Thực Hiện Quy Tắc ứng Xử Trong Ngành Y Tế - Báo Hà Tĩnh

Điểm lại thành tựu nổi bật nhất của ngành y tế trong năm 2013 không thể không nhắc đến sự chuyển biến tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Có thể nói đó là một sự chuyển biến mang tính đột phá, cải thiện toàn diện chất lượng phục vụ để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn cho bệnh nhân KCB tự nguyện

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Viết Đồng – Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng KCB cùng với việc cải thiện cơ sở vật chất, phát triển kỷ thuật chuyên sâu thì việc thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành y tế giữ vai trò rất quan trọng. Trong thời gian qua, bệnh viện đặc biệt chú trọng đến nội dung này và đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp quyết liệt. Bệnh viện đã chú trọng nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho cán bộ công nhân viên; quan tâm tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục y đức gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kịp thời động viên, khích lệ tinh thần cán bộ… Đồng thời, Bệnh viện cũng đã thực hiện xiết chặt kỷ cương, kỷ luật, tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện cải cách thủ tục hành chính; chỉnh trang, bổ sung các bảng chỉ dẫn, bố trí người hướng dẫn… tất cả đều hướng đến một mục tiêu: giảm phiền hà, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh”.

Tại các Bệnh viện chuyên khoa, các bệnh viện đa khoa huyện, thị, thành phố việc thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành y tế cũng đặc biệt được chú trọng. Đặc biệt, từ sau khi thực hiện áp giá viện phí mới, để đáp ứng sự hài lòng cũng như để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, hầu hết các Bệnh viện đều tích cực cải thiện các hoạt động, thực hiện tốt qui tắc ứng xử trong ngành y tế. Nhiều giải pháp tích cực được tiến hành tại các Bệnh viện như bổ sung, treo mới các sơ đồ, bảng biểu hệ thống các khoa, phòng dễ thấy, dễ hiểu, dễ làm theo; bố trí người chỉ dẫn cho bệnh nhân; bố trí nhân viên hướng dẫn và đưa bệnh nhân vào khoa điều trị; qui định địa điểm phát số thứ tự; bố trí đủ số ghế ngồi chờ khám; cải thiện cảnh quan thân thiện với người bệnh… Hình ảnh các nhân viên y tế cũng đã được cải thiện. Thân thiện hơn khi tiếp xúc với người bệnh; sẵn lòng chỉ dẫn, tư vấn, khám và chăm sóc người bệnh; không còn tình trạng gợi ý người bệnh, người nhà đưa tiền, quà…

Điều đáng mừng hơn là không chỉ dừng lại ở những kết quả đã đạt được mà mỗi cán bộ công nhân viên y tế cũng như các bệnh viện còn ý thức rõ về những hạn chế, tồn tại hiện nay để tìm giải pháp khắc phục. Bác sỹ Nguyễn Văn Thắng - phụ trách điều dưỡng của ngành tâm sự: “Cùng với việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị của bác sỹ thì việc nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh của đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh được coi là môt chiến lược quan trọng để tăng cường sự tiếp cận của người nghèo với các dịch vụ y tế cũng như đảm bảo công bằng xã hội trong y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và làm tăng uy tín của bệnh viện. Tuy nhiên, công tác điều dưỡng hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức. Tính chủ động trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của điều dưỡng, hộ sinh chưa cao. Đặc biệt, kỹ năng giao tiếp, động viên, giải thích, tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh còn yếu, chưa thực sự đồng cảm với người bệnh. Để cải thiện tình trạng này, chúng tôi đã tham mưu cho Ban Giám đốc Sở một số giải pháp chỉ đạo khắc phục, trong đó chú trọng nâng cao kỹ năng giao tiếp với người bệnh, người nhà bệnh nhân; sửa đổi những hành vi giao tiếp và lời nói do thói quen, tập quán không phù hợp; thực hiện tốt “3 không” (không nặng lời, không thờ ơ, không từ chối khi người bệnh cần) và “3 có” (chào, mời và giới thiệu) khi giao tiếp với bệnh nhân”…

Sự hài lòng của người bệnh tỷ lệ thuận với sự phát triển và tăng trưởng của Bệnh viện. Vì vậy, trong hội nghị CLB Giám đốc các Bệnh viện khu vực phía Bắc được tổ chức tại Hà Tĩnh mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã khẳng định quyết tâm tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong ngành y tế. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Muốn thay đổi chân dung người thầy thuốc trong mắt nhân dân thì phải thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong ngành y tế. Nội dung này phải được tập trung đẩy mạnh, quyết liệt thực hiện; phải thay đổi hình ảnh chân dung người thầy thuốc Việt Nam trong mắt nhân dân trong một vài năm tới”.

Để thực hiện tốt qui tắc ứng xử trong ngành y tế, thiết nghĩ, ngành y tế Hà Tĩnh cũng như các Bệnh viện cần tiếp tục nỗ lực, trong đó cần tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp: Thiết lập mối quan hệ truyền thống “Thầy thuốc – người bệnh”; nâng cao kỹ năng giao tiếp, thông tin cho người bệnh đầy đủ, đúng mức và kịp thời; không để người bệnh mặc cảm với những khác biệt về sự công bằng; phòng ngừa sự cố y khoa và đảm bảo an toàn người bệnh; tiếp tục cải cách hành chính, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.

Về phía người bệnh và người nhà bệnh nhân, cần tôn trọng cán bộ nhân viên y tế; thực hiện nếp sống vệ sinh trong Bệnh viện; giữ gìn an ninh trật tự trong Bệnh viện; tuyệt đối không hút thuốc lá trong Bệnh viện; không đưa tiền, quà cho cán bộ công nhân viên y tế trước và trong quá trình khám chữa bệnh.

Từ khóa » đáp An Quy Tắc ứng Xử Trong Ngành Y Tế