Tích Lũy Tư Bản Là Gì? Động Cơ & Nhân Tố ảnh Hưởng ... - Luận Văn 99

Có thể nói rằng, tích lũy là điều kiện tiên quyết để tái sản xuất mở rộng và làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhằm đưa đất nước phát triển vững vàng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp hóa- hiện đại hóa thì nhu cầu về vốn ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết. Vậy, tích lũy tư bản là gì? Để hiểu rõ hơn về tích lũy cơ bản và nội dung của tích lũy cơ bản đối với nền kinh tế nước ta, hãy cùng Luận Văn 99 tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Tích lũy tư bản là gì?

Khái niệm tích lũy tư bản

Tích lũy cơ bản được hiểu là sự chuyển hóa của giá trị thặng dư trở lại thành tư bản. Theo ngôn ngữ dễ hiểu thì đây là quá trình giữ lại một phần lợi nhuận để gộp vào với phần giá trị vốn bỏ ra từ đầu, sau khi bán hàng đã thu về được để làm vốn cho việc tái sản xuất mở rộng vào lần sau.

Thực chất, quá trình tích lũy tư bản là tư bản hóa giá trị thặng dư.

Bản chất của tích lũy tư bản

Chúng ta biết rằng, quá trình sản xuất xã hội là một quá trình liên tục, luôn được lặp đi, lặp lại và không ngừng đổi mới, hiện tượng này được gọi là tái sản xuất. Về phân loại, tái sản xuất được phân thành hai loại: Tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng.

  • Tái sản xuất giản đơn: Là kiểu tái sản xuất được lặp đi lặp lại với quy mô như cũ (không thay đổi). Trong quá trình này, toàn bộ giá trị thặng dư được tiêu dùng cho cá nhân, không đầu tư trở lại sản xuất. Ví dụ: Nhà tư bản đầu tư 100 triệu, sau quá trình sản xuất anh ta thu về 120 triệu, trong đó giá trị thặng dư thu được là 20 triệu. Sau chu kỳ sản xuất, anh ta tiếp tục đầu tư 100 triệu vào tái sản xuất, còn số tiền 20 triệu còn lại sẽ được sử dụng cho các mục đích mua sắm tư liệu sinh hoạt cho bản thân, gia đình. Khi đó, quá trình này được gọi là tái sản xuất giản đơn. Quá trình tái sản xuất vẫn được lặp lại nhưng với quy mô như cũ.
  • Tái sản xuất mở rộng: Là kiểu tái sản xuất được lặp lại với quy mô và trình độ tăng lên. Để có tái sản xuất mở rộng, phần thặng dư thu được từ quá trình sản xuất xã hội phải được trích ra một phần để đầu tư trở lại nhằm mục đích mở rộng sản xuất. Trở lại với ví dụ ban đầu, nhà tư bản thu được 20 triệu từ giá trị thặng dư, anh ta sử dụng 50% để mua sắm tư liệu sinh hoạt cho bản thân, gia đình và 50% còn lại anh ta sẽ tiếp tục đưa vào đầu tư sản xuất tiếp theo. Quá trình này được gọi là tái sản xuất mở rộng. Nhà tư bản không sử dụng hết giá trị thặng dư thu được cho tiêu dùng cá nhân mà biến một phần giá trị thặng dư thành tư bản phụ thêm. Quá trình này được lặp đi lặp lại nhưng với quy mô lớn hơn.

Đến đây, ta có thể rút ra kết luận về bản chất của tích lũy tư bản như sau:

“Bản chất của tích lũy tư bản là quá trình tái sản xuất mở rộng tư bản chủ nghĩa, thông qua việc biến giá trị thặng dư thành tư bản phụ thêm để mở rộng quy mô sản xuất, hay nói cách khác nhà tư bản không sử dụng hết giá trị thặng dư thu được cho tiêu dùng cá nhân mà biến nó thành tư bản phụ thêm để phục vụ trở lại cho quá trình tái sản xuất.”

tich_luy_tu_ban_la_gi_luanvan99Tích lũy tư bản là gì? Bản chất của tích lũy tư bản

Động cơ của tích lũy tư bản là gì?

