Thương Mại điện Tử Là Gì? Đặc điểm, Vai Trò Của Thương Mại điện Tử

Ngày nay, thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng và trở thành một chiến lược phát triển của hầu hết các doanh nghiệp trên toàn cầu. Thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng và toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chưa thực sự hiểu rõ về lĩnh vực này. Do đó, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thương mại điện tử là gì thông qua bài viết dưới đây cùng Luận Văn 2S nhé.

Khái niệm thương mại điện tử E-Commerce là gì?

Hiện nay, trên thế giới có nhiều quan điểm về thương mại điện tử (Tiếng Anh: E-commerce) nhưng có cùng 2 quan điểm lớn sau:

Theo nghĩa rộng, đề cập trong Luật mẫu về Thương mại điện tử của UNCITRAl, thương mại điện tử gồm các quan hệ mang tính chất thương mại như các giao dịch liên quan đến việc cung cấp hoặc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ, thỏa thuận phân phối, diện diện hoặc đại lý thương mại, ủy thác hoa hồng, cho thuê dài hạn,… Theo cách hiểu này, phạm vi của thương mại điện tử là rất rộng, bao quát các lĩnh vực hoạt động kinh tế. Việc mua bán hàng hóa và dịch vụ chỉ là một trong hàng ngàn lĩnh vực áp dụng của thương mại điện tử. Tức là theo cách hiểu này thì thương mại điện tử là các giao dịch tài chính và thương mại qua các phương tiện điện tử.

Theo nghĩa hẹp, thương mại điện tử gồm các hoạt động thương mại được thực hiện thông qua mạng Internet. Cụ thể:

  • Theo WHO, thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình.
  • Theo OECD, thương mại điện tử là các giao dịch thương mại dựa trên việc truyền dữ liệu qua các mạng truyền thông như Internet.

Vậy, theo nghĩa hẹp thì thương mại điện tử chỉ bao gồm các hoạt động thương mại thực hiện thông qua Internet mà không đề cập đến các phương tiện điện tử khác như điện thoại, fax, telex,… Theo nghĩa này, thương mại điện tử tử mới chỉ tồn tại trong những năm gần đây nhưng đã đạt được những kết quả đáng quan tâm. Theo đó, thương mại điện tử đang trở thành một cuộc cách mạng thay đổi cách thức mua sắm của con người.

thuong_mai_dien_tu_e-commerce_la_gi_luanvan2sKhái niệm thương mại điện tử E-Commerce là gì?

Bạn đang thực hiện đề tài luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh về thương mại điện tử? Bạn cần sự trợ giúp về tài liệu tham khảo về chủ đề này hoặc bạn muốn nhận được sự hỗ trợ trong quá trình thực hiện luận văn? Tham khảo dịch vụ viết thuê luận văn của Luận Văn 2S để nhận được sự tư vấn & hỗ trợ từ đội ngũ chuyên viên học thuật giàu kinh nghiệm & kiến thức chuyên môn của chúng tôi!

Các đặc điểm của thương mại điện tử là gì?

So với thương mại truyền thống, thương mại điện tử mang những đặc trưng sau:

Thứ nhất, không trực tiếp tiếp xúc. Từ khi xuất hiện mạng Internet thì việc trao đổi thông tin đã được mở rộng nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới với số lượng người tham gia ngày càng tăng. Những người tham gia có thể là các cá nhân hoặc doanh nghiệp, có thể đã biết hoặc hoàn toàn chưa biết bao giờ. Họ gặp gỡ nhau trên những chợ ảo trên mạng để thực hiện khảo hàng và mua bán.

Thứ hai, khái niệm biên giới dần được xóa mờ. Thương mại điện tử phát triển càng nhanh thì máy tính cá nhân càng trở thành một công cụ hữu dụng cho doanh nghiệp hướng ra thị trường toàn cầu. Không chỉ có các công ty hàng đầu thế giới tiếp cận thị trường này mà ngay cả các công ty mới khởi nghiệp cũng có mạng lưới tiêu thụ và phân phối không biên giới ngay chỉ bằng một cú click chuột. Với thương mại điện tử, các doanh nhân có thể bắt đầu công việc kinh doanh của mình mà không phải bước chân ra khỏi nhà.

