Trung Tướng Lê Nam Phong: Chiến Cuộc Và đời Thường
Có thể bạn quan tâm
Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Đại đội trưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, nguyên Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 719 - Bộ Quốc phòng, nguyên Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân 2 đã trút hơi thở cuối cùng trưa ngày 26/3/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh hưởng thọ 95 tuổi. VNQĐ xin giới thiệu bài viết về ông của Đại tá Phạm Xuân Trường - Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.
Tôi có may mắn được gặp và trò truyện nhiều lần cùng Trung tướng Lê Nam Phong. Dù tuổi cao nhưng khi gặp lúc nào ông cũng tỏ ra minh mẫn, sáng suốt. Đặc biệt, chất giọng và đôi mắt rực lửa của vị tướng vẫn uy nghiêm như xưa. Những kí ức về chiến tranh và những đồng đội vẫn đầy ắp trong ông trong mỗi lần gặp dù phút chốc hay thư thả thời gian. Ông cắt nghĩa nhiều điều về chiến tranh, nhất là trận Điện Biên Phủ, rất tường tận và hấp dẫn.
Trung tướng Lê Nam Phong.*
Tôi biết Trung tướng Lê Nam Phong khi ông là hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, nay là Trường Đại học Nguyễn Huệ. Lúc ấy, thỉnh thoảng ông lại xuống đơn vị cơ sở cấp tiểu đoàn của chúng tôi trò chuyện với học viên đào tạo sĩ quan. Đặc biệt, những khi đơn vị tổ chức kể chuyện chiến đấu, bao giờ ông cũng dự và phát biểu cuối cùng. Chúng tôi thật sự thích thú khi được nghe ông kể chuyện về các trận đánh cụ thể. Ông diễn đạt nôm na, cắt nghĩa về chiến thuật, kĩ thuật khá hay. Có thể nói rằng nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ càng ngày càng ít, những người còn lại thì sức khỏe cũng yếu dần do tuổi tác, độ minh mẫn kém đi. Trung tướng Lê Nam Phong là người trực tiếp chỉ huy các trận đánh với cương vị là “Đại đội trưởng đầu trọc”, nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, thậm chí với độ lùi của thời gian, cách nhìn của ông lại càng khách quan và trải nghiệm hơn. Tôi nhớ rõ buổi tối hôm đó, tại bãi sân rất rộng, cả tiểu đoàn chúng tôi tập trung nghe kể chuyện chiến đấu. Đây là một nội dung quan trọng trong quá trình truyền thụ tri thức, kinh nghiệm cho học viên đào tạo sĩ quan. Tại buổi kể chuyện hôm đó, một cán bộ cao cấp có học hàm, học vị đã trình bày về diễn biến của trận Điện Biên Phủ. Ông này đã nói “thao thao bất tuyệt”, trong đó có một chi tiết là quân ta tổ chức văn công biểu diễn cho bộ đội xem ngay trên chiến trường. Nghe đến đấy tôi thấy mặt Trung tướng Lê Nam Phong đỏ lên, mắt giật giật. Khi kết luận buổi nói chuyện, ông khẳng định: “Ở Điện Biên Phủ, chiến trường dữ dội làm gì có văn công biểu diễn!”. Chiến trường đó, mưa, bụi, tiếng nổ đạn pháo, người chết… ác liệt dữ dội… làm sao mà văn công biểu diễn được. Văn công chỉ biểu diễn ở sau khu vực tập kết. Điều đó tôi ngẫm lại mới thấy đúng. Thực tiễn quan trọng lắm, chỉ có qua chiến đấu như ông thì mới hiểu sâu sắc về sự ác liệt của chiến tranh. Đại đội 225 do ông phụ trách thuộc Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, còn mang tên “Đại đội đầu trọc”. Ông kể, đơn vị ông khi đó liên tục được bổ sung quân số, súng đạn, trang bị mà vẫn thiếu, nhiều chiến sĩ mới ông chưa kịp nhớ tên đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất này.
ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG ĐẦU TRỌC
Một hôm chúng tôi có mặt tại sân Tiểu đoàn 9, đơn vị sinh hoạt kể chuyện chiến đấu. Ông phân tích nguyên nhân vì sao mình phải cạo trọc đầu. Tại sao lại có tên đại đội đầu trọc và đại đội trưởng đầu trọc. Chúng tôi, những học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy binh chủng hợp thành chưa hề biết về chiến tranh, mới vỡ ra nhiều điều.
Ông đủng đỉnh nói:
- Điện Biên Phủ rất hiếm nước, mưa mới có nước. Vì thiếu nước, sinh hoạt của bộ đội càng trở nên khó khăn. Cực khổ, thiếu thốn thì không sao tả xiết. Suốt ngày dầm mưa để đào hào, đánh lấn. Nhìn anh em bùn đất từ đầu đến chân, ông nảy ra sáng kiến cạo trọc đầu, vừa thể hiện quyết tâm chiến đấu vừa cho mát, cho tiện và lúc đánh giáp lá cà không bị bọn lính Pháp cao hơn túm tóc. Sáng kiến này được cả đại đội đồng tình. Thế là người nọ cắt tóc, cạo đầu cho người kia, chả mấy chốc cả đơn vị đầu trọc lóc. Từ đó, đại đội 225 có cái tên “Đại đội đầu trọc” và ông mang biệt danh “Đại đội trưởng đầu trọc”. Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại vẫn gọi ông với biệt danh thân mật đó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Lê Nam Phong năm 1997. Ảnh: TLMột trong những trận đánh đáng nhớ với Trung tướng Lê Nam Phong đó là trận tấn công cao điểm 311A. Để cắt sân bay Mường Thanh phải diệt đồn 311A (điểm cao 311A) ở phía tây. Điểm cao này có hào sâu và dây thép gai chằng chịt bao quanh. Trong cuộc họp bàn với cán bộ chỉ huy Đại đoàn 308, Trung đoàn 88 và Đại đội 225, mà ông được dự, để chuẩn bị cho cuộc tiến công điểm cao 311A, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp ý phải đào hầm ngầm dưới đất (còn gọi là hầm dũi) để tiến sát đồn địch. Đại tướng nhấn mạnh: nếu bộ đội chạy trên bãi trống thì thương vong sẽ rất lớn. Ông đã thấy đó là một sáng kiến lớn và tự nguyện chấp hành. Bộ đội khẩn trương đào hào đến gần điểm cao 311A. Ngay sau khi tới sát 311A ông cho bộ đội đưa bộc phá lên đánh. Bộc phá vừa nổ, toàn thể đơn vị xung phong từ hầm, không chạy trên mặt đất.
Sau chiến thắng Him Lam, đêm 14 rạng sáng 15/3/1954, Trung đoàn 88 vinh dự nhận nhiệm vụ đánh trận đầu tiên của Đại đoàn 308 nhằm tiêu diệt cụm cứ điểm Độc Lập, với sự phối hợp của Trung đoàn 165 - Đại đoàn 312, dưới sự chi viện hỏa lực của hai đại đội pháo 105 li thuộc Đại đoàn 351. Đồi Độc Lập dài 700m, rộng 150m ở phía bắc, cách trung tâm Mường Thanh 4km, có hệ thống lô cốt và chiến hào vững chắc, hàng rào dây thép gai bao bọc trên 100m, do Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 7 bộ binh địch ở Mường Thanh - Hồng Cúm chi viện mạnh. Có thể xem đây là cánh cửa thép phía bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
