Thuyết Minh Dự án đầu Tư Xây Dựng Trường Học
Có thể bạn quan tâm
Đây là mẫu thuyết minh xây dựng dự án đầu tư xây dựng trường học dành cho các bạn tham khảo, mục đích rất đơn giản dành cho những ai cần thiết thì có tài liệu để download mà thôi. Chúng tôi mong rằng phần này sẽ giúp ích cho các bạn phần nào trong việc thiết kế nhé.
Mục lục
- Công trình: Nhà lớp học – Trường tiểu học xã hiệp thuận!
- I – GIỚI THIỆU CHUNG
- Đặc điểm công trình:
- Quy mô xây dựng công trình:
- II – BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THI CÔNG
- II.1 – Công tác chuẩn bị thi công :
- II.2 – Tổ chức mặt bằng thi công :
- III. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC KỸ THUẬT THI CÔNG
- III.1 BIỆN PHÁP QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH :
- III.2 VẬT LIỆU :
- III. 3 THIẾT BỊ MÁY MÓC DÙNG CHO CÔNG TRÌNH
Công trình: Nhà lớp học – Trường tiểu học xã hiệp thuận!
CHỦ ĐẦU TƯ : UBND HUYỆN PHÚC THỌ – TỈNH HÀ TÂY
I – GIỚI THIỆU CHUNG
Đặc điểm công trình:
Nhà lớp học được xây dựng 2 tầng 8 phòng học, được xây dựng trong khuôn viên khu đất nhà trường đang quản lý và sử dụng, đã có quy hoạch định hướng lâu dài. Có đường giao thông liên xã chạy qua thuận tiện cho việc chở vật liệu.
Công trình xây dựng bên cạnh là nơi giảng dạy và học tập của nhà trường. Do vậy trong quá trình thi công chúng tôi sẽ có biện pháp thi công hợp lý, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường cho công trường và các công trình xung quanh.
Quy mô xây dựng công trình:
Công trình được xây dựng 2 tầng, chiều cao tầng 3,6m; có tổng diện tích sàn là 650m2. Kết cấu khung bê tông cốt thép, sàn đổ bê tông tại chỗ. Mái lợp phibrô ximăng. Xà gồ thép U120. Hệ thống cửa dùng gỗ de. Nền lát gạch XM hoa 200×200.
II – BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THI CÔNG
II.1 – Công tác chuẩn bị thi công :
Trên cơ sở mặt bằng hiện trạng, chúng tôi tổ chức lại theo bản vẽ mặt bằng tổ chức thi công như sau:
– Dọn vệ sinh mặt bằng, rào chắn khu vực thi công, ngăn cách với các công trình xung quanh bằng hàng rào lưới B40, cọc gỗ bạch đàn, có phủ thêm bạt dứa chống bụi .
– Chuẩn bị bãi, kho tập kết vật tư.
– Lắp đặt hệ thống điện thi công từ nguồn điện được cấp đến cầu dao tổng.
– Khoan giếng lấy nước thi công đến các tầng.
– Tập kết máy móc thiết bị thi công .
– Liên hệ với các cơ quan chức năng để làm các thủ tục cần thiết cho việc triển khai thi công.
II.2 – Tổ chức mặt bằng thi công :
– Tổng mặt bằng thi công được bố trí theo từng giai đoạn thi công.
– Căn cứ vào điều kiện cụ thể của mặt bằng hiện có.
– Căn cứ vào thiết kế kiến trúc.
– Để đảm bảo việc thi công công trình. Chúng tôi tổ chức mặt bằng theo yêu cầu sau :
* Mặt bằng thuận tiện cho các phương tiện cơ giới ra vào.
* Đảm bảo an toàn cho người và phương tiện thi công.
* Đảm bảo tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm.
* Lối ra vào công trường ( thể hiện trên bản vẽ kèm theo) đảm bảo an toàn, thuận tiện, luôn sạch sẽ.
* Đảm bảo cho các phương tiện vận chuyển vật liệu làm việc có hiệu quả trong thời gian sử dụng.
Về giải pháp mặt bằng đơn vị thi công bố trí bãi trộn:
Gồm 2 máy trộn bê tông 350lít, bể nước tạm phục vụ thi công và bãi vật liệu rời. Các vật liệu khác như : sắt , xi măng được bố trí trong kho nằm cạnh công trình.
Ban chỉ huy, kho cốppha là một dãy nhà tạm gần công trình.
Nguồn nước lấy từ hệ thống cấp nước có sẵn của tỉnh và giếng khoan tại chỗ.
Nguồn điện : Lấy từ nguồn điện có sẵn của tỉnh, đưa vào tủ điện chính của công trình sau đó dẫn tới các thiết bị tiêu thụ điện. Từ cầu dao tổng đến các thiết bị có các cầu dao phụ, dây dẫn dùng loại dây cáp cao su của Nga hoặc Hàn quốc đi trên cột gỗ dọc theo hàng rào công trình.
Hệ thống đèn bảo vệ, thắp sáng và sinh hoạt đi bằng dây bọc 2 lớp 2×4 và 2×1,5 treo trên các cột quanh tường rào. Mọi công việc về điện đều được kiểm tra thường xuyên và có 2 thợ điện trực tại hiện trường để đề phòng các sự cố xảy ra. Cấm không dùng điện để đun nước, mọi việc sử dụng điện trong công trường đều phải được sự đồng ý của chủ nhiệm công trình.
Mở các lớp huấn luyện phòng chống cháy, nổ an toàn lao động cho toàn bộ cán bộ, công nhân trước khi vào làm việc tại công trình.
III. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC KỸ THUẬT THI CÔNG
III.1 BIỆN PHÁP QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH :
III.1.1 Căn cứ quản lý chất lượng
– Điều lệ quản lý đầu tư xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 42/CP ngày 16/7/1996 và 92/CP ngày 23/8/1997 của Chính phủ.
– Điều lệ quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành theo quyết định số 498/BXD-GFF ngày 18/9/1996 của Bộ trưởng Bộ xây dựng.
– Chúng tôi có bộ phận kiểm tra kỹ thuật và chất lượng công trình để thực hiện các công tác quản lý của các phần việc xây lắp cùng với chủ đầu tư, đơn vị thiết kế. Tổ chức giám sát việc lập hồ sơ nghiệm thu kiểm tra chất lượng của từng công việc, từng công đoạn từng hạng mục theo tiến độ thi công.
– Quy trình nghiệm thu công việc theo các bước : Tự nghiệm thu từ đội công trình-Nghiệm thu nội bộ của ban nghiệm thu công trình, sau đó mới được tiến hành nghiệm thu với A và thiết kế.
– Trong quá trình thi công, chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn kỹ thuật đối với công trình và các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
III.1.2 Các tiêu chuẩn qui phạm :
Chúng tôi áp dụng các tiêu chuẩn để đảm bảo giám sát và quản lý chất lượng công trình theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu : Tuyển tập tiêu chuẩn xây dựng Việt nam – Tập 7 và các tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành.
Ngoài ra chúng tôi còn tuân thủ các nội dung trong Quyết định số 35/1999/QĐ-BXD ngày 12/11/1999 của Bộ trưởng Bộ xây dựng về việc Ban hành qui định quản lý chất lượng công trình xây dựng.
III.1.3 Mô hình quản lý chất lượng :
– Công ty chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng xây dựng. Chất lượng xây dựng được hình thành trong mọi giai đoạn: Trước khi thi công (lập kế hoạch, tiến độ, thiết kế biện pháp, gia công chế tạo, vật liệu, và vận chuyển tới hiện trường). Giai đoạn xây dựng (quá trình thi công xây lắp) và sau xây dựng (Bàn giao nghiệm thu và đưa vào sử dụng), cũng như trong thời gian bảo hành công trình.
