Thức ăn đạm Thấp Trong Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng - Tạp Chí Thủy Sản

Protein thức ăn là dưỡng chất chính liên quan đến quá trình tổng hợp protein trong cơ thịt động vật. Trong NTTS, thức ăn có hàm lượng protein thô cao thường được sử dụng để đáp ứng nhu cầu axit amin của đối tượng nuôi. Đối với tôm nước lợ, thức ăn thường có hàm lượng protein thô từ 38 – 42%, thậm chí cao hơn tùy thuộc theo giai đoạn sinh trưởng. Nhiều nghiên cứu dinh dưỡng trên heo, gà và cá đã chỉ ra rằng, việc sử dụng một số axit amin bổ sung để cân đối axit amin trong khẩu phần, đã làm giảm sự dư thừa protein thô và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn. Thức ăn đạm thấp nhờ cân đối axit amin từ nguồn bổ sung, có ý nghĩa lớn trong việc giảm chi phí thức ăn cho một đơn vị tăng trọng, giảm phát thải nitơ và ô nhiễm nguồn nước, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh của nghề nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam.

Để có một công thức thức ăn tốt, có thành phần các axit amin tối ưu, thì việc phối trộn công thức phải dựa trên nguyên lý protein lý tưởng, ở đó các axit amin thành phần được tính theo tỷ lệ phần trăm so với Lys. Đồng thời, các axit amin được cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng của tôm nuôi.

Nunes, Sabry-Neto và Magagounder (2018) đã thực hiện thí nghiệm trên TTCT, để đánh giá tác động của việc giảm lượng CP trong chế độ ăn ít bột cá (5%) lên sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vanamei. Bốn nghiệm thức có hàm lượng protein thô từ 40%; 37%, 34% và 31% được sản xuất. Ở mỗi mức protein, hàm lượng methionine được tăng dần theo 4 mức lần lượt là 0,56%, 0,71%, 0,88%, 1,04% và methionine + cystine (Met+Cys) lần lượt là 1,07%, 1,22%, 1,38%  và 1,55%.

Bảng 1: Mức khuyến cáo axit amin thiết yếu (% thức ăn) đối với thức ăn TTCT trong điều kiện nuôi thâm canh và thức ăn tự nhiên không có vai trò quan trọng (AMINODat® 6.0)

Bảng 2: Ảnh hưởng của hàm lượng protein thô đến các chỉ tiêu tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn ở TTCT (Nunes, Sabry-Neto và Magagounder, 2018)

Bảng 3: Ảnh hưởng của hàm lượng Met và Met+Cys lên các chỉ tiêu tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn ở TTCT (Nunes, Sabry-Neto và Magagounder, 2018)

Tôm thử nghiệm được nuôi trong 84 bể có thể tích 1 m3 ở mật độ 100 con/m2 trong thời gian 75 ngày. Không có sự khác biệt về mặt thống kê về trọng lượng trung bình của tôm lúc thu hoạch, tỷ lệ sống, hệ số thức ăn và năng suất giữa các nghiệm thức cho ăn thức ăn có chứa 40, 37 và 34% đạm. Hạ đạm thô xuống 31% làm giảm tỷ lệ sống, giảm năng suất và  tăng FCR. Bổ sung Met lên trên 0,71% dẫn đến FCR và năng suất tốt hơn đáng kể so với 0,56%. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy, công thức thức ăn được xây dựng đáp ứng nhu cầu axit amin thiết yếu từ nguồn axit amin thương mại, có thể giảm được 6% protein thô, từ 40% xuống 34% mà không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm nuôi.

Trong năm 2020, Công ty Evonik phối hợp với Tổ chức GIZ của Đức, Trường Đại học Cần Thơ, đã thực hiện thử nghiệm quy mô pilot và nuôi tôm thâm canh tại HTX Thủy sản Toàn Thắng ở Sóc Trăng, nhằm đánh giá hiệu quả của thức ăn đạm thấp so với đối chứng là các thức ăn thương mại có hàm lượng đạm thô trên 40% trên TTCT, để đánh giá toàn diện hiệu quả về sinh trưởng, hệ số thức ăn, hiệu quả kinh tế và môi trường. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, tôm nuôi bằng thức ăn có hàm lượng protein thô 34% có tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống và năng suất tương đương với thức ăn 40% protein thô. Trong khi giá thành thức ăn giảm hơn 15%, đã minh chứng hiệu quả của thức ăn đạm thấp đối với nghề nuôi TTCT.

>> Trong thời gian tới, Công ty Evonik phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và các đơn vị liên quan: sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất thức ăn đạm thấp này cho các nhà máy sản xuất thức ăn tôm, để nhân rộng ứng dụng công nghệ mới này vào sản xuất. Đây là hướng đi mới, góp phần giảm chi phí thức ăn và nâng cao tính cạnh tranh của nghề nuôi tôm tại Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Tiến

Giám đốc Kỹ thuật,  Evonik Vietnam LLC

Từ khóa » Thức ăn Nuôi Tôm Nước Lợ