Thứ ba, mạng lưới thông tin chính là thị trường. Thông qua thương mại điện tử, rất nhiều loại hình kinh doanh mới đã được hình thành và phát triển. Nhờ tính năng dễ sử dụng, dễ hiểu của các trang Web dành cho thương mại điện tử là yếu tố quyết định trong việc thu hút khách hàng. Trong thương mại điện tử, cách thức khởi thảo, trao đổi, bảo quản và xử lý thông tin hoàn toàn không thay các chức năng cơ bản của thông tin đối với bên tham gia truyền thống của hợp đồng.

Thứ tư, thương mại điện tử có sự tham gia của ít nhất ba chủ thể. Trong hoạt động thương mại điện tử có sự tham gia của ít nhất ba chủ thể gồm người mua, người bán và bên cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực,… Đây là những người tạo môi trường cho các giao dịch thương mại điện tử. Nhà cung cấp dịch vụ mạng chịu trách nhiệm nhiệm vận chuyển, lưu giữ các thông tin giữa các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử và xác nhận độ tin của các thông tin trong giao dịch thương mại điện tử.

Thứ năm, quy mô và vị trí của các doanh nghiệp trở nên không quan trọng. Trong thương mại điện tử, bất kỳ là doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều dễ dàng truy nhập đến các khách hàng tiềm năng. Ví dụ như các doanh nghiệp mới thành lập như Amazon, E trade… đã xác định lại thị trường tương xứng của mình và chiếm thị phần lớn trên Internet. Một ưu thế của sự hiện diện trên Web là nó không có vị trí xác định, kể cả múi giờ và biên giới lãnh thổ. Thông qua Web, doanh nghiệp có thể tiếp cận các khách hàng ở các vùng địa lý mà trước đây họ không vươn tới được.

dac_diem_cua_thuong_mai_dien_tu_luanvan2sCác đặc điểm của thương mại điện tử là gì?

Các mô hình thương mại điện tử phổ biến

Mô hình thương mại điện tử hay mô hình kinh doanh trong thời đại thông tin là một thuật ngữ đang ngày càng trở nên quen thuộc đối với doanh nghiệp trong bối cảnh công nghệ thông tin có những bước phát triển đột phá và nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin di động và máy tính. Có thể hiểu mô hình thương mại điện tử là phương thức tiến hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ điện tử và công nghệ thông tin nhằm mục đích thực hiện các chiến lược do doanh nghiệp đã đề ra và thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng, từ đó thu về lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp. Để có thể xây dựng một mô hình thương mại điện tử thành công, đòi hỏi doanh nghiệp cần có khả năng ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và công nghệ điện tử trong giải quyết những vấn đề, bao gồm cả giá trị mà doanh nghiệp tạo ra, mô hình doanh thu mà doanh nghiệp tiến hành, cơ hộ i thị trường mà doanh nghiệp có thể có được, sự tồn tại của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh, phát huy lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh, triển khai hiệu quả chiến lược kinh doanh mà doanh nghiệp đã đề ra, xây dựng một tổ chức và đội ngũ quản lý hợp lý.

Kể từ khi Internet được ứng dụng trong các doanh nghiệp nhằm mục đích thực hiện các hoạt động thương mại đã có rất nhiều mô hình thương mại điện tử được triển khai trong các doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể kết hợp đồng thời nhiều mô hình thương mại điện tử khác nhau để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Dưới đây là một số mô hình thương mại điện tử phổ biến nhất hiện nay:

Mô hình thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) là gì?

Mô hình thương mại điện tử B2C (Tiếng Anh: Business to Customer) là mô hình thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Về đặc điểm, các doanh nghiệp tham gia vào mô hình kinh doanh này sẽ tiến hành các hoạt động nhằm mục đích tiếp cận và bán sản phẩm, dịch vụ của mình cho các khách hàng cá nhân. Theo thống kê, mô hình B2C là mô hình thương mại hiện đang được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Tuy số lượng doanh nghiệp theo mô hình thương mại B2C rất đông đảo song giá trị mà các doanh nghiệp mô hình thương mại điện tử B2C thu về còn tương đối hạn chế. Tuy nhiên, mô hình thương mại này đang có sự phát triển vượt trội trong những năm gần đây. Cụ thể, theo thống kê trong năm 2008, giá trị thu về của các doanh nghiệp B2C chỉ khoảng 255 USD thì trong năm 2019, con số này đã lên đến khoảng 4.900 tỷ USD.

Hình thức đầu tiên của mô hình thương mại điện tử B2C được biết đến là mô hình bán hàng tạp hóa. Mức độ phát triển tiếp theo của mô hình này là xây dựng các trang web giá trị gia tăng. Các trang web giá trị gia tăng có nghĩa là các trang web này không đơn thuần chỉ mang đến cho khách hàng khả năng mua sắm hàng hóa, dịch vụ trực tuyến mà còn giúp đem lại các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cho khách hàng.

