Tiêm Filler Làm đẹp Khiến Cô Gái Bị Môi Sưng To, Chảy Mủ

Sau 3 ngày tiêm filler ở spa, môi của cô gái 28 tuổi sưng to, chảy mủ,… đã đến điều trị tại chuyên khoa Da liễu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Tiêm filler làm đẹp khiến cô gái bị môi sưng to, chảy mủ

Biến chứng sau 2 ngày tiêm filler

Chị H.H.Q. (28 tuổi, TP.HCM) mong sở hữu đôi môi căng mọng, quyến rũ nên đến một cơ sở thẩm mỹ tiêm chất làm đầy (tiêm filler). Tuy nhiên 2 ngày sau tiêm, môi của chị sưng phù. Đến ngày thứ 3, chị Q. cảm giác đau nhức vùng môi. Chị quay lại cơ sở thẩm mỹ để chích thuốc giải nhưng tình trạng sưng tấy không giảm mà sưng to hơn.

Chị Q. tìm đến khám chuyên khoa Da liễu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng môi bị biến chứng áp xe, sưng to, căng bóng, kèm chảy mủ. Tiếp nhận người bệnh, tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM nhận định người bệnh bị áp xe môi do nhiễm trùng. Nguyên nhân gây nhiễm trùng có thể do không tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn lúc tiêm, sát trùng không đúng cách hoặc chưa được sát khuẩn môi khiến vi khuẩn xâm nhập vào chỗ vết tiêm; cũng có thể do không biết cách chăm sóc sau tiêm (cơ sở thẩm mỹ không dặn dò khách hàng cách chăm sóc sau tiêm).

Nguyên nhân khác có thể do loại chất làm đầy. Chất làm đầy có thể là collagen tổng hợp hoặc collagen từ động vật; khi được tiêm vào cơ thể có thể gây phản ứng dị ứng hoặc kích ứng. Tình trạng áp xe sau khi tiêm chất làm đầy cũng có thể do người tiêm thực hiện sai kỹ thuật, tiêm vào mạch máu gây tắc mạch và nhiễm trùng; việc lựa kim sai kích cỡ (quá to; quá ngắn hoặc quá dài) so với bộ phận tiêm cũng có thể gây nhiễm trùng. Với kỹ thuật tiêm filler cho môi, chỉ cần dùng kim siêu vi đưa lượng chất làm đầy vừa đủ vào biểu bì môi.

Sau khi khám, bác sĩ Bích nhận định tình trạng chảy mủ ở người bệnh vẫn đang diễn ra nên chưa thực hiện kỹ thuật rạch lấy mủ mà ưu tiên xử lý tình trạng nhiễm trùng. Đồng thời, người bệnh được uống thuốc kháng sinh liều cao trong khoảng 1 tuần để tiêu viêm. Trường hợp mủ không tiêu, bác sĩ phải dùng đến biện pháp hút mủ, thậm chí rạch ổ áp xe để mủ thoát ra. Tuy nhiên, việc làm này cần thực hiện kỹ càng, đúng kỹ thuật bao gồm: Gây tê xung quanh khu vực áp xe, bôi thuốc sát khuẩn, đặt khăn vô trùng xung quanh vùng cần phẫu thuật, cầm máu,… Có vậy tình trạng vi khuẩn mới không lây lan theo đường máu và gây viêm những bộ phận khác. Hệ quả của việc rạch ổ áp xe có thể để lại sẹo nhưng chỉ là một đường nhỏ, khó nhận ra.

bác sĩ khám bệnh nhân tiêm filler bị biến chứng
Người bệnh đến khám tại khoa Da liễu trong tình trạng môi sưng to, căng bóng.

