Thực Phẩm Chức Năng Và 9 điều Bạn Biết - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- 1. Thực phẩm chức năng (TPCN) là gì?
- 2. Lợi ích của thực phẩm chức năng như thế nào?
- 3. Ai có thể sử dụng thực phẩm chức năng?
- 4. Nên sử dụng thực phẩm chức năng như thế nào?
- 5. Có bất kỳ rủi ro mà thực phẩm chức năng mang lại?
- 6. Ai chịu trách nhiệm về sự an toàn của thực phẩm chức năng?
- 7. Làm thế nào để trở thành người mua sắm thông minh?
- 8. Phải làm gì khi bị phản ứng nghiêm trọng?
- 9. Các loại thực phẩm chức năng phổ biến?
Thực phẩm chức năng (TPCN) được biết đến là mang tới nhiều lợi ích sức khỏe và có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Đó cũng là lý do mà hiện nay TPCN bán rất nhiều trên thị trường tại các cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị và trên cả internet. Không chỉ đa dạng hãng, thành phần, mà công dụng cũng rất phong phú và “thần thánh”. Vậy bạn biết gì về TPCN? Ngoài những lợi ích được quảng cáo thì TPCN có hại không? Hãy cùng Dược sĩ Trần Vân Thy tìm hiểu tổng quát về TPCN nhé!
1. Thực phẩm chức năng (TPCN) là gì?
Theo Thông tư 43/2014/TT-BYT, TPCN bao gồm:
- Thực phẩm bổ sung (Supplemented Food).
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Food Supplement, Dietary Supplement).
- Thực phẩm dinh dưỡng y học (Food for Special Medical Purposes, Medical Food).
- Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt (Food for Special Dietary Uses).
Cụ thể trong bài viết này, TPCN mà YouMed nói tới sẽ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng và các dạng chế biến khác có chứa một hoặc hỗn hợp của các chất sau đây:
- Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác;
- Hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, chất khoáng và nguồn gốc thực vật ở các dạng như chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.
2. Lợi ích của thực phẩm chức năng như thế nào?
TPCN có thể cung cấp các chất quan trọng mà cơ thể cần để hoạt động; thậm chí có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, TPCN là sản phẩm bổ sung, không thể thay thế cho một bữa ăn hoàn chỉnh. Vì vậy, việc đảm bảo rằng ăn đủ các nhóm thực phẩm lành mạnh vẫn quan trọng hơn.
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dinh Dưỡng, tải ngay ứng dụng YouMed.
TPCN được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định là thực phẩm, không phải là thuốc và không nhằm mục đích điều trị, chẩn đoán, phòng ngừa hoặc chữa bệnh. Ví dụ, TPCN không được đưa ra các tuyên bố như “hạ cholesterol” hoặc “điều trị bệnh tim”. Những chỉ định này chỉ hợp pháp cho thuốc, không phải cho TPCN. Có rất ít bằng chứng cho thấy TPCN có thể đảo ngược tiến trình của bất kỳ bệnh mãn tính nào.
Một số TPCN có thể kiểm soát và cải thiện sức khỏe tổng thể như:
- Canxi và vitamin D giúp xương chắc khỏe và giảm mất xương.
- Axit folic làm giảm nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh.
- Axit béo omega-3 từ dầu cá có thể có ích cho sức khỏe tim mạch.
- Sự kết hợp của vitamin C và E, kẽm, đồng, lutein và zeaxanthin có thể làm chậm quá trình mất thị lực ở những người bị thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.
3. Ai có thể sử dụng thực phẩm chức năng?
Mọi người dùng TPCN với suy nghĩ rằng có thể đảm bảo nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì và cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần bổ sung. Việc bổ sung nhóm chất nào còn tùy vào từng cá thể, cơ thể người này thiếu nhưng có thể với mình thì không.
Trước khi đưa ra quyết định có nên dùng loại TPCN nào đó hay không, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ.
4. Nên sử dụng thực phẩm chức năng như thế nào?
Bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ, dược sĩ, cũng như các nguồn thông tin đáng tin cậy về TPCN mà bạn đang xem xét và trả lời những câu hỏi sau:
- Những lợi ích tiềm năng của TPCN đó mang đến là gì?
- Nó có rủi ro, tác dụng phụ nào không?
- Liều lượng thích hợp để dùng là như thế nào?
- Tôi nên dùng nó như thế nào, khi nào và trong bao lâu?
