Thực đơn ăn Dặm Cho Bé 6 Tháng Tuổi Hấp Dẫn, Dễ Hấp Thu - Imiale
Có thể bạn quan tâm
Trẻ 6 tháng tuổi bắt đầu có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn, đồng thời hệ tiêu hóa trẻ đủ khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn đặc hơn sữa. Vì vậy, đây chính là thời điểm thích hợp để trẻ ăn dặm. Vậy cho bé ăn dặm như thế nào là khoa học và đủ dinh dưỡng dễ hấp thu? Lựa chọn kiểu ăn dặm nào là phù hợp? Cùng tìm hiểu qua bài viết Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi dưới đây nhé.
Mục lục
- 1. Những điều cần biết khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm
- 1.1. Trẻ 6 tháng ăn dặm chưa?
- 1.2. Nguyên tắc khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm
- 1.3. Phương pháp ăn dặm cho bé 6 tháng phổ biến
- 1.4. Trẻ 6 tháng ăn dặm cần tránh gì?
- 1.5. Một số sai lầm khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm
- 2. Liều lượng ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
- 3. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
- 3.1. Thực đơn cháo cho trẻ 6 tháng ăn dặm
- 3.2. Thực đơn bột cho bé 6 tháng ăn dặm
- 3.3. Thực đơn chiều cho trẻ 6 tháng ăn dặm
- 3.4. Mẫu thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi theo phương pháp tự chỉ huy
- 4. Lưu ý khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm
1. Những điều cần biết khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm
Ăn dặm là bước chuyển lớn từ chế độ ăn dạng lỏng (hoàn toàn từ sữa mẹ hoặc sữa công thức) sang chế độ có thức ăn dạng sệt, tới lợn cợn và cuối cùng là dạng miếng.
1.1. Trẻ 6 tháng ăn dặm chưa?
Khoảng thời gian 4 – 6 tháng tuổi là quãng thời gian lý tưởng, được hầu hết các chuyên gia khuyên cha mẹ nên cho trẻ sơ sinh bắt đầu ăn thức ăn đặc. Đặc biệt, trẻ 6 tháng tuổi được khuyến khích chuyển sang ăn dặm vì khi đó trẻ xuất hiện nhu cầu các chất dinh dưỡng bổ sung không trong sữa, chẳng hạn như sắt, kẽm,…
Những dấu hiệu cho thấy con đã sẵn sàng với việc chuyển sang chế độ ăn dặm:
- Trẻ ngồi dậy tốt
- Có thể kiểm soát đầu tốt
- Có thể ngậm thức ăn trong miệng và sẵn sàng nhai
- Có thể bốc thức ăn và đưa vào miệng
- Tò mò vào giờ ăn và muốn ăn chung với người lớn
Ăn dặm quá sớm hay ăn dặm không đúng cách có thể khiến đường ruột của bé gặp nhiều khó khăn. Khi đó, hệ tiêu hóa của con chưa đủ khả năng tiêu hóa, hấp thu tinh bột cũng như các chất dinh dưỡng khác khiến cho con bị khó tiêu, gặp phải các tình trạng rối loạn. Dần dần có thể khiến trẻ sợ ăn, chán ăn, trẻ chậm lớn, không tăng cân và suy dinh dưỡng. Ngoài ra, đối với những trẻ có cơ địa nhạy cảm, ăn dặm sớm có thể khiến trẻ tăng khả năng dị ứng thức ăn.
Rất hiếm khi trẻ sơ sinh sẵn sàng ăn dặm trước 4-6 tháng. Nếu trẻ có dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm nhưng chưa được 6 tháng tuổi, hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa để được tư vấn kỹ hơn.
Lưu ý: Một số trường hợp đặc biệt cần đến sự tư vấn của bác sĩ để cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi:
- Bé bú nhiều nhưng không có dấu hiệu đủ no.
- Bé tăng trưởng kém, mặc dù uống sữa đều đặn
- Mẹ thiếu sữa và bé chưa có nguồn sữa phù hợp thay thế.
