Thu Bồn, Một Hồn Thơ đậm đà Chất Quảng

Dẫu đi nhiều nơi, gắn bó với nhiều vùng miền trên đất nước, trước sau gì Thu Bồn vẫn là một nhà thơ nặng lòng với quê hương xứ Quảng. Bản thân bút danh mang tên dòng sông quê hương đã là một minh chứng hiển hiện và sinh động cho tấm lòng nhà thơ luôn hướng về đất mẹ với ý nguyện sẽ xứng đáng với mảnh đất sinh thành bằng cả cuộc đời sống, chiến đấu và sáng tạo nghệ thuật của mình. Cảm hứng về quê hương là một trong những cảm hứng chủ đạo và xuyên suốt trong văn thơ Thu Bồn, ghi một dấu ấn rõ rệt trong các sáng tác của ông và đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nên một diện mạo phong cách Thu Bồn.

Ngay trong tập thơ đầu tay mở đầu đời thơ Thu Bồn (Tre xanh, 1970), nhà thơ đã dành trọn vẹn bài thơ mở đầu cho quê hương với một tình yêu sâu nặng đến trào nước mắt trong ngày trở lại, trong nụ hôn thiêng liêng thành kính của người con dâng mẹ quê hương, hình ảnh mở đầu và kết lại cuối bài - bài thơ thể hiện một tình yêu quê hương xúc động và đầy ấn tượng theo cách riêng của Thu Bồn:

Tôi cúi xuống hôn mảnh đất quê hương

Như hôn người yêu sau ngày xa cách

Tôi không khóc nhưng vẫn trào nước mắt

Con đã về đây với mẹ - Mẹ quê hương

(Hôn mảnh đất quê hương)

Tình yêu quê hương sâu nặng đó cùng hình ảnh quê hương Xứ Quảng đã theo suốt và đậm đà trong mỗi trang thơ Thu Bồn.

Với Thu Bồn, quê hương thật mênh mông rộng lớn nhưng cũng rất cụ thể, thiết thực từ thiên nhiên đến con người và mọi cảnh vật vây quanh mình, gắn bó thân thiết với đời mình.

Cảnh vật quê hương và con người xứ Quảng trong thơ Thu Bồn bao giờ cũng hiện lên sinh động với những nét riêng rất Quảng Nam, có thể nhận ra rõ ràng với những đặc trưng cho sắc thái, tính cách đất và người Quảng Nam. Xứ Quảng là dải đất hẹp như một con đường nằm dọc khúc ruột miền Trung:

Em đã về chưa mảnh đất hẹp vô cùng

hẹp như thể một con đường qua lại

(Qua quê mẹ)

Quê hương là nơi con sông Thu Bồn mềm mại êm trôi trong tiếng thoi đưa nhịp nhàng ven bờ Tư Phú:

Con sông nào mềm mại êm trôi

Sông Thu Bồn duyên dáng của quê tôi

Tiếng thoi dệt trên bờ Tư - phú

Dải lụa vàng phơi trên cát vàng tơ

(Mùa xuân về quê mẹ)

Là những vùng đất thân yêu: “Thăng - triều, Chợ Được hai mùa cấy/ Lúa nhịp đường cong rộn bước vui” (Hành quân đến Ba - kỳ)...

Dải đất hẹp ấy đã sản sinh ra nhiều sản vật đặc biệt nức tiếng gần xa: hạt gạo Điện Bàn trắng thơm, nước mắm Nam Ô đậm đà:

Hạt gạo trắng từ vụ mùa anh Trỗi

Cá mắm Nam - ô từ những thuyền Lê Độ

Nằm chật bến, chật bờ

Theo vai người, theo những cánh tay chèo rẽ nước

(Khói Thu Bồn)

Rồi chè Tiên Phước thơm ngon, khoai Chợ Được sắn Hiền Lương bở bùi, thơm (dứa) Chiên Đàn mía đường Quế Sơn ngọt lịm: “Đâu chè Tiên Phước thơm ngào ngạt/ Khoai bùi Chợ Được sắn Hiền - lương/ ... Chiên Đàn đã chín mùa thơm ngọt/ Đã tím mùa sim, mía Quế Sơn” (Hành quân đến Ba - kỳ)... Hương vị sản vật cây trái Xứ Quảng cũng rất đặc trưng, nồng đậm mùi rơm rạ khoai bắp: “Những gốc bắp thơm mùi chè hai/ Những gốc rạ thơm mùi cốm rang/ Những gốc cỏ thơm hương nếp mới” (Khói Thu Bồn).