15 giờ ngày 14 tháng 3 năm 1954, ta đã hoàn tất việc đào hào để tiến quân, điểm gần nhất chỉ cách địch 150m. Tiểu đoàn 29 được giao nhiệm vụ làm mũi đột kích chủ yếu của Trung đoàn 88, có Tiểu đoàn 322 làm đội dự bị. Nhớ về trận đánh này, Trung tướng Lê Nam Phong hồi tưởng:
- Đại đội Tô Văn là mũi nhọn của Tiểu đoàn 29. Đại đội 225 là đội xung kích do tôi chỉ huy. Bộc phá của Tiểu đoàn 322 đánh hướng thứ yếu. 17 giờ, lựu pháo 105 li của ta bắn vào khu đồi Độc Lập, lập tức địch ở Mường Thanh bắn trả lại. Sự việc này tiếp diễn đến nửa đêm và lựu pháo của ta phải bắn kéo dài để chờ sơn pháo 75 li và cối 120 li đến. Do vậy, bộ đội ta phải chịu đựng nhiều đợt pháo 105 li và 155 li của địch dội xuống trận địa trong nhiều giờ liền. Trời mưa như trút nước, hào giao thông ngập nước, bùn quánh lại, di chuyển rất khó khăn. Sau khi sơn pháo 75 li và cối 120 li chiếm lĩnh xong trận địa, 3 giờ 15 phút sáng 15 tháng 3, lệnh của chỉ huy trưởng truyền xuống: Chuẩn bị! Lựu pháo sẽ bắn dồn dập thêm một loạt nữa. Hỏa lực các đơn vị phải phối hợp. Sau 15 phút, xung kích tranh thủ “mở cửa”. Đúng 3 giờ 30 phút, nổ súng!
Và đúng 3 giờ 30 phút, từ phía đông pháo 105 li đã gầm lên, trút bão lửa xuống đồi Độc Lập. Ở tuyến hỏa lực bắn trực tiếp, cách đồn địch 100m, 10 khẩu đội bazoka đồng loạt phóng đạn lõm vào các hỏa điểm, 9 khẩu DKZ cùng 6 khẩu đại liên Maxim cùng bắn thẳng vào cứ điểm…
Ông nhớ lại:
- Đúng lúc tôi đang kiểm tra lại vị trí xuất phát xung phong và động viên chiến sĩ chuẩn bị tinh thần cho một trận đánh mang tính quyết định mở màn chiến dịch thì trung đoàn trưởng điện xuống hỏi: “Đại đội đã sẵn sàng chưa?”. Tôi trả lời: “Tất cả đã sẵn sàng xuất kích”. Tôi vừa nói xong thì pháo binh ta dội lửa xuống đồn giặc. Trời đất rung chuyển. Cứ điểm địch trên đồi Độc Lập mù mịt khói lửa. Tôi dẫn đầu đại đội xông lên, sau khi Đại đội 211 nổ bộc phá dọn đường qua bãi mìn và kẽm gai, đánh cùng với đơn vị đồng chí Nguyễn Ngọc Doãn, Trung đoàn 165 - Đại đoàn 312. Quân địch dựa vào lô cốt chống trả quyết liệt. Đại đội chủ công của Trung đoàn 165 đang quần nhau quyết liệt với chúng. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 165 đánh tiêu diệt sở chỉ huy và tiểu đoàn Âu - Phi. Đến 6 giờ 30 phút ngày 15 tháng 3 năm 1954, Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Độc Lập. Đại đội trưởng đại đội 213 Nguyễn Phạm dùng súng ngắn tiêu diệt giặc. Sau khi diệt được 3 tên địch, anh bị thương nặng và đã trút hơi thở cuối cùng ngay tại chiến trường khói lửa.
Thời điểm 60 năm sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đội 225 - Tiểu đoàn 322 của Trung đoàn 88 anh hùng chỉ còn lại 4 người: Lê Nam Phong, đại đội trưởng; Phạm Đức, liên lạc; Trần Tường, chiến sĩ; Trần Nam, chiến sĩ.
