Thú Chơi Cá Lia Thia – Cách Lựa Cá Lia Thia
Thú chơi cá “thia-thia”
Thia-thia đá bóng trong keo, Ham vui trước mặt, quên nghèo sau lưng.
Ao sâu cá lội khoe màu, Đố ai biết mỗ: bã trầu, thia-thia? V.H.S
Thua thì thua mẹ thua cha, Cá sinh một lứa, ai mà thua ai! (Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, Huỳnh Tịnh Của)
CÁ THIA-THIA[1] Đại-Nam Quốc-Âm Tự-Vị HUÌNH-TỊNH CỦA giải thích:
“THIA-THIA là thứ cá đất bưng, nhỏ con mà có nhiều sắc, đến khi nó đá nhau thì giương vi sè đuôi, coi xinh lắm”. (Đ.N.Q.A.T.V quyển II, in năm 1896, chương 391).
Bạn thân tôi, ông LÊ NGỌC-TRỤ, có nói với tôi rằng:
Có thứ cá, chữ gọi “Thu thi”. Và nhà học-giả khiêm-tốn họ LÊ phân vân chẳng biết danh từ “thia-thia” có phải do hai chữ “Thu thi” đọc trại chăng?
Thú thật, thân thể tôi béo hơn anh NGỌC-TRỤ, có lẽ cũng vì tôi ít đắn đo như thế! Chuyện đâu còn đó, nay xin góp chút hiểu biết riêng về vài giống cá thia-thia miền Nam (hình số 8)[2]. Chuyện địa phương, chỗ nhau rún nói ra họa may không ai nói gì, chớ tôi rất sợ các ông làm tàn, giỏi nghề ngồi không moi móc.
Đá cá thia-thia vừa là một thú vui của trẻ thơ, mà cũng vừa của người lớn, những ai có máu me cờ bạc:
– Bạn nhỏ đá cá chơi, không ăn tiền, cũng không có tiền mà ăn, – cốt tranh nhau giữa nhóm “hỷ mũi chưa sạch”: con cá mày dở vì hớt tại đồng “mấy thằng đánh giặc thua”, không như con cá tao hay lắm, vì gốc nó ở trên Hòa-Hưng, còn phảng phất vong hồn “tụi đánh giặc chống Tây” đời trước!
– Bọn già thì bất chấp điển tích, họ nghĩ rẻ rề: lấy đó làm nghề sanh nhai, “chạy gạo”, kiếm tiền nhậu nhẹt, hút xách, chơi bời… Đối với họ, mùa hạn, thì chơi gà. Mùa ướt, gà đổ lông, thì day qua đá cá: có thế thôi. Chừng nào cá cũ, thì bắt qua mùa gà. Trái đất cứ xây, người dân Việt quê, chỉ biết gà gà, cá cá…
Hồi còn mài đũng quần trường tỉnh xứ Sốc-trăng yêu nhớ, một trang một lứa nay còn sống sót ở đất Sài-gòn, đếm số còn thua số răng trên hai hàm lão già bảy chục, (không kể răng do các bác-sĩ nha-y trồng, nhìn không ra), lúc thiếu thời ấy, chúng tôi không gì thích bằng ngày lễ nghỉ xả hơi hay ngày chúa nhựt, sau khi bày vở đâu êm vào đó:
Rồ-lem (problème) làm rồi, con-bò-té-sông-răng-ke (composition française) vừa làm rồi; chia quẹt-bờ (verbe): rồi mà chưa, để sáng coi lại còn dư chán: anh-đi-xúc-tép-về-rang (indicatif présent) chưa mà rồi, vì dễ ợt, mai sáng chép vô tập còn kịp; bài học thuộc lòng, cũng nhớ làu làu, ngặt nỗi đọc lên như kéc mẹ chớ nhiều câu không hiểu nghĩa, nhưng dám chắc trong lớp cũng bí-lù như mình, tóm lại “đâu êm vào đó”, chừng ấy chúng tôi bèn rủ nhau, mỗi đứa cụ bị một rổ con hay một mủng trẹt, kèm thêm một chai nhỏ, thứ chai dầu thơm “Cô Ba” của mẹ hay chị đựng dầu dừa hay giấm chua, sẽ lén lấy, mượn đỡ hay ăn cắp cũng vậy, đem súc sạch và chứa sẵn nửa phần nước trong, đồ nghề đại khái rổ và chai cặp nách sẵn sàng thì hè nhau kéo ra đồng ruộng chia tay hớt cá.
Không phải bất cứ đồng nào cũng có cá hay.
Phải rành đôi chút mới chắc ăn kiểu “ba bó một giạ”.
Chung quanh thành phố Sốc-trăng, năm ấy (lối 1914 – 1915) tôi biết có:
1) Đồng Lọ-Nghẹ, ở phía sau trại lính Ma-tà. Gần đám ruộng nầy có nhà thợ rèn ở nhiều, than bụi tro lò đổ xuống nước ruộng, lâu ngày nước đen ngòm: thia-thia đồng nầy có màu đen đúa chắc da chắc thịt như con cháu tướng Uất-Trì đời Đường, vảy da như trui, thoét trong lò nấu đồng thổi sắt, nên đinh ninh cá đồng nầy “mình đồng gan sắt”, răng cứng như thép khóa chắc trong hàm như trong họng kềm: cá đồng nầy không chạy mặt cá đồng nào! Thảm nỗi, đồng ở gần trại lính Ma-tà, mà con cháu Ma-tà dữ quá, hễ chúng nó gặp bọn tôi lén hớt cá đồng Lọ-Nghẹ thì bọn nó đánh chúng tôi chạy bò lê bò càng, không biết đường về.
2) Đồng hàng tràm, gọi cá chùa Phật, vì nơi đây có chùa thờ đức Di-Đà. Nhờ lá tràm tích-đọng lâu năm, nhuộm nước đỏ au, – lá tràm vả chăng là vị thuốc đón gió ngừa phong, – nên cá vùng nầy mình như tẩm thuốc, bắt được con nào bỏ vô chai, ít giờ sau quen nước quen cái, cá phùng mang sậm màu, vảy xanh ửng hồng, đuôi đỏ chớp sao, chăm bẳm như các tổ-sư Bồ-Đề, hay nói cách khác, như thầy bùa, thầy ngải giỏi nghề “gồng chém không đứt” hay có học “xầng-tả”, xìn tả (thần đả). Năm xưa, nơi đây tôi hớt được một con “cá nái”, lớn bằng ngón tay út, lưu lại nhiều năm quá nên quá cỡ, không cáp độ gặp cá nào bằng nó, tôi để đá bóng chơi và đặt chiến danh là “Ngũ-Lang hòa-thượng”! để nhớ thành tích ông tướng “thầy chùa” trong tuồng “Mộc Quế-Anh dâng cây”. Con cá nái nầy, khi tôi hớt được, bỏ vào chai không lọt, phải gởi qua chai khác, đủ biết nó lớn con đến bực nào!
3) Một đồng khác là đồng Lình-kía (Long-tử cang), ở phía chùa Phật sau nhà máy Quách Xên. Tuy mang danh đẹp là “cá xóm Rồng con”, nhưng thia-thia đồng nầy không anh hùng chút nào, vì ở xóm chệc rẫy, bủng dứ vì quen tiêu thụ những đồ thừa của bọn nầy gởi trong đám ruộng bên nhà.
4) Một đồng khác nữa, rất xa xăm đối với cặp giò trẻ thơ của chúng tôi buổi đó, là đồng Bắc-Tà-Ky (tên thổ). Đây là ruộng phụ ấm của ông cậu họ Trần, nguyên con quan Đàng Cựu, xưa kia ngồi trấn xứ Ba-Thắc (srock Passac, tức Sốc-trăng). Cá vùng nầy nổi danh một thuở, bền gan không đâu có nhưng ít ai kiếm được lắm. Chủ ruộng là nhà đá cá lớn, dạy tá-điền canh chừng nghiêm mật, không ai hớt lén được. Đặc sắc trong vùng có thứ cá-kỳ-son, tức kỳ trên lưng có chấm một điển son, đây là giống cá xiêm lai biệt dạng của chủ ruộng đúc nắn lâu đời: cắn quạu, bền gan bực nhứt. Ông Trần, ông cậu của tôi, xưa có một con, ăn trọn mùa, không chạy độ nào, danh còn nhắc: “cá Triệu-Tử”.
5) Tệ nhứt là cá đồng Thầy Tám, trên đường đi Cần-thơ. Thầy Tám nguyên là pháp-sư, chuyên chữa bịnh bằng phù-chú. Thây ma chết chôn sau am, cá sanh vùng nầy lẹt đẹt không khác những con bịnh đau ma do thầy Tám chữa chạy: chưa đá chưa cắn ai một miếng nào, đã xếp đuôi xếp giáp, chạy cuốn cờ! Nguyên sở ruộng Thầy Tám là cuộc đất gò, nước cạn. Thảo nào cá thiếu nước không nơi dụng võ, ngắn hơi và nhát gan là lẽ cố nhiên. Tôi nói nước ít nên cá nhát gan, vì kinh nghiệm dạy rằng con cá ở nước sâu quen nín hơi, lâu lâu mới lên đớp bóng một lần, nhờ đó mà chịu đựng hay, bền hơn cá ở nước cạn.
6) Đồng lác, đồng cỏ năn, ở phía sau nhà thương tỉnh, dọc theo đường đi xuống Bang-Long (tục gọi quận Giếng Nước). Cá vùng nầy dở hơi, vì sanh trưởng trong lác, trong năn, trong cỏ, nên không có chi đặc sắc (thuở ấy chưa có anh hùng Rừng Sác, nước mặn). Tuy vậy đừng quen chê sớm mà lầm to có ngày, vì may thời Tổ đãi, hớt được cá kinh niên, thứ cá trốn ẩn lâu năm gần nhà xác, hình như còn oan hồn uổng tử vấn vương, hoặc nữa hớt được những cá lẻ loi sống chung lộn nhiều năm trong bộng trong hang rắn dữ, ngày ngày từng hớp nước có nọc con ác-xà phun ra, cá quen hơi rắn nên không hầy hấng, chực khi đụng độ với cá lạ đồng, thì khác nào con xà-niên ngậm ngải đối chọi với phàm phu, có thể nói bách chiến bách thắng. Tôi đã nói phải là có Tổ đãi mới bắt được thứ cá dữ nầy. Khoan vội tin lời tôi, ham thọc tay vào hang rắn, có ngày bỏ mạng!
Về việc nầy, tôi đã từng ngộ trận, một phen tởn tới già, nay nhắc lại nghe chơi mà còn rởn tóc gáy: Bữa ấy, trời mưa rỉ rả, tại đồng Hàng Tràm, mặt trời vừa xế bóng, tôi đặt rổ xuống nước, vừa lấy chơn giậm giậm xung quanh rổ rồi rút rổ lên, nghe như được một vật gì nặng nặng. Rổ lên vừa khỏi mặt nước. Mẹ cha ôi! Một con rắn hổ lên nước đen mun, nằm khoanh tròn chật rổ. Khỏi nói, tôi vừa thấy rắn, ba hồn bảy vía lên mây, lẹ như chớp, tôi quăng rổ té bật ngửa ra sau, không kể áo quần ướt vấy, mặt cắt không còn chút máu. Úy hà! Chút xíu nữa, không còn sống mà viết bài nầy! Quên nói, rắn ta cũng hoảng hồn hoảng vía (nếu thật rắn cũng có hồn), rắn đánh cái “tỏm”, buông mình xuống nước, phăn phăn lủi bụi trốn theo đường, rắn cút mất tự thuở nào!
Các anh em bạn theo tôi bữa đó đều chạy té đùn cục trong ruộng sình, báo hại thia-thia huyền bí đâu chẳng thấy, duy thấy một phen vỡ mật hú hồn.
Một lần khác cũng tại đồng Hàng Tràm nầy, tôi lại bị trâu dữ rượt, chạy bò càng, ve thúng quăng mất, may sao còn giữ được hồn. Con trâu nầy tôi nhớ rõ, sừng của nó, không biết vì sao không dựng quớt lên mà vẫn nằm lòng thòng hai bên đầu, có lẽ nếu nó húc cũng không hại gì lắm, nhưng nói giỏi, sao hồi đó không ở lại mà thử sức với nó! Tởn đi một dạo rồi chứng nào tật nấy, tôi cũng mon men ra đồng xúc cá, vì thuở ấy, thú thật, chúng tôi tiền bạc đến một đồng một chữ cũng chẳng có dính lưng, cho nên chỉ biết những thú vui không tốn tiền; mà theo tôi còn vui nào bằng ngày chúa nhựt đi hớt cá thia-thia, để được nhăm nhi củ kiệu chua nhai nghe giòn rụm, bây giờ nhắc lại còn chảy nước miếng!
Độ xưa, một nhà chơi cá ở chợ Sốc-trăng, có một con cá kỳ quặc, ông ta lượm nó ngoài đồng, ở sẵn trong một bình vôi sành mẻ miệng, bỏ gần bên gò mả loạn. Ông rinh luôn như vậy đem về nuôi, để y con cá ấy trong bình vôi của nó quen ở, trừ khi nào xách ra trường cáp độ, khi ấy ông mới vớt nó ra đọi ra thố đường hoàng. Con cá nầy có thể nói là lạ lắm, vì thắng không biết bao nhiêu độ, về sau không ai dám đem cá đối thủ với bất cứ cá nào của chủ nó, báo hại ông ta vì một con cá linh, thắng độ hoài, mà chủ không tiền hút! Tôi sau nầy, vì đi học trường lớn, cũng mất tích con cá ở bình vôi gò mả hoang nầy.
XÚC, BẮT, HỚT CÁ THIA-THIA Muốn có được cá để chơi, phải có chút ít kinh nghiệm. Kinh nghiệm nầy không có trường nào chuyên môn dạy. Thuở đó, dẫu là con ông Thông đứng bàn ông Chánh, hay con Thầy ký Kho bạc, muốn có cá chơi, phải lén cha lén mẹ, phải lo lót xin thọ giáo với các tay rành nghề, mà không ai khác hơn là bọn bộ hạ dưới tay cha mẹ chúng, bọn trẻ chăn trâu giữ bò, cắt cỏ ngựa, mục-đồng, bọn ở đợ. Dạy không lấy tiền công tiền Tổ, cao thượng vậy thay. Duy phải chiều lòn, dẹp bỏ bộ tịch “cậu”, dày công tâng hót thì họ mới truyền nghề. Một trang một lứa với tôi năm đó có con ông Huyện Kim, con Thầy Thông Tây, toàn là tay “công-tử”, con các người có máu mặt đương thời. Trối kệ, phải xuống nước nhỏ, dẹp chức “Ấm” vào ngăn kéo, tôn họ làm “Sư”, làm “Mồ Tổ”, họ mới đoái hoài. Quên nữa, và phải trốn học, theo họ ra ngoài đồng ruộng, đổi với họ một khúc bánh mì thì họ cho leo lưng bò cỡi thử một chặp, hoặc dâng cho họ “đồng xu mẹ cho để dành ăn bánh”, thì họ cho phép lội xuống ruộng sình, bước lỏm bỏm theo họ mà hớt cá thia-thia hay là bắt ốc! Trốn trường cũng vì muốn biết cỡi bò, bỏ lớp, hoang phế việc học hành, cũng vì ba con cá xanh-xanh đỏ-đỏ! Thầy dạy chúng tôi hớt cá là anh Tỷ-Bò. Anh chăn bò, “giữ bò” từ lên sáu. Cứ mỗi sáng, cho ăn ba miếng cơm nguội no nê, chú đày tớ già bồng Tỷ đặt trên lưng bò, đèo thêm chai nước mưa, và mo cơm vắt…. Ra đồng, trọn ngày hết ngồi đến nằm, Tỷ ở trên lưng thú, nắng mưa phú có cao xanh thương xót, một cái nón rách, một chiếc áo tơi, – con nhà nghèo có ông Trời nuôi, – Tỷ mạnh lành, da đỏ sậm có cần gì hứng gió Long-Hải, tắm nắng Vũng-Tàu? Chiều lùa bò về, chú tớ già ẵm Tỷ xuống cho Tỷ xã hơi, cơm nước, ngủ nghê, ngày ngày y một kiểu như thế cho đến tuổi Tỷ lên xuống lưng bò mình ên được. Mà cái tuổi ấy không xa, mới ngộ chưa, vì cỡi bò được ít lâu, Tỷ đã dạy được con bò cầm bầy tên là “Cành-Tết”, biết nằm xuống, mỗi khi Tỷ cần dùng không muốn ở mãi trên lưng nó: bò nằm rồi, Tỷ bắn lùi như tôm, đít đi trước, chân đụng đất bình yên vô sự, nào cần ai bồng ẵm? Khi lên, Tỷ dạy “Cành-Tết” nằm nữa, Tỷ trèo, – có khó hơn khi xuống một tý, – trèo như kiểu thằn-lằn ôm cột đình, nhưng rồi cũng trèo lên lưng bò được, chớ không sao! Tỷ giấu nhẹm chú tớ già việc nầy, để hưởng tận cảnh: “cực thì có cực, nhưng khổ thì không khổ”. Ai ở đợ ra sao không biết chớ Tỷ không bao giờ bị chủ rầy la, một bầu trời nước bao la, mặc sức nghêu ngao hò hát! Sạm da vì nắng, săn thịt vì mưa, không hề sổ mũi gió máy bậy bạ, không bao giờ biết nhức đầu là gì, lên mười tuổi, Tỷ vỗ ngực xưng “Chúa tể Đồng Trường Đua”, “ngô chánh thị Tỷ-Bò thị giả!!!”
