Thú Chơi Diều Của Người An Nam

Trước kia, thả diều là một trò chơi được tổ chức thành cuộc thi. Người giành giải nhất sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng. Bằng chứng được ghi trong câu phương ngôn sau đây:

Cầm dây cho chắc,

Lúc lắc cho đều,

Để bố đâm diều,

Kiếm gạo con ăn.

Ngày nay [1943], tại làng Võ Dương (tục gọi làng Tri, tỉnh Bắc Ninh, Bắc Kỳ), hàng năm, người ta vẫn tổ chức vào đầu mùa hè một hội thi thả diều với sự tham gia của đông đảo người chơi.

Diều của người An Nam không giống diều ở các nơi khác: nó mang đủ các kiểu dáng nhưng chủ yếu là trăng sao và loài vật. Dù mang kiểu dáng nào, diều vẫn phải có một bộ khung bằng tre được phủ giấy bản. Một sợi dây nhỏ gọi là “lèo” được cột thành chữ Y vào giữa thân diều. Diều do chính người chơi tự làm và không ai mang diều đi bán.

Loại đồ chơi này đòi hỏi sự khéo léo cao trong việc chế tác cũng như sử dụng. Sợi dây giúp diều dễ bay cao được làm từ các thanh tre mỏng của cây giang. Dây này có thể được thay bằng dây chỉ hoặc dây tơ.

Ở những con diều to, việc làm dây và khung diều đòi hỏi người làm phải rất kỳ công và kiên nhẫn. Dưới đây là các công đoạn chế tác diều.

Đầu tiên, phải chọn loại tre già và nhẹ - yếu tố chính giúp con diều bay thật cao trên không trung. Hơn nữa, với tre già, người ta có thể dễ dàng tạo hình cho diều theo ý muốn của mình. Tuy nhiên, loại tre này tương đối hiếm và đôi khi, các chủ diều phải tìm kiếm ở tận những vùng quê xa xôi.

Tùy vào việc lựa chọn mà nhiều khi họ phải mất tới 2 tuần, đó là chưa kể tới việc làm khung, dây và chuẩn bị nhựa cây Kaki (cậy) để làm cứng giấy bọc diều cần thêm khoảng chục ngày nữa.

Phải làm khung diều sao cho diều đón càng nhiều gió càng tốt. Dây diều làm bằng tre, chẻ dọc sát đường vân thành những lát mỏng cỡ cây lúa, sau đó vót nhẵn các cạnh. Những thanh tre này kết nối với nhau bằng các sợi giang, sau đó được cuộn lại và luộc trong một nồi đồng lớn đầy nước đun ở nhiệt độ cao trong suốt một ngày để không bị gãy hoặc rời ra.

Sau khi những sợi dây này nguội hẳn, người ta sẽ cuộn lại quanh một cái vành gồm 2 vòng bằng tre, với bán kính chừng 50cm, nối với nhau bằng các khúc gỗ nhỏ.

Phía sau những con diều có kích thước lớn, ở phía trên “sống diều”, người ta đục một lỗ nhỏ trong đó đặt một đoạn tre gắn thêm sáo.

Ống sáo thường làm bằng tre, hai đầu bịt kín bằng hai nắp gỗ khoét lỗ (gọi là miệng sáo). Gió theo miệng sáo vào trong ống sáo và phát ra tiếng.

Đôi khi trên cùng một con diều, người ta gắn từ 2 đến 3 ống sáo với kích thước khác nhau: loại lớn nhất gọi là cồng, loại trung bình gọi là đẩu còn loại nhỏ nhất gọi là còi. Những tay chơi giàu có thường dùng ống sáo sơn màu đỏ và vàng còn người nghèo dùng ống sáo bằng gỗ mộc, còn gọi là sáo mộc.

Ở loại diều nhỏ, sáo được thay bằng một nhạc cụ làm từ một ống tre dẹt và cong có chiều dài dao động từ 20-30cm. Hai đầu được nối bằng một thanh tre giang cực mỏng, nếu làm tốt công đoạn này, sẽ tạo ra âm thanh nhẹ nhàng và dễ chịu khi nghe. Tại các tỉnh vùng Đông Bắc Bắc Kỳ, nhạc cụ này gọi là cái vằng còn ở vùng Tây Nam Bắc Kỳ[1] thì gọi là cái ve. Sở dĩ cái vằng hay cái ve có tên này là nhờ vào âm thanh mà nó tạo ra trong gió.

Mặc dù có rất nhiều loại diều song người ta vẫn phân biệt diều qua hai loại: diều có đuôi và diều không đuôi.

I. Diều không đuôi

Diều vằng

Diều vằng còn gọi nôm na là diều, có dạng hình ô-van kéo dài. Đôi khi người ta bắt gặp những con diều vằng có kích cỡ khổng lồ: 3 mét chiều dài và 1 mét chiều rộng. Dĩ nhiên, những con diều này chỉ có thể cất lên cao nhờ sức lực của các chàng trai mới lớn hoặc người trưởng thành.

