Thuốc Gentamicin: Công Dụng, Cách Dùng Và Lưu ý - YouMed

Nội dung bài viết

  • Gentamicin là thuốc gì?
  • Gentamicin giá bao nhiêu?
  • Chỉ định của thuốc Gentamicin
  • Trường hợp không nên dùng Gentamicin
  • Hướng dẫn sử dụng thuốc Gentamicin
  • Tác dụng phụ của thuốc Gentamicin
  • Tương tác thuốc khi dùng chung với Gentamicin
  • Lưu ý khi dùng thuốc Gentamicin
  • Đối tượng đặc biệt sử dụng Gentamicin
  • Xử trí khi quá liều Gentamicin
  • Cách bảo quản thuốc Gentamicin

Gentamicin là thuốc gì? Gentamicin được dùng trong những trường hợp nào? Cần lưu ý gì về những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc? Hãy cùng tìm hiểu thật kỹ về thuốc Gentamicin trong bài viết được phân tích dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên nhé!

Thành phần hoạt chất: Gentamicin.

Thuốc có thành phần tương tự: Carmize; Claben; Diabifar; Dowanine; Glibendarem 5; Glidamont; Glihexal; Glilucol; Glimel; Glumeben; Glyburid; Glyclamic; Maninil 5; Plariche; Plariche; Xeltic.

Gentamicin là thuốc gì?

Các dạng bào chế và hàm lượng cụ thể Gentamicin ở từng dạng:

Dung dịch tiêm: 40 mg/ml (1 – 2 ml), 10 mg/ml (2 ml).

Thuốc tiêm truyền:

  • 1 mg/ml (80 mg/ 80 ml).
  • 3 mg/ml (240 mg/80 ml), (360 mg/120 ml).
  • 0,8 mg/ml (80 mg/100 ml).

Thuốc tiêm trong vỏ: 5 mg/ml (1 ml).

Dùng tại chỗ (nhỏ tai hoặc mắt): Gentamicin nhỏ mắt 0,3% (10 ml).

Công dụng của Gentamicin

  • Trước tiên, gentamicin là một kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid.
  • Thuốc có tác dụng diệt khuẩn qua ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn.
  • Trong tế bào, gentamicin hoạt động bằng cách gắn với tiểu đơn vị 30S và một số với tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn nhạy cảm, kết quả làm cho màng tế bào vi khuẩn bị khuyết tật và từ đó ức chế tế bào phát triển.
Tìm hiểu thông tin thuốc kháng sinh Gentamicin
Tìm hiểu thông tin thuốc kháng sinh Gentamicin

Gentamicin giá bao nhiêu?

Gentamicin dạng tiêm:

  • Gentamicin 80 mg giá: 150.000 VNĐ/hộp.
  • Quy cách đóng gói: Hộp 10 lọ.

Gentamicin dạng dùng tại chỗ:

  • Thuốc nhỏ mắt Gentamicin 0.3% Mekophar giá: 3.000 VNĐ/chai.
  • Quy cách đóng gói: chai 5ml.

Gentamicin dạng thuốc mỡ:

  • Thuốc mỡ Gentamicin 0,3% giá: 10.000 VNĐ/tuýp.
  • Quy cách đóng gói: Tuýp 10gr.

Lưu ý: Mức giá chỉ mang tính chất tham khảo. Có thể thay đổi tuỳ thời điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp.

Chỉ định của thuốc Gentamicin

Phối hợp Gentamicin với các kháng sinh khác để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nặng toàn thân.

  • Nhiễm khuẩn đường mật (viêm túi mật và viêm đường mật cấp), nhiễm Brucella.
  • Viêm màng trong tim (trong điều trị và dự phòng viêm màng trong tim do Streptococci, Enterococci, Staphylococci).
  • Viêm màng trong dạ con, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm Listeria, viêm màng não, viêm phổi, viêm tai ngoài, viêm tai giữa.
  • Nhiễm khuẩn ngoài da như bỏng, loét, nhiễm khuẩn xương, khớp, nhiễm khuẩn trong ổ bụng.

Gentamicin thường được dùng cùng với các thuốc diệt khuẩn khác để mở rộng phổ tác dụng và làm tăng hiệu lực điều trị.

Ngoài ra thuốc này được phối hợp với penicilin trong các nhiễm khuẩn do cầu khuẩn đường ruột và liên cầu gây ra.

Trường hợp không nên dùng Gentamicin

  • Dị ứng với gentamicin và với các aminoglycosid khác hoặc với bất kỳ thành phần nào có trong công thức của thuốc.
  • Tránh dùng cho người bị bệnh nhược cơ, hội chứng Parkinson hoặc có triệu chứng yếu cơ.
  • Lưu ý, chống chỉ định dùng dạng thuốc nhỏ tai gentamicin cho người bệnh đã bị hoặc nghi ngờ bị thủng màng nhĩ.