Sau 1 tuần điều trị, người bệnh đã không còn đau nhức, môi đã bình thường trở lại nên không phải rạch ổ áp xe hút mủ. Theo bác sĩ Bích, chị Q. may mắn khi đi khám kịp thời nên mủ vẫn còn khu trú tại chỗ, chưa có nguy cơ vỡ. Nếu mủ vỡ ra sẽ gây khó khăn cho điều trị, vết thương cũng lâu lành, nguy cơ cao sẽ để lại sẹo xấu, gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến cuộc sống. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể đối diện với biến chứng khác dù có thể đã hút được mủ, đó là tình trạng mô xơ. Khi mô xơ hình thành tạo thành một cục u, gây mất thẩm mỹ trên môi, lúc đó cần phải mổ để lấy mô xơ. Nặng hơn, vi khuẩn có thể theo đường máu trong xoang hàm mặt, xoang sàn sọ để thâm nhập vào não hoặc gây viêm não và nguy hiểm đến tính mạng khi ổ nhiễm trùng ở vùng mặt không được xử lý đúng cách.

Đi khám kiểm tra sau khi thẩm mỹ làm đầy

Tiêm filler môi (hay còn gọi là tiêm môi HA collagen) là kỹ thuật sử dụng chất làm đầy tạo hình dáng môi trái tim, môi cười, môi tròn,… hoặc môi căng mọng mà không cần phẫu thuật. Ngoài tiêm môi, xu hướng làm đẹp hiện nay còn tiêm filler cho má, tai, chân, ngực,… phục vụ nhu cầu khắc phục những khiếm khuyết trên gương mặt hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, để tránh những biến chứng không may xảy ra như tình trạng nhiễm trùng, áp xe,… người bệnh nên chọn những cơ sở có đội ngũ kỹ thuật viên thực hiện được đào tạo, chọn loại filler đảm bảo chất lượng.

Bởi ở các cơ sở uy tín, trước khi tiêm filler, kỹ thuật viên luôn tuân thủ đầy đủ các bước vô trùng, môi phải được sát khuẩn bằng dung dịch chuyên dụng, sử dụng lượng chất làm đầy phù hợp và thực hiện đúng kỹ thuật. Nếu chích trong cơ mà dùng kim quá ngắn sẽ không tới cơ mà chỉ nằm dưới da hoặc chích dưới da mà dùng kim tiêm quá dài tới tận phần cơ thì cũng có thể gây áp xe. Ngoài ra, trước khi tiêm, bác sĩ/kỹ thuật viên cùng cần phải hỏi các thông tin về dị ứng của khách hàng và quyết định có nên tiêm loại chất làm đầy đó hay không.

Theo bác sĩ Bích, áp xe là một phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn hay vi trùng hoặc các vật lạ (collagen tổng hợp, collagen động vật,…). Khi ấy hệ miễn dịch sẽ được kích hoạt để loại bỏ chúng bằng cách huy động bạch cầu trong cơ thể đến nơi bị nhiễm trùng. Nơi “tập kết” đó chính là ổ áp xe, một túi chứa đầy dịch mủ. Thành phần có trong dịch mủ chính là hỗn hợp gồm các tế bào bạch cầu, xác vi trùng và mảnh tế bào chết hợp lại.

Với những trường hợp gặp tác dụng phụ, biến chứng do làm đẹp, hoặc sau khi thực hiện tiêm chất làm đầy dù chưa gặp sự cố, người bệnh nên đến kiểm tra tại các cơ sở khám bệnh uy tín. Ngoài máy móc hiện đại, đảm bảo chất lượng thì còn có sự tham gia của các bác sĩ da liễu để đánh giá nguy cơ, mức độ ảnh hưởng đến các mô, hay các tổ chức xung quanh thông qua việc thăm khám, siêu âm,… để đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám và điều trị với bác sĩ Da Liễu thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể lựa chọn các cách sau đây:

  • Liên hệ tổng đài 0287 102 6789 (TP HCM) hoặc 024 3872 3872 (Hà Nội) để đăng ký lịch khám riêng với chuyên gia.
  • Đăng ký hẹn khám tại đường link: https://tamanhhospital.vn/danh-cho-khach-hang/dat-lich-kham/
  • Gửi tin nhắn trên Fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
  • Nhắn tin qua Zalo OA của BVĐK Tâm Anh.

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Từ khóa » Tiêm Căng Bóng Da Bị Sưng