Thủ Tục Văn Khấn Lễ Cúng Nhập Trạch Về Nhà Mới Lấy Ngày 2022

Thủ tục lễ cúng nhập trạch là một trong những nghi lễ quan trọng ra mắt thổ thần, thổ địa khi về nhà mới, cũng là nét văn hóa tâm linh của người Việt. Qua nhiều thế hệ, phong tục này dần bị mai một, nhiều người không còn biết cách làm lễ cúng nhập trạch như thế nào cho đúng. Bài viết dưới đây, iphongthuynet sẽ chia sẻ cùng bạn đọc thủ tục làm lễ cúng nhập trạch nhà chung cư, nhà thuê, nhà thờ, cơ quan, văn phòng, công ty đơn giản, chi tiết. Để tránh việc thiếu sót, mất thời gian trong ngày làm lễ nhập trạch, gia chủ cần nắm rõ mâm cơm cúng nhập trạch cần những gì để chuẩn bị đặt đồ cúng cho đầy đủ. Hãy dùng một mảnh giấy nhỏ, ghi chú lại những công việc cần chuẩn bị như xem ngày nhập trạch theo tuổi, thủ tục (cách cúng), chuẩn bị bài cúng, đồ lễ vật cần chuẩn bị trong lễ nhập trạch và lên kế hoạch đặt mua hoặc soạn ra sẵn.

Xem thêm: Cách chuẩn bị mâm lễ vật cúng động thổ xây nhà mới nhất

Lễ cúng nhập trạch là gì?

  • Nhập trạch là từ Hán Việt, theo đó “nhập” có nghĩa vào, “trạch” là nhà. Như vậy nói một cách đơn giản nhập trạch là dọn vào nhà mới. Lễ nhập trạch tương đương việc “đăng ký hộ khẩu” với thần linh, thổ địa đang cai quản ngôi nhà. Đây là một nghi lễ cổ truyền khá quan trọng của dân tộc ta được lưu truyền từ ngàn đời qua
  • Vậy ý nghĩa của lễ nhập trạch là gì? “Đất có thổ công, sông có hà bá”. Quan niệm từ ngàn xưa của ông bà ta cho rằng, mỗi một vùng đất, khu vực đều có thần linh trấn quản. Vậy nên việc chuyển đi hoặc đến đều phải làm lễ trình báo xin phép, có như vậy mới được chấp thuận, cuộc sống gia đình, công việc sau này theo đó mới “thuận buồm xuôi gió”.
  • Đồng thời, do tổ tiên, Thần Tài – Thổ Địa đang được thờ cúng tại nhà cũ nên khi chuyển dọn về nhà mới, cần thực hiện lễ cúng nhập trạch xin phép được chuyển họ đến nhà mới là việc cần làm, để gia đạo tiếp tục được phù hộ

Bài cúng Văn khấn nhập trạch chuẩn nhất

Văn khấn nhập trạch khi chuyển nhà gồm 2 phần là văn khấn thần linh và gia tiên. Lưu ý cần đọc văn khấn thần linh trước khi đọc văn khấn gia tiên. Bài văn khấn trình bày mong muốn của gia chủ, xin phép chuyển nhà, chuyển bàn thờ đến nhà mới. Cần đọc rành mạch với thái độ thành tâm.

cúng nhập trạch, xem ngày, giờ tốt nhập trạch, chuyển nhà mới theo tuổi
Cúng nhập trạch, xem ngày, giờ tốt nhập trạch, chuyển nhà mới theo tuổi

VĂN KHẤN NHẬP TRẠCH NHÀ MỚI – VĂN KHẤN GIA TIÊN

Khi đã xin phép thần linh, thì tiếp theo đọc văn khấn cáo yết gia tiên xin phép ông bà tổ tiên cùng về nhà mới để con cháu được tiếp tục thờ cúng.

Nam mô a di Đà Phật! (nhắc 3 lần)

Con xin kính lạy LIỆT TỔ LIỆT TÔNG… (họ của ông bà, tổ tiên) GIA TẠI THƯỢNG

Kính lạy CỬU HUYỀN THẤT TỔ NỘI NGOẠI GIA TIÊN LINH.

Con tên là ….. Hôm nay ngày lành tháng tốt, là ngày……tháng.…. năm……(nhằm ngày…tháng…năm…âm lịch)

Chúng con vừa dọn đến nhà mới ở địa chỉ:…………..

