Thuốc ức Chế Bơm Proton: Tác Dụng, Chỉ định, Lưu ý Khi Dùng Thuốc

Trungtamthuoc.com - Các thuốc ức chế bơm proton đã dần dần trở thành nhóm thuốc chính trong điều trị các bệnh liên quan đến acid dạ dày. Vậy cơ chế tác dụng của thuốc là gì? Có những lưu ý gì khi sử dụng? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu dưới bài viết sau đây.

1 Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là thuốc gì?

Từ khi thuốc đầu tiên là Omeprazole được công bố năm 1989, các thuốc ức chế bơm proton đã dần dần trở thành nhóm thuốc chính trong điều trị các bệnh liên quan đến acid dạ dày.

Tất cả các PPI đã được chấp nhận hiện nay là dẫn xuất benzimidazole: các phân tử hữu cơ dị vòng bao gồm một phân tử pyridin và benzimidazole được liên kết bởi một nhóm methylsulfinyl.

Công thức các thuốc ức chế bơm proton
Công thức các thuốc ức chế bơm proton

Ví dụ nguyên mẫu của cấu trúc này là Omeprazole, một PPI có hiệu quả lâm sàng đầu tiên. Các loại thuốc sau đây được sử dụng bao gồm Lansoprazole, Pantoprazole, Rabeprazole và các hợp chất đồng phân stereo-isomeric Esomeprazole và Dexlansoprazole. Mặc dù mỗi loại thuốc này có sự thay thế khác nhau trên các vòng pyridin hoặc benzimidazole, nhưng nhìn chung chúng tương tự về tính chất dược lý.

2 Tác dụng của thuốc ức chế bơm proton

Dược động học:

  • Thuốc hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, hấp thu phụ thuộc vào liều dùng và pH dạ dày. Sinh khả dụng theo đường uống có thể tới 70% nếu dùng liều lặp lại.
  • Thuốc gắn mạnh vào protein huyết tương.
  • Chuyển hóa mạnh qua gan thông qua enzyme CYT P450.
  • Thời gian bán thải khoảng 30 - 90 phút. Thải qua thận 80%.

Cơ chế tác dụng: Các thuốc trong nhóm thuốc PPI này ức chế bơm H+/K+ ATPase. Bơm proton là giai đoạn cuối cùng của quá trình tiết acid, chịu trách nhiệm giải phóng acid vào lòng dạ dày. Chúng ức chế chọn lọc, đặc hiệu và ức chế không hồi phục bơm này, do đó hiệu quả cao trong các bệnh về viêm loét dạ dày tá tràng do các nguyên nhân khác nhau.[1]

Tác dụng của thuốc ức chế bơm proton
Tác dụng của thuốc ức chế bơm proton

3 Chỉ định của thuốc ức chế bơm proton

Điều trị loét dạ dày tá tràng:

  • Mặc dù cơ chế bệnh sinh của loét dạ dày và loét tá tràng là khác nhau nhưng sự ức chế bài tiết acid dịch vị là mục tiêu điều trị của bệnh. Trong cả hai trường hợp, sự trung hòa liên tục (pH > 3) của axit dạ dày từ 18 đến 20 giờ mỗi ngày là một yếu tố quyết định quan trọng trong điều trị bệnh.
  • Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc sử dụng PPIs trong điều trị loét dạ dày tá tràng có hiệu quả hơn so với việc sử dụng thuốc kháng thụ thể H2. Việc sử dụng PPIs làm giảm cả triệu chứng và biến chứng của bệnh. Sau điều trị ban đầu thì việc điều trị duy trì cần được cân nhắc với các bệnh nhân có nguy cơ cao như biến chứng liên quan đến loét dạ dày tá tràng, tái phát hoặc loét do H.pylori.
  • Do đó, cần sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong trường hợp loét dạ dày tá tràng tiến triển hoặc các trường hợp loét mà dùng thuốc kháng H2 không hiệu quả.

Loét dạ dày tá tràng có liên quan đến xuất huyết tiêu hóa:

  • Xuất huyết đường tiêu hóa trên do loét dạ dày tá tràng là một tình trạng bệnh lý khẩn cấp cần được cấp cứu kịp thời và có tỉ lệ tử vong cao.
  • Việc sử dụng PPIs làm giảm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng.

Là một phần của liệu pháp điều trị H.pylori:

  • Nhiễm HP là yếu tố nguy cơ cho loét dạ dày - tá tràng. Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng PPI cũng với hai kháng sinh đem lại hiệu quả điều trị HP và nó có hiệu quả hơn so với việc sử dụng thuốc kháng H2.

