Thực Hiện Công Việc Không Có ủy Quyền Là Gì? Cho Ví Dụ?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Một số quy định về ủy quyền:
    • 1.1 1.1. Khái niệm ủy quyền:
    • 1.2 1.2. Các trường hợp không được ủy quyền:
  • 2 2. Một số quy định về thực hiện công việc không có ủy quyền:
    • 2.1 2.1. Thực hiện công việc không có ủy quyền là gì?
    • 2.2 2.2. Nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền:
    • 2.3 2.3. Nghĩa vụ của người có công việc được thực hiện:
      • 2.3.1 – Thứ nhất: Nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện cho người thực hiện công việc:
      • 2.3.2 – Thứ hai: Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người thực hiện công việc:
    • 2.4 2.4. Điều kiện để xác định việc thực hiện công việc không có ủy quyền:
    • 2.5 2.5. Chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền:
  • 3 3. Ví dụ về việc thực hiện công việc không có ủy quyền:

1. Một số quy định về ủy quyền:

1.1. Khái niệm ủy quyền:

Theo quy định của pháp luật, ủy quyền được định nghĩa là việc một bên giao cho một người khác thay mặt mình sử dụng quyền mà mình có được một cách hợp pháp. Quan hệ ủy quyền thường là quan hệ giữa các cá nhân với nhau và mang tính chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các chủ thể có mối quan hệ quen biết trong đời sống xã hội.

Hay ta có thể hiểu đơn giản như sau, việc ủy quyền là một người nhờ một người là người khác hay còn gọi là người được ủy quyền thay mặt mình giải quyết công việc.

Theo quy định pháp luật, trong quan hệ đại diện theo ủy quyền người được ủy quyền nhân danh người ủy quyền thực hiện giao dịch dân sự với người thứ ba. Chính bởi vì vậy mà giao dịch dân sự do người được ủy quyền xác lập thực hiện phát sinh giữa người ủy quyền với người thứ ba chứ không phải giữa người được ủy quyền với người thứ ba.

1.2. Các trường hợp không được ủy quyền:

Theo quy định của pháp luật hiện hành quy định những trường hợp sau đây không được ủy quyền, cụ thể bao gồm:

– Các chủ thể không được ủy quyền đối với việc đăng ký kết hôn quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 18 Luật Hộ tịch 2014.

– Các chủ thể không được ủy quyền đối với việc ly hôn. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và Gia đình thì họ là người đại diện quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

– Các chủ thể không được ủy quyền cho người khác công chứng di chúc của mình quy định cụ thể tại Điều 56 Luật Công chứng 2014.

– Các chủ thể không được ủy quyền cho người khác gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng.

– Các chủ thể không được ủy quyền cho người khác trong trường hợp quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng vụ việc. Người được ủy quyền cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người ủy quyền mà quyền, lợi ích hợp pháp của người được ủy quyền đối lập với quyền, lợi ích của người ủy quyền quy định cụ thể tại Điểm a Khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Xem thêm: Quy định về thực hiện công việc không có ủy quyền

– Các chủ thể không được ủy quyền cho người đang được ủy quyền bởi một đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền, lợi ích đối lập với người sẽ ủy quyền. Nếu người được ủy quyền đang là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho đương sự khác mà quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền, lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc quy định cụ thể tại Điểm b khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

– Một số trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Một số quy định về thực hiện công việc không có ủy quyền:

2.1. Thực hiện công việc không có ủy quyền là gì?

Theo Điều 574 Bộ luật dân sự 2015 đã đưa ra định nghĩa về thực hiện công việc không có ủy quyền như sau:

“Điều 574. Thực hiện công việc không có ủy quyền

Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.”

Như vậy, ta có thể hiểu, theo quy định của pháp luật thì thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người tự ý thực hiện công việc của người khác, vì lợi ích của người khác mà không dựa trên cơ sở hợp đồng thực hiện công việc đó.

Thông thường, một người sẽ không có quyền can thiệp vào công việc của người khác, không có quyền làm các công việc của người khác dựa theo ý chí chủ quan của mình mà không được người có công việc đó chấp nhận. Tuy nhiên, ta nhận thấy, trên thực tế nếu việc thực hiện công việc đó hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc, nhằm mục đích giúp người có công việc mang lại lợi ích cho họ thì cần được pháp luật thừa nhận. Đây cũng chính là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta từ xưa đến nay nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc gặp khó khăn hoặc khi các chủ thể có công việc không tự mình thực hiện được công việc của mình.