Không chuyện gì xảy ra ngoài đồng ruộng mà Tỷ-Bò không thạo: gò nào có rùa vàng, rùa nấp ở; hễ thấy dấu cỏ dấu đất ra làm sao là Tỷ biết có con vật ẩn núp dưới bụi đế hay gốc lức, v.v… Vì vậy mà Tỷ-Bò mỗi ngày mỗi lục lạo, lục còn hơn học trò lớp nhứt khuấy rầy quyển tự-vị lúc dịch “version” Tây! Con rắn làm hang như thế nào, và con rắn ấy là loại rắn gì, Tỷ-Bò biết đủ. Tỷ-Bò quả quyết thuốc “không xa”, và thường thường có giống cỏ nào mọc gần miệng hang, thì cỏ ấy là món thuốc thần trừ nọc con độc-xà kia vậy. Tỷ-Bò cam đoan đêm nào trăng sáng là rắn ra trững mỡ, “giỡn trăng”, chầy ngày lăn lộn trững đùa trên đám cỏ, sao sao cũng chảy dãi, nhểu nước miếng thấm cọng cây lá cỏ, tẩm già chất độc, chất nầy nhờ gội sương chan nắng nhiều ngày mà dịu lần, biến nên môn “thuốc ngừa” (kiểu nầy y như kiểu thuốc ngừa do viện Pasteur bào chế!). Tỷ-Bò dốt mà sao nghiệm được việc nầy, lạ thật! Mai sau người nào nếu bị rắn cắn, cứ nhớ tìm hang nó và bứt một mớ cỏ mọc nơi miệng hang, lớp đem về nấu nước uống, lớp nhai cấp kỳ nuốt nước và lấy xác đắp lên chỗ bị cắn, là có cơ thoát khỏi nạn nghèo! (Tỷ-Bò chúc ngôn).
Nghe làm vậy thì hay làm vậy, chớ tôi chưa dám truyền-bá, đem phương nầy bày vẽ cho ai thí nghiệm bao giờ. Nay viết ra đây cũng không bảo-kê hiệu quả. Tóm lại, chồn đèn, chuột đồng, kỳ-đà, rắn mối, rùa vàng, cá bộng, các con sinh vật ở ruộng, nhứt cử nhứt động là Tỷ-Bò hay biết từ đường đi nước bước. Sau nầy, mặc dầu tôi đỗ bằng Trung-học, “lên mặt” trở về làng, nhưng đối với môn vạn-vật-học và môn địa-dư tỉnh nhà, tôi vẫn như thuở còn bé thơ, thua anh Tỷ-Bò xa lắc! Miền Nam, từ cửa “Vàm Tấn” (Đại-Ngãi) cho đến sông Ông Đốc (Cà-Mau), không một khúc quanh nào mà Tỷ-Bò không biết tên, không một xẻo-co nào mà Tỷ-Bò chưa từng đặt chơn đến đó. Giờ nào nước lớn, nước ròng, nước đứng, Tỷ-Bò thuộc nằm lòng. (Nhờ vậy mà muốn đi đây đi đó, Tỷ-Bò không cần chèo chống. Một lá buồm rách, một cơn gió thuận, một chuyến nước xuôi, Tỷ-Bò thả ghe vô ruộng. Công việc xong xả, Tỷ-Bò chờ con nước, thả ghe về nhà, không tốn công chèo, còn hay hơn đời nay, sắm máy thế chèo mà có khi máy trục trặc, đã tốn tiền thêm mất công linh chờ đợi). (Không nói đến cái nạn mọi việc đều máy móc thay thế, sau nầy tầm vóc, bắp thịt đàn bà Việt sẽ kém thua bây giờ vì còn thể-thao chèo bơi gì nữa đâu?) Nói quá xa đề, nhắc lại đối với Tỷ-Bò, tuy vô học, nhưng con thú nào kêu la làm sao…, chỗ nào đào xuống là bắt được rắn hổ, chỗ nào đốt cỏ già hơi là có rùa mập bò ra, v.v…, tắt lại, địa-lý, địa-dư vùng đồng Ba-Thắc (Sốc-trăng), Tỷ-Bò xem rẻ như thò tay vào túi lấy đồ.
Hôm nào chúng tôi được theo sau lưng Tỷ-Bò ra đồng, thì hả hê bữa ấy: không cháo rùa cũng rắn xào, lươn um, hoặc cá lóc mập ú bó đất sét nướng trui vào lửa rơm, ăn nội cái “filet” chấm muối hột, “nóng hổi, vừa thổi vừa ăn”, đến nay còn thèm. Chúng tôi hùn tiền sắm gần đủ nồi ơ, chảo, đũa, gởi kỹ miễu “Ông Tà”, đũa rất ít dùng; vì chúng tôi kinh nghiệm ăn “bốc tay” sướng và ngon nhất! Chúng tôi không mê Tỷ-Bò không được! Tỷ-Bò rất khác tôi. Tôi thì, học toi cơm, học thuộc tên tổng tên làng làu như cháo lỏng, đọc như kéc mẹ, tên thảo mộc, tên chất khoáng hay ngũ kim, tôi kể giòn hơn lặt rau rang bắp, thế mà nếu ai hỏi vặn: làng ấy ở đâu, chất ấy biến thể ra gì, tôi sẽ ú ớ như đứa câm ăn ớt: học mà không hành, tôi kém Tỷ-Bò hằng mấy dặm! Biết mà thiếu kinh nghiệm, ra trường đời, tôi chỉ là thằng hủ nho Tây đại chi vô dụng!!!
Anh Tỷ-Bò dạy tôi phương pháp hớt cá lia thia.
Anh dặn: “Khi để chơn xuống ruộng sâu, thì phải nhớ không còn là con cưng của cha mẹ tại nhà nữa. Muốn nhỏng nhẻo thì ở nhà. Đến đây, phải biết hòa mình cùng Trời Đất: tập bước cho khéo chân, cá không giựt mình, mới có mà bắt. Lựa gốc rạ, dốc lức mục, giẵm cẳng lên đó thì khỏi sợ sa lầy khỏi uống nước bùn. Dẫu đỉa trâu lớn bằng ngón cái nó đeo bắp vế non, và dẫu đỉa hẹ đỉa mén mỏng như lá lúa bò lúc nhúc, lòng thòng trên bắp chuối, thì trối kệ nó! Dẫu vắt rừng cắn, máu ra ướt đỏ chân, háng, thì cắn răng để vậy! Tập chịu, thét rồi quen! Đó là thường sự! Muốn làm dân ruộng thì phải tập cho quen lần: tập cắn răng nín khóc, đau thế mấy cũng không được la! Rên la không ích gì, và chỉ làm bối rối người lớn, thêm làm cho cá tôm hoảng chui trốn mất, mà lỡ cơ hội tốt. Tập lâu ngày thì hết sợ; rồi thét đi sẽ dạn lần, sẽ thấy vui thú. Cần nhất là miễn sao đừng để đỉa con, vắt mén chui vào hậu môn, vào lỗ chỗ nhược, thì thầy chợ cũng khoanh tay mà Tỷ-Bò cũng vô phương tiếp cứu! Học bao nhiêu đó trước đã, rồi Tỷ sẽ dạy thêm”. Tôi nhớ lại hồi nhỏ, nhỏng nhẻo với mẹ có tiếng, mẹ vừa lấy cán chổi lông gà phủi sơ sơ ngoài quần, chưa chi đã la còn hơn bị ong bầu đút đít! Bây giờ mãi mê ba con cá thia-thia xanh-xanh đỏ-đỏ, anh Tỷ-Bò “phán” ra câu nào là dạ răng rắc, xem còn hơn câu kinh nhật tụng, tuân theo răm rắp, không dám cãi nửa lời! (Nay mẹ đã mất, cha cũng đã mất, con nhớ lại ăn năn không nghe cha mẹ bằng nghe Tỷ-Bò).
Tỷ-Bò dạy tôi phải cho có gan, thì tôi làm gan! Tỷ-Bò dạy tôi bậm môi thì tôi cắn môi đến giập máu! Anh dạy tôi túm, vo ống quần cho sát bẹn sát háng, tôi làm coi cũng gọn bâng; bây giờ tôi viết bài nầy, nhớ lại việc cách trên năm mươi năm, tôi mới hiểu và thương mẹ tôi, mỗi lần lấy áo quần ra giặt, đăm-đăm muốn biết sao “đứa con ăn cá, mẹ lừa xương” y-phục lại bèo-nhèo đến thế! (Mẹ! Mẹ ôi! giá-thử con cũng nghe huấn-từ của cha mẹ bằng như con đã nghe lời anh Tỷ-Bò!)
Tâm trí của tôi lúc đi hớt cá, không lo đỉa chun hậu môn, – thú thật tuổi ấy tôi cũng chưa biết đó là một tai nạn lớn và sẽ làm khổ cho cha mẹ đến bực nào, – tâm trí tôi mảng lo và chăm chú ngó theo bờ mẫu, ngó dài mặt nước bọc theo lức, đế, ô-rô, rau dừa. Chỗ nào có bọt nổi trắng-trắng hay vàng-vàng (trắng khi nào ruộng toàn nước mưa, vàng khi nào nước có lộn chất phèn chất sắt do dưới đất hoà lên, hay có lá mục…): bọt ấy là bọt cá thia-thia, rõ đích-thị hắn đây rồi! Con mắt thông thạo của Tỷ-Bò, dòm thoáng qua là biết ngay, không do dự môt giây một khắc! Đối với tôi thì cóc cần, bọt gì cũng mặc! Khi ấy hãy đưa rổ vào cho lẹ, vừa đẩy rổ tới trước vừa thọc sâu xuống và cũng vừa hứng lần lên, ba việc: đưa đẩy, thọc sâu, hứng lên, phải làm nhanh lẹ vén khéo, cùng khi ấy hai chơn lại phải giậm-giậm thật đều, thật kỹ giáp vòng chỗ mình đang đứng, cốt làm sao cho con cá, dẫu muốn thoát thân ra bụi bậm thì cũng vì “địa-võng” của mình bố trí quá khít khao, và nhờ sự “tấn công ba mặt” của mình quá chặt chẽ, đành vô phương thối bộ và đành rút lui về bọt, mặc tình bắt tha! Mỗi lần nâng rổ lên, nếu khéo tay và thông thạo thì gặp bọt chín mười lần, làm sao cũng phải hớt được vài ba con cá.
Cá giãy lách chách trong lòng rổ mà lòng mình cũng rung lên thình thịch, còn sung sướng hơn đánh bài tứ-sắc “tới quan”! Nhưng cũng khoan vội mừng sớm và hãy đợi cho cá lọt vào chai đem theo, xem đi xem lại kỹ càng rồi sẽ mừng không vội. Nếu hắn là con cá trống thì mặc sức mừng vui! Bất ngờ hớt trúng con cá thia-thia mái, thì nên phóng sanh phứt cho rảnh nợ đời, hoặc giả bắt được thứ cá sọc dưa, cá bã-trầu thì mừng hụt một phen và cũng nên mở nút chai trút ngược cá xuống ruộng mà làm doan làm phước cho nó nhờ! Để thì giờ xúc con cá khác còn hay hơn!
Cá bã-trầu, mình dẹp, vảy xanh lè, coi tốt mã ghê, thoáng qua tưởng mình thộp được con cá xiêm, mừng quýnh, không dè đó là thứ cá bã-trầu, đồ vô dụng, được nhiều kho mẻ tô thì đã tanh thêm xương nhiều thịt ít, ăn không ngon, bằng để nuôi chơi trong chai trong keo, thì chỉ phá đám, tốn công nuôi, cá bã-trầu trững giỡn cũng không biết đừng nói chi đá độ: bã-trầu chỉ giỏi tài nuốt cung quăng[3] ăn bao nhiều cũng chẳng biết no! Những mánh lới hay như: giỏi phùng xòe, biết múa kỳ trên, khoe kỳ dưới, quạt đuôi, giương vảy, phùng mang đảo nước để khoe tài cùng địch thủ, những biệt tài của thia-thia làm vậy, thì bã-trầu dốt đặc, không biết lấy một món nhỏ nào, nuôi nó ích gì?
Đi hớt thia-thia, nếu hớt được cá thì mừng, dầu cá ấy bé tý teo cũng khoái, – bằng không hớt được mà một phen tắm nắng, đùa giỡn ngoài đồng cũng rất là sung sướng hả hê! Tệ lắm cũng học thêm một thú vui sằn dã. Có buổi xách rổ xách chai ra đi, nửa chừng gặp mưa dai, áo quần ướt loi nhoi mà bọt cá cũng bị mưa gió đánh rã tan, vô phương nhìn biết. Những buổi ấy đành gác chuyện hớt cá và đổi qua thú vui khác. Những buổi ấy kéo nhau vô rẫy mua bắp mía nhai gặm cho phỉ tình bụng đói mà ít xu, giàu hơn nữa thì hè nhau kiếm lều quán chui vào, góp mỗi đứa chút ít, đậu tiền lại mua khô mực, tôm khô, củ kiệu chua, răng trẻ tơ mới lớn nên nhai ngon lành giòn rụm, đã không biết ê răng là gì, thêm nhai mãi say máu ngà, không biết chừng nào mới đã thèm. Trong nhóm nếu có vài ba chú bác cầm đầu, mấy chú ngồi đụt mưa đánh chén khề khà, rượu công xi ực nghe trốc trốc, mình khỏi tốn tiền mà cũng được hầu tàn; râu khô mực ăn nhín nhín cắn củ kiệu chua chua; sau nầy tiệc yến cơm Tây cơm Tàu, lợm giọng, nhớ tiếc tuổi ấu thơ nuốt sắt cũng ngon!
Cá hớt được rồi, đem về nhà đổ ra thau, chậu, tuyển lựa theo cỡ, cỡ trung trung gọi là “cá lứa”, dễ cáp chạn, cá nầy sẽ nuôi thúc và cho ăn kỹ lưỡng, ban đêm tập “quần đèn” cho thêm dạn, ban ngày đặt chỗ nhiều ánh sáng cho cá quen mắt, – độ chừng một tuần, mươi bữa từ khi hớt, là có thể đem ra trường cáp độ thử tài. Cá để lâu ngày bở hơi, đá nửa chừng chưa phân ăn thua, vụt bỏ chạy, cá ấy gọi “cá nũng”.
