơn 950.000 liều vaccine.

Phú Thọ: Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, trong 24 giờ qua, địa bàn tỉnh ghi nhận 55 ca dương tính mới tại các địa phương, với 24 trường hợp đã được cách ly, khoanh vùng quản lý. Trong đó, TP Việt Trì có 26 trường hợp; Lâm Thao 25 ca, Tam Nông 3 ca và thị xã Phú Thọ là 1 ca.

Như vậy, kể từ khi phát hiện 2 ca bệnh không rõ nguồn lây đầu tiên tại huyện Lâm Thao ngày 13/10, đến nay, toàn tỉnh có 267 ca mắc Covid-19 tại 5 huyện, thị, thành, bao gồm: TP Việt Trì (179), thị xã Phú Thọ (4), huyện Lâm Thao (58), huyện Phù Ninh (22) và huyện Tam Nông (4).

Toàn tỉnh hiện có 2.004 F1; 10.450 F2 và 3.692 F3 được quản lý, theo dõi và áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp. Về đánh giá cấp độ dịch, Sở Y tế cho biết toàn tỉnh ở cấp độ 2 (số ca mắc mới xấp xỉ 6,31 ca/100.000 dân/tuần; 43,56% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19).

Đáng chú ý, liên quan ổ dịch mới phát sinh này, nhiều trường hợp được ghi nhận tại các công ty ở khu công nghiệp Thụy Vân như Công ty YAKJIN Việt Nam, Công ty KSA, công ty TNHH công nghệ Namuga, Công ty Gemywood, Công ty TNHH TJB Vina.

Ổ dịch này cũng lan rộng vào trường học với 72 học sinh và 4 giáo viên dương tính với SARS-CoV-2. 3.776 học sinh và giáo viên đang thực hiện cách ly tại nhà hoặc khu cách ly tập trung. Sở GD&ĐT Phú Thọ tiếp tục tạm dừng việc đến trường tại huyện Phù Ninh, huyện Lâm Thao, huyện Tam Nông, thành phố Việt Trì và 15 trường ở huyện Thanh Thủy. Học sinh tại các huyện khác học trực tiếp.

Hà Nam ngày 22/10 công bố 21 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, tăng 10 trường hợp với ngày hôm trước. Trong 21 trường hợp ghi nhận trong ngày, 11 trường hợp có địa chỉ ở huyện Thanh Liêm, 05 trường hợp ở TP. Phủ Lý, 05 trường hợp ở huyện Lý Nhân.

Như vậy, kể từ ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều ngày 19/9/2021, đến 17 giờ ngày 22/10/2021, Hà Nam ghi nhận 831 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.

Kon Tum lần đầu ghi nhận 8 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Trong đó, huyện Đắk Hà có 5 trường hợp và huyện Tu Mơ Rông 3 trường hợp. Chính quyền tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống Covid-19.

UBND huyện Đăk Hà cũng đã thiết lập vùng cách ly y tế tại cụm dân cư nhóm 3 và nhóm 4, thôn 5, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà. Phong tỏa tạm thời 33 hộ, 103 nhân khẩu trên địa bàn các khu vực có yếu tố dịch tễ.

Tương tự, Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid-19 huyện Tu Mơ Rông yêu cầu Trung tâm Y tế huyện tiến hành phun hóa chất y tế khử khuẩn và sắp xếp các trường hợp F1 vào các phòng cách ly. Khẩn trương lấy mẫu test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các xã Đăk Hà, Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri, Tu Mơ Rông. Phong tỏa toàn bộ Trung tâm Y tế huyện.

Phòng GD&ĐT huyện thông báo cho học sinh các trường trên địa bàn cho học sinh nghỉ từ ngày 22/10 cho đến khi có thông báo mới.

Nguy cơ dịch lan rộng nếu không kiểm soát chặt

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, việc Hà Nội xuất hiện một số ca bệnh trong cộng đồng hoàn toàn không bất ngờ. Để tránh nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng cần tinh thần tự giác phòng dịch và tuân thủ biện pháp 5K của mỗi người.