Trong các trường hợp này, dù trẻ chưa có biểu hiện sẵn sàng ăn dặm nhưng mẹ vẫn nên cho trẻ ăn dặm sớm để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho con.
Cụ thể, một trường hợp trẻ dị ứng đạm sữa bò và bất dung nạp, nên trẻ cứ uống sữa ngoài là đi ngoài, nôn ói, dẫn đến tăng trưởng kém. Ngoài ra, mẹ cũng thiếu sữa trầm trọng, nên được bác sĩ khuyên chuyển sang chế độ ăn dặm khi con hơn 4 tháng. Kết quả là, phân đẹp lên, dấu hiệu trẻ dị ứng – bất dung nạp đỡ hẳn. Đến khi con 2 tuổi, nhờ việc ăn dặm đúng cách, con tiêu hóa và đề kháng tốt.
Vì vậy, cha mẹ hãy lắng nghe con để lựa chọn thời điểm thích hợp cho con ăn dặm nhé!
1.2. Nguyên tắc khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm
Nếu trẻ 6 tháng đã sẵn sàng ăn dặm, mẹ cần trang bị kiến thức và tâm lý kỹ lưỡng để không bị bỡ ngỡ. Trước hết, mẹ cần nắm rõ các nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm dưới đây:
- Cho con ăn và dừng ăn đúng thời điểm: Không nên ép con ăn khi con chưa đói và nên dừng lại nếu con ăn đủ và không có nhu cầu ăn thêm.
- Cho con ăn từ lỏng đến đặc: Trước đây bé chỉ uống sữa mẹ hoặc sữa công thức, có độ lỏng cao nên mẹ cần cho con có thời gian làm quen với loại thức ăn có kết cấu mới này.
- Cho con ăn từ ít đến nhiều: dạ dày của con chưa thể chứa quá nhiều thức ăn và để hệ tiêu hóa không hoạt động quá sức, mẹ không nên ép con ăn quá nhiều ngay từ đầu. Mẹ có thể tăng dần lượng thức ăn theo ngày, theo tuần để hệ tiêu hóa của con kịp thích nghi.
- Cho con ăn đa dạng các loại thức ăn: Để đảm bảo dinh dưỡng, thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi cần cân bằng giữa 4 nhóm thực phẩm: Nhóm Bột đường – Đạm – Chất béo – Vitamin và chất khoáng, cho con phát triển toàn diện.
- Không giảm lượng sữa trung bình trong ngày của bé: Ăn dặm nhằm bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, nhưng không được thay thế nguồn dinh dưỡng trước đó, mà chủ yếu từ sữa cho trẻ. Có nghĩa là, nếu trẻ đang bú mẹ hoặc uống khoảng 600ml sữa mỗi ngày, thì khi ăn dặm trẻ vẫn duy trì lượng sữa khoảng 600 ml bên cạnh chế độ ăn dặm.
>>> Xem thêm: Mẹ có biết: Trẻ mấy tháng ăn dặm?
1.3. Phương pháp ăn dặm cho bé 6 tháng phổ biến
Hiện nay có hai phương pháp ăn dặm được các mẹ áp dụng phổ biến nhất: Ăn dặm truyền thống và ăn dặm tự chỉ huy (BLW – Baby Led Weaning). Khó để nói chính xác phương pháp nào là tốt hơn vì mỗi cách ăn đều có ưu và nhược điểm riêng. Với trẻ 6 tháng tuổi là lúc trẻ bắt đầu ăn dặm, cha mẹ có thể kết hợp các phương pháp này để xác định đâu là phương pháp ăn dặm phù hợp nhất cho con.
Trẻ 6 tháng ăn dặm tự chỉ huy (BLW – Baby Led Weaning).
Trong phương pháp này, trẻ sơ sinh được khuyến khích tự chủ ăn ngay từ đầu. Cha mẹ đưa cho trẻ những thức ăn mềm, to, có thể cầm/ bốc bằng tay và cho phép trẻ tự khám phá theo cách riêng của chúng.
