Thuyết Khách - Duyên Dáng Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Thời phong kiến, vua còn ngất ngưởng trên ghế tối thượng, có một kiểu người nói năng bùi tai, lợi khẩu theo kiểu nói xuôi cũng thông nhĩ, nói ngược cũng lọt tai. Các cụ đồ nho nhà ta gọi là thuyết khách. Đại để bọn họ hoạt ngôn, dùng tài ăn nói để thuyết phục người khác nghe theo. Xã hội hiện đại gọi họ là nhà hùng biện hay trang trọng hơn: nhà ngoại giao. Họ chuyên dùng lý lẽ đi thuyết phục người khác, kể cả lộng ngôn hay xảo biện.
Trương Nghi theo học thầy Quỷ Cốc Tử, là nhà du thuyết nổi tiếng. Có lần bị vợ trách mắng, Trương Nghi hỏi vợ:
- Nhìn xem lưỡi ta còn không?
Vợ cười:
- Lưỡi còn.
Ông nói:
- Được rồi.
Thành thử dân gian vẫn gán cho họ xú danh khó đỡ “miệng lưỡi giảo hoạt”, kẻ “bẻm mép” hay dịu gay gắt hơn là “dẻo miệng”, “lắm mồm”. Dùng miệng lưỡi khôn khéo để du thuyết mà thành công như Trương Nghi không hiếm. Thành ngữ “miệng lưỡi Tô Tần” cũng có xuất phát điểm tương tự. Tô Tần là đồng môn của Trương Nghi, lợi khẩu không kém bạn. Nếu Trương Nghi chủ trương “liên hoành”, thì Tô Tần lại chủ thuyết kế “hợp tung”, là tể tướng cả sáu nước thời Chiến Quốc. Cũng vì họa miệng, ông bị ám sát tại nước Tề. Đến lúc gần chết Tô Tần nói với Tề Vương:
- Thần chết xin dùng xe xé xác thần mà rao ở chợ: "Tô Tần vì Yên mà làm loạn ở Tề", thì thế nào cũng bắt được hung thủ giết thần.
Tề vương y lời sai dùng xe xé xác ông và rao tội trạng theo kế ông dặn lại nên đã tìm ra thủ phạm. Đến chết vẫn lợi hại như thế có giai thoại "Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống".
Cùng thời với hai thuyết khách nổi tiếng kia còn có Thương Ưởng (Vệ Ưởng). Ông là nhà chính trị lỗi lạc, đại biểu xuất sắc của tư tưởng Pháp gia. Cũng thành công tột đỉnh, nhưng kết cục bi thảm: Tần vương lấy xe xé xác ông để thị uy, sau đó lại giết cả nhà của Thương Ưởng. Cái lẽ “Cao điểu tận, lương cung tàng/ Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh"? (Chim chết hết, cung tên xếp xó/ Thỏ chết rồi chó bị phanh thây) chắc những mưu thần xuất chúng như họ không phải là không biết. Tuy nhiên do quá tự tin mà họ cho rằng quy luật vô ơn "được chim bẻ ná, được cá quên nơm" chừa họ ra.
Hệ lụy “họa tòng khẩu xuất” đâu phải chỉ ở phương đông. Nền văn minh Hy Lạp cổ còn lưu lại những câu chuyện danh bất hư truyền về hai nhà hùng biện, hai triết gia xuất sắc là Aristote và Demosthene. Nước Hy Lạp trước Công nguyên xem lời nói là tinh hoa, tranh luận hoạt ngôn là yếu tố của thành công. Trước khi là nhà diễn thuyết tài ba, Demosthene mắc tật cà lăm, nói năng lắp bắp “ăn không nên đọi, nói không nên lời”. Để “phục hận” việc bị xử thiệt trong một vụ thừa kế bất động sản chính đáng, Demosthene kiên trì luyện giọng rèn hơi, tập ngậm sỏi diễn thuyết trước ầm ầm tiếng sóng. Và sánh vai với Aristote, ông thành một trong hai kỳ nhân hùng biện của lịch sử Hy Lạp. Thế nhưng vấn nạn họa khởi từ miệng vẫn ứng nghiệm với cả hai: Aristote và Demosthene không sinh cùng năm nhưng chết cùng tuổi bởi cùng tự vẫn bằng thuốc độc.
Đàn ông hoạt ngôn thành danh không lạ. Đàn bà lợi khẩu mới xứng kỳ tài. Chung Ly Xuân nước Tề (Thế kỉ III trước Công nguyên) nổi tiếng xấu người nhưng là bậc nữ lưu khẳng khái can trường. Không sang Đông Ngô thiệt chiến quần nho như Khổng Minh. Không du thuyết sáu nước chư hầu như Tô Tần. Nhưng Vô Diệm từng xông vào bàn tiệc của vua tôi Tề Tuyên Vương “trợn mắt hếch răng, vỗ gối bình bịch” vạch tội chỉ lỗi:
- Nguy lắm! Nguy lắm!... thiếp trợn mắt thay vua nhìn vào cái nạn binh lửa; hếch răng thay vua trị tội những kẻ chống lại lời can gián; cất tay thay vua đổi kẻ sàm nịnh; vỗ gối thay vua đạp phá yến này!”