Động cơ của tích lũy tư bản bắt nguồn từ hai quy luật kinh tế khách quan trong chủ nghĩa tư bản, cụ thể:

  • Quy luật giá trị thặng dư: Các nhà tư bản luôn có xu hướng quay trở lại tái sản xuất mở rộng bởi ham muốn về giá trị thặng dư, lợi nhuận là vô hạn. Để làm được như vậy, vốn bắt buộc phải tăng tức là nhà tư bản phải tìm nguồn vốn, nâng cao năng suất lao động.
  • Quy luật cạnh tranh: Để giữ sức cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp trong tương lai, các nhà tư bản cần tìm đến việc đổi mới thiết bị máy móc, đặc biệt trong thời đại khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay. Do đó, yêu cầu về vốn luôn là yêu cầu hàng đầu được đặt ra đối với mọi doanh nghiệp.

Theo hai quy luật trên, các nhà tư bản cần có nguồn vốn, để có nguồn vốn của riêng mình, nhà tư bản cần tiến hành tích lũy tư bản.

Tích lũy tư bản và vận dụng lý luận tích lũy tư bản của chủ nghĩa Mác Lênin vào xây dựng nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay là chủ để được rất nhiều sinh viên, học viên lựa chọn cho bộ môn tiểu luận kinh tế chính trị Mác Lênin, tiểu luận môn học nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin, nếu như bạn đọc cũng đang gặp khó khăn trong việc viết tiểu luận chủ đề này, dịch vụ viết tiểu luận thuê giá rẻ của chúng tôi sẽ là gợi ý tuyệt vời dành cho bạn. Chi tiết dịch vụ & giá thuê viết tiểu luận xem tại: https://luanvan99.com/dich-vu-viet-thue-tieu-luan-bid9.html

Tác động của tích lũy tư bản

Thứ nhất, quá trình tích lũy tư bản là quá trình tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản: Sản xuất là sự kết hợp giữa yếu tố tư liệu sản xuất và sức lao động. Sự kết hợp của chúng dưới hình thái hiện vật được gọi là cấu tạo kỹ thuật. Cấu tạo kỹ thuật thay đổi làm thay đổi cấu tạo giá trị.

Với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, cấu tạo của tư bản không ngừng phát triển đã làm cho khối lượng tư liệu sản xuất tăng lên. Điều này đòi hỏi sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, từ đó cũng gây nên những hiệu ứng tiêu cực đối với toàn bộ đội ngũ người lao động làm thuê.

Thứ hai, quá trình tích lũy tư bản là quá trình tích tự và tập trung tư bản ngày càng tăng. Có thể nói rằng, tích tụ và tập trung tư bản là quy luật phát triển của nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa. Việc tích tụ tư bản và tăng quy mô của tư bản cá biệt bằng cách tích lũy của từng nhà tư bản riêng rẽ là kết quả tất yếu của tích lũy. Tích tụ tư bản là yêu cầu mở rộng sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và làm cho khối lượng giá trị thặng dư trong quá trình phát triển của sản xuất tư bản chủ nghĩa lại tạo khả năng cho tích tụ tư bản. Tích tụ tư bản khiến cho nền sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng được xã hội hóa, khiến cho mâu thuẫn kinh tế cơ bản trong chủ nghĩa tư bản ngày càng sâu sắc.

Thứ ba, quá trình tích lũy tư bản là quá trình bần cùng hóa giai cấp vô sản: Tích lũy tư bản khiến cho sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Của cải xã hội sẽ tập trung vào tay giai cấp tư bản, công nhân ngày càng bị bóc lột nặng nề kéo theo tình trạng thất nghiệp, nghèo đó tăng lên. Từ đó, mâu thuẫn xã hội giữa giai cấp công nhân và tư sản ngày càng sâu sắc.