SƯ ĐOÀN TRƯỞNG SƯ ĐOÀN 7 ANH HÙNG
Trong chiến tranh chống Mĩ, Trung tướng Lê Nam Phong cũng trải qua nhiều trận đánh đáng nhớ khi ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7. Trước khi đánh Xuân Lộc, Sư đoàn 7 nhanh chóng chuyển sang hướng đông, chuẩn bị tấn công hệ thống phòng ngự Xuân Lộc. Trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại:
Ngày 5 tháng 3 năm 1975 đồng chí Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Quân giải phóng B2 trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 (tại căn cứ Đồng Xoài) khẩn trương mở mặt trận mới ở đông bắc Sài Gòn: Đánh chiếm Định Quán, giải phóng đường 20 và tỉnh Lâm Đồng. Đồng chí Lê Đức Anh giao nhiệm vụ cho Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 khẩn trương đánh chiếm Xuân Lộc, mở cửa vào Sài Gòn. Tuy nhiên, chi khu Định Quán là một cứ điểm kiên cố trên tuyến phòng thủ đông bắc Sài Gòn. Địa hình ở đây đặc biệt có lợi cho việc phòng thủ của địch. Hơn nữa chúng vừa được tăng thêm lực lượng. Để chuẩn bị đánh Định Quán, chúng tôi dùng các căn cứ cũ của địch ở cầu Nha Bích, cấu trúc lại gần giống cách bố phòng của địch ở chi khu Định Quán để huấn luyện đơn vị, đồng thời tổ chức thao diễn trên sa bàn lần cuối ở Vĩnh An.
Trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại: Đêm 16 rạng 17 tháng 3 năm 1975, tôi ra lệnh nổ súng tiến công. Đối với tôi và cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 7 nói chung, các đồng chí trong Bộ tư lệnh Sư đoàn nói riêng, trận Định Quán là một trận đánh nhớ đời. Trong ba yếu tố: “Thiên thời - địa lợi - nhân hòa” thì ta thiếu mất yếu tố “địa lợi” - địch chiếm mất địa lợi. Đánh ngày thứ nhất, đơn vị hết đạn bắn thẳng. Đại đội 7 bị lạc. Tại cao điểm 124, một điểm cao hết sức lợi hại, địch tử thủ, ta không đủ sức tiêu diệt. Tư lệnh Hoàng Cầm điện hỏi và đốc thúc liên tục.
Tư lệnh Hoàng Cầm vặn qua điện thoại:
- Sao Phước Long khó vậy mà anh đánh được? - Nói đến đó Tư lệnh Hoàng Cầm chỉ thị - Phải giải quyết cho được điểm cao 124.
Tôi nói:
- Định Quán khác Phước Long ở chỗ gộp đá rải khắp, có chỗ cụm lại thành thế trận liên hoàn. Anh có làm sư trưởng cũng chịu, xe tăng không lên được.
Tư lệnh Hoàng Cầm không chịu. Ông vặn lại:
- Xe tăng sao bò qua gộp đá được?
Tư lệnh Hoàng Cầm nói:
- Không dùng xe tăng nữa, dùng xung lực tiềm nhập.
Tôi tiếp tục báo cáo:
- Anh quên rồi sao, xe tăng ngoài tính năng đột phá còn có tính năng hù dọa.
Nghe tôi nói vậy, Tư lệnh Hoàng Cầm đồng ý cấp thêm đạn và cho thời gian chuẩn bị.
Sau cuộc gọi của Tư lệnh Hoàng Cầm, chúng tôi thực sự cầu thị và trao đổi rút ra cách đánh phù hợp, dùng phương pháp dương đông kích tây và tổ chức thật tốt đơn vị mật tập để giải quyết cao điểm 124. Chúng tôi thực hiện phương án trên đồng thời cho một đại đội xe tăng đồng loạt gầm rú. Địch trên điểm cao 124 mất tinh thần, bị ta tiêu diệt, một số tháo chạy. Toàn bộ thế trận của quân ngụy ở Định Quán bị vỡ.
