​Thuốc Hay Từ Cây Lá Lốt - Tuổi Trẻ Online

Trong y học cổ truyền, lá lốt còn là cây thuốc quý trị phong thấp, đau bụng do lạnh, phù thũng...

Theo Đông y, lá lốt vị cay thơm, tính ấm; vào tỳ vị, lá lốt có tác dụng ôn trung tán hàn, kiện tỳ tiêu thực, hạ khí chỉ thống.

Dùng cho các trường hợp đau bụng lạnh gây nôn thổ, tiêu chảy, hội chứng lỵ trên cơ địa hư hàn; đau đầu, đau răng, chán ăn đầy bụng. Mỗi ngày dùng 10 - 20g lá tươi hoặc 2 - 4g cành nụ khô.

Chữa đau lưng sưng khớp gối, bàn chân tê buốt: rễ lá lốt tươi 50g, rễ bưởi bung 50g, rễ cây vòi voi 50g, rễ cỏ xước 50g. Sao vàng, sắc; chia uống 3 lần trong ngày.

Chữa phong thấp, đau nhức xương: rễ lá lốt 12g, dây chìa vôi 12g, cỏ xước 12g, hoàng lực 12g, độc lực 12g, đơn gối hạc 12g, hạt xích hoa xà 12g. Sắc uống.

Chữa phù thũng: lá lốt 12g, rễ cà gai leo 12g, rễ mỏ quạ 12g, rễ gai tầm xoọng 12g, lá đa lông 12g, mã đề 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Giải độc, chữa say nấm, rắn cắn: lá lốt 50g, lá đậu ván trắng 50g, lá khế 50g. Giã nát, thêm ít nước, ép gạn lấy nước cho uống ngay trong khi chờ chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế.

Cháo lá lốt: cành nụ lá lốt khô 30g, hồ tiêu 30g, quế 12g, cùng tán mịn mỗi lần dùng 9g. Đầu tiên nấu nước hành tươi (một nắm) gạn lấy nước bỏ bã, cho tiếp gạo tẻ nấu cháo. Khi cháo chín cho bột thuốc vào khuấy đều, cho ăn khi đói. Món này thích hợp cho người đầy bụng không tiêu, chán ăn có liên quan với hư hàn, hàn thấp.

Sữa bò sắc lá lốt: sữa bò 200ml, lá lốt tươi 30g, thái nhỏ, cùng cho vào nấu sắc cho uống khi đói. Dùng cho các trường hợp đầy trướng bụng tăng sinh hơi, trung tiện nhiều trong ngày.

Lá nụ toàn cây lá lốt khô tán bột: mỗi lần uống 1,5 - 2g với nước canh hoặc nước cháo. Thích hợp cho người ho nhiều đờm dãi, nôn thổ.

Từ khóa » Bộ Rễ Của Cây Lá Lốt