Thuyết Minh Về Món Bánh Xèo - Bài Văn Mẫu Lớp 8

Thuyết minh về món bánh xèoBài văn mẫu lớp 8 Tải về Nâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về món bánh xèo gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng xây dựng bài viết hay, hoàn chỉnh, đạt điểm cao trong các bài kiểm tra Văn 8 sắp tới.

Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về món bánh xèo

  • Dàn ý Thuyết minh về món bánh xèo
  • Thuyết minh về món bánh xèo mẫu 1
  • Thuyết minh về món bánh xèo mẫu 2
  • Thuyết minh về món bánh xèo mẫu 3
  • Thuyết minh về món bánh xèo mẫu 4

Dàn ý Thuyết minh về món bánh xèo

1. Mở bài:

- Giới thiệu về món bánh xèo.

2. Thân bài:

a. Nguyên liệu làm bánh xèo:

- Bột gạo, bột bắp, bột nghệ, nước ấm, nước cốt dừa, trứng gà, giá đỗ, tôm, hành lá, nấm.

- Rau sống: Xà lách, diếp cá, rau húng, rau cải.

- Gia vị: Muối, tiêu, tỏi, ớt (băm nhỏ), nước mắm.

b. Cách làm bánh xèo:

- Rau sống, giá đỗ nhặt bỏ gốc, lá vàng rồi rửa sạch, để ráo nước.

- Cho bột gạo, bột bắp, bột nghệ, nước ấm, nước cốt dừa, trứng gà vào một tô lớn sau đó khuấy đều rồi rắc thêm một chút muối cho đượm vị.

- Tôm, nấm rửa sạch, thái nhỏ rồi cho lên chảo cùng nước mắm, tiêu và đảo sơ qua cho tôm và nấm chín.

- Lấy một chiếc chảo chống dính, quét dầu ăn sơ qua bề mặt chảo rồi múc từng thìa canh bột vừa trộn vào sau đó cho tôm, nấm vừa xào cùng giá đỗ vò giữa vỏ bánh và gập vỏ bánh lại.

- Chiên vàng đều hai mặt bánh rồi cho bánh ra đĩa, cắt thành từng miếng vừa ăn.

- Pha nước chấm chua ngọt với tỉ lệ 3 muỗng canh nước lọc, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh mắm rồi rắc thêm chút tỏi ớt.

c. Cách thưởng thức bánh xèo:

- Dùng tay cuốn bánh lại cho vừa miệng, ăn kết hợp với rau sống cho đỡ ngấy.

- Thưởng thức bánh xèo cùng chén trà hoặc nước ngọt để tăng thêm mùi vị của món ăn.

3. Kết bài:

- Giá trị của món bánh xèo.

Thuyết minh về món bánh xèo mẫu 1

Bánh xèo có từ rất lâu, không biết nó xuất xứ từ đâu, nhưng bánh xèo hiện nay có mặc ở rất nhiều nơi trên đất nước và ở thế giới nữa. Bánh xèo là một món ăn dân dã, bình dị nhưng bánh xèo nó mang một cái gì đó rất riêng cho dân tộc ta.

Bánh xèo thường hay được mọi người làm bán vào mùa mưa, có lẽ nó ăn rất ấm bụng nên mọi ngoài rất thích. Bánh xèo có nhiều vùng làm khác nhau. Ở miền tây thì bánh xèo được làm rất to, miền trung thì vừa và miền bắc thì hơi nhỏ một tí. Mỗi nơi chọn nguyên liệu giống nhau đều là bột gạo nhưng gia vị thì khác nhau. Gia vị nó tượng trưng cho mỗi vùng miền. Nhưng có vùng thì làm bằng tôm thịt bò, thịt heo nạc… có vùng thì làm nấm và giá với một tí thịt rất ngon.

Ở mỗi vùng với mỗi gia vị nó tượng trưng tính vung miền và thể hiện được những nét đặc sắc văn hóa của họ. Phải chăng đó là cái sở thích của mỗi vùng không phải mà nó chính là nền văn hóa lịch sử của họ.

Thuyết minh món bánh xèo

Để làm được một chiếc bánh xèo không phải đơn giản tí nào, đó là cả một nghệ thuật. Cách gia bột, trộn bột rất quan trọng nó có thể làm bánh ngon hay dở thế nào đều phụ thuộc vào nó. Ta có thể dùng thêm các nguyên liệu khác như nước cốt dừa để khuấy bột. Nước dừa này dùng để pha bột nhằm làm tăng độ béo cho bánh. Ta cho khoảng 1 lít nước ấm vào 0,5 kg dừa khô đã nạo, nhào trộn và vắt, lược lấy phần nước cốt để riêng, sau đó cho thêm nước vào phần xác dừa, tiếp tục vắt lấy nước hai và nước ba.