Tiếp đó là trận tấn công hệ thống phòng ngự Xuân Lộc. Trung tướng Lê Nam Phong nói rằng, trận Xuân Lộc là cuộc đọ sức, đối mặt với kẻ thù hung hãn do đế quốc Mĩ nuôi dưỡng, ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Cứ điểm Xuân Lộc được trang bị đầy đủ và được chi viện hỏa lực tối đa, địch dùng đến cả vũ khí hủy diệt nguy hiểm nhất. Đó là một cuộc quyết chiến sống mái của Sư đoàn 7 với kẻ thù. Đây cũng là một nhiệm vụ đòi hỏi mỗi người lính phải có trách nhiệm cao trước giờ giải phóng hoàn toàn miền Nam. Mất Tây Nguyên, chính quyền Sài Gòn xác định thị xã Xuân Lộc là điểm chốt quan trọng của tuyến phòng thủ mới, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh mà địch đã bày binh bố trận. Xuân Lộc là điểm trọng tâm để ngăn chặn quân ta, là điểm phòng thủ mạnh của địch ở cửa ngõ đông bắc Sài Gòn. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu cũng cho rằng: “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.
Bộ chỉ huy Quân đoàn 4 giao cho Sư đoàn 7 do ông là Sư đoàn trưởng nhiệm vụ tiến công ở hướng chủ yếu, đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 18 của địch. Sư đoàn 341 đảm nhiệm hướng quan trọng, đánh chiếm dinh tỉnh trưởng. Sư đoàn 6 ngăn chặn địch từ ngã ba Dầu Giây đến đèo Mẹ Bồng Con.
Tại Sở chỉ huy Quân đoàn ở bờ đông cầu La Ngà đã diễn ra cuộc họp bàn về phương án đánh Xuân Lộc. Tất cả đều xác định căn cứ này rất vững chắc vì nó là cánh cửa thép của “thủ đô”. Những căn cứ địch và lực lượng hỏa lực chi viện cho Xuân Lộc đều được nêu ra. Tuy nhiên, bàn về cách đánh thì lại có những ý kiến khác nhau. Trong thế thắng như chẻ tre từ sau khi địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, vỡ luôn các tuyến miền Trung, nhiều ý kiến nghiêng về hướng dùng sức mạnh giải phóng Xuân Lộc.
Trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại: 5 giờ 40 phút ngày 9 tháng 4 năm 1975, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc. Các cụm pháo của quân đoàn, sư đoàn đồng loạt khai hỏa. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã mau chóng chiếm được 2/3 thị xã, đưa được 3 tiểu đoàn vào chốt trong thị xã, riêng hướng Sư đoàn 7 không đột phá được, lực lượng bị tiêu hao. Bộ Tư lệnh vẫn quyết định tiếp tục tấn công. Sư đoàn 7 đưa lực lượng dự bị là Trung đoàn 141 và 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 165 tiến đánh căn cứ của sư đoàn 18 ngụy.
Quân ta bị chiến đoàn 52 và trung đoàn thiết giáp 5 của địch phản kích quyết liệt, do đó không mở được cửa đột phá. Các đơn vị bạn vẫn tiếp tục tiến công đánh địch phản kích nhằm giữ các mục tiêu đã chiếm được.
Có thể nói, ngày 11/4/1975, chiến sự tiếp tục giằng co ác liệt. Qua 3 ngày chiến đấu, ta tuy đã chiếm được một số mục tiêu, tiêu diệt được một phần sinh lực địch và giữ được một số bàn đạp quan trọng nhưng Sư đoàn 7 bị thương vong nhiều.
Chiến sự Xuân Lộc diễn biến phức tạp! Mặc dù địch bị rối loạn, đổ vỡ, nhưng do Xuân Lộc là một vị trí then chốt sống còn của quân địch, có tổ chức phòng ngự kiên cố, đã được chuẩn bị kĩ, được tăng cường nên địch gây cho ta nhiều tổn thất và tạm thời ngăn chặn được sức tiến công của quân ta. Trước tình hình khó khăn đó, chúng ta đã phải nhanh chóng thay đổi cách đánh. Từ nhận định và kết luận “Xuân Lộc là điểm phòng ngự mạnh chỉ khi nó được nối liền với Biên Hòa”, ta đã ngừng tiến công các mục tiêu và vị trí trong thị xã, chuyển sang đánh đường số 1 để cô lập Xuân Lộc. Cấp trên quyết định chỉ để lại lực lượng giữ những bàn đạp đã chiếm được. Sư đoàn bộ binh 6 thuộc Quân khu 7 được phối thuộc cho Quân đoàn 4 đánh Dầu Giây - Núi Thị, giải phóng thêm các cứ điểm đường số 20, đoạn còn lại từ Gia Kiệm xuống, đoạn đường quốc lộ 1 - đèo Mẹ Bồng Con. Địch lầm tưởng đã thực sự đẩy lùi được quân ta. Nguyễn Văn Thiệu rêu rao ầm ĩ tin “chiến thắng Xuân Lộc”. Tướng Lê Minh Đảo, Sư đoàn trưởng sư đoàn 18 ngụy thì huênh hoang: “Việt Cộng dù có thêm mấy sư đoàn nữa cũng không chiếm được Long Khánh”.
