Tiếng Lóng Và đại Từ Nhân Xưng

Ngôn ngữ "bụi" trên lề phố

Tiếng lóng vốn xuất hiện từ lâu và khá phổ biến. Có lẽ chỉ các bậc tu hành mới không có (chứ không phải không dùng) tiếng lóng chuyên dùng. Thoạt kỳ thủy đó là tiếng của một giới nào đó (ăn chơi, mánh mung, lính tráng…), là con đẻ của một ngoại cảnh nào đó, không phải "tiếng lòng", tức không phải của nội tâm, càng không là ngôn ngữ của tư duy.

Định nghĩa thật khó, cách giản tiện nhất gọi là… tiếng lóng.

Sài Gòn là đất trẻ, nhiều dân tứ xứ. Thành phố công thương nghiệp tạo thành lớp cư dân nhiều sắc thái, nhiều người cá tính hơi "bốc", trọng nghĩa khí mang tính giang hồ, thích sống thoáng, khoát hoạt. Hơn nhiều nơi khác, sức “ma sát” ở đây rất mạnh, càng mạnh càng bén nhạy trở thành đắc địa của tiếng lóng… Dân ăn chơi không phải ai cũng sòng phẳng, nhiều kẻ hay tìm bạn bò mộng để bắt địa.

Ông chủ quán cà phê La Pagode nếu giờ còn sống mà trí nhớ tốt liệu còn thắc mắc vì sao có mấy chàng sinh viên ngày nào cũng kéo đến kêu cà phê lát rồi bỏ đi, chỉ có một người ngồi lại… đọc sách cả tiếng đồng hồ? Không đâu, thưa ông chủ quán, ngồi làm va ly chờ bạn đi kiếm tiền đến… chuộc đó!

Nhớ hồi 1956-1957 gì đó, có cô ca sĩ nổi tiếng một lần đi chơi với bạn trai… tới Nhà Bè, hồi ấy còn rất hoang vắng. Hai người làm gì trong xe hơi chẳng biết nhưng bất ngờ bị tuần cảnh xét hỏi, bèn nói em với ảnh đi… ăn chè. Ối trời, tại Nhà Bè thuở đó mua cả chỉ vàng cũng không có thứ gọi là chè ấy. Thế là trong "từ điển" tiếng lóng, ăn chè ra đời, dùng làm gì thì cứ thử ắt biết.

Sang tới giới công chức, thời xưa không có lệ họp bình bầu kiểm điểm, anh nào từ phòng sếp ra mặt hơi bị không vui thì biết anh ta được mời lên uống trà, hoặc… uