THUYẾT MINH XUYÊN VIỆT – ĐỒNG NAI - HDV DL

Bỏ qua nội dung

Thân chào các bạn!

Mình xin được  sẽ chia sẻ tài liệu về “Thuyết minh xuyên Việt” nhé. Vì tài liệu khá dài nên mình sẽ ngắt ra từng phần cho dễ theo dõi.

Các bạn hướng dẫn viên du lịch hãy coi như đây là tài liệu tham khảo. Và chỗ nào chưa đúng chưa chính xác thì rất mong được các bạn gửi thông tin góp ý để mình bổ sung nha. Cám ơn các bạn nhiều nhiều!

ĐỒNG NAI

Thuộc miền Đông Nam Bộ. Tỉnh có diện tích 5864km2, dân số 1.98.541 (1/4/1999) người, thủ phủ là thành phố Biên Hòa. Biên Hòa nằm bên dòng sông Đồng Nai, đất đai thuộc loại phù sa cổ do sông Đồng Nai bồi đắp. Nhiệt độ trung bình năm là 27oC. Các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Long Thành và Nhơn Trạch. Từ 1/10/2003, Long Khánh trở thành thị xã. Tên gọi Đồng Nai xuất phát do đọc trại từ tên “Nông Nại Đại Phố”. Có ý kiến khác cho rằng xưa kia có nhiều đồng cỏ nên nai kéo về đây sinh sống rất nhiều nên gọi là Đồng Nai. Vì đất đai màu mỡ nên Đồng Nai rất thích hợp với nhiều loại cây lương thực, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, đậu nành, thuốc lá… cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su… Núi Châu Thới Núi Châu Thới sừng sửng như một ngọn tháp thiên tạo giữa một vùng đất bằng phẳng, cách Biên Hòa chưa đầy 4km, cách TP.HCM cũng chưa đầy 20km. Trong một cuốn sách xưa, một vị học sĩ đã mô tả núi Châu Thới như một tấm bình phong che chắn các luồng gió dữ, điều hòa khí hậu cả một vùng xung quanh. Với tín ngưỡng, núi Châu Thới như một biểu hiện khác thường ẩn hiện nhiều điều linh thiêng. Vì vậy mà những tín đồ đạo Phật không quản dốc cao đã dựng lên trên núi công trình chùa Châu Thới và quần thể các điện thờ. Chùa Châu Thới được tạo dựng bằng bàn tay tài hoa và lòng tôn kính của các tín đồ nghệ nhân suốt gần 300 năm qua. Nghệ thuật tạo hình và trang trí thời cổ còn đọng lại ở những pho tượng đá, những bao lam và những đường nét trang trí hoa văn trong kiến trúc chùa cách đây 300 năm là dấu tích quý giá của văn hóa dân tộc. Tiếng chiêng chùa ngân nga khắp một vùng quanh Châu Thới được phát đi từ chiếc chuông do các thợ kỳ cựu của cố đô Huế đúc cùng với mẫu của chùa Thiên Mụ. Trên chiếc chuông đồng cao 3m, nặng 1,5tấn này có những đường nét, hoa văn trang trí theo lối phương Đông rất tinh xảo. Châu Thới là ngọn núi duy nhất trong vùng và gần gũi với người TP.HCM. Với chiều cao 85m, Châu Thới như một ngọn hải đăng trên cạn định hướng cho cả một vùng rộng lớn quanh núi. Sự có mặt của núi làm cho cảnh quan vùng này mất đi cái vẻ đơn điệu. Vì vậy, Châu Thới được xem như kỳ quan thiên nhiên của vùng Bình Dương, Biên Hòa, TP.HCM. Chùa và núi hòa quyện với nhau tạo ra một khung cảnh cổ kính nên thơ. Trong thời hiện đại, người ta lại càng dễ cảm nhận và bị lôi cuốn bởi sự kỳ bí đầy lãng mạn ở nơi này- một thế giới gần như nguyên bản của hàng trăm năm về trước. Trèo lên 209 bậc, du khách mới tới được đỉnh của núi. Ở đây du khách sẽ cảm nhận ngay sự khoan khoái bởi cái mát mẻ của gió trời lồng lộng, của sự khoáng đại như phóng tầm mắt trải xa một vùng rộng lớn để được mục kích khung cảnh quanh Châu Thới: những cánh đồng bát ngát, những hồ nước trong xanh, những kênh rạch uốn lượn như những con rồng và cả những con đường tấp nập người xe qua lại, các xóm thôn, các khu nhà xinh xắn núp dưới những tán cây xanh biếc… Buổi tối du khách sẽ được thấy cảnh rực rỡ trong đêm của muôn vàn ngọn đèn xanh, vàng từ thành phố Biên Hòa và TP.HCM. Với cảnh trí thơ mộng, tươi mát, cùng với suối Lồ Ô, hồ Bình An gần đó là một quần thể du lịch hấp dẫn thuộc xã Bình An, Thuận An, Bình Dương, Chùa và núi Châu Thới không những là một thắng cảnh thiên nhiên cảnh thiên nhiên đẹp mà còn là nơi lưu giữ những di vật văn hóa cổ đậm đà tính dân tộc cho thế hệ mai sau. Cầu Đồng NaI – Sông Đồng Nai Dài 543,9m, rộng 16m, trọng tải 25 tấn, được xây dựng cùng thời với cầu Sài Gòn và XL Biên Hoà. Sông Đồng Nai dài 586km. Sông được bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên chảy qua địa phận tỉnh Đồng Nai sau đó hợp với sông Sài Gòn và đổ ra vịnh Gành Rái: Sông Đồng Nai có giá trị về đời sống và kinh tế lớn như nước sinh hoạt, giao thông, nông nghiệp và đặc biệt là thủy điện. Hệ thống sông Đồng Nai-Vàm Cỏ là một hệ thống kép, vì hai con sông Đồng Nai và Vàm Cỏ chỉ có gặp nhau ở cửa Soài Rạp và được nối với nhau bằng những con kênh nhân tạo. Đây là hệ thống lớn thứ 3 trong nước sau hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Cửu Long, chiều dài dòng chính Đồng Nai là 635km và diện tích toàn lưu vực là 44.100km2, phát triển chủ yếu ở Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, một phần ở Tây Nam Bộ, ngoài ra còn có một phần nằm trên đất Campuchia, ở thượng lưu các sông Vàm Cỏ Đông và Sài Gòn, rộng khoảng 6700km2, chiếm khoảng 15% diện tích toàn lưu vực. Toàn bộ hệ thống có tới 265 phụ lưu, phát triển đến cấp 4, trong đó các sông quan trọng như: Đa Dung với chiều dài dòng sông 91km và diện tích lưu vực là 1250km2, sông Đắc Nung với chiều dài 79km và diện tích lưu vực là 1140km2, sông La Ngà với chiều dài 272km và diện tích lưu vực là 4170km2, Sông Bé với chiều dài 314km với diện tích lưu vực 7170km2, sông Sài Gòn với chiều dài 256km và diện tích lưu vực 5560km2 và sông Vàm Cỏ với chiều dài 218km với diện tích lưu vực 12.800km2 sau TP.HCM, sông Đồng Nai đổ ra biển theo 3 chi lưu, hai chi lưu cấp một là Lòng Tàu và Soài Rạp và một chi lưu cấp hai là Đồng Thanh. Soài Rạp là cửa sông rộng tới 11km, song lòng sông nhiều cồn bãi khó đi lại, chỉ có cửa Lòng Tàu mời thực là dạng cửa vịnh (etchuye) sâu tới 18m, cho nên tàu bè lớn dễ dàng ra vào cảng TP.HCM. Hệ thống Đồng Nai–Vàm Cỏ có tổng lượng nước vào khoảng 32,8 tỷ m3/năm, tương ứng với lớp dòng chảy 814mm/năm trong tổng lượng này, phần nước được cung cấp từ Campuchia vào qua các sông Vàm Cỏ và Sài Gòn là 2,4 tỷ m3/năm, tức là khoảng 7,4% module dòng chảy toàn lưu vực là 26,1 l/s/km2. Tuy nhiên sự phân phối là không đồng đều trong lưu vực. Trên nền chính Đồng Nai, module dòng chảy tại Trị An là 39,9 l/s/km2, trên sông Đắc Nung tại Đắc Nông là 34,1 l/s/km2, trên sông La Ngà tại Tà Pao là 37,9 l/s/km2, trên Sông Bé tại Phước Hòa là 37,2 l/s/km2, sông Sài Gòn tại Lộc Ninh là 24,2 l/s/km2, còn trên sông Vàm Cỏ tại Cần Đang là 17,3 l/s/km2. Lượng phù sa cũng không nhiều, tổng lượng phù sa vào khoảng 3,36 triệu tấn/năm với độ đục bình quân khoảng 200g/m3 và hệ số xâm thực khoảng 227 tấn/năm/km2. Thủy chế sông Đồng Nai cũng đơn giản, vì chỉ có một mùa lũ và một mùa cạn kế tiếp nhau. Tại Trị An, mùa lũ kéo dài 5 tháng (tháng 7 – 11), lượng nước chiếm tới 82,8% tổng lượng năm, tháng có lượng nứơc lớn nhất là tháng 8, chiếm 21%. Mùa cạn dài 7 tháng (12–6) với lượng nước là 17,2% tổng lượng năm, và tháng kiệt nhất là tháng 3, có lượng nước bằng 0,8% tổng lượng. Lũ sông Đồng Nai không đột ngột, do mạng lứơi sông có dạng lông chim, độ dốc lưu vực không lớn, lớp vỏ phân hóa dày và độ che phủ rừng còn cao. Do cửa sông có dạng vịnh nên thủy triều tác động mạnh, nhất là trên các sông Vàm Cỏ và sông Sài Gòn, qua Biên Hòa 30 km vẫn còn thấy tác động của thủy triều. Cù Lao Phố Từ trên cầu, ở ngã 3 sông về phía thượng lưu là Cù Lao Phố. Ngược dòng lịch sử, năm 1679, khi triều Minh ở Trung Hoa bị nhà Thanh lật đổ có khoảng 30.000 binh sĩ và gia đình trong nhóm bài Thanh phục Minh đã đến và xin Chúa Nguyễn cho làm dân Việt. Trong đó có một nhóm do Trần Thượng Xuyên làm thủ lĩnh đã đến cư trú tại đây và lập nên một cảng có hoạt động thương mại sầm uất được gọi là Nông Nại đại