Ưu điểm
- Khuyến khích việc ăn uống độc lập sớm hơn
- Khi đã ăn no, trẻ sẽ tự dừng lại, về lâu dài trẻ rất ít khi bị thừa cân
- Không cần chế độ nấu riêng biệt, trẻ có thể cùng ăn với người lớn
Nhược điểm
- Có thể phát sinh một số vấn đề như nghẹt thở hay nôn mửa. Tuy nhiên nếu được mẹ chia nhỏ đồ ăn cho bé thích hợp nguy cơ gặp phải là rất thấp.
- Nếu không để ý, mẹ rất khó để biết bé đã ăn bao nhiêu thức ăn.
- Trẻ nghịch ngợm, nô đùa với đồ ăn nên có thể làm vấy bẩn đồ đạc và cả chính trẻ
Trẻ 6 tháng ăn dặm truyền thống
Trong cách tiếp cận này, cha mẹ chuẩn bị sẵn đồ ăn cho trẻ để làm quen thụ động dần dần với thức ăn đặc hơn. Đầu tiên là thức ăn được xay nhuyễn mịn sau đó chuyển dần sang thức ăn nghiền và cắt nhỏ, tiếp đến là những miếng nhỏ.
Ưu điểm:
- Dễ dàng biết được con đã ăn bao nhiêu
- Ít gặp phải vấn đề trẻ làm bẩn hay nghịch ngợm đồ ăn
Nhược điểm:
- Mẹ phải chuẩn bị riêng đồ ăn cho bé và có thể tốn nhiều thời gian
- Khó xác định khi nào con no, dẫn đến việc ép con ăn quá nhiều
- Nếu trẻ quen ăn thức ăn nhuyễn mịn, sẽ gặp khó khăn khi thay đổi sang đồ ăn có kết cấu khác (cơm, thức ăn…)
Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo Chế độ ăn dặm kiểu Nhật cho bé.
1.4. Trẻ 6 tháng ăn dặm cần tránh gì?
Trong giai đoạn mới bắt đầu tập ăn dặm, trẻ 6 tháng cần tránh một số thực phẩm, bao gồm:
- Mật ong: Mật ong có thể chứa độc tố botulinum (lẫn trong quá trình ong hút phấn hoa làm mật), gây ngộ độc cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, gây ảnh hưởng tới thần kinh.
- Trứng chưa nấu chín: Có thể chứa vi khuẩn Salmonella, vào đường ruột làm tổn thương hệ tiêu hóa và thần kinh trẻ.
- Các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng: Sữa chưa tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn, ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện của trẻ. Mẹ nên lựa chọn sữa tiệt trùng để đảm bảo an toàn nhất.
- Thực phẩm hoặc đồ uống có đường, muối: Các loại gia vị như đường, muối gây quá tải cho thận, gan do những cơ quan này ở trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh.
- Thực phẩm nguyên hạt: Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi ăn vì trẻ có nguy cơ mắc nghẹn, một số trẻ có thể dị ứng với các loại hạt
- Dầu ăn: Dầu ăn khiến quá trình tiêu hóa thức ăn kéo dài, đồng thời làm giảm co bóp dạ dày đẩy thức ăn xuống ruột non gây đầy bụng, khó tiêu. Mẹ nên cho bổ sung chất béo cho bé bằng các thực phẩm như quả bơ, các loại thịt, cá…. để trẻ dễ hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, K, E, hoặc thêm vào món ăn dặm của trẻ 1-2 giọt dầu thực vật (dầu oliu, dầu hạt mắc ca…)
1.5. Một số sai lầm khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm
Giai đoạn cho trẻ chuyển sang chế độ ăn dặm chưa bao giờ là dễ dàng. Để chăm con khoa học, mẹ cần tránh một số sai lầm “huyền thoại” sau:
- Thấy trẻ nhìn miệng nghĩ là trẻ thèm ăn và cho trẻ ăn dặm sớm: Điều này hoàn toàn sai. Vì trẻ nhỏ thường bị thu hút bởi tiếng động. Khi ăn, người lớn phát ra tiếng động có thể thu hút sự chú ý của trẻ, chứ không phải biểu hiện của thèm ăn. Nếu trẻ vẫn bú mẹ hoàn toàn, lên cân đều và chưa đủ 6 tháng tuổi mẹ chưa cần cho trẻ chuyển sang ăn dặm vội.