Trước tình hình ác liệt, rạng sáng 20 tháng 4, ta vận động đánh tập kích tiêu diệt chiến đoàn 52 ngụy tại Gia Kiệm, sau đó ta tấn công sân bay Biên Hòa bằng pháo 130 li. Trong hai ngày 16 và 17 tháng 4, quân Sài Gòn với lực lượng 200 xe tăng và xe bọc thép, được hơn 100 khẩu pháo ở Nước Trong - hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An bắn chi viện hỏa lực, quyết giữ vững thế trận. Những trận chiến ác liệt dồn dập diễn ra tại Hưng Nghĩa và ở cao điểm 122. Chúng ta quyết chiến ở Bàu Cá, đánh mạnh vào chiến đoàn thiết giáp ở Trảng Bom… Thế trận đã nghiêng về quân ta. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Lê Minh Đảo đành phải xin rút bỏ Xuân Lộc. Và chúng đã bí mật rút chạy trong đêm mưa. Ngày 21 tháng 4 năm 1975, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được hoàn toàn giải phóng.
NHÀ SƯ PHẠM GIÀU THỰC TIỄN CHIẾN ĐẤU, VỊ TƯỚNG GIÀU TÌNH THƯƠNG
Là người trải qua chiến đấu từ một đại đội trưởng phát triển lên cấp tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, tư lệnh quân đoàn... Trung tưởng Lê Nam Phong luôn nhấn mạnh việc sử dụng hỏa lực trong mở cửa đánh chiếm đầu cầu. Có một cán bộ nói với ông rằng:
- Bố đi đâu cũng nói “cửa mở”.
Ông vui vẻ trả lời:
- Không “mở được cửa” thì sao mà đưa đột kích 1 và đột kích 2 vào phát triển chiến đấu?
Một lần học dã ngoại chiến thuật đồng bằng sông nước, tôi bị ông gọi ra trước hàng quân chất vấn:
- Nào nhà hùng biện (tên thân mật mà ông hay gọi tôi lúc đang là học viên tại nhà trường), để giải quyết cửa mở thì cần phải chú ý điều gì?
Tôi mạnh dạn nói:
- Thưa hiệu trưởng, cần hỏa lực.
Hiệu trưởng Lê Nam Phong từ từ phân tích.
- Nói đúng nhưng chưa đủ. Cần chú ý mở sạch, đúng hướng.
Thực tế trong tiến công, nếu mở cửa không sạch, không đúng hướng thì bộ đội không thể phát triển và cơ động nhanh vào trung tâm trận địa của địch được. Những yêu cầu này chỉ những người như ông mới có thể lý giải đúng vì ông đã từng đi lên từ một bộc phá viên.
Trung tướng Lê Nam Phong là người rất thương cấp dưới, tôi cảm nhận rõ điều này khi ông làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2. Thời kì ấy đời sống cán bộ còn nhiều khó khăn, nhiều anh em cán bộ giảng viên có vợ con từ miền Bắc, miền Trung vào Nam theo chồng không có việc làm, ông chủ trương cấp đất, nhận các chị vào làm việc tại đơn vị. Khu tập thể Trường Sĩ quan Lục quân 2 ngày nay phát triển khá đẹp là nhờ một phần đóng góp của Trung tướng Lê Nam Phong. Những lần tôi gặp ông, bao giờ ông cũng hỏi vợ con tôi thế nào, tình hình công tác ra sao. Ông rất quan tâm đến mọi người và nhớ từng người lính là cấp dưới của ông. Cá nhân tôi chỉ là học viên mà ông vẫn nhớ tên. Con người ông là vậy.
