Thuế Chống Bán Phá Giá Là Gì? Quy định Về Thuế ... - Luật Dương Gia

Mục lục bài viết

  • 1 1. Thuế chống bán phá giá là gì?
  • 2 2. Quy định pháp luật về thuế chống bán phá giá mới nhất:
    • 2.1 2.1. Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá:
    • 2.2 2.2. Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá:
    • 2.3 2.3. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá:
    • 2.4 2.4. Công thức xác định hành vi bán phá giá:
  • 3 3. Xác định hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam:
  • 4 4. Thuế chống bán phá giá có gì khác so với thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ:

1. Thuế chống bán phá giá là gì?

Căn cứ theo Khoản 5 Điều 4 Luật Thuế  xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 quy định:

Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Lưu ý: Thuế chống bán phá giá không phải áp dụng đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu. Mà theo quy định của Pháp luật, thuế chỉ áp lên những mặt hàng được cho là nguy hại. Đặc biệt là ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước.

Ngoài ra, Luật Dương Gia giới thiệu một số định nghĩa có liên quan theo quy định pháp luật cụ thể:

Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

 Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm Điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

Phương pháp tính thuế hỗn hợp là việc áp dụng đồng thời phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và phương pháp tính thuế tuyệt đối.

Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm là việc xác định thuế theo phần trăm (%) của trị giá tính thuế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Phương pháp tính thuế tuyệt đối là việc ấn định số tiền thuế nhất định trên một đơn vị hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Thuế chống bán phá giá được dịch sang tiếng Anh có nghĩa là anti-dumping duty

Xem thêm: Nghị định 90/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 07 năm 2005

2. Quy định pháp luật về thuế chống bán phá giá mới nhất:

2.1. Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá:

– Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;

– Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

2.2. Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá:

– Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;

– Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện khi đã tiến hành Điều tra và phải căn cứ vào kết luận Điều tra theo quy định của pháp luật;

Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam;

– Việc áp dụng thuế chống bán phá giá không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế – xã hội trong nước.

2.3. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá:

Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá không quá 05 năm, kể từ ngày quyết định áp dụng có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có thể được gia hạn.

Luật Dương Gia giới thiệu dưới đây về cách thức, điều kiện áp thuế chống bán phá giá:

Để một quốc gia nhập khẩu tiến hành áp thuế chống bán phá giá đối với pháp nhân thương mại có hành vi bán phá giá của quốc gia xuất khẩu thì quốc giá nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện sau:

Quốc gia nhập khẩu phải mở quy trình điều tra chống bán phá giá một cách kỹ lưỡng, phù hợp với những quy trình tố tụng cụ thể, đồng thời phải chứng minh được 3 yếu tố sau:

– Thứ nhất, phải có hành vi bán phá giá. Đây là hành vi thực tế, xảy ra trên thị trường của quốc gia nhập khẩu.

– Thứ hai, có thiệt hại vật chất đáng kể xảy ra.

– Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá với thiệt hại vật chất.

Lưu ý: Các cuộc điều tra chống phá giá phải chấm dứt ngay lập tức nếu cơ quan có thẩm quyền xác định được rằng biên độ phá giá quá nhỏ dưới mức 2% giá xuất khẩu.

Các điều kiện khác cũng được nêu ra trong Hiệp định AD chẳng hạn như: Cơ quan có thẩm quyền cũng phải chấm dứt điều tra nếu hàng hóa nhập khẩu được bán phá giá với số lượng không đáng kể, tức lượng hàng xuất khẩu bán phá giá của một nước thấp hơn 3% tổng giá trị nhập khẩu của sản phẩm đó. Tuy nhiên, các cuộc điều tra AD có thể được tiếp tục nếu tổng lượng hàng xuất khẩu bán phá giá của những nước thuộc diện này chiếm ít nhất 7% tổng giá trị nhập khẩu.

Xem thêm: Chế tài của pháp luật đối với các doanh nghiệp bán phá giá

2.4. Công thức xác định hành vi bán phá giá:

Để xác định có hành vi bán phá giá hay không phải dựa trên biên độ bán phá giá trung bình.

– Công thức xác định biên độ bán phá giá:

[(NV – EP): EP]  x 100%

Trong đó:

+ NV là trị giá thông thường ở thị trường quốc gia xuất khẩu;

+ EP là giá xuất khẩu tại thị trường quốc gia nhập khẩu;

– Biên độ bán phá trung bình sẽ bằng trung bình cộng của các biên độ bán phá giá.