Xứ Quảng thơ mộng, người Quảng chịu thương chịu khó, nhưng đấy cũng là mảnh đất khắc nghiệt, chưa mưa đà thấm, luôn gánh chịu bão lũ và những cơn nắng hạn khô khốc nối nhau tàn phá mùa màng. Xứ Quảng triền miên trong cơn khát đầy nghịch lý giữa biển nước khi mà:

quê hương tôi biển nhiều hơn nước

giọt tận trời cao giọt tận đất sâu

biển đã thổi cồn cào cơn khát

giọt đầu nguồn trong - mắt em đâu?

nước đã tràn bờ nước đã về khơi

dòng sông suốt đời không đuổi kịp

những ghềnh thác thét gào khủng khiếp

khúc ngàn năm mây vẫn thấp ngang trời

(Qua quê mẹ)

Nơi miền đất khát ấy, nhà thơ thương người mẹ đã vắt hết thời con gái trong bao mùa khô hạn:

hạn hán về lật úp cả dòng sông

mẹ đã vắt hết thời con gái

cây cải khú nằm đau trong đáy vại

thương cộng rơm gầy mẹ nhặt giữa đêm đông

(Phía đầu nguồn)

xót người em tả tơi trong những cơn lốc xoáy bão dữ:

vòng ôm em xoáy tròn cơn lốc

buồm căng rồi gió lại xoáy tả tơi

bão vừa tan lại tính chuyện dong khơi

tóc em đen cánh buồm thổi ngược

(Sau bão)

Cái khát hành hạ người đang sống, cái khát còn dằn vặt đến cả người đã khuất tưởng đã được yên nghỉ dưới mồ sâu:

có đêm tung súng lên trời hát

hỏa pháo soi từng cổ họng khô

em có đem về theo giọt nước

rưới cho bạn khát dưới nấm mồ

(Hành phương Nam)

Sinh ra trên một mảnh đất triền miên cơn khát như vậy, nên suốt một đời thơ Thu Bồn luôn bị ám ảnh bởi niềm khát khao sông nước, khao khát những cơn mưa:

em là ong mà cũng là hoa

sau một dải bờ xanh nghe em hát

ngọn lửa đã đốt anh thành cơn khát

và tình em dâng hiến hóa cơn mưa

(Vực sâu)

Miền đất cằn khô nghiệt ngã ấy lại là miền đất trung dũng kiên cường, đi đầu trong hai cuộc kháng chiến thế kỷ của dân tộc. Đất anh hùng, nhưng những đau thương do chiến tranh, do lũ giặc bạo tàn gây ra, những hy sinh mất mát của người dân cũng không thể nào kể xiết: “Thuốc độc quân thù rải chết những đường thôn/ Rụng lá lìa cành cây cỏ héo hon/ Đâu rồi em màu xanh cơ cực...” (Vườn xanh); “Tây xua rồi Mỹ đốt nhà” (Mẹ), làng quê yên lành biến thành “Cả một vùng trại giam ngột ngạt/ Ấp chiến lược thép gai đâm tiếng hát” (Em hát bằng lòng mẹ Việt Nam).

Bao nhiêu người đã ngã xuống vì đạn bom, vì cuộc chiến một mất một còn, những con người vốn rất gần gũi, thân thương:

Cô gái đêm qua dệt lụa may cờ

Hôm nay thắp hương trên mồ anh Trần Đại

... Mùa xuân dâng hoa trên mộ anh hùng

... Bóng ai kìa mái tóc rối tung

Có phải chị Vân đêm hành hình lưng trời

những ngôi sao đều khóc

... Khói lửa đạn bom ứa máu chân trời

(Mùa xuân về quê mẹ)

Trong nỗi đau thương lớn lao của quê hương, bản thân nhà thơ còn gánh chịu những nỗi đau riêng to lớn. Nơi quê hương nhà thơ có người cha bị tù đày tra tấn: “Cha ơi!/ Đứa nào đã cùm cha hai mươi năm trong bóng tối/ Đứa nào bắt cha quỳ sám hối giữa trưa hè...” (Vĩnh biệt), có người mẹ “...bần cùng khốn khổ/ Hết Tây rồi đến Mỹ cùm tra/ Tây xua rồi Mỹ đốt nhà/ Hai mươi năm nhớ bóng cha đi đày” (Mẹ), có người em gái: “Em tôi giặc bắt đày Côn - đảo” (Gửi người em nơi Côn đảo), có đứa con: “Chiếc nôi con nằm đã rách toạc giữa đạn bom” (Qua thác lũ)...