Bước tiếp theo ta khuấy đều bột gạo với một ít nước ấm và tất cả nước dừa ở trên, cho thêm hành lá xắt nhuyễn và bột nghệ để tạo màu vàng đặc trưng cho bánh. Bổ sung thêm gia vị như muối, đường, bột ngọt. Cũng có thể cho thêm trứng gà đã đánh nhuyễn vào bột để bánh giòn và nở hơn hay bổ sung bột mì để tăng độ giòn của bánh.

Nhưng thì tùy theo sở thích của mỗi người tôm bóc vỏ để ráo, thịt thái mỏng và ướt gia vị. Sau đó ta xào sơ qua cho thịt và tôm săn lại, vừa chín tới, bên cạnh đó ta có thể cho thêm giá, nấm rửa để ráo. Tí khi làm bánh, ta cho cho vào lên trên bột.

Ăn kèm với bánh gồm có rau sống và nước chấm. Hai món ăn kèm này cũng phải chuẩn bị chu đáo qua việc sơ chế nó. Nước chấm thì ta cho tỏi tươi và ớt được bằm thật nhuyễn, cho vào nước ấm. Thêm đường, nước chanh (hay giấm) và khuấy đều, sau đó cho từ từ nước mắm vào, nêm nếm vừa ăn. Nước chấm ngon cho bánh xèo phải có vị mặn vừa phải của nước mắm hài hòa với vị chua của chanh và vị ngọt của đường. Rau sống gồm có nhiều loại và tùy sử thích của từng người, mà ta nên chọn các loại rau sau: xà lách, rau thơm, diếp cá, cải xanh, lá lốt, đọt bằng lăng, đọt xoài. Rau phải được rửa sạch, để ráo và xếp ra mâm. Rau nên ngâm trong nước có muối với nồng độ loãng và ngâm trong thời gian ngắn khoảng 3-5 phút để hạn chế các nguy cơ vi sinh vật.

Cách đổ cũng không khó. Ta chỉ cần bắt chảo nóng, cho dầu vào sôi lên ta cho bột vào vào cho nhân cộng với tí giá và nấm vào úp vung lại để khoảng 2 3 phút ta lấy ra và làm tiếp cái khác. Nếu muốn bánh giòn hơn thì ta để khoảng 5 phút và lấy ra. Cái quan trọng để có chiếc bánh xèo ngon đó là nguyên liệu và cách pha bột.

Thế là ta đã có một chiếc bánh xèo thơm ngon và bổ dưỡng. hi vọng mọi người ai cũng thích nó.

Thuyết minh về món bánh xèo mẫu 2

Trong các món bánh mặn của Nam bộ, bánh xèo là món phổ biến, được người ăn ưa thích nhất.

Ăn bánh xèo có đông người mới vui vì khi làm bánh phải qua nhiều công đoạn nên cần nhiều người. Người ta phân công nhau bằng những câu vè vui vẻ như: “Người nào xấu xấu xay bột, lật hành. Người nào lanh lanh băm nhân, dò bánh..."

Muốn cho bánh ngon phải chịu khó, chịu cực một chút. Bột bánh là phần quan trọng nhất, bánh có ngon hay không là ở khâu này. Dân nông thôn không chịu loại bột gạo bịch sẵn, bày bán ở chợ vì đó là gạo dơ ngâm nước cho bã ra nhiều nước rồi gạn lấy bột nên chất bột bị chua và lạt, không còn bổ dưỡng, thơm ngon. Muốn cho bột bánh xèo ngon phải là loại gạo thơm, gạo mới, ngâm trong một buổi hoặc một đêm rồi đem xay nhuyễn. Ngày nay có bột bánh xèo pha chế sẵn cũng tiện dụng nhưng phải trộn thêm theo công thức, một bịch bột bánh xèo pha thêm một bịch bột chiên giòn hoặc bột bắp và nước cốt dừa thì bánh mới béo giòn.

Dùng bột gạo tươi thì sau khi lược bột xong, pha thêm một bịch bột chiên giòn, nước cốt dừa, đường, muối sao cho độ béo ngọt theo khẩu vị người ăn, bỏ thêm hành lá xắt nhỏ, bột nghệ, trứng gà đánh nhuyễn. Người Nam bộ rất thích nước cốt dừa nên pha đậm đặc càng ngon (mà vị béo của nước cốt dừa không có vị béo nào sánh kịp), bánh khi chín có nước cốt dừa rất dễ lấy ra.