Ngăn ngừa các thuốc NSAIDs gây loét dạ dày tá tràng:

  • Một số nghiên cứu chỉ ra rằng PPI làm giảm đáng kể sự hình thành loét ở cả hai nhóm sử dụng NSAID chọn lọc và không chọn lọc.
Hình ảnh thuốc Nexium chứa Esomeprazole
Hình ảnh thuốc Nexium chứa Esomeprazole

Hội chứng Zollinger-Ellison:

  • Hội chứng này gây tăng tiết gastrin là một chất kích thích tăng tiết acid dạ dày. Việc sử dụng PPI có tác dụng ngăn cản sự tiết acid do hội chứng này gây nên.

Viêm trợt thực quản:

  • Viêm trợt dạ dày thực quản có thể dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Sử dụng thuốc ức chế bơm proton làm giảm các triệu chứng của bệnh và cải thiện tình trạng bệnh.
  • Một số nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng PPI trong điều trị bệnh viêm trợt thực quản có hiệu quả hơn so với việc sử dụng thuốc kháng thụ thể H2.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản.[2]

4 Tác dụng phụ của thuốc ức chế bơm proton

Nhìn chung, nhóm thuốc này dung nạp tốt, ít gây ra các tác dụng không mong muốn.

Các tác dụng phụ thường gặp như:

  • Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, táo bón, tiêu chảy.[3]
  • Rối loạn thần kinh trung ương: chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà (ít gặp).
  • Do ức chế tiết acid nên PH dạ dày tăng lên có thể dẫn tới sự phát triển của một số vi khuẩn gây ung thư dạ dày. Gây thiếu hụt một số chất dinh dưỡng do acid dạ dày phân hủy thức ăn và giải phóng một số chất dinh dưỡng.
  • Omeprazol ức chế Cyt P450 nên có thể ảnh hưởng tới tác dụng của các thuốc dụng kèm.
  • PPI có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do Clostridium difficile ở ruột kết. Liều cao và sử dụng lâu dài (1 năm hoặc lâu hơn) có thể làm tăng nguy cơ loãng xương như gãy xương hông, cổ tay, hoặc cột sống. Dùng kéo dài cũng làm giảm hấp thu Vitamin B12 (Cyanocobalamin).
  • Sử dụng PPI trong thời gian dài cũng có liên quan đến lượng magie thấp (hạ huyết áp). Phân tích trên bệnh nhân dùng PPI trong thời gian dài cho thấy nguy cơ đau tim tăng lên.

Việc sử dụng PPI lâu dài cần có sự cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ. Một số nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng PPI có khả năng làm tăng nguy cơ viêm phổi.

Tác dụng phụ rối loạn tiêu hóa
Tác dụng phụ rối loạn tiêu hóa

5 Sử dụng PPI có thể tăng cao nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng ở trẻ nhỏ

Trong 1 nghiên cứu được công bố ngày 14 tháng 8 năm 2023, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng tăng lên có liên quan đến việc sử dụng PPI ở trẻ nhỏ nói chung và đối với các vị trí và mầm bệnh khác nhau [4]

Sử dụng PPI có liên quan đến gãy xương, chấn thương thận cấp tính, dị ứng, hen suyễn và bệnh viêm ruột ở trẻ em. Chúng cũng bị nghi ngờ là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng thông qua việc điều chỉnh độ pH hoặc tác động trực tiếp lên hệ thống miễn dịch.

Các kết quả phân tích từ dữ liệu thống kê dân số từ Hệ thống dữ liệu y tế quốc gia Pháp (SNDS) và hồ sơ điều tra nhân khẩu đã cho thấy:

  • Về tiền sử phơi nhiễm PPI, nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng tăng lên ở những trẻ trước đây đã từng phơi nhiễm PPI (aHR, 1,07; 95% CI, 1,06-1,09), mặc dù ít rõ rệt hơn so với phơi nhiễm liên tục

  • Khoảng thời gian trung bình (IQR) giữa việc rút PPI và lần đầu tiên xảy ra nhiễm trùng nghiêm trọng ở những người dùng trước đây là 9,7 (3,9-21,3) tháng. Nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng giảm dần khi thời gian trôi qua ngày càng tăng kể từ khi ngừng điều trị PPI (ngừng điều trị sau ≤3 tháng: aHR, 1,13; KTC 95%, 1,10-1,16; ngừng điều trị sau hơn 12 tháng: aHR, 1,03; KTC 95%, 1,01- 1.05) .

