Thủ Tục Ly Hôn Vắng Mặt Tiến Hành Như Nào? - LuatVietnam

Nên hiểu ly hôn vắng mặt thế nào?

Theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án

Hiện có 02 hình thức ly hôn là ly hôn thuận tình và đơn phương ly hôn. Trong khi thuận tình là việc hai vợ chồng thống nhất đi đến ly hôn, đã thỏa thuận được các vấn đề về nuôi con, cấp dưỡng, tài sản chung vợ chồng... thì đơn phương là việc một bên yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Do đó, việc ly hôn đơn phương sẽ gặp phải sự bất hợp tác của người còn lại, thông thường sẽ dùng rất nhiều lý do để gây khó khăn cho quá trình giải quyết ly hôn:

- Không tham gia phiên hòa giải và phiên tòa để giải quyết việc ly hôn;

- Bỏ đi khỏi nơi cư trú;

- Mất tích không thể liên lạc được;

- Vì ốm đau, bệnh tật... nên không thể tham gia giải quyết ly hôn...

Ly hôn, không được ủy quyền cho người khác

Bởi quyền ly hôn là quyền nhân thân của mỗi người nên không thể chuyển giao cho người khác được. Do đó, nếu muốn giải quyết ly hôn, vợ hoặc chồng hoặc cả vợ chồng đều phải trực tiếp tham gia mà không được ủy quyền cho người khác làm thay mình.

Đây cũng là quy định nêu tại khoàn 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015:

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì họ là người đại diện

Căn cứ quy định trên, vợ, chồng không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Tuy nhiên, nếu nộp đơn ly hôn, nộp án phí … thì vẫn có thể ủy quyền được.

thu tuc ly hon vang mat

Thủ tục ly hôn vắng mặt cập nhật mới nhất hiện nay (Ảnh minh họa)

Thuận tình ly hôn, vắng mặt sẽ bị đình chỉ giải quyết?

Theo Điều 397 Bộ luật TTDS, trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ. Nếu vợ, chồng hòa giải thành thì đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn. Nếu không hòa giải thành thì Tòa án sẽ công nhận ly hôn thuận tình khi có các điều kiện:

- Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;

- Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung, chăm sóc, nuôi dưỡng con…

- Sự thỏa thuận bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.

Do đó, nếu muốn hòa giải thì phải có sự có mặt của hai bên. Bởi vậy, nếu thuận tình ly hôn thì bắt buộc phải có mặt của cả hai người.

Vắng mặt khi ly hôn đơn phương, Tòa án vẫn xét xử?

Mặc dù không thể ủy quyền tham gia tố tụng nhưng nếu có đơn xin xét xử vắng mặt thì liệu Tòa án có giải quyết không? Theo Điều 228 Bộ luật TTDS, nếu đương sự vắng mặt, Tòa vẫn tiến hành giải quyết ly hôn đơn phương khi:

- Người yêu cầu ly hôn, vợ/chồng của người đó có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;

- Vợ, chồng vắng mặt nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa;

- Nếu vợ, chồng vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Đồng thời, nếu sau hai lần triệu tập mà nguyên đơn vẫn không có mặt tại Tòa thì sẽ bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với yêu cầu xin ly hôn đơn phương.

Nếu bị đơn vắng mặt khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 1 thì phiên tòa sẽ bị hoãn nhưng nếu đến lần thứ 2 mà vẫn không có mặt thì Tòa sẽ xét xử vắng mặt.

Trình tự, thủ tục ly hôn khi vắng mặt đương sự

Khi ly hôn vắng mặt thì đương sự cũng phải chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ như khi xét xử có mặt cả hai người. Bởi nếu thuận tình ly hôn thì phiên tòa sẽ bị đình chỉ nên dưới đây là thủ tục ly hôn đơn phương khi vắng mặt đương sự.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

- Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

- Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);

- Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết sẽ là nơi bị đơn cư trú, làm việc (Theo Điều 39 Bộ luật TTDS).

Do đó, người yêu cầu có thể nộp đơn ly hôn qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Tòa án nơi bị đơn cư trú.

Bước 3: Tòa án xem xét và giải quyết

Sau khi nhận được yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ xem xét đơn và thụ lý vụ án nếu hồ sơ hợp lệ. Ngược lại, Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do vì sao từ chối.

Sau khi ra quyết định thụ lý thì Tòa án sẽ tiến hành hòa giải. Nếu bị đơn cố tình vắng mặt khi Tòa án triệu tập hợp lệ thì sẽ bị coi là không hòa giải thành theo quy định tại Điều 207 Bộ luật TTDS.

Khi đó, Tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.

Bước 4: Ra bản án ly hôn

Nếu xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng.

Trên đây là thủ tục ly hôn vắng mặt chi tiết nhất được LuatVietnam tổng hợp. Nếu muốn được giải đáp chi tiết các vấn đề khác liên quan đến ly hôn, độc giả có thể sử dụng dịch vụ tư vấn ly hôn trực tuyến hoặc 1900 6192 để được giải đáp nhanh nhất.

>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?

>> Mẫu Đơn ly hôn chuẩn của Tòa án và thủ tục ly hôn nhanh nhất

Từ khóa » Giấy Mời Giải Quyết Ly Hôn