Thực Hiện Nghĩa Vụ Theo định Kỳ Là Gì? - Luật Hoàng Anh

1.Căn cứ pháp lý

Trong quan hệ nghĩa vụ, người mang nghĩa vụ đôi khi phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong một quãng thời gian nhất định, khoảng thời gian này có tính chất lặp đi lặp lại. Trường hợp đó gọi là thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ. Điều 282 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ như sau:

“Điều 282. Thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ Nghĩa vụ được thực hiện theo định kỳ theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ”.

2.Nội dung

Theo từ điển Tiếng việt thì “định kỳ” hay “định hạn” là kỳ hạn đã định, còn “kỳ hạn” nghĩa là giao ước trong một khoảng thì giờ nhất định[1]. Như vậy, thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ là việc thực hiện nghĩa vụ trong một quãng thời gian nhất định, khoảng thời gian đó có hạn định và tính chất chất lặp đi lặp lại theo kỳ. Nghĩa vụ được thực hiện theo định kỳ được tiến hành như sau: -Thực hiện theo thỏa thuận: Quan hệ nghĩa vụ phát sinh dựa trên thỏa thuận của các bên, do đó các bên cũng có quyền thỏa thuận về việc đưa ra một khoảng thời gian hợp lý để thực hiện nghĩa vụ, thông qua việc thống nhất ý chí với nhau hoặc chấp thuận ý chí của nhau. Ví dụ: A ký hợp đồng bán nước cho B, trong hợp đồng có thỏa thuận về việc hằng ngày vào đúng 6h sáng, A phải chở nước đến cho B. Đây là trường hợp các bên thống nhất ý chí với nhau, bằng cách thỏa thuận định ra một thời gian có tính chất định kỳ để thực hiện nghĩa vụ. Thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ cũng có thể được thực hiện thông qua việc các bên chấp nhận ý chí của nhau, điều này dễ thấy trong các hợp đồng theo mẫu. Ví dụ: A vay vốn của ngân hàng B. Trong hợp đồng tín dụng có điều khoản quy định A có trách nhiệm thanh toán tiền lãi trên nợ gốc vào ngày 15 hàng tháng. Trong trường hợp này A không có quyền lựa chọn thay đổi khoảng thời gian thực hiện nghĩa vụ trả tiền, mà phải chấp nhận ý chí của ngân hàng B. -Theo quy định của cơ quan có thẩm quyền: Nhà nước can thiệp vào thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ của các chủ thể bằng các quy định của pháp luật. Ví dụ: Pháp luật đất đai quy định doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm có trách nhiệm trả tiền thuê đất hằng năm. Theo đó, chủ thể mang nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng, đầy đủ theo quy định của pháp luật. -Theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: đây cũng là sự can thiệp ý chí của Nhà nước bắt buộc chủ thể có nghĩa vụ phải thực hiện, tuy nhiên thay vì quy định trong các văn bản pháp luật, ý chí của Nhà nước được thực hiện thông qua quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Thông qua việc ban hành các quyết định, cơ quan có thẩm quyền ấn định một kỳ hạn hợp lý mà các bên phải tuân theo. Ví dụ: Tòa án yêu cầu con cái phải trả tiền cấp dưỡng hàng tháng cho bố mẹ già yếu,…. Bên mang nghĩa vụ có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn trong các kỳ hạn thực hiện nghĩa vụ. Việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ. Tức, nếu bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn ở kỳ này nhưng đến kỳ sau lại chậm thực hiện nghĩa vụ thì cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ. Vì thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ mang tính liên tục, nghĩa vụ gắn với chủ thể từ khi bắt đầu đến khi kết thúc việc thực hiện nghĩa vụ. Việc họ đã thực hiện nghĩa vụ ở kỳ này không đồng nghĩa với việc họ sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình ở kỳ sau, điều đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên có quyền trong kỳ hạn nười có nghĩa chậm thực hiện nghĩa vụ. Ví dụ: A vay vốn của ngân hàng, hàng tháng có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi theo đúng thời hạn thỏa thuận. Trong 03 tháng đầu A thanh toán tiền lãi đúng hạn và đầy đủ, tuy nhiên, sang tháng thứ 04 A bắt đầu chậm thực hiện nghĩa vụ của mình, việc đó làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Do đó, việc chậm thực hiện nghĩa vụ theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ. Việc xử lý trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa được thực hiện theo quy định pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên. Trong ví dụ trên, A có thể sẽ phải thanh toán toàn bộ tiền lãi đã nợ đồng thời phải thanh toán luôn khoản tiền phạt trên số tiền lãi chậm trả, tùy vào hợp đồng tín dụng mà A đã ký kết với ngân hàng.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

[1] PGS.TS.Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS.Trần Thị Huệ,(2017), “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”,Nxb.Công an nhân dân

Từ khóa » Theo định Kỳ Là Gì