Thực Hiện Chiến Lược Như Thế Nào? | Vân Nguyên

Sau khi lựa chọn và quyết định chiến lược, doanh nghiệp chuyển từ giai đoạn xây dựng chiến lược sang giai đoạn thực hiện chiến lược, biến các ý đồ chiến lược trở thành hiện thực. Đây được xem là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình quản trị chiến lược, đòi hỏi tính kỷ luật cao, sự tận tụy và sự hy sinh của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp.

Nội Dung

Toggle
  • Vai trò và ý nghĩa của tổ chức thực hiện chiến lược
  • Nội dung triển khai thực hiện chiến lược
    • Rà soát lại các mục tiêu chiến lược
    • Thiết lập các mục tiêu hàng năm
    • Đảm bảo các nguồn lực
    • Xây dựng cơ cấu tổ chức gắn với việc thực hiện chiến lược
    • Triển khai thực hiện chiến lược
    • Kiểm tra và đánh giá
  • Một số vấn đề thường gặp khi tổ chức thực hiện chiến lược

Vai trò và ý nghĩa của tổ chức thực hiện chiến lược

Nhiệm vụ của việc tổ chức thực hiện chiến lược là kích thích các cấp quản trị và nhân viên làm việc hết mình, với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao, nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược đề ra.

Tổ chức thực hiện chiến lược là quá trình nhằm đảm bảo chiến lược được thực thi ở mọi khâu, tại mọi bộ phận trong doanh nghiệp. Do đó, việc tổ chức thực hiện chiến lược phải tạo ra sự phù hợp giữa các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp với các hoạt động hàng ngày và nhiệm vụ của từng bộ phận, tạo được sự phù hợp giữa các chức năng quản lý và những hoạt động quản lý hành chính.

Một mục tiêu khác của việc thực hiện chiến lược là tạo ra những phù hợp về tổ chức quản trị. Việc này nhằm đảm bảo các hệ thống quản trị và quá trình hoạt động kinh doanh phù hợp với mục tiêu chiến lược đặt ra, đồng thời tăng cường cho việc thực hiện chiến lược. Các hệ thống và các quá trình này bao gồm cơ cấu tổ chức, hệ thống thông tin quản trị, hệ thống khuyến khích động viên và hệ thống kiểm tra, quá trình ra quyết định quản trị.

Tổ chức thực hiện chiến lược còn liên quan đến nhiều nhiệm vụ khác như vấn đề đầu tư, phân phối nguồn vốn, phân bổ nguồn nhân sự,… Đây chính là lý do đòi hỏi trong quá trình triển khai, chủ doanh nghiệp phải tạo ra được một môi trường tổ chức thích hợp, có cơ chế hoạt động, hệ thống kích thích, tính tự chủ, mức độ trách nhiệm giữa các chi nhánh, các bộ phận trong doanh nghiệp nhằm đảm bảo theo đuổi được mục tiêu chiến lược chung.

Tùy vào quy mô và tính chất của từng loại hình doanh nghiệp, công tác tổ chức thực hiện chiến lược có nội dung khác nhau : thêm hay bớt một số phòng ban, bộ phận sản xuất, sự thay đổi trong bố trí nhân viên,… những hoạt động này lại có khác biệt giữa các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ ở những quy mô khác nhau.

Để tổ chức thành công, doanh nghiệp phải đảm bảo những yêu cầu sau:

  • Mục tiêu chiến lược và các kế hoạch triển khai phải được phổ biến và quán triệt đến tất cả cán bộ nhân viên tham gia.
  • Kế hoạch triển khai thực hiện phải được xác định rõ ràng.
  • Phải thu hút được sự tham gia đầy đủ và nhiệt tình của đông đảo đội ngũ cán bộ, nhân viên trong toàn doanh nghiệp, đảm bảo đủ nguồn lực cần thiết.
  • Xây dựng hệ thống thông tin quản lý trong nội bộ doanh nghiệp và hệ thống kiểm soát hữu hiệu trong việc theo dõi chặt chẽ tiến trình thực hiện chiến lược.

Nội dung triển khai thực hiện chiến lược

Tiến trình triển khai thực hiện chiến lược bao gồm 6 bước dưới đây. Thứ tự mỗi bước cần tuân thủ để đảm bảo chiến lược được thực thi hữu hiệu.

Rà soát lại các mục tiêu chiến lược

Bước quan trọng đầu tiên trong khi thực thi chiến lược là rà soát lại các kết quả phân tích đã thu được từ trước và các quyết định có liên quan đến mục tiêu chiến lược. Việc này nhằm đảm bảo chắc chắn rằng, những người chịu trách nhiệm thực hiện nắm bắt chính xác mục tiêu. Việc này được coi như bước đánh giá cuối cùng về tính đúng đắn và sự hợp lý của chiến lược đã đề ra.

Tất cả các bản phân tích, mục tiêu và chiến lược cần phải viết thành 02 bản kế hoạch triển khai. Sự thông hiểu thu được qua việc rà soát sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh mục tiêu chiến lược.