Vượt qua đau thương, cuộc chiến đấu anh hùng của người đất Quảng đã góp phần làm nên những câu thơ hào hùng, vạm vỡ của Thu Bồn, nhưng tự trong lòng nhà thơ không bao giờ nguôi nỗi nhức buốt về những gì chiến tranh đã gây ra trên quê hương và luôn chứa đựng những khát vọng hòa bình yên lành lớn lao:

Tôi nằm đó với trái tim đau nhức

Vết xe tăng giặc Mỹ xéo từng bầy

Đâu dấu chân trâu của thời thơ ấu

Những lâu đài thuở nhỏ tôi xây?

(Cho tôi về lại)

Quê hương xứ Quảng là nơi có nhiều kỷ niệm tuổi thơ sâu đậm của nhà thơ. Đấy là “Nơi tôi moi hòn đất bên bờ ao vàng sẫm/ Chấm từng hạt lúa rơi vương vãi trên đường/ Và chiếc cầu ao giúp ta ngồi giặt/ Bụi quê hương trên áo vải đầm sương”, là nơi làng quê thân yêu có hàng tre râm mát, có cánh đồng vàng gốc rạ, có đàn trâu “nằm trên cỏ xanh gặm ướt chiều hôm”, và có “Người bạn gái có hàm răng như hoa bưởi/ Tóc xanh mềm giờ xa vắng nơi đâu?” (Cho tôi về lại), là nơi:

Tiếng mẹ ru ngọt lịm cả nắng chiều

Và gió bên đồng lại thổi hiu hiu

Ru bé ngủ say nồng trong tã lót

(Em hát bằng lòng mẹ Việt Nam)

Quê hương là nơi mảnh vườn xanh đầy kỷ niệm ngày nào:

...Em ra vườn hái ngay trái ớt

Trái ớt cay hai đứa hít hà

Những bữa ăn hạt muối, trái cà

Em la đắng ngồi nhai cơm lạt

Cơm cõng sắn hai đứa ăn chung bát

Chiếu rách chung nằm soi mặt chung gương...

(Vườn xanh)

Trên cánh đồng làng, những cô gái, những chàng trai vui tươi, khỏe mạnh, vạm vỡ hăng say lao động trong cảnh thanh bình:

Các cô vẫn cười giòn tan

Chiếc cào cỏ trên tay nhảy nhót theo người

Những bắp chân căng hồng trong nắng tươi...

Những anh trai cày vạm vỡ hiên ngang

Hun lồng ngực trong ánh chiều đỏ rực

Húc lưỡi cày vào sâu trong lòng đất

Găm ánh mặt trời vào đất, đất cười toang

(Khói Thu Bồn)

Những hình ảnh thanh bình, thơ mộng của một quê hương trong những ngày hòa bình hiếm hoi ấy đã trở thành thường trực và luôn da diết trong tâm hồn nhà thơ, tự bản thân nó đã mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong sự hoài mong, khao khát cuộc sống hòa bình và yên lành đối với tất cả mọi người, nhất là những người dân quê yêu lao động, chuộng bình yên và một đời gắn bó với đồng quê. Muốn trở thành từng chiếc lá xanh mang sắc màu hòa bình, muốn làm một ngọn lửa sưởi ấm đất quê luôn là một ý nguyện thành thật của nhà thơ:

Tôi muốn tôi trong từng chiếc lá xanh

Từng chiếc lá xanh cũng là tôi độc nhất

Dù một chiếc nhánh khô lây lất

Tôi cũng là ngọn lửa ấm quê hương

(Vườn chanh)

Trong lúc tăm tối nhất khi phải nằm hầm bí mật, nhà thơ vẫn nghe được sự sống đang nở ra tươi thắm trên quê hương, vẫn tràn đầy hy vọng về một ngày mai tươi sáng trên quê hương:

Mấy năm bám đất quê hương

Đinh ninh vẫn có vừng dương trên đầu

Rễ cây từng giọt nước rơi

Thấy mình đang uống ánh trời bao la

Đầu cành mai có ra hoa

Chắc rằng nở thắm lòng ta dưới này

Ta nghe trâu gọi luống cày

Có con chim én liệng bay lưng trời

Mùa đông chiếc lá đương rơi

Phải chăng xuân đến sáng ngời mắt em

(Chiếc hầm bí mật của tôi)

Tình yêu quê hương thấm đẫm trong tâm hồn nhà thơ, trở thành một sức mạnh và niềm động viên to lớn để nhà thơ vững bước vượt qua những thử thách ác liệt trong hoàn cảnh chiến tranh:

Quân thù còn bên ta như đám mây lởn vởn

Đêm nằm chưa yên dưới mái nhà rơm

Mảnh liếp gầy che những luồng gió thổi

Ngày qua ngày bữa sắn bữa cơm...