Cá nào nhỏ con quá hoặc tàn tật rách rưới, thì loại ra, tha hồ tặng các cậu bé láng diềng “mỏ ác chưa cứng”, hay con cháu trong nhà muốn đem làm gì thì mặc! Con nào hùng dũng khỏe xinh,- quen gọi cá nầy “phụng vĩ” khá, con kia “ít tốt mã” hơn,- y như nói về gà nòi, những cá nhiều hy vọng ấy, sẽ lựa nuôi riêng từng chai một, nếu còn thừa dư dả quá, hết chai đựng, thì sẽ bán hoặc nhường cho bạn tác lấy tiền mua sắm dụng cụ đồ nghề thêm. Nói đến đồ nghề thì nên kể keo, chai cắt miệng để nuôi cá và vợt để xúc cá sang sớt ve nầy qua thố hay ve khác.
Vợt thường thì cán làm bằng tre, trúc. Có người vẽ duyên lấy đũa mun chuốt nhỏ và bịt bạc khéo léo. Cầu kỳ nhứt là anh chàng sắm vợt cán ngà, lâu năm lên nước đỏ au, giắt trên mái tóc hoa râm kề bên lược đồi-mồi có diễm đồng thoà ống ánh. Cán thì làm vậy, nhưng vợt nào cũng may bằng vải, xuyến, lụa thưa để dễ xúc lăng-quăng, có khi sắm chiếc vợt dày bằng vải, lụa kín, để sang sớt cá, mỗi khi thay nước hoặc đổi chai đổi chậu. Ngày nay trong Chợ-lớn-mới có bày bán khắp nơi những chai keo rộng miệng, nguyên là hũ kẹo ngọt, chai dầu thơm hay chai thuốc Tây bị sa thải. Đó là những đồ đựng cá xứng đáng, vừa đồng một cỡ thêm trắng bóc xinh xinh. Lúc tôi còn nhỏ, chưa có thứ chai keo rẻ tiền ấy, và các nhà nuôi cá có hạng, mỗi người lựa chai đựng cá theo sở thích và theo túi tiền của mình.
Họ sợ nhứt là đồ nội-hóa sản xuất trong Chợ-lớn, chai nầy hình dáng đã thô, thêm vật liệu nấu lọc không kỹ mấy; thành thử chai keo nội-hoá đã lắm giòn, mau bể, thêm nhiều điểm sao lốm đốm, nhiều bọt khó coi. Những nhà phong-lưu họ rất chịu khó, kén cho được thứ chai keo Hạ-Châu (Singapore) hoặc chai sản xuất nơi Hồng-kông hay bên Âu-Châu càng quí, thứ keo nầy trong như đồ pha-ly, gõ kêu bon-bon, đã bền thêm đẹp mắt, không chút bọt. Những nhà ít tiền nhưng giàu óc mỹ thuật lại tự chế riêng một bộ môn đặc biệt, hoặc toàn thứ chai dầu “ô-liu” trắng hay chai nước suối trong xanh, hoặc chai rược Peppermint khi cắt bỏ khúc đầu thì eo ngấn như trái bầu hồ-lô, nên họ càng thêm thích. Những chai “cắt họng” nầy, không cắt cuống họng mình, thêm được rẻ tiền, dễ súc rửa, và nhờ rộng miệng, nên dễ thọc vợt cho cá ăn hay xúc cá ra ngoài. Trên miệng chai, thường họ cà cho lụt, bớt bén, không đứt tay và cắt giấy carton làm nắp, vừa nhẹ nhàng vừa thêm vẻ đẹp. Nhưng mấy con thằn-lằn tinh ma thường cạy nắp giấy bắt trộm cá, nên nhà nào từng bị nạn thằn-lằn đổi chiến lược, lấy “ngói móc” khẻ tròn-tròn như trái tràm làm nắp đậy, tuy làm vậy không mất cá, nhưng lại hay mất nắp, vì trẻ con ranh mãnh, lén ăn cắp miếng gạch khẻ tròn sẵn đem chơi “mức cò” thì còn gì hơn! Thuở ấy, đặc biệt nhứt ở chợ Sốc-trăng là bộ nắp chai của kẻ viết bài nầy: vì cha tôi quá câng, tự tay cắt chai rất đều đặn và cho phép tôi lấy những nồi dót mới của cha tôi để dành nấu vàng làm nắp chai cá. Thứ dót nầy hình như cái chén chung uống trà, mịệng rộng đít túm, nên bất kỳ chai nào cỡ nào cũng đậy vừa: một khi đặt lên miệng chai, thì chai và nắp (dót) ăn khớp nhau liền bon, tuy nói “ăn rập” nhưng còn thừa lỗ hở để giữ cho thoáng khí chui vào. Nắp dót, mỗi lần dở, phải lấy tay cạy cho khéo mới lấy ra được, thằn-lằn dẫu tài ba cách mấy gặp nắp dót cũng vô phương làm hỗn. Quên nói, đậy kín quá, thì cá ngột hơi “xí lắc léo”, còn đậy hở thì thằn-lằn chực hồi nào sẽ không bỏ qua cơ-hội tốt!
Nói đến cắt chai cũng cả một nghệ thuật: người nào khéo tay thì cắt trăm chai như một, ăn đứt y nhau. Kẻ nào vụng về, cắt không đều tay, chai nứt không ngay đường, khi mẻ sứt, khi méo mó, trông bớt xinh. Biết mình không đủ tài, thà chịu nói thiệt và mượn bạn quen trong giới thợ bạc, sẵn lò, sẵn có hoa tay, thợ kim hoàn làm gì mà chẳng khéo! Vòng cắt miệng chai thường dùng là một niền sắt hay thép, lớn cỡ ngón tay út, uốn tròn theo ni tấc nhứt định, cái vòng nầy lại uốn cho dư ra một khúc dài kéo ngay làm cán dễ nắm dễ cầm, mới xem giống hình “dấu hỏi” to tướng. Muốn cắt chai thì đặt vòng nầy vào lửa đốt cho sắt đỏ, sẽ lấy nùi giẻ bao chỗ cán cầm cho đừng nóng tay, đoạn tròng chiếc nòng vào họng chai, vừa đè mạnh vừa xây tròn cái chai cho thật đều tay, đừng chinh lịch. Chai sẽ hút sức nóng của chiếc vòng (hay nòng), liệu nóng đúng sức thì rút nòng ra, và rảy nước lạnh ngay lằn muốn cắt: tự nhiên chai đương nóng, gặp lạnh của nước, phản ứng trở mình nghe một tiếng “rắc”, coi lại họng nứt lìa khỏi thân chai ngon lành. Bây giờ chỉ còn lấy khúc cắt bỏ ra, rồi lấy một miểng chai bể cà sơ vòng miệng chai cho lỳ bớt sắc bén là dùng được. Phải nhớ lấy miểng chai bể mà “trị” miệng chai, “vật gì trị vật nấy”, chai tuy vậy mà cứng lắm, lấy giũa thép mà mài càng thêm báo đời, đã hư giũa thêm mẻ miệng chai, khó coi lắm. Khéo tay và có kinh nghiệm thì cắt mười chai không hư một, mỗi lần cắt thì lằn đứt tiện khéo không thua cắt bằng hột thuỷ xoàn của thợ cắt kính: không răn, không nứt. Tay mơ chưa thạo nghề, cắt chục chai hao gần phân nửa, đổ thừa đủ thứ, nói Nho lúc đó, rồi đến khi súc rửa lại sổ Nho một lần nữa, cũng vì họng chai cắt không đều, sượng sần, mó tới là đổ máu đứt tay! Mỗi chai đựng một con cá, hai chai, mấy chai để kề nhau đồng một hàng dài thì làm ngăn giấy chận giữa cho cá đôi bên không thấy nhau. Khi nào muốn quần cá, hoặc muốn cho cá đá bóng xem chơi thì rút ngăn giấy ra: vừa thấy nhau, cá nuôi sung sức sẽ phùng xòe trững giỡn, trương vi quạt đuôi, xanh-xanh đỏ-đỏ, xem thật là ngoạn mục. Nước trong chai để rộng cá, không nên để nhiều lắm mà cũng không nên để ít lắm. Để nhiều, nước kề họng chai thì bắc cầu cho thằn-lằn, thừa dịp câu trộm cá thêm dễ! Để ít thì con cá cạn nước không bền sức bằng cá nuôi nước sâu. Một điều nên nhớ kỹ là khi nào súc chai, vì dơ bợn, thì thế nào cũng phải dành lại một phần chai nước cũ, có làm vậy, con cá khỏi lạ chai lạ nước. Không biết việc ấy, khi thay nước, nhè thay mới tất cả, tưởng rằng thêm sạch cá càng mạnh thêm, ngờ đâu chỉ làm cá mất sức, nếu sau nầy đá thua, ấy là lỗi tại nơi mình chưa đi sâu vào nghề! (Không khác một người mẹ, bắt con tắm hoài, như vậy tưởng rằng thêm sạch, không dè đứa nhỏ tắm nhiều lần trúng nước có ngày!)
Nói đến thằn-lằn, phải phục cái trí tinh ma của loài vật nầy. Tôi học khôn được điều nầy cũng nhờ một kinh nghiệm khá đau lòng khi còn thơ ấu. Thuở đó, tôi có nuôi một con cá thia-thia đã từng ăn nhiều độ. Mỗi khi tan học về tới nhà, làm thế nào tôi cũng phải ghé triện lại kệ cá, chào sơ nó, – sau khi trình thưa cùng cha mẹ, – xong rồi tôi mới lo thu xếp cặp sách và lo việc cơm nước. Nói cho dễ hiểu, con cá nầy là “nhân-vật thứ ba trong nhà”, sau cha và mẹ! Đủ biết tôi câng nó đến bậc nào. Cá ấy, tôi nuôi riêng trong một chai keo bự. Một buổi sáng nọ, cá tôi mất dạng, keo còn nước trong khe, mặt phẳng lặng tờ. Nhớ lại, đêm rồi, tôi có xê cái nắp keo qua một bên cho cá có nhiều thoáng khí, rồi sơ ý quên đậy lại trước khi đi ngủ. Sơ sót nội bao nhiêu ấy mà sáng nay ân hận thì đã trễ rồi! Dòm trên dòm dưới, ngó trước trông sau, kẹt hóc vùng ấy bị tôi “thám hiểm” không sót chỗ nào, thậm chí tôi dời xốc hết đống than “cây thông” của Ba tôi dành để làm mẻ thổi vàng, nhưng vô ích, con cá vẫn biệt vô tăm dạng! Thôi rồi! chắc chắn là cá câng đã bị thằn-lằn câu…“Thằn-lằn ơi! Nhĩ ngã vô thù! Bây giờ mày ở tệ làm vậy, chớ trách tao nghe!” Từ bữa ấy, tôi oán thằn-lằn tận xương tuỷ, gặp đâu giết đó, không dung tha con nào! Tôi điên rồ cho đến đỗi mấy khi trong trường thầy dạy học ôn những bài ám đọc, thì tôi mượn cớ ấy mà “bố ráp”, bắt thằn-lằn nhốt đầy hộp bánh “Petit beurre”, để chi? Để mỗi khi học thuộc một bài cổ văn thì đưa ra một “trự” cho lên đoạn-đầu-đài, trảm thủ, vừa trả thù xưa, vừa đánh dấu một bài đã thuộc! Tôi cũng lập tâm tìm xem kẻ thù “câu cá” bằng cách nào… Nhờ công theo dõi, một hôm “kẻ cắp bà già gặp nhau!” Hôm ấy, tôi mục kích một trận bắt sống cá thia-thia do thằn-lằn tổ chức!
Trưa hôm ấy, tiết trời oi ả. Tôi đánh mình trần, ngồi làm bài học nơi bộ ván gõ nhà sau. Tôi đặt ghế lùn sát đầu ván, chân thọc dưới gầm, ngồi day mặt vô vách. Trên vách gạch trắng là kệ tôi nuôi cá, một hàng chai keo trong trẻo, giăng thẳng bon, xem rất ngoạn mục. Đứng đầu hàng là một chai keo bự, mẹ tôi dùng nuôi con giấm thuở nay, nhưng mùa nầy, sắp thi tiểu học, mẹ chiều ý con, nên cho tôi mượn để rộng con cá ăn độ nầy, và để tôi phấn khởi rán học. Đây là một con xiêm trống đỏ “thứ thiệt” to bằng ngón cái, vóc cụt đòn, vảy đỏ au như sao điểm, kỳ trên kỳ dưới đỏ, kỳ trên nhọn lểu như ngọn bút son, kỳ dưới thẳng đứng như lá cờ “soái lịnh”, còn cái đuôi thì tròn vo như quạt lửa! (Cá xiêm thiệt thì càng ngắn đòn càng quý, kinh nghiệm cho ta biết cá xiêm đúc với cá mái ta thì mỗi đời mỗi dài đòn ra, đến đời thứ ba thứ tư, thì đã “lai biệt dạng”, ngó gần y con cá ta không khác mấy. Phần nhiều những cá bán ở Chợ Cũ Sài-gòn, luôn trong Chợ-lớn và tại Chợ Bà-Chiểu, đều là cá xiêm lai một hai đời, thường họ đúc cha xiêm đỏ, lai mẹ cá xanh, hay ngược lại cha cá xanh, mẹ cá đỏ, để có cá con khi vảy xanh, kỳ và đuôi đỏ, khi thì vảy ửng đỏ, kỳ và đuôi trổ xanh, loại cá lai làm vầy cắn dữ nhưng bở hơi, nhà nuôi cá chuyên môn có thể tuỳ ý muốn mà đúc cá với nguyên tắc giấu nhẹm là dung hoà giống cá đỏ “bền nhưng răng lụt”, với cá xiêm xanh “răng bén, cắn dữ, nhưng không có nước bền”). Trở lại con cá của tôi: trong keo lớn, tôi thả con cá xiêm bự, định khi nào con cá mái đến lứa trứng già, tôi sẽ đổ chung keo, cho cá trống “ép cá mái” đúc lứa mới, hễ thi đậu bằng tiểu học xong thì cha mẹ tôi sẽ để tôi mặc tình nuôi cá cho phỉ tình trước khi lên học trường lớn. Vì cá trống thuộc giống đỏ, nên tôi đã lựa sẵn “vợ nó” là con xiêm mái xanh, (để sau nầy tôi có giống cá cha đỏ mẹ xanh, vừa bền như cha, thêm hỗn dữ như mẹ). Con xiêm trống nầy, có một không hai, vì đó là cá do một thuỷ-thủ đi tàu chạy đường Sàigòn-Bangkok, lén giấu trong ống tre giống “cá ngự” trong hoàng thành vua Xiêm chơi[4], vì kính trọng Ba tôi lắm, nên chuyền tay đem về Sốc-trăng, Ba tôi quí hơn vàng: con cá nầy nước lội xem đủ oai, thêm miệng quai xách, mắt thụt (không sợ cá khắc cắn nhằm), vảy đều đều óng ánh như lửa sáng, kỳ trên thật nhọn như cây bút lông chấm son dựng đứng, kỳ dưới đỏ chói khi xếp như lá cờ lịnh, khi xoè tươi như cờ hiệu nhà Vương!
