Tiễn Biệt Trung Tướng Lê Nam Phong - Quân Khu 4

Logo Logo

Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Đại đội trưởng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975; nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1; nguyên Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 4; nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 (SQLQ2), đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 26-3-2022 tại TP.Hồ Chí Minh; thượng thượng thọ 96 tuổi.

Tiễn biệt Trung tướng Lê Nam Phong

Ông ra đi thanh thản, nhẹ nhàng như ngọn gió lướt về trời, để lại tình cảm yêu thương, kính trọng và lòng tiếc thương vô hạn đối với gia đình, người thân, các thế hệ học trò, đồng chí đồng đội và nhân dân…

Ngay khi ông trút hơi thở cuối cùng, một số cán bộ Trường Sĩ quan Lục quân (SQLQ2) đã gọi điện thoại cho chúng tôi, nghẹn ngào thông báo tin buồn. Trung tướng Lê Nam Phong bị bệnh do tuổi cao, sức yếu đã mấy năm nay. Gia đình, người thân, đồng đội… đã biết trước sự ra đi của ông nên đã chuẩn bị chu đáo mọi thứ. Sáng 26-3, khi sức khỏe của ông rất yếu, được phép của các bác sĩ, gia đình đã đưa ông từ bệnh viện về nhà riêng ở thành phố Thủ Đức. Tại đây, đông đảo người thân, học trò, đại diện các thế hệ đồng chí đồng đội đã quây quần bên ông. Cảm nhận được tình cảm ấm áp, sum vầy xung quanh mình, đôi mắt ông ánh lên nhìn mọi người lần cuối rồi từ từ khép lại cùng hơi thở cuối cùng. Thời khắc đó là 11 giờ 17 phút ngày 26-3-2022.

Ảnh trên: Trung tướng Lê Nam Phong (thứ 2, phải sang, hàng đầu) trong một cuộc họp mặt truyền thống Hội Cựu chiến binh TP.Hồ Chí Minh. Ảnh dưới bên trái: Trung tướng Lê Nam Phong tham dự buổi giao lưu, ra mắt tác phẩm thơ, nhạc viết về ông cuối tháng 9-2019. Đây là lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng. Sau đó ông lâm bệnh nặng, sức khỏe yếu dần đến lúc từ trần. Ảnh dưới bên phải: Trung tướng Lê Nam Phong trò chuyện thân mật với các đại biểu trong một sự kiện.

Ông ra đi, khép lại 96 trang đời với đầy đủ các cung bậc của sự gian khổ, hy sinh, oanh liệt, hào hùng, nhân nghĩa… trong đó phần lớn cuộc đời binh nghiệp là những năm tháng lăn lộn trên các chiến trường khốc liệt, xa nhà biền biệt. Ông thường tâm sự với chúng tôi, cuộc đời ông là cuộc đời chiến trận, rất nhiều lần đi giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, nhưng may mắn hơn nhiều đồng chí của mình, khi đất nước im tiếng súng, ông được trở về nguyên vẹn.

Đây chính là lý do mà sau này, nhiều đồng đội, chiến sĩ thuộc quyền và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã từng in dấu ấn của ông, tha thiết muốn làm hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho ông, nhưng ông nhẹ nhàng khước từ. “Mình được sống để trở về đã là phần thưởng vô giá rồi. Các danh hiệu tôn vinh xin để cho anh em đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần thân thể, góp phần an ủi, động viên vợ con, gia đình” – ông nói.

Ảnh trái: Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm TCCT (nay là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) tặng hoa chúc mừng Trung tướng Lê Nam Phong nhân dịp ông nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ảnh phải: Khoảng khắc đời thường của vị tướng trung nghĩa.

Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng quân đội, Trung tướng Lê Nam Phong là tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, ý chí chiến đấu, đạo đức cách mạng, sự khiêm nhường và đức hy sinh. Vì lẽ đó, ông luôn được mọi người kính trọng, yêu mến!

Trung tướng Lê Nam Phong tên thật là Lê Hoàng Thống, sinh năm 1927 tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình bần nông. Ông tham gia cách mạng tiền khởi nghĩa, khởi đầu là làm liên lạc cho Việt Minh ở quê nhà. Với sự thông minh, nhanh nhẹn, tỏ rõ bản lĩnh trước khó khăn, thử thách, người thanh niên Lê Hoàng Thống được tín nhiệm tham gia Đội bảo vệ bí mật, đảm bảo an toàn cho cán bộ nằm vùng của Đảng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong khi tham dự tuyển quân, ông đã lén bỏ đá vào túi quần nhằm tăng trọng lượng cơ thể để được trúng tuyển, tham gia bộ đội chủ lực.