Mô hình thương mại điện tử B2C được biết đến rộng rãi nhất hiện nay có lẽ là mô hình bán lẻ trực tuyến (e-tailer). Mô hình này tương tự như mô hình bán hàng truyền thống, tuy nhiên thay vì mua hàng trực tiếp khách hàng sẽ truy cập vào cửa hàng trực tuyến để kiểm tra xem còn hàng trong kho không và tiến hành đặt hàng thông qua thiết bị điện tử kết nối Internet. Ngoài ra, một mô hình thương mại điện tử B2C khác kể đến như: Bán hàng trực tiếp, trung gian trực tuyến, B2C thông qua quảng cáo, B2C dựa trên cộng đồng, B2C thông qua tính phí…

thuong_mai_dien_tu_b2c_luanvan2sThương mại điện tử B2C là gì?

Mô hình thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) là gì?

Mô hình thương mại điện tử B2B (Tiếng Anh: Business to Business) là mô hình thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia vào mô hình kinh doanh này sẽ tìm cách để bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình cho các doanh nghiệp khác trên thị trường. Xét đến hiện tại, giá trị thương mại của mô hình thương mại điện tử này vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trên tổng số giá trị thương mại điện tử toàn cầu (khoảng 85%).

Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp đi theo mô hình thương mại điện tử B2B thường có xu hướng phát triển nhanh chóng và đạt lợi nhuận vượt trội hơn so với các doanh nghiệp B2C. Một số các loại hình doanh nghiệp B2B phổ biến trong thực tế kể đến như:

  • Mô hình phân phối điện tử
  • Mô hình mua sắm trực tuyến
  • Mô hình sàn giao dịch điện tử
  • Mô hình thương mại điện tử cộng tác

Tìm hiểu nhiều hơn về mô hình kinh doanh B2B tại đây!

Mô hình thương mại điện tử giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C) là gì?

Mô hình thương mại C2C (Tiếng Anh: Consumer to Consumer) là mô hình thương mại điện tử giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng. Trong mô hình thương mại điện tử này, các cá nhân sẽ tiến hành hoạt động mua bán, trao đổi trực tiếp với nhau hoặc thông qua các nhà tạo lập thị trường, các trang web của bên thứ ba. Mô hình thương mại điện tử C2C cho phép tạo ra một cộng đồng mua bán ảo trên website, chính vì thế ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng mô hình độc đáo này để bán sản phẩm và dịch vụ của mình trên các trang web của bên thứ ba, nơi họ có cơ hội tiếp xúc với lượng khách hàng rộng rãi hơn. Mô hình phổ biến nhất của thương mại điện tử C2C là mô hình đấu giá trực tuyến. Đấu giá trực tuyến là một loại hình kinh doanh C2C cho phép người tiêu dùng tìm kiếm và đấu giá các mặt hàng mà người tiêu dùng khác muốn bán. Điều này thường diễn ra trên trang web của bên thứ ba, nơi cả người tiêu dùng đều có hồ sơ hoặc tư cách thành viên. Một số mô hình thương mại điện tử C2C khác bao gồm:

  • Đấu giá trực tuyến
  • Trang thương mại điện tử
  • Nền tảng chuyển tiền
  • Các trang mạng xã hội

thuong_mai_dien_tu_c2c_luanvan2sThương mại điện tử C2C là gì?

Mô hình thương mại điện tử giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp (C2B) là gì?

Mô hình thương mại điện tử C2B (Tiếng Anh: Consumer to Business) là mô hình thương mại điện tử giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp. Trong mô hình thương mại điện tử này, người tiêu dùng cung cấp giá trị cho doanh nghiệp chứ không phải ngược lại như trong mô hình B2C. Các doanh nghiệp C2B tập trung vào việc tạo ra giá trị từ cơ sở khách hàng của họ, chẳng hạn như bằng các ý tưởng nguồn lực cộng đồng hoặc thu hút phản hồi của khách hàng, người tiêu dùng đồng sáng tạo ý tưởng, khái niệm sản phẩm / dịch vụ và giải pháp với một doanh nghiệp thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Google AdSense và Shutterstock là một số ví dụ thực tế về các dịch vụ C2B.