- Cho trẻ dưới 6 tháng ăn dặm sớm vì thấy con chậm tăng cân: Trong 3 tháng đầu, trẻ tăng trung bình 0,8 – 1,0kg, nhưng từ tháng thứ 4, trẻ chỉ tăng khoảng 0,3 – 0,5 kg/tháng. Đây là do sinh lý, chứ hoàn toàn không phải do trẻ cần chuyển sang chế độ ăn dặm để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng.
- Chỉ ăn cháo hoặc xay thật nhuyễn: Đó chỉ là chế độ ăn dặm truyền thống. Ngày này, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến khích ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm tự chỉ huy để trẻ có thể ăn các món như trái cây, cá tôm, thịt … được cắt cục vừa tầm nắm của bé mà không cần xay nhuyễn. Mẹ có thể thử xem chế độ ăn dặm nào phù hợp với bé mà không nhất thiết cho trẻ ăn dặm kiểu truyền thống.
- Cho trẻ 6 tháng ăn dặm bằng cách đi rong: Việc đi rong, cho trẻ xem ipad, ti vi khi ăn tạo thói quen không tốt khi cho trẻ ăn. Giai đoạn bắt đầu này, cha mẹ nên dạy trẻ kỷ luật bàn ăn để trẻ hứng thú với ăn uống hơn.
- Nêm mắm muối cho trẻ dễ ăn: khuyến cáo không nêm gia vị cho trẻ tới ít nhất 2 tuổi, kể cả các gia vị được quảng cáo dành cho trẻ. Tất cả đồ ăn của trẻ được khuyến cáo nấu vị ngọt tự nhiên mà không nếm gì.
Cha mẹ, hay người chăm sóc trẻ cần lưu ý để tránh lặp lại các sai lầm này, hãy xây dựng cho bé thói quen ăn uống khoa học ngay từ giai đoạn đầu, để quá trình chăm trẻ trở nên dễ dàng hơn.
2. Liều lượng ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
Không có công thức tuyệt đối nào về liều lượng ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi cả. Quan trọng nhất với trẻ 6 tháng tuổi là mẹ cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất cho bé, bao gồm đạm, tinh bột, chất béo và rau củ. Tùy khả năng ăn của trẻ mà mẹ cân nhắc liều lượng phù hợp. Lưu ý, không làm giảm lượng sữa hàng ngày của trẻ.
- Đạm: Mẹ bổ sung đạm (protein) cho trẻ qua các món thịt nạc heo, bò, ếch, lươn, cá rô đồng, cá diêu hồng…
- Tinh bột: Gạo nấu cháo, lưu ý không xay quá nhuyễn tránh tình trạng bé lười ăn thô.
- Chất béo: Mỗi tuần cho bé ăn dầu 3-4 ngày, lưu ý chọn dầu thực vật, hoặc bổ sung bằng cách cho trẻ ăn các món trứng, bơ, sữa.
- Rau củ: Khuyến khích cho trẻ ăn bí đỏ, bí xanh, khoai lang, khoai môn, đậu đỏ… Lượng rau củ cung cấp chất xơ tương đương với lượng gạo nấu cháo, ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa do ăn dặm.
Trẻ 6 tháng ăn dặm bao nhiêu cữ là hợp lý?
Với trẻ 6 tháng, mẹ nên cho trẻ ăn 2-3 cữ ăn dặm/ngày. Nên là một bữa vào buổi sáng, một bữa vào buổi chiều và cách cữ sữa của trẻ. Mẹ có thể bắt đầu bằng lượng nhỏ thức ăn, sau đó tăng dần hàm lượng trong mỗi bữa ăn và độ đặc của bữa ăn. Khi trẻ lớn hơn có thể tăng số cữ ăn dặm của trẻ lên.
