Thuốc Canxi Cho Bà Bầu: Những Tiêu Chí Vàng Khi Lựa Chọn - Procare

Bổ sung canxi cho bà bầu sẽ giúp phòng ngừa bệnh loãng xương cho mẹ và thai nhi được hình thành khung xương chắc khỏe. Do đó, nếu mẹ bầu thiếu canxi có thể khiến cơ thể bị đau nhức, mệt mỏi, thường xuyên bị chuột rút còn bào thai bị suy dinh dưỡng, khi sinh ra bị còi xương, lùn thấp bẩm sinh. Tuy canxi có vai trò quan trọng với sức khỏe của mẹ và bé trong suốt quá trình mang thai nhưng nếu bổ sung không đúng cách sẽ dẫn đến nhiều hệ quả xấu.

Vậy, thuốc canxi cho bà bầu khi nào bổ sung là tốt nhất? Từ tháng nào đến tháng nào? Uống trong thời gian bao lâu? Và cần bổ sung bao nhiêu là đủ? Tiêu chí chọn lựa thuốc canxi phù hợp nhất… Tất cả các thắc mắc về trên sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây, mời các bạn tham khảo.

Thuốc canxi cho bà bầu: những tiêu chí vàng khi lựa chọn 1

Mục lục

  • 1. Bổ sung canxi cho bà bầu từ tháng thứ mấy?
  • 2. Bà bầu nên uống Canxi thời gian nào là tốt nhất?
  • 3. Lượng Canxi trong một ngày cho bà bầu là bao nhiêu?
  • 4. Thực phẩm bổ sung canxi cho bà bầu
  • 5. Bà bầu nên uống thuốc bổ sung canxi loại nào tốt?
  • 6. Bà bầu uống thuốc bổ sung Canxi có tác dụng phụ không?
  • 7. Những lưu ý khác khi bà bầu cần uống canxi khi mang thai

1. Bổ sung canxi cho bà bầu từ tháng thứ mấy?

Thực tế thì nhu cầu bổ sung canxi cho bà bầu cần thiết cho cả quá trình mang thai, từ lúc bắt đầu hình thành cho đến khi sinh nở. Vì vậy, bà bầu cần phải bổ sung canxi đầy đủ ngay từ khi bắt đầu mang thai đến hết thai kỳ để thai nhi phát triển tốt nhất hoặc đến khi sinh con được 6 tháng nếu có điều kiện. Tuy nhiên, nhu cầu canxi ở mỗi giai đoạn không giống nhau, mẹ nên lưu ý để bổ sung Canxi phù hợp cho mỗi giai đoạn.

Nếu bổ sung chế độ dinh dưỡng thiếu canxi thì thai nhi sẽ lấy canxi trực tiếp từ xương của người mẹ. Làm tăng nguy cơ loãng xương cho mẹ sau này; đồng thời thiếu canxi khiến trẻ còi xương, chậm lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mẹ và con.

➤ Tham khảo thêm: Tại sao bạn cần bổ sung canxi khi mang thai

2. Bà bầu nên uống Canxi thời gian nào là tốt nhất?

Khi uống Canxi, bà bầu cần lưu ý một số điểm quan trọng sau :

  • Thời điểm uống Canxi tốt nhất là sau bữa sáng khi cơ thể có nhiều cơ hội tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc bữa trưa khoảng 1 giờ đồng hồ để canxi có đủ thời gian chuyển vào đích là khung xương. Hạn chế uống canxi vào buổi tối, ít hoạt động sẽ dẫn tới sỏi thận hoặc cặn thận.
  • Để canxi hấp thu tốt hơn, mẹ nên uống canxi kết hợp với Vitamin D và Mg.
  • Chỉ nên uống tối đa 500mg canxi nguyên tố/lần bởi thực tế là khả năng hấp thu canxi của cơ thể càng giảm khi hàm lượng canxi bổ sung mỗi lần càng cao. Và cơ thể chúng ta hấp thu tốt khi ở liều <500mg canxi nguyên tố/lần mà thôi. Có thể chia nhỏ lượng canxi cần bổ sung trong ngày thành nhiều lần để tăng cường hấp thu.
  • Canxi bổ sung với liều >300mg canxi nguyên tố/lần làm cản trở hấp thu sắt, Kẽm. Vì vậy, không nên uống canxi cùng thời điểm với uống bổ sung sắt, kẽm hay thuốc bổ tổng hợp. Nên uống cách xa tối thiểu 2h để thuốc được hấp thu tốt nhất.