Ngoài ra, những ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận những ca mắc là trường hợp về từ vùng dịch. Theo ông Khổng Minh Tuấn, những trường hợp trở về từ các địa phương có dịch cũng được coi như những ca nhập cảnh. Do đó, để quản lý tốt những trường hợp này cần có sự phối hợp liên ngành thật chặt chẽ. Hiện nay, việc cung cấp danh sách những trường hợp trở về bằng đường hàng không tương đối đầy đủ, nhưng với đường bộ và đường sắt thì việc cung cấp danh sách này còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần yêu cầu các nhà xe, hãng xe, Tổng công ty Đường sắt thực hiện nghiêm việc thông báo danh sách những người trở về Hà Nội từ các địa phương có dịch để chính quyền giám sát, quản lý chặt chẽ.

Tính đến nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đều có người từ vùng dịch trở về địa phương, trong đó hơn 1.000 người xét nghiệm dương tính. Nhiều chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo, nguy cơ bùng phát dịch từ người di cư về địa phương nếu không làm tốt công tác kiểm soát, cách ly. Chúng ta đã có nhiều bài học về lây lan dịch ra cộng đồng từ người về từ vùng dịch.

Dự báo trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong bối cảnh vaccine chưa kịp phủ sâu rộng. Do đó, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo các tỉnh, thành có nguy cơ cao cần chủ động giám sát chặt chẽ người từ vùng dịch về bằng xét nghiệm, kể cả người đã tiêm đủ hai mũi, đồng thời yêu cầu người dân cam kết để không làm lây nhiễm ra cộng đồng. Đây là biện pháp thận trọng để ngăn dịch bùng phát.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, cả nước đã xác định chung sống an toàn với dịch Covid-19 là điều cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường mới. Có nghĩa là trong trạng thái vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, mỗi cá nhân, tập thể đều phải làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó, phải nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, nhất là ở những nơi có mật độ dân tập trung cao.

(kinhtedothi.vn)

Các biến thể nCoV mới có tiếp tục xuất hiện và nguy hiểm hơn?

Trong tương lai có thể xuất hiện thêm những biến thể mới lách được vắc xin và miễn dịch tự nhiên nhưng khó lây lan nhanh như Delta.

Giới chuyên môn cho rằng các biến thể sẽ còn xuất hiện khi virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch vẫn tiếp tục lây nhiễm cho mọi người. Nhưng điều đó không đồng nghĩa các biến thể mới sẽ phát triển thường xuyên hoặc nguy hiểm hơn.

Hiện tại mới có 36,9% dân số thế giới tiêm đủ 2 mũi vắc xin và một lượng lớn người dân ở các nước nghèo chưa được nhận bất kỳ mũi tiêm nào. Do đó, virus SARS-CoV-2 vẫn tìm thấy đối tượng để tấn công và nhân bản bên trong cơ thể người bệnh vài tháng hoặc vài năm tới.

Mỗi khi virus tạo ra một bản sao, một đột biến nhỏ có thể xảy ra. Những thay đổi đó giúp virus tồn tại và trở thành biến thể mới.

Nhưng điều này không có nghĩa virus SARS-CoV-2 sẽ phát triển giống như giai đoạn đầu vào cuối năm 2019.

Andrew Read, chuyên gia về virus tại Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), cho biết, khi lây nhiễm sang một loài mới, virus cần phải thích nghi với vật chủ mới để lan truyền rộng rãi hơn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể Delta có khả năng lây lan cao gấp đôi so với các phiên bản trước của virus. Tiến sĩ Adam Lauring, chuyên gia về virus và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Michigan, cho biết, mặc dù virus SARS-CoV-2 vẫn có thể biến đổi để dễ lây nhiễm hơn, nhưng có lẽ tốc độ lan truyền sẽ không tăng gấp đôi lần nữa.