phố. Năm 1698, thừa lệnh của Chúa Nguyễn, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã vào Nam kinh lý, ông thấy vùng đất này trù phú và yên bình nên đã dừng chân tại đây. Ông đã chia đặt các đơn vị hành chánh và chình quyền tại Nam Bộ, hai huyện đầu tiên là Phước Long (thuộc Dinh Trấn Biên – Biên Hoà) và Tân Bình (Dinh Phiên Trấn – Sài Gòn). Sông Đồng Nai là ranh giới tự nhiên giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Nai. Nông Nại đại phố tức là Chợ Lớn của xứ Đồng Nai, Đồng Nai âm theo tiếng Quảng Đông, viết chữ Nông Nại. Về chợ và cảng Cù Lao Phố, tư liệu ít thấy, cơ bản vẫn là Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, ông Trịnh Hoài Đức tiếc thay, chào đời vào khoảng 1765, khi được 10 tuổi “gặp buổi nhiễu nhương, mẹ dời đến Phiên Trấn và cho Trịnh Hoài Đức học với Võ Trường Toản” (Đại Nam liệt truyện). Tổ tiên của Trịnh Hoài Đức là tỉnh Phước Kiến (Trung Hoa), theo Đại Nam Liệt Truyện, thì sang Trấn Biên “Lúc nhà Thanh chiếm Trung Hoa” cha làm quan thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, lúc Cù Lao Phố còn hưng thịnh nhưng ông nội Trịnh Hoài Đức là một trong những người sáng lập miếu Quang Đế(chùa Ong), có tên ghi trong danh sách những người đứng ra lập chùa, năm 1684, tức là sau khi Trần Thắng tài đến Biên Hòa. Tuy không nói rõ, ông nội của Trịnh Hoài Đức có thể đi theo Trần Thắng Tài, hoặc trước, hoặc sau vài năm. Và cha của họ Trịnh cũng góp công vào hương khói của chùa Quang Đế nói trên năm 1743. Như vậy, ta thấy những gì Trịnh Hoài Đức ghi chép về Cù Lao Phố là tư liệu đáng tin cậy nhất, ngoài ra tôi chưa gặp tư liệu nào tương đối cụ thể hơn. Họ Trịnh ghi lại: “Nông Nại Đại Phố, lúc đầu khai thác do Trần Thượng Xuyên, tức Trần Thắng Tài chiêu tấp người buôn nước Tàu đến kiến thiết phố xá mái ngói tường vôi, lầu cao, quán rộng, dọc theo bờ sông liên lạc dài 5 dặm, chia và vạch làm 3 đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót gạch xanh, đường rộng bằng phẳng, kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu, có những xà lan ( ngưòi dịch lại hiểu là kiểu bè chở hàng hóa), ấy là một chỗ đại đô hộ, những nhà buôn bán to duy ở đây là nhiều hơn” (Đoạn trích dẫn trên đây là ở mục “Thành tri chí”). Trong Gia Định thành thông chí, ở mục “Sơn duyên chí”, lại ghi về gành đá trên sông, nay còn thấy: “Phía bắc gành đá có vực sâu làm chỗ cho tàu biển các nước đến đậu. Xưa nay, thuyền buôn đến đây hạ neo xong thì lên bờ thuê phố ở, rồi đến nhà chủ mua hàng, tại đấy kê khai những hàng hóa trong thuyền và khuân cất lên, thương lượng giá cả. Chủ mua định giá mua bao tất cả hàng hóa tốt xấu, không bỏ sót lại thứ gì. Đến ngày trương buồm trở về gọi là hồi Đường (trở về Trung Hoa)” Đọc rải rác những tư liệu trong Gia Định thành thông chí, ta có thể tạm đúc kết: -Cù Lao Phố trở thành một cảng quan trọng đầu tiên của Nam Bộ, đón nhận thương thuyền nước ngoài, hưng thịnh suốt khoảng 90 năm từ khi Trần Thắng Tài đến với quân đội, suy thoái từ khoảng 1775, tức là khoảng sau 90 năm, để nhường cho Sài Gòn(sông Tân Bình). Trịnh Hoài Đức mô tả vị trí khá cụ thể, dài 5 dặm, đại khái từ miếu Quan Công nay hãy còn ăn về phía Bắc. Sản phẩm đưa vào cảng là món gì, họ Trịnh không nói rõ, cũng như số lượng tàu thuyền. Nhưng ta đoán là hàng tiêu dùng. -Trước khi Trần Thắng Tài được Chúa Nguyễn đưa đến Cù Lao Phố, đã có người Việt từ miền Trung đến ở núi Dinh (Mô Xoài) vùng Bà Rịa từ năm 1658 và vùng Long Thành. Nhờ vậy khi Trần Thắng Tài đến Cù Lao Phố đã có dân Việt, dĩ nhiên người dân tộc cũng tới lui trao đổi hàng hóa. Trần Thắng Tài đến với quân sĩ và gia quyến, nhưng quân sĩ này vẫn tiếp tục cầm vũ khí theo đưổi binh nghiệp. Số thương gia lại đến sau với vốn liếng để lập chợ. Kiểu mua bán ở Cù Lao Phố là dạng xuất nhập khẩu với kho hàng dự trữ hàng hóa nhập vào và dự trữ hàng hóa thâu mua với nhiều chân rết. Nên gọi đó là những “Tư sản mại bản” chăng? Toàn là dịch vụ, phi sản xuất. Mức hưng thịnh của Cù Lao Phố phải chăng đạt đỉnh cao vào năm 1767, tức là 70 năm sau khi cảng này phát triển. Bằng cớ là năm 1747, có bọn thương khách người Phước Kiến với lãnh tụ là Lý Văn Quang tự xưng là Giản Phố đại vương cùng với 300 quân mưu toan đảo chính, chiếm lấy Dinh Trấn Biên, tức là toan nắm quyền ở khu vực Biên Hòa rộng lớn. Từ Cù lao, chúng vượt qua chiếc cầu ván bắt qua rạch Cát, rốt cuộc âm mưu thất bại. Giản Phố tức là Giản Phố trại (âm lại mấy tiếng Campuchia, vì viết chữ Đông và chữ Giản hơi giống nhau, nên lắm nơi đọc là Đông Phố hóa ra vô nghĩa). -Lâm sản, ngà voi, sừng tê giác, lộc nhung không thể tái sinh nhanh chóng, vì vậy mà cạn kiệt. Cù Lao Phố suy thoái vì thiếu hàng hóa đưa ra ngoài (cũng là trường hợp cảng Hà Tiên thời Mạc Cửu). Bấy giờ nhằm lúc Tây Sơn khởi binh, thương gia thấy không có lý do để bám Cù Lao Phố, họ thấy nên dời xuống Sài Gòn-Chợ Lớn để đón nhận nguồn lúa gạo dồi dào của Đồng bằng Sông Cửu Long bắt đầu dư để xuất cảng, dịch vụ lúa gạo xem ra bền vững hơn. Quân Tây Sơn sẵn cơ hội đó đốt phá chợ phố của Cù lao. Đại Nam nhất thống chí ghi rõ quân Tây Sơn đến “dỡ lấy hết nhà cửa, gạch đá, của cải chở về Quy Nhơn, từ thời Gia Long trung hưng tuy người ta có trở về, nhưng trăm phần chưa được một”. Chi tiết “Nhà cửa gạch đá” bị cướp đi rất quan trọng. Theo kỹ thuật đi ghe buồm, ghe phải chở nặng chạy mới vững. Chuyến qua Cù Lao Phố, ghe chở thêm đá và gỗ mỹ thuật, khá nặng rồi ráp lại đã chạm trổ để xây cất chùa miếu, nhà cửa cho nhanh. Người Pháp đến khi Cù Lao Phố đã trở thành xóm làng bình thường, không còn dấu ấn gì về thới oanh liệt đã qua. Nay chọn cù lao là địa bàn của xã Hiệp Hòa, trong thành phố Biên Hòa. Con số đình chùa khá nhiều, của làng xưa nay đã trở thành ấp, chứng tỏ thời nhà Nguyễn ở đây có hơn 10 làng xã với đình làng. Người xưa còn đâu? Đọc lược sử Cù Lao Phố do nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành 1994, thấy ghi các dòng họ Nguyễn, Lê, Trương, Huỳnh là những dòng họ lớn đến sinh cơ lập nghiệp từ lâu đời, chiếm tỷ lệ cao trong xã, còn ngôi mả ngói rất xưa mà họ Nguyễn nhận là của dòng họ mình. Và theo luận văn của Tôn Thị Điệp về Cù Lao Phố thì các dòng họ trên xuất hiện gần 300 năm nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Lại còn ông Bì Văn Lâu cho biết họ Bì gốc Tàu, lại còn họ Tống Đình gốc Tàu. Nguyễn Hữu Cảnh đến Cù Lao Phố ngay lúc cù lao với cảng đang hưng thịnh, nhưng bấy giờ căn cứ và cơ cấu quân sự của ta đặt ở Sài Gòn rất quan trọng với đồn dinh ông. Nguyễn Hữu Cảnh vào Cù Lao Phố với thủy quân, tuy không ghi rõ nhưng ta chắc là vào Cù Lao Phố theo cửa Cần Giờ, ngược lên Biên Hòa. Và cuộc hành quân phía sông Cửu Long của ông theo đường thủy, khi ông mất ở Rạch Gầm, quan tài được đưa về Cù Lao Phố, không quàn ở Sài Gòn, từ Cù Lao Phố về miền Trung, chôn ở quê là Quảng Bình cũng theo đường thủy. Cơ ngơi mà nay hiểu lầm là phần mộ của ông chỉ là nơi quàn quan tài chứ không phải là phần mộ, đồng bào địa phương vì tôn kính ông nên đắp mộ tượng trưng để ghi nhớ. Nếu là mộ thì phải to hơn và đặc biệt phải có thành bao bọc phần đất rộng, theo tiêu chuẩn của quan to. Vị trí mà miếu Bình Kính thờ Nguyễn Hữu Cảnh thời xưa đã thay đổi, lâu ngày mục nát, nước xoáy lở vào bờ, nên đời Tự Đức năm 1851 phải dời vào phía trong vài mươi mét, ngay bờ cũ (Đại Nam nhất thống chí ghi dời ở phía sau 10 trượng). Nay có lẽ nên bố trí khu Cù Lao Phố thành một điểm du lịch lý tưởng. Đền thờ Quan Công còn đó, đình Bình Kính còn đây, sông Đồng Nai rộng, gió mát. Phía mé sông trước đình, có lẽ nên trồng cây bằng lăng, cây bản địa, trổ bông đẹp. Thời xưa, Trần Thắng Tài đóng quân bên phía chợ Biên Hòa, sử ghi xứ Bàn Lân, sau đổi thành Tân Lân. Có thể hiểu Bàn Lân là tiếng Bằng lăng nói trại ra. Cảng Cù Lao Phố thành hình trễ hơn phố cổ Hội An và suy thoái sớm hơn phố cổ Hội An. Nguyễn Hữu Cảnh Trong số các đấng danh thần và lương tướng của xứ Đàng Trong, Nguyễn Hữu Cảnh là người có duyên nợ với năm Dần hơn cả. Ông chào đời năm Canh Dần (1650) tại vùng đất nay thuộc xã Chương Tín, Phước Lộc, tỉnh Quảng Bình, nhưng tổ tiên ông lại là người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). Các nhà nghiên cứu đã truy tìm và dựng lại được một sơ đồ phả hệ gồm rất nhiều đời của dòng họ Nguyễn Hữu Cảnh. Viễn tổ xa nhất của ông hiện đã biết đến là Định Quốc Công Nguyễn Bặc (?-980) một trong những tướng quân xuất sắc, cũng là bạn và là bề tôi thân tín của Đinh Tiên Hoàng. Hậu Duệ của Nguyễn Bặc hầu như thời nào cũng có người lập nên sự nghiệp lớn, trong đó có nhân vật lịch sử vĩ đại là Nguyễn Trãi (1380-1442). Năm 1442, vụ án oan nghiệt Lệ Chi Viên ngỡ như đã đẩy Nguyễn Trãi vào chỗ hoàn toàn bị tuyệt tự. Nhưng may mắn thay, nhờ khôn khéo mai danh ẩn tích, một người vợ thứ của Nguyễn Trãi vẫn bảo tồn được giọt máu của ông. Và từ giọt máu quí giá còn sót lại của nhân vật lừng danh tài đức này, một loạt những người con kiệt xuất được sinh sôi. Họ Nguyễn, dòng họ tạo lập ra xứ Đàng Trong và tổ tiên của Nguyễn Hửu Cảnh là hai chi xa của Nguyễn Trãi. Năm 1588, Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa (vùng từ phía Nam tỉnh Hà Tĩnh kéo dài đến hết tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay). Để có thể bí mật xây dựng một cơ đồ riêng, khi đi, Nguyễn Hoàng đã tuyển chọn và đem theo rất nhiều người thân tín, trong số đó có Tham tướng Chưởng cơ Nguyễn Triều Văn. Đến Thuận Hóa một thời gian, Nguyễn Triều Văn định cư ở Quảng Bình, con trai của ông cũng là danh tướng của xứ Đàng Trong- Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật đã chào đời. Nguyễn Hữu Dật là bậc văn võ song toàn. Mới 16 tuổi ông đã khiến cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên phải nể phục. Ông từng là văn thần cao cấp, cũng là tác giả của Hoa Văn Cáo Thị. Ông từng là một trong số những võ quan cao cấp nhất của xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) và Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Ông cũng nhiều lần tỏ rõ là người có biệt tài xem thiên văn, khiến cho bao võ tướng đương thời phải gọi phép lợi dụng thiên thời của ông là thần hiệu. Nguyễn Hữu Dật có hai người con nổi tiếng với đời, đó là Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào (?- 1713) và Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700). Một nhà ba cha con cùng được phong tới tước hầu, khi làm quan văn là văn thần trọng yếu, khi làm quan võ là võ quan cao cấp, đời chẳng mấy ai sánh được. Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào là tác giả của Song Tinh Bất Dạ Truyện, một trong những tác phẩm văn học quan trọng xứ Đàng Trong thế kỷ thứ 17. Ông cũng đồng thời là tướng quân đầu tiên đã thể nghiệm việc dùng quân đội đi khẩn hoang. Về sau các chúa Nguyễn đã coi đây là một trong những phương thức khai khẩn đất đai có vị trí quan trọng ở đồng bằng sông Cửu Long. Tương tự như cha là Nguyễn Hữu Dật và anh là Nguyễn Hữu Hào, tài năng Nguyễn Hữu Cảnh nở rộ từ rất sớm và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi mới ở tuổi mười tám đôi mươi, Nguyễn Hữu Cảnh đã từng theo cha đi đánh giặc, lập được nhiều công lao và do đó đã được chúa Nguyễn Phúc Tần phong dần tới chức Cai Cơ là một trong những chức võ quan thuộc bậc cao của xứ Đàng Trong lúc bấy giờ. Năm 1681, cha là tướng quân Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật qua đời, hai anh em Nguyễn Hữu Hào và Nguyễn Hữu Cảnh đều là những người có khả năng nối nghiệp xuất sắc. Nhưng nếu như danh tướng Nguyễn Hữu Hào cũng có lúc tỏ ra sơ suất, thậm chí đã có lần khiến cho chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) phải nổi giận, thì ngựơc lại, Nguyễn Hữu Cảnh là người luôn luôn xử việc một cách cẩn trọng, trên thì an lòng chúa, dưới thì đẹp ý dân, hoạn lộ chắc chắn và thênh thang kỳ lạ. Nói tới Nguyễn Hữu Cảnh là nói tới hàng loạt những sự kiện lớn, vừa có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với xứ Đàng Trong, vừa có giá trị quan trọng đới với lịch sử nước nhà. Tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là sự kiện năm 1693 và sự kiện năm 1698. Theo ghi chép của Đại Nam Liệt Truyện thì từ năm Nhâm Thân (1692), tình hình biên giới Việt – Chiêm trở nên rất căng thẳng, Vua Chiêm là Bà-Tranh đã táo bạo cho quân đánh ra tận đất Diên Ninh (vùng tương ứng với Phú Yên ngày nay). Chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Nguyễn Phúc Chu (1591-1725) liền sai Nguyễn Hữu Cảnh cầm quân đi đánh dẹp. Tướng giữ chức vụ tham mưu cho đạo quân này của Nguyễn Hữu Cảnh là Nguyễn Đình Quang. Đầu năm 1693, Nguyễn Hữu Cảnh cho quân ồ ạt tấn công, Bà-Tranh chống đỡ không nổi nên bị thua và bị bắt. Toàn bộ lực lượng tướng sĩ Chiêm Thành đều hạ vũ khí đầu hàng. Với sự kiện 1693 này, biên giới cực Nam của xứ Đàng Trong đã kéo đến tận vùng Bình Thuận ngày nay. Cánh cửa phía Bắc của miền đất châu thổ sông Đồng Nai và sông Cửu Long trù phú nhưng dân cư còn rất thưa thớt đã được mở toang. Tất cả đất đai mà đạo quân Nguyễn Hữu Cảnh mới chiếm được (tương ứng với các tỉnh Khánh Hòa, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Thuận ngày nay), chúa Nguyễn Phúc Chu lập thành một trấn, gọi là trấn Thuận Thành và quan Trấn thủ đầu tiên của trấn này cũng chính là Nguyễn Hữu Cảnh. Ông được thăng chức Chưởng cơ là chức võ quan cao cấp nhất của chúa Nguyễn đương thời. Tại đây, Chưởng cơ Trấn Thủ Nguyễn Hữu Cảnh đã có công tổ chức cho nhân dân khai khẩn đất hoang, ổn định cuộc sống và thiết lập trật tự xã hội ngày càng vững vàng. Sự kiện thứ hai, sự kiện năm Mậu Dần (1698) là sự kiện trọng đại nhất của cuộc đời tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh, sự kiện khiến cho tên tuổi của ông sống mãi tong tâm khảm của nhân dân Sài Gòn Gia Định nói riêng và cả đồng bằng Nam bộ nói chung. Vào mùa xuân này, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu trao chức Thống Suất, đem quân đi kinh lược vùng phía Nam trấn Thuận Thành. Với chuyến kinh lược này, Nguyễn Hữu Cảnh đã nhập vùng đất tương ứng với miền Đông Nam Bộ ngày nay vào xứ Đàng Trong. Bấy giờ: “Đất đai được mở rộng hơn ngàn dặm, dân số có bốn vạn hộ” (Gia Định thành thông chí, quyển 3 – Trịnh Hoài Đức). Các thư tịch cổ đều cho hay, với chuyến kinh lược mùa xuân năm Mậu Dần này, Nguyễn Hữu Cảnh đã làm một loạt các việc rất quan trọng. Một là chia đặt hệ thống hành chính mới. Tất cả đất đai thu được, Nguyễn Hữu Cảnh gọi chung là phủ Gia Định. Phủ này quản lĩnh đến hai dinh, đó là dinh Trấn Biên (với một huyện thống thuộc duy nhất là Phước Long) và dinh Phiên Trấn (cũng với một huyện thống thuộc duy nhất là Tân Bình). Quan lại các dinh đều đươc cắt đặt rõ ràng, gồm Ký Lục (trông coi về hành chính và thuế khóa), Lưu Thủ (trông coi về quân sự) và Cai Bộ (trông coi về tư pháp). Giúp việc cho quan đứng đầu hai dinh nói trên là các Xá Ti và một số đơn vị vũ trang. Đối với người Trung Quốc di dân sang nước ta làm ăn sinh sống, Nguyễn Hữu Cảnh tập hợp họ lại thành những tổ chức hành chánh riêng. Số định cư ở dinh Trấn Biên thì có xã Thanh Hà, số định cư ở Phiên Trấn thì có xã Minh Hương. Việc quan trọng thứ hai mà Nguyễn Hữu Cảnh đã thực hiện được trong năm Mậu Dần (1698) là nhanh chóng chiêu mộ nhân dân đi khẩn hoang lập ấp. Đại Nam Liệt Truyện (Tiền biên, Quyển 1) chép rõ, Nguyễn Hữu Cảnh đã “chiêu mộ dân phiêu tán từ châu Bố Chính (nay thuộc Quảng Bình-NKT) trở vào Nam, cho được đến ở đất ấy (tức là đất Trấn Biên và Phiên Trấn-NKT) rồi chia đặt xã thôn và phường ấp khai khẩn đất đai, định nghạch tô thuế ghi tên vào sổ đinh”. Tóm lại, Nguyễn Hữu Cảnh đã nhanh chóng khẳng định biên cương mới một cách rất chắc chắn. Ông không chỉ là một tướng lĩnh tài ba mà còn là một nhà quản lí hành chánh xuất sắc. Nhân dân khắp miền đất mới đời đời nhớ ơn ông, kiêng kị tên ông, cho nên, Cảnh thì nói trại thành Kiểng. Ông còn có tên là Kính, cho nên, kính nói trại thành kiếng. Và để tỏ rõ sự kì cựu của mình, không ít người thường tự nhận mình là dân hai huyện (dân ở hai huyện đầu tiên là Phước Long và Tân Bình do Nguyễn Hữu Cảnh lập ra năm Mậu Dần, 1698). Năm 1770, Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh cầm quân tiến xuống biên giới Tây Nam ngày nay. Nhờ uy đức đặc biệt của mình, Nguyễn Hữu Cảnh hầu như không phải đánh mà vẫn nhanh chóng giải quyết tình hình rất phức tạp. Rất tiếc là lần ấy chẳng may ông bị bệnh nặng rồi qua đời. Năm đó Nguyễn Hữu Cảnh tròn 50 tuổi. Ngày nay đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh còn được bảo tồn ở khá nhiều địa phương, trong đó lớn nhất là ở An Giang, Đồng Nai và Quảng Bình. Nhưng độc đáo nhất, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh còn được lập ở Nam Vang. Ở đời, tướng cầm quân mà dùng sức mạnh áp chế, hẳn nhiên thiên hạ sẽ sợ mà theo, có điều, phàm đã sợ mà theo thì không bền, thậm chí còn ngấm ngầm tìm cách phản kháng ngay trong khi buộc phải theo. Nhưng cũng ở đời, tướng cầm quân mà dùng uy đức để phủ dụ, thì thiên hạ sẽ phục mà theo và một khi đã phục mà theo là theo mãi, một lòng sống chết với bậc mình kính phục và tôn thờ. Xứ Đàng Trong, thế kỷ 17, có một người nhờ uy đức mà được dân theo, người đó là Nguyễn Hữu Cảnh. Và trong nhiều năm dùng uy đức, năm Mậu Dần 1698 là năm đặc biệt nhất, năm trọng đại của vị tướng quân lừng danh này. Tổng kho Long Bình Tổng kho Long Bình cũ, trước đây là trung tâm cung cấp vũ khí đạn dược cho quân đội Mỹ và chư hầu trong chiến tranh Việt Nam. Kho Long Bình được xây dựng từ năm 1964 với diện tích ban đầu chỉ 6km2 nhưng vào năm 1966 đã được xây dựng lại và mà mở rộng lên 24km2. Tòan bộ tổng kho Long Bình có 6 hầm ngầm chứa trên 150.000 tấn vũ khí đạn dược, khu vực này được bảo vệ cẩn mật với 6 hàng rào thép gai kiên cố, 72 tháp canh và 3 tiểu đoàn túc trực bảo vệ. Siêu Thị Cora Được khánh thành ngày 18/8/1998 do tập đoàn Bourbon của Pháp đầu tư với tổng số vốn là 54 triệu USD, diện tích 20.000m2. Siêu thị có trên 20.000 mặt hàng và 90% hàng hoá là sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn Bourbon là một trong những tập đoàn lớn nhất của Pháp về lương thực thực phẩm. Các dự án Bourbon đã đầu tư tại Việt Nam như nhà máy đường Bourbon Tây Ninh – Nhà máy thức ăn gia súc Bourbon… Trong qui hoạch phát triển tại Việt Nam, Bourbon đã vạch rõ sẽ thôn tính toàn bộ hệ thống siêu thị Việt Nam với khách hàng chủ yếu là tầng lớp trung lưu. Do vậy hiện nay Bourbon đã có thêm 3 đại siêu thị tại Việt Nam: siêu thị Cora An Lạc 120.000m2, siêu thị Cora-Miền Đông 10.000m2 và siêu thị Cora-Hà Nội rộng 42.000m2 Khu Công Nghiệp Biên Hòa I – Khu Công Nghiệp Biên Hòa II Được thành lập năm 1963 với diện tích 335ha, nằm ở TP. Biên Hòa, ngay trên trục giao thông Bắc Nam, cách TP.HCM 27km, cách Vũng Tàu 90km. Kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh: sử dụng điện lưới quốc gia, trạm biến áp 40 MVA, nước được cấp 25.000m3/ngày, đường giao thông 20km nội bộ, thông tin liên lạc với tổng đài nội bộ nối mạng quốc gia và quốc tế… Hiện nay đang nâng cấp công trình hạ tầng và xây dựng hệ thống xử lí nước thải. Ưu tiên đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và các sản phẩm không có chất thải. Được thành lập năm 1993 tại TP. Biên Hòa, nằm đối diện với khu công nghiệp Biên Hòa I. Tổng diện tích 396ha trong đó diện tích xây dựng nhà máy là 264ha, diện tích cây xanh 34ha, diện tích đường bộ 78ha, và đất chuyên dùng 24ha. Hệ thống cấp điện dự kiến nâng ấp trạm 80 MVA từ nguồn điện quốc gia. Nước cung cấp 5000m3/ ngày cho toàn khu, hệ thống ống dẫn 20.500m. Thông tin liên lạc bằng tổng đài điện tử với 1024 số mạch IDD liên lạc trực tiếp quốc tế và quốc nội. Có hệ thống xử lí nước thải lỏng 12.000m3/ngày và khu vực xử lí chất thải rắn, hệ thống thoát nước mưa ra sông Đồng Nai dài 13.920m và đường giao thông nội khu dài 20km. Số diện tích gọi vốn đầu tư phát triển là 26ha với các nghành nghề: cơ khí, điện tử, may mặc, da giày, sản phẩm từ nhựa, cao su, chế biến lương thực thực phẩm, sản phẩm gia dụng và tiêu dùng không có nhiều nước thải độc hại. Khu Công Nghiệp AMATA Nằm cách TP.HCM 30km, nằm cạnh khu công nghiệp Biên Hòa II. Tổng diện tích 760ha được xây dựng qua 5 giai đoạn trong đó giai đoạn một xây dựng 100ha chưa kể diện tích đường giao thông nối Quốc lộ vào khu công nghiệp. + Hệ thống điện: giai đoạn một xây dựng trạm điện 40 MVA. Ngoài ra AMATA sẽ xây dựng một nhà máy điện để cung cấp nội bộ. + Hệ thống cấp nước: công ty cấp nước Đồng Nai cung cấp bước đầu 5000m3/ngày. AMATA sẽ xây dựng nhà máy cấp nước riêng 30.000m3/ngày, lấy nguồn nước từ sông Đồng Nai. + Hệ thống thông tin qua tổng đài tự động 960 đường dây bảo đảm liên lạc dễ dàng trong nước và quốc tế. + Giao thông: Khu công nghiệp nối liền Quốc lộ 1 bằng đường chính rộng 52m. Ngoài ra hệ thống đường nội khu công nghiệp đảm bảo sự vận hành liên tục và an toàn. + Xử lý chất thải: xây dựng nhà máy xử lý chất thải theo tiêu chuẩn qui định của luật bảo vệ môi trường. Ưu tiên đầu tư cơ khí luyện kim, hoá chất, mỹ phẩm, dệt may, điện tử… Khu Thiên Chúa Giáo Hố Nai Cách Biên Hoà 10km, trước 1954 là rừng hoang. Vào 1954, Hố Nai có khoảng 40.000 dân từ các tỉnh phía Bắc di cư vào đặc biệt là tỉnh Hà Nam Ninh cũ theo sự ủng hộ của Giáo Hội, Ngô Đình Diệm thành lập các xã Hố Nai như vành đai bảo vệ Sài Gòn. Dân ở đây có nghề truyền thống là khai thác lâm sản và mộc. Hiện nay có khoảng 16 xã, 29 nhà thờ, 28 trường học, một bệnh viện, 19 trạm y tế và 12 nhà bảo sanh. Hố Nai được chia làm 4 khu Hố Nai 1-2-3-4 với dân số hiện nay trên 700.000 người. Thủy Điện Trị An Thác Trị An là bậc hạ cuối cùng của sông Đồng Nai trước khi chảy vào đồng bằng. Năm 1983 với sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ) đã khởi công xây dựng công trình thủy điện Trị An với tổng kinh phí là 150 triệu rup và 51 tỉ đồng Việt Nam. Đa số các thiết bị nhập từ Liên Xô cũ. Hồ Trị An rộng 232km² với sức chứa 2,7 tỉ m³, công suất nhà máy là 400MW, sản lượng điện 1,7 tỉ KWH/năm. Đến tháng 9/1988 đã vận hành đưa vào tiêu dùng. Đây là công trình thuỷ điện lớn nhất miền Nam, giải quyết cấp bách điện cho các ngành công nghiệp và sinh hoạt. Từ lòng hồ Trị An thu về trên 10 ngàn tấn cá, làm thay đổi cảnh quang phục vụ cho du lịch. Ngã Ba Dầu Giây – Cây Cao Su Cách TP. HCM 67km, nếu rẽ trái vào QL 20 khoảng 234km là đến TP. Đà Lạt ngàn hoa. Thẳng theo QL 1A ra các tỉnh miền Trung và phía Bắc. Sở dĩ có tên là Dầu Giây vì trước kia khu vực này có rất nhiều cây Dầu và trên những cây Dầu này có dây leo chằng chịt. Còn có cách giải thích khác về địa danh Dầu Giây: Sau năm 1954, một số giáo dân theo hai giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm di cư vào trong khu vực miền Nam và định cư tại khu vực này! Và họ đem theo một tập tục thói quen trồng cây trầu ven khu vực mình sinh sống. Khu ngã 3 này họ trồng rất nhiều cây