Thuyết Tiến Hóa Của Darwin: 150 Năm Tuổi - Công An Nhân Dân

Theo hai tác giả Georgi Absaliamov và Vladimir Kriuchkov viết trên tạp chí Nga Itogi số 29 ra ngày 14/7/2008, trong các công trình nghiên cứu theo hướng đó, lắm khi người ta lầm tưởng công trình vĩ đại của Darwin với học thuyết về sự tiến hóa của con người từ loài vượn. Thực ra, đó là những học thuyết khác nhau.

Mùa hè năm 1858 tại trung tâm London, có hai quý ông đã tỏ ra rất lịch thiệp với nhau khi tranh luận: "Thưa ngài, tôi sẽ chỉ phát biểu sau khi ngài nói xong…". Nhà tự nhiên học Alfred Wallace trình bày công trình nghiên cứu còn khiêm nhường của mình về nguồn gốc muôn loài, kết quả của nhiều năm quan sát đời sống của hệ động vật ở Malaysia trước một uy tín lớn trong lĩnh vực tự nhiên học Charles Darwin.

Bản thân Darwin trong những ngày đó vừa hoàn thành công trình với dung lượng ba tập của mình với cực kỳ nhiều thí dụ về các dạng khác nhau của sự sống trên khắp thế giới. Nếu một ý tưởng nào đó cùng một lúc nảy sinh trong những cái đầu khác nhau thì hiển nhiên là nó rất xứng đáng để chúng ta quan tâm.

Hai nhà thực nghiệm Popov ở Nga và Marconi ở Italia đã chẳng từng không hẹn mà lại độc lập sáng chế ra radio. Thế nhưng, trong trường hợp thuyết tiến hóa, tình hình lại khác. Darwin và Wallace không phải là những người đầu tiên quyết định lên tiếng về sự biến dị của muôn loài.

Trước họ hơn nửa thế kỷ, nhà bác học Thụy Điển Carl von Linné đã đưa con người vào bảng xếp thực bậc của mình - về thực chất, ông này đã coi con người cũng là một dạng động vật sinh tồn trên trái đất.

Nhà sinh học người Pháp Jean-Baptiste Lamarck đã không hề hoài nghi gì về chuyện một số loài động vật này xuất thân từ một số loài khác, nhưng đã không kịp nghiên cứu kỹ càng quá trình di truyền những dấu hiệu mới.

Sự sống sót của những loài thích hợp nhất (survival of the fittest) - thuật ngữ này lần đầu tiên được triết gia người Anh Herbert Spencer (1820-1903) đưa ra trong tác phẩm "Nguyên lý sinh vật" năm 1864. Spencer đã mở rộng sự tiến hóa sang cả các lĩnh vực xã hội học và đạo đức học nhưng học thuyết của cá nhân ông lại mang quá nặng tính cơ khí nên không được công nhận thích đáng.

Ngay trong nửa đầu thế kỷ XIX, bản thân từ "tiến hóa" đã không còn làm ai kinh ngạc nữa. Nhà khoa học Anh Charles Lyell (1797-1875) đã là người lập nên bộ môn niên đại địa chất, còn nhà tự nhiên học lừng danh người Pháp George-Léopold Cuvier (1769-1832) đã lập nên ngành Cổ sinh vật học và cho trưng bày ở Paris trước công chúng những bộ xương hóa thạch của nhiều loài động vật lạ lùng chưa từng ai nhìn thấy.

Không có ai còn hoài nghi về sự biến đổi của thế giới, các cuộc tranh luận quyết liệt chỉ diễn ra xung quanh những nguyên nhân dẫn tới các hiện tượng đó và "tính mục đích" của chúng.

Cuộc tranh luận về quyền ưu tiên đã được giải quyết đúng trong tinh thần giáo dục Ănglê. Cũng trong năm 1858 đáng nhớ đó, bản báo cáo tại kỳ họp của Hội Động vật học Linné đã được coi như một công trình chung của Darwin và Wallace.

Thế nhưng, theo yêu cầu của chính cộng đồng khoa học này, Darwin vào đầu năm 1859 đã cho in "Các trích đoạn" mà hiện nay được biết tới dưới cái tên kinh điển "Nguồn gốc muôn loài bằng con đường chọn lọc tự nhiên".

Không có chuyện gì bất thường xảy ra. Công chúng đã đón nhận công trình này một cách đầy thiện chí. Những tai tiếng chỉ bùng nổ về sau, khi xuất bản cuốn sách "Nguồn gốc con người và chọn lọc tình dục", nhưng đó đã là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Đã 150 năm trôi qua. Liệu đã đủ để hoàn chỉnh một học thuyết khoa học? Trong quá trình phát triển các bộ môn khoa học thường ghi nhận những khoảng thời gian hoàn toàn khác. Giữa Pythagoras và Euclid là khoảng cách 300 năm. Và sau họ, khoảng cách thời gian dẫn tới hình học của Riemann và Lobachevsky đã là hơn một nghìn rưỡi năm.

Người Sumer cổ đại và người Ai Cập đã từng quan sát đường chuyển động của các vì tinh tú nhưng để tính toán quỹ đạo của chúng thì phải chờ tới thế kỷ XVII, khi có Johanes Kepler và Yoganna Kevlepa và Isaac Newton… Trong giới trí thức hiện đại đôi khi cũng có những vị học đòi buông lời cho rằng, học thuyết của Darwin bây giờ đã bị bác bỏ rồi.

Thực ra, không phải như vậy: học thuyết của Darwin đã bị bác bỏ hoàn toàn không phải "bây giờ" mà ngay từ năm 1858 xa xôi - và đó là lần bị bác bỏ đầu tiên. Lần thứ hai bị bác bỏ là vào năm 1859; lần thứ ba - vào năm 1860 v.v… Hầu như năm nào cũng có người lôi học thuyết của Darwin ra để bác bỏ!

Tại Mỹ cho tới hôm nay vẫn diễn ra liên miên các vụ kiện của các bậc phụ huynh chống lại những giáo viên và ban giám hiệu những trường phổ thông về việc giảng dạy thuyết tiến hóa. Nhìn từ góc độ này, khoảng thời gian 150 năm có vẻ như đã đủ dài. Thế nhưng, cuộc tranh luận đó đã đủ kéo dài chưa?

Trong số những người đầu tiên bác bỏ thuyết tiến hóa có… Karl Marx! Năm 1859, Marx đã viết cho Friedrich Engels rằng, Darwin đơn giản đã nhìn thấy trong thế giới động vật những thói tục gần gụi với ông của giới quý tộc Victoria đã thối rữa.

Sau đó, Marx đã không quan tâm tới chủ đề này nữa. Nhưng người bạn chiến đấu thân thiết của Người, Engels, lại có ý kiến riêng khác thế. "Nguồn gốc gia đình, sở hữu tư nhân và nhà nước" của Engels là một cuốn sách rất có giá trị.

Đó là một công trình rất ủng hộ Darwin và trong đó khái niệm tiến hoá được nhắc tới một cách tự nhiên và hiển nhiên. Trong số những ý tưởng rất thú vị và giá trị ở cuốn sách này có thể nhắc tới một lập luận hết sức hay. Trong quá trình trưởng thành thủy tổ của con người, sự gia tăng não bộ diễn ra kèm theo với:

a) việc chuyển sang ăn thịt.

b) việc nấu chín thực phẩm.

Sinh thời, Engels không bao giờ nhận được các hợp chất sinh học hay hóa học thường xuyên nên hậu thế chỉ có thể suy đoán về việc những điều mà Engels đã viết là sự giác ngộ nhờ ai đó mách bảo hay do linh tính khoa học vĩ đại của Người? --PageBreak--

Trong bất cứ trường hợp nào, tới cuối thế kỷ XX hai luận điểm trên đã trở thành những chân lý hiển nhiên cho sinh viên năm thứ nhất khoa sinh học. Không thể không biết thêm rằng, tác phẩm "Nguồn gốc gia đình, sở hữu tư nhân và nhà nước" được xuất bản lần đầu một năm sau khi Marx qua đời…

Nhìn nhận một cách công bằng, những người phản biện Darwin cũng có những lập luận không phải là không nghiêm túc. Cơ chế chọn lọc tự nhiên cần tới những khoảng thời gian rộng dài. Để những cánh rừng lá bản thế chỗ những cánh rừng lá kim, cần tới không dưới trăm năm để tạo nên các tán cây và thay đổi thổ nhưỡng.

Để trong đàn hươu cao cổ (đối tượng nghiên cứu yêu thích của Lamarck) có đại đa số những con hươu thực sự cao cổ, cần tới không chỉ một thế hệ tiến hóa. Thế nhưng, liệu thiên nhiên đã có đủ khoảng thời gian dài dằng dặc cần thiết như thế không? Không, bởi lẽ thế giới vẫn còn quá trẻ…

Lại còn những câu chuyện khác nữa không hẳn đã có lợi cho Darwin. Năm 1866, nhà sinh học và thực vật học người Áo Gregor Mendel đã xác định hoàn chỉnh các nguyên tắc phân bổ các dấu hiệu di truyền (thuật ngữ gen về sau mới xuất hiện). Sự chọn lọc tự nhiên theo kiểu của Darwin hoàn toàn không thể xếp vào các thí nghiệm rất dễ tiến hành, đơn giản, hiển nhiên mà Mendel đã làm với đậu Hò Lan.

Trong quá trình phát triển của ngành nghiên cứu di truyền đã có một giai đoạn ngắn suy thoái (các thí nghiệm đã "mất điện" đối với các loài thực vật tự thụ phấn) nhưng từ sau năm 1900, khó khăn này đã được khắc phục.

Và thêm một lần thuyết tiến hoá lại bị phê phán dữ dội. Chỉ tới những năm 30-40 của thế kỷ trước, các nhà bác học mới kết nối được hai học thuyết này. Đúng, sự chọn lọc cả tự nhiên lẫn nhân tạo đều là chọn lọc đột biến. Con đường đi tới chân lý mới gian khó làm sao!