Thiết lập các mục tiêu hàng năm

Mục tiêu hàng năm là những cột mốc mà doanh nghiệp phải đạt được để đi tới mục tiêu dài hạn. Các mục tiêu này phải đo lường được, có định lượng, có tính thách thức, thực tế, phù hợp và có mức độ ưu tiên. Nó được đề ra ở cấp doanh nghiệp, bộ phận chức năng và các đơn vị trực thuộc, là sự phân chia mục tiêu tổng quát thành từng mục tiêu bộ phận. Từ đó làm cơ sở giao cho các đơn vị thành viên thực hiện, tạo nên sự chấp nhận và gắn bó giữa mọi người trong doanh nghiệp.

Các mục tiêu hàng năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện chiến lược. Nó được coi như những bản hướng dẫn cho hành động, được xác định bằng các chỉ tiêu : khả năng thu lợi nhuận, chỉ tiêu tăng trưởng và thị phần của từng bộ phận kinh doanh (theo khu vực địa lý, theo nhóm khách hàng và sản phẩm). Chúng cung cấp nguồn lý do chính đáng cho doanh nghiệp bằng việc chứng minh tính đúng đắn của các hoạt động với những người tham gia. Chúng cũng là những tiêu chuẩn hiệu quả, là một nguồn lực thúc đẩy và đồng nhất hóa nhân viên. Tạo ra các hoạt động để các cấp quản trị và nhân viên thực hiện công việc của mình.

Đảm bảo các nguồn lực

Sau khi rà soát và nhận thức thông suốt các chiến lược và kế hoạch hành động đề ra. Doanh nghiệp cần tiến hành phân phối các nguồn lực. Nguồn lực bao gồm nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo cho việc thực hiện chiến lược.

Mặc dù việc đánh giá tổng quát các nguồn lực là một công việc thường xuyên của phân tích tình hình nội bộ doanh nghiệp, nó đồng thời cũng là một khâu trong quá trình tổ chức thực hiện chiến lược trước khi phân bổ các nguồn lực. Việc này nhằm đảm bảo chắc chắn rằng, doanh nghiệp đã có hoặc có thể nhận được các nguồn lực với số lượng và chất lượng cần thiết cho việc thực hiện mỗi chiến lược đã chọn, từ đó có thể dự tính được những điều chỉnh cần thiết trong quá trình thực hiện.

Để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả, doanh nghiệp cần chú ý giải quyết các vấn đề sau:

  1. Tiến hành các hình thức cam kết thực hiện bằng được chiến lược của toàn bộ đội ngũ quản trị và nhân viên trong doanh nghiệp. Có như vậy mới có thể huy động tối đa nguồn nhân lực và đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tuy nhiên, để có được sự cam kết như vậy không phải dễ dàng. Điều này đòi hỏi ban lãnh đạo phải có những giải pháp nhằm khuyến khích và động viên nhân viên làm việc với tinh thần hăng say.
  2. Cân đối và điều chỉnh nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Có thể phải nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn cho nguồn nhân lực để thực hiện chiến lược một cách hiệu quả.
  3. Phân bổ nguồn nhân lực hợp lý. Cần phải nhấn mạnh rằng, việc thực hiện chiến lược không chỉ đơn giản là phân bổ nguồn nhân lực hợp lý cho các đơn vị hoặc phòng ban mà phải đảm bảo việc phân phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này. Các sai lầm doanh nghiệp thường mắc phải khi phân bổ nguồn nhân lực như : Bảo vệ quá đáng nguồn nhân lực; mục tiêu chiến lược và quan điểm của lãnh đạo đưa ra không rõ ràng; sợ rủi ro và thiếu kiến thức.

Đảm bảo và phân bổ nguồn vốn thường căn cứ vào chiến lược cấp công ty và đảm bảo được phân bố vào mục đích sử dụng hữu hiệu nhất. Phân bổ nguồn vốn cần phải tiến hành những vấn đề sau:

  1. Cần rà soát lại định hướng tổng quát của việc phân bổ vốn, xem xét các khoản chi đã hợp lý chưa, có thể hoàn thành được công việc mà chiến lược đặt ra chưa, ấn định các lĩnh vực chung cần hoặc không cần đầu tư vào.
  2. Phân tích nhu cầu về vốn như vốn lưu động hàng tồn kho, nợ phải trả, xem xét vấn để phân phối thu nhập, đồng thời lập ngân sách về vốn. Đây là công cụ quan trọng phục vụ cho việc thực hiện và kiểm tra quản lý vốn.
  3. Phân tích cơ cấu tài chính của doanh nghiệp trong việc thực hiện chiến lược kinh doanh. Cơ cấu tài chính ảnh hưởng đến chiến lược và mục tiêu lợi nhuận. Việc phân bổ các nguồn vốn cần căn cứ vào mục tiêu và chiến lược cụ thể. Phân tích cơ cấu tài chính nhằm kiểm tra tính hợp lý của cơ cấu hiện hành theo định kỳ. Khi cần thêm nguồn vốn mới, phải kiểm chứng lại cơ cấu tài chính mà doanh nghiệp mong muốn.