Với phương pháp tiếp cận giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp trong thực tế, các doanh nghiệp có thể tìm thấy triển vọng kinh doanh tiềm năng trong chính danh mục khách hàng của họ. Mô hình thương mại điện tử C2B cho phép người tiêu dùng có nhiều tiếng nói hơn (và là một phần của quy trình kinh doanh).

Mô hình thương mại điện tử C2B phổ biến nhất hiện nay là mô hình theo giá người mua. Đặc điểm của mô hình này là cho phép người tiêu dùng tìm kiếm được người bán cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong khả năng mua sắm của mình.

Vai trò của thương mại điện tử là gì?

Đối với doanh nghiệp

Thương mại điện tử làm đơn giản hóa hoạt động truyền thông và góp phần làm thay đổi các mối quan hệ của doanh nghiệp và tổ chức. Đối với thương mại điện tử, doanh nghiệp dù ở góc độ là người mua hàng hay nhà cung cấp đều có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc cho hoạt động giao dịch, kinh doanh của mình.

Thông qua thương mại điện tử, doanh nghiệp thu thập được nhiều thông tin hơn. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể thu thập được nhiều thông tin về thị trường, đối tác kinh doanh từ đó nắm được thông tin phong phú về thị trường và xây dựng các chiến lược sản xuất, kinh doanh thích hợp với xu thế phát triển của thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể thu thập được phản hồi của khách hàng để làm nền tảng thay đổi và cải tiến nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.

Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp quảng bá thông tin và tiếp cận cho một thị trường toàn cầu. Với một khoản tiền nhất định mỗi tháng, doanh nghiệp có thể đưa thông tin quảng cáo của mình tiếp cận hàng trăm triệu người xem từ các nơi trên thế giới. Đây là điều mà chỉ thương mại điện tử làm được.

Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí như chi phí văn phòng, chi phí phân phối của doanh nghiệp, chi phí bán hàng và chi phí tiếp thị cũng như chi phí giao dịch,….

Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Với thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể cung cấp catalogue, thông tin, bảng giá cho khách hàng một cách nhanh chóng, tạo điều kiện cho khách hàng mua trực tiếp từ trên mạng. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể nắm bắt thông tin về doanh nghiệp một cách nhanh chóng.

Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tăng doanh thu hiệu quả. Với thương mại điện tử, khách hàng của doanh nghiệp không còn giới hạn về mặt địa lý hay thời gian nên lượng khách hàng của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể từ đó làm tăng doanh thu.

vai_tro_cua_thuong_mai_dien_tu_luanvan2sVai trò của thương mại điện tử đối với doanh nghiệp là gì?

Đối với khách hàng

Nhờ thương mại điện tử, khách hàng có thể tiết kiệm chi phí mua hàng. Trên thực tế, giá bán của sản phẩm, dịch vụ qua mạng thường rẻ hơn giá bán sản phẩm, dịch vụ tại các cửa hàng. Bên cạnh đó, khách hàng còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian để mua hàng. Khách hàng có thể tìm thấy các thông tin về sản phẩm và dịch vụ mình muốn mua một cách nhanh chóng.

Thương mại điện tử khiến khách hàng hài lòng hơn. Thương mại điện tử giúp cho các doanh nghiệp mang lại dịch vụ tốt hơn cho khách hàng từ góp làm tăng sự hài lòng của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp cung ứng. Ngoài ra, sự thuận tiện và tiết kiệm trong quá trình mua sắm cũng khiến khách hàng hài lòng hơn.

Đối với xã hội

Thương mại điện tử tạo điều kiện cho nền kinh tế quốc gia sớm tiếp cận với kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế thế giới. Sự phát triển của thương mại điện tử đã kích thích sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, khai phá dữ liệu và phát hiện tri thức. Điều này có ý nghĩa lớn đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Việc sớm chuyển sang kinh tế tri thức sẽ giúp nước ta tạo bước nhảy vọt tiến kịp các nước đi trước trong thời gian ngắn.

Giảm ách tắc và tai nạn giao thông. Với nền tảng là mạng máy tính và phương tiện truyền thông hiện đại, mọi vấn đề về mua sắm hàng hóa, dịch vụ đều có thể giải quyết tại nhà nên đường phố sẽ vắng người hơn và các phương tiện giao thông di chuyển sẽ ít hơn từ đó giảm tai nạn giao thông.

Các hình thức ứng dụng thương mại điện tử là gì?