  • Phơi nhiễm PPI theo thời gian có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng ở cả trẻ sinh non nặng và trẻ mắc bệnh mãn tính (aHR, 1,36; 95% CI, 1,32-1,41) và ở những trẻ không có bất kỳ tình trạng nào trong số này lúc ban đầu ( aHR, 1,32; KTC 95%, 1,30-1,34)

  • Phơi nhiễm PPI theo thời gian có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm trùng ở đường tiêu hóa (aHR, 1,52; KTC 95%, 1,48-1,55), vùng tai mũi họng (aHR, 1,47; KTC 95%, 1,41-1,52), đường hô hấp dưới (aHR , 1,22; 95% CI, 1,19-1,25), thận hoặc đường tiết niệu (aHR, 1,20; 95% CI, 1,15-1,25), hệ thống cơ xương (aHR, 1,17; 95% CI, 1,01-1,37) và hệ thần kinh ( aHR, 1,31; KTC 95%, 1,11-1,54). Những rủi ro này thường tăng lên, mặc dù ít rõ rệt hơn so với khi tiếp xúc liên tục, ở những trẻ trước đây đã từng tiếp xúc với PPI, với aHR dao động từ 1,01 đến 1,17. Rủi ro tăng lên trên toàn cầu bất kể thời gian tiếp tục sử dụng PPI, ngoại trừ nhiễm trùng cơ xương.

  • Phơi nhiễm PPI theo thời gian có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn (aHR, 1,56; 95% CI, 1,50-1,63) và nhiễm virus (aHR, 1,30; 95% CI, 1,28-1,33). Rủi ro đã tăng lên, mặc dù ít rõ rệt hơn so với khi tiếp xúc liên tục, ở trẻ em trước đây đã tiếp xúc với PPI. Rủi ro cũng tăng lên bất kể thời gian tiếp xúc với PPI liên tục.

Kết luận: nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng nói chung tăng lên nhưng cũng có nguy cơ nhiễm trùng ở đường tiêu hóa, tai mũi họng, đường hô hấp dưới, thận hoặc đường tiết niệu, nhiễm trùng hệ thần kinh và cả nhiễm trùng do vi khuẩn và virus.

Cơ chế: Các nhà phân tích cho rằng, nồng độ axit của dạ dày tạo thành cơ chế phòng vệ cơ bản của vật chủ bằng cách tiêu diệt các mầm bệnh khác nhau ăn vào. Bằng cách tăng pH dạ dày, PPI làm thay đổi hệ vi sinh vật dạ dày, do đó thúc đẩy nhiễm trùng đường ruột. Thành phần của hệ vi sinh vật trải qua những thay đổi lớn trong thời kỳ nhũ nhi, đặc biệt là ở trẻ non tháng. 28 Do đó, việc tiếp xúc với PPI trong giai đoạn này có thể có tác động đáng chú ý. Việc sử dụng PPI có thể dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp do hít phải dịch dạ dày giàu vi khuẩn hoặc qua trục ruột-phổi. PPI cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều chức năng của hệ thống miễn dịch. Cụ thể, chúng có thể can thiệp vào các chức năng bạch cầu trung tính khác nhau

6 Tương tác của thuốc ức chế bơm proton

Sự hấp thụ vào cơ thể của một số loại thuốc bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của axit trong dạ dày, và vì PPI làm giảm acid trong dạ dày, nên có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của những loại thuốc này.

Cụ thể, PPI làm giảm sự hấp thu và nồng độ trong máu của Ketoconazole (Nizoral ) và tăng sự hấp thu và nồng độ của Digoxin (Lanoxin). Điều này có thể dẫn đến giảm hiệu quả của Ketoconazole và tăng độc tính của Digoxin.

Thuốc ức chế bơm proton có thể làm giảm sự phân hủy của một số loại thuốc bởi gan và dẫn đến tăng nồng độ của chúng trong máu. Omeprazole có nhiều khả năng làm giảm sự phân hủy thuốc của gan hơn các PPI khác. Ví dụ, Omeprazole có thể làm tăng nồng độ trong máu của Diazepam, Warfarin và Phenytoin.

Omeprazole làm giảm tác dụng của Clopidogrel bằng cách ngăn chặn sự chuyển đổi của Clopidogrel thành dạng hoạt động. Do đó nên tránh sự kết hợp này.

7 Thuốc ức chế bơm proton uống vào lúc nào?

Nhóm thuốc này bị mất tác dụng bởi acid dịch vị do vậy thuốc thường được bao tan ở ruột, khi sử dụng nên nuốt cả viên, không nên nhai.

Thời điểm uống thuốc thích hợp nhất là uống 30 phút trước khi ăn.