Trầu Dây nhưng người Hà Nam Ninh không nói được chữ Tr, họ đọc Tr thành Gi! Như họ đọc ông trời thành ông giời! Trầu Dây đọc trại thành Dầu Giây. Cây cao su có tên khoa học là hêvêa thuộc loại thân gỗ lớn, có thể mọc cao từ 10-40m, thuộc họ Thầu Dầu, có lá kép, hoa đơn tính và mọc thành chùm. Trong mỗi chùm, hoa cái thường mọc ở đầu chùm vì thế hoa cái ít hơn hoa đực. Nếu cây có nhiều hoa và quả là cây tốt cho sản lượng mủ. Do phát sinh ở vùng rừng nhiệt đới ẩm, cây cao su hêvêa phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ trung bình năm thay đổi từ 22-27C và lượng mưa hằng năm 1500-2000mm, mưa nhiều và dưới dạng mưa rào vào buổi trưa, chiều. Nếu mưa kéo dài và mưa vào buổi sáng sẽ không thuận lợi cho việc cạo mủ cao su vì sẽ dễ gây nên bệnh loét miệng cạo và cây kiệt nhựa. Cây cao su ưa gió nhẹ và ánh sáng vừa phải, hàng năm cây có một thời kỳ rụng lá vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 3. Cây cao su được mang vào nước ta từ năm 1877. Từ năm 1890 đến năm 1920, người Pháp bắt đầu mở rộng diện tích trồng thử nghiệm và hình thành những đồn điền cao su nhỏ tại khu vực ngoại ô Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Biên Hoà với tổng diện tích khoảng 7000ha. Từ năm 1921-1945, các đồn điền cao su được mở rộng và phát triển mạnh với tổng diện tích tăng lên 138.000ha. Sau khi giải phóng miền Bắc, cây cao su được trồng thử nghiệm thành công tại nông trường Tây Hiếu (Phủ Quỳ, Nghệ An) từ năm 1958 và từ năm 1961 cây cao su được trồng đại trà từ Nghệ An đến Vĩnh Linh với tổng diện tích của năm cao nhất là 6000ha. Tại miền Nam, sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, người Pháp trở lại và tập trung khai thác cây cao su phục vụ cho nông nghiệp của họ. Năm 1963, tổng diện tích cao su đạt đến mức cao nhất là 192.800ha, đưa Việt Nam thành nước có diện tích cao su đứng hàng thứ 8 trong 18 nước trồng cao su trên thế giới. Các đồn điền cao su lớn ở miền Nam lúc đó nằm trong tay các Cty Đông Dương, Đất Đỏ, SPTR, Biển Đông (CEXO), Tây Ninh (SHT) và Cao nguyên Đông Dương (CHDI) tại ĐakLak của tư bản Pháp. Vùng cao su tập trung hình thành ở miền Đông Nam Bộ. Do chiến tranh, nhiều đồn điền cao su bị bỏ hoang, bị tàn phá, bị chất độc hoá học… nên diện tích cây cao su thu hẹp dần. Năm 1974,diện tích cao su chỉ còn 68.400ha với sản lượng 21.000 tấn/năm. Đến năm 1976, chỉ còn 40.000ha, phần lớn là vườn cao su già cỗi. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng và đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước sớm có chủ trương tập trung nguồn lực để khai hoang, tăng diện tích cây cao su. Đặc biệt, từ năm 1981 đến năm 1985, nhờ sự hợp tác thu hút vốn đầu tư từ Liên Xô (cũ) và một số nước Đông Au như CHDC Đức, Ba Lan, Hungari… Diện tích cây cao su đã tăng lên 100.000ha với các nông trường Phú Riềng, Đồng Nai, Đồng Phú, Bình Long, Dầu Tiếng… Do chủ động nghiên cứu cùng với sự hợp tác với Viện Nghiên cứu cây cao su RRIM của Malaysia, ngành cao su đã ứng dụng các kỹ thuật mới, giống mới cho năng suất cao 1,2-1,5 tấn/ha trên toàn bộ diện tích cây cao su mới trồng Sau hơn 20 năm tập trung nguồn vốn trong nước và tranh thủ sự hợp tác của các nước, tổng diện tích các vườn cây cao su đã lên đến khoảng 300.000ha, trong đó các vườn cây cao su quốc doanh đạt khoảng 250.000ha, còn lại là cao su tư nhân, tiểu điền. Năm 1997, cả nước mở rộng diện tích cây cao su lên đến 300.000ha, đã xây dựng 26 nhà máy hiện đại chuyên chế biến các loại mủ cao su nguyên liệu, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với tổng công suất 200.000 tấn/năm. Năm 1997, ngành cao su cả nước đã khai thác và chế biến khoảng 180.000 tấn mủ cao su quy khô, đứng hàng thứ 5 trong các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên trên thế giới Triển khai chủ trương thành lập các tổng công ty quốc gia có thực lực mạnh, Chính phủ đã thành lập Tổng công ty cao su Việt Nam với 21 công ty thành viên. Ngành cao su nước ta cũng đã gia nhập Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên thế giới (ARNPC). Cây cao su là loại cây kinh tế quan trọng đứng hàng thứ ba sau gạo và cà phê về cung cấp nguồn xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp nước ta. Toàn bộ diện tích của vườn cây cao su hiện nay đưa vào sản xuất đều là cây nhóm một và cây nhóm hai đang thời kỳ sung sức với năng suất bình quân trên 1 tấn/ ha. Cây cao su phát triển mạnh trên vùng Đông Nam Bộ với tổng diện tích năm 1997 là 168.524ha tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận. Ở ĐắkLắc, Gia Lai, Kon Tum thuộc Tây Nguyên với tổng diện tích 27.464ha. Cây cao su cũng được đưa đến các vùng đất duyên hải miền Trung như Quảng Trị, Hà Tĩnh với tổng diện tích 3181ha. Đồng thời với việc tập trung trồng mới, khai thác, Tổng công ty Cao su Việt Nam đã đầu tư lớn để xây dựng mới các nhà máy chế biến mủ cao su với trang thiết bị hiện đại, công suất trên 200.000 tấn/ năm cho ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhằm tạo điều kiện cho ngành cao su tiếp tục phát triển mạnh với định hướng chiến lược tăng từ 300.000ha lên 700.000ha vào năm 2005, Thủ tướng Chính Phủ cho phép ngành cao su được bổ sung nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn lợi tức vượt kế hoạch hàng năm, phê duyệt thời hạn cho vay để khai hoang trồng cao su trên đất mới là 15 năm, nghiên cứu điều chỉnh mức thuế lợi tức đối với sản phẩm cao su sơ chế từ 35% còn 25%. Ngành cao su đang điều tra tổng thể quỹ đất thích hợp trồng cây cao su, tập trung phát triển mạnh tại các tỉnh vùng duyên hải miền Trung và khu Bốn cũ bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận với tổng diện tích 70.000ha, tại khu vực Tây Nguyên với tổng diện tích 330.000ha (nơi đây đã trở thành vùng trọng điểm cao su của cả nước), tại vùng Đông Nam Bộ với tổng diện tích 300.000ha. Dốc Mẹ Bồng Con Gồm một dốc lớn và một dốc nhỏ như là một người mẹ bồng một người con nên mới có tên gọi như thế. Một câu chuyện khác được người dân kể rằng xưa có một phụ nữ có mang bị chết tại đây, sau đó hàng đêm người ta thường thấy có một người mẹ trên tay bế con hay qua lại trên ngọn dốc này. Chính vì thế mà cư dân ở đây đặt dốc này là dốc Mẹ bồng con. Ngã 3 Tân Phong – Mộ Cổ Hàng Gòn Mộ Cổ Hàng Gòn được phát hiện bởi một kỹ sư cầu đường người Pháp là Bouchot J. Vào năm 1927 khi mở đường liên tỉnh giữa Long Khánh và Bà Rịa. Mộ cổ có kiến trúc gồm hai hàng trụ bao quanh một hầm mộ. Tổng số trụ là 10, làm bằng đá granit hay bazan, có chiều cao 2,5-3m, đặc biệt có hai trụ là những tấm đan bằng ganit với kích thước lớn 7,2 x 1m và 1 x 0,35m. Phần hầm mộ có dạng hình hộp, được ghép bằng 6 tấm đan bằng granit kích thước 4,2 x 2,7m và cao 1,6m. Theo Sauin E., di tích này có niên đại cách nay khoảng 3950 năm. Từ năm 1992, mộ cổ Hàng Gòn đã được trùng tu: xây dựng đường bảo vệ, lát gạch bên hầm mộ để chống xói mòn và trồng cây kiểng xung quanh. Đây là điểm tham quan khá hấp dẫn vì là ngôi mộ cổ nhất và qui mô nhất tại Việt Nam còn được bảo tồn đến ngày nay. Núi Chứa Chan Còn gọi là núi Sót, cao 843m, sau núi Bà Đen ở Tây Ninh cao 986m. Trên núi có chùa Gia Lào, vào những ngày rằm người dân ở các nơi thường về đây hành hương rất đông. Trên núi gắn liền với một truyền thuyết sau: Vào thế kỷ 17 có một viên quan người Việt tên là Việt Hùng trong lúc giao chiến với quân Chăm ông đã bị bắt cùng với người vợ của mình. Sau đó ông bị giam lỏng trên ngọn núi này, còn vợ vì có nhan sắc nên bị vua Chăm ép làm vợ lẻ mặc dầu biết là bà đang mang thai. Bà sinh ra được một người con gái và đặt tên là Mai Khanh, khi cô