Tiễn biệt Trung tướng Lê Nam Phong
Trung tướng Lê Nam Phong được đồng đội dìu đến viếng thủ trưởng - Đại tướng Lê Đức Anh tại Lễ tang Đại tướng.

Có lần chúng tôi hỏi ông về cái tên Lê Nam Phong, ông nói: “Khi đã chính thức được đứng trong hàng ngũ Bộ đội Cụ Hồ, cũng như nhiều thanh niên tham gia cách mạng lúc bấy giờ, tôi nghĩ phải có một cái tên mới để khẳng định sự trưởng thành của bản thân. Ban đầu, do rất nể phục đồng chí Lê Hồng Phong nên tôi lấy tên của đồng chí đặt cho mình, nhưng thủ trưởng cấp trên bảo không nên. Tôi bèn sửa lại là Lê Nam Phong, với ý ví mình như một ngọn gió Nam (gió Lào), một thứ “đặc sản” của vùng quê xứ Nghệ”.

Tiễn biệt Trung tướng Lê Nam Phong

Tiễn biệt Trung tướng Lê Nam Phong
Đồng chí Lê Nam Phong năm 1973.

Nói đến Trung tướng Lê Nam Phong là nói đến một vị tướng đặc biệt, với nhiều biệt danh đặc biệt, thể hiện phong cách, bản lĩnh, tài chỉ huy của ông trong chiến đấu và những dấu ấn sâu sắc trong cuộc sống đời thường. Ông là người chỉ huy đã kinh qua những chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Pháp, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ; kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam; cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia… và trước khi nghỉ hưu là một nhà giáo, người thầy của nhiều thế hệ cán bộ trưởng thành từ mái trường SQLQ2. Mỗi giai đoạn lịch sử, trên cương vị người chỉ huy đơn vị, ông đều có công lao to lớn, để lại dấu ấn sâu sắc. Phong cách chỉ huy và kết quả của nhiều trận chiến đấu của các đơn vị dưới quyền chỉ huy của ông trên các chiến trường đã được đúc kết thành giáo khoa quân sự, góp phần phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho biệt danh “Đại đội trưởng đầu trọc”. Cách gọi vui của đồng chí Tổng tư lệnh xuất phát từ việc Đại đội trưởng Lê Nam Phong đã cho chiến sĩ của mình cạo trọc đầu để tiện chiến đấu. Vì phải trải qua “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”, thiếu nước tắm giặt nên bộ đội ta bị ghẻ lở, sốt rét. Sáng kiến thể hiện quyết tâm, ý chí bám trận địa chiến đấu đến cùng của người Đại đội trưởng đã góp phần kích thích, thôi thúc ý chí chiến đấu, nâng cao bản lĩnh, niềm tin chiến thắng cho bộ đội, góp phần quan trọng vào chiến thắng của cả chiến dịch.

Tiễn biệt Trung tướng Lê Nam Phong
Ảnh trái: Đại úy Lê Nam Phong năm 1958. Ảnh phải: Thiếu tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 trao Quân kỳ quyết thắng cho Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 Lê Nam Phong trước khi mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị là người chỉ huy cấp sư đoàn, ông được đồng đội kính nể gọi là "Năm lửa" vì đôi lúc tính ông nóng như lửa...; “ông Năm hỏa lực” bởi tài phán đoán tình huống chiến trường và khả năng chỉ huy các lực lượng phối thuộc, nhất là việc sử dụng sức mạnh hỏa lực phá hủy sức kháng cự của địch. Khi về với dân làm công tác dân vận, ông được người dân miền Đông Nam Bộ yêu quý gọi là “ông Năm bình toong”, bởi sự dân dã, gần gũi, phong cách hào sảng. Một trong những thứ ông hay được dân tặng, đó là những bình toong (bi đông) rượu. Cũng trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, Lê Nam Phong được mệnh danh là “Hùm xám Đông Nam Bộ” bởi những trận đánh dành thắng lợi vang dội. Ông trở thành một “Hùm xám”, bất khả chiến bại trong mắt địch.

Khi đã trở về cuộc sống đời thường, nhiều lần chúng tôi hỏi ông về những biệt danh trong đời chiến trận, ông cười vang, tếu táo bằng giọng xứ Nghệ đặc trưng: “Ai muốn gọi tau cấy chi thì gọi, đừng chưởi (chửi) tau là được”!

Tiễn biệt Trung tướng Lê Nam Phong
Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong tại lễ duyệt binh mừng chiến thắng, diễn ra ngày 15-5-1975.

