Thuyết Học Tập Xã Hội Và Ứng Dụng Vào Lĩnh Vực Đào Tạo

Thuyết học tập xã hội được đưa ra bởi nhà tâm lý học Albert Bandura, thuyết này cho rằng môi trường xã hội sẽ dẫn đến việc tạo nên những hành vi của một cá nhân. Ngoài ra ông cũng tin rằng những hành vi cũng có thể tạo ra môi trường và gọi hiện tượng này là hiện tượng quyết định hỗ tương hai chiều. Thế giới và hành vi con người có tác động ảnh hưởng qua lại lên nhau. A. Bandura đã nhìn vào nhân cách như là một quá trình tiếp cận giao thoa giữa ba đại lượng: Môi trường – Hành vi – Quá trình phát triển tâm lý của một cá nhân.

Bandura đã công nhận những ảnh hưởng của bên ngoài đối với hành vi của con người hoạt động thông qua trung gian là các yếu tố nhận thức. Các tiến trình nhận thức liên quan đến việc quyết định biến cố nào trong nhiều biến cố bên ngoài sẽ được quan sát và cá nhân sẽ tiếp nhận, phản ứng với các biến cố này như thế nào. Nhận thức sẽ ảnh hưởng đến hành vi của con người trên một số phương diện sau đây:

  • Một động cơ thúc đẩy nào đó được căn cứ theo nhận thức trong đó, trong một số trường hợp các hành động có thể phát sinh không phải từ sự kích thích bên ngoài mà mà từ các hoạt động nhận thức nội tại của chúng ta. Do đó, những ý nghĩ của con người về hậu quả tương lai của một hành vi nào đó có thể đang thúc đẩy, và về mặt nhận thức các mục tiêu được cá nhân ấn định có thể thúc đẩy hành vi.
  • Ngoài ra nhận thức cũng giữ một số vai trò khác đối với việc quyết định hành vi của con người, chúng được chúng ta dùng để đưa ra những diễn giải về các sự kiện mà qua đó hành vi được hướng dẫn.

Bên cạnh đó, lý thuyết này cho rằng cá nhân có một hệ thống bản thân ảnh hưởng mạnh đến hành vi. Hệ thống này, theo A. Bandura là tập hợp các cơ cấu nhận thức và các chức năng phụ của tri giác, sự đánh giá và sự quy định hành vi. Cá nhân cư xử một phần do do các kì vọng về mặt nhận thức, trong đó kì vọng về tính hiệu quả, tiêu biểu cho mức độ mà cá nhân tin rằng mình có thể đạt được kết quả đáng mong ước trong một tình huống riêng biệt.

Quá trình hình thành học tập xã hội

Hai vấn đề nổi bật trong học thuyết của của A. Bandura là: con người học bằng cách rập khuôn và khả năng tự quản:

  1. Từ những nghiên cứu của mình, A. Bandura nêu ra quá trình rập khuôn gồm 4 bước như sau:

2

4 nhân tố quan trọng trong học tập xã hội

  • Chú ý: Để học một điều gì đó, chúng ta sẽ tập trung tư tưởng. Nếu chúng ta không chú ý thì chúng ta sẽ không thể học được gì cả. Khi cố gắng bắt chước mô hình mẫu, nếu mô hình mẫu hấp dẫn, đầy màu sắc và có những hứa hẹn khả thi, chúng ta sẽ chú ý tập trung nhiều hơn. Một mô hình mẫu gần gũi với cá nhân ở những khía cạnh nào đó sẽ khiến một cá nhân sẽ tập trung nhiều hơn.
  • Giữ lại/duy trì: Là khả năng lưu giữ trí nhớ về những gì chúng ta đã tập trung chú ý vào. Chúng ta nhớ những gì đã được nhìn thấy từ mô hình mẫu qua hình thái của những chuỗi hình ảnh trong tâm thức hay qua những mô tả ngôn từ, hay còn nói theo cách khác là con người lưu trữ những gì quan sát được vào trí nhớ dưới dạng hình ảnh và ngôn ngữ để khi nào cần thì chúng ta có thể lấy ra để sử dụng. Những gì mà để lại nhiều ấn tượng đối với mọi người thì họ sẽ nhớ chúng lâu hơn.
  • Lặp lại: Sau khi chú ý và giữ lại, cá nhân sẽ chuyển tải những hình ảnh trong hệ tâm thức hay những mô tả ngôn ngữ trở thành hành vi thật sự. Khả năng bắt chước của chúng ta sẽ tiến bộ nếu chúng ta lặp lại những gì đã quan sát bằng hành động thực, nếu không thực hành mọi người không thể học được gì. Mặt khác, khả năng tái diễn của chúng ta sẽ tốt hơn nếu chúng ta liên tục tưởng tượng mình đang thao tác hành vi ấy.
  • Động cơ: Nếu không có lợi ích gì chúng ta sẽ không học tập được, vì thế trong quá trình học tập một thao tác mới động cơ đóng vai trò quan trọng với mỗi người. Chúng ta có mô hình mẫu hấp dẫn, có trí nhớ, và khả năng bắt chước, nhưng nếu không có động cơ bắt chước, ít nhất là một lý do tại sao ta phải bắt chước hành vi này, ta sẽ không thể học tập hiệu quả được.