Nhân bánh muốn ngon phải có nấm rơm, nấm hương, nấm kim chi hay nấm đông cô, tôm hoặc tép, thịt gà hay thịt vịt băm nhuyễn, giá sống và củ sắn, có người còn bỏ cá cơm dừa xắt sợi, hoặc đậu xanh nấu chín, nhưng hai loại này làm cho dễ ngán không ăn được nhiều. Nấm làm nhân bánh có thể thay đổi theo từng mùa. Mùa nấm rơm thì làm nấm rơm, không có nấm rơm thi hải nấm mèo trên các cây so đũa hoặc mùa mưa thì có bông điên điển...

Rau sống và nước mắm là những thành phần quan trọng làm cho bánh thêm ngon. Rau sống phải có đủ họ tộc như: diếp cá, xà lách, tần ô, húng cây, húng lủi, quế không được thiếu lá cách và cải bẹ xanh (loại cải thân nhỏ). Chén nước mắm nêm nếm cho đủ độ mặn, ngọt, chua, cỏ màu đỏ cua ớt, màu vàng của nước mắm, màu xanh của xoài sống bằm nhuyễn và màu đỏ trắng của dưa của cải.

Khi tất cả vật liệu đã sẵn sàng thì người đổ bánh mới bắt đầu nổi lửa. Nếu lượng người ăn đông phải đổ hai chảo mới kịp đãi khách, ở miền quê, các bà nội trợ đổ bánh bằng chảo gang hay chảo bằng vỏ trái bom cắt ra, ở thành phố có loại chảo không dính tương đối tiện lợi.

Khi chảo thật nóng thì đổ thử một vài cái xem mùi vị và độ đặc lỏng của bột vừa hay chưa, sau đó mới đổ thật sự.

Lấy miếng mỡ heo cắt hình vuông khoảng 3 cm đảo qua chảo một lượt, bỏ tép hoặc tôm và thịt ba rọi xắt sợi nhỏ vào cháo, đảo cho đỏ lên hồng lên, tiếp đó đổ một vá hột lên chảo nghe xèo xèo rồi tráng đều cho tròn cái bánh mới khéo, lần lượt bỏ nấm, thịt gà, giá, củ sắn và đậy nắp lại. Hai phút sau, giở nắp ra, tiếp tục "dần trên lửa “ Bánh chín có màu vàng như mặt trăng rằm. Trên đó, màu đỏ của tôm, màu xanh của hành, màu nâu hoặc trắng của nấm. mùi thơm dậy của nước dừa và hột gà khiến cho chiếc bánh hấp dẫn đặc biệt. Bánh được xếp lại theo hình rẻ quạt, nóng hôi hổi trên chiếc mâm lót lá chuối hay trên chiếc đĩa sứ trang ngà.

Ăn bánh xèo nên dùng tay, không cần đũa nĩa gì cả. Dùng tay để cuốn bánh cho gọn và cảm nhận được độ nóng ấm của bánh mới thấy ngon miệng. Ăn bánh nên uống với nước trà nóng hoặc với bia, rượu mới tiêu được mỡ dầu. Vừa ăn vừa đàm đạo chuyện trò, lúc đói bụng có người dám ăn cả chục bánh, có người ăn trừ cơm cả ngày.

Ở Huế cùng có loại bánh tương tự nhưng bánh nhỏ hơn, độ giòn và vị béo kém hơn, có lẽ họ không thích nước cốt dừa như người Nam bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh có những con đường bày bán bánh xèo sát ngay đại lộ. Một vài địa điểm có tiếng như bánh xèo A Phủ, Đinh Công Tráng với giá từ hai chục ngàn đồng đến ba, bốn chục ngàn đồng một bánh nhưng bánh của các nơi này dùng quá nhiều thịt, mỡ nên ăn không được nhiều.

Màu sắc đẹp, mùi vị hấp dẫn, chất dinh dưỡng cao, bánh xèo là món bánh độc đáo, đậm đà hương vị Nam bộ.

Thuyết minh về món bánh xèo mẫu 3

Từ lâu bánh xèo đã trở thành loại bánh mang tính đặc trưng của vùng quê Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam và miền Trung. Hiện nay bánh xèo rất nổi tiếng ở Việt Nam và cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.