Đối với vitamin và khoáng chất, hãy kiểm tra % giá trị hàng ngày để không nạp quá nhiều. Điều này giúp bạn đạt được sự cân bằng giữa các loại thực phẩm và chất dinh dưỡng mà bạn cần. Không nên để cơ thể thiếu nhưng cũng không nên để quá dư một nhóm chất nào.
Vì vậy, bạn không nên tự ý thực hiện một số hành động sau vì có thể có hại như:
- Kết hợp bổ sung nhiều loại TPCN.
- Sử dụng TPCN với thuốc (kê đơn hay không kê đơn).
- Thay thế thuốc kê đơn bằng TPCN.
- Lạm dụng TPCN.
5. Có bất kỳ rủi ro mà thực phẩm chức năng mang lại?
TPCN mang lại lợi ích cho bạn – nhưng đồng thời cũng có thể gây ra những rủi ro cho sức khỏe. Nếu đang cân nhắc sử dụng TPCN, bạn nên biết rằng:
TPCN trên thị trường có thể khác với mẫu thử nghiệm trong nghiên cứu.
TPCN có thể có tương tác với thuốc, ví dụ:
- Vitamin K có thể giảm tác dụng chống đông máu của warfarin.
- John’s wort có thể đẩy nhanh quá trình phân hủy thuốc, làm giảm hiệu quả của chúng (như một số thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc tim, thuốc chống HIV…).
- Các chất chống oxy hóa như vitamin C và E có thể giảm hiệu quả một số loại hóa trị ung thư.
- Các loại thảo mộc comfrey, kava có thể tổn thương gan nghiêm trọng.
Một số TPCN có thể ảnh hưởng tới quá trình phẫu thuật. Ví dụ:
- Tỏi, bạch quả, nhân sâm, vitamin E có thể tăng nguy cơ chảy máu.
- Kava và valerian có thể tăng tác dụng thuốc gây mê và các thuốc khác trong phẫu thuật.
Nhiều TPCN chưa được thử nghiệm ở trẻ em, phụ nữ mang thai, cho con bú.
Những thành phần được liệt kê trên nhãn TPCN có thể không phải là những gì có trong sản phẩm và ngược lại. Đã có một số sản phẩm giảm cân, tăng cường sinh lý hoặc tăng thể hình có chứa thuốc kê đơn không được phép dùng trong TPCN.
FDA không có thẩm quyền đánh giá tính an toàn và hiệu quả của TPCN trước khi bán ra thị trường. Quy tắc sản xuất và phân phối TPCN cũng không nghiêm ngặt như thuốc.
Vitamin, khoáng chất và các chất bổ có thể đã được thêm vào thực phẩm như ngũ cốc và đồ uống. Bổ sung quá mức cần thiết có thể gây hại, ví dụ:
- Quá nhiều vitamin A có thể gây đau đầu, tổn thương gan, yếu xương và dị tật bẩm sinh.
- Dư sắt gây buồn nôn, nôn, có thể hỏng gan và các cơ quan khác.
6. Ai chịu trách nhiệm về sự an toàn của thực phẩm chức năng?
Tại Mỹ, FDA không có trách nhiệm xem xét độ an toàn và hiệu quả của TPCN. Nhà sản xuất TPCN được yêu cầu có trách nhiệm:
- Đảm bảo chất lượng TPCN cũng như tồn dư ô nhiễm, tạp chất trước khi ra thị trường.
- Thông báo cho FDA trước khi tiếp thị nếu TPCN có chứa thành phần mới. Tuy nhiên, thông báo này chỉ được FDA xem xét (không có nghĩa là chấp thuận) về độ an toàn chứ không phải hiệu quả.
- Dán nhãn sản phẩm theo quy định Thực hành sản xuất tốt (cGMP) và ghi nhãn hiện hành.
- Báo cho FDA nếu xảy ra vấn đề nghiêm trọng liên quan đến TPCN như một tác dụng phụ.
FDA có thể loại TPCN khỏi thị trường nếu phát hiện không an toàn, hoặc nếu nhãn sản phẩm sai và gây hiểu lầm.
7. Làm thế nào để trở thành người mua sắm thông minh?
Hãy là một người mua hàng có hiểu biết. Một số gợi ý như sau:
- Nên chọn những TPCN có nguồn gốc rõ ràng, có tên và thông tin của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối để liên hệ khi cần.