Nhờ ân phúc của tổ tiên, ông bà phù hộ mà gia đình đã tạo dựng được nơi ở mới. Hôm nay chúng con đã sắm sửa lễ vật, hoa quả hương nhang, trầu cau, xin thành tâm thắp nén nhang dâng lên án thờ. Kính cẩn cầu xin tổ tiên, chư vị hương linh nội ngoại chứng giám cho lòng thành, tề tựu về đây thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu được xuất nhập bình an, gia đạo thuận hòa, cuộc sống hưng thịnh, mọi điều bình an mạnh khỏe.

Chúng con cũng xin được rước tổ tiên về địa chỉ mới …. để tiếp tục được thờ phụng, hương nhang mỗi ngày, thể hiện chữ hiếu của con cháu.

Lễ bạc tâm thành, chúng con xin được kính lễ, cúi mong tổ tiên chứng giám ưng thuận, thọ cảm ân sâu.

Cẩn cáo!

Nam mô a di Đà Phật! (nhắc 3 lần)

VĂN KHẤN NHẬP TRẠCH NHÀ MỚI – VĂN KHẤN THẦN LINH

Văn khấn thần linh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bài cúng nhập trạch. Bởi theo quan niệm dân gian, gia chủ trước tiên phải xin phép những vị thần trấn giữ, thổ công, vong linh tại nhà mới. Khi được chấp thuận mới được phép dọn nhà về. Cụ thể bài khấn nhập trạch đối với thần linh như sau:

Nam mô a di đà Phật! (nhắc 3 lần)

Con xin kính lạy chín phương Trời, cùng Chư Phật mười phương. Kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ và chư vị Tôn thần.

Con xin kính lạy Thần Linh Thổ Địa, Bản Gia Táo Quân, tất cả các vị thần linh cai quản xứ này.

Con tên là:………………………, tuổi mệnh (ví dụ: Tân Dậu 1981,…)

Hôm nay nhân ngày lành tháng tốt, ngày ….. tháng…. năm….(nhằm ngày ….. tháng…. năm…. âm lịch), con sắm sửa lễ vật, hương quả trầu cau bày lên trước án, xin kính cẩn tâu trình đến chư vị thần linh:

Các vị Thần linh,

Thông minh chính trực,

Giữ ngôi tam thai

Nắm quyền tạo hoá

Thể đức hiếu sinh

Phù hộ dân lành

Bảo vệ sinh linh.

Nêu cao chính đạo

Gia đình của chúng con vừa xây cất (mua được/thuê được) ngôi nhà tại địa chỉ này là….Nay công trình viên mãn, mọi sự hoàn thành, chọn được ngày lành tháng tốt nên cúi mong chư vị Thần linh tề tựu thụ hưởng lễ vật, cho chúng con được nhập trạch vào nhà mới, sau đó lập bát hương thờ cúng thần linh.

Cũng xin các vị thần anh minh cho chúng con được rước vong linh gia tiên của chúng con về nhà mới tại….thờ phụng.

Cầu xin được thần linh chứng giám, gia ân tác phúc, phù hộ độ trì cho gia đình làm ăn phát đạt, an ninh, khang thái, cuộc sống an lành,

Tín chủ cũng xin thành tâm được mời những hương linh phảng phất, các vong hồn không nơi nương tựa quanh đây đến thụ hưởng lễ vật. Mong được phù trì ăn nên làm ra, cuộc sống an lạc, gia đạo thuận hòa, phòng tránh được những điều xui rủi.

Chúng con dù lễ bạc nhưng tâm thành, xin cuối đầu kính lễ, cúi mong được thần linh chứng giám.

Cẩn cáo!

Nam mô a di Đà Phật! (nhắc 3 lần)

CÁCH ĐỌC VĂN KHẤN NHẬP TRẠCH NHƯ THẾ NÀO MỚI ĐÚNG?