– Quản lý chất lượng là quá trình thiết lập, bảo quản và duy trì mức độ cần thiết trong gia công, lắp dựng, thi công và đưa vào sử dụng. Quá trình này Đơn vị thi công thực hiện bằng cách kiểm tra, giám sát thi công theo đúng bản vẽ, thực hiện đúng các qui trình, tiêu chuẩn, thông số và các tác động có ảnh hưởng tới chất lượng, tiến hành nghiệm thu đầu vào, từng phần từng công đoạn cho từng công việc cụ thể.
– Có hệ thống cán bộ từ Công ty đến công trình về khâu quản lý tài liệu và các thông số kỹ thuật thiết kế, các chỉ tiêu kỹ thuật được sử dụng và đưa vào công trình, kiểm tra định kỳ công tác kỹ thuật xây lắp, thanh tra kỹ thuật, an toàn lao động. Quá trình kiểm tra, giám sát có sự tham gia của bản thân người công nhân lao động, kỹ thuật hiện trường, chủ nhiệm công trình, cán bộ giám sát chất lượng của Công ty nhằm ngăn ngừa và loại trừ hư hỏng, phế phẩm và sự cố đối với công trình trong mọi chi tiết, mọi công đoạn.
– Kiểm tra giám sát chất lượng vật liệu, công tác xây lắp được thực hiện cả trên hiện trường và cả trong phòng thí nghiệm của Công ty và của các cơ quan chức năng có tư cách pháp nhân bằng các dụng cụ và các thiết bị thí nghiệm tiên tiến để đánh giá chất lượng vật liệu và công trình. Đơn vị thi công đưa vào công trình những kỹ sư giỏi, có kinh nghiệm thi công và giám sát. Đặc biệt là lực lượng CBCNV đã thi công ở các công trình tương tự .
III.1.4 Quản lý tiến độ :
– Dựa theo tiến độ đã lập được duyệt chính thức, đơn vị thi công sẽ lập lại tiến độ chi tiết cho từng giai đoạn, trong mỗi giai đoạn lại lập tiến độ cho từng tháng , tuần trên cơ sở đó bố trí nhân lực, vật tư, máy đảm bảo tiến độ đúng thời gian qui định.
– Hàng tuần có tổ chức điều độ tại công trình.
III.1.5 Lập hồ sơ pháp lý công trình :
– Trong quá trình thi công để tuân thủ theo chế độ kỹ thuật đảm bảo chất lượng công trình cao. Công trình phải có sổ công tác nghiệm thu các công việc đã làm, có sổ nhật ký ghi chép hiện trường, có sổ biện pháp an toàn thi công. Mỗi công việc phải có sự giám sát giữa A & B mới được tiến hành.
– Quá trình kiểm tra, giám sát có sự tham gia của kỹ thuật hiện trường, chủ nhiệm phần việc, cán bộ của công ty nhằm ngăn ngừa và loại trừ trường hợp phải phá đi làm lại trong mọi chi tiết, mọi công đoạn, phải có bản vẽ hoàn công từng công việc.
III.1.6 Công tác phối hợp :
– Trong quá trình thi công công trình phải có sự phối hợp giữa A & B để giải quyết những vướng mắc trong thi công mà chưa lường hết, giữa B và thiết kế phải có sự phối hợp chặt chẽ để giải quyết bổ sung thiết kế hoặc thay đổi thiết kế.
– Quá trình thi công bên B đảm bảo ứng vốn cho công trình đạt tiến độ đúng thời gian đã định.
III.2 VẬT LIỆU :
Toàn bộ vật liệu được sử dụng cho công trình là vật liệu thỏa mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và đúng qui định của thiết kế, hồ sơ mời thầu.
Vật liệu đưa vào công trình được tổ chức kiểm tra đảm bảo đầy đủ chứng chỉ nguồn gốc và chất lượng.
III.2.1 Nguồn xi măng :
– Nguồn xi măng là xi măng Bỉm Sơn mua của Tổng công ty xi măng Việt Nam có chứng chỉ kèm theo dùng cho các kết cấu chính của công trình.
– Nguồn xi măng địa phương : Xi măng Tiên Sơn để xây, trát , láng.
– Xi măng được dùng có xác nhận của nơi sản xuất đúng theo TCVN 2682 – 92, có kiểm định của nhà nước, khi lưu trong kho được kê cách nước và thoáng khí trên một sàn cách mặt đất 300mm, chiều cao mỗi hàng không quá 10 bao xi măng. Xi măng lưu trữ trong kho không quá 28 ngày.
III.2.2 Nguồn vật liệu khác :
– Gạch chỉ đặc M75# : Gạch máy xây móng, khu wc, tường…
– Cát vàng, cát đen: Theo TCVN 1770-86
– Đá: Theo TCVN 1771-86
– Thép: Thái Nguyên hoặc liên doanh
III.2.3 Vật tư điện nước :
– Vật tư , thiết bị điện, nước được sử dụng đúng theo yêu cầu thiết kế. Những vật tư, thiết bị điện nước không có trên thị trường được thay thế theo chủng loại đúng như trong hồ sơ mời thầu.
III.2.4 Vật tư hoàn thiện :
– Vật liệu và sản phẩm sử dụng trong công tác hoàn thiện phải tuân theo những yêu cầu của tiêu chuẩn và hồ sơ mời thầu cũng như chỉ dẫn riêng của thiết kế và nhà sản xuất.
– Tất cả những vật liệu đưa vào thi công phải có xuất xứ rõ ràng, có đủ chứng chỉ chất lượng do cơ quan có tư cách pháp nhân cấp cho từng lô tương ứng, còn nguyên đai nguyên kiện và còn thời hạn sử dụng được Chủ đầu tư chấp nhận.
– Trong trường hợp những vật liệu và sản phẩm dùng cho công tác hoàn thiện đưa đến công trình mà không còn ký hiệu trên bao hay ký hiệu không còn nguyên vẹn, cần phải tiến hành thử nghiệm và xác định những chỉ tiêu đặc trưng cho tính chất cơ lý và tính chất khác của vật liệu đó và chỉ được phép đưa vào công trình khi đã có ý kiến chấp thuận của Chủ đầu tư.
– Không sử dụng loại vật liệu hay sản phẩm đã quá hạn hoặc không còn nguyên đai nguyên kiện.
III. 3 THIẾT BỊ MÁY MÓC DÙNG CHO CÔNG TRÌNH
– Thang tải: sử dụng 01 thang tải để vận chuyển vật liệu lên cao.
– Máy trộn BT và trộn vữa: Để phục vụ cho công tác xây, trát, bê tông đảm bảo kỹ thuật. Chúng tôi sử dụng 02 máy trộn bê tông tự hành có dung tích 350 lít và 02 máy trộn vữa dung tích 120 lít. Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng các loại máy phục vụ cho công tác bê tông: đầm bàn, đầm dùi, máy xoa mặt . . .
Xin xem phần danh mục thiết bị thi công dự kiến huy động cho công trình.
III.4 CÔNG TÁC THI CÔNG
III.4.1 Phần móng
1 Công tác trắc đạc
– Tổ chức nhận bàn giao tim mốc từ Ban quản lý công trình, Cơ quan thiết kế, Tư vấn giám sát, việc bàn giao này phải lập thành biên bản có chữ ký xác nhận của các bên liên quan. Từ cơ sở tim mốc bàn giao tổ chức triển khai các công việc trắc đạc kế tiếp và làm cơ sở nghiệm thu lâu dài trong quá trình thi công (lập biện pháp gửi tim mốc đảm bảo thuận lợi cho việc kiểm tra và sử dụng mốc chuẩn). Ngoài ra còn có các cọc chuẩn xác định trục định vị công trình.