Tài liệu tham khảo: WHO
3. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi của Viện Dinh dưỡng trong 7 ngày và theo giờ như sau:
- 6h sáng – Bú mẹ hoặc bú sữa ngoài: 150 ml
- 9h sáng – Cho trẻ ăn bột (hoặc cháo rây) với các công thức khác nhau: Bột thịt lợn, bột thịt gà, bột sữa, bột trứng
- 10h – Bữa phụ, với hoa quả có thể dùng: 1/3 quả chuối, 50g đu đủ chín, 1/3 quả hồng xiêm, 50g xoài
- 11h – Một cữ sữa mẹ/ sữa công thức: 150 ml
- 14h – Cữ bột: Có thể lựa chọn bột sữa, bột thịt lợn, bột thịt gà
- 16h – Nước hoa quả: 100ml
- 18h – Một cữ sữa mẹ/ sữa công thức: 150 ml
- 20h – Một cữ sữa mẹ/ sữa công thức: 150 ml
Dưới đây là một số công thức món ăn cho bé 6 tháng ăn dặm:
3.1. Thực đơn cháo cho trẻ 6 tháng ăn dặm
3.1.1. Công thức cháo lườn gà – đậu hũ non – bí đỏ
Thực đơn này có đầy đủ đạm (protein), tinh bột (gạo nấu cháo), chất xơ (bí đỏ, đậu hũ), tùy từng bữa mà mẹ có thể bổ sung thêm dầu oliu (chất béo).
Nguyên liệu:
- Gạo: 10 gr
- Lườn gà: 10 gr
- Đậu hũ: 10 gr
- Bí đỏ: 10 gr
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch lườn gà, hấp chín rồi băm nhỏ.
- Bước 2: Gọt vỏ bí đỏ, rửa sạch, băm nhuyễn.
- Bước 3: Trần đậu hũ qua nước sôi, lấy thìa dằm nhuyễn.
- Bước 4: Nấu cháo trắng, sau đó cho thêm thịt gà, đậu hũ và bí đỏ vào khuấy đều.
- Bước 5: Thêm 1-2 giọt dầu ăn.
3.1.2. Công thức cháo bí xanh thịt bằm
Món cháo này có protein (thịt), tinh bột (gạo nấu cháo) và rau củ (bí xanh)
Nguyên liệu: Mỗi loại 10gr
- Gạo nấu cháo
- Thịt bằm (thịt nạc)
- Bí xanh
Cách thực hiện:
- Bước 1: Nấu cháo
- Bước 2: Băm nhỏ thịt bỏ, lưu ý loại bỏ phần thịt mỡ rồi nấu với cháo.
- Bước 3: Bí xanh gọt vỏ, thái nhỏ, hấp và nghiền nhuyễn với cháo.
Lưu ý: Không nghiền quá nát cháo và thịt
3.1.3 Cháo lươn khoai môn
Thay vì thịt bò, thịt heo hay thịt gà, mẹ có thể bổ sung protein cho trẻ bằng lươn, kết hợp với khoai môn bổ sung chất xơ cho trẻ.
Nguyên liệu:
- Gạo nấu cháo
- Lươn đã làm sạch: 100gr
- Khoai môn: 10gr
Cách thực hiện:
- Bước 1: Nấu cháo
- Bước 2: Hấp lươn, xé thịt, thêm khoảng 10gr thịt lươn vào cháo
- Bước 3: Khoai môn hấp, nghiền nhuyễn với cháo.
Lưu ý:
- Tỷ lệ cháo : lươn : khoai là 1:1:1
- Lươn có xương nhỏ, mẹ cần lọc sạch.
Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo một số công thức cháo khác như:
- Cháo khoai tây thịt bằm
- Cháo khoai môn thịt bằm
- Cháo cà rốt thịt bằm
- Cháo đậu đỏ sườn non.