Thằn-lằn quen mửng cũ, tôi giết đã nhiều, thế mà hắn còn đây, hay thật! (Chuyến nầy chết m. mày rồi!) Thằn-lằn quen mửng cũ, thấy nắp keo đậy không kín thì ăn quen, mon men toan độn nhập vào trong, định bề bắt cá tươi “xực” (thực) như kỳ trước! Tôi ngồi chỗ bộ ván, thấy con thằn-lằn ngán giùm cho cá, nó vóc to và mập, trắng đỏ như “thằng Lê-dương” năm ấy: có lẽ sức mạnh nó không vừa: nếu khoẻ như “lính đầu đỏ” và tinh anh có thừa, thì chu cha, ghê quá, không biết con xiêm bự của mình làm lại nó không? Khi ấy, tôi ngưng làm bài học, và định trong trí sẽ can thiệp cứu cá cho kịp thời. Thằn-lằn, vốn tánh dè dặt sẵn, (ba mươi đời quân gian thường kỹ càng, nên càng thêm lợi hại), thằn-lằn làm như “Lê-Huê khán trận”, ngó trước xem sau, (hát ba câu Nam rồi!) thì bò lần đút đầu vào miệng keo, không khác hùm dữ vào chuồng trâu…
Đàng nầy tôi ngồi mà nôn quýnh, không dám nhúc nhích cục kịch, gần như nín thở, hờm sẵn chờ dịp sẽ tiếp cứu và ám trợ con cá câng.
Thằn-lằn bò nhẹ nhẹ như tên du-kích lành nghề, mắt lườm lườm ngó riết con cá đang ở dưới đáy keo, thong thả xê xích từ phân từ ly, rình xem nhứt cử nhứt động của con vật sắp làm mồi ngon cho mình. Tôi nín thở, phập phồng lo sợ cho cá. Bỗng thằn-lằn quay đầu trở lên, lú chót mũi khỏi miệng keo, bốn chân hít cứng vào cổ keo thủ thế như thầy nghề võ, cặp mắt ngoáy trở xuống liếc theo từng mỗi hành động con thủy vật. Nắm được thế thủ vững chắc rồi, thằn-lằn bèn ra miếng độc. Nó thò đuôi rà mặt nước, lay động nhẹ nhẹ giả như chót đuôi là con quăng đang trở mình biến hình con muỗi, hoặc như con ruồi sa cơ vừa té xuống nước, đang giãy tử, chi vậy? – Xin thưa: ấy là kế dụ địch của thằn-lằn, để nhử thia-thia hờ cơ sẽ ra tay. Nếu khi ấy thia-thia không khéo đề phòng, trồi lên đớp nước, hoặc ơ hờ hoặc vô tình tưởng chừng chót đuôi kia là quăng, là muỗi, trân mình định táp, khi cá vừa tằm đòn thì thằn-lằn, lẹ như chớp, sẽ phóng mình xuống mặt nước và dùng đầu làm củ chuỳ đập mạnh vào đầu cá[5]. Tự nhiên người có thủ thế vẫn đánh chắc ăn người không đề phòng, và miếng đòn độc đánh đầu (coup de tête) mười phần lợi hại của con vật bốn chân sẽ ăn đứt cái sơ hở của con vật có vảy: cá giãy tê tê, thằn-lằn ngoặm cá vào hàm y như cá sấu nuốt người, thằn-lằn lội ra khỏi keo, đèo xác cá ra ngoài ăn tươi ngon lành: mọi việc xảy ra lẹ như chớp và diễn mau hơn công việc của tôi đang dài dòng văn tự như lúc nầy.
Nhưng đó chỉ là ước định mà thôi. Dè đâu phen nầy, thằn-lằn quả tận số, khiến nên gặp con cá xiêm đỏ “Hoàng gia Thái-Lan” thủ đoạn phi thường. Cá xiêm lội lên gần đụng mặt nước, nghiên cứu hành động thằn-lằn (mà hắn chưa hay), và khi biết rõ ác tâm kẻ thù, cá bèn tiên hạ thủ. Thay vì đứng ngẩn ngơ chờ chết, cá xiêm lội vòng sát ve keo, núp mình dưới bọt không cho thằn-lằn thấy bóng. Thằn-lằn quờ đuôi sà sà mặt nước hèn lâu không thấy cá lên đớp mồi, thằn-lằn định chừng cá chưa thấy rõ, nên trụt mình xuống một chút, thọc đuôi xuống nước sâu hơn ban nãy một tý, dè đâu chính lúc thằn-lằn đổi bộ, cá xiêm cao tài chụp phóng mình lên lẹ như chớp, nhắm ngay cạnh đuôi non của con vật bốn cẳng ngoặm cả hai hàm răng bén như hai họng kềm thép già! Thằn-lằn không kịp đề phòng, hoảng hồn như bị thiên-lôi đánh, buông thỏng rơi xuống nước, lội bấn loạn như tên trộm bị rượt nà té sông, mặc tình “xiêm Hoàng-gia” từ đàng xa phóng vào mình thằn-lằn, lựa những nách non, bụng bở mà cắn miếng nào đích đáng miếng nấy. Xiêm cắn chưa đầy ba miếng, thằn-lằn đã xụi lơ nằm bật ngửa, vì răng xiêm bén như lưỡi dao, thêm xiêm biết lựa những chỗ nhược mà tra những đòn độc thủ và hiểm ác. Thằn-lằn “tử cống mạng cùi” xác bật ngửa trôi lều bều trong keo. Cá thia-thia xiêm biết con vật kia chỉ còn là cái xác chết, bèn ung dung trầm xuống đáy nằm nghỉ mệt, oai nghi như một tướng soái vừa lập một chiến công bất hủ, đang đứng thở dốc, tuy mình chưa giải giáp!
Tôi cười đắc thắng, – giữa cá và tôi, không biết ai mừng hơn ai! Thù kia đã trả, từ ấy trở nên khoan dung và bạn tốt của thằn-lằn, vì dầu sao ơn chàng trị muỗi lằng, xưa thầy dạy chớ khá quên! Tôi lấy vợt vớt xác thằn-lằn, làm ma gói ghém trong một vỏ hộp quẹt “Bến-Thuỷ”, chôn chung mồ với đám đồng chủng vô danh, tử nạn vì trả nợ oan thế cho hắn lóng trước. Tôi không quên thay nước cho con cá xiêm “Hoàng-gia” vô địch, trong lòng hả hê: thù kia đã trả ít nhiều, dầu cho bài Pháp văn, bởi mãi theo dõi giặc “cá xiêm đánh với thằn-lằn”, nên kém luyện, dầu mai nầy thầy vì đó, bắt phạt cũng không sao!
CÓ MẤY THỨ CÁ THIA-THIA? Tôi không dám đi sâu vào đề, vì quá bao la, nói không bao giờ hết. Tôi xin đóng khung nói riêng về những cá tỉnh nhà, hạt Sốc-trăng, và vài giống cá đặc biệt Miền Hậu-Giang, có ghe chở bán tại chợ Ba-Xuyên mấy chục năm về trước. Theo tôi, mỗi vùng, mỗi đồng nước đều có giống cá địa phương, khác nhau đôi chút. Thường con nhà nông ban đầu hớt về cho con cháu chơi, sau bày ra đá “ăn tiền”, năm ba cắc bạc một độ là nhiều, lâu ngày lan tràn, các tay đổ bác lại dùng làm nghề sanh nhai thay thế cho gà nòi, vào mùa mưa, đổ lông, không đá được. Mỗi xóm, mỗi thôn kình nhau đi kiếm đồng cá lạ mà hớt, về nhà rảnh rang tựu nhau ngày nghỉ, đá chơi kiếm tiền trà bánh. Phải lên đến vùng Sài-gòn, Gia-định, đến Chợ-lớn, Bà-Hom, Bến-Lức, mới thấy chơi cá xiêm, đá lâu, ăn thua nhiều tiên, vì vùng nầy “văn minh” sớm, có người đi tàu qua Hạ-Châu, Thái-Lan, đem giống lạ về. Miền Lục-Tỉnh, tỵ hềm cá xiêm ít, khó kiếm, nên không đủ họ chơi, thêm mỗi độ đá lâu hoắc, có khi cù nhầy trọn cả ngày mà chưa ăn thua, – trễ hết công ăn chuyện làm; nên họ thích đá cá “địa phương”: “lẹt xẹt vừa thả vô, thì đã xong một độ”, đá liền liền nhiều độ, vừa vui, vừa thích hạp tâm tánh người miền quê “cái gì cũng ham sốt dẻo, xắp thời” (nói chí đáng, dẫu cho cò lính có đến, thì cũng đã có chơi sơ vài độ, nay dẹp chạy không tiếc!!!).
Đại để có những giống cá nầy:
1) Cá ta, cá thia-thia ta. – Đây là loại cá đồng, cá cỏ mà tôi đã nói rồi nơi đoạn trước. Nghiệm ra, gần dứt mùa mưa, thì cá thia-thia “xuống sắc”, trở nên bủng beo, không hiếu chiến nữa, và chỉ lo gây giống. Linh tánh bảo vậy. Có ý xem, trừ phi rộng trong keo, chai thì thôi; chớ cá nuôi trong bồn, trong chậu, vào tháng ấy, đêm khuya có mù sương xuống, thì cá “nhảy bồn” tìm đường trốn… Nó trốn hay lắm: mùa hạn, khô khan, nó chui vào kẽ đất, lỗ chưn trâu giậm, (có khi mục đồng gặp cả bầy ốm tong ốm teo trong một lỗ sâu, trên có cỏ chút ít rậm đủ che khuất, giữa vùng đồng khô cỏ cháy), nó trốn thế nào không biết, nhưng trời vừa sa mưa ít đám, ruộng vừa có nước lấp xấp, khoảng tháng tư, tháng năm ta, thì thia-thia ở đâu không biết, ra mặt, đã mập tròn, vừa đúng lứa hớt về đá độ.
2) Cá thia-thia ở ao hồ. – Thường gọi “cá hồ”, ở những ao tù, bưng sậy, nước ruộng không tràn vào được. Cũng gọi “cá giếng”. Nghiệm ra “cá hồ” bền hơn “cá cỏ, cá đồng” ( có thể ví cá cỏ là cá không nuôi, còn cá hồ là cá được nuôi riêng biệt), vì ở riêng biệt nên quen nước, giỏi chịu đựng hơn, và người chơi cá chuyên môn đã biết từ lâu, nên chơi cá mãn mùa: đầu mùa đá cá đồng, giữa mùa hớt cá ao, cá hồ, cá giếng, tiếp chơi nữa!
3) Cá rạch, cá nước. – Mới nghe, lầm tưởng đó là cá ở rạch, cá ở dưới nước! Suy nghĩ kỹ thì cá nào không ở dưới nước, ở sông rạch? – “Nước” đây là “nước độc trong bưng-biền Rạch-Giá”, và “rạch” đây là “Rạch-Giá” nói tắt mà thôi! Chầu xưa, những người đi bán đuông chà-là có đem theo mớ cá thia-thia, ốm tong ốm teo nhưng bén và bền không chỗ nói. Sau rùng rùng dặn họ mùa sau đem thêm thật nhiều, vì giống cá nầy dễ lầm với cá ta, và đá hay, không con cá cỏ cá đồng nào thắng nó được. Hỏi hớt ở đâu, những người ấy nói bắt ở rừng sác, nước đen dừa nước, “ở nước”, “ở Rạch”, vì đó mà cá nầy mang tên “cá nước”, “cá rạch” tuỳ địa phương gọi nó. Lối năm 1915, tại chợ Sốc-trăng, một con thia-thia đồng giá từ năm xu đến một cắc bạc là cùng, thì “ cá nước” bán mỗi con một đồng bạc, hai đồng bạc như chơi, tuỳ theo lúc cá hút và tuỳ xấu tốt. Nói phải có chỗ hằn: cá nước toàn không phải đều hay giỏi cả, vì họ xúc nhiều chỗ nhiều nơi khác nhau, chỗ hay chỗ dở là thường sự, người chơi cá lành nghề, không sợ tốn tiền, phải mua mớ rồi lựa tuyển lại, mới chắc ăn. Tốt hơn nữa là mình phải biết cháo chan người bán và tin cậy nơi lòng ngay thật, biết thủ tín của họ. Mà thường các cha bán “cá nước” học một sách với các mẹ “bán mật ong”! Trong ghe họ đem nhiều thứ cá, ai hỏi thứ nào họ cũng có, duy họ dành thứ thiệt bén, thiệt “gắt” cho những ai biết điều và họ kính mến nhiều mùa rồi!
Những người già kinh nghiệm còn xét biết về “cá nước” tuy hay, nhưng có chỗ yếu của nó, nên họ có khi cũng dám đương đầu, cho cá ta của họ đối địch cùng “cá nước” và có khi cũng nắm phần thắng trong tay, vì họ nghiệm ra “cá nước” đến mùa, đến tháng nào, thì có “nước chạy” của nó. Tức là như tôi đã nói, loại cá rừng cá không nuôi, linh tánh dạy đến độ nào là thôi hiếu chiến để lo gây giống. Cho nên ai biết được chỗ yếu ấy, lựa cá đồng giỏi chịu đựng, đứng lâu hơn nó thì ăn tiền chủ nó được rồi! Một độ cá đồng đá với “cá nước” năm xưa tôi thấy trước mắt ở Bãi-Xàu: cá nước cắn bén như dao, cắn cá đồng xiểng liểng, ai có mặt tại đó đều chắc cá đồng sẽ thua, nên không dám quăng bắt, té ra đá được nửa giờ, cá nước đang thắng, bỗng nhẹ nhẹ rút lui, và “đi êm” vì đã tới “nước chạy” của nó. Con thì chịu đựng ba mươi phút, con chịu nổi một tiếng đồng hồ, ai giỏi bền hơn là thắng nó vậy! Nhưng nói nghe thì dễ, đến ngộ trận mới biết tài, vì cá nước ở trong rừng nước độc, răng bén, cắn dữ, cắn như “mưa sa bão táp”, cá đồng con nào lôi thôi không dễ gì chịu nổi với nó!
Quên nói, cá Rạch đem về tỉnh lạ, phải xả nước mưa, tập cho nó quen mới đá được. Thêm nữa, cá nầy là “chiến sĩ bưng biền”, quen sự cực khổ. Nuôi nửa tháng, hai mươi ngày, thì tài nghề còn đủ. Nếu kéo dài, nuôi tháng nầy qua tháng kia, thì “cá nước”, “cá Rạch” sẽ quen mùi chợ búa (như ta quen mùi bơ, sữa) mà bủng beo hại chủ có ngày! Quá hạn, đừng tiếc, phải thí nó xuống ao hồ mà sắm lớp mới, chắc tay hơn. Cá đồng, đá ăn độ, nuôi lại trong nước có pha đất sét, cá lành mạnh, còn dùng được qua độ khác, cũng như con trâu đồng nhà, quen ăn cỏ xấu, quen uống nước mẵn, tuy không mập mạnh, nhưng dẻo dai, giỏi tài chịu đựng; cá nước, đá một độ rồi, thì không dùng được nữa, nếu dùng sẽ “phản độ”, sẽ bỏ chạy khi đến “nước chạy” (cũng như đừng tin con trâu Xiêm, Lèo, lớn con nhưng kén ăn, kén cỏ, kén nước ngọt, ăn cho no cho bụng bự mà làm việc dở như “Hạch”, vì không quen phong thổ!).
4) Cá thia-thia lai, cá lai. – Nhà chơi cá, muốn được giống cá hay, phải tự mình lựa cá giống và tự xem lấy mình việc ép cá hay đúc cá ấy. Ban đầu ai ai cũng tưởng hễ lai giống xiêm nhiều là hay là giỏi. Sau nầy kinh nghiệm dạy cho biết “lai xiêm” cũng nhiều thứ, và rất nhiều “giống lai” tốt mã, nhưng dở khẹt; thua một độ còn chưa tin “cá dở”, thua chồng thêm hai ba độ liên tiếp, chừng biết tài chàng thì túi tiền đã nhẹ (chàng đây là con cá thia-thia lai chớ không phải anh chồng lai thua cá ngựa, tuy cả hai đều có thể làm sạt nghiệp người nuôi!). Tạo hoá thật chí công! Nếu khi đúc, để rặc xiêm, thì đem cáp với cá ta, ai ai đều chạy mặt, thì hoá ra công lao cực khổ không dùng vào đâu, như câu tục ngữ thường nghe chẳng hoá ra “đổ đầu cù lao”, vô ích! Vì đó nên những tay chơi cá tập đúc cá “mình ên”. Nhưng không hiểu sao: mùa nầy cá đực giống A, đúc với cá mái là cá ta, giống B, sanh ra một bầy cá lai: cắn dữ, chịu đòn hay, chủ nhờ nó kiếm tiền bộn bộn! Qua năm sau, quen mửng cũ, làm bài toán năm rồi: “lấy A cộng với B”, thì chuyến nầy, gặp Tổ trác, cả bầy đều “bở”, hại thua thấy m. thấy ch.! (Lâu ngày mới biết có người chơi cá “ám hại”, lén đúc cá một sắc, nhưng giống dở, ban đêm đem trút xuống ao nhà, báo hại lầm tưởng giống hay, hớt lên nuôi, đem đá thì luôn luôn đụng độ với lão tinh ma nọ, và lần nào cũng thua sạch túi, ban sơ tin chắc tại nuôi không kỹ nên cá hư, -hư con nầy còn con khác, – sau lâu ngày biết được kế độc, thì đã muộn, học khôn đắt tiền).