– Lưới khống chế mặt bằng: xác định các điểm khống chế bằng cách lấy tầng 1 làm mặt bằng gốc tiến hành đo lại hai lần làm số liệu gốc. Các điểm lưới khống chế mặt bằng thi công có thêm mốc bằng bê tông đổ tại chỗ kích thước 20×20 cm sâu 50 cm đầu mốc bằng thép hoặc bằng sứ có dấu chữ thập sắc nét.
– Lưới khống chế cao độ thi công: Các điểm lưới khống chế độ cao (là các điểm chuẩn) được bố trí ở những nơi ổn định, điểm khống chế cao độ này được dẫn từ mốc chuẩn do Ban quản lý công trình giao.
– Phương pháp định vị mặt bằng chuyển độ cao và chuyển trục : Tất cả các góc sàn của công trình đều chừa lỗ chuyển trục được thông suốt từ tầng 1 đến tầng trên cùng.
– Từ các mốc chuẩn định vị tất cả các trục theo 4 phương lên các trục không gian bằng máy kinh vĩ và được đo bằng thước thép. Chuyển độ cao lên các tầng bằng máy thuỷ bình và thước thép sau đó dùng máy thuỷ bình để triển khai các cốt theo thiết kế trong qúa trình thi công. Từ đó xác định chính xác các vị trí từng cột, từng cấu kiện để thi công.
– Việc chuyển trục lên tầng từ các lỗ chờ : Dùng máy Thiên đỉnh để chỉnh độ thẳng đứng lên các tầng tại các góc sàn của từng trục cột (thể hiện trên bản vẽ) sau đó kiểm tra và triển khai bằng máy kinh vĩ.
– Mỗi khi thi công xong sàn một tầng phải chuyển toàn bộ lưới khống chế mặt bằng và lưới khống chế cao độ lên để thi công phần cột và dầm sàn tầng tiếp theo (các mốc này được đánh dấu sơn đỏ).
– Trong quá trình thi công phần móng, khung việc căn chỉnh đà giáo cốp pha, mốc đổ bê tông được làm bằng máy kinh vĩ và máy thuỷ bình.
– Phương pháp đo theo giai đoạn: Về nguyên tắc tất cả các giai đoạn thi công đều phải có mốc trắc đạc (cả tim và cốt) mới tiến hành chu trình thi công và trong qúa trình đổ bê tông luôn phải kiểm tra bằng dọi và máy kinh vĩ và máy thuỷ bình.
– Trước khi thi công các công việc phần sau phải có bản vẽ hoàn công các phần việc đã làm trước nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp kỹ thuật để khắc phục những sai sót có thể có và phòng ngừa các sai sót tiếp theo. Trên cơ sở đó lập các bản vẽ hoàn công phục vụ cho công tác nghiệm thu thanh toán và bàn giao công trình.
Tất cả các dung sai và độ chính xác cần tuân thủ theo các yêu cầu được qui định trong các tiêu chuẩn hiện hành có liên quan (TCVN 5724 – 1993, TCVN 5574 – 1991, TCVN 4453 – 1995) và các quy định về độ dung sai trong hồ sơ mời thầu.
2 Công tác đào đất móng
Các công tác trước khi đào đất:
- Tát ao bằng máy bơm
- Vét bùn ao bằng thủ công
- Đắp đất sét, cát và lấp đất ao đầm chặt: Các loại đất đắp, cát, đất lấp được vận chuyển đến công trình bằng ôtô, đầm chặt bằng máy kết hợp thủ công.
Công tác đào đất được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công.
– Dụng cụ đào : Xẻng, cuốc, mai, kéo cắt đất.
– Phương tiện vận chuyển : Xe cải tiến, xe cút kít, đường goòng…
* Quá trình đào đất:
– Sơ đồ đào đất và hướng đào như trong bản vẽ, hướng vận chuyển bố trí vuông góc với hướng đào.
– Cần tổ chức thi công cho hợp lý tránh tập trung người vào một chỗ, phân rõ ràng các tuyến làm việc.
– Khi đào những lớp đất cuối cùng để tới cao trình thiết kế thì đào tới đâu phải tiến hành làm lớp lót móng đầm chắc, để tránh xâm thực của môi trường làm phá vỡ cấu trúc đất.
* Tiêu thoát nước trong quá trình thi công:
Để tiêu thoát nước cho công trình, ta đào hệ thống mương xung quanh công trình với độ dốc i = 3% chảy về hố ga thu nước và dùng máy bơm bơm ra ngoài.
Đất đào được tập trung và vận chuyển đến nơi qui định bằng xe ô tô tự đổ.
- Công tác bê tông GV lót móng:
2.1. Xác định tim móng:
Từ mốc định vị nhà bằng cọc chuẩn C1 ta dùng máy kinh vĩ xác định các vị trí của tim móng theo 2 phương. Cắm các cọc tiêu vào đó và tiếp tục xác định các giới hạn của ván khuôn móng cụ thể là chiều rộng, chiều dài và cao độ đáy móng lên các cọc cắm ở xung quanh móng
2.2 Đổ bê tông lót móng:
Trước khi đổ bê tông lót móng ta đầm đất ở đáy móng bằng đầm tay. Tiếp đó trộn gạch vỡ và vữa rồi đổ xuống đáy móng.
Khi trộn xong bê tông phải lập tức chuyển đi đổ ngay. Vận chuyển bê tông từ bãi trộn tới vị trí đổ bê tông lót móng bằng xe cải tiến hoặc xe rùa. Vì hố móng đã được đào phẳng nên ta đổ bê tông trực tiếp từ xe cải tiến xuống hố móng. Trên các tuyến đi của xe cải tiến phải lót ván cho xe chạy không bị xa lầy và giảm lực phải đẩy vào xe.
Công nhân san gạt bê tông thành lớp dày 10 cm và đầm. Bê tông lót móng được đầm bằng đầm bàn. Khi đầm thì khoảng cách giữa 2 vị trí đầm phải liền nhau, phải chồng lên nhau 1 đoạn bằng 5 cm.
Công tác gia công và lắp dựng cốt thép móng:
* Gia công:
Sử dụng vam, kìm, máy cắt uốn thép để uốn, cắt thép. Các thanh thép sau khi cắt xong được buộc lại thành bó cùng loại có đánh dấu số hiệu thép để tránh nhầm lẫn. Thép sau khi gia công xong được vận chuyển tới chân công trình bằng xe cải tiến.
* Lắp dựng:
Rải lớp cốt thép dưới xuống trước sau đó rải tiếp lớp thép phía trên và buộc tại các nút giao nhau của 2 lớp thép. Yêu cầu là nút buộc phải chắc không để cốt thép bị lệch khỏi vị trí thiết kế. Không được buộc bỏ nút.
Cốt thép được kê lên các con kê bằng bê tông mác 100 # để đảm bảo chiều dầy lớp bảo vệ. Các con kê này có kích thước 50x50x20 được đặt tại các góc của móng và ở giữa sao cho khoảng cách giữa các con kê không lớn hơn 1m.
Công tác gia công và lắp dựng ván khuôn móng:
* Gia công:
Các tấm cốp pha được gõ, uốn lại sao cho phẳng. Ghép các tấm lại với nhau thành mảng lớn theo kích thước của móng bằng móc thép. Vận chuyển xuống chân móng bằng xe cải tiến.
* Lắp dựng:
Sau khi lắp dựng xong cần bôi chất chống dính lên bề mặt cốt pha tiếp xúc với bê tông.