“Chúng tôi đã thấy một giai đoạn tiến hóa nhanh chóng của virus và gây ra những tác hại nhất định. Nhưng virus không làm được tất cả mọi thứ”, Tiến sĩ Lauring nói.

Biến thể virus SARS-CoV-2 có thể gây chết người cao hơn, nhưng không có xu hướng tiến hóa như vậy.

Các chuyên gia đang theo dõi liệu các biến thể mới nổi có thể vượt qua miễn dịch có được từ vắc xin và việc từng nhiễm Covid-19 trước đó hay không.

Tiến sĩ Joshua Schiffer, chuyên gia về virus tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, nhận định, khi có nhiều người tiêm phòng hơn, virus có khả năng lây lan qua những người có miễn dịch để tồn tại.

Ông Schiffer giải thích: “Virus có thể mang một đột biến làm cho phản ứng miễn dịch kém hiệu quả hơn”.

Nếu điều đó xảy ra, các nhà khoa học khuyến nghị nên cập nhật công thức vắc xin Covid-19 định kỳ, giống như việc tiêm phòng cúm hàng năm.

(vietnamnet.vn)

Vaccine Covid-19 của Cuba: Cần tiêm 3 liều, mỗi liều cách nhau 14 ngày

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn về việc tiêm vaccine Abdala. Theo đó, lịch tiêm của vaccine này gồm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là 14 ngày, trong khi các vaccine Covid-19 khác chủ yếu là 2 liều.

Vaccine Abdala có thành phần hoạt chất là protein tái tổ hợp vùng liên kết thụ thể virus tương tác với thụ thể ACE2 của người. Vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19 ngày 17/9.

Đây là vaccine phòng Covid-19 thứ 8 được Việt Nam cấp phép khẩn cấp. Vaccine Abdala sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA - Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba.

Theo Bộ Y tế, vaccine được chỉ định tiêm cho người từ 19 đến 65 tuổi. Lịch tiêm gồm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là 14 ngày. Mỗi liều 0,5ml, tiêm bắp. Vaccine chống chỉ định cho người dưới 19 tuổi, người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vaccine (bao gồm cả thiomersal).

Những trường hợp cần thận trọng khi tiêm

- Người mắc bệnh mạn tính, tự miễn dịch hoặc bệnh chuyển hóa nội tiết: phải cân nhắc trước khi tiêm.

- Người bệnh tăng huyết áp: nên hoãn tiêm chủng cho đến khi kiểm soát được huyết áp.

- Người đang bị nhiễm trùng cấp tính: hoãn tiêm chủng vaccine Abdala cho đến khi giải quyết hết được tình trạng nhiễm trùng.

- Phụ nữ có thai: kinh nghiệm sử dụng vaccine này ở phụ nữ có thai còn hạn chế. Các nghiên cứu trên động vật chứng minh vaccine không ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thai kỳ, sự phát triển của thai, đến bà mẹ trong khi sinh hoặc sau khi sinh.

Chỉ định tiêm vaccine Abdala trong thai kỳ nên được xem xét nếu lợi ích lớn hơn các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn đối với mẹ và thai nhi.

- Tiêm chủng đồng thời với các vaccine khác: không có thông tin về sự tương tác của vaccine Abdala với các loại vaccine khác.

Phản ứng sau tiêm vaccine Abdala

Các phản ứng sau tiêm thể nhẹ chiếm 97% phản ứng sau tiêm chủng và không phải điều trị bằng thuốc, thường xuất hiện từ 24 đến 48 giờ sau tiêm vaccine. Các tác dụng không mong muốn xảy ra cao hơn sau liều đầu tiên và giảm sau các liều tiếp theo.

Thử nghiệm lâm sàng sử dụng 215.267 liều cho thấy:

- Các biến cố bất lợi rất ít gặp, từ 0,1 đến 1% tổng số liều tiêm.

- Chủ yếu là các phản ứng tại chỗ, hầu hết là đau tại chỗ tiêm, đỏ và cứng (0,85%).