Như đã biết, cá lai cũng có bầy hay, bầy dở, bầy lai gần, gọi lai một đời hay hai đời, và lai xa, gọi “lai biệt dạng”[6]. Người có biệt tài, khéo ở chỗ đúc mà khi cáp cá, người ta không biết cá mình là cá lai, hoặc thấy “lai phảng phất” chút ít, kể như cá hồ, nên chịu độ, đến khi thả vô keo đá mới thấy lai rõ rệt, mà phép “thả cá vô keo” rồi thì kể chịu độ, phải để đá đến ăn thua, chớ không bắt ra được. Phép đúc cá, phải làm sao cho người ta biết cá mình không phải cá lai xiêm, thì mới dễ kiếm độ; chớ ở trường, khi cáp cá ngoài thố nhỏ, khi thấy cá lai rõ rệt thì ít ai khứng đá với mình, cũng có khi họ thấy lai mà dám đá là khi nào họ từng thấy trong bầy cá lai của người đó đã đá trước một hai con mà không dữ, hình thể cá đã xấu hoặc hư rồi, hoặc “cá lai non” nên họ không sợ. Cũng vì lầm tưởng như vậy, nên đã có người “tương kế tựu kế”, đúc và nuôi đến hai bầy: khác nhau ở chỗ mẹ cha khác giống, nhưng giống nhau ở chỗ cùng màu, cùng sắc, để dễ gạt lớp người thực thà, tuần nầy họ đem cá dở ra đá, rồi tuần sau họ mang cá hay đến gỡ độ, đá lớn hơn, những ai quá tham không kịp xét nét, sẽ thua họ mà không ngờ đã lầm kế độc “ly miêu hoán chúa”!
Phàm cá cũng như gà, “gan ruột” giống mẹ. Muốn đổ, phải lựa chọn cá mái cho thật dữ, nghĩa là mái lựa mái xiêm rặc hoặc lai một hai đời tuỳ ý, nhưng “cá trống” phần nhiều lựa “trống Rạch” (Rạch-Giá), “trống cỏ”, “trống hồ” đã từng ăn độ “anh hùng”, và lựa từ nết đá, nét chịu đòn, đến hình thể, v.v… Các tay chơi chưa lão luyện, ai ai lúc đổ cá, cũng ham cá sau nầy sẽ giỏi chịu đòn, cắn dữ, biết đánh “đòn hồi-mã-thương”, biết “chơi cú-đờ-tết”, tức biết quày mình dùng đầu đánh trái lại đầu con cá kia chưa đề phòng, biết đòn “câu nước hàm trên”, “câu nước hàm dưới”, tức cắn ngay hàm (trên hay dưới) của con cá nọ, ngậm chắc và trì xác con nọ xuống tận đáy, vừa lấy thế đó mà nghỉ mệt, xả hơi, vừa thi tài “giỏi nín hơi”, con nào không quen, không đủ sức chịu đựng, nín hơi lâu không nổi, sẽ giựt hàm chịu thua và chạy luôn có cờ! Nhưng những nhà lão luyện, kinh nghiệm có thừa, lại thích đúc cá thật bén, cắn dữ bội phần, để con cá kia bị cắn, bị đòn, rát quá thì chạy ngay; chớ những miếng “hồi-mã-thương”, “đâu hàm”, “bỏ chạy dụ địch” đều có chút phần nguy hiểm vì trong khi “chạy dụ địch” nếu có một bóng lạ, một tiếng động thình lình, cá chạy luôn cũng chưa biết chừng, nguy hiểm là vì vậy, nên họ không thích lắm.
Khỏi nói, về cá mái, cá để giống luôn luôn là cá lựa “gắt củ kiệu”, không chỗ chê, và trứng phải thật già. Trứng chưa già, ép ra thì cá non hao nhiều, mớ nào sống cũng không bền, không khác người ta đẻ thiếu tháng. Trong lúc mái còn non trứng, phải để cặp bên cá trống, mỗi ngày, cho ăn đầy đủ và mỗi bữa cho đá bóng cho cá sung sức, trứng mau già. Khi nào thấy con mái lội, đầu chìm xuống, khúc đuôi chổng vổng lên, bụng no tròn, ở hai bên hông “sọc dưa” vàng đen rõ rệt và một trứng lòi ra dưới bụng, ấy là trứng đã già, cá đã đúng lứa ép, không nên để lâu nữa. Trứng già mà không cho trống ép thì con mái cũng chết[7]; đừng tưởng như người, ép xác bắt ở như vậy thủ tiết mà lầm!
Muốn ép cá, trước hết phải cho hai con cá trống cá mái ăn lăng-quăng cho thật no, như vậy lát nữa cá không ăn trứng của mái đẻ ra. Mà phải để hai con riêng ra mà cho ăn, vì không biết ý, nhốt chung hai con rồi thả lăng-quăng vào, cá trống mảng mừng gặp mụ đầm, nào có lo ăn, luật thiên nhiên chỗ nầy, người và loài vật, thiên tánh như nhau rồi đó! Phải sắm sẵn một cái thùng cây thật rộng, thứ thùng rượu chát cũ thì hay lắm: xài thùng cây thì sau nầy cá con không mòn răng và được “bén” vì cá lúc nhỏ, thích rà miệng sát mặt lu mái, thùng, khi thở khi kiếm ăn. Bằng không sẵn thùng thì dùng “lu mái đầm” hoặc khạp rộng miệng cũng tốt vậy. Đoạn lấy vợt hớt và thả nhẹ nhẹ trống và mái chung nhau. Nên lựa đầu mùa mưa là mùa cá sanh sản và lựa một ngày vần vũ chuyển mưa lớn là ngày cá có thiên tính biết thời buổi như vậy hạp cho sự gây giống. Tốt hơn là ép cá vào đêm, là đúng với luật thiên nhiên hơn. Cũng đừng ham ép ban ngày, rồi kêu hết con cái nội nhà bu lại mà xem trò gây giống vì làm ồn ào có khi cá “mất hứng”, vả lại tuy rằng loài vật, chớ xem dường không muốn “đóng kịch” ấy cho người xem bao giờ. Chớ quên kiếm vài tai bèo thả trước, để gây cảnh “thiên nhiên” cá thêm dạn dĩ. Đã nói cái bồn để ép cá phải rộng miệng, để sang sớt cá nhỏ và dễ cho cá ăn; nước phải thật nhiều cho cá thêm thơ thới. Khi nào cá trống ép khá nhiều lần, thì nên nhớ mau hớt cá mẹ ra, nếu không thì cá mẹ sẽ ăn trứng của nó lại, không khác heo mẹ xơi con và gà mái mổ trứng của nó vậy. Luật thiên nhiên, luật “thừa trừ”, luật “tồn tại” của Tạo hoá mà lỵ. Cá trống thì khác. Tôi kinh nghiệm thấy trong giống cá, con trống có tình “cốt nhục” nhiều hơn con mái, và giàu lòng hy sinh hơn, bằng chứng là từ ngày ép mái, cá trống không khi nào dám ăn con quăng, thà nhịn đói chịu ốm tong teo hơn là “ăn lầm” con mình, tức những cá mén lơ thơ lúc nhúc rất dễ lẫn lộn với con quăng bé tí hon. Đến đây ta có thể triết lý chút chơi rằng “tình là luỵ” và “càng đau đớn lắm, càng thương nhau nhiều”. “Không đau, không khổ, chưa phải là chơn ái tình”. Đến loài vô tri vô giác, nhỏ như thia-thia mà cũng không thoát khỏi luật thông thường ấy. Thoạt đầu, lúc tạo thiên lập địa, có lẽ “trước bắt cóc rồi sau mới nên vợ nên chồng” (luật nầy người da đen Miền Sốc-trăng, thỉnh thoảng còn áp dụng. Họ uống rượu say mèm rồi đang đêm luân phiên và chia nhau vô xóm “vác gái” chạy vào bụi rậm giao nàng lại chàng trai “bị đàng gái không khứng gả con” muốn “làm gì thì làm”. Tục nầy đời Pháp thuộc, toà kêu án rất nặng, nhưng đối với họ, họ bất chấp, vì họ hiểu rằng vợ chồng “kiểu” nầy ăn đời ở kiếp với nhau hơn vợ chồng lấy nhau với sự ưng thuận “mua bằng tiền” hay “ưng vì thế lực”). Thấp hơn một bực là loài thú bốn chưn: con ngựa khi gần cái, vừa cười nhăn răng, vừa đưa hông cho “cái” thử sức! Giỏi chịu đựng, chịu ăn đòn năm ba đá vào hông mà chịu nổi, vẫn còn cường lực, thì “tôi sẽ trao thân gởi phận”, “muốn phủ tôi thì phủ” nhược bằng chịu đòn không thấu thì “hửi bao nhiêu đó cũng đủ rồi”! “đồ bất tài bất lực! Đi đi, là vừa!”. Trở lại thia-thia, trống mái gặp nhau, nhứt là khi mái ấy là “mái cá xiêm”, thì chưa chắc cá mái chịu trống liền, khi thấy mặt cá trống là cá ta, cá đồng, cá hồ, cá ao! Dẫu trống ấy là “cá Rạch” đi nữa thì cũng “dĩ hà nhứt thể”! Phải “thử sức với nhau một phen cái đã”!
Mái phùng mang, giương vi, quạt đuôi, cắn lại trống, quyết so tài cao thấp, khác nào thuở nọ, trước khi nên đôi giai ngẫu, nữ tướng Phàn Lê-Huê đã ba lần bảy lượt tử chiến cùng Đại Đường tiểu nguyên-suý Tiết Đinh-San!
Một đàng, cá trống, khi biết được đối thủ của mình hôm nay là thuộc phái yếu, phái đẹp, thì ôi thôi! còn mừng nào hơn? Trống quên mất những thói vũ phu ngang tàng bình nhựt. Trống như mèo thấy mỡ, mừng ra nét mặt, phùng xòe quýnh quýu, lóng cóng như trai tơ gặp gái, lớp khoe giáp kỳ, lớp khoe y-mão, trống giỡn múa trước mái như công tử trong tuồng Tàu ghẹo đàn bà! Giỡn đã rồi bỗng nhớ lại thiên chức lớn lao, bèn bỏ đó lên làm bọt cho thêm dày, để sau nầy bọt ấy sẽ là cái ổ ấm áp của mớ trứng cá khi lọt bụng cá mẹ, và khi được cá cha gắp từ trứng rơi rớt đem gởi đó cho đến lúc hoá sanh cá con. Làm bọt xong rồi, vụt nhớ lại mình thuở nay là võ-sĩ, chiến-sĩ, “cũng nên thừa dịp trổ ít đường cho con mẹ nầy biết mặt”! trống quần thảo vài vòng, như thầm nói: “xem nầy! Có phải đây đủ sức lấp bằng sông bể?” “Xem nầy! nào vết thẹo những chiến công oanh liệt năm xưa!!”
Trống mừng, không dè mái cũng không phải cá thường! Thia-thia mái vốn là cá xiêm rặc: bấy lâu biết mình là dựa hoàng cung quen được nịnh bợ, thêm sẵn tánh ít biết phục thiện, “chừng nào sẽ hay”, bây gìơ gặp trai nó đón, ít nữa cũng làm làm sao cho trai nó biết tay! Mái không nhịn, mái phùng mang quạt đuôi quyết thi tài cao hạ!
Trống thoạt xem cử chỉ của mái, biết “con mẹ nầy xem thường oai mỗ! Đây đã văn hoa đường mật mà đó chẳng xiêu lòng! Ạ! Muốn vậy thì cho vậy! Đây còn cách khác.”
Trống thay chiến lược, áp đảo mái thẳng tay, uốn cong mình cho mái biết trống muốn gì, và cắn thật đau vào mình mái cho đến khi cá kia “cam phận mái”, xếp giáp qui hàng, đứng trơ một chỗ, mất lao chao vì đã thuần tính nết!
Phần trứng già ột ệt, phần phận mái mà mấy lăm hơi, xiêm mái “chịu cho ép”, lội lờ đờ một chỗ. Cá trống ta, khi ấy mình uốn tròn lại, bắt từ đầu con mái, vấn tròn như cuốn chiếu, con trống cắn đuôi khoanh mình ép mạnh mình cá mái và lần lần vuốt ra sau. Mỗi lần như vậy, trứng cá từ từ trong bụng mái lợt đợt rớt ra và chìm xuống đáy chậu: luôn dịp trứng ấy đã thọ tinh! Hai con thú, mình run lẩy bẩy rơi lần xuống đáy, tê lê mê, chừng đụng đáy mới giật mình, lội lên đáp nước lấy hơi khỏe và tái diễn trò thiên nhiên gây giống kiếp kiếp đời đời. Cá mẹ sạch trứng thì thôi chịu trống, phải vớt ra, không thì cá mẹ sẽ ăn trứng của mình: để giữ đúng luật thừa trừ, hay chỉ vì nhẹ dạ, nào ai vô đây mà biết? Cá trống được giữ lại trong bồn; bồn cũng thêm bèo cho mát nước, và để cá con khi nở sẽ theo rễ bèo chui đụt hoặc ăn rong ăn chất bổ bám theo. Cá trống làm phận sự “cha” chu đáo lắm. Trống từ khi mái được vớt ra, bèn lặn xuống đáy bồn, dùng môi ngậm nhẹ từng trứng một đem lên gắn vào bọt. Trống liệu chừng trứng nhiều mà bọt mỏng, thì lại ra công phun nước miếng làm bọt thêm cho đủ sức chịu đựng mớ trứng đóng thành “về” cho đến đủ ngày đủ tháng, trứng nở ra cá con. Cá con lúc đầu nhỏ rí, chỉ thấy dạng đen đen, rồi lớn lần lần thấy nhúc nhích bé như đầu mũi kim, ít ngày sau mấy đầu mũi kim ấy “trộng cảy” gần bằng lăng-quăng mén. Như đã nói, cá trống “mê con”, nhịn ăn và hy sinh như vậy suốt những ngày ở gần bầy con nhỏ bé, dẫu tìm cách nào cho ăn, cá trống vẫn từ, không động lăng-quăng vì sợ lầm lẫn đám con thơ! Khi nào muốn dưỡng con trống thì phải đợi bầy cá con được trộng rồi, khi ấy vớt cá cha ra thả vào bồn, chậu khác, có pha đất sét cho nước đục, cá mau lấy sức lại.