Khi lắp cốp pha cần đánh dấu các mốc trắc đạc để kiểm tra tim và cao độ của móng.
Ở dưới có để 1 số lỗ nhỏ để thoát nước khi cọ rủa sắt và phun nước vào cốp pha trước khi đổ. Trước khi đổ bê tông sẽ bịt kín lại. Ván khuôn sau khi lắp ghép phải kín khít, phẳng nhẵn.
Đầu tiên lắp dựng ván khuôn thành móng trước. Đánh dấu sơn đỏ lên thành ván khuôn trục của móng tiếp theo là đóng các nẹp đứng và chống xiên. Kiểm tra tim của hàng móng bằng máy kinh vĩ. Nếu có sai lệch thì điều chỉnh lại, cố định chặt lại ván khuôn móng. Sau khi đổ bê tông móng xong thì lắp ván khuôn cổ móng.
Trong khi lắp dựng ván khuôn móng tiến hành lắp dựng đồng thời sàn công tác.
Kiểm tra lại tim cốt lần cuối cùng và dọn dẹp sạch sẽ bề mặt ván khuôn trước khi đổ bê tông.
- Đổ bê tông móng :
Cốt liệu: Các cốt liệu lớn (đá, sỏi) được rửa kỹ bằng nước sạch trước khi cho vào thùng trộn. Cán bộ kỹ thuật ghi rõ tỷ lệ trộn cốt liệu tại bảng thông báo tại công trường. Để đảm bảo đong đúng khối lượng các cốt liệu, ta đóng các hộc bằng gỗ có kích thước 400x500x250 dung tích 50 lít.
Trộn bê tông: Quay thùng trộn, đổ các cốt liệu và xi măng vào, quay đều cho dần nước vào máy trộn. Hết thời gian quy định thì đổ ra. Trong quá trình trộn để tránh hỗn hợp bê tông bám dính vào thùng trộn nên cứ 2h ta lại cho toàn bộ số cốt liệu lớn và nước vào quay khoảng 5 phút sau đó cho cát và xi măng vào trộn tiếp đúng thơì gian quy định.
Vận chuyển bê tông: Bê tông sau khi trộn xong được đổ vào xe rùa rồi vận chuyển tới móng và đổ trực tiếp qua hệ thống sàn công tác
Đầm bê tông: Công nhân đứng trên sàn công tác, sử dụng đầm dùi(loại U21) và đầm bàn(loại U7) để đầm. Trong quá trình đầm luôn luôn phải giữ đầu rung vuông góc với mặt nằm ngang của lớp bê tông. Đầu rung phải ăn xuống lớp bê tông phía dưới từ 5 – 10 cm để liên kết tốt hai lớp với nhau. Thời gian đầm tại mỗi vị trí là 20 – 40 giây và khoảng cách giữa 2 vị trí đầm là 1,5 Ro = 50 cm. Khi di chuyển đầm phải rút từ từ và không được tắt máy tránh để lại lỗ rỗng trong bê tông ở chỗ vừa đầm xong. Sau khi đổ xong bê tông móng, tiến hành lắp dựng ván khuôn cổ móng và đổ bê tông cổ móng.
- Tháo dỡ ván khuôn:
Sau khi kết thúc đổ bê tông 2 ngày, bắt đầu tháo dỡ ván khuôn.
Tháo bỏ các thanh chống xiên trước rồi đến tháo ván khuôn. Trong khi tháo rỡ không gây ứng suất đột ngột hoặc va chạm mạnh làm hư hại đến kết cấu bê tông. Khi tháo thì sử dụng các dụng cụ như xà cầy, kìm, xà beng và những thiết bị khác.
*Bảo dưỡng BT:
Tiến hành bảo dưỡng bê tông hàng ngày. Bê tông được giữ trong độ ẩm 7 ngày đêm. Hai ngày đầu 2 giờ tưới nứơc 1 lần. Những ngày sau khoảng 3 -10 giờ tưới 1 lần tuỳ theo độ ẩm của không khí. Lần đầu tưới cách thời điểm đổ bê tông xong khoảng 4 – 7 giờ.
- Công tác đổ BT cổ móng:
Sau khi tháo dỡ ván khuôn 1 ngày thì tiến hành đổ BT cổ móng.
Biện pháp kỹ thuật tương tự như đổ BT móng.
- Công tác xây móng:
Sau khi tháo ván khuôn cổ móng thì tiến hành xây móng.
* Kỹ thuật xây:
Căn cứ vào các mốc đã có từ khi giác móng, xác định tim cốt để định vị chính xác vị trí khối xây (Về tim cốt, về vị trí các lỗ chờ, các cao độ giằng tường, lanh tô…).
Dùng sơn mầu thẫm đánh dấu vị trí tim tường, mặt trong và mặt ngoài của tường lên dầm cột để khi xây theo đúng vị trí đã đánh dấu. Đặt chờ sẵn các vật kiến trúc có trong khối xây theo thiết kế (như ống kẽm luồn dây điện, ống thoát nước, các bậc liên kết cửa và khối xây…).
Khi xây phải đảm bảo khối xây được đặc chắc, không trùng mạch, các mạch theo chiều đứng phải so le nhau từ 1/4 đến 1/2 chiều dài viên gạch, căng dây cữ cả hai mặt để khối xây có bề mặt hai bên phẳng và mặt trên nằm ngang, tránh mặt xây lồi lõm, khối xây bị nghiêng hay vặn vỏ đỗ, mạch phải đầy vữa và miết kỹ, bề dày mạch vữa là 1cm. Khoảng cách giữa các lớp gạch xây ngang cần đảm bảo (cứ 3 lớp xây dọc phải có một lớp xây ngang, ngoài ra các lớp xây ngang phải có trên mặt móng, ở các lớp tiếp giáp với dầm sàn). Phải dùng gạch nguyên lành để xây lớp ngang.
Tại các góc, phải thường xuyên dùng dọi và thước góc để xây, chỉ được phép dùng mỏ dật( không được dùng mỏ nanh). Mỏ xây phải chính xác về vị trí và kích thước đúng theo các yêu cầu kỹ thuật. Khối xây được che chắn tránh mưa, nắng và tưới nước bảo dưỡng ít nhất 48 giờ sau khi xây xong.
- Lấp đất hố móng:
Khi thi công đắp đất phải đảm bảo đất nền có độ ẩm trong phạm vi khống chế. Nếu đất khô thì tưới thêm nước; đất quá ướt thì phải có biện pháp giảm độ ẩm, để đất nền được đầm chặt, đảm bảo theo thiết kế.
Đổ đất và san đều thành từng lớp. Trải tới đâu thì đầm ngay tới đó. Dùng vồ bằng BT hoặc bằng gỗ để đầm đất. Không nên dải lớp đất đầm quá mỏng như vậy sẽ làm phá huỷ cấu trúc đất. Trong mỗi lớp đất trải, không nên sử dụng nhiều loại đất.
Nên lấp đất đều nhau thành từng lớp. Không nên lấp từ một phía sẽ gây ra lực đạp đối với công trình.
- Công tác đổ BT giằng móng:
Sau khi kết thúc xây móng thì tiến hành đổ BT giằng móng.
Biện pháp kỹ thuật tương tự như đổ BT móng.
- Tôn nền:
Sau khi lấp đất thì tiến hành tôn nền bằng thủ công.
Biện pháp kỹ thuật tương tự như lấp đất hố móng.
III.4.2 Phần thô:
- Công tác cốt thép cột:
* Gia công:
Như phần móng.