3. Lượng Canxi trong một ngày cho bà bầu là bao nhiêu?

3. Lượng Canxi trong một ngày cho bà bầu là bao nhiêu? 1

Nhu cầu canxi ở mỗi giai đoạn thai kỳ là khác nhau, hơn nữa thực phẩm đã cung cấp một lượng canxi đáng kể. Chinh vì vậy, cần bổ sung bao nhiêu canxi phụ thuộc vào tình hình sức khỏe thai kỳ thực tế và lượng canxi mà chế độ ăn hàng ngày đã cung cấp:

  • Nhu cầu Canxi 3 tháng đầu thai kỳ (tháng 1, 2, 3): 800-1000mg/ngày (các tuần: 1-> tuần thứ 14)
  • Nhu cầu Canxi 3 tháng đầu giữa thai kỳ (tháng thứ 4, 5, 6): 1000-1200mg/ngày (tuần: 15-> đến tuần  28)
  • Nhu cầu Canxi cho 3 tháng cuối thai kỳ (tháng 7, 8, 9): 1200-1500mg/ngày (tuần: 29-> tuần 40)

Một chế độ ăn thông thường cung cấp trung bình khoảng 500-600mg canxi nguyên tố/ngày. Như vậy, ở những ngày đầu mang thai, nếu có chế độ ăn tốt thậm chí bạn có thể chưa cần bổ sung thêm canxi từ thuốc hoặc chỉ chọn thuốc bổ sung canxi có hàm lượng khoảng 200-300mg canxi nguyên tố/ngày mà thôi.

Thai nhi càng lớn thì nhu cầu canxi càng tăng cao. Tùy thuộc vào lượng canxi chế độ ăn hàng ngày đã cung cấp mà bạn tính toán liều lượng bổ sung canxi từ thuốc phù hợp. Thông thường, với nhu cầu tăng cao ở những tháng cuối thai kỳ thì mẹ bầu cần bổ sung từ 500-1000mg canxi nguyên tố từ thuốc/ngày. Lưu ý, lượng canxi tổng bổ sung vào cơ thể không quá 2.500 mg mỗi ngày

Khi bổ sung Canxi, mẹ bầu phải quan tâm đến tổng lượng Canxi cần trong ngày ở từng giai đoạn thai kỳ. Có thể không cần chính xác tuyệt đối vì canxi dư thừa vừa phải không thường xuyên cũng có thể đào thải ra ngoài qua đường tiết niệu. Tuy nhiên khi dùng canxi ở liều cao, kéo dài có thể làm gia tăng tác dụng phụ như: táo bón, đầy bụng, giảm hấp thu các chất khoáng khác (như sắt, kẽm, Mg, I- ốt,…), tăng nguy cơ sỏi thận…

3. Lượng Canxi trong một ngày cho bà bầu là bao nhiêu? 2

Dùng canxi ở liều cao, kéo dài có thể làm gia tăng táo bón, đầy bụng, sỏi thận, giảm hấp thu sắt, kẽm, Mg, I- ốt,…

Thực phẩm là nguồn cung cấp canxi dồi dào. Các thực phẩm giàu canxi có thể kể tới như: tôm, tép, cua, cá, sữa và các chế phẩm từ sữa… Ngay cả trong nước lọc cũng chứa tới 135 mg Canxi / 1 lít, mỗi ngày bạn uống tới >1,5 lít; nước khoáng đóng chai có chứa trung bình 208 mg Canxi / 1 lít… Cơ thể chúng ta cũng hấp thu canxi từ thức ăn tốt hơn canxi từ thuốc.

