Thực Hư Về Bức ảnh Hoa Hậu Đỗ Thị Hà 'thất Lễ', Hiệu Trưởng 'khúm ...

Thực hư về bức ảnh hoa hậu Đỗ Thị Hà ‘thất lễ’, hiệu trưởng ‘khúm núm’ - Ảnh 1.

Bức ảnh đang nhận nhiều chê trách thầy giáo khúm núm, hoa hậu thất lễ - Ảnh: Báo Tiền Phong

Trước khi các em đi thi Hoa hậu Việt Nam thì nhà trường có tổ chức gặp mặt động viên, khi các bạn đạt thành tích trở về nhà trường cũng cần gặp mặt. Từ trước đến nay các đoàn học sinh giỏi đi thi về thì nhà trường đều có buổi gặp mặt, khen thưởng, đó là điều rất bình thường. Huống hồ bao nhiêu năm nhà trường mới có một sinh viên đạt danh hiệu hoa hậu như Đỗ Thị Hà.

PGS.TS Phạm Hồng Chương - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân

Hôm nay, 9-12, nhiều Fanpage và Facebooker cùng chia sẻ những bức hình chụp trong một phòng tiếp khách của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong đó nổi bật lên hình ảnh tân hoa hậu Đỗ Thị Hà đội vương miện, mặc áo dài màu vàng đang ngồi nghiêm trang trên một trong hai ghế chủ tọa.

Cũng trong bức ảnh này, thầy hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân ở ghế chủ tọa bên cạnh, nhưng không ngồi, mà đứng chắp tay phía trước, tư thế đang phát biểu một cách trịnh trọng và có phần khiêm nhường, "khúm núm".

Đó là hình ảnh về "thăm trường" lần đầu tiên sau đăng quang hoa hậu của Đỗ Thị Hà vào sáng 8-12 cũng với cha mẹ cô, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 và thầy, trò Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nơi Đỗ Thị Hà đang theo học năm thứ hai.

Một số bài đăng trên mạng xã hội bình luận về bức ảnh này khá gay gắt, cho rằng "thầy đứng nói trước trò như trong bức hình" là không thuận mắt. Bên cạnh đó, có tranh luận về vị trí ngồi chính giữa của hoa hậu.

Độc giả T.H. cho rằng hoa hậu chỉ nên ngồi ở vị trí trang trọng như vậy "khi cô đến với tư cách hoa hậu và bàn với nhà trường về một chương trình hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ nhà trường…".

Độc giả Y.N. góp ý phía ban tổ chức nên cố vấn cho thầy hiệu trưởng và hoa hậu để tạo ra hình ảnh đẹp hơn, tránh gây cảm giác "khúm núm" từ phía người thầy.

Độc giả A.V. phân tích: "Các trường đại học là nơi đào tạo, giáo dục, thì nên thiên về vinh danh các sinh viên đạt giải về nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước sẽ hợp lý hơn. Còn hoa hậu là cuộc thi sắc đẹp, thì các tổ chức bên ngoài xã hội tôn vinh sẽ hay hơn".

Ở phía ngược lại, cũng có nhiều ý kiến ôn hòa.

Độc giả Gia Bảo nói với Tuổi Trẻ Online: "Không nên chỉ từ một bức ảnh mà suy diễn theo hướng tiêu cực. Thái độ, cử chỉ nhún nhường của một con người đôi khi là biểu hiện của sự khiêm tốn, lịch sự, chứ không cho thấy họ kém hơn người đối diện. Hoa hậu về trường cũng là khách mời danh dự nên xứng đáng được tiếp đón chu đáo".

Độc giả này cho rằng từ khi đăng quang, hoa hậu Đỗ Thị Hà bước đầu tạo dựng được hình ảnh khá đẹp trong công chúng. Vừa qua, cô cũng được chào đón tại quê nhà Thanh Hóa.

Thực hư về bức ảnh hoa hậu Đỗ Thị Hà ‘thất lễ’, hiệu trưởng ‘khúm núm’ - Ảnh 4.