Giữa những trở ngại khách quan còn có chỗ dành cho sự không tiếp nhận về mặt đạo lý đối với các quy luật tiến hóa. Bởi lẽ, sự chọn lọc tự nhiên có thể có hai dạng. Hoặc là thành công nhân giống của những loài xuất chúng (điều rất dễ hiểu), hoặc là sự tàn lụi của những loài yếu đuối. Chọn lọc tự nhiên - đó không hẳn đã là thắng lợi của con mạnh, mà luôn là sự bị đào thải thẳng thừng của những con yếu. Quy luật của thiên nhiên cực kỳ khắc nghiệt và không dễ chấp nhận.

Cho tới hôm nay vẫn còn một mâu thuẫn chưa được khắc phục. Sự đối kháng quyết liệt trong quan điểm của những người theo thuyết thần tạo luận (creationism) và những người theo thuyết tiến hóa đã luôn tồn tại. Nhưng bất ngờ trong vòng 15-20 năm gần đây đã lại bùng lên với một sức mạnh đối kháng mới.

Trước đây, người ta vẫn cho rằng, các vấn đề liên quan tới tín ngưỡng (và cả sự khoan dung về tín ngưỡng) chỉ là chuyện của các cá nhân. Như vẫn nói, đó chỉ là chuyện riêng tư. Trong thời hiện đại không ai xử những kẻ dị giáo trên giàn thiêu và cũng không ai phát động những cuộc chiến tranh tôn giáo.

Vậy tại sao lại có vòng sóng xung đột hiện nay? Các tôn giáo thế giới thông qua những đại diện cao cấp nhất của mình đã uổng công trong việc tiến hành hòa giải các bên đối kháng. Các nhà thờ Chính giáo và Công giáo luôn luôn tuyên bố về việc họ công nhận thuyết tiến hóa của thiên nhiên và điều đó không mâu thuẫn với ý Chúa.

Có thể, thế giới đã trở nên phức tạp hơn trước nhiều? Con người hiện đang gặp khó khăn trong việc tiêu hóa các nguồn thông tin khổng lồ nên lại muốn những điều gì đó giản đơn hơn. Trong khi đó, thuyết tiến hóa về bản chất của nó rất phức tạp và ngày càng trở nên phức tạp hơn. Bởi lẽ, sự tích lũy những thông tin mới luôn diễn ra như thác lũ…

Đối với rất nhiều người vẫn còn không ít câu hỏi. Liệu con người hiện đại có tiếp tục tiến hóa không? Nhìn từ một góc độ, các tiện nghi ở các đô thị hiện đại không đòi hỏi cơ chế chọn lọc tự nhiên nữa và nếu các chính trị gia không tác oai tác quái thì trên trái đất thừa đủ lương thực cho mọi người.

Nhưng nhìn từ góc độ khác, nền văn minh tất yếu sẽ dẫn nhân loại tới vấn nạn nhân mãn. Số lượng con người đang cư trú trên trái đất đã quá đông, liệu phản ứng chọn lọc để loại bỏ các nhân mạng yếu ớt có tự động tái diễn không? Mà đó lại chính là điều Darwin đã dừng lại.

Học thuyết của ông cân đối và hợp lô gích khi nói tới các cá thể. Thế còn khi liên quan tới sự chọn lọc tập thể thì sao? Bộ lạc nào, dân tộc nào, nền văn minh nào sẽ sống sót trong hoàn cảnh khủng hoảng môi trường, lương thực, năng lượng?

Theo nhận định của TS Nga Valeri Kuvakin, thành viên Ủy ban Viện Hàn lâm Khoa học Nga chống lại ngụy khoa học, Tổng biên tập tạp chí "Ý tưởng lành mạnh", học thuyết của Darwin đã đặt nền móng cho thuyết tiến hóa vạn năng, như quy luật cơ khí học của Newton nằm trong cơ sở xây dựng của mọi bức tranh vật lý khác của thế giới.

Hiện nay, thuyết tiến hóa đã bao trùm lên mọi lĩnh vực, từ môn vũ trụ học, nguồn gốc của vũ trụ tới sự phát triển của các cơ thể sống. Dĩ nhiên là, như vẫn thường thấy, học thuyết này cũng có những giới hạn của nó trong quá trình phát triển của các kiến thức khoa học.

Trong một số việc nào đó học thuyết Darwin có thể còn yếu, chưa chuẩn xác, chưa đủ lập luận xác đáng. Bởi lẽ, khi Darwin xây dựng học thuyết của mình thì đã còn quá nhiều điều trong tự nhiên chưa được tìm hiểu kỹ càng và những khoảng trống kết nối các khâu khác nhau là quá lớn. Những khoảng trống này hiện nay đang được thường xuyên bổ sung.

Học thuyết của Darwin đúng đắn về mặt nguyên tắc. Không thể khác thế vì mọi việc gần như đều được xây dựng trên cơ sở của học thuyết này

Từ khóa » Học Thuyết đacuyn Bị Bác Bỏ