– Biên độ bán phá giá trung bình lớn hoặc bằng 2% thì kết luận là có hành vi bán phá giá.

+) Cách xác định EP. Trị giá EP có thể được xác định bằng các cách thức sau:

– EP = giá ghi trên hợp đồng xuất khẩu;

– EP = giá bán cho người mua hàng độc lập đầu tiên tại nước thứ 3;

– EP = giá do cơ quan có thẩm quyền xác định.

+) Cách xác định NV. Trị giá NV có thể được xác định bằng các cách thức sau:

– NV = giá tại thị trường quốc gia xuất khẩu;

– NV = giá mà quốc gia xuất khẩu bán cho quốc gia thứ 3;

– NV = ước lượng chi phí sản xuất tại quốc gia xuất khẩu;

– NV = ước lượng chi phí của quốc gia thứ 3 có điều kiện sản xuất tương tự như quốc gia xuất khẩu.

3. Xác định hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam:

Hàng hóa có xuất xứ từ nước hoặc vùng lãnh thổ bị coi là bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi là hàng hoá bán phá giá vào Việt Nam) nếu hàng hoá đó được bán với giá thấp hơn giá thông thường theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh số: 20/2004/PL-UBTVQH11.

Giá thông thường của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là giá có thể so sánh được của hàng hoá tương tự đang được bán trên thị trường nội địa của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường.

Trong trường hợp không có hàng hoá tương tự được bán trên thị trường nội địa của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hoặc có hàng hoá tương tự được bán trên thị trường nội địa của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu nhưng với khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa không đáng kể thì giá thông thường của hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam được xác định theo một trong hai cách sau đây:

Giá có thể so sánh được của hàng hoá tương tự của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu đang được bán trên thị trường một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường;

Giá thành hợp lý của hàng hoá cộng thêm các chi phí hợp lý khác và lợi nhuận ở mức hợp lý, xét theo từng công đoạn từ sản xuất đến lưu thông trên thị trường của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hoặc nước thứ ba.

Việc áp dụng thuế chống bán phá giá

Xem thêm: Chống bán phá giá là gì? Các biện pháp chống bán phá giá?

Thẩm quyền ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời là của Bộ trưởng Bộ Thương mại. Việc ra quyết định phải dựa trên căn cứ kế luận sơ bộ. Dựa trên căn cứ kết luận sơ bộ đó, thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng nhưng không được vượt quá biên độ bán phá giá.

Trước khi áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá, Bộ trưởng bộ thương mại có thể ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời. Việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời được quy định tại Điều 20 Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 như sau:

“1. Sau sáu mươi ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra, căn cứ vào kết luận sơ bộ, Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời

2. Thuế suất thuế chống bán phá giá tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận sơ bộ

3. Thuế chống bán phá giá tạm thời có thể được bảo đảm thanh toán bằng tiền mặt đặt cọc hoặc được bảo đảm bằng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật

4. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời không được quá một trăm hai mươi ngày, kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp này

5. Khi có yêu cầu của các nhà xuất khẩu hàng hóa tương tự, Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhưng không quá sáu mươi ngày.”

4. Thuế chống bán phá giá có gì khác so với thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ:

Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ đều là những loại thuế nhập khẩu. Và áp dụng đối với những hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Nhưng mỗi loại thuế lại có những đặc điểm riêng. Sau đây là một số điểm khác nhau cơ bản nhất:

– Như đã nêu ở trên, thuế chống bán phá giá là thuế được áp dụng lên những hàng hóa nhập khẩu. Nhưng những hàng hóa này tiềm ẩn nguy cơ làm nguy hại đến nền sản xuất ở trong nước.

– Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung. Áp thuế đối với những hàng hóa được trợ cấp khi nhập khẩu vào Việt Nam. Những hàng hóa này có thể gây nguy hại đến ngành sản xuất trong nước.

– Thuế tự vệ là cũng là thuế nhập khẩu bổ sung. Nhưng trường hợp áp dụng của nó lại khác hai trường hợp trên. Thuế này áp lên những hàng hóa nhập khẩu quá mức vào Việt Nam. Và việc hàng hóa này có thể gây nguy hại đến ngành sản xuất trong nước.

*Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016;

Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 20/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004 về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Từ khóa » Chống Phá Giá Tiếng Anh Là Gì