2.2. Nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền:

Theo quy định tại Điều 575 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền nội dung như sau:

– Người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền trong phạm vi phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.

– Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc của người có công việc như công việc của chính mình.

Xem thêm: Nghĩa vụ thực hiện công việc khi không có ủy quyền

– Trong trường hợp nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định của người có công việc.

– Người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú hoặc trụ sở của người đó.

– Trong trường hợp người có công việc được thực hiện chết, đối với trường hợp là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.

– Đối với trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc cho người có công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc đó.

2.3. Nghĩa vụ của người có công việc được thực hiện:

Người có công việc được thực hiện có các nghĩa vụ sau đây:

– Thứ nhất: Nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện cho người thực hiện công việc:

Người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, đối với cả trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của người có công việc.

Người có công việc được thực hiện cần phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối nhận thù lao đó.

– Thứ hai: Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người thực hiện công việc:

Khi người thực hiện công việc không ủy quyền cố ý gây ra những thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện.

Đối với trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền do vô ý mà gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc, người thực hiện công việc có thể được giảm mức bồi thường.

2.4. Điều kiện để xác định việc thực hiện công việc không có ủy quyền:

Để xác định việc thực hiện công việc không có ủy quyền thì phải bao gồm đầy đủ các điều kiện sau đây:

Xem thêm: Phân biệt thực hiện công việc có ủy quyền và không có ủy quyền

+ Thứ nhất, người thực hiện công việc không có ủy quyền là người hoàn toàn không có nghĩa vụ phải thực hiện công việc đó nhưng đã thực hiện công việc đó. Nghĩa vụ ở đây là nghĩa vụ pháp lý do luật định hoặc do các bên thỏa thuận.

+ Thứ hai, việc thực hiện công việc đó phải hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc, nếu người thực hiện công việc vì lợi ích của mình hoặc của người khác thì không áp dụng chế định này.

+ Thứ ba, người có công việc được thực hiện không biết hoặc biết mà không phản đối việc thực hiện đó. Nếu người có công việc phản đối mà bên kia vẫn tiếp tục thực hiện thì  không thuộc chế độ này. Tuy nhiên, ý nguyện của người thực hiện công việc không được trái pháp luật và trái đạo đức xã hội.

2.5. Chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền:

Việc thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt trong trường hợp cụ thể sau đây:

– Việc thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt theo yêu cầu của người có công việc được thực hiện.

– Việc thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt khi người có công việc được thực hiện, người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện tiếp nhận công việc.

– Việc thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt khi người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc theo quy định.

– Việc thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt khi người thực hiện công việc không có ủy quyền chết, nếu là cá nhân hoặc pháp nhân thì sẽ chấm dứt tồn tại.

3. Ví dụ về việc thực hiện công việc không có ủy quyền:

Bà A và bà B là hàng xóm. Khi nói chuyện với nhau bà A  đã nói với bà B là vài ngày nữa sẽ cắt rau bán cho C theo thỏa thuận đã có giữa hai bên trước đó. Tuy nhiên, khi tới ngày thu hoạch thì bà A do có công việc đột xuất nên không có mặt ở nhà. Thấy có D đến hỏi mua rau với giá cao hơn của C mua nên bà B đã tự ý cắt rau bán cho D, mặc dù đã biết A có ý định bán cho C nhưng B lại làm trái với ý chí của A nên nếu xảy ra thiệt hại B có trách nhiệm bồi thường cho A bởi vì trong quá trình thực hiện công việc không có ủy quyền, người thực hiện gây ra thiệt hại cho người có công việc thì phải có trách nhiệm bồi thường cho người có công việc, nếu do lỗi vô ý mà gây ra thiệt hại căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc người đó có thể giảm mức bồi thường quy định cụ thể tại Điều 577 Bộ luật dân sự 2015.

Trong trường hợp này, bà B cần làm đúng theo thỏa thuận trước đó giữa bà A và bà C, tức là thực hiện công việc không có ủy quyền là bà B sẽ thay mặt bà A bán rau cho bà C.

Từ khóa » Ví Dụ Về Uỷ Quyền