  • Không bắt buộc bạn phải học thuộc hai bài cúng chuyển nhà nêu trên. Có thể in ra hai tờ giấy nhỏ và cầm đọc. Đọc to hay nhỏ tùy ý. Nhưng yêu cầu hàng đầu là phải thành tâm và trịnh trọng khi đọc văn cúng nhập trạch.
  • Người đọc văn khấn chuyển nhà và trực tiếp làm lễ nhập trạch nên là người đàn ông trụ cột trong gia đình, như cha, con trai trưởng,… Nếu nhà vắng nam nhân thì người mẹ/hoặc vợ sẽ là người làm thay.
  • Nếu bạn chuyển đến chung cư, thì văn khấn nhập trạch nhà chung cư nên bổ sung chính xác số phòng, tầng lầu, khu nào, càng chi tiết càng tốt. Văn khấn nhập trạch nhà thuê thì không có gì khác biệt. Tóm lại bạn có thể áp dụng hai bài cúng chuyển nhà nêu trên trong nhiều tình huống (nhà mới xây, nhà mua lại, căn hộ, chung cư, nhà thuê, nhà trọ,…) và tùy chỉnh sao cho phù hợp nhất tình trạng của mình!
Văn khấn lễ nhập trạch (về nhà mới) nhiều người sử dụng nhất
Văn khấn lễ nhập trạch (về nhà mới) nhiều người sử dụng nhất

[Hướng dẫn] thủ tục làm lễ nhập trạch, chuyển nhà mới đúng phong thủy

Lễ vào nhà mới to hay nhỏ không quan trọng, quan trọng ở tấm lòng của gia chủ. Do vậy, tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà Bạn có thể lược bỏ bớt, không nhất thiết phải làm đầy đủ theo các bước dưới đây

Làm lễ nhập trạch thế nào để mang lại nhiều may mắn?
Làm lễ nhập trạch thế nào để mang lại nhiều may mắn?

Bước 1: Xem Ngày Chuyển Nhà Nhập Trạch chính xác theo tuổi

Mục đích xem ngày đẹp chuyển nhà nhập trạch là để gặp nhiều may mắn. Đầu xuôi đuôi lọt, khi mọi việc ban đầu thuận lợi thì cuộc sống về sau cũng theo đó trở nên thuận lợi, tốt đẹp.

Có 3 cách để chọn xem ngày, giờ nhập trạch:

Theo hướng nhà Theo tuổi chủ nhà Theo giờ hoàng đạo

Iphongthuynet khuyên bạn nên chọn cách thứ 3, đơn giản vì nó tốn ít chi phí nhất. Bạn có thể xem miễn phí tại website iphongthuynet. Còn cách 1,2 Bạn sẽ cần đến thầy phong thủy.

Bước 2: Chuẩn bị lễ vật cúng nhập trạch

Sau khi bạn đã chọn được ngày giờ chuyển về nhà mới, việc tiếp theo là chuẩn bị đủ đầy những đồ đạc, lễ vật đồ cúng cần thiết trong nghi lễ.

Bước 3: Các bước làm lễ nhập trạch

Chuẩn bị

  • Chiếu (hoặc nệm) đang sử dụng.
  • Mở tất cả cửa sổ, bật hết đèn điện sáng trong nhà
  • Đặt bếp than (đã nhóm lửa) trước cửa chính (cửa ra vào)
  • Theo thủ tục nhập trạch thì các thành viên khi bước vào nhà sẽ không được đi tay không, ai cũng phải cầm theo các đồ vật may mắn như: Chổi mới, bếp nấu (như bếp gas, bếp dầu, không dùng bếp điện vì dân gian quan niệm bếp điện có tinh mà không có tướng, tức có nhiệt mà không có ngọn lửa nên không tốt), gạo, muối, vàng, tiền bạc, các vật may mắn khác,…
Nhập trạch có nghĩa là gì và những điều cần nhớ khi nhập trạch

Dưới đây là hướng dẫn cách làm lễ nhập trạch nhà mới chi tiết và đầy đủ nhất. Nếu bạn cảm thấy phần nào chưa thật sự phù hợp với gia đình mình có thể lược bỏ bớt một vài yếu tố.