8 Tại sao không nên sử dụng PPI cùng lúc với Antacid?

Các chuyên gia cho biết, nếu bạn đang dùng thuốc kháng axit, bạn nên cố gắng tránh dùng chúng cùng lúc với các loại thuốc khác, kể cả PPI. Điều này là do thuốc kháng axit có thể ảnh hưởng đến mức độ hấp thụ thuốc của bạn.[5]

  • Cơ chế tác dụng PPIs

PPI là tiền chất và có bản chất là một base yếu với pKa trong khoảng từ 3,8 đến 4,9. Vì vậy, trong môi trường pH khoảng 1,0 của dạ dày, các PPI sẽ được proton hoá thành dạng sulphenamide (chính dạng này mới có tác dụng ức chế Proton Pump) ức chế không hồi phục và làm giảm tiết acid. Có thể thấy, môi trường axit tại dạ dày là yếu tố quan trọng quyết định chỉ số điều trị của các PPI

  • Cơ chế tác dụng của Antacid

Các Antacid có khả năng trung hoà acid dịch vị, làm giảm tính acid trong dạ dày

Vì sao không nên sử dụng chung ?

PPI có thời gian bán hủy khá ngắn (khoảng 1 – 1,5 giờ), nhưng nhờ gắn với bơm proton bằng liên kết thuận nghịch, vì vậy tác dụng ức chế sự tiết acid mạnh và kéo dài. Khi sử dụng đồng thời Antacid làm PPI khó chuyển hoá thành dạng có hoạt tính do môi trường trung tính ở tiểu quản bài tiết. Vì vậy làm giảm hiệu quả điều trị của PPI.

9 Tổng hợp các thuốc ức chế bơm proton tốt nhất hiện nay

Tương ứng với 6 hoạt chất điển hình của nhóm thuốc ức chế bơm proton là nhiều biệt dược khác nhau. Tuy nhiên, hầu như các thuốc ức chế bơm proton đều phải có đơn của bác sĩ, chỉ có vài loại là có thể mua tự do tại các nhà thuốc (Nexium 24h, Prevacid 24h, Prilosec OTC, Zegerid,...)

  • Dexlansoprazole (biệt dược Dexilant, Biozodex,...)
  • Esomeprazole (biệt dược Nexium Mups, Esomeprazole EG,... ): được sử dụng phổ biến
  • Lansoprazole (biệt dược Prevacid, Lansoprazol Stada,...)
  • Omeprazole (biệt dược Prilosec, Omeprazole DHG, Hatrizol,...)
  • Pantoprazole (biệt dược Protonix, Prazopro,Pantoloc,...): thường có giá thấp hơn các thuốc ức chế bơm proton khác
  • Rabeprazole (biệt dược Aciphex, HAPPI 20, Raxium,...): dạng dung dịch có thể dễ nuốt hơn cho những người cảm thấy khó uống thuốc viên.

Tỷ lệ gặp tác dụng bất lợi liên quan đến PPI tương đối thấp. Tuy nhiên, cần trao đổi các nguy cơ này với bệnh nhân và cân nhắc giám sát định kỳ đối với các bệnh nhân có nguy cơ cao.

Chưa phát hiện mối liên quan giữa PPI và tăng tỷ lệ dị tật thai nhi trên người. Do đó, PPI được coi là an toàn trong thai kỳ. Có thể cân nhắc đến các liệu pháp khác phù hợp cho phụ nữ mang thai cần thuốc ức chế acid bao gồm antacid (calci carbonat, alginat) hoặc ranitidin trước. Nếu những thuốc này không đạt hiệu quả mong muốn thì cân nhắc sử dụng PPI.

Nên tránh dùng PPI liều cao hơn ở bệnh nhân có bệnh gan mức độ trung bình hoặc nặng, do giảm chuyển hóa ở gan có thể gây tích lũy thuốc.

Tóm lại, thuốc ức chế bơm proton PPI vẫn là liệu pháp hiệu quả và an toàn cho những bệnh nhân bị tổn thương đường tiêu hóa do axit dịch vị. Tuy nhiên, không nên sử dụng bừa bãi mà vẫn cần có chỉ định của bác sĩ.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Abdelwahab Ahmed, John O. Clarke (Ngày đăng: ngày 1 tháng 8 năm 2021). Proton Pump Inhibitors (PPI), NCBI. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2022.
  2. ^ Tác giả: Omudhome Ogbru, PharmD (Ngày đăng: ngày 11 tháng 11 năm 2020). Proton Pump Inhibitors (PPIs), Medicinenet. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2022.
  3. ^ Tác giả: Michael M. Phillips, MD (Ngày đăng: ngày 30 tháng 11 năm 2021). Proton pump inhibitors, Medline Plus. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2022.
  4. ^ Tác giả Marion Lassalle và cộng sự (Ngày đăng: ngày 14 tháng 8 năm 2023). Proton Pump Inhibitor Use and Risk of Serious Infections in Young Children, JAMA. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2023
  5. ^ Dr Laurence Knott (Ngày đăng: Ngày 19 tháng 04 năm 2020). Proton Pump Inhibitors, Patient. Ngày truy cập: Ngày 02 tháng 06 năm 2023
Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây

Từ khóa » Các Loại Ppi