Tân hoa hậu Đỗ Thị Hà được xếp ngồi ghế trung tâm của buổi gặp mặt cùng với hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân - Ảnh: Trường đại học Kinh tế quốc dân

Liên hệ với PGS.TS Phạm Hồng Chương - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân - về bức ảnh gây "bão" này, Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều "đính chính".

Đầu tiên, ông Phạm Hồng Chương khẳng định đây không phải là cuộc về thăm trường của hoa hậu như các báo và mạng xã hội loan tin, mà là ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam "giao lại" sinh viên Đỗ Thị Hà cho nhà trường sau khi cô thực hiện các nghĩa vụ của một tân hoa hậu với các nhà tài trợ và các hoạt động thiện nguyện.

Bức ảnh chụp cuộc gặp gỡ giữa ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam với lãnh đạo nhà trường và hoa hậu Đỗ Thị Hà trước khi hoa hậu có buổi giao lưu nhỏ trong hội trường cùng cha mẹ, các thí sinh khác của trường cùng dự thi hoa hậu và các bạn bè cùng lớp, bạn cùng câu lạc bộ lễ tân nơi Đỗ Thị Hà từng tham gia như một công việc làm thêm.

Về chuyện đứng chắp tay "khúm núm" báo cáo trước sinh viên của mình, ông Phạm Hồng Chương "đính chính" không phải ông đang "báo cáo" với tân hoa hậu mà là ông đang đáp từ với nhà báo Lê Xuân Sơn - trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - sau khi ông này có phát biểu trao lại sinh viên Đỗ Thị Hà cho nhà trường để nhà trường có trách nhiệm giúp đỡ hoa hậu thực hiện trách nhiệm xã hội của một hoa hậu và quan trọng hơn là phải hoàn thành quá trình học tập.

Thông tin này cũng được ông Lê Xuân Sơn xác nhận với Tuổi Trẻ Online.

Ông Sơn cho biết cuộc gặp với lãnh đạo nhà trường thì chỉ có trao đổi giữa ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và thầy hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân chứ "hoa hậu có được nói gì đâu" mà thầy "báo cáo" trước trò.

"Cuộc trao đổi đấy ban tổ chức và nhà trường trao đổi với nhau để hỗ trợ hoa hậu Đỗ Thị Hà hoàn thành nhiệm vụ. Lúc đó thầy đang trao đổi với tôi là trưởng ban tổ chức chứ không phải là thầy báo cáo trước sinh viên hoa hậu", ông Lê Xuân Sơn nói.

Về vị trí ngồi ở ghế "chủ tọa" của Đỗ Thị Hà trong cuộc gặp với lãnh đạo nhà trường, ông Phạm Hồng Chương nói nhà trường quan niệm danh hiệu hoa hậu của Đỗ Thị Hà là một thành tích rất vui với nhà trường.

"Chúng tôi trân trọng bạn Hà là đúng vì bạn là một sinh viên có thành tích học tập tốt và phong cách sống chan hòa được bạn bè yêu mến… Một nữ sinh xuất phát từ nông thôn, con nông dân mà trở thành hoa hậu thì phải nói là chúng tôi rất trân trọng những người vượt qua khó khăn để đạt thành tích tốt như thế", ông Phạm Hồng Chương nói.

Ông cũng khẳng định cuộc gặp gỡ, giao lưu đã được nhà trường họp bàn kỹ lưỡng, tính toán tổ chức ấm cúng, không phô trương. Buổi giao lưu với tân hoa hậu không đến 100 người và sau buổi giao lưu thì sinh viên Đỗ Thị Hà tham gia thi ngay buổi chiều đó.

Tân hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà: Giọt nước mắt của bố cho Hà thêm động lực Tân hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà: Giọt nước mắt của bố cho Hà thêm động lực

TTO - Có tính tự lập từ khi còn nhỏ, việc Đỗ Thị Hà đăng ký thi Hoa hậu Việt Nam 2020 là do cô tự quyết định. Gia đình chỉ biết Hà tham gia cuộc thi này khi cô lọt vào vòng bán kết, được báo chí đưa tin.

Từ khóa » Hinh Anh Con Khum Num