3.2. Thực đơn bột cho bé 6 tháng ăn dặm
- Công thức bột sữa ăn dặm cho trẻ: 3 thìa sữa bột, 10gr bột gạo, nước rau củ
- Công thức bột thịt lợn cho trẻ ăn dặm: 10gr thịt lợn nạc, 10gr bột gạo, nước rau củ
- Công thức Bột thịt gà ăn dặm: 10gr thịt gà, 10gr bột gạo, nước rau củ
- Công thức bột trứng cho bé 6 tháng ăn dặm: ½ quả trứng (lòng đỏ), 10gr bột gạo, nước rau củ
Ngoài ra, cha mẹ có thể tham khảo thực đơn ăn dặm cho bé từ 6 tháng theo công thức dưới đây để món ăn của trẻ thêm đa dạng:
- Bột gạo, sữa, bí đỏ
- Súp thịt gà, cà rốt
- Bột gạo, chuối, sữa
- Bột gạo, cá, rau dền
- Bột gạo, thịt heo, cà rốt
- Khoai tây, bông cải, sữa
- Bột gạo, tôm, rau mồng tơi
>>> Mẹ tham khảo: Món ngon cho bé: Bắt mắt, giàu dinh dưỡng tại nhà.
3.3. Thực đơn chiều cho trẻ 6 tháng ăn dặm
Gợi ý cho mẹ thực đơn bữa ăn cho trẻ vào buổi chiều:
- Bơ trộn sữa
- Bột gạo, tôm, rau ngót
- Bột gạo thịt gà, bông cải
- Bơ, chuối trộn sữa
- Bột gạo, sữa công thức, đậu hà lan
- Bột gạo, trứng
- Bột gạo, chuối, sữa
3.4. Mẫu thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi theo phương pháp tự chỉ huy
- Rau củ quả luộc/hấp (Cà rốt, su su, đậu, bông cải, khoai lang…) : cắt thành từng khúc nhỏ vừa tay trẻ rồi luộc/hấp đến khi chín nhừ
- Thịt gà luộc: thịt gà sau khi được làm sạch đem luộc/hấp thật nhừ rồi xẻ nhỏ thành từng sợi
- Bơ: cắt quả bơ thành 4 – 6 phần theo chiều dọc để trẻ tự cầm ăn
- Lòng đỏ trứng: chiên hoặc luộc rồi cho bé ăn bằng thìa/dĩa
- Nước hầm xương: cha mẹ nên giúp trẻ ăn món ăn này
- Hoa quả: chuối, việt quất, táo, dâu, bơ….
Mỗi bữa, mẹ nên kết hợp các loại thức ăn khác nhau để bữa ăn của bé đa dạng, đủ chất dinh dưỡng.
Trên đây gợi ý một thực đơn đầy đủ, giúp mẹ tự sáng tạo thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, bắt mắt và phù hợp với khẩu vị của bé yêu.
>>> Xem thêm bài viết: Các món cháo cho trẻ
4. Lưu ý khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm
Trẻ cũng cần thời gian để tập ăn dặm thành thạo. Trong quá trình này, mẹ cần lưu ý:
- Kiên nhẫn với con: Trẻ 6 tháng chưa ý thức được việc phải tập trung ăn, mà sẽ vừa chơi đùa vừa ăn. Chưa kể những lúc trẻ chán ăn, không muốn ăn bất cứ thứ gì hay bày bừa hết đồ ăn mẹ cất công chuẩn bị. Những lúc này mẹ không nên quát mắng trẻ, hãy vừa chơi đùa vừa cho trẻ ăn để tạo thói quen cho trẻ, để trẻ thấy việc ngồi ăn là việc thích thú chứ không phải là “nỗi ám ảnh”.
- Nếu trẻ rối loạn tiêu hóa, hãy bình tĩnh xử lý: Khi chuyển sang 1 chế độ ăn dặm, trẻ dễ gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa táo bón, tiêu chảy, phân sống, đầy bụng khó tiêu. Lúc này, mẹ nên cân nhắc lại thực đơn cho trẻ, có thể tăng/giảm khẩu phần ăn cho hợp lý chứ không nên từ bỏ việc cho trẻ ăn dặm.