Thứ tư, tích tụ tư bản và tập trung tư bản: Tích tụ tư bản và tập trung tư bản có mối quan hệ mật thiết, tích tụ tư bản khiến cho quy mô và sức mạnh của tư bản cá biệt tăng lên từ đó dẫn đến tập trung nhanh hơn. Ngược lại, tập trung tư bản tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường bóc lột giá trị thặng dư nên đẩy nhanh tích tự tư bản. Điều này khiến cho tích lũy tư bản ngày càng mạnh hơn, tập trung tư bản có vai trò lớn đối với sự phát triển của sản xuất tư bản chủ nghĩa, khiến cho các xí nghiệp lớn sử dụng được kỹ thuật và công nghiệp hiện đại.

Các nhân tố tác động đến tích lũy tư bản là gì?

Có 4 nhóm nhân tố tác động đến tích lũy tư bản, bao gồm:

Thứ nhất là trình độ bóc lột lao động: Trình độ này phản ánh tỷ lệ giữa lượng tư bản ứng ra mua sức lao động công nhân và lượng giá trị thu về được từ lao động đó. Thực tế, công nhân bị chiếm đoạt một phần lao động tất yếu, cắt xén tiền công để tăng trình độ bóc lột sức lao động mà phương pháp được áp dụng phổ biến ở các thời kỳ trước là kéo dài ngày lao động. Bên cạnh đó, nhà tư bản cũng tăng cường độ lao động.

Thứ hai, trình độ năng suất lao động xã hội: Khi năng suất lao động tăng lên sẽ khiến thời gian lao động tất yếu giảm xuống, dẫn đến lương của công nhân giảm theo và giảm giá trị của sức lao động. Từ đó, giá cả tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng cũng đồng thời giảm khiến cho tích lũy tư bản tăng lên. Tăng năng suất lao động sẽ làm tăng quy mô của tích lũy tư bản.

Thứ ba, sự chênh lệch giữa tư bản được sử dụng và sử dụng tư bản đã tiêu dùng: Sự chênh lệch này ngày càng tăng theo thời gian, các tư liệu lao động tham gia vào toàn bộ quá trình sản xuất nhưng mức độ hao mòn ít. Hiện nay, máy móc thiết bị ngày càng hiện đại thì sức phục vụ không công ngày càng lớn, giá trị sức lao động của con người giảm khiến mức chênh lệch giữa hai loại tư bản ngày càng lớn. Các nhà tư bản áp dụng thành tựu của lao động quá khứ ngày càng nhiều thì những những lao động không công quá khứ này nằm dưới sự điều khiển của lao động. Chúng được tích lũy cùng với quy mô ngày càng tăng của tích lũy tư bản.

Thứ tư là quy mô của tư bản ứng trước. Tư bản ứng trước là tổng của tư bản bất biến và tư bản khả biến, nếu trình độ bóc lột không thay đổi, khối lượng tư bản khả biến sẽ quyết định khối lượng giá trị thặng dư. Tức là, giá trị thặng dư nhiều hay ít sẽ do con số công nhân bị bóc lột cùng một lúc quyết định. Bộ phận tư bản khả biến càng lớn sẽ khiến cho khối lượng giá trị thặng dư bóc lột được càng lớn từ đó nhà tư bản có thể đồng thời có thêm quỹ tiêu dùng cho bản thân và tích lũy để mở rộng quy mô sản xuất. Quy mô của tư bản ứng trước càng lớn sẽ khiến cho tích lũy tư bản càng cao.

Xu thế tích lũy tư bản trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay

Thực trạng tích lũy tư bản ở Việt Nam hiện nay

Trước đây, trong nền kinh tế bao cấp, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn nên quá trình tích lũy còn nhiều trở ngại. Nền kinh tế nhà nước can thiệp quá sâu khiến cho các tổ chức doanh nghiệp không phát huy được khả năng tham gia vào thị trường trong khi đó nguồn viện trợ quốc tế chưa phát huy được khả năng của nó.

Hiện nay, khi nhà nước thực hiện chính sách mở cửa phát triển kinh tế, đời sống nhân dân đã dần được cải thiện, tổng thu nhập quốc dân tăng mạnh và thị trường hàng hóa ngày càng sôi động,….Tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta vẫn còn khá lạc hậu, đây là một trong những nguyên nhan khiến thực trạng tích lũy vốn của nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, quy mô vốn của các doanh nghiệp còn thấp.