Nhưng bên ta có mẹ hiền ấp ủ

Có quê hương vùng dậy buổi đầu

Chân vững bước qua muôn nghìn đêm tối

Mang trái tim hồng nghĩa nặng tình sâu

(Hôn mảnh đất quê hương)

Hình ảnh quê hương luôn đậm đà trong thơ Thu Bồn với tất cả lòng yêu thương và sự tri ân nơi nguồn cội mình sinh ra. Nó hiển hiện cả trong những giấc mơ:

Con đi khắp nẻo đường đất nước

Núi sông nâng từng bước chân con

Bàn tay đã diệt bao đồn

Đêm mơ thấy dải Thu Bồn nước lên

(Mẹ)

hiển hiện trong suốt chặng đường dài mười năm chiến đấu, làm thơ:

Mười năm tôi ôm súng và thơ

Gối đỉnh Bà-nà nằm mơ Non-nước

Thấy nước triều lên trên bến Hà-thân

Bỗng thấy căng từng thớ thịt đường gân

Quê hương cho tôi dòng máu đỏ

Như giọt mưa xuân thấm nhuần cây cỏ...

(Mùa xuân vềquê mẹ)

quê hương là tất cả ý nghĩa, mục đích cuộc chiến đấu:

Anh cầm súng xông ra tiền tuyến

Giữ màu xanh quê hương kháng chiến

Bao lớp quân thù đã gục dưới chân anh

Cho quê nhà ươm lại một màu xanh

(Vườn xanh)

trở về quê hương thanh bình, thơ mộng luôn là niềm ao ước thiết tha cháy bỏng trong tâm hồn nhà thơ:

Cho tôi về lại với hàng tre râm mát

Nằm trên cỏ xanh trâu gặm ướt chiều hôm

Cho tôi về với cánh đồng vàng gốc rạ

Những người thợ gặt đi rồi... Còn nỗi nhớ mênh mông

(Cho tôi về lại)

Trong thơ Thu Bồn tình yêu quê hương được thể hiện một cách trực diện có thể bắt gặp ngay từ nhan đề những tập thơ và trường ca: Tre xanh, Mặt đất không quên, Quê hương mặt trời vàng, Tôi nhớ mưa nguồn... đến từng bài thơ cụ thể mà tên bài đã bao trùm một ý nghĩa cụ thể xác thực về hình ảnh quê hương: Hôn mảnh đất quê hương, Mẹ, Sông Yên, Hành quân đến Ba-kỳ, Mặc áo rừng dương, Mùa xuân về quê mẹ, Trèo dãy Ngọc-linh, Cho tôi về lại, Vườn xanh, Con suối nhỏ, Khói Thu Bồn, Tre xanh, Quê hương, Tiên sa, Vườn chanh, Tiếng hát mảnh vườn, Đà Nẵng gọi ta, Qua quê mẹ, Qua sông Thu Bồn...

Tình cảm đằm thắm với quê hương thường được nhà thơ biểu hiện qua hai hình ảnh vừa cụ thể vừa có tính biểu tượng cho những gì thiêng liêng, thân yêu, sâu nặng và êm đềm nhất của con người: Mẹ và em:

Mẹ ơi mẹ không quên làng cũ

Nơi bờ tre ấp ủ tình thương

Con đi từ lúc còn sương

Nghe con gà gáy quê hương sáng rồi

(Mẹ)

qua đồng bằng giọng hát thân quen

quen như thể không bao giờ lạ được

quen như thể cơn mưa nào cũng ướt

tóc em giờ nắng đã khô chưa?

(Qua quê mẹ)

Tiếng gọi giải phóng quê hương đang còn rên xiết dưới gót giày quân xâm lược là tiếng gọi thiêng liêng tha thiết nhất:

Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con

Như người yêu gọi người yêu xa cách...