Bầy cá con, lúc nở, chưa lội được, và vẫn xẹt ngang trên mặt nước. Vài bữa sau, đã lội được và lần lần biết lội mạnh. Độ nửa tháng, đã thấy chúng nó biết ăn lăng-quăng nhỏ hơn nó. Tuy vậy phải nuôi thêm tại bồn đôi ba trăng, cá con thật mạnh mới dám đem ra hầm nhà thả nuôi tự nhiên, đợi mùa sau hớt lên, đá được rồi. Thả sớm, cá con non sức, e làm mồi cho cá lớn khác và nhái, ếch, v.v… Cá lớn vừa lứa cũng phải canh phòng, hết sợ bị con vật khác ăn thịt thì sợ kẻ trộm lén xúc về nuôi và lén thay cá khác đổ vào hồ, mạ tròng đen, báo hại thua tiền thêm tức trí. Những người ở chợ, ở phố, ít bề thế, không sẵn ao hồ, nuôi cá luôn trong lu khạp tại nhà cũng được; nhưng kinh nghiệm dạy rằng nuôi cá thia-thia đá độ, thì cá hầm, cá ao răng bén và mau lớn, mạnh mẽ hơn cá nuôi khạp. Thêm nữa, cá nuôi một cha một mẹ, lứa thả ao hồ nhờ ở ngoài thiên nhiên, hoà mình cùng vũ trụ, nên màu sắc gần giống cá ta hơn cá nuôi nhà trong lu khạp. Những cá nầy còn giữ y sắc cha mẹ, tốt mã thì có, nhưng bở hơi. Vì lẽ ấy, nếu sẵn ao hồ thì họ thả cá ngay, mặc dầu mất trộm vào hao hớt nhiều. Trừ phi cá đúc ấy là cá thia-thia Tàu hay cá phướn “Hạ-Châu” (cũng đúc y một cách với cá thia-thia ta) thì vẫn thích nuôi tại nhà, trong lu mái lớn, vừa khỏi trộm đạo, vừa vui mắt, vừa giữ y màu sắc của cá cha cá mẹ lấy giống. Nên nhớ lu khạp dùng rộng cá ép cá, phải lựa chỗ nào yên tịnh mà để, chêm chưn cho vững, nước đừng lao xao, và không nên dòm ngó thường trong lúc cá nở, vì luật tạo hoá muốn như vậy.
Theo chỗ tôi biết, mấy năm trước, tại Sốc-trăng, nghề cờ bạc thịnh hành, quanh năm không tứ-sắc thì đá gà, đá cá, đánh vố, bài-cào. Đám “lóc-cóc-ken” đầu mùa hớt cá cỏ, đá ăn thua nho nhỏ, giữa mùa bắt cá hồ cái lai cho đá, tiền độ trộng hơn, còn “cá Rạch” thì chơi sau rốt, đợi cho bọn đi rừng lấy sáp, đốn đuông chà-là, đem về mới có mà chơi. Cá Rạch hay “cá nước” vừa tàn, thì bắt qua gà nòi, đá gà cựa trước rồi tiếp qua gà tơ, gà đòn: quanh năm mãn mùa, các tay đổ bác đều bắt cái nầy, sang cái nọ, không hở, không rảnh, hỏi ấy là thú phong lưu hay là nợ đời, tôi xin miễn trả lời! Vì tôi là một thằng hư, một con ngựa chứng, không già tay ấn, không giỏi kềm cương thì “đâm rào” là bản tánh thích tự thuở nay!
Tôi già chuyện mà quên nói một điều nầy: là cách ép cá trong khạp trước rồi thả xuống hầm sau, tốn công săn sóc rất nhiều. Cái hầm để thả cá, phải đáng tin cậy mới chắc ăn; nếu hầm quá lỉnh lảng, ngập nước hay nước vô nước ra đều được, thì không nên thả, mất cá mà chớ thêm làm sao kiểm soát cá ấy vốn cá của mình đúc hay cá khác họ tráo vào đây? Đã có người chơi sành nghề, có sáng kiến mướn ruộng bỏ hoang, lên bờ mẫu vững chãi, thả thêm bèo tai lớn, nhứt là môn ngứa và giứa gai, đoạn lựa vài chục cá mái xiêm, thả chung với ít chục cá trống “Rạch” đã biết tài vì từng ăn độ rồi. Nếu ruộng ấy gần nhà, xem chừng kỹ càng, thì cá tha hồ bắt cặp, sanh sản, mình khỏi lo khỏi nhọc, tới mùa xách rổ ra xúc, lựa con nào vừa ý thì nuôi, con nào còn non ngày tháng thì trút lại ruộng hoang, sướng quá!
Sốc-trăng và Bãi-Xàu liên lạc nhau bằng đường lộ và đường thuỷ, cách nhau lối năm cây số ngàn. Cá thia-thia không đá được chợ nầy thì đưa qua chợ kế. Mỗi năm, những nhà chuyên môn chia ra nhiều xóm: xóm Hóc-kiến (Phúc-kiến), xóm Chành Lúa, xóm Trại Hòm, xóm Khánh-Hưng, xóm Giáo Tòng, kể không hết, chia nhau lựa đồng đúc cá, nhà bực trung đúc vài ba lứa, nhà có bề thế đúc cả chục hoặc vài chục bầy. Tới mùa xúc lên tuyển tuyển lựa lựa. Bầy nào bằng bụng thì nuôi để dành đá, dư lại cho người chở đi bán: điền Hoà-Tú, xóm Tài-Sum, hoặc lên trên Kế-Sách, Đại-Ngãi, hoặc trao đổi lẫn nhau, giữa người tri kỷ. Xem kỹ lại, cá do một chủ, có bầy hay, bầy kém, nhưng dầu kém là kém cá nhứt hảo hạng của nhà, gắt như “củ kiệu, củ tỏi Rạch-Giá, Hải-Nam”, chớ bì với cá đồng, cá khác vẫn hơn một bực. Mặc dầu nuôi “xa cạ”, nuôi lẫn lộn nhiều bầy chung một ao một đám ruộng, nhưng đến chừng bắt lên tuyển lựa cũng dễ phân biệt, vì bầy trước bầy sau, khác cha khác mẹ, thì hình sắc cỡ chạn cũng khác, thêm kỳ vi dài vắn cũng không giống nhau. Không kể cá bệnh và cá có tật lúc nhỏ, thì cá một bầy, tài sức vẫn y nhau: một con hay thì hay hết cả bầy, một con dở thì có môn đổ bỏ cả đám!
Con cá lai, người người đều thích nuôi, vì nó có nhiều đặc sắc mà cá ta, cá đồng không có: cá lai ăn độ rồi chưa hư, răng còn bén, thì nuôi đá hoài, miễn trước khi cáp, phải xét kỹ những vết thương cũ đã lành hẳn chưa. Nếu chỗ thương còn non, cá khác cắn trúng nhằm thì cá chạy vì quá đau chớ đừng trách cá dở. Cá lai đá sớm lắm cũng không nên, vì lối tháng sáu bắt đầu tháng bảy, cá lai mới cứng vảy cứng răng và không chạy bậy. Chớ nên quên: cá hay gà cũng vậy, dầu hay cách mấy, không đúng mùa của nó thì nó mất hay và ưa chạy bậy: cá thì “ê vảy”, gà thì “thay lông” là hai lúc “đại kỵ”, cần cho nghỉ ngơi, không nên đá độ.
CÁCH LỰA CÁ
1) Thế nào gọi rằng “cá tốt”? – Con cá tốt thì phải cho “phụng vỹ”, đuôi, kỳ lành lẽ, mình mẩy không tỳ tích, vảy lớn và đều, không chợp mí, miệng thật rộng, vành môi “quai xách”, cổ lớn đều, không đứt khúc đứt đảnh, nhứt là cặp mắt phải sát da đầu, vì mắt lộ, trong khi đá bị cá địch cắn nhằm, nổ mắt và đui thì khốn. Cá tốt phải lựa khúc hậu cho dày, như vậy thì cá mạnh, lội giỏi, có nước bền; không may bị cắn hậu thì cũng khá hơn những con bắp hậu mỏng quá, chưa chi bị vài miếng cắn, rớt vảy, tróc da, lòi thịt, gần thấu xương, ngó thấu bên kia, ghê quá!
2) Thế nào là cá tệ? – Con nào mình mẩy có vết thẹo, tỳ tích, đuôi không lành, kỳ rách, miệng có tật, môi mỏng cắn không mạnh miệng, lớn đầu mà eo cổ, ốm, bắp hậu mảnh mai, thân hình không cân xứng, ấy là cá bỏ đi, đừng tiếc, đá thua uổng tiền!
CÁCH THỨC CÁP CÁ
Cáp cá mỗi nơi mỗi khác. Có nơi “cáp theo bề mặt”. Ấy là cáp đá theo “kiểu trẻ con thường dùng”: để hai con cá trong hai chai keo, xít gần nhau cho hai con thấy và đá bóng, khi ấy nhắm chừng định hai con bằng nhau, hai đàng ưng ý đồng lòng là múc cá thả vô keo của trường là độ cá bắt đầu.
Như vậy thì dễ quá và thô sơ quá, đâu còn gì là phô trương tài lanh mắt, biết coi cá lẹ! Có nhiều giống gọi “cá không áo không quần”, thân toàn thịt xương, cụt đòn như cá xiêm, gọn ghẽ như các tay võ sĩ lành nghề, “cáp bề mặt” gặp thứ cá đó thì lầm chết đi còn gì?
Bởi vậy, nên nhiều chỗ như miệt Sốc-trăng, thích cáp cá đựng sẵn trong thố nhỏ. Sau nầy khan hiếm thứ thố nầy vì nạn chiến tranh Hoa-Nhựt, tàu không qua được, họ đổi lại dùng thứ tách Tây uống cà-phê, đựng cá cũng xong việc. Cáp kiểu nầy, cá không cần đá bóng. Con cá coi bề gáy, có thể nói “cáp cá theo bề đứng” vậy. Hai đàng đem vài con cá đựng trong thố dở nắp xít gần và đọ nhau. Ở trên dòm xuống thấy hai đầu gần gần bằng nhau, cổ bằng cổ, bề dài và bắp hậu gần như nhau, thế là được. Chỉ còn thoả thuận về số tiền độ là đá nhau được rồi! Nhưng dễ gì có cá chạn vừa triến nhau bao giờ? Con nầy dư đuôi, con nọ lớn đầu, phải bù qua sớt lại, “châm chế”, thông cảm nhau thì độ mới thành: đầu bằng nhau, mà con nầy thiếu chút cổ nhưng dư chút gáy tức bề dày, thì “chế” phứt đi cho rồi mới là tay hảo hớn chớ! Khi nào gặp tay khó, chạy hơi hoài không chịu đá, thì gọi “độ đá mắc”, “độ cá không rẻ như mọi lần” vân vân. Nhưng cũng có nhiều khi thấy cá nhỏ dám đá với cá lớn hơn nó, thì cũng có duyên do: cá nhỏ đang độ hay, đúng thời tiết; cá tuy lớn, nhưng “bầy đó” đã được thấy đá rồi, “không đáng sợ”, cá mình nhỏ con nhưng vảy già giặn, mặt sáng, miệng dữ hơn thì “cứ làm càn” để thử thời vận, ai há sợ ai? Nhưng cũng đừng lý luận dài dòng: có khi bên cá nhỏ chịu độ vì “cáp xộ” chứ không vì lý do chi khác! Thú đá cá, đá mắc, đá rẻ là ở chỗ đó! Nhưng cũng không nên ỷ lại mà cho cá mình đá với cá lớn hơn, gắt hơn, trừ khi nào thấy cá đối phương đã ló mòi hư, vảy giộp, chủ nó không để ý, cá ốm thiếu sức lực, cá cũ xuống sắc mà chủ chưa hay, v.v.. Đá gà, đá cá, hay dở do người cáp có “thần nhãn” cùng chăng, và hay dở ở nội chỗ đó: với tay sành điệu, thiếu chút đỉnh, họ xem thường. Tuy vậy, đã dám xách cá ra trường, cũng phải có chút ít kinh nghiệm. Dòm con cá của người khác, phải biết đó là thứ cá gì cỏ, hồ, lai, Rạch? Lại nữa phải biết cá của địch thủ đang độ sung sức, đang gặp mùa “hên”, cũ hay mới, hư rồi hay sắp hư, như vậy mới dám chắc không bị thua lận. Mà khoan khoe tài: thế thường cờ gian, bạc lận; qua nghề đá cá thì mánh lới xảo trá không thua nghề đá gà gian. Họ có ác ý thiên hình vạn trạng: ngó chằng chằng từng giây từng phút, nhưng rồi họ cũng qua mặt như chơi! Không biết họ có học khoa “vật-lý quang-học” hồi nào, nhưng bợm gian thường để cá của họ trong thố sâu chứa nước được nhiều, khiến cho cá ở dưới sâu xem ba chớp bốn sáng tưởng rằng cá nhỏ! Họ khéo lựa thố có cái hông phình ra vừa đủ làm cho ánh sáng chiếu vào lưng cá, khiến cho mình ngộ nhận thấy con cá bé đi, chịu miệng đá, đến chừng thả hai con vào keo, cá họ lớn hơn cá mình thì việc đã rồi.
Tục lệ cáp cá chợ Sốc-trăng, hai bên được phép dùng mỗi người một cọng lông gà tước bớt còn chừa nội đầu chót một chút lông, lấy đó làm cây chổi quét nhẹ trên mình cá của đối thủ để xem xét kỹ: đuôi, kỳ, mang, gáy ra thế nào, v.v..; mình tình thật thì dùng lông gà thường. Dè đâu bên họ, họ lập tâm sẵn, nên đã tẩm cọng lông gà của họ vào một chất độc, tỷ như nước lá môn ngứa chẳng hạn, khiến cho con cá của họ, nhờ nuôi trong nước độc (nước lá môn) ấy lâu ngày nên quen đi, đến con cá của mình, chưa từng quen thứ nước đó, nay bị quét sơ ít lông gà tẩm thuốc, đã ngứa ngáy sần mình, chợt thả vào keo đá độ, họ lấy vợt xúc cá của họ, họ xúc luôn mớ nước ngứa pha vào keo thì tức nhiên cá họ quen nước làm gì cũng gác cũng nắm chắc phần thắng hơn cá mình lạ nước, chưa gặp môn ngứa lần nào[8]. Đây chỉ là một mánh khóe nhỏ, còn ngón gian trong trường cá không sao tả xiết, người thức thời và biết khôn, duy đừng mó tay vào nghề chơi cá và đá cá mới khỏi bị thua trí thua tiền.
THỂ LỆ ĐÁ CÁ
Theo phép chơi cá, tuy không có trường dạy luật lệ, nhưng theo thói quen thành tục, lấy đó làm chuẩn thằng, thì chịu đá hay không là khi nào cá của mình còn ngoài thố cáp, chưa thả vào “keo trường”. Cá còn ngoài thố, thì mình là chủ cá, có trọn quyền chạy, không đá, hay là ưng thuận, cho hai con đá nhau. Một khi cá thả vô “keo trường” thì như ván đóng đinh, phải để cho hai con đá đến ăn thua, chớ không bên nào được bắt cá ra, dẫu bên đối phương cá là cá lai “rặt” hay “lai mấy đời” cũng phải cắn răng mà chịu. Vì vậy khi cáp cá, phải cẩn thận từ ly từ phân, phải luyện cặp mắt biết “cá lai”, “cá Rạch” từ trong thố, chớ đừng đợi thả cá vô keo, kêu Trời vô ích!
Điều lệ khác cần biết là khi thả cá vô keo, khởi sự ăn thua là khi nào hai con đều cắn nhau “miếng vay miếng trả”, mỗi con cắn một miếng là bắt đầu “thành độ”. Nếu thả vô keo, hai con phùng xòe, con A cắn con B, B chưa cắn miếng nào, thoạt A bỏ chạy, thì độ cá kể “huề”, vì B chưa cắn, chưa thành độ.
Đây là thể lệ chánh, ở đâu cũng vậy, còn những chi tiết nhỏ nhặt khác thì sẵn chủ trường vừa là “cố vấn” vừa là quan Toà, sẽ giải quyết tuỳ sự thông cảm của đôi bên. Một điều nên nói nữa là chủ trường, ở tại trường cá, lịnh và quyền, lớn hơn ông Cò tại Bót Cảnh-sát; và ở trường cá không có luật “chống án”!