2. Vấn đề thứ hai trong quá trình học tập xã hội là tự kiểm soát. Tự kiểm soát là quá trình kiểm soát hành vi của chính chúng ta. Theo A. Bandura, tự kiểm soát bao gồm những bước sau:

  • Tự quan sát mình: Khi chúng ta nhìn vào bản thận mình và những hành vi của chúng ta, chúng ta thường kiểm soát những hành vi này trong một chừng mực nhất định.
  • Đánh giá cân nhắc: Chúng ta so sánh những gì chúng ta nhìn thấy với một hệ tiêu chuẩn nào đó (tiêu chuẩn của xã hội quy định hoặc của bản thân chúng ta).
  • Cơ năng tự phản hồi: Nếu ta bằng lòng với việc so sánh với tiêu chuẩn của mình, ta sẽ tự thưởng mình qua cơ năng tự phản hồi. Khi chúng ta hài lòng với hành vi của mình chúng ta thấy mình thỏa mái, tự tin hơn. Ngược lại, nếu không hài lòng chúng ta sẽ kém tự tin.

Theo thuyết học tập xã hội, nhiều hành vi được các tiến trình tiếp thu, tự củng cố quy định. Sự tự đánh giá là là một tiến trình tiếp diễn, trong đó cá nhân tự quan sát hành vi của chính mình, ấn định các tiêu chuẩn riêng biệt, và tham dự vào sự tự trừng phạt hay tự thưởng tùy thuộc vào nó có phù hợp với yêu cầu người đó đặt ra hay không.

Ứng dụng trong lĩnh vực đào tạo

Thuyết học tập xã hội nhấn mạnh rằng mọi người học bằng cách quan sát những người khác mà họ tin là đáng tin cậy và am hiểu. Học thuyết này cũng được công nhận cho thấy là hành vi nào được tăng cường hoặc khen thưởng có xu hướng được lặp lại. Các mô hình hoặc các kỹ năng được khen thưởng sẽ được làm theo bởi người quan sát. Theo học thuyết  học tập xã hội, học các kỹ năng hoặc hành vi mới xuất phát từ (1) trực tiếp trải qua kết quả từ việc sử dụng hành vi hoặc kỹ năng đó, hoặc (2) quá trình quan sát người khác và nhìn thấy kết quả từ hành vi của họ (vai trò người làm mẫu, video kỹ năng, khen thưởng…).

Học tập cũng bị ảnh hưởng bởi sự tự tin của một người. Sự tự tin là sự đánh giá của một người về việc liệu người đó có thể thành công hay không để học hỏi kiến ​​thức và kỹ năng. Tại sao? Tự tin quả là một yếu tố quyết định sự sẵn sàng để học. Một học viên có tính tự tin cao sẽ cố gắng để học hỏi trong một chương trình đào tạo và rất có thể sẽ tiếp tục học hỏi ngay cả khi một môi trường học tập không có lợi cho việc học tập (ví dụ như phòng ồn ào). Ngược lại, một người với sự tự tin thấp sẽ có tự nghi ngờ về việc làm chủ nội dung của một khóa đào tạo, chương trình và có nhiều khả năng rút lui về mặt tâm lý và/hoặc về thể lý. Những người này tin rằng họ không thể học, và bất kể mức độ nỗ lực của họ, họ sẽ không thể học được. Sự tự tin của một người có thể được tăng lên bằng cách sử dụng một số phương pháp trong đào tạo: thuyết phục bằng lời nói, xác minh, quan sát người khác (mô hình hóa), và những thành tựu trong quá khứ.

  • Thuyết phục bằng lời nói có nghĩa là đưa ra lời khuyến khích thuyết phục học viên khiến họ có thể học được.
  • Xác minh hợp lý bao gồm nhận thức được mối quan hệ giữa một nhiệm vụ mới và một nhiệm vụ đã làm chủ được. Giảng viên và người quản lý có thể nhắc nhở nhân viên khi họ gặp phải khó khăn trong học tập, mối quan hệ để chỉ ra họ đã thành công khi học các công việc tương tự.
  • Mô hình hóa liên quan đến việc người tham dự đã nắm vững các kết quả học tập đã được chứng minh bởi người làm đào tạo. Kết quả là, nhân viên có thể được thúc đẩy bởi sự tự tin và thành công của những người bạn cùng thành công của họ.
  • Những thành tựu quá khứ đề cập đến việc cho phép nhân viên xây dựng một lịch sử thành công. Người tổ chức có thể đặt người tham dự vào tình huống mà họ có thể đào tạo thành công để người tham dự biết phải làm gì và làm thế nào để làm điều đó.