Bánh xèo là một món ăn dân dã, ra đời ở các vùng quê từ khá lâu. Không ai biết thời gian xuất hiện và thuộc miền xứ sở nào vì từ Huế trở vào phía Nam nơi nào cũng có.

Cái tên gọi "bánh xèo" cũng làm người ta nghĩ suy "có phải rằng tiếng xèo xèo khi đổ làm nên tên gọi của chiếc bánh". Chiếc bánh ở từng vùng cũng khác nhau về kích cỡ và cách làm nhân: bánh xèo Huế, bánh xèo Phan Thiết thường nhỏ nhưng bánh xèo Nam Bộ lại khác hẳn, to và nhiều nhân. Nhất là ai đã về miền Tây Nam Bộ thưởng thức chiếc bánh xèo giòn rụm với đủ loại rau chắc khó thể nào quên.

Bánh xèo Nam Bộ thường thì mùa nào thức nấy, ngày thường bà nội trợ hay dùng giá hoặc củ sắn thái sợi cùng thịt ba chỉ, tép bạc làm nhân. Đến mùa mưa măng mọc, nấm mối rộ trong vườn, bánh xèo được thay nhân mới bằng măng tươi thái sợi, nấm mối xào ngon tuyệt cú mèo, đến mùa nước lên điên điển đơm bông, nhân bánh lại rực một màu vàng. Ngày nay trong các nhà hàng sang trọng bánh xèo được sáng tạo nên nhiều loại nhân khác nhau: nấm kim châm, hải sản, phi lê gà…cũng hấp dẫn không kém. Với chiếc bánh xèo đầy màu sắc lẫn mùi vị đó khi ăn lại được cuốn trong các loại rau xanh và chấm với nước mắm chua ngọt, trong có để cà rốt và củ cải trắng ngâm giấm. Rau xanh đủ loại, đủ thành phần từ trong vườn, dưới ruộng và cả ven sông: đọt lụa, lá cách, lá điều, đọt xoài, đọt cóc, đinh lăng, quế nước, xà lách, cải bẹ xanh, các loại rau thơm: tía tô, quế, húng lũi, húng cây…

Ðể được cái bánh xèo cho khéo là cả một nghệ thuật. Bánh có màu đặc trưng là sắc vàng của nghệ, thêm vị béo, hương thơm của nước cốt dừa, mép ngoài của bánh mỏng và giòn. Cái để lại dấu ấn cho bữa ăn bánh xèo chính là các loại lá để ăn với bánh. Từ cái vị chát chát, chua chua của đọt xoài non, bằng lăng, đến cái mùi hăng hăng của cải xanh, diếp cá, rau thơm…

Vượt ra khỏi biên giới quốc gia, bánh xèo đã được mang đi giới thiệu ở rất nhiều nơi trên thế giới và đã được rất nhiều người ưa thích không chỉ ở mùi vị đặc trưng của bánh mà còn giá trị dinh dưỡng cao ở những cái bánh xèo nóng hổi.

Thuyết minh về món bánh xèo mẫu 4

Bánh xèo đã có ở miền Nam tự thuở nào chẳng ai nhớ được. Có lẽ nó đã có từ trước thời phở Bắc vào Nam hay bánh mì Sài Gòn bắt đầu có mặt từ những năm 40 – 50 thế kỷ trước. Ngày xưa ở chợ, khu xóm, từ thành thị đến thôn quê miền Nam thế nào cũng có hàng bánh xèo như một món ăn bình dân phổ biến mà ai cũng biết.

Đầu thập niên 80, với những khó khăn của đất nước sau chiến tranh, hàng quán ở Sài Gòn giảm đáng kể, trong đó có cả những hàng bán bánh xèo. Nhưng đến giữa thập niên 80, đột ngột trên những đoạn đường nhiều người qua lại, xuất hiện một số quán bán một thứ bánh chiên bằng bột có màu vàng như bánh xèo.