Hướng dẫn sử dụng thuốc Gentamicin

Cách dùng

  • Với đường tiêm: Chủ yếu tiêm bắp, có thể tiêm tĩnh mạch, truyền tĩnh mạch theo phác đồ nhiều lần trong ngày (2 – 3 lần/ngày) hoặc theo phác đồ 1 lần/ngày.
  • Ngoài ra, đôi khi dùng đường uống để điều trị nhiễm khuẩn đường ruột.
  • Điều trị xơ nang tuyến tụy bằng cách hít qua phun sương.
  • Tiêm vào khoang dưới màng nhện tủy sống hoặc tiêm trong não thất.
  • Không những vậy, có thể dùng tại chỗ như bôi trên da với dung dịch có nồng độ 0.1% tuy nhiên lại dễ gây kháng thuốc nên không dùng.

Liều lượng

Thuốc dùng chủ yếu ở đường tiêm: Tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Việc tính toán về liều lượng cũng như cách tiêm thuốc đều do bác sĩ có chuyên môn thực hiện.

Ngoài ra, thuốc còn có thể dùng ở nhiều đường dùng khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không tự ý dùng mà phải được thăm khám và tư vấn rõ ràng bởi bác sĩ rồi mới dùng. Mục đích để đảm bảo hiệu quả, hạn chế tác dụng phụ và giảm tình trạng kháng thuốc.

Tác dụng phụ của thuốc Gentamicin

  • Gây độc hại thần kinh như chóng mặt, hoa mắt, mất điều hòa vận động.
  • Dáng đi không vững.
  • Nhiễm độc tai không hồi phục và do liều tích tụ, ảnh hưởng cả đến ốc tai (điếc, ban đầu với âm tần số cao) và hệ thống tiền đình (chóng mặt, hoa mắt).
  • Xuất hiện tình trạng phù.
  • Nhiễm độc thận, giảm độ thanh thải creatinin CrCl.
  • Ức chế dẫn truyền thần kinh cơ, có trường hợp gây suy hô hấp và liệt cơ.
  • Tiêm dưới kết mạc gây đau, xung huyết và phù kết mạc.
  • Trường hợp, tiêm trong mắt gây thiếu máu cục bộ ở võng mạc.
  • Ngoài ra, có thể dẫn đến tình trạng chán ăn, khát, buồn ngủ, khó thở, viêm ruột, viêm dạ dày, đau đầu, chuột rút cơ, buồn nôn, nôn, giảm cân, tăng tiết nước bọt…
  • Hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra phản ứng phản vệ. Do đó, cần hết sức lưu ý.

Tương tác thuốc khi dùng chung với Gentamicin

  • Các aminoglycosid khác.
  • Vancomycin.
  • Một số thuốc họ cephalosporin.
  • Ethacrynic.
  • Furosemid.
  • Indomethacin.
  • Dimenhydrinat.
  • Zalcitabin.
  • Vắc-xin BCG, vắc-xin thương hàn.

Lưu ý khi dùng thuốc Gentamicin

  • Lưu ý, aminoglycosid nói chung và gentamicin nói riêng đều gây độc hại đối với cơ quan thính giác và thận. Điều này thường xảy ra trên người bệnh cao tuổi và/hoặc với người bệnh đã bị suy thận.
  • Cần phải điều chỉnh liều, theo dõi rất cẩn thận chức năng thận, thính giác, tiền đình cùng với nồng độ gentamicin trong máu ở người sử dụng liều cao và kéo dài.
  • Tránh sử dụng thuốc dài ngày.
  • Thận trọng sử dụng nếu có chỉ định bắt buộc ở những người bị nhược cơ nặng, bị Parkinson hoặc có triệu chứng yếu cơ.
  • Ngoài ra, nguy cơ nhiễm độc thận thường thấy ở người bị hạ huyết áp, hoặc có bệnh về gan hoặc trên các đối tượng phụ nữ.

Đối tượng đặc biệt sử dụng Gentamicin

Phụ nữ mang thai

Tất cả các aminoglycosid đều qua nhau thai và có thể gây độc thận cho thai. Ngoài ra, vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về gentamicin trên người, nhưng nên tránh dùng cho người mang thai, trừ khi thật cần thiết.

Cần phải cân nhắc lợi ích trên mẹ phải vượt trội nguy hại trên thai nhi khi phải dùng gentamicin trong những bệnh đe dọa tính mạng hoặc nghiêm trọng mà các thuốc khác không thể dùng được hoặc không hiệu lực.

Phụ nữ cho con bú

Gentamicin được bài tiết vào sữa mẹ với lượng nhỏ. Do đó, cần sử dụng thận trọng cho người đang cho con bú.

Xử trí khi quá liều Gentamicin

Cho đến hiện tại, vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Do đó, tập trung điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Ngoài ra, có thể thực hiện thẩm tách máu hoặc thẩm tách phúc mạc để loại aminoglycosid ra khỏi máu của người bệnh suy thận.

Cách bảo quản thuốc Gentamicin

  • Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc ở những nơi ẩm ướt.
  • Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là từ 15 – 25 ºC.

Bên trên là những thông tin sử dụng thuốc kháng sinh Gentamicin trong điều trị nhiễm khuẩn nặng. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ một triệu chứng nào bất thường để có thể được xử trí và hỗ trợ kịp thời nhé!

Từ khóa » Equivalent Là Thuốc Gì