gái lớn lên bà đã kể cho con mình nghe về sự thật về người cha. Cô gái quyết đi tìm cha và cùng cha chạy trốn cùng với một người hầu, nhưng hai cha con bị quân lính truy đưổi ráo riết. Trong lúc hoảng loạn, cả ba đã gieo mình xuống thung lũng núi sâu quyết không lọt vào tay vua Chăm. Hiện nay trong chùa Gia Lào có 3 pho tượng được mọi người gọi là Ông Vàng, Cô Bạc, Ông Chì. Biết được câu chuyện thương tâm đó người ta đã gọi ngọn núi này là Chứa Chan để nói lên tình cảm chứa chan của hai cha con họ. Từ ngã 3 nếu rẽ 2km sẽ đến ngã 3 Ông Đồn, thị trấn Gia Ray và 7km sẽ lên núi Gia Lào. Đi thẳng 98km sẽ đến Phan Thiết (đây là ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn tại khu vực Đông Nam Bộ). Khu vực Rừng lá Tại đây trước kia là một khu vực nóng bỏng, gồm các căn cứ của quân đội Sài Gòn và quân đội Cách mạng cài thế răng lược với nhau. Điều đặc biệt là khu vực này có rất nhiều lá buông, có lẽ từ nguyên nhân đó nên mới đặt tên là Khu Rừng lá. Với rừng lá buông nơi đây đã sinh ra một nghề kinh tế phụ, đó là nghề đan nón giỏ, và cung cấp lá cho ngành tiểu thủ công nghiệp. Những sản phẩm từ lá này lại là những mặt hàng được ưa chuộng ở các thị trường Âu, Mỹ. Nó đem lại một nguồn ngoại tệ không nhỏ đưa nền kinh tế đi lên. Tản Mạn Món Ăn Nam Bộ Món ăn Nam Bộ rất đa dạng, thay đổi tùy giai đoạn ngắn dài, thử đúc kết lại vài nét lớn là điều không đơn giản. Qua thời gian, ta thử nêu lên vài nét định hình. – An sáng lót lòng còn gọi là điểm tâm không nằm trong đề mục tất yếu của món ăn. Nếu là nhà nông hoặc gia đình khá giả, người lao động thường ăn ba bữa: sáng, trưa xế và tối, bằng không chỉ có hai bữa thôi, buổi sáng thường thả nổi cho từng người liệu định. – – Hồi trước 1945, nhiều gia đình khá giả còn duy trì kiểu lót chiếu, ngồi ăn trên đất, có lẽ theo ảnh hưởng của người Chăm. Kiểu ăn trên bộ ván, ngồi xếp bằng như chẳng còn thay đổi ở gia đình trung lưu miền quê. Ngồi trên bộ ván thì phải theo tư thế xếp bằng, quen thói nên khi ngồi trên ghế dễ mỏi chân. Vả lại, bộ ván ngày nay đắt tiền, đi-văng thì còn quá nhỏ hẹp. Tuy tiếp xúc với Tây phương từ cuối thế kỷ 19, người Việt vẫn bảo lưu cách ăn cơm với đũa, nếu cần chan hoặc húp thì dùng muỗng riêng hoặc công cộng. Nước mắm thường chấm chung một chén cho nhiều người trong khi người Hoa rất kỹ dùng muỗng công cộng, tha hồ thọc đũa của nhiều người trong tô canh, nhưng chan húp thì mỗi người một muỗng riêng. – Không thích dùng nĩa, ngoại trừ dùng nĩa nhỏ để ghim những miếng trái cây như xoài gọt sẵn. Gần như không dùng cây dao nhỏ để cắt thịt. Con vật đã bị giết, cắt ra từng miếng, pha chế rồi bị cắt thì quả là tàn ác và thô thiển đối với người ngồi bên cạnh. Nếu cần thì cắt sẵn trước khi đem ra dĩa như trường hợp thịt bò lúc lắc. – Anh hưởng Tây phương chỉ thấy trong trường hợp ăn cơm tấm, cơm bì vào buổi sáng gọi nôm na cơm dĩa. Dùng cái đĩa trẹt và to của phương Tây với muỗng và nĩa. Theo tôi hiểu, đây là kiểu trình bày gọn do người Hải Nam bày ra từ trước năm 1945, gọi cơm xào. Người Hải Nam hồi thế kỷ 19 vì ở đảo gần Hương Cảng đã chọn nghề nấu bếp cho tàu buôn Tây Phương, đi theo tàu biển. Về món ăn ở Nam Bộ theo nghĩa vùng Sài Gòn và phía đồng bằng, có thể chia làm 3 loại: món cúng ông bà hoặc thần thánh, món nhậu và món ăn cơm. 1- Món cúng: Trên lý thuyết phải có 4 món cơ bản. Nếu ở đồng bằng sông Hồng có món: giò, nem, ninh, mọc thì ở Nam Bộ cũng tuân thủ 4 món, tương ứng ở phía Bắc kiểu giò, nem, ninh, mọc. -Dịp cúng giỗ tổ tiên, chẳng ai hiểu rõ ông bà thời xa xưa khi vào Nam thích ăn món gì, chế biến các món ra sao, nhưng tùy hoàn cảnh mà có 4 món: hầm, luộc, rán, kho. Nên hiểu không phải là dâng cúng theo cha hoặc mẹ đã quá cố nhưng là cho tổ tiên đời ông cố của gia chủ, hiểu ngầm rằng những bà con xa gần thời xa xưa cũng được tham dự, vì vậy nếu cúng ba mâm ở ba bàn thờ (giữa, bên trái, bên mặt hoặc một bàn thờ) thì thức ăn phải giống nhau. Món hầm, tức thịt heo hầm, thường giò heo hầm măng tre Mạnh Tông, loại măng ngon nhất của Nam Bộ (gợi tích ông Mạnh Tông trong Nhị Thập Tứ Hiếu). Món thịt luộc là thịt ba chỉ xắt mỏng. Xào là món thịt bị câu thúc về hình thức: xào chua, xào mặn, với rau cải đồ lòng hoặc tôm, gần như tuyệt đối không dùng thịt rừng. Món kho thường là thịt heo, cá lóc kho với nước dừa để gợi phong vị miền Nam. Ở miền quê, ngày xưa bày đám giỗ linh đình với quá nhiều món khác nhau, lắm khi ăn không hết món, nhưng cơ bản phải đủ 4 món cổ truyền như trên, có thể gọi là nghi thức nhất cả nước. Nhiều món phụ, có thể dọn chung với 4 món chính như rau, bì cuốn, nem chua. Ngoài ra còn để dành ở một bàn riêng, không cúng trên bàn thờ vốn đã chật chội, chờ khi đãi khách sẽ dọn ra như thịt bò xào, bánh mì cà-ri, chả giò… Thời xưa ông bà ta không có kiểu ăn tráng miệng như người phương Tây, vả lại trái cây đã được chưng sẵn trên bàn thờ rồi. Rượu phải là rượu đế, vì tổ tiên ta không biết rượu Tây, Tàu. Dự đám giỗ của gia đình, của bạn thân là dịp ăn uống vừa phải, quan trọng nhất là nói chuyện thân mật, ăn là để hưởng phước ông bà, vì món ăn đã được ông bà chứng giám rồi. Lắm khi ở quê, ở gia đình nhà vườn, có bày ra tiệc nhậu lai rai ở trước sân, bên vườn cây ăn trái nhằm cầm giữ những ngưới khách đến quá sớm, thường là nhậu với vài miếng thịt gà, đồ lòng đơn sơ, nhất là không có những món hoang dã như rùa, rắn. Vài món đặc sản như chả, cua, gà quay, cà ri, heo quay bánh hỏi có thể dọn cùng, ở gia đình nữa quê nữa chợ. Gần như tuyệt đối không cúng những đồ chế biến sẵn, đựng trong hộp, lắm gia đình vì hoàn cảnh đã đặt buổi tiệc giỗ ở nhà hàng, đến giờ nhà hàng đem đến vì vậy mất vẻ nghiêm túc. Trường hợp này người trong gia đình nên tự pha chế một vài món như khổ qua dồn thịt, thịt kho để cúng trên bàn thờ, còn những món đặt ở nhà hàng thì chỉ để dành đãi bạn bè. Theo sự quan sát của chúng tôi, gần như vắng mặt món mắm. Ở phía Nam, phải chăng đó là dấu ấn của người Chăm, người Khơ-me, người Việt chỉ muốn những gì thuần túy của ông bà từ nhiều thế hệ trước, chứng tỏ gia đình mình đã ổn định, có nề nếp chứ không phải ở trong thời kỳ du canh du cư lúc mới khẩn hoang. 2- Món Ăn Cơm: Cơm ngày hai bữa theo lệ Việt Nam, ăn mặn uống đậm, tùy hoàn cảnh địa phương và mức sống gia đình. Định hình nhất vẫn là canh chua, cá kho, hai món này mãi đến nay vẫn còn đứng vững qua thế kỷ 21. Canh chua nấu với trái me chín, đặc sản vùng nhiệt đới. Theo khẩu vị của người lớn tuổi, điều quan trọng nhất là người đầu bếp cần điều tiết hài hoà, húp một chút nước canh chua đang sôi, nhủ thầm 4 tiếng: chua, cay, mặn, ngọt. Không để cho vị chua lấn vị cay, không quá mặn nhưng cái hậu thì ngọt. Tùy địa phương lựa loại cá nào rẻ nhất mà mua như cá tra sông rạch thiên nhiên hoặc cá lóc ở đồng ruộng có chút ít phèn, ngon đặc biệt là cá ở rừng tràm. Cá lóc to con quá, thịt có thớ không ngon; ngược lại, cá còn non thịt ăn nhão. Cá tra, cá bông lau lựa con không quá lớn. Cá Basa có 3 lớp mỡ sa ở lưng, mỡ nhiều nhưng ăn không ngán như mỡ heo. Những món độn thường là cọng bạc hà, giá, đậu bắp nhưng không nên độn quá nhiều, sau này thêm cà chua, tuỳ khẩu vị. Canh chua phải đậm đà để giải nhiệt, nhất là vào mùa nắng. Buổi trưa vì uống nước quá nhiều nên khó “nuốt cơm”. Húp canh chua vào thấy trơn cổ, thèm ăn. Khẩu vị thường thay đổi. Nhiều người chê cá lóc vị lạt, cũng như cá tra, cá bông lau cũng lạt. Vì vậy, có người nấu súp xương heo pha vào nước canh chua, pha lén, người ăn thấy ngon hơn. Nên có ớt xắt từng lớp khá dày, loại ớt to. Nhiều người lại thích ăn canh chua chấm với nước mắm nguyên chất hoặc cầu