Như đã trình bày ở trên, quá trình học tập liên quan đến 4 quá trình (chú ý, lặp lại, giữ lại và động cơ). Trong đào tạo, để kết quả đào tạo diễn ra tốt nhất, cần dựa vào quá trình này để ứng dụng vào chương trình đào tạo:

  • Sự chú ý cho thấy rằng học viên không thể học bằng cách quan sát trừ khi họ nhận thức được những khía cạnh quan trọng của việc thực hiện mô hình. Chú ý chịu ảnh hưởng bởi đặc điểm của mô hình và người học. Người học phải nhận thức được các kỹ năng hoặc hành vi mà họ được khuyến khích để quan sát. Mô hình này phải được xác định rõ ràng và đáng tin cậy. Người học phải có khả năng thể chất (khả năng cảm giác) để quan sát mô hình. Ngoài ra, người học đã học thành công các kỹ năng hoặc hành vi khác bằng cách quan sát mô hình có nhiều khả năng tham gia vào mô hình. Như vậy, trong đào tạo cần phải làm cho học viên nhận thức được tầm quan trọng của viêc thực hành mô hình hành vi, mô hình này cũng phải được thiết kế rõ ràng, đáng tin cậy, và phải phù hợp với đặc trưng của người học.
  • Duy trì: Người học phải nhớ các hành vi hoặc kỹ năng mà họ quan sát. Đây là vai trò của việc duy trì. Người học phải tính toán các hành vi và kỹ năng quan sát được trong bộ nhớ theo cách thức có tổ chức để họ có thể nhớ lại chúng cho tình huống thích hợp. Hành vi hoặc kỹ năng có thể được mã hoá như hình ảnh thị giác (biểu tượng) hoặc lời nói miệng. Ở đây, đòi việc thiết kế chương trình, và phương pháp trình bày…, của người làm đào tạo phải phù hợp để người học có thể duy trì (lưu giữ) hành vi được học.
  • Lặp lại: Động cơ lặp lại liên quan đến việc thử nghiệm các hành vi quan sát thấy nếu chúng có kết quả trong việc gia cố giống như mô hình đã nhận. Khả năng tái sản xuất các hành vi hoặc kỹ năng phụ thuộc vào mức độ người học có thể nhớ lại các kỹ năng hoặc hành vi. Người học cũng phải có khả năng thể chất để thực hiện hành vi hoặc thể hiện kỹ năng. Ví dụ, một lính cứu hỏa có thể học các hành vi cần thiết để đưa một người ra khỏi tình huống nguy hiểm, nhưng anh ta có thể không thể chứng minh hành vi vì anh ta không có sức mạnh thể lý để thực hiện những kỹ năng này. Lưu ý rằng hiệu suất của hành vi thường không hoàn hảo trong lần thử đầu tiên. Người học phải có cơ hội thực hành và nhận được phản hồi để sửa đổi hành vi của mình để tương tự như hành vi của người mẫu.
  • Động cơ: Người học có nhiều khả năng áp dụng một mẫu hành vi nếu nó mang lại kết quả tích cực. Học thuyết học tập xã hội nhấn mạnh rằng các hành vi được củng cố (quá trình tạo động lực) sẽ được lặp lại trong tương lai. Ví dụ, nguồn gây stress và xung đột chính cho các nhà quản lý thường liên quan đến cuộc phỏng vấn để đánh giá hiệu suất của nhân viên. Người quản lý có thể, thông qua việc quan sát các nhà quản lý thành công trong việc này, tìm hiểu các hành vi cho phép nhân viên tham gia nhiều hơn vào cuộc phỏng vấn đánh giá hiệu suất công việc(ví dụ: cho nhân viên cơ hội để nói lên mối quan tâm của họ). Nếu người quản lý sử dụng hành vi này trong phỏng vấn đánh giá hiệu suất và hành vi đó được nhân viên khen ngợi (ví dụ, họ có thể đưa ra nhận xét như “Tôi thực sự cảm thấy cuộc họp này có sự phản hồi tốt nhất mà chúng ta từng làm”) hoặc hành vi mới này dẫn tới giảm xung đột với nhân viên, người quản lý sẽ sử dụng hành vi này trong các cuộc phỏng vấn đánh giá hiệu suất của mình.

Cần lưu ý là trong việc đào tạo, không nên chỉ áp dụng mỗi thuyết học xã hội. Ngoài lý thuyết này, còn rất lý thuyết về tâm lý có thể ứng dụng vào đào tạo như các lý thuyết về nhu cầu của A. Maslow và C. Alderfer, thuyết thiết lập mục tiêu của E. Locke…

Keep Hoping In Every Moment

Nguồn tham khảo:

  • Noe, R . A. (2010). Employee training and development (5th edition). New York, NY: McGraw-Hill/Irwin, pp 143-144
  • Nguyễn Thơ Sinh. (2008). Các học thuyết nhân cách, NXB Lao Động Hà Nội.
  • Smith, B. D., & Vetter, H. J. (2005). Các học thuyết về nhân cách, NXB Văn Hóa Thông Tin Hà Nội
  • Ảnh: onlineacademiccommunity.uvic.ca, appsychology.com

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Liên quan

Từ khóa » Trình Bày Thuyết Học Tập Xã Hội