  • Việc đầu tiên trong lễ nhập trạch cần làm là đốt lò than và đặt ngay cửa ra vào. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể đến nhà mới đốt lò trước khi xe chuyển nhà tới.
  • Khi xe chuyển nhà tới thì bày các đồ cúng lên mâm ngay ngắn, chuẩn bị các đồ đạc sẵn sàng để tiến hành thủ tục cúng chuyển nhà mới.
  • Chủ nhà (nên là người nam trụ cột gia đình) bước qua lò than vào nhà trước tiên (chân trái trước, chân phải sau), tay cầm theo bát hương cùng bài vị gia tiên.
  • Các thành viên khác cũng lần lượt bước qua lò than, cầm theo các vật thờ cúng còn lại, chiếu (hoặc nệm), bếp nấu và các đồ vật may mắn đã đề cập, lưu ý không ai được đi tay không.
  • Điều đầu tiên nên làm khi bước vào nhà là bật tất cả điện và mở mọi cánh cửa, cửa sổ tượng trưng cho việc khai thông khí, đánh thức ngôi nhà
  • Lúc này, một số thành viên sẽ sắp xếp lại bàn thờ gia tiên, bàn thờ thần tài thổ địa cho ngay ngắn. Một số thành viên khác bày mâm cúng ở giữa nhà, nên hướng về phía hợp tuổi của gia chủ
  • Một người đại diện thắp nhang và đọc văn khấn, các thành viên còn lại cũng đứng trước mâm cúng chấp tay nghiêm trang.
  • Sau khi đọc văn khấn, trong thời gian chờ nhang tàn, gia chủ bật bếp và nấu nước phà trà, nên để nước sôi 5-7 phút trước khi pha. Trà dùng để dâng lên mâm cúng và để người nhà thưởng thức. Việc nấu nước có ý nghĩa khai hỏa, tạo sức sống cho nhà mới.
  • Tiến hành hóa tiền vàng, khi cháy hết thì lấy rượu rưới lên tàn tro
  • Bạn giữa lại 3 hũ muối, gạo, nước để sau này đặt vào bàn thờ Táo quân, biểu trưng cho sự no đủ
  • Lúc này lễ khấn nhập trạch xem như hoàn tất, bạn có thể đem lần lượt các thùng đồ vào nhà và sắp xếp lại như ý muốn

Mâm lễ vật đồ cúng nhập trạch cần chuẩn bị những gì?

Mâm cúng nhập trạch thường có ba phần, là ngũ quả, hương hoa và mâm thức ăn. Bạn có thể chia làm 3 mâm nhỏ, hoặc bày chung trên một mâm lớn. Tùy điều kiện gia đình mà bạn có thể làm đồ cúng hoành tráng hay gọn nhẹ. Nhưng hãy nhớ, quan trọng vẫn là lòng thành, không có chuyện mâm cúng lớn thì sẽ được phù hộ nhiều hơn, vậy nên bạn cứ sắm lễ cúng chuyển nhà mới trong khả năng tài chính của mình nhé!

Hướng dẫn làm mâm cúng nhập trạch về nhà mới
Hướng dẫn làm mâm cúng nhập trạch về nhà mới
  1. Ngũ quả: Lựa chọn 5 loại trái cây tươi ngon theo mùa, ít hơn hoặc nhiều hơn 5 cũng được, miễn sao mâm trái cây tươi ngon và đẹp mắt.
  2. Hương hoa: Gồm lọ hoa tươi cúng nhà mới (hồng, cúc hoặc ly), cặp đèn cầy, nhang, trầu cau, vàng mã, 3 hũ nhỏ đựng muối gạo và nước.
  3. Mâm cơm cúng chuyển nhà: Phụ thuộc vào quan niệm thờ cúng mà bạn có thể chọn mâm cơm chay cúng chuyển nhà hoặc mâm cơm mặn. Nếu là mâm cỗ mặn thì gồm bộ tam sên (1 miếng thịt luộc, 1 con tôm luộc và 1 trứng vịt luộc), gà luộc hoặc heo quay, xôi hoặc cháo, các món mặn khác tùy ý. Nếu là mâm cơm chay thì có thể làm theo gợi ý sau: rau củ xào, canh rau củ, đậu hũ, xôi đậu, chè, bánh kẹo,…. Ngoài ra mâm cơm cúng nhập trạch còn có thêm 3 ly trà, 3 ly rượu, 3 điếu thuốc.