* Lắp dựng:
Khi lắp dựng cốt thép cốt cần lưu ý dùng dây dọi để kiểm tra cho cốt thép thẳng đứng đúng với tim cột. Cốt đai phải đảm bảo đúng loại và đúng khoảng cách theo thiết kế.
Lắp ghép cốt thép cột ngay tại chỗ bằng phương pháp buộc, khi lắp xong cốt thép mới được dựng cốp pha cột. Trong quá trình lắp phải dùng các cây chống để chống cốt thép tránh làm cốt thép bị cong.
Trình tự như sau: Để nằm các cốt thép chịu lực dưới sàn. Lồng các cốt đai vào và buộc để lại các đai gần chỗ nối vào thép chờ để buộc sau. Buộc các con kê vào, dựng khung thép lên nối vào cốt thép chờ sau đó buộc nốt chỗ đai còn lại.
- Công tác ván khuôn cột:
* Gia công:
Như phần móng.
* Lắp dựng:
– Ván khuôn cột ghép sẵn thành từng mảng bằng kích thước mặt cột, liên kết giữa chúng bằng chốt.
– Chân cột có 1 lỗ cửa nhỏ để làm vệ sinh trước khi đổ bê tông.
– Ván khuôn cột được lắp sau khi đã đặt cốt thép cột. Lúc đầu ghép 3 mảng với nhau, đưa vào vị trí mới ghép nốt mảng còn lại.
– Tiến hành lắp dựng gông cột theo thiết kế (khoảng cách các gông là 60cm).
– Để giữ cho ván khuôn ổn định, ta cố định chúng bằng các cây chống xiên.
– Kiểm tra lại độ thẳng đứng để chuẩn bị đổ bê tông.
- Công tác bê tông cột:
Để đảm bảo đong đúng khối lượng các cốt liệu lại nhanh chóng ta đóng các hộc bằng gỗ có dung tích là: kích thước 400x500x250 dung tích 50 lít.
Trộn bê tông đổ cột: Như phần móng.
Trước khi đổ bê tông để tránh hiện tượng bê tông rơi từ trên cao xuống bị phân tầng ta đổ trước 2 xô xi măng cát vàng mác 200# xuống trước rồi mới đổ bê tông theo quy trình. Để đổ BT, dùng thùng chứa có ống mềm dẫn vào cột(ống mềm bằng cao su đường kính 20 cm).
Sau khi đổ đến cửa đổ thì đóng cửa đổ(cách sàn 1.5m) lại và đổ ở trên xuống. Bê tông được đầm kỹ bằng đầm dùi(loại U21). Mỗi lớp đầm cao 60 cm. Trong quá trình đổ luôn theo dõi ván khuôn để sửa chữa ngay khi có sự cố xảy ra.
- Tháo dỡ ván khuôn cột:
Tháo các cây chống xiên trước, sau đó tới gông cột, cuối cùng là các tấm ván khuôn.
- Công tác ván khuôn dầm sàn:
Sau khi dỡ cốp pha cột 2 ngày, tiến hành gia công và lắp dựng cốp pha dầm sàn.
* Gia công:
Như phần móng.
* Lắp dựng:
Lắp dựng ván khuôn dầm:
Ghép ván đáy dầm sau khi tháo ván khuôn cột buộc thép dầm ván khuôn thành dầm.
Việc lắp dựng ván khuôn dầm tiến hành theo các bước:
+ Ghép ván khuôn dầm chính ( dầm khung).
+ Ghép ván khuôn dầm phụ.
– Ván khuôn dầm được đỡ bằng các cây chống đơn.
– Lắp xà gồ đỡ ván đáy sàn.
– Sau đó đặt ván đáy dầm vào vị trí, điều chỉnh đúng cao độ tim, cốt rồi mới lắp ván thành.
– Ván thành được có định bằng 2 thanh nẹp, dưới chân đóng ghim vào thanh ngang đầu cột chống. Tại mép trên ván thành được ghép vào ván khuôn sàn. Khi không có sàn thì dùng thanh chéo chông xiên vào ván thành từ phía ngoài.
– Vì dầm có chiều cao lớn nên bổ xung thêm bulông liên kết giữa 2 ván khuôn thành ( giữ lại trong dầm khi tháo dỡ ván khuôn). Tại vị trí giằng có thanh cữ bằng ống nhựa cố định bề rộng ván khuôn.
Lắp dựng ván khuôn sàn:
– Sau khi lắp xong ván dầm mới tiến hành lắp ván sàn.
– Lặp hệ thống giáo PAL đỡ sàn.
– Lắp dựng các xà gồ đỡ sàn.
– Ván khuôn sàn được lắp thành từng mảng và đưa lên các đà ngang
– Kiểm tra cao độ bằng máy thuỷ bình hoặc nivo.
- Công tác cốt thép dầm sàn:
* Gia công:
Như phần móng.
* Lắp dựng:
Khi đã kiểm tra việc lắp dựng ván khuôn dầm sàn xong tiến hành lắp dựng cốt thép. Cần phải chỉnh cho chính xác vị trí cốt thép trước khi đặt vào vị trí thiết kế.
Đối với cốt thép dầm sàn được gia công ở dưới trước khi đưa vào vị trí cần lắp dựng bằng tời thép.
– Biện pháp lắp dựng cốt thép dầm: Đặt dọc hai bên dầm hệ thống ghế ngựa mang các thanh đà ngang. Đặt các thanh thép cấu tạo lên các thanh đà ngang đó. Luồn cốt đai được san thành từng túm, sau đó luồn cốt dọc chịu lực vào. Sau khi buộc xong,rút đà ngang hạ cốt thép xuống ván khuôn dầm.
– Biện pháp lắp dựng cốt thép sàn: Cốt thép sàn đã gia công sẵn được trải đều theo hai phương tại vị trí thiết kế. Công nhân đặt các con kê bê tông dưới các nút thép và tiến hành buộc. Chú ý không được dẫm lên cốt thép.
Kiểm tra lại cốt thép, vị trí những con kê để đảm bảo cho lớp bê tông bảo vệ cốt thép như thiết kế.
- Công tác bê tông dầm sàn:
Bôi sơn đỏ lên thanh cốt thép chịu lực của cột để xác định mốc đổ BT sàn.
Để đảm bảo đong đúng khối lượng các cốt liệu lại nhanh chóng ta đóng các hộc bằng gỗ có dung tích là: kích thước 400x500x250 dung tích 50 lít.
Trộn bê tông đổ: Như phần móng.
Đổ BT vào xe cải tiến, vận chuyển lên cao bằng vận thang.
Đầm BT: Sử dụng đầm dùi loại U21, đầm bàn loại U7.
Trong quá trình đầm luôn luôn phải giữ đầu rung vuông góc với mặt nằm ngang của lớp bê tông. Đầu rung phải ăn xuống lớp bê tông phía dưới từ 5 – 10 cm để liên kết tốt hai lớp với nhau. Thời gian đầm tại mỗi vị trí là 20 – 40 giây và khoảng cách giữa 2 vị trí đầm là 1,5 Ro = 50 cm. Khi di chuyển đầm phải rút từ từ và không được tắt máy tránh để lại lỗ rỗng trong bê tông ở chỗ vừa đầm xong.
– Khi sử dụng đầm bàn cần chú ý:
+ Khống chế thời gian đầm.
+ Khoảng cách giữa 2 vị trí đầm phải gối lên nhau 3-5cm.
- Tháo dỡ ván khuôn dầm sàn:
Tháo dỡ ván khuôn,cây chống theo nguyên tắc cái nào lắp trước thì tháo sau và lắp sau thì tháo trước
Khi tháo dỡ ván khuôn cần chú ý tránh va chạm vào bề mặt kết cấu.