MỘT ĐỘ CÁ ĐIỂN HÌNH
Lúc nãy, tôi có nói về những mánh khóe gian lận của bọn đá cá chạy gạo, chuyên gạt lớp, phỉnh phờ, đến em cháu cũng không buông tha. Nói thì nói vậy, chớ thỉnh thoảng ông Tổ nghề đá cá cũng sửa lưng đồ đệ một cách bất ngờ cho chúng nó bớt khinh lờn oai Tổ! Lối năm 1938, tôi còn tùng sự tại tỉnh nhà Sốc-trăng để dễ bề thần tỉnh mộ khan. Ở xứ đá cá nên tật cũ khó chừa, chúa nhựt nào cũng có mặt tôi tại trường, mà trường cá vốn không xa lạ, vì chủ là anh Nguyễn Trinh-T., mặc dầu nay gương vỡ, chớ chức “anh vợ trước” không mất! Một buổi gần trưa chúa nhựt, tôi xách nả tre có đựng mươi cái thố sành, mỗi thố là một con cá chiến. Từ sáng sớm họ đã đá xong vài ba độ, trường đang nóng tiết, kẻ ăn cười người thua, luồng điện bắt đầu muốn xẹt lửa. Chú Bảy Minh đem cá từ Bãi-Xàu qua cáp độ. Khiến cá tôi gặp cá chú. Lúc còn trong thố, rõ ràng cá tôi lấn cá chú, một mười một tám. Đôi bên bằng lòng ưng đá, tiền độ là năm chục bạc, phần tôi “bao” phân nửa, hai mươi lăm đồng, còn lại chia kẻ năm người ba cho vui. Bên chú Bảy, chú bao sổ, chú muốn “ăn một mình trọn gói”, không cho bọn thua từ sớm “ké vào chút ít” gọi là gỡ gạc vớt vát ít nhiều.
Cá thả vô keo, anh T. chủ trường, nhắc lấy lề rằng: “giao hai con cắn qua cắn lại mới bắt đầu ăn thua nhé!” Cá của tôi, dạn sẵn, nên phùng xòe trước, “xem cũng có gió quá chừng!” Tôi đang khoái chí, bỗng nghe cả trường cười ồ lên gần vỡ toang nóc nhà! Cá chú Bảy khởi sự xòe đuôi, giương vi, phùng mang, trợn trừng trợn trạc, thì mẹ ôi! Cá chú Bảy như Cha, lớn bằng ngón cái, còn con cá của tôi, không khác con của con cá kia, vừa bằng ngón út, mà cũng múa múa phùng phùng xem mắc cỡ và nhục nhã cho tôi chưa?
Bởi họ thiện nghệ nên họ khôn hơn mình! Lúc nãy, cá còn trong thố, họ dùng lông gà nhận chìm con cá họ xuống sát đáy, lại thêm lấy lông gà quét túm vi kỳ con cá, nên mình thấy nhỏ xíu! Bây giờ được thả vào keo rộng, cá nở nang bành trướng đúng sức nên to gấp hai ban nãy! Thôi rồi! cái thua nắm chắc về phần mình rồi! Tôi ngồi đó mà chỉ trông mau dứt độ để về nhà sớm sớm, tránh những cặp mắt ngạo nghễ của bọn hàng sáo khó chịu. Chú Bảy, không nói gì, chỉ rung rung mấy sợi râu mép “kiểu Char-lot”, thầm hân hoan nhưng còn ngại, nếu cười ra mặt e tôi đổ quạu không chung tiền thì uổng lắm! Nhóm bàng quan nãy giờ thấy cá chú Bảy “kể ăn chắc” nên phóng bắt om xòm. Ban đầu còn kiêng dè, họ phóng mười đồng ăn bảy. Về sau bất kể, họ quăng ăn năm, ăn tư, nghe mà thêm tức giận. Riêng tôi, tôi ói gan, nhưng đã bước vào nghề, phải học chữ “nhẫn”, nên cắn răng mà chịu. Duy, nói chí đáng, mấy người đá theo phe tôi, một là nóng ruột sắp mất tiền oan uổng, hai là thấy tôi mắc mớp nên bên vực, bọn đồng sổ chưởi thề liền miệng, nào “đá không ngay thật”, nào “ăn gian sẽ thua mạt có ngày”!
Trong keo, hai con cá đã “trao đổi găng tay”, cắn nhau mỗi con một miếng cắn: thế là bắt đầu ăn thua thực sự. Cá của tôi vẫn quạt đuôi, phùng xoè, lo lội, lo tìm chỗ nhược mà hạ thủ. Cũng trong lúc ấy, ngờ đâu cá chú Bảy lại không lo nghinh chiến; để liến thoắng, đảo bên nầy rồi đảo bên kia, lội tung tăng theo cá tôi, hết lội sau rồi bọc ra trước mặt, giương kỳ, xòe đuôi, khoe mã, giáp. Bỗng lẹ như chớp nhoáng: con cá của tôi, thừa lúc cá chú Bảy uốn mình trước mặt khoe bộ vảy óng ánh như sao, nó bỗng phóng hết mình tới trước, cắn một miếng thật mạnh vào bụng bở, mạnh cho đến đỗi bọt nước văng tung tóe và nghe rõ ràng một tiếng “bóc” rung rinh mặt nước hồi lâu. Rồi một sự bất ngờ diễn ra mau như điện chớp. Cá chú Bảy bị một vố đau quá, giựt mình chạy khan, xếp đuôi cuốn giáp, hát bài “tẩu mã” luôn, không còn gan dạ nào trở đầu nghinh chiến! Mà có gì lạ đâu: chẳng qua từ khi thả chung vào keo, cá chú Bảy thấy cá tôi sặt rằn, trên mình có vằn có vện, lầm tưởng đó là “cá mái” nên sẵn lòng trổ ngón ba mươi lăm! Bất thần nay bị cắn mạnh “như trời đánh, búa bổ” bèn kinh tâm tán đởm, ù chạy luôn, quên chuyện đấu tranh!
Từ bại trước mắt, chuyển ra thắng một cách bất ngờ, tôi thò vợt múc cá ra, chìa tay lãnh hai mươi lăm đồng bạc ngon lành, trong khi chú Bảy, bây giờ mới nhìn bà con, lằm bằm: “Đồng tiền của ông cháu lớn quá! Tự hậu, tôi không dám đương đầu với ông nữa! Ai coi! cá tôi lớn mười, đá với cá ông không bằng phân nửa của nó; tiền kể như bỏ túi, tội gì cá lớn trổ tật, trững mái làm chi hại tôi thua vô cớ vô căn! Hoặc tôi hết thời nên Tổ trác? Hoặc ông cháu có thần tài giữ của chi đây? Thật báo tôi quá, và tự hậu tôi không đá với ông nữa đâu!”
Thật vậy! Chú Bảy từ ấy không hề cáp đá với tôi, mà tôi cũng giải nghệ từ đây vì biết rõ trong trường đấu kê đá cá, ngu ngơ như tôi làm vầy mà không sớm rút lui thì chỉ đưa đầu gối cho chúng đột !
CÓ MẤY THỨ CÁ ĐỂ NUÔI CHƠI?
Nay xin kể theo chỗ tôi biết, một vài thứ cá thường thấy:
1) Cá thia-thia cỏ, ao, hồ: tuỳ tên đồng nội, tên địa phương mà gọi, như tại Sốc-trăng, có cá đồng Lọ-Nghẹ, đồng Hàng Tràm, giồng Lình-kía (Long-tử cang), v.v…
2) Cá nước, cá Rạch (ở Rạch Giá, rừng U Minh). – Như đã nói, cá loại nầy hay lắm, răng bén, cắn dữ, giỏi chịu đòn, không chạy bậy, trừ phi “hết mùa cá xuống nước”. Xiêm lai lơ mơ cũng cự không lại nó. Người đi hớt cam go, lội rừng mấy ngày ròng rã, cá trốn trong bọng dừa nước, chung với rắn, đỉa, trong bưng biền có tiếng là đầy cọp, sấu, thú dữ… Ngày xưa cá đồng hạng tốt, bán một hai cắc bạc mỗi con, thì cá Rạch, gặp mùa hút và cho xổ thử thấy tài trước mắt thì ba đồng bạc mỗi con cá tốt, cũng có người dám mua. Cá nước duy bất tiện một điều là dễ nhìn ra, và chỉ cáp độ với cá nước khác chỗ hớt, còn cá cỏ, cá đồng, không ai dám đá với loại cá nước, cá Rạch nầy.
3) Cá xiêm rặt, gọi “cá xiêm thiệt” chia ra cá có kỳ và đuôi đỏ lòm, “cá xiêm đỏ”: bền nhưng ít bén; “cá xiêm xanh” thì kỳ và đuôi xanh lè xanh lét, cắn dữ, mạnh, lẹ, nhưng ít bền; “cá xiêm đen” vảy đen huyền, như cục xiên xáo, vừa đẹp, vừa hay, nhưng ít thấy bán; “cá sáp” mình trắng, để chưng chơi, không ai nuôi đá, đủ biết tài nghệ tầm thường nên không ai chuộng.
4) Cá xiêm lai một đời, còn dữ như thứ thiệt. Thấy dễ biết, vì càng lai thì thân mình con cá càng dài đòn thêm.
5) Cá xiêm lai biệt dạng, riêng gọi “cá đúc”; người sành nghề dòm qua dễ biết vì cá ta, đuôi, kỳ màu không sáng như cá lai.
Năm giống cá vừa kể là cá thia-thia đá độ. Đặc biệt nhứt là cá xiêm của các ông hoàng chơi riêng trong hoàng cung. Người dân thường làm gì có được? Cái con tôi nói trong chuyện “thia-thia đại chiến thằn-lằn” vì cỡ lớn quá, không gặp độ nên cũng không biết tài hắn. Lại nữa, lão thủy thủ tặng cho Ba tôi, nói làm vậy, mà đủ tin chăng? Nước Xiêm, nước Cam-Bốt là hai nước tu theo đạo Phật, cấm sát sanh. Thế mà người Xiêm và người Cơ-me thích chơi cá hơn ai hết. Thậm chí, thầy sãi thấy đá cá cũng dừng chơn đứng xem! Có người phàn nàn: “Ông đã tu-hành, sao lại ưa xem sát-phạt? E trái với lòng từ-bi của phật-tử chăng?”
Trả lời: “Việc tu-hành là khác. Đây là hai con cá nó đá lộn. Tự nó cắn nhau thì tôi coi! Tôi có xúi giục bao giờ mà tội với lỗi ???”.
Ngoài các giống cá “võ-sĩ”, biết trống mái thư hùng, biết cắn xé giết hại nhau, tranh đấu giữa đồng loại làm trò chơi cho thế gian vui mắt, lại có thứ cá “văn-sĩ”, y mão lượt bượt, xúng xính trong những bộ áo “may trừ hao” nên rộng xùng xình thấy dễ tức cười, tôi muốn nói những cá nuôi trong bể cạn, trong bồn thuỷ-tinh để làm kiểng chưng chơi. Ấy là:
a) Cá phướn (poisson de paradis)[9], gần giống thia-thia nhưng thân mình dài hơn, thêm đuôi kỳ dài nhằng, nếu để vậy mà cắn lộn với con cá khác thì nội bao nhiêu quần áo đủ thua, tự nhiên học trò khăn áo chỉnh tề đánh lộn khó hơn những thằng mình trần đóng khố!
b) Cá bút chì (poissons-crayons), (Nannostomes)[10] lội dựng đứng đầu trở lên trên, đuôi ở dưới, nên đặt cá bút chì là vì vậy.
c) Cá giống chiếc là khô (Monochire)[11]. Cá nầy kỳ giữa và đuôi trong khe, còn giáp thân mình trổ đốm rằn trắng xen rằn đỏ hoặc sậm đen, mới trông tưởng đó là chiếc lá khô, hay cục đá đóng rêu. Chuyên môn nằm đưới đáy bồn, ăn cá nhỏ ly-ty, không ăn cá thì nuốt những chất dơ của các con khác tiết ra, làm cho bồn được sạch sẽ. Hay là Tạo-hóa sắm mớ monochire nầy thay thế các choa đổ thùng chầu xưa?
d) Cá xanh dương màu bleu de Prusse, có lằn đỏ dài theo mình như vải may pyjama, trông rất đẹp. Sách tả cá sáu bảy phân bề dài, nhưng cá bán tại Sài-gòn không dài hơn ba bốn phân, tại giống đẹt hay vì ham bán sớm nên cá nhỏ? Danh gọi macropode, còn tại hải-học-viện Museum de Berlin cũng gọi Tel Matherina ladigesi[12]…
e) Cá Taxotes Jaculatores[13] của xứ Bornéo, không biết ta gọi cá gì?
f) Cá Scalaires[14], tức cá sọc dưa, mình giống cá chim, có sọc đen sọc trắng, trông rất đẹp. Người Tàu có tánh hiếu kỳ tuỳ theo màu sắc đặt tên khá ngộ: “Hắc thần-tiên”(hắc xành-xính), Mỹ-châu Bạch thần-tiên (Pạc xành-xính),v.v…
g) Cá Barbus de Suatra[15]: đỏ vàng đen.
h) Cá Trichogaster[16], có hai dải dưới dài giáp đuôi.
i) Cá Rasbora[17], xanh đỏ đen.
j) Cá Danio Rerio[18], sọc dưa sặt rằn theo chiều dài như pyjama màu xanh vàng.
k) Cá Tétra Déon[19] giống một thứ với cá macropode tả nơi số d)
l) Cá Mollinésie[20] toàn đen.
m) Cá Girardinus Guppy[21], đuôi đủ màu như mống trời.
n) Cá Hemi Grammus[22], mình xám, mắt và cạnh đuôi điểm đỏ.
o) Cá mình trong ngần dòm thấu xương[23], bên nầy thấy qua bên kia.
Trong Chợ-lớn, trước đây, đường Đồng-Khánh (nay đã dẹp) vừa qua khỏi đại cao-lâu “Thoại-Quỳnh-Lâm”, có một nhà chuyên bán cá ngoại-quốc, tự đặt tên Tàu, nhiều tên ngộ nghĩnh:
Quán ấy tên là “Thuỷ-tộc-quán NHÃ-LẠC”, bán những cá:
– Xanh xường (Âu-Châu)
– Cùn (Ba Tư)
– Bố-Lô (Amazone)
– Hùng-liền-tán (Amazone)
– Tín-cón-cũn (Nam Âu-Châu)
Chầu trước tôi thấy ở đây một bồn đựng vài con cá lớn cỡ bàn tay, hình thù là cá chim, nhưng có sọc ngũ-sắc y như mặt vằng vện “tướng núi Hát-Bội”, hỏi giá, nói năm ngàn đồng mỗi con! Không biết mua về có được làm Hắc thần-tiên chăng? Chưa chi tốn nửa tháng lương mà còn thêm hồi hộp sợ cá chết thì đi đời năm ghim chớ không ít![24]
Ngoài những cá mới cá lạ nói trên đây, thì có một thứ thia-thia Tàu[25], danh gọi “Kim-ngư”, Tây gọi “Télescope de Chine” chia ra nhiều giống:
1) Giống cá mình vàng khè, không có kỳ trên, lưng lớn như lưng cá ông, tên gọi “Cá Ông Thọ”. Khi cá đúng sức lớn, thì trước mũi mọc thêm mớ thịt dư lòng thòng như lông công hát-bội.
2) Giống cá vàng y như cá Ông Thọ, nhưng cá nầy có kỳ trên. Thường lội dưới nước tha thướt như công-tử hát bội du xuân! Kim-ngư mắt lồi như mắt cá thòi-lòi là quí nhứt, danh gọi “Đôn-nhãn”.
3) Một thứ Kim-ngư khác, mắt lồi thêm lật ngửa dòm trời, vì đó tên đặt “long-nhãn ngưỡng thiên”.
4) Cũng Kim-ngư, nhưng mắt như có bọc nước, lại gọi cá “thuỷ-bao-nhãn”.