Chính vì vậy, điều cần làm đầu tiên là tăng cường bổ sung canxi từ bữa ăn hàng ngày. Chỉ khi nào thực phẩm không cung cấp đủ nhu cầu thì mới bổ sung canxi từ sản phẩm bổ sung chuyên biệt bên ngoài. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với phụ nữ mang thai, bởi cung cấp canxi từ thực phẩm tức là bạn đã bổ sung thêm nhiều dưỡng chất quan trọng khác cho thai kỳ, đồng thời giúp giảm lượng canxi cần bổ sung thêm từ thuốc, do đó hạn chế các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

4. Thực phẩm bổ sung canxi cho bà bầu

4. Thực phẩm bổ sung canxi cho bà bầu 1

Mẹ bầu nên bổ sung canxi bằng cách sử dụng các thực phẩm dưới đây trong thực đơn hàng ngày như:

  • Sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa bò, sữa dê, pho mát, sữa chua…): Uống sữa là một trong những cách bổ sung canxi tốt nhất cho cơ thể. Nếu bà bầu sợ béo thì có thể chọn sữa tách béo bởi sữa không béo còn chứa nhiều canxi hơn 2% so với sữa nguyên chất béo. Nếu bạn không uống được sữa có thể thay thế bằng sữa chua, phô mai, bơ, kem.. cũng là nguồn bổ sung canxi tốt.
  • Rau xanh (rau bina, rau cần…): Những loại rau lá xanh như cải xoăn, rau diếp, bông cải xanh, bắp cải… cũng có chứa lượng canxi  tương đối cao. Tuy nhiên canxi trong rau xanh không dễ dàng hấp thu như trong sữa nếu rau xanh có chứa hóa chất gọi là oxalat.
  • Thủy hải sản (tôm, tép, cua, rong biển, hải sâm, ốc, trai, cá chép cá mòi…),
  • Đậu và các chế phẩm từ đậu (đậu nành, đậu phụ, đầu Hà Lan…): Xưa nay đậu nành có thể coi là loại quả rất giàu canxi, 110g đậu nành chứa tới 400 mg canxi và rất dễ hấp thu vào cơ thể hơn các loại sữa thông thường khác. Ngoài uống sữa đậu nành, bà bầu có thể dùng thêm các chế phẩm khác từ đậu nành hoặc ăn đậu nành tươi, khô để bổ sung canxi.

4. Thực phẩm bổ sung canxi cho bà bầu 2

Ngoài ra, mẹ bầu có thể bổ sung canxi bằng cách nạp thêm vitamin D. Vitamin D không những rất quan trọng đối với sức khỏe của xương mà còn giúp hấp thụ canxi của cơ thể tốt hơn.  Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cơ thể chúng ta mất 2-4% mật độ xương trong mùa đông do thiếu vitamin D. Vì vậy mẹ hãy dành 15 phút tắm nắng mỗi ngày để giúp cơ thể xây dựng vitamin D tự nhiên, và giúp cơ thể hấp thu canxi một cách tốt nhất

➤ Xem chi tiết: Thực phẩm bổ sung canxi cho bà bầu

5. Bà bầu nên uống thuốc bổ sung canxi loại nào tốt?

Dạng Canxi uống bổ sung vào cơ thể có thể là canxi vô cơ (Canxi Phosphate, Canxi Carbonate) hay canxi hữu cơ (như Canxi Citrate, Canxi lactat, Canxi Gluconate…).

Canxi hữu cơ dễ dàng hấp thu vào cơ thể, không gây tác dụng phụ trên dạ dày, nguy cơ gây sỏi thấp, đồng thời khả năng hấp thu không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Chính vì vậy, dạng canxi này phù hợp cho cả các đối tượng như: cần bổ sung dài ngày (mang thai và cho con bú…), cơ địa nhạy cảm (viêm dạ dày, phụ nữ mang thai…), hấp thu kém (phụ nữ mãn kinh, người già…)

Canxi Carbonate là canxi vô cơ, có hàm lượng canxi nguyên tố cao hơn nhưng tính tan kém canxi citrat tới 7 lần. Khả năng tan chậm sẽ gây kích ứng dạ dày, đồng thời tác dụng hóa học giữa acid dạ dày và canxi carbonat sẽ khiến dạ dày sinh hơi, gây đầy bụng, óc ách, khó chịu cho người sử dụng. Do đó khi sử dụng dạng này nên uống trong bữa ăn và không nên dùng cho bệnh nhân có vấn đề với dạ dày.