Thủ tục chuyển bàn thờ và bốc bát hương từ nhà cũ sang nhà mới

Các thông tin cơ bản về lễ cúng nhập trạch chuyển nhà bạn cần biết

THỦ TỤC CHUYỂN BÀN THỜ (GIA TIÊN) TỪ NHÀ CŨ SANG NHÀ MỚI

  • Bày mâm cúng trước bàn thờ
  • Thắp nhang
  • Thành tâm khấn vái (đọc bài văn khấn)
  • Hóa tiền vàng
  • Khi nhang tàn thì bái tạ và lần lượt mang các đồ vật trên bàn thờ xuống
  • Quét bụi, lau sạch sẽ bàn thờ và các đồ thờ (như cốc chén, bộ đỉnh hương, lọ hoa, ảnh thờ, bài vị,…)
  • Vì là các đồ mang ý nghĩa tâm linh nên cần hết sức cẩn thận khi xếp vào thùng đóng gói. Có thể dùng xốp nổ hoặc vải sạch mềm để bao bọc nhằm đảm bảo an toàn.
  • Chuyển đến nhà mới và bày trí lại các đồ vật lên bàn thờ
  • Tiến hành làm LỄ NHẬP TRẠCH NHÀ MỚI để mời tổ tiên về an vị tại bàn thờ mới.
  • Lưu ý là sau khi chuyển dọn bàn thờ gia tiên về nhà mới xong, cần thắp nhang liên tục đủ một tuần. Theo quan niệm dân gian là nhầm để tổ tiên làm quen với “nhà mới”, không còn luyến tiếc nhà cũ.

THỦ TỤC CHUYỂN BÀN THỜ THẦN TÀI THỔ ĐỊA SANG NHÀ MỚI

  • Tại nhà cũ, soạn mâm cúng và thắp 3 nén hương
  • Đọc bài khấn xin chuyển bàn thờ
  • Hóa tiền vàng
  • Chờ lúc nhang tàn thì bái tạ
  • Lau chùi tượng thần tài, thổ địa, các vật thờ cúng và bàn thờ sạch sẽ.
  • Bọc lót bằng vải sạch hoặc xốp nổ và đóng gói vào các thùng đựng rồi chuyển tới nhà mới cẩn thận.
  • Tại nhà mới, bày trí lại bàn thờ thần tài thổ địa và làm lễ nhập trạch nhà mới
  • Nếu bạn thay hẳn bàn thờ mới, thì chỉ cần việc chuyển các đồ thờ cúng, còn bàn thờ cũ thì đốt chứ không nên vứt. Nhưng hãy cẩn thận về vấn đề an toàn cháy nổ nhé!

THỦ TỤC CHUYỂN BÁT HƯƠNG TỪ NHÀ CŨ SANG NHÀ MỚI

  • Theo quan niệm của Phật giáo, bát hương chỉ đơn thuần là một vật thờ cúng dùng để thắp hương, cũng như các đồ vật khác trên bàn thờ. Theo người phật tử, thần linh hoặc vong linh không an trụ ở bát hương nên khi chuyển nhà, chỉ cần thay cát hoặc tro mới sạch vào, thành tâm xin chuyển đi là được.
  • Tuy nhiên quan niệm dân gian lại cho rằng, bát hương đóng vai trò quan trọng, là nơi cư ngụ của thần linh tổ tiên. Vậy nên khi bốc bát hương về nhà mới phải hết sức cẩn thận và kính cẩn. Việc có nên mời thầy về làm lễ bốc bát hương hay không sẽ tùy vào quan niệm tâm linh của mỗi gia đình.
  • Thực tế, thủ tục chuyển bàn thờ đã bao gồm luôn bốc bát hương nên bạn có thể làm theo các hướng dẫn phía trên là được. Văn khấn chuyển bát hương từ nhà cũ sang nhà mới cũng là văn khấn chuyển bàn thờ.

Một số nghi thức tùy chọn

Sở dĩ iphongthuynet để riêng phần này vì thực tế không cần, khá rườm rà và mất công. Nhưng cũng xin phép được nêu ra để gia chủ tham khảo.