Đa ngôn như Oprah Winfrey - nữ MC người Mỹ là một kiểu lợi khẩu sắc sảo mà hữu ích. Mỗi talkshow của bà được ví là “mỗi ca phẫu thuật thâm sâu tâm hồn nước Mỹ” đương đại. Hoạt ngôn như thế được nhà Phật xếp vào hàng “lợi tha”, thiết thực cho nhân loại.
Thời nay đa ngôn được xem là dẻo miệng, lắm mồm. Xưa, dùng ngôn ngữ hùng biện thì vào hàng thuyết khách; nay có danh xưng mĩ miều là nhà ngoại giao. Dùng nhiều xảo ngữ, phát ngôn càng mơ hồ khó đoán càng được xem là có tài ngoại giao. Phong độ những người này nhang nhác các doanh nhân, chính khách. Phát ngôn đằng đông sẽ hành động đằng tây, có khi nói nam lại chỉ bắc. Họ sẵn sàng chi bạc triệu ủng hộ từ thiện, đền ơn đáp nghĩa và được các tờ báo to nhỏ già trẻ rầm rộ đưa tin.
Mặt khác, sau khi ra tay nghĩa hiệp trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, họ vung tay làm khuynh đảo thị trường nhà đất, xây những nhà máy làm ô nhiễm không khí, đầu độc nguồn nước. Vừa nghe nói chủ doanh nghiệp nọ xuất tiền túi chi những suất ăn tình thương cho kẻ khó bằng tấm lòng vàng, đã thấy cơ sở kinh doanh của họ bị phát hiện sản xuất thực phẩm bẩn, kém chất lượng. Vừa hôm trước đọc những lời ca tụng công đức đại gia kia trên tờ báo X, hôm sau đã thấy tờ báo Y, Z đăng thông báo bắt giam anh ta như một tội phạm sừng sỏ. Họ rêu rao yêu nước thương nòi nhưng sẵn sàng xây những nhà máy gây ung thư cả làng.
Dân gian vẫn truyền khẩu “Thật thà như thể lái trâu” để chỉ những anh hành nghề mua bán trâu bò ở các làng xã ngày xưa. Khi “con trâu là đầu cơ nghiệp”, thì việc mua đi bán lại trâu nghé, bò bê là chuyện hệ trọng. Gặp anh lái trâu giảo hoạt mồm năm miệng mười, mặt mũi bất lương thì người nông dân chân chất có chạy đằng trời cũng thiệt thòi khó đỡ. Ngày nay, những gã thương lái gia súc bẻm mép nọ lỡ gặp các tay thương gia/ chính khách cự phách nói đằng đông vạch đằng tây kia thì chỉ còn cách kêu trời kiểu “trời sanh Du sao còn sanh Lượng” hoặc đâm đầu vào tuyệt lộ. Số khác thức thời hơn, lập phường hội bái các chuyên gia lái trâu hiện đại làm thầy. Sau một thời gian thọ giáo môn “thiệt công” nói xuôi cũng trôi/ nói ngược cũng lọt, trình “thuyết khách” của họ tăng level vùn vụt như giá đất ở khu “vàng”, như đồng bitcoin đang làm mưa làm gió.
Tag: thuyết khách hoạt ngôn đa ngônTừ khóa » Thuyết Khách
-
Thuyết Khách - Wiktionary Tiếng Việt
-
Thuyết Khách / 說客 - Âm Khuyết Thi Thính, Tân Lạc Trần Phù
-
Thuyết Khách Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "thuyết Khách" - Là Gì?
-
Âm Khuyết Thi Thính Ft Tân Nhạc Trần Phù | 說客 - 音闕詩聽 - YouTube
-
Từ Điển - Từ Thuyết Khách Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Thuyết Khách Là Gì, Nghĩa Của Từ Thuyết Khách | Từ điển Việt
-
Học Làm Thuyết Khách - Radio Free Asia
-
Từ Thuyết Khách Là Gì - Tra Cứu Từ điển Tiếng Việt
-
'thuyết Khách' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Thủ Tướng Đức Sang Trung Quốc Thuyết Khách - Tuổi Trẻ Online
-
Kỹ Thuật Thương Lượng: Những Thuyết Khách Trung Quốc Nhiều "kế ...
-
Thuyết Khách Trong Tiếng Anh Là Gì? - English Sticky