(Đà Nẵng gọi ta)

Khi viết về bài thơ Qua quê mẹ của Thu Bồn, Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng đã rất tinh tế khi nhận định rằng, đối với hình ảnh quê hương, “có thể nói Thu Bồn đã bộc lộ cái ám ảnh về khoảng cách của một người đi xa” trong quy luật tình cảm “càng nhấn mạnh khả năng qua đi, không thể dừng lại cùng đối tượng thì tình cảm của anh hướng về đối tượng càng đọng hơn, thẳm sâu hơn, định hình hơn.”([1]). Sâu thẳm và có lẽ thường trực trong tâm hồn Thu Bồn đến mức trở thành nỗi ám ảnh, là một tình yêu quê hương luôn hiện diện trong khoảng cách, trong sự qua đi, vuột khỏi tầm tay với không thể nào níu giữ được, tình yêu cụ thể với quê hương qua mẹ và em ấy, qua những khu vườn con suối dòng sông ấy là một cái gì đã xa cách, không thể nào nắm bắt níu giữ được! Nghĩa là, nó chỉ có thể là một tình yêu trong hướng vọng, trong tâm tưởng, và chính vì thế mà nó càng khắc khoải, càng cháy bỏng trong hồn người. Nó là sự... chảy vòng quanh quẩn quanh dùng dằng trong tình yêu khôn nguôi của một con sông:

Con sông bên bồi lo cho bên lở

anh đứng nơi này rát mặt với thời gian

qua quê mẹ không ghé về thăm mẹ

sông cứ chảy vòng quanh sông bỗng hóa sông Hàn...

(Qua quê mẹ)

Thu Bồn viết nhiều về điều qua đi ấy như để giải tỏa một nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi về tình yêu của một đứa con đi xa, không thể nào gần gũi với quê hương:

qua rồi Tí Sé Dùi Chiêng

dòng sông nức nở ngả nghiêng đôi bờ

... chia tay em với nước ròng

anh về gạn đục khơi trong gởi nguồn

(Ngược dòng)

dòng sông rộng quá nên lai láng

nhịp cầu thường tiễn ta đi xa

hỡi con ngựa chiến tuôn về biển

bất kham dừng lại hóa phù sa

(Qua sông Thu Bồn)

tôi tìm em trong hư ảo tôi tìm

còi tàu hú tiếng còi đau xé

rách thời gian cho tôi nhìn quê mẹ

tiếng cuộc đời kêu thét dưới màn mưa

(Bài thơ giã biệt)

Trong sự xa cách, chia ly, Thu Bồn hay nhắc đến những dòng sông quê hương vừa cụ thể vừa xa xăm buốt nhức trong nghĩa ẩn dụ của những dòng chảy cồn cào, cuộn xiết, đã trôi đi là vĩnh viễn không về của đời người, của cuộc sống, của hội ngộ và ly biệt.

Đến những ngày cuối đời, hình ảnh mẹ quê hương vẫn tha thiết, nức nở như vậy trong lòng nhà thơ, như khát vọng được bình yên, được an ủi trong vòng tay mẹ:

đo lòng mình bên gành trắng Hải Vân

đứa con xa về đó nghỉ chân

mẹ tóc bạc - con tin rằng có mẹ

chữa tan nát trái tim con đau xé

(Bài thơ giã biệt)

Tình yêu quê hương vẫn vẹn nguyên như ngày nào nhà thơ trở về trong chiến tranh, chung thủy, ngọt lành tuôn trào cho những cơn khát lòng người:

Lòng ta là một cánh đồng khô khát

Mà quê hương dòng nước ngọt tuôn trào

(Hôn mảnh đất quê hương)

Và, trước sau gì, đấy vẫn là một tình yêu quê hương được thể hiện theo kiểu Thu Bồn, luôn tràn đầy sức sống dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, như dòng sông Thu tràn đầy hơi thở bên những nương dâu thân thiết: “Sông Thu Bồn ơi! Ta nghe người đương thở/ Vỗ triền miên gội tóc những nương dâu” (Hôn mảnh đất quê hương), một quê hương “vừa dịu mềm vừa rắn rỏi đến uy nghiêm” (Khói Thu Bồn), một quê hương hùng vĩ, bất khuất, kiên cường: “Từ mặt đất tối đen sẽ nảy/ Những lưỡi gươm xanh chém lóe nắng trời” (Lửa thép Xê-tră).

Dấu ấn sâu đậm của xứ Quảng rõ ràng đã in đậm trong thơ Thu Bồn từ ngôn ngữ đến hình tượng, từ tên đất tên người đến xúc cảm và tư duy nghệ thuật.

N.K.H

Rút trong chuyên luận Thu Bồn - nhà thơ trữ tình đất Quảng - tác phẩm đoạt giải C Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Đất Quảng lần thứ II (2009-2013). [1] Hoàng Minh Nhân (2004), Thu Bồn - gói nhân tình, NXB Văn học, Hà Nội, Tr. 888-889.

Từ khóa » Bài Thơ Tre Xanh Của Thu Bồn