  1. Xông nhà mới: Nhằm xua đuổi chướng khí đã tích tụ từ chủ nhà trước. Vật liệu xông: thảo dược, nhang thơm, trầm hương. Đốt và đặt thuốc xông trong lư hương nhỏ hoặc siêu đất. Sau đó mở tất cả các cửa và cầm theo bình xông, xông từ trên xuống dưới, trong ra ngoài. Các khí xấu sẽ theo làn khói mà bay ra ngoài. Chú ý bật hết tất cả các thiệt bị chiếu sáng khi xông và xông kỹ góc tường và những nơi ẩm thấp.
  2. Treo phong linh trước cửa: Phong linh hay còn gọi là chuông gió, có tác dụng luân chuyển các luồng khí ở trong nhà. Chất liệu chuông gió nên chọn loại làm bằng kim loại, tính kim, âm thanh của kim khí giúp xua đuổi tà ma, bệnh tật, báo hiệu đã có người dương đến ở, người cõi âm nên rời đi nơi khác.
  3. Trấn nhà: Người xưa thường trấn nhà bằng cách lấy đá phong thủy nhỏ (vàng găm) hoặc dùng 8 tiền xu chôn ở bốn góc tường, ý chỉ sung túc, tiền của tứ phương. Bây giờ các hộ gia đình đã lát gạch nên Bạn có thể đặt trong hũ nhỏ, đặt ở 4 góc nhà, ý nghĩa cũng tương tự.

Một vài lưu ý sau khi làm lễ nhập trạch

Nếu gia chủ chưa từng xem qua những điều kiêng kỵ khi nhập trạch thì Iphongthuy.net xin lưu ý một vài điểm dưới đây:

  • Nếu bạn chỉ nhập trạch lấy ngày và chưa chuyển đồ về ngay, thì các bước tiến hành tương tự, xem như là chuyển bàn thờ gia tiên và thần linh về trước, đồ đạc sẽ chuyển về nhà sau. Tốt nhất nên ngủ lại 1 đêm. Trong thời gian chờ đợi cũng nên thường xuyên đến thắp nhang và trông nom để tạo sinh khí.
  • Trình tự khấn là khấn thổ công trước rồi mới tới gia tiên
  • Khi dọn lễ xong cần làm lễ bái tạ
  • Phụ nữ đang mang thai cần tránh dọn nhà, người tuổi Dần cũng không nên phụ dọn nhà
  • Phải chọn hướng bàn thờ kỹ lưỡng, đẹp, đúng phong thủy
  • Nếu nhập trạch nhà chung cư thì bạn cũng tiến hành tương tự nhập trạch nhà bình thường gồm các bước: xem ngày tốt, chuẩn bị đồ cúng, mâm cúng, soạn văn khấn, làm lễ nhập trạch… Tuy nhiên theo nguyên tắc an toàn cháy nổ thì nhiều chung cư sẽ hạn chế việc đốt lò than, do đó bạn cần hỏi kỹ. Nếu không được phép thì trong lễ nhập trạch nhà chung cư bạn có thể lược qua khâu này (sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của buổi lễ nên bạn có thể an tâm nhé!). Việc hóa vàng cũng nên vừa đủ, không nên đốt quá nhiều. Tránh quá nguyên tắc sẽ gây rắc rối không đáng có (Ban quản lý chung cư có thể sẽ đến xử lý, hoặc gây phiền hà hàng xóm- bạn không muốn điều đó xảy ra trong ngày nhập trạch đúng không?)
  • Lễ nhập trạch nhà thuê, nhà trọ là không bắt buộc và tùy vào niềm tin của mỗi người. Có người cho rằng mình chuyển tới nơi ở mới, bàn thờ tổ tiên, thần linh cũng chuyển đi nên việc làm lễ khấn nhập trạch nhà trọ, nhà thuê là cần thiết. Lại có người cho rằng nhà thuê là nhà cửa, đất đai của người khác, mình chỉ là người ở tạm nên không cần làm lễ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn vẫn có thể thực hiện bình thường theo các bước trên. Cách làm lễ nhập trạch nhà chính chủ và nhà thuê là như nhau.

Bạn có thể sử dụng công cụ https://www.tuvimoi.com/xem-ngay-chuyen-nha để chọn ngày tốt chuyển nhà về nhà mới nhé.

Như vậy iphongthuynet đã vừa chia sẻ cùng Bạn nghi lễ cúng nhập trạch nhà mới tại nhà phố, nhà mặt đất. Còn với cư dân chung cư, Bạn có thể xem tại: lễ nhập trạch nhà chung cư, cư dân nhà trọ xem tại lễ nhập trạch nhà thuê. Chúc Bạn và gia đình có một khởi đầu an lành, tốt đẹp.

5/5 - (1 Bình chọn)

Từ khóa » Bài Khấn Lễ Nhập Trạch Về Nhà Mới