kỳ hơn chấm với muối ớt. Cá kho nay gọi là cá kho tộ, ban đầu là kho trong cái mẻ kho, nôm na là cái tô bể ngoài vành, dùng kho cá kiểu tạm bợ, lắm khi để trên than lửa của cái cà-ràn. Ăn còn dư cứ để dành, hôm sau ăn trở lại. Cá kho trong tô thường là cá vụn của nhà nghèo ăn còn lại, tiết kiệm nhưng nếu như có nước mắm ngon, kho tới lui nhiều lần thì nước mắm cá biển sẽ hoà quyện với cá kho, toát lên hương vị đặt biệt. Vì tô bể phải để nghiêng nghiêng trên than lựu không nhiều nước. “Thạch sùng còn thiếu mẻ kho”, phải chăng đó là cái tô bể kho cá vụn, hôm trước ăn còn dư cứ để dành, nếu không còn cá thì còn nước sền sệt trong tô dùng đũa mà “quệt” cũng ăn tạm được bữa cơm nghèo. Muốn được ngon nên bỏ nhiều tiêu sọ. Nước mắm ngon đem kho cho đặc, quyện với cá thì ngon gấp bội, phải là cá đồng để hài hoà với nước mằm cá biển đậm đặc. Canh chua ăn với cá kho tộ quả là rất hài hoà, cả hai món đều cay. Sáng kiến kho cá đồng đặc biệt là cá rô với nước mắm ngon, trình bày trong kiểu bao bì bằng gốm thô đen đũa (cái mẻ kho) thay thế bằng cái tô, đặt hàng sẵn ở lò gốm cho có vẻ sạch sẽ; lần đầu tiên từ sau năm 1960 ở quán Cây Dừa-đường Lê Lai, gây sự hấp dẵn đối với khách sành điệu Sài Gòn rồi phổ biến trở lại các tỉnh ở phía đồng bằng. Lý tưởng nhất là lựa cá rô ngon, còn tươi, chưa có cá rô mập béo thì tạm kho cá trê, cá lóc. Theo “điệu nghệ”, bữa cơm ở quán được giới thiệu trước với vài món ăn chơi như gỏi ngó sen và bao tử heo, ăn cá kho, lắm ngưới đòi thêm dưa cải. Vẫn là món ăn cơm thường lệ trong gia đình, còn mắm chưng, tép kho hoặc món bí rợ (bí đỏ) hầm với nước cốt dừa. Có thể dùng cá trê nướng chấm với nước mắm gừng, thêm canh bí đao nấu thịt heo, canh bầu nấu với cá trê, cá bống kèo kho (miền nước lợ). Cá tôm đa dạng, vừa cá biển vừa cá đồng giúp cho bữa ăn của giới bình dân tạm gọi là “qua buổi”, thí dụ cá chốt, cá linh kho tiêu làm thức ăn chính yếu. Lại có món cá khô như khô cá lóc, khô cá tra, cá đuối ăn thêm chút ít cho vui miệng. Cá biển có thực đơn riêng tùy vùng, thêm tôm cua ngày nay giá quá cao. Nói chung cá biển rất ngon nhưng đòi hỏi cách pha chế thích hợp. Trừ trường hợp cá thu kho, thì cá biển chỉ ăn ngon ở lửa đầu, nếu dư, để dành hâm nóng lại thì mất hương vị. Bởi vậy ta thấy nhiều miền biển vẫn thèm thịt heo, thịt bò, cá đồng, cá vùng nước ngọt. 3- Món Nhậu: Nhậu là tiếng thanh không gợi ý thô tục, xem tự vị của Huỳnh Tịnh Của năm 1896, nhậu ghi là uống! An nhậu tức là ăn uống, nhậu rượu là uống rượu và nhậu nước là uống nước. Uống rượu chẳng có gì xấu, chỉ xấu khi đến mức thái quá, lãng phí tiền bạc và sức khỏe. Ngày nay quán nhậu mọc lên khá nhiều, nơi sang trọng, nơi giá cao thì xưng là “cửa hàng đặc sản” để gợi vẻ văn minh và đạo lý. Ở thôn quê, tiệc nhậu là chuyện bình thường, giữa bạn thân với nhau, sau mùa gặt hái thành công, chăn nuôi có lợi (như đàn vịt, ao cá…) Nhậu ngoài sân, ngoài vườn, lấy khung cảnh mát mẻ thiên nhiên làm bối cảnh, đồng thời cũng tránh sự tò mò của trẻ con, sợ gây tác hại. Nhậu phải có rượu nhậu như ở Nam Bộ, rượu không quan trọng bằng “mồi nhậu”. Mồi nhậu đơn giản như một con vịt luộc, hay con cá lóc, chủ nhà thường tự trọng, không muốn làm phiền vợ con ở nhà. Món ăn phải gọn, một món là đủ để thưởng thức hương vị của món ấy mà thôi. Ví dụ, thịt chuột không thể nhậu xen với thịt rắn, cua. Nhậu đòi hỏi hài hòa hữu cơ giữa rượu, món ăn, cọng rau, nước chấm, dĩ nhiên có bạn tri âm, tri kỷ. Người này thích ba khía, trái me, người kia thích con cua lột đầu mùa, có kẻ nhớ và thèm món cua đồng xào với cọng lá mái đàn, lại thèm mắm sống với xoài chua đầu mùa. Món ngon đệ nhất, đến bậc vua chúa còn thèm là “Con đuôn chà là”, chữ gọi “Hồ đa tử”, “Hồ đa” là cây dừa rừng, tức cây chà là hoang dại miền nước mặn, giống như cây cau trồng làm kiểng, trái nhỏ tạm hái để ăn trầu nhưng bên trong củ hũ (đọt non) đến mùa sau tết thường có con đuôn. Con đuôn này nhỏ hơn đuôn ăn đọt dừa, trứng để ở bẹ lá non, lớn, lên nở thành con đuôn (như con nhộng) dừa rừng. Phải bắt con đuôn này trước khi nó nở ra con bướm. Đuôn to và mập, mỗi đọt cây chà là chỉ có một con đuôn mà thôi. Đem đuôn nướng trên vỉ sắt, cho héo, rồi ăn, chấm nước mắm nhĩ nguyên chất. Con đuôn non béo ngậy vì tăng trưởng, ăn ròng củ hũ cây chà là. Nay thấy ở vài quán nhậu bày bán với giá 8000 đồng/một con! Các món nhậu vừa sang trọng, vừa dân dã này không thể kể hết, lắm khi quái đản, ít phổ biến. Vũ Bằng (đã quá cố) ghi lại các món lạ, có thể có, nhưng lắm khi không phổ biến, nào đem miếng thịt bò tươi treo ở vườn quít, cho kiến vàng bu lại “đái” vào, nước đái con kiến vàng khá chua, vì vậy mà tác động nhanh, khiến thịt bò sống trở thành thịt tái ? Cháo cóc khá nguy hiểm, ăn có thể ngộ độc nếu gặp loại cóc gọi là cóc kiết. Cháo dơi, thêm máu con”dơi quạ”ở các cù lao sông Cả hoặc ở ven rừng được khen là bổ và ngon vì đỏ tươi màu hồng huyết cầu. Ngày nay, món nhậu bớt cầu kỳ hơn, có thể là con chuột mập béo đầu mùa, sống ngoài đồng lúa chín, chuột khá sạch sẽ, trời sa mưa, chuột ăn toàn cỏ non, không như chuột ở cống rãnh thành phố. Chuột rô-ti ăn với xoài chua đầu mùa băm nhỏ, vị chua sẽ đánh tan mùi hôi của chuột. Lại còn món tép lột vỏ, chấm vào nước dừa tươi, nước dừa làm đổi màu con tép sống, trông đỏ hồng như vừa luộc. Món nhậu thời kinh tế thị trường, phải mang tính phổ biến, ít nhất cũng lên tiếp thị thành công nơi Sài gòn, nơi tập trung dân nhậu sành điệu của cả nước và Đông Nam Á. Nhiều người thích nhậu với món tép thịt heo luộc xắt mỏng (kiểu Gò Công). Dám treo bảng hiệu lắm người làm giàu nhờ món lẩu mắm: mắm kho, lấy nước cất, mắm sôi lên, bốc mùi thơm(hoặc không thơm, khó ngửi), lại thêm thịt xắt mỏng luộc, cá ba sa… nấu chung trong cái lẩu, múc ra ăn tùy thích. Mục đích của người ăn lẩu mắm là tận hưởng các loại “rau rừng” với mùi vị chát, đắng, lại còn món ăn cho mát lưỡi như bông súng, lá tai tượng, cọng bông súng xốp, rút nước mắm kho. Có người đếm thử, thấy lẩu mắm ăn với trên 20 loại rau rừng khác nhau, nào đọt xoài, đọt chùm ruột, đọt chiếc hoặc bưởi chua. An nhiều loại rau hoang dã là dấu ấn thời khẩn hoang xa xưa, thấy đắng, chát, hoặc chua là bảo đảm “không chết”, ví dụ như đọt cơm nguội, cọng rau dừa chỉ. Lẩu mắm là món ăn tập thể, năm sáu người bạn quây quần chung quanh cái lẩu (lò, tiếng Quãng Đông cái lò lưu). Thêm bún, cơm là no, dĩ nhiên có rượu. Nay bày thêm lẩu cá bồng kèo, lẩu cá trê trắng, trong tương lai, còn nhiều thứ lẩu khác, hoang dã. Con lươn làm lẩu canh chua nay vẫn chưa lỗi thời, ếch thì chiên bơ, rắn thì ngày càng đắt tiền, xưa nổi danh hiệu:“Tri kỷ”, uống máu rắn pha rượu Tây, ăn món rắn xào, rắn nấu cháo đậu xanh. Lại còn con cá chìa vôi cùng với nước lợ Nhà Bè, ăn tại chỗ, với bạn bè, cũng ngon như con cá chẽm. Món cháo vịt Thanh Đa nổi danh từ lâu giá bình dân. “Lươn, rùa, ếch, rắn” là bốn món hoang dã nhắc lại thời khẩn hoang xưa, sang trọng hơn thịt bò, thịt gà. Nay lại bày ra món cua rang me, thịt bò “tùng xẻo”, gẫm lại không thấy lạ. Bánh xèo không thể ăn sáng nhưng ăn buổi chiều, buổi tối thay thế cho cơm. Bánh xèo to, nhiều nhân bên trong, bán giá cao, kiểu bánh khoái của Huế cải biến. Nên kể thêm những loại chè, như chè khoai môn nước cốt dừa, chè hột sen, chè đậu xanh đường cát (gọi tàu thưng, đậu và đường, tiếng Quãng Đông âm lại). Các món ăn còn thay đổi gẫm lại tự thân nó, món nào cũng ngon nếu thỉnh thoảng ta muốn ăn trở lại một lần. Lâm Ngữ Đường bảo: “Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình nhỏ tuổi. Phải có không khí bờ sông từ rạch, quán lợp lá, cần nhất là bạn tri âm…”