5) Kim-ngư tuyền đen là “hắc mẫu-đơn”.
6) Cá tuyền trắng, lớn lên vảy chớp như bạc; còn kỳ đuôi cũng trắng phếu, thêm dài lê thê, trông đẹp như “bạch-tỵ công-tử” trong tuồng Tàu hay anh chàng văn-sĩ bạch y bạch mạo.
7) Kim-ngư nửa vàng nửa trắng là cá dính-dướng.
8) Kim-ngư nuôi lâu năm, đầu có mọc chóp mao, lúc lội vừa đớp nước vừa phun ra bọt tròn tròn, người Trung-Hoa đặt tên là “sư-tử hý cầu” để câu khách sộp, bán không dưới đôi ba trăm bạc. Đủ cặp giá còn mắc hơn nữa! Nhưng mua về, cá già mau mệt, và khó nuôi. Không vậy người bán cá dưỡng làm chi thứ “sử-tử hý cầu” mỗi lần ăn lăng-quăng còn hơn xe Huê-kỳ hoặc như voi uống nước!
Trừ những thia-thia nuôi để đá, phải cho ăn lăng-quăng tẩy sạch chất dơ và đếm từ con một, – có độ lượng thì cá không hư sớm, ngoài ra nuôi Kim-ngư và những cá để chưng chơi thì có thể cho ăn thêm với lăng-quăng, chút ít rau cải, như rau muống tươi để nguyên lá, xà lách, ruột bánh mì, bột cho cá ăn, và lăng-quăng hóa-học, đỏ đỏ, bé ly-ty[26], các người bán Kim-ngư Chợ-cũ Sài-gòn và trong Chợ-lớn, đều có bày bán rất nhiều. Nhiều người cho rằng ruột bánh mì, cá ăn thường sình bụng và chết. Tôi kinh nghiệm sáng sớm thả vài miếng bánh mì trong bể cạn, cá thia-thia Tàu tôi nuôi hằng trăm con, chưa chết con nào. Đến chiều xế bóng, tôi mới thả lăng quăng sạch cho cá ăn thêm. Nếu lăng-quăng mua về, để vậy cho ăn, tôi để ý thấy có thể vì đó mà cá chết, bởi lăng-quăng nầy họ xúc trong mương rãnh Đô-thành với đủ thứ chất dơ; phải rộng nó trong thau chậu cho có đủ ngày giờ nó nhả những chất độc ra, sau khi ấy sẽ cho cá ăn thì không bao giờ cá sanh bịnh. Còn lăng-quăng hoá-học, thì được vệ sanh hơn nữa, vì thứ nầy rộng trữ đến bao lâu cũng không thành muỗi.
KẾT LUẬN
Thú đá cá đi đôi với thú đá gà, vẫn là hai môn giải trí của người đồng ruộng. Muốn dưỡng thú chơi ấy thì nói đó những cuộc vui lành mạnh của những người củi lục chất phác.
Không thương, muốn bỏ thì thiếu gì tội lỗi, lựa là tôi – không ai khảo, – mà phải khai ra?
Riêng tôi, tôi xin có bao nhiêu, nói hết:
Trong Gia-định, có tích đời xưa, một thằng mê gà nòi, mê cá thia-thia cho đến đỗi, gà bị phang củi đòn chết cóng; vợ chạy án, mẹ ruột ra chịu tội mà thằng con bất hiếu đành vác dao xắt chuối rượt mẹ chạy ra sân giữa cơn mưa, bỗng một tiếng sét đánh xuống, thằng con chết đứng, nay còn tích: “Trời trồng thằng nghịch nhi”.
Tôi thì chưa mê gà mê cá đến bực đó. Nhưng tôi có tiếng là mê sách, mê chơi đồ cổ ngoạn. Ai nói sao thì nói, chứ tôi nghĩ làm vầy: trong đời thiếu chi người mê ôm gái cùng nhau khiêu-vũ, mê ôm ống vố đi mây về gió, mê ôm ba cây bài (văn-văn, võ-võ) “mành mành mụ mụ”, thì tôi há chẳng ôm ngọc, ôm cảo-thơm? Rồi thỉnh thoảng, tôi nhớ những phong lưu cổ thời, cũng cho tôi ôm gà ra tắm, ôm keo cá ra thay nước, há chẳng được sao? Nếu tôi làm được thì người khác cũng được. Gọi để xả hơi đôi chút.
Gia-định, cựu đường Rừng Sác, nay là Nguyễn-Thiện-Thuật, nhà số 5. Ngày 22 tháng 6 Tân-Sửu (3 Aoùt 1961)
Phụ lục hình ảnh Vài hình ảnh về Sóc Trăng xưa (sưu tầm từ trang www.SocTrang-Online.net):
Ghi chú [1] Bài nầy đã đăng rồi kỳ nhứt trong báo Tự-Do, Xuân Canh-Tý (1960). Nay có thêm nhiều chỗ (Ghi chú của tác giả).
[2] Hoạ sĩ Hoàng Xuân Lợi không biết hình dạng của cá thia thia nên đã vẽ chúng với cái đuôi dài thậm thượt như giống cá Xiêm đuôi dài nuôi làm cảnh phổ biến vào thời đó (mà ngày nay gọi là loại “đuôi voan” tức veiltail). Đuôi cá lia thia đồng ngắn và nhỏ như đuôi cá đá Xiêm.
[3] Quăng: larves de moustique. Nay quen gọi là con quăng, con lăng-quăng, không ai nói con “cung-quăng”. Tên nầy chỉ thấy trong tự vị Huình-Tịnh Của và Génibrel. Xưa ắt thấy con gì hình như cây cung mà biết quăng mình tới trước, nên đặt tên làm vậy chăng? Xin hỏi các bực cao-kiến (Ghi chú của tác giả).
[4] Theo tài liệu của người Thái Lan thì các trò đá cá, đá gà là các trò chơi dân dã ở nông thôn. Cá đá được nông dân Thái thuần dưỡng và tuyển chọn qua nhiều thế hệ vì vậy mà những con đá hay nhất thuộc về những nhà lai tạo. Không thấy đề cập đến việc chơi cá đá trong tầng lớp quí tộc ở Thái. Có lẽ người thủy thủ nói quá lên cho con cá thêm phần giá trị.
[5] Theo chỗ tôi biết thì thằn lằn chỉ dùng đuôi để câu và hất con cá ra ngoài rồi ăn thôi chứ không có nhao xuống đớp theo kiểu đó. Đôi khi mất cá cũng chưa chắc vì thằn lằn mà vì cá tự nhảy ra khỏi lọ để “trốn đi”. Tôi bị mất nhiều cá lia thia theo kiểu này rồi mà chính cụ Vương cũng công nhận là đến ngày, đến tháng con cá nó tự tìm cách thoát thân.
[6] Ban đầu, thể loại đá cá lia thia được người ta ưa chuộng bởi vì cá lia thia đá không bền, các trận đấu thường kết thúc rất chóng vánh vì vậy mà làm được nhiều “độ”. Sau người ta tìm cách lai cá lia thia với cá xiêm sao cho bề ngoài càng giống cá lia thia càng tốt (“lai biệt dạng”) nhưng lại đá bền như cá xiêm. Cá này mà đem đá với cá cá lia thia thực sự là nắm chắc phần thắng. Đây là trò lừa đảo tinh vi vì phải lai tạo, nuôi dưỡng và tuyển chọn cá một cách công phu. Một khi ai cũng biết trò này thì việc lai tạo có thể đi đến hai kết cục. Thứ nhất, ở Việt Nam ngày nay không ai đá độ thể loại này nữa (có lẽ vì việc “lai biệt dạng” quá công phu), họ chuyển sang đá cá xiêm để khỏi bị ai lừa. Thứ hai, mọi người chấp nhận đá cá lai một cách công khai như ở miền Đông Bắc Thái Lan ngày nay.
[7] Có lần đang ép cá giữa chừng thì tôi vớt con cá mái ra. Sau nó xình bụng rồi chết. Không rõ con cá mái cho “đá bóng” hoặc để nuôi lâu mà không ép, trứng già rồi thì bao lâu nó sẽ bị sình bụng mà chết? Việc này cụ thể, thực hư ra sao chưa thấy ai nghiên cứu.
[8] Nghe nói có người còn luyện cho cá quen với nước muối rồi khi đá thì dụ cho người ta đá trong lọ của mình hay đổ nước từ lọ cá của mình vào lọ đá chung. Cá đối phương không quen với nước muối sẽ bị “xót mình”, mau bỏ chạy. Cách nữa là để đầu rắn độc thúi có giòi, rồi bắt giòi cho cá lia thia của mình ăn ít một cho quen lần. Cá ăn lâu ngày thì răng có ngấm chất độc nhưng nó không sao vì đã quen rồi. Đến khi đem đá mà cắn trúng cá của đối thủ một hồi là con kia giãy chết liền. Cách sau này tuy độc địa nhưng e rằng dễ bị phát hiện.
[9] “Poisson de paradis” hay “Macropode” là các tên gọi khác nhau của loài Macropodus opercularis (tức cá cờ, cá săn sắt hay… cá lia thia theo cách gọi ở miền Bắc và miền Trung).
[10] Nannostomes là chi cá bút chì Nannostomus.
[11] Theo Dthong, “Monochire” có thể là “Monochir” hay “Monochirus” là những loài cá thuộc họ cá bơn (Soleidae) hay họ cá dẹp (flatfish). Các họ cá này chủ yếu sống ở biển, tuy cũng có một số loài ở nước ngọt nhưng chúng cực kỳ khó nuôi vì chỉ ăn phiêu sinh vật. Tôi không nghĩ là người ta bán chúng một cách đại trà. Căn cứ theo mô tả của cụ Vương thì có lẽ đó là loài Monocirrhus polyacanthus, hình thù trông giống như chiếc lá khô (leaffish) sống ở sông Amazon, Nam Mỹ (thuộc họ Polycentridae); màu sắc chúng cũng phù hợp, đặc biệt phần chót vây hậu môn và vây lưng “trong khe” như mô tả. Loài này rất ít di chuyển và thường lẩn trốn trong các bụi thuỷ sinh. Tuy nhiên chúng là loài ăn mồi sống chẳng hạn như cá nhỏ, chứ không ăn chất thải của những loài khác.
[12] Theo Dthong, Tel Matherina Ladigesi có lẽ là cách viết sai của loài Telmatherina ladigesi (tên chính thức hiện nay là Marosatherina ladigesi) còn gọi là cá cầu vồng Indonesia (Celebes rainbowfish), gọi vậy để phân biệt với cá cầu vồng châu Úc. Loài nầy thuộc về một họ cá rất lạ là Telmatherinidae. Ở đây, cụ Vương đã nhầm lẫn khi gọi chúng là macropode, bởi vì macropode chính là cá lia thia hay cá cờ như đã nói ở trên.
[13] Toxotes jaculatores (tên chính thức là Toxotes jaculatrix) là loài cá ngoại nhập, xuất xứ từ Nam Á hay Úc. Loài tương tự mà chúng ta vẫn thấy bán trên thị trường cá cảnh có lẽ là loài cá nội địa Toxotes chatareus, tức cá pháo thủ hay cá mang rỗ.
[14] Scalaire tức Pterophyllum scalare, cá ông tiên nước ngọt. Điều ngạc nhiên là cách viết sai (thừa một chữ “i”) cũng khá phổ biến trên mạng.
[15] Barbus de Suatra có lẽ là cách viết sai của Barbus de Sumatra, tức cá tứ vân (Barbus tetrazona), xuất xứ từ đảo Sumatra.
[16] Trichogaster là chi cá sặc, ở Việt Nam có ba loài là sặc bướm (Trichogaster trichpoterus), sặc rằn (Trichogaster pectoralis) và sặc điệp (Trichogaster microlepis). Nếu là cá nội địa thì có lẽ Vương tiên sinh đã nhận ra vì hồi nhỏ ông từng đi bắt cá ngoài đồng. Vậy theo chúng tôi, có thể ông đề cập đến các loài ngoại nhập như sặc trân châu (Trichogaster leeri), sặc mật (Trichogaster cheni) hay cá cẩm thạch (và một biến thể khác có màu vàng) vốn là loài cá sặc bướm thuần dưỡng.
[17] Rasbora là chi cá lòng tong gồm nhiều loài phân bố ở Đông Nam Á, không rõ Vương tiên sinh đề cập đến loài nào.
[18] Danio rario là cá ngựa vằn, xuất xứ từ Ấn Độ.
[19] Theo Dthong, Tetra Déon có lẽ là cách viết sai của Tetra Néon hay neon tetra (Paracheirodon innesi), loài cá thuộc họ Characidae (có người gọi là họ cá hồng nhung). Ngoài ra, còn có một số loài cá neon khác như neon xanh (Paracheirodon simulans) với sọc xanh nổi bật hơn loài neon thông thường, neon đỏ (Paracheirodon axelrodi) với phần thân dưới màu đỏ tươi và neon đen (Hyphessobrycon herbertaxelrodi) với sọc trắng đen. Cá neon trông khá giống với cá cầu vồng ở d) (mà cụ Vương gọi nhầm là macropode) nhưng không có họ hàng gì.
[20] Mollinésie đoán chừng là Molly, là những loài thuộc chi Poecilia, tức cá bảy màu hay cá khổng tước. Một số cá thể có màu vàng-cam tươi và vây dựng lên như cánh buồm được gọi là khổng tước có diềm hay hoàng kim (sailfin molly). Nếu là loại màu đen tuyền như tác giả mô tả thì chính là cá hắc kim (để phân biệt với hồng kim). Các loài nầy thường bị lai tạp.
[21] Girardinus guppy (hay Girardinus guppii) tức cá bảy màu hay cá khổng tước, tên chính thức hiện nay là Poecilia reticulata.
[22] Hemi Grammus có lẽ là cách viết sai của Hemigrammus cũng là một chi cá tetra mà thôi, không rõ Vương tiên sinh nói đến loài nào.
[23] Đoán chừng là cá thủy tinh (hay cá trèn mỏng) Kryptopterus bicirrhis.
[24] Cá mà hình thù cá chim, vọc ngũ sắc, mặt vằn vện và rất đắt tiền (vào thời đó) thì có thể là… cá đĩa.
[25] Bây giờ mọi người đều gọi là cá vàng hay cá ba đuôi. Có vô số loại khác nhau, mô tả của cụ Vương cũng khá rõ ràng nhưng vì không rành nên chẳng dám bàn sâu.
[26] Đoán chừng là con bo-bo (hay trứng nước, hồng trần cũng là nó).
Từ khóa » Cá đá Ruộng
-
Định Nghĩa Cá Lia Thia Ruộng Và Tất Cả Những Gì Bạn Cần Biết
-
Cẩm Nang Về Cá Lia Thia Ruộng | Giống Cá Của Tuổi Thơ - Miaolands
-
TÌM BỌT BẮT CÁ LIA THIA Trong Ruộng Lúa Cực Thú Vị (catch Betta)
-
Cá Betta (Lia Thia, Xiêm, Chọi) ăn Gì? Giá Bao Nhiêu? Mua ở đâu
-
Cá Lia Thia Sống ở đâu?
-
Cá Lia Thia Đồng Là Loài Cá Gì? Cách Nuôi Cá Lia Thia Đồng
-
Mua Bán Cá Lia Thia Đồng, Cá Lia Thia Xiêm, Cá Lia Thia Đẹp Giá ...
-
Bãng Giá Sỉ Lia Thia Ruộng... - Thế Giới Lia Thia, Cá Bảy Màu
-
Cá Betta (Cá Đá, Cá Xiêm, Cá Chọi) Đồng Miền Tây Có Gì Khác Nhau
-
Cá Betta (cá Chọi, Cá Xiêm đá, Cá Xiêm Cảnh, Cá Lia Thia) Có Nguồn ...
-
Cá Betta Giá Bao Nhiêu? Mua ở đâu? Ăn Gì? Nuôi Thế Nào?