Lúc làm hiệu trưởng, ông luôn trăn trở việc xây dựng Quân đội trong tương lai cần phải tiến lên chính quy hiện đại. Ông đã chủ động cử đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Vì thế đội ngũ cán bộ nhà trường sau này đều có trình độ sau đại học và ngày càng phát triển. Trong cuộc đời, ông có những quyết định quan trọng để giành thắng lợi, cũng có những quyết định rất hay theo lương tâm, tình cảm của một người lính trận. Tôi nhớ năm 1997, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân vào thăm nhà trường, Trung tướng Lê Nam Phong quyết định đón Đại tướng theo nghi thức trang trọng cấp Nhà nước, bởi theo ông Đại tướng là người anh Cả mà ông kính trọng nhất. Ngay cả trong những thời điểm đặc biệt hay được cho là nhạy cảm thì Trung tướng Lê Nam Phong vẫn giành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp những tình cảm vẹn nguyên với vị chỉ huy của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từ lâu cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 và Sư đoàn 7 cũng đã tặng ông mấy biệt danh mà nhiều người còn nhắc tới ngày nay: “Năm bình toong”, “Năm hỏa lực”. Theo ông giải thích, “Năm bình toong” là vì đi đánh trận hồi đó tôi thường mang theo bên mình bi đông rượu đế, chiến sĩ cần vụ cũng hăng hái mang theo rượu cho tôi; còn “Năm Hỏa lực” là vì đi đánh trận, khi công đồn diệt giặc trên chiến trường, tôi luôn quyết đoán, khẩn trương và táo bạo, buộc quân sĩ phải nhất mực tuân thủ để hành động.
Có thể nói cuộc đời trận mạc của Trung tướng Lê Nam Phong luôn là một bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Người “Đại đội trưởng đầu trọc” nay không còn nữa, nhưng những câu chuyện về ông thì sẽ còn được nhắc mãi, cả trong những bài học chiến trận và trong những giai thoại đời thường.
Đại tá PHẠM XUÂN TRƯỜNG
VNQD
Từ khóa » Tiểu Sử Lê Nam Phong
-
Đồng Chí Trung Tướng LÊ NAM PHONG (tức Lê Hoàng Thống) Từ Trần
-
Lê Nam Phong – Wikipedia Tiếng Việt
-
Trung Tướng Lê Nam Phong, Vị Tướng Xông Pha Chiến Trận
-
Vĩnh Biệt Trung Tướng Lê Nam Phong - Huyền Thoại Về Một Chiến ...
-
Vị Tướng đi Từ đồi Độc Lập đến Dinh Độc Lập - Báo Quân Khu 7 Online
-
Tưởng Nhớ Trung Tướng Lê Nam Phong, Vị Tướng đi Từ đồi Độc Lập ...
-
Vĩnh Biệt Trung Tướng Lê Nam Phong - BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
-
Trung Tướng Lê Nam Phong - Vị Tướng Xông Pha Trận Mạc - YouTube
-
Tiễn Biệt Trung Tướng Lê Nam Phong - Quân Khu 4
-
Mãi Nhớ Về Trung Tướng Lê Nam Phong - Báo Đồng Nai
-
'Hùm Xám Đông Nam Bộ' - Trung Tướng Lê Nam Phong Qua đời - VOV
-
Tướng Lê Nam Phong Và Cuộc "đấu Khẩu" Vô Tiền Khoáng Hậu Với ...
-
Trung Tướng Lê Nam Phong, Vị Tướng Tham Gia 4 Cuộc Chiến đã Ra đi
-
'Hùm Xám Đông Nam Bộ' - Trung Tướng Lê Nam Phong Qua đời