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Điều hướng bài viết

Bài trướcTÓM LƯỢC CÁC THỜI ĐẠI LỚN CỦA LỊCH SỬ VIỆT NAMBài sauTHUYẾT MINH XUYÊN VIỆT – BÌNH THUẬN

Bình luận về bài viết này Hủy trả lời

Δ

Tìm kiếm cho:

Bài viết mới

  • NƯỚC MẮM TRONG LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
  • Chiếc vali
  • Cờ Phật Giáo
  • Đặc điểm tâm lý khách du lịch – cách phân loại
  • Nghề hướng dẫn viên du lịch quốc tế

Bài & Trang được đáng chú ý

  • THUYẾT MINH XUYÊN VIỆT - ĐỒNG NAI
  • THUYẾT MINH XUYÊN VIỆT - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
  • THUYẾT MINH XUYÊN VIỆT - BÌNH THUẬN
  • NƯỚC MẮM TRONG LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Fanpag Du Lịch

Fanpag Du Lịch

Chuyên mục

  • Game DL
  • Hỏi Đáp Du Lịch
  • Khóa Học
  • News
  • Tư Liệu Thuyết Minh
Trang này sử dụng cookie. Tìm hiểu cách kiểm soát ở trong: Chính Sách Cookie
  • Bình luận
  • Đăng lại
  • Theo dõi Đã theo dõi
    • HDV DL
    • Theo dõi ngay
    • Đã có tài khoản WordPress.com? Đăng nhập.
    • HDV DL
    • Tùy biến
    • Theo dõi Đã theo dõi
    • Đăng ký
    • Đăng nhập
    • URL rút gọn
    • Báo cáo nội dung
    • Xem toàn bộ bài viết
    • Quản lý theo dõi
    • Ẩn menu
%d Tạo trang giống vầy với WordPress.comHãy bắt đầu

Từ khóa » Thuyết Minh Cù Lao Phố