Những hạn chế và thách thức

Thực tế đã chỉ ra rằng tiềm năng trong dân còn rất lớn nhưng tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư còn thấp, nhiều hộ gia đình và không ít doanh nghiệp khả năng đầu tư chưa đạt được hiệu quả, nguồn vốn không luân chuyển được từ nơi thừa đến nơi thiếu. Đầu tư của Nhà nước tuy có tăng nhưng còn dài trải và lãng phí, thị trường tiền tệ và thị trường vốn chậm phát triển, lãi suất tín dụng chưa phù hợp với việc đẩy mạnh quá trình tích tụ và tập trung vốn nên còn hạn chế đầu tư phát triển. Các hình thức tích tụ và tập trung chưa hấp dẫn người có vốn và hệ số sử dụng vốn trong nền kinh tế còn thấp. Việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư còn phân tán, không tập trung tối đa tiền mặt cũng như nhân tài vật lực để giải quyết với tốc độ nhanh các công trình mang tính chất xương sống của nền kinh tế. Hệ thống hành chính còn quan liệu, nhiều thủ tục phiền hà. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán phát triển nhanh chóng đã trở thành một kênh huy động vốn thực sự hấp dẫn.

Các nhà quản lý kinh tế cần nghiên cứu để tìm ra các giải pháp tích tụ và tập trung vốn để đạt được hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu về vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa của đất nước.

Vận dụng quy luật tích lũy tư bản trong phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay

Thứ nhất, cần giải quyết đúng đắn quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng: Mối tương quan giữa tích lũy và tiêu dùng trở nên tối ưu khi sử dụng được các tài sản hiện có, thực hiện được mức tích lũy có thể đảm bảo phát triển sản xuất với tốc độ cao và ổn định mà vẫn đảm bảo tăng tiêu dùng và tích lũy không đến mức cao nhất. Tỷ lệ giữa 2 thành phần này không cố định mà thay đổi phụ thuộc vào nhu cầu của nền kinh tế trong từng thời kỳ nhất định và cần không ngừng khuyến khích mọi người dân ra sức tiết kiệm và tích lũy. Vì vậy, tỷ lệ giữa tích lũy và tiêu dùng không đơn thuần là tỷ lệ kinh tế mà còn thể hiện đường lối chính sách của Đảng trong từng thời kỳ nhất định.

Thứ hai, sử dụng các nguồn vốn một cách hiệu quả. Để sử dụng vốn hiệu quả, cần xác định rõ từng đối tượng được cấp vốn từ đó phân bổ một cách hợp lý giữa các ngành để tạo ra hiệu quả. Đối với doanh nghiệp nhà nước, chính phủ không nên cấp vốn toàn bộ mà nên tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp. Yếu tố con người cũng đóng vai trò quan trọng nên cần chú trọng đầu tư cho đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ năng lực và trách nhiệm cao cũng như xem xét lại về mô hình tổ chức quản lý.

Thứ ba, tăng cường tích lũy vốn trong nước và có biện pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tích lũy vốn trong nước là giải pháp hàng đầu để giải quyết các nhu cầu chi của nhà nước về chi thường xuyên, chi cho đầu tư phát triển và cho phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, còn thể tăng cường vốn thông qua việc thu hút vốn nhàn rỗi trong nhân dân và tăng cường các nguồn vốn từ đầu tư nước ngoài.

Trên đây, Luận Văn 99 đã cùng bạn đọc tìm hiểu những vấn đề cơ bản xoay quanh khái niệm tích lũy tư bản là gì, bản chất, động cơ & nhân tố ảnh hưởng đến tích lũy tư bản. Chúng tôi mong rằng với những chia sẻ trên, bạn đọc đã có thêm những kiến thức hữu ích & nguồn tài liệu tham khảo cho việc học tập và thực hiện tiểu luận kinh tế chính trị Mác Lênin.

Từ khóa » Tư Bản Tích Luỹ Là Gì