Tuy nhiên khuôn đổ bánh chỉ nhỏ bằng khuôn đổ bánh khoái, nhân bao gồm tép, thịt ba rọi, giá, củ hành như bánh xèo và nước chấm là nước mắm chứ không phải bằng nhân và nước chấm của bánh khoái. Đa số người bán là người miền Trung, thế nên món bánh được đặt tên là “bánh xèo miền Trung”. Bánh xèo miền Trung chiếm được cảm tình của nhiều người thành phố lúc bấy giờ vì sự hấp dẫn riêng của mình: độ nóng giòn vừa phải, ăn với nhiều rau và nước mắm, ngon miệng…

Từ thập niên 90 trở đi bánh xèo Nam bộ bắt đầu khởi sắc trở lại với những nơi bán có tiếng như bánh xèo Đinh Công Tráng – Q.1, Ngô Quyền – Q.5, A Phủ. Và đến năm 2007, bánh xèo Ăn Là Ghiền xuất hiện với quy mô lớn, bài bản, chuyên nghiệp hơn nhằm giới thiệu cho công chúng món bánh xèo miền Tây và những món ăn dân dã Việt Nam. Sau đó một năm, bánh xèo Mười Xiềm của Cần Thơ cũng góp mặt tại thành phố. Vậy là bánh xèo Việt Nam bắt đầu sánh vai cùng các thương hiệu bánh crêpe Pháp, pizza Ý, bánh xèo Nhật, bánh roti pum Ấn Độ, bánh tasco Mexico…

Ăn nóng là điều bắt buộc với chiếc bánh xèo nên khi bánh vừa lấy ra khỏi chảo là phải đến ngay tay người ăn. Tiếng “xèo xèo!” của bột chiên trên lửa, những làn khói bốc lên như còn vương vấn trên mặt bánh vàng ươm. Bánh bột gạo chiên ấy được gọi tên là “bánh xèo”, rất dân dã và gần gũi với mọi người Việt. Bánh xèo hiện nay do có thêm phiên bản mới giữa bánh xèo miền Nam và bánh khoái miền Trung nên được tạm coi là có hai loại, khác nhau chủ yếu ở kích thước. Nếu chiếc bánh xèo miền Trung nằm gọn trong lòng chiếc chảo nhỏ, đường kính khoảng 10 – 15cm, trông dày dặn và giòn rụm thì bánh xèo miền Nam kích thước bằng cái chảo lớn, bột đổ thật khéo để tạo lớp rìa mỏng tang và giòn xốp, ít ngậm dầu như bánh xèo miền Trung.

Vẫn với tép tươi, thịt ba rọi, giá sống, củ hành, phần nhân bánh ở miền Nam có thêm đậu xanh nên béo và bùi hơn. Tuỳ theo mùa, bánh xèo miền Nam có thể thêm vào nấm mối, kim châm, nấm tràm, cổ hũ dừa, bông điên điển… Thời gian qua, các thương hiệu bánh xèo nổi tiếng như Ăn Là Ghiền, Mười Xiềm đã mạnh dạn cải tiến nên bánh xèo đã có nhiều loại nhân khác nhau giúp chiếc bánh xèo trở nên đa dạng, phong phú hơn.

Bánh xèo có cách ăn đặc trưng, đó là ăn bằng tay. Bánh vừa lấy ra khỏi chảo còn nóng hôi hổi, tay xé một miếng vỏ vàng ruộm, thêm đầy đủ nhân, cuốn thành cuộn dày cộp toàn những rau là rau, từ cải bẹ xanh, cải xà lách và năm, sáu thứ rau thơm. Tai nghe được tiếng bột “xèo” trên mặt chảo nóng, nghe tiếng rôm rốp giòn tan khi bẻ và nhai bánh. Mũi ngửi hương thơm lựng. Mắt nhìn được đủ sắc màu vàng óng của bánh, xanh mượt mà của rau và đỏ au của nước mắm ớt. Cuộn miếng bánh xèo từ từ cho vào miệng, vị ngọt của bột hòa cùng vị ngọt của tép, thịt, vị béo của mỡ vừa được đưa đẩy chạm đến ngưỡng của đô ngậy. Tức khắc mùi vị the nhẩm của cải bẹ xanh, thơm nồng của rau thơm hòa quyện đưa vị béo bay biến đi. Bao nhiêu hương vị mặn, ngọt, chua, cay như thay nhau đánh thức toàn bộ vị giác của người thưởng thức.

Không gì khoái khẩu cho bằng được thưởng thức món ăn đơn sơ mà tinh tế đến tuyệt vời. Bánh xèo được chọn lựa để trở thành một món ăn độc đáo, đại diện cho những món ăn Việt trong cuộc bình chọn “TP.HCM – 100 điều thú vị” lần này đã giới thiệu thêm kho tàng ẩm thực Việt còn nhiều lắm những món ăn thú vị.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về món bánh xèo. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 8 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 8.

Bài tiếp theo: Thuyết minh về món bún thang

Từ khóa » Thuyết Minh Bánh Xèo Ninh Thuận