- Các phản ứng toàn thân là nhức đầu (0,54%), tăng huyết áp (0,27%), buồn ngủ (0,18%) và mệt mỏi (0,14%).

- Các phản ứng: buồn nôn, nôn, đau khớp và tình trạng khó chịu chung xảy ra ít hơn (0,1%).

Kết quả sử dụng hơn 3 triệu liều trong cộng đồng ghi nhận rất hiếm các trường hợp phản vệ, không có trường hợp tử vong hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng khác liên quan đến tiêm chủng.

Ngoài ra, Bộ cũng có hướng dẫn việc tiêm vaccine Hayat-Vax. Theo đó, vaccine được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, mỗi người được tiêm 2 mũi cách nhau 2-4 tuần. Đặc biệt, có thể sử dụng Hayat-Vax để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 là vaccine Sinopharm.

Đến nay Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện với 8 loại vắc xin gồm: AstraZeneca, Pfizer, Janssen, Sputnik V, Moderna, Sinopharm, Hayat-Vax và Abdala.

(dantri.vn)

Một số giải đáp về vaccine COVID-19 cho trẻ em

Dưới đây là một số điều bạn nên biết về việc tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em.

Một số quốc gia trên thế giới đã và đang tiến hành tiêm chủng ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng trẻ em. Hiện có rất nhiều thắc mắc và lo ngại từ phía phụ huynh liên quan đến vấn đề này.

Liều lượng vaccine COVID-19 cho trẻ em có khác với liều cho người lớn không?

Liều lượng vaccine Pfizer được cấp phép cho trẻ từ 12 - 17 tuổi giống với liều lượng cho người lớn: tiêm hai liều với 30 mcg/liều cách nhau ba tuần. Trong khi đó, trẻ em từ 5 - 11 tuổi sẽ sử dụng liều 10 mcg (bằng 1/3 liều tiêm của người lớn). Dù được tiêm với liều thấp hơn nhưng cơ thể chúng tạo ra phản ứng tương đương với mức kháng thể được thấy trong các thử nghiệm trước đó của những người từ 16 - 25 tuổi. Ở trẻ em dưới 5 tuổi, vaccine với 3 mcg/liều hiện đang được thử nghiệm.

Đối với vaccine Moderna, hiện công ty Moderna đang nghiên cứu các chiến lược tiêm vaccine ở 6.750 trẻ em khỏe mạnh tại Mỹ và Canada. Ở người lớn, liều tiêu chuẩn là 100 mcg, mỗi liều cách nhau 4 tuần. Công ty đang thử nghiệm liều lượng 50 hoặc 100 mcg ở trẻ em từ 2 – 11 tuổi và 25, 50 hoặc 100 mcg ở trẻ em dưới 2 tuổi.

Nếu gần đây trẻ đã được chủng ngừa loại vaccine khác có thể tiêm được vaccine COVID-19 không?

Nhiều phụ huynh thắc mắc về việc liệu họ có cần tính thời gian tiêm vaccine COVID-19 với các loại vaccine khác cho trẻ nhỏ. Trước đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị trẻ em và người lớn nên tiêm bất kỳ loại vaccine nào khác trước hoặc sau khi tiêm vaccine COVID-19 2 tuần. Nhưng hướng dẫn gần đây của cơ quan này cho thấy vaccine COVID-19 và các loại vaccine khác có thể được tiêm đồng thời.

CDC lưu ý, nếu tiêm nhiều loại vaccine trong cùng một lần, các mũi tiêm có thể nên được tiêm ở các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Các tác dụng phụ của vaccine COVID-19 ở trẻ em có khác với người lớn không?

Dữ liệu chi tiết về tác dụng phụ ở trẻ em từ 5 - 11 tuổi hiện chưa được công bố. Trong các nghiên cứu ở trẻ em từ 12 - 15 tuổi, tình trạng sốt khá phổ biến hơn so với người lớn. Nhưng nhìn chung, các tác dụng phụ được báo cáo ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết các tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất ở những trẻ vị thành niên tham gia thử nghiệm lâm sàng là đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, ớn lạnh, đau cơ, sốt và đau khớp. Các tác dụng phụ thường kéo dài từ 1 - 3 ngày.