Trình tự: Tháo các thanh chống xiên, các tấm ván thành dầm, sau đó tới cây chống, cuối cùng là các tấm ván đáy.
- Công tác cầu thang:
Sau khi kết thúc dỡ ván khuôn dầm sàn, tiến hành thi công cầu thang.
- Công tác xây tường:
Sau khi kết thúc dỡ ván khuôn dầm sàn, tiến hành xây tường.
* Kỹ thuật xây:
Tương tự như phần xây móng
- Công tác lợp mái:
+ Sau khi kiểm tra khung nhà đạt yêu cầu kỹ thuật, tiến hành lợp mái. Lắp đặt các thanh xà gồ trước, sau đó tiến hành đóng kiện gỗ để vận chuyển các tấm lợp lên mái.
+ Đặt tấm đầu tiên ở phần nhô ra của mái hiên và lợp đến bờ nóc. Vị trí tấm đầu tiên được định vị chuẩn.
+ Lắp các tấm tiếp theo
+ Lắp máng nước và ống xối.
Những điểm nối máng và nối ống xối phải bôi silicon và rivê, ống xối liên kết với tường bằng quai nhê và vít.
III.4.3 Công tác hoàn thiện:
Công tác hoàn thiện bao gồm các công việc như trát, lát, ốp gạch men kính, lắp dựng cửa, quét vôi được tiến hành đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn hiện hành, phù hợp với yêu cầu thiết .
- Trát:
Việc trát phải tiến hành theo 2 lượt:
* Lượt 1: Nhằm đảm bảo tính dính bám của lớp vữa trát với bề mặt, bù lấp các khiếm khuyết của bề mặt, tạo mặt phẳng để tiếp tục trát lớp sau.
* Lượt 2: Đảm bảo tính mỹ quan của cấu kiện, chống tác động của môi trường lên kết cấu.
– Lớp trát tốt có tác dụng bảo vệ công trình, chống các tác hại của độ ẩm, hơi nước, chất ăn mòn, giảm độ dẫn nhiệt, chống ồn và làm tăng ánh sáng cho các phòng. Bề mặt trát được làm sạch và nháp đảm bảo cho lớp vữa bám chắc, mặt trát cứng, ổn định. Tiến hành trát khi tường đã khô, các lỗ rỗng đã được lấp kín và vữa thừa trên tường được cạo sạch, các đường điện, nước và các chi tiết đặt ngầm đã thi công xong và được kiểm tra trước khi trát.
– Trước khi trát cần kiểm tra độ phẳng của bề mặt tường sao cho độ dầy của tường trát không vượt quá độ dầy quy phạm và thiết kế . Kiểm tra độ vuông góc của các góc tường , giữa tường và trần.
– Dùng quả dọi và dụng cụ đo để làm mốc trước khi trát, giữa mốc nọ và mốc kia cách nhau không quá 1,5m.
– Trát là một công việc hoàn thiện đòi hỏi kỹ thuật cao cho nên việc nghiệm thu độ phẳng của tường và các mốc trước khi trát là rất cần thiết.
- Lát :
– Công tác hoàn thiện các bề mặt nền, sàn đều có quy định riêng cho từng loại. Chúng tôi tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật trong hồ sơ thiết kế. Lát nền là một công việc hoàn thiện cho một công trình ở mặt nền, công việc này thường tiến hành thực hiện ở giai đoạn cuối công trình nên sẽ có một số phức tạp về mặt tổ chức liên quan đến chất lượng phần lót. Cho nên trước khi thực hiện phần công việc này chúng tôi sẽ trình bày với chủ đầu tư về sơ đồ mặt bằng lát cũng như tiến độ thực hiện phần lát để đảm bảo tuyệt đối chất lượng công trình.
– Kỹ thuật lát nền, ngoài việc tuân thủ theo quy phạm xây dựng và thực hiện đúng thiết kế thì chúng tôi sẽ lưu ý một số điểm sau:
– Kiểm tra cao độ nền với cao độ thiết kế để đảm bảo độ dầy của vữa theo quy phạm.
– Kiểm tra độ dốc nền theo yêu cầu thiết kế để có giải pháp kỹ thuật thi công tốt nhất.
– Theo yêu cầu của Chủ đầu tư có thể phải lát khô để kiểm tra màu sắc cũng như sự đồng đều của các viên gạch.
– Công tác lát nền đảm bảo thông mạch giữa nền các phòng với hành lang hoặc sảnh.
- Ốp :
– Gạch ốp gạch men kính phải được chọn sạch, đẹp và được ngâm nước ít nhất 1 giờ trước khi ốp. Gạch men kính dùng để ốp khu vệ sinh. Khi đặt gạch để ốp ta phải căng dây theo 2 phía ngang và thẳng đứng, dùng máy trắc đạc và ni vô kiểm tra 2 phương, bắt mốc, sau đó mới tiến hành ốp đại trà, mạch ốp phải đều, mặt ốp phải phẳng, thẳng đứng, gõ không bộp.
- Các công tác về cửa :
– Toàn bộ cửa được gia công tại xưởng, sau đó vận chuyển đến công trình để lắp đặt, bảo đảm an toàn khi có sự cố. Có độ vững chắc và bền lâu trong điều kiện của môi trường và khu vực.
Tất cả các loại cửa trước khi lắp đặt phải có biên bản nghiệm thu chất lượng của bên A thì mới được tiến hành lắp dựng.
- Công tác chống thấm :
– Công tác chống thấm cho các khu WC, mái nhà rất quan trọng nên chúng tôi thực hiện đúng quy trình quy phạm xây dựng và yêu cầu thiết kế sau khi kiểm tra chống thấm xong mới được tiến hành làm các công việc trên bề mặt đã chống thấm.
- Công tác quét vôi:
Vôi trắng được lọc sạch bằng vải.
Tình tự: Quét từ trên xuống dưới; trát trần, dầm trước sau đó mới quét tường.
Chia làm 3 lượt: Lớp lót: 1 lớp vôi trắng; lớp mặt: 2 lớp vôi màu.
- Công tác granitô: Cho cầu thang, sảnh , tam cấp
– Các bước chuẩn bị như công tác lát.
– Trát granito phải làm 2 lớp.
– Lớp lót bằng vữa xi măng M50#, chiều dày từ 1-1,5 cm. Sau khi làm bằng phẳng theo cốt, độ dốc qui định, dùng mũi bay kẻ ô hình quả trám khắp mặt lót để tạo độ dính kết chắc cho lớp mặt.
– Khi lớp lót khô mới được trát lớp mặt, trước lúc trát phải làm vệ sinh và làm ẩm cho lớp lót.
– Lớp trát mặt có chiều dày lớn hơn hoặc bằng 1,5 cm. Lớp mặt có thành phần cho 1m2 như sau : Đá hạt lựu, bột đá, xi măng trắng, bột màu.
– Đá phải sạch, trộn thật đều, tránh trường hợp có sự phân bố đá không đều, chất lượng lớp mặt kém.
– Khi trát lớp mặt phải xoa thật kỹ và xoa mặt thật nhẵn, phẳng.
– Sau khi trát lớp mặt xong 24 giờ mới được mài mặt. Dùng máy mài để mài. Những chỗ góc, khe thì mài bằng tay. Lần đầu dùng đá mài thô và chổi đót để thấm ướt mặt. Sau khi mài xong lần đầu, dùng hồ xi măng trắng và bột màu trát lên toàn bộ bề mặt để ủ. Sau 18 giờ thì mài lần thứ hai, dùng đá mài mịn và chổi đót để làm ướt mặt.
Trình tự thi công từ tầng trên xuống dưới.