Tiễn biệt Trung tướng Lê Nam Phong

Trong đời binh nghiệp của mình, tôi may mắn và hạnh phúc có quãng thời gian được làm học trò của ông. Tháng 8-1996, tôi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị - Quân sự, vào nhận công tác tại Trường SQLQ2. Một sĩ quan trẻ “tò te” như tôi, đâu dám mơ vừa chân ướt chân ráo về trường nhận công tác lại được thầy Hiệu trưởng ở bậc cha chú của mình quan tâm. Thế mà ngay ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, chúng tôi đã được ông động viên, tiếp sức bằng thái độ rất chân tình, gần gũi. Điều đó giúp tôi tự tin hơn trong công tác và đặc biệt là có tình yêu với mái trường ngay từ “cái thuở ban đầu”…

Bà Võ Thị Hồng Mai, phu nhân của Trung tướng Lê Nam Phong kể rằng, cuối thập niên tám mươi, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có ý định điều ông ra làm Phó tổng Tham mưu trưởng và có hỏi ý kiến của bà. “Tôi đòi ông nhà tôi cho đi cùng đến gặp bác Lê Đức Anh khi bác vào TP.Hồ Chí Minh công tác. Tôi nói với bác, nhà em đi chiến đấu xa nhà biền biệt mấy chục năm trời, nay hòa bình rồi, bác trả nhà em cho em. Có chỗ nào gần thì bác bố trí giúp chứ em không muốn xa chồng nữa. Thế là ông về làm Hiệu trưởng Trường SQLQ2”.

Tiễn biệt Trung tướng Lê Nam Phong
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Lê Nam Phong tại Trường SQLQ2 năm 1997.

Cái duyên đưa ông trở thành một nhà giáo trong môi trường sư phạm quân sự đơn giản như thế. Tiếp quản hệ thống cơ sở vật chất từ đống ngổn ngang của địch, ông đã bắt tay lãnh đạo, tổ chức xây dựng nhà trường từ không đến có, từ nhỏ đến lớn. Mô hình “Làng quân nhân kiểu mẫu” do ông sáng lập ở Trường SQLQ2 mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần giải quyết hài hòa chính sách hậu phương quân đội, chăm lo cho cán bộ, giáo viên có điều kiện an cư, lạc nghiệp, an tâm gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo.

Tiễn biệt Trung tướng Lê Nam Phong
Trung tướng Lê Nam Phong và phu nhân – bà Võ Thị Hồng Mai. Tình yêu của hai ông bà chớm nở sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Lê Nam Phong được thưởng phép về quê.

Cũng chính ông là người khởi xướng, đặt nền móng cho mối quan hệ kết nghĩa giữa Trường SQLQ2 với Ban Đại diện phía Nam (nay là Ban Đại diện tại TP.Hồ Chí Minh) Báo Quân đội nhân dân trong suốt gần 30 năm nay. Các thế hệ cán bộ, phóng viên của báo ở phía Nam coi ông như người cha, người chú trong gia đình.

Từ những nếp nhà sơ khai bên những con đường đất ngày ấy, “Làng quân nhân văn hóa SQLQ2” đã phát triển thành mô hình khu dân cư văn hóa kiểu mẫu. Con em đến nay đã phát triển đến thế hệ thứ ba, thứ tư, nhưng tất thảy các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường đều yêu kính gọi ông là “Bố Phong”. Đó cũng là một biệt danh đặc biệt mà mỗi khi ở bên ông, chúng tôi cất tiếng gọi, cảm thấy lòng mình ấm áp bởi sự che chở, bao dung. Với chúng tôi, ông là người thầy mẫu mực, người cha ân nghĩa, giàu tình thương yêu. Những năm tháng khó khăn, xa xôi, cách trở, biết bao đôi lứa nên duyên dưới mái trường này đều do ông thay mặt đấng sinh thành chăm lo, tác hợp. Chúng tôi gọi ông bằng Bố cũng là vì lẽ đó!

Tiễn biệt Trung tướng Lê Nam Phong
Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chụp ảnh với các đồng chí trong Ban Giám hiệu Trường SQLQ2 trong chuyến thăm trường năm 1993.

Trường SQLQ2 có được diện mạo, vị thế như ngày hôm nay, không ai quên đôi bàn chân thầy Hiệu trưởng trong đôi dép rọ phăm phăm đến từng thửa đất, gốc cây, bức tường nhà…, ngày đêm cùng cán bộ, chiến sĩ chăm chút từng việc làm gây dựng cơ đồ từ trong gian khó.

Giờ thì ông đã hóa ngọn gió Nam thật rồi. Trên cõi cao xanh miền cực lạc, ngọn gió ấy sẽ thổi mãi, vẫn thổi mãi, ngân vang bản hùng ca cuộc đời của vị tướng lừng danh…

Nguồn: B.Q.Đ

Bạn đọc phản hồi (0) Nội dung * Gửi bài đánh giá Gửi bài đánh giá

Từ khóa » Tiểu Sử Lê Nam Phong