Trẻ em không nên chủng ngừa vaccine Pfizer nếu chúng có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào (chẳng hạn như polyethylene glycol) trong thuốc chủng ngừa. Tuy nhiên, dị ứng với các thành phần vaccine là rất hiếm.

Có tác dụng phụ lâu dài của những loại vaccine này đối với cơ thể đang phát triển không?

Các chuyên gia tin tưởng vaccine an toàn cho các cơ thể đang phát triển. Tiến sĩ Kristin Oliver, bác sĩ nhi khoa và chuyên gia về vaccine tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York (Mỹ), cho biết: “Mặc dù chưa có nghiên cứu lâu dài về việc có tác dụng phụ kéo dài của vaccine hay không, nhưng chúng tôi không mong muốn bất kỳ điều gì xấu xảy ra”.

Được biết, các bậc cha mẹ đang lo ngại liệu vaccine có thể ảnh hưởng đến tuổi dậy thì hoặc khả năng sinh sản của trẻ, nhưng chưa có lời giải thích hợp lý về mặt sinh học cho điều này. Tuy nhiên, một sự thật đáng yên tâm về vaccine mRNA là phân tử này sẽ bị tế bào phá hủy sau khi nó hoàn thành nhiệm vụ, vì vậy nó sẽ không ở lại trong cơ thể.

Một nỗi lo lắng phổ biến khác là ảnh hưởng của một loại thuốc hoặc vaccine mới đối với sự phát triển của não bộ. Tiến sĩ Paul Offit, giám đốc trung tâm giáo dục vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, đồng thời là thành viên ban cố vấn vaccine của FDA, lưu ý cơ thể có hàng rào máu não ngăn hầu hết các protein xâm nhập vào não. Bộ não của bạn là một nơi được bảo vệ về mặt miễn dịch học.

Trẻ em có nguy cơ mắc COVID-19 thấp, vậy trẻ có cần thiết phải tiêm phòng không?

Trong khi trẻ em ít có nguy cơ phát triển bệnh nặng do COVID-19, chúng vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Vào đầu tháng 9, trẻ em chiếm gần 30% các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ, và biến thể Delta rất dễ lây lan đã khiến nhiều trẻ em phải nhập viện.

Trẻ em không được chủng ngừa, ngay cả khi chúng không có triệu chứng, có thể lây lan virus cho các thành viên trong gia đình, giáo viên và những người khác mà chúng tiếp xúc thường xuyên hoặc những người khác có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn./.

(vov.vn)

Tạ Duy Tuân

Các tin khác
  • Hà Nội: Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi
  • Điểm thông tin y tế trên các báo ngày 26/11/2024
  • Thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm
  • Đình chỉ lưu hành, thu hồi 04 sản phẩm mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
  • BVĐK Đông Anh xử trí cấp cứu kịp thời bệnh nhân chảy máu trong ổ bụng
  • 35 năm hợp tác trong điều trị toàn diện cho trẻ em bị khe hở môi – vòm miệng

  • Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
  • Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
  • Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
  • Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
  • 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
  • 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
  • Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
  • Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
  • Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
  • Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc

Dịch vụ công trực tuyến

Phần mềm Quản lý văn bản

Phần mềm QLHS Một cửa

Phần mềm Một cửa (Mới)

Tiếp nhận ý kiến công dân

Danh mục TTHC công

Tra cứu hồ sơ Một cửa

Thư điện tử TP Hà Nội

Thông tin người phát ngôn

Chọn liên kết Đang online: 233 Lượt truy cập trong tuần: 57709 Lượt truy cập trong tháng: 190770 Lượt truy cập trong năm: 2789442 Tổng số lượt truy cập: 46856830 Về đầu trang

Từ khóa » Khoa Miễn Dịch Bệnh Viện 108