- Bổ sung lợi khuẩn cho trẻ 6 tháng ăn dặm: Bên cạnh một chế độ ăn dặm đa dạng dưỡng chất và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, mẹ nên bổ sung lợi khuẩn, đặc biệt các lợi khuẩn sống gắn đích cho trẻ trong giai đoạn này. Bởi lẽ hệ tiêu hóa non nớt còn nhiều bỡ ngỡ với thực phẩm đặc, lợi khuẩn đem đến một giải pháp bảo vệ và thúc đẩy tốc độ tiêu hóa, giúp bé hấp tru trọn vẹn dưỡng chất và tránh các rối loạn không đáng có trong giai đoạn này.
» Xem thêm: Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng bé.
TỔNG KẾT
Ăn dặm là một quá trình quan trọng khi đó con yêu của bạn chuyển từ sữa mẹ hoặc sữa công thức sang thức ăn. Cho dù cha mẹ chọn ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy hay ăn dặm truyền thống, hoặc kết hợp cả hai thì cũng nên bắt đầu cho trẻ ăn trái cây mềm, rau và ngũ cốc khi được khoảng 4-6 tháng. Để giúp trẻ cai sữa thành công, hãy làm cho giờ ăn trở nên thoải mái và thú vị, cho phép trẻ vui đùa và cho trẻ tham gia vào bữa ăn của gia đình càng nhiều càng tốt. Hy vọng, những thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi này giúp ích nhiều cho cha mẹ kế hoạch chọn lựa món ăn cho con.
Xem thêm:
- Bật mí cách giúp bé ăn ngon tự nhiên mà không cần ép ăn
- Nguyên nhân bé ăn dặm bị tiêu chảy và cách khắc phục
Nếu có bất cứ thắc mắc gì, mẹ liên hệ hotline: 19009482 hoặc 0967629482 để được hỗ trợ từ chuyên gia tư vấn
Nguồn tham khảo
CDC – Tại đây
NHS.UK – Tại đây
Từ khóa » Dinh Dưỡng ăn Dặm Cho Bé 6 Tháng
-
Thực đơn Dinh Dưỡng Cho Trẻ ăn Dặm ở Tháng Thứ 6 - Vinmec
-
Chế độ Dinh Dưỡng Cho Bé 6 Tháng - Vinmec
-
26 Thực đơn Cho Bé ăn Dặm 6 Tháng Tuổi đủ Chất, Mau Lớn, Tăng Cân
-
Thực đơn ăn Dặm Cho Bé 6 Tháng Tăng Cân Vừa Ngon Vừa Dễ Nấu
-
Thực đơn ăn Dặm Cho Bé 6 Tháng Tuổi Giàu Dinh Dưỡng - Hello Bacsi
-
Bé 6 Tháng ăn được Gì? Bí Quyết Dinh Dưỡng Quan Trọng Cho Trẻ 6 ...
-
30+ Thực Đơn Ăn Dặm Cho Bé 6 Tháng Tăng Cân, Đủ Chất - Huggies
-
Thực đơn ăn Dặm Cho Bé 6 Tháng Tuổi Mà Bố Mẹ Nên Ghi Nhớ
-
Chia Sẻ Kinh Nghiệm Ăn Dặm Cho Bé 6 Tháng Tuổi Cực Hiệu Quả
-
Thực đơn ăn Dặm Cho Bé 6 Tháng Tuổi đúng Phương Pháp - MarryBaby
-
Thực đơn ăn Dặm Cho Bé 6 Tháng Tuổi Của Viện Dinh Dưỡng
-
Thực đơn ăn Dặm Cho Bé Từ 6 đến 12 Tháng Tuổi Của Viện Dinh Dưỡng
-
Thực đơn ăn Dặm Cho Bé 6 Tháng Tuổi Mau Tăng Cân - BURINE
-
Chế độ (thực đơn) ăn Dặm Cho Bé 6 Tháng Tuổi - POH