Thư điện tử

Đối với người dùng Internet, thư điện tử (Email) là khía cạnh quan trọng và là phương tiện được nhiều người dùng nhất. Các thông báo email có thể giống với biên bản ghi nhớ và dễ dàng được sao chép cho nhiều người sử dụng khác nhau. Email mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng và rẻ tiền với mức độ tin cậy cao. Mỗi người đều có thể dùng email từ nhiều nguồn như dùng email miễn phí từ nhà cung cấp tài khoản email miễn phí và email có địa chỉ tên miền với những người có website riêng.

Trao đổi dữ liệu điện tử

Trao đổi dữ liệu điện tử (Electronic data interchange - EDI) là công nghệ cho phép trao đổi trực tiếp dữ liệu có cấu trúc giữa các máy tính thông qua phương tiện điện tử. Hiểu một cách đơn giản, EDI là việc trao đổi dữ liệu dưới dạng có cấu trục từ máy tính điện từ này sang máy tính điện tử khác theo một cách tự động hóa mà không cần sự can thiệp của con người. EDI bao hàm những quy trình đảm bảo cho hình thức truyền thông trở nên an toàn hơn. EDI được dùng để truyền theo đường điện tử các tài liệu như hóa đơn, phiếu đặt hàng, giấy biên nhận, thông tin tài chính và thanh toán dưới dạng điện tử. Các chức năng của EDI ngày càng ý nghĩa hơn đặc biệt với thương mại điện tử.

Truyền dung liệu

Dung liệu là nội dung của hàng hóa và được số hóa, truyền gửi theo mạng được gọi là giao gửi số hóa (digital delivery). Các tờ báo, tư liệu của công ty, catalogue sản phẩm được đưa lên web, người ta gọi là xuất bản điện tử, các chương trình phát thanh, truyền hình,…cũng được số hóa, truyền qua Internet và người dùng tài xuống và sử dụng thông qua màn hình và thiết bị âm thanh của máy tính điện tử. Với góc độ kinh tế- thương mại, các loại thông tin kinh tế và kinh doanh trên Internet rất phong phú và công tác quan trọng là khai thác web và phân tích tổng hợp.

Thanh toán điện tử

Do xu hướng phát triển của thương mại điện tử, người dùng và doanh nghiệp đều tìm kiếm và triển khai kinh doanh trên mạng thông qua thanh toán điện tử. Thanh toán trực tuyến đòi hỏi người bán phải có một tài khoản chấp nhận thanh toán thẻ tại ngân hàng và thuê một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ, còn người mua phải có thẻ tín dụng.

Bán lẻ hàng hóa hữu hình

Ngày nay, danh sách các hàng hóa bán lẻ trên mạng đã mở rộng từ quần áo, ô tô,… làm xuất hiện hoạt động gọi là “mua hàng qua mạng”. Tận dụng tính năng đa phương tiện của môi trường web, người ta xây dựng các cửa hàng ảo, để mua hàng, khách hàng tìm trang web của doanh nghiệp, xem hàng hóa hiển thị trên màn hình, xác nhận mua và trả tiền bằng thanh toán điện tử.

Quảng cáo trực tuyến

Quảng cáo trực tuyến dần trở thành hình thức quảng cáo quan trọng, là xu hướng chung trên toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành quảng cáo Việt Nam cần quan tâm đối với thị trường này, đa dạng hóa khách hàng để phát triển chiến lược dài hạn cho các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo trực tuyến.

Giải trí trực tuyến

Trò chơi trực tuyến mới chỉ gia nhập thị trường từ 2003 nhưng đã thu được những kết quả đáng kinh ngạc và trở thành một lĩnh vực ngày càng được phát triển mạnh mẽ.

E-learning - đào tạo trên mạng Internet

E-learning có ưu thế hơn hẳn để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo như sự tiện lợi, linh hoạt trong việc khai thác kiến thức, tài liệu, giáo trình và tăng khả năng tương tác giữa người học với người dạy. E-learning được đánh giá là tương lai của đào tạo và giáo dục đào tạo nói chung.

Trên đây là những kiến thức tổng quát xoay quanh khái niệm “thương mại điện tử E-Commerce là gì". Hy vọng với những chia sẻ trên đây của luanvan2s.com sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức hữu ích trong học tập và thực hiện luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh về thương mại điện tử. Đừng quên chúng tôi cung cấp dịch vụ hỗ trợ & viết thuê luận văn áp dụng đối với 63 tỉnh thành trên toàn quốc, nếu có bất kỳ vấn đề nào cần hỗ trợ hay liên hệ ngay với đội ngũ của chúng tôi nhé!

Từ khóa » Các đặc điểm Của Thương Mại điện Tử