Tại những khu có diện tích lớn ngâm dung dịch xà phòng trước khi mài tinh để tăng độ bóng.
- Công tác thi công điện, nước và chống sét :
– Hệ thống điện ngầm được thi công và nghiệm thu trước khi trát tường. Toàn bộ vật liệu và thiết bị điện được thống nhất nghiệm thu với giám sát của Ban quản lý trước khi thi công tiếp, và chủng loại phải đúng yêu cầu của thiết kế. Các phần cáp điện ngầm trong kết cấu bê tông cốt thép được tiến hành kết hợp với việc thi công bê tông cốt thép.
– Hệ thống cấp, thoát nước được thi công phù hợp tiến độ thi công phần xây, lát. Trước khi che lấp hệ thống đường ống tiến hành thử áp lực, kiểm tra độ kín của hệ thống.
– Công tác thu lôi, chống sét được thực hiện ngay sau khi thi công phần thô của mái để kịp thời phòng, chống trong mùa mưa, bão. Hệ thống tiếp địa được thi công tuân thủ chặt chẽ theo thiết kế và quy phạm hiện hành và được đo kiểm tra điện trở trước khi thi công hệ thống dây dẫn và kim thu sét. Thi công nối đất chống sét theo quy phạm 20 TCN 46-84, thi công phần tiếp địa xong mới thi công phần thu sét trên mái. Đặt hệ thống thu sét phải nối ngay với hệ thống tiếp địa. Nghiệm thu công trình phải có bản lưu lại Ban quản lý công trình.
III.4.4 Hoàn công:
Công tác lập hồ sơ hoàn công đối với thi công là hết sức quan trọng. Sau khi kết thúc mỗi phần việc tại các điểm dừng kỹ thuật hợp lý, nếu được nghiệm thu chuyển bước thi công thì tiến hành ngay công tác lập hồ sơ hoàn công. Công việc được tiến hành tỉ mỉ, chính xác về vị trí, độ cao… Các hồ sơ này được lưu giữ và bàn giao cho chủ đầu tư.
III.5 TIẾN ĐỘ THI CÔNG :
Tổng tiến độ thi công cho công trình là: 88 ngày
Chúng tôi cam kết trong quá trình thi công sẽ liên hệ chặt chẽ với Chủ đầu tư, Tư vấn để cùng phối hợp với các nhà thầu thực hiện các công việc khác như: lắp đặt thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy, nội thất, … nhằm đảm bảo tiến độ chung của công trình.
CÔNG TÁC AN TOÀN LAO ĐỘNG
Phía ngoài mỗi khối nhà khi thi công lên cao dùng hệ giáo Minh khai, kết hợp với xà gồ, lưới B40 và bạt dứa đưa ra ngoài 2m kể từ mép công trình để đỡ được những vật liệu rơi. Hệ giáo được neo chặt, an toàn vào công trình. Lối đi phải phân rõ tuyến và được che an toàn.
* Các hệ thống ánh sáng sử dụng đèn pha ở 4 góc công trình.
* Có đầy đủ biển báo an toàn.
* Công nhân được trang bị bảo hộ lao động và học an toàn định kỳ thường xuyên.
* Có kiểm tra, chấm điểm định kỳ cho công tác an toàn.
* Công tác an toàn máy thường xuyên được kiểm tra và chấp hành chế độ trực thường xuyên
Các thiết bị cẩu tháp, máy trộn bê tông …đều được kiểm tra nối đất và có công nhân chuyên ngành vận hành.
1 Bảo hộ lao động
Có một kỹ sư phụ trách công tác an toàn lao động trên hiện trường, ở từng tổ sản xuất đều có 1 an toàn viên luôn nhắc nhở và kiểm tra công tác an toàn thường xuyên.
Mọi công việc trước khi thi công đều có biện pháp thi công rõ ràng trong đó có biện pháp an toàn đảm bảo an toàn lao động. Các biện pháp trên đều được phổ biến tới từng người công nhân và được kiểm tra thường xuyên ( mỗi khi công nhân học xong đều ký sổ an toàn).
Đơn vị thi công có quy định phân cấp trách nhiệm rõ ràng về công tác an toàn và vệ sinh lao động từ chỉ huy cho đến công nhân trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Trên công trường chúng tôi bố trí một cán bộ phụ trách an toàn, chuyên giám sát việc thực hiện an toàn tại hiện trường.
Mọi cán bộ công nhân viên đến làm việc đều phải học an toàn lao động, tuỳ theo từng loại việc phổ biến trước lúc làm và hoặc định kỳ 3 tháng 1 lần. Có khẩu hiệu, nội qui nhắc nhở đặt tại nơi dễ thấy để mọi người biết. Khám sức khoẻ cho công nhân trước khi đưa vào công trường, công nhân đến làm việc phải đảm bảo sức khoẻ mới sử dụng nhất là khi làm việc ở các tầng cao.
Trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, tổ chức mạng lưới an toàn viên trên công trường và y tế công trường. Có nội quy và giám sát đảm bảo công nhân phải bắt buộc sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động.
IV.1 Kiểm tra công tác an toàn :
Tất cả các công việc trên cao, xung quanh đều phải có hàng rào lan can an toàn chắc chắn. Thi công trên tầng cao, tầng dưới phải có lưới chắn bằng lưới thép hoặc vải để chắn đỡ vật liệu. Qui định đường đi lại phía dưới.
Dàn giáo phải kê chân, giằng cố định vào công trình, kiểm tra thường xuyên hệ thống đà giáo. Tiếp xúc với máy móc phải có nội qui sử dụng điện và vận hành máy. Đến mùa mưa bão phải có biện pháp tăng cường chống đỡ thêm nhất là các công việc làm dở dang.
Mọi thiết bị điện phải có dây nối đất, tuân thủ nghiêm ngặt các qui phạm về sử dụng các thiết bị điện và an toàn thiết bị nâng. Nghiệm thu các thiết bị an toàn và chỉ dẫn an toàn trước khi sử dụng máy.
V.BIỆN PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHO CÔNG TRƯỜNG
Trên công trường thường xuyên thực hiện vệ sinh công nghiệp. Đường đi lối lại thông thoáng, nơi tập kết và bảo quản ngăn nắp gọn gàng. Đường đi vào vị trí làm việc thường xuyên được quét dọn sạch sẽ đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường vì trong quá trình xây dựng, đảm bảo sự hoạt động bình thường của các công trình xung quanh.
Trong công trình cũng luôn có kế hoạch phun tưới nước làm ẩm mặt đường, sân để tránh bụi lan ra khu vực xung quanh. Xung quanh công trình theo chiều cao được phủ bạt để chống bụi cho người và công trình.
Tại khu lán trại, qui hoạch chỗ để quần áo, chỗ nghỉ trưa, chỗ vệ sinh công cộng sạch sẽ, đầy đủ. Tuyệt đối không phóng uế tại công trình. Rác thải thường xuyên được dọn dẹp, không để bùn lầy, nước đọng nơi đường đi lối lại, gạch vỡ ngổn ngang và đồ đạc bừa bãi trong văn phòng. Vỏ bao, dụng cụ hỏng… đưa về đúng nơi qui định.
Các công trình tạm như hố xí, tiểu được bố trí hai khu nam , nữ riêng mỗi khu 2 ngăn.
Khu rửa tay chân, dụng cụ của công nhân chúng tôi bố trí đầy đủ để đảm bảo công trường luôn gọn gàng sạch sẽ.