Xây dựng cơ cấu tổ chức gắn với việc thực hiện chiến lược

Để thực hiện chiến lược, doanh nghiệp cần phải xác định một cơ cấu tổ chức phù hợp nhằm bố trí sắp xếp nhân sự và công việc để có thể theo đuổi được các chiến lược của mình có hiệu quả nhất.

Triển khai thực hiện chiến lược

Quá trình triển khai chiến lược, suy cho cùng là những nỗ lực phối hợp tối ưu giữa 3 yếu tố : kỹ thuật, tác nghiệp và sản xuất. Việc này đòi hỏi nhà quản trị chiến lược phải tìm cách giảm phí đầu vào nhằm tăng giá trị đầu ra trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Sự phụ thuộc lẫn nhau trong quá trình thực hiện các mục tiêu và sự tranh thủ các nguồn lực có hạn khi triển khai chiến lược thường nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn nảy sinh khi các cấp quản trị và nhà hoạch định chiến lược phải lựa chọn cân nhắc giữa phát triển nóng trong ngắn hạn hay phát triển dài hạn; trọng tâm vào lợi nhuận hay thị phần; phát triển thị trường hay tập trung vào phát triển sản phẩm; tăng trưởng hay chỉ nên giữ ổn định…

Mâu thuẫn là không thể tránh khỏi, tuy nhiên mâu thuẫn không phải lúc nào cũng là xấu. Không có mâu thuẫn đôi khi là biểu hiện của sự thờ ơ khiến các cấp quản trị khó nhận biết những vấn đề nảy sinh trong nội bộ doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nhận biết và đưa ra những hiện pháp giải quyết mâu thuẫn trong quá trình thực hiện chiến lược cũng như những hoạt động sửa đổi và điều chỉnh.

Các chiến lược kinh doanh, đặc biệt là chiến lược mới, đòi hỏi phải có sự sửa đổi trong quá trình thực hiện. Ban lãnh đạo cần soạn thảo cặn kẽ và đề ra các sửa đổi bằng cách dự đoán sự mâu thuẫn và phản ứng có thể xảy ra trong doanh nghiệp.

Sự phản ứng thể hiện trên nhiều thái độ khác nhau như phản ứng ra mặt hoặc phản ứng không ra mặt. Ban lãnh đạo có thể trù tính được mức độ phản ứng đối với một thay đổi nào đó nhờ sử dụng phương pháp dự báo và thu nhập dữ liệu khác nhau, nhất là phương pháp Iắng nghe. Nếu thay đổi đột ngột và thái độ phản đối gay gắt đến mức làm tổn hại nhiều đến khả năng thành công, ban lãnh đạo cần xem xét vấn đề sửa đổi chiến lược.

Kiểm tra và đánh giá

Quản trị chiến lược là một quá trình năng động, nó phải tạo được điều kiện để thực hiện thành công chiến lược. Ngay từ khi xây dựng chiến lược, doanh nghiệp phải nhận thức được rằng cần có những sửa đổi điều chỉnh chiến lược khi cần thiết. Tránh những sửa đổi lớn mang tính ồ ạt, nhưng cũng cần phải xem xét sự cần thiết phải điều chỉnh trong tình thế bắt buộc, đánh giá việc thực hiện chiến lược là cơ hội để đánh giá lại chiến lược của doanh nghiệp.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, doanh nghiệp cần có những kiểm tra đánh giá cụ thể và có những can thiệp hoặc sửa đổi phù hợp. Tuy nhiên, không nên sửa đổi chiến lược mỗi khi phát sinh những vấn đề không đáng kể. Chỉ nên sửa đổi chiến lược sau khi đã đánh giá cặn kẽ, cân nhắc kỹ lưỡng và thấy rằng chiến lược mới có thể đem lại nhiều lợi ích hơn hẳn so với chiến lược hiện tại.

Một số vấn đề thường gặp khi tổ chức thực hiện chiến lược

Nếu như trong xây dựng chiến lược, đặt vị trí các nguồn lực trước các hành động và nhấn mạnh đến hiệu quả về tài chính thì tổ chức thực hiện lại coi hoạt động quản trị trong công việc và nhấn mạnh đến hiệu quả tác dụng.

Nếu quá trình xây dựng chiến lược đòi hỏi kĩ năng phân tích tốt và cần sự hợp tác của số ít cán bộ tham mưu thì tổ chức thực hiện chiến lược lại đòi hỏi sự hợp tác của đội ngũ quản trị có kỹ năng lãnh đạo và khả năng khuyến khích động viên mọi người cùng tham gia.

Việc thực hiện chiến lược sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu đội ngũ quản trị và nhân viên đều hiểu được chiến lược, cảm nhận mình là bộ phận trong đó thông qua việc tham gia vào các hoạt động thực hiện chiến lược. Các vấn đề nảy sinh trong tổ chức thực hiện chiến lược thường xuất phát từ việc chuyển giao này.

Do các hoạt động thực hiện chiến lược ảnh hưởng đến tất cả các nhân viên và đội ngũ quản trị trong doanh nghiệp, mọi bộ phận và các phòng ban phải xác định những công việc cần làm để thực hiện phần việc của mình một cách tốt nhất.

Từ khóa » Chiến Lược Của Tổ Chức Là Gì