- Khi tìm kiếm thông tin về TPCN trên internet, bạn nên sử dụng các trang web phi thương mại (như NIH, FDA, USDA) thay vì các trang web mang tính quảng cáo hay phụ thuộc vào người bán.
- Bạn nên tỉnh tảo xem xét nếu những thông tin quảng cáo từ công ty nghe có vẻ quá tốt. Nó có thể đã được thổi phồng công dụng. Hãy lưu ý đến các tuyên bố như “có tác dụng tốt hơn thuốc kê đơn”, “hoàn toàn an toàn” hoặc “không có tác dụng phụ”.
- Lưu ý, “tự nhiên” không phải lúc nào cũng có nghĩa là an toàn.
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ để biết được TPCN nào phù hợp với tình trạng của bạn.
Luôn nhớ – an toàn là trên hết!
8. Phải làm gì khi bị phản ứng nghiêm trọng?
Thông báo cho bác sĩ, dược sĩ nếu việc sử dụng TPCN khiến bạn hoặc thành viên trong gia đình gặp phản ứng hoặc bệnh nghiêm trọng (ngay cả khi bạn không chắc có phải do TPCN đó hay không).
Hãy tham khảo các bước sau:
- Ngừng sử dụng sản phẩm.
- Báo cáo vấn đề cho bác sĩ.
- Đến ngay bệnh viện gần nhất để được xử trí nếu nguy cấp, mang theo cả TPCN (có thể là vỏ bao, tờ hướng dẫn sử dụng hoặc phần còn sót lại) và những thứ mà bạn nghi ngờ nếu có thể.
- Liên hệ với nơi đã cung cấp TPCN của bạn để tìm hiểu cách xử lý vấn đề.
9. Các loại thực phẩm chức năng phổ biến?
Ngoài vitamin, TPCN có thể bao gồm các khoáng chất, axit amin, enzym, thảo mộc hoặc thực vật và nhiều thành phần khác. Các chất bổ sung phổ biến bao gồm:
- Vitamin: vitamin D, vitamin C, vitamin E, acid folic, vitamin B12…
- Khoáng chất: canxi, sắt,…
- Các loại thảo mộc: echinacea, nhân sâm, tỏi, bạch quả, trà xanh, St. John’s Wort, Saw Palmetto, dầu hạt lanh…
- Glucosamin, chondroitin sulphat,…
- Các sản phẩm như dầu cá, men vi sinh,…
Không thể phủ nhận những lợi ích mà TPCN đem đến cho cơ thể. TPCN có thể cung cấp các vitamin, khoáng chất thiết yếu và cả những chất hỗ trợ ngăn ngừa bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn không nên quá lạm dụng TPCN cũng như tự ý sử dụng mà không có một sự tham khảo nào từ bác sĩ, dược sĩ. Hãy trở thành một người tiêu dùng thông minh để TPCN mang lại nhiều tác dụng nhất cho bạn!
Từ khóa » Các Loại Thực Phẩm Chức Năng
-
Thực Phẩm Chức Năng Là Gì Và Các Loại Phổ Biến Hiện Nay | Medlatec
-
Thực Phẩm Chức Năng: Định Nghĩa, Lợi ích Và Công Dụng | Vinmec
-
Bổ Sung Thực Phẩm Chức Năng Thế Nào Cho đúng? | Vinmec
-
Thực Phẩm Chức Năng Là Gì? Bạn Cần Hiểu đủ để Dùng đúng
-
CÁCH PHÂN LOẠI THỰC PHẨM CHỨC NĂNG PHỔ BIẾN NHẤT
-
Top 10 Thực Phẩm Chức Năng Tăng Sức Đề Kháng Tốt Nhất 2022
-
Thực Phẩm Chức Năng Là Gì? Tất Cả Những Gì Bạn Cần Biết
-
TOP Các Loại Thực Phẩm Chức Năng Của Mỹ Tốt Nhất 2022
-
Những Thực Phẩm Chức Năng Nổi Tiếng Của Nhật Bạn Nên Bỏ Túi Ngay!
-
NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM PHỔ BIẾN VỀ THỰC PHẨM CHỨC ...
-
Thực Phẩm Chức Năng - Hasaki
-
5 Cách Phân Loại Thực Phẩm Chức Năng - Sức Khỏe
-
Phân Loại Theo Nhóm Thực Phẩm Chức Năng - Pharmacity