Để có hệ cơ – xương khỏe mạnh không phải chỉ cần cung cấp canxi là đủ, ngoài canxi còn có vai trò quan trọng không thể thiếu của Mg, vitamin D. Hơn nữa, các nghiên cứu chỉ ra rằng Canxi hấp thu tốt hơn khi được dùng kết hợp với Mg và Vitamin D. Chính vì vậy, khi lựa chọn sản phẩm bổ sung Canxi nên chọn sản phẩm cung cấp đồng thời cả Canxi, Vitamin D và Mg.

➤ Tham khảo thêm: Mẹ bầu nên chọn canxi vô cơ hay canxi hữu cơ

6. Bà bầu uống thuốc bổ sung Canxi có tác dụng phụ không?

Một số bà bầu khi uống canxi bị đầy bụng, sinh hơi, đi ngoài, tiêu chảy hoặc táo bón… Có thể do hàm lượng canxi cao gây nên rối loạn tiêu hóa. Hiện tượng này gặp nhiều hơn ở những trường hợp bổ sung canxi vô cơ như Canxi carbonat.

Khi gặp các tác dụng phụ trên, bạn có thể thử phương án giảm canxi một phần, chia nhỏ hàm lượng canxi hoặc đổi sang uống loại canxi khác. Nếu các biểu hiện trầm trọng thì mẹ bầu nên tới bác sĩ để được thăm khám cụ thể.

Với trường hợp buồn nôn khi uống canxi thì các mẹ có thể uống làm nhiều lần, khi uống xong nên ăn tạm ngay một món gì thơm ngon để giảm bớt cảm giác khó chịu. Còn nếu bạn bị buồn nôn thường xuyên và kết hợp với một số dấu hiệu khác như táo bón, co cứng cơ, đi tiểu nhiều thì có thể là dấu hiệu của thừa Canxi; các mẹ cần xem lại lượng Canxi cung cấp vào cơ thể hàng ngày.

Canxi carbonat có ưu điểm là có nhiều sản phẩm để lựa chọn, giá thành rẻ nhưng lại gây ra các tác dụng không mong muốn cho người dùng như: kích ứng dạ dày, đầy bụng, sinh hơi, nôn nao,… Hơn nữa sự hấp thu của canxi carbonat bị giảm bởi thức ăn. Sử dụng canxi hữu cơ như canxi citrat, canxi lactat,… có thể giảm thiểu tác dụng không mong muốn này.

7. Những lưu ý khác khi bà bầu cần uống canxi khi mang thai

7. Những lưu ý khác khi bà bầu cần uống canxi khi mang thai 1

Việc bổ sung canxi là cần thiết cho bà bầu, với những bà bầu có tình trạng sức khỏe tốt thì có thể uống bất cứ loại nào theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên cũng có một số điểm cần lưu ý sau:

  • Bà bầu bị tiểu đường cần tránh uống các loại canxi chứa nhiều đường.
  • Bà bầu bị tiền sản giật, huyết áp cao (cần hạn chế muối natri) thì phải cẩn thận khi bổ sung canxi có chứa muối natri.
  • Nên chọn các loại canxi không chứa chì vì một số nhãn hiệu viên bổ sung canxi có thể chứa hàm lượng nhỏ chì nhưng cũng đủ gây hại cho thai nhi.
  • Không bổ sung canxi cùng lúc với những thực phẩm có chứa oxalate như chocolate, trà, dâu tây, nước ép hoa quả… vì thực phẩm chứa oxalate khi kết hợp với canxi sẽ làm giảm hấp thu canxi. Mẹ bầu cũng có thể lựa chọn bổ sung canxi citrat để quá trình hấp thu không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
  • Khi có tiển sử sỏi thận, bị suy thận, trong máu có nhiểu canxi… Bà bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ thăm khám trực tiếp trước khi sử dụng canxi.
  • Không uống canxi cùng thời điểm với sắt hay thuốc bổ tổng hợp để các thành  phần của thuốc được hấp thu tốt nhất.

Trên đây là một số tiêu chí quan trọng khi lựa chọn thuốc bổ sung canxi cho bà bầu. Hi vọng sẽ giúp các mẹ biết cách bổ sung canxi đúng cách. Chúc các mẹ bầu luôn khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.

DS. Hoài An

Từ khóa » Bổ Sung Canxi Cho Bà Bầu đến Khi Nào