Diều vằng. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Diều cánh cốc

Diều cánh cốc gồm 2 loạt thanh tre giao nhau ở giữa. Loạt nằm ngang uốn hình số 8. Loạt thẳng đứng gồm một hình ô-van phía trên và một hình vuông phía dưới.

Diều cánh cốc. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Diều con cá

Mô phỏng hai con cá sát bên nhau. Người ta phất giấy lên cả hai con cá rồi vẽ lên đó những bức hình đầy màu sắc, nhằm tạo cho món đồ chơi có dạng như hai con cá đang tựa vào nhau.

Diều con cá. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Diều con bướm

Ở trên đầu diều con bướm, người ta gắn hai thanh tre mỏng uốn cong. Đó là râu bướm.

Diều con bướm. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Diều con quạ

Cách làm diều con quạ gần giống như cách làm diều con bướm. Chỉ khác ở chỗ, diều quạ không có mắt, không có chân và không có vòi. Thân diều có dạng gần giống hình một tam giác dài.

Diều chữ thập

Đây là loại diều đơn giản nhất, thường được trẻ nhỏ dưới 10 tuổi thả chơi. Khung diều có dạng hình chữ thập bằng tre, trong đó thanh đứng dài hơn thanh ngang.

Diều cái gối

Loại diều này giống hệt diều châu Âu. Nó có dạng hình hộp. Hai mặt vuông nối với nhau bằng bốn thanh tre nhỏ tạo thành bộ khung diều. Hai đầu phủ giấy. Phần còn lại để trống, không có ngạnh, không có đuôi. Diều cái gối thường được sử dụng ở các vùng quê Nam Định.

II. Diều có đuôi

Diều cánh phản

Diều này có dạng hình chữ nhật, uốn cong nhẹ ở hai đầu. Khung diều cực kỳ đơn giản. Giống như ở các loại diều khác dưới đây, người ta gắn một cái đuôi vào phần dưới bụng diều. Chiếc đuôi này làm bằng các băng giấy dán trên một đoạn tre nhỏ.

Diều cánh phản. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Diều mặt trăng

Diều có dạng hình tròn, gồm một thanh tre thẳng đứng trên đó đặt một vòng tròn bằng tre. Ở phía cuối là đuôi diều.

Diều mặt trăng. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Diều con rết

Diều này rất lớn, thường thấy ở các khu vực chung quanh thành phố Nam Định, bên bờ sông Vị Hoàng. Có người nói, đó là phát minh của người Tầu và sở dĩ nó có tên gọi như vậy là vì khi bay trên không trung, nó giống như một con rết khổng lồ.

Trên một đoạn tre dài một mét, người ta gắn năm vòng tròn tre có kích cỡ khác nhau. Vòng tròn ở giữa là mũi con rết. Hai vòng tròn nhỏ hơn ở hai bên “mũi” là mắt của rết. Hai vòng tròn khác, nhỏ hơn nữa, được bố trí cạnh hai mắt, là đôi tai của rết. Ở phía dưới mũi người ta cột một vòng cung tre gợi hình ảnh môi trên của rết còn ở dưới đôi mắt có gắn một vòng cung khác lớn hơn tượng trưng cho môi dưới của rết.

Phía sau mũi rết, người ta gắn thêm một loạt vòng tròn khác, với số lượng có thể thay đổi từ 50 - 60 chiếc trên chiều dài có khi lên tới 50m. Các vòng tròn này cũng có cùng hình dáng như chiếc mũi của rết được nối với nhau bằng 3 sợi dây. Ở vòng cuối cùng có gắn thêm hai dải băng giấy hoặc bằng lụa nhẹ tạo thành đuôi rết. Tất cả đều được phủ giấy dầy được phết nhựa cây Kaki, hoặc phủ bằng lụa tơ sống.

Điều đáng nói là loại diều này hoàn toàn khác biệt so với những diều được mô tả ở phía trên, không chỉ bởi nó là loại diều lớn nhất mà còn là loại diều phức tạp nhất từ việc điều khiển, kỹ thuật chế tác cho đến phần đuôi. Thật vậy, khi con diều này được phóng lên không trung, cái đuôi của nó thay vì hạ xuống lại cất cao hơn đầu.

Nguồn: Ngô Quý Sơn, “Les Jeux de Cerfs-volant chez les Annamites” (Thú chơi diều của người An Nam) đăng trên Tạp chí Đông Dương số 142 ngày 20/5/1943, trang 13-16, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

[1] Trừ tỉnh Hưng Yên nơi mà cái vằng hay cái ve đều được gọi là cái mạng.

Từ khóa » Buộc Lèo Diều Cánh Cốc