Hệ thống thoát nước sinh hoạt trên công trường được thoát theo đường ống bê tông vào các ga sau đó dẫn nối vào đường ống thoát nước bẩn của công trình lân cận. Cuối ca, cuối ngày yêu cầu công nhân dọn dẹp vị trí làm việc, lau chùi, rửa dụng cụ làm việc và bảo quản vật tư, máy móc. Bảo dưỡng động cơ, xe máy theo đúng qui trình, không gây tiếng ồn hoặc xả khói làm ô nhiễm môi trường.
Cuối tuần làm tổng vệ sinh toàn công trường. Đường chung lân cận công trường được tưới nước thường xuyên đảm bảo sạch sẽ và chống bụi.
VI . BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ :
VI.1 Chế độ bảo quản :
Thực hiện chế độ bảo quản vật tư, xe máy, thiết bị theo đúng qui định về phòng chống cháy nổ. Các hệ thống điện của công trường từ trạm biến thế đến các khu vực dùng điện thường xuyên được kiểm tra, nếu có nghi vấn đường dây không an toàn yêu cầu sửa chữa ngay.
- 2 Giao thông, nguồn nước :
Đảm bảo đường đi lối lại trong công trường thông thoáng, bố trí cổng ra vào công trường tạo điều kiện xe phòng chống chữa cháy dễ dàng hoạt động tiếp cận công trình, kho, xưởng.
Dự trữ sẵn bình bọt cứu hoả cần thiết để ứng cứu nhanh trong trường hợp cháy nhỏ
- 3 Phương tiện thông tin liên lạc :
Tại văn phòng của Chủ nhiệm công trình có đặt điện thoại cố định và 1 điện thoại di động phục vụ cho việc điều hành sản xuất và liên lạc với các cơ quan chức năng của thị xã và chính quyền địa phương khi có tình huống xấu xảy ra.
Ngoài ra tại công trường thường xuyên có phương tiện để đảm bảo liên lạc với Ban lãnh đạo Công ty, xin mệnh lệnh ứng phó và thi hành nhiệm vụ.
- 4 Nguyên tắc cứu chữa :
Thực hiện nghiêm ngặt chế độ báo động cho lực lượng chữa cháy, gọi điện cho công an PCCC hoặc dùng phương tiện xe máy báo cho đội PCCC nơi gần nhất. Huy động lực lượng công nhân trên công trường cứu chữa ban đầu bằng các nguồn nước có sẵn, bằng bình bọt và sơ tán vật tư, xe máy, cắt điện, trên công trường.
VI.5 Phương pháp phòng chống hoả hoạn chủ yếu :
Phương châm phòng hơn chống, cán bộ công nhân viên thường xuyên được phổ biến nội qui, tuyên truyền giáo dục, kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở tinh thần nâng cao cảnh giác, tích cực ngăn ngừa và thực hiện tốt pháp lệnh PCCC.
Cụ thể là :
– Cấm không được sử dụng củi đun lửa trên công trình.
– Bếp đun nước được bố trí riêng biệt.
– Cấm không được móc, sử dụng điện tuỳ tiện. Hết giờ chúng tôi có cán bộ và công nhân điện đi kiểm tra và nếu thấy những chỗ không cần thiết thì chúng tôi ngắt điện.
Thực hiện qui tắc 3 không :
+ Không dùng giấy bạc hay dây đồng để làm cầu chì.
+ Không dùng dây điện câu trực tiếp vào ổ cắm.
+ Không để các chất dễ cháy gần dây điện, bảng điện.
– Sắp xếp vật tư riêng từng loại, gọn gàng, theo đúng mặt bằng tổ chức thi công.
– Không để các chướng ngại vật trên đường đi lối lại.
– Xe ra vào công trình chú ý không để gần các vật tư dễ cháy, khi đỗ nghỉ chú ý tắt máy và quay đầu xe ra ngoài.
– Các phương tiện chữa cháy phải để nơi dễ thấy, dễ nhìn và mọi người không được sử dụng vào các công việc khác.
– Ban hành nội qui PCCC ở các tổ, đội, văn phòng, có biển cấm ở khu vực có sử dụng xăng dầu, cốp pha, trạm biến thế. Xây dựng nội qui an toàn về sử dụng, vận hành máy móc thiết bị kỹ thuật. Định kỳ kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ tại công trình, bố trí tổ bảo vệ công trường và lực lượng ứng chiến khẩn cấp khi có hoả hoạn.
VII. CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG NGẬP ÚNG TRONG QUÁ TRÌNH
THI CÔNG :
VII.1 Biện pháp bảo quản :
Kho tàng phải đặt nơi cao ráo, ngăn nắp , gọn gàng, đặc biệt vật liệu rời, vật liệu quí hiếm không để ngoài trời.
Chuẩn bị các kho tàng ở vị trí cao phòng khi có mưa bão di chuyển các thiết bị máy móc, vật tư đến nơi an toàn. Không để nước dột, ngập làm hỏng vật tư, thiết bị.
VII.2 Hệ thống đảm bảo :
Xây dựng hệ thống thoát nước thông thoáng từ khu vực công trường ra hệ thống thoát nước chung. Kiểm tra các cột điện, đường dây đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, luôn đảm bảo hệ thống ánh sáng, tường rào, cổng cửa phải khoá chắc chắn.
VII.3 Một số qui định cụ thể :
Khi có báo động số 1 : Trực 1 cán bộ chỉ huy tại công trường. Khi có báo động số 2 : Phải có 1 cán bộ chỉ huy và 1 tổ 3 người làm nhiệm vụ phòng chống bão lụt tại công trình . Căn cứ tình hình diễn biến thời tiết , kịp thời ra các chỉ thị mệnh lệnh cho các bộ phận thi hành cụ thể.
KẾT LUẬN
Trên đây là các biện pháp thi công chủ yếu của chúng tôi nhằm thi công công trình với chất lượng cao nhất, đạt tiến độ nhanh nhất.
Ngoài việc tuân thủ theo các qui phạm của nhà nước, chúng tôi chấp nhận toàn bộ điều kiện kỹ thuật đã nêu trong hồ sơ thiết kế.
Nếu trúng thầu, chúng tôi sẽ thực hiện đúng các biện pháp trên để thi công công trình với chất lượng cao nhất.
Các bạn chịu khó đọc nhé, link download tại đây:
thuyet-minh-xay-dung-truong-hocTải xuốngTừ khóa » Thuyết Minh Tổng Mặt Bằng Thi Công
-
[BPTC] Thiết Kế, Thuyết Minh Biện Pháp Thi Công Công Trình 27 Tầng ...
-
Thuyết Minh Bản Vẽ Rất Chi Tiết Về Tổng Mặt Bằng Thi Công
-
Đồ án Tổ Chức Thi Công Full Thuyết Minh + Bản Vẽ Tiến độ + ... - Mylearn
-
Thuyết Minh Quy Hoạch Tổng Mặt Bằng Khu Dân Cư - Tài Liệu Text
-
CHƯƠNG V: THIẾT KẾ TỔNG MẶT BẰNG XÂY DỰNG - TaiLieu.VN
-
[PDF] THUYẾT MINH - Danang ERegulations
-
Thuyết Minh Biện Pháp Tổ Chức Thi Công Công Trình Nâng Cấp đường ...
-
Thuyết Minh Biện Pháp Tổ Chức Thi Công Công Trình: Nâng Cấp đường ...
-
[PDF] Quy Hoạch Tổng Mặt Bằng Khu Tái định Cư Thị Trấn Ngã Sáu
-
[PDF] Thuyết Minh Thiết Kế Bản Vẽ Thi Công - UBND Tỉnh Thanh Hóa
-
Tổ Chức Thi Công - Chương 9: Tổng Mặt Bằng Xây Dựng
-
[PDF] BỘ XÂY DỰNG