Thủ Tục Sáp Nhập Doanh Nghiệp - Tư Vấn Doanh Nghiệp - Luật Việt An
Có thể bạn quan tâm
Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. Việc sáp nhập thường được thực hiện nhằm mục đích mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh, tiết kiệm chi phí và khai thác các nguồn lực hiệu quả hơn. Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp hiện nay được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp 2020. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung thủ tục sáp nhập doanh nghiệp để quý khách tham khảo.
Điều kiện sáp nhập doanh nghiệp
- Loại hình doanh nghiệp: Kế thừa quy định pháp luật được áp dụng từ Luật Doanh nghiệp 2014, pháp luật doanh nghiệp hiện hành không quy định bắt buộc các doanh nghiệp sáp nhập phải cùng loại hình, do vậy các doanh nghiệp không cùng loại hình vẫn có thể sáp nhập. Trước đó, Luật doanh nghiệp 2005 thì các công ty cùng loại mới được tiến hành sáp nhập doanh nghiệp.
- Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các công ty thực hiện việc sáp nhập phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật cạnh tranh về sáp nhập công ty. Theo đó, sáp nhập doanh nghiệp là một trong những hình thức tập trung kinh tế, doanh nghiệp thực hiện sáp nhập không được gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
- Trường hợp sáp nhập mà công ty nhận sáp nhập chiếm từ 30% đến 50% thị phần của thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty nhận sáp nhập bắt buộc phải thông báo cho Cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập, trừ trường hợp được quy định khác trong Luật cạnh tranh.
- Nghiêm cấm các trường hợp sáp nhập mà trong đó công ty nhận sáp nhập chiếm trên 50% thị phần của thị trường liên quan, trừ trường hợp được quy định khác trong Luật cạnh tranh.
Hồ sơ sáp nhập doanh nghiệp
Sáp nhập doanh nghiệp là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý và hành chính. Một trong những yếu tố quan trọng là việc hoàn thiện hồ sơ đầy đủ và chính xác.
Trường hợp công ty nhận sáp nhập thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh;
- Hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp;
- Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty nhận sáp nhập;
- Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên, cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc công ty cổ phần có quyền biểu quyết đối với công ty cổ phần của công ty bị sáp nhập.
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty bị sáp nhập;
- Danh sách người đại diện theo ủy quyền;
- Các tài liệu chứng minh sự thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Trường hợp công ty nhận sáp nhập không thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Thông báo bổ sung, cập nhật thông tin doanh nghiệp;
- Hợp đồng sáp nhập;
- Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty nhận sáp nhập;
- Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên, cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc công ty cổ phần có quyền biểu quyết đối với công ty cổ phần của công ty bị sáp nhập.
- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty bị sáp nhập;
Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp
Bước 1: Lập và thông qua hợp đồng sáp nhập, dự thảo điều lệ công ty nhận sáp nhập
Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập
- Thủ tục và điều kiện sáp nhập
- Phương án sử dụng lao động
- Cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập
- Thời hạn thực hiện sáp nhập
Bước 2: Thông báo cho các bên liên quan
Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của các công ty liên quan thông qua hợp đồng sáp nhập, Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua. Các công ty bị sáp nhập thực hiện thủ tục đóng mã số thuế tại cơ quan thuế.
Bước 3: Tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Bước 4: Công bố thông tin
Cơ quan đăng ký kinh doanh tiến hành cập nhập tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và tiến hành thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho công ty nhận sáp nhập.
Lưu ý: Trường hợp công ty bị sáp nhập có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ trụ sở chính công ty nhận sáp nhập thì cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập thông báo về việc đăng ký doanh nghiệp cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính công ty bị sáp nhập để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên cơ cơ sở đăng ký doanh nghiệp.
Hình thức nộp hồ sơ sáp nhập doanh nghiệp
Doanh nghiệp nhận sáp nhập có thể nộp hồ sơ theo 03 cách sau:
- Nộp hồ sơ online trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa – Phòng đăng ký kinh doanh;
- Gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính.
Lưu ý khi sáp nhập doanh nghiệp
- Trước khi tiến hành sáp nhập doanh nghiệp cần nghiên cứu, đánh giá chi tiết về tình hình tài chính, tài sản, thị trường, khách hàng và các rủi ro pháp lý của doanh nghiệp bị sáp nhập.
- Doanh nghiệp bị sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi sáp nhập doanh nghiệp. Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
- Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán,hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập.
- Xây dựng kế hoạch sáp nhập chi tiết để hoạt động sáp nhập diễn ra dễ dàng;
- Xây dựng kết hoạch dự phòng, đối phó với rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sáp nhập;
Cơ hội và rủi ro khi sáp nhập doanh nghiệp
Cơ hội
- Sáp nhập giúp doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất, tiếp cận khách hàng mới, mở rộng thị trường, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường;
- Tăng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí sản xuất, chi phí nhân công và nâng cao nguồn nhân lực;
- Đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ bằng cách kết hợp các dòng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng;
- Tận dụng được thế mạnh của doanh nghiệp bị sáp nhập và doanh nghiệp sáp nhập như công nghệ, thương hiệu, kênh phân phối, đội ngũ nhân sự để nâng cao giá trị;
- Tiếp cận được nguồn vốn tài chính mới.
Rủi ro
- Khó khăn trong việc quản lý doanh nghiệp mới thành lập;
- Xung đột các nhóm lợi ích khác nhau trong doanh nghiệp;
- Chi phí sáp nhập cao;
- Rủi ro trong việc định giá doanh nghiệp;
- Hiệu quả hoạt động không như mong đợi.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt An về thủ tục sáp nhập doanh nghiệp. Quý khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ sáp nhập doanh nghiệp vui lòng liên hệ chúng tôi để được tư vấn.
Từ khóa » Thông Báo Về Việc Sáp Nhập Công Ty
-
Thông Báo Về Việc Sáp Nhập Công Ty Trong Trường Hợp Sau Sáp Nhập ...
-
Mẫu Thông Báo Sáp Nhập/hợp Nhất Công Ty Quản Lý Quỹ ? Quy định ...
-
Hồ Sơ, Trình Tự, Thủ Tục Sáp Nhập Doanh Nghiệp - AZLAW
-
TIC: Thông Báo Về Việc Sáp Nhập Doanh Nghiệp | Tình Hình SXKD
-
Sáp Nhập Doanh Nghiệp
-
Thủ Tục Sáp Nhập Doanh Nghiệp Mới Nhất | Pháp Lý Khởi Nghiệp
-
Sáp Nhập Doanh Nghiệp - CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT INSLAW
-
Sáp Nhập Doanh Nghiệp, Công Ty Theo Quy định Luật Doanh Nghiệp
-
Ng Thay đổi Nội Dung đăng Ký Doanh Nghiệp - Thủ Tục Hành Chính
-
Sáp Nhập Công Ty Là Gì? Quy định Về Sáp Nhập Công Ty
-
Trình Tự, Thủ Tục Sáp Nhập Doanh Nghiệp | Luật Hùng Thắng
-
Sáp Nhập Doanh Nghiệp - Đăng Ký Doanh Nghiệp
-
Thủ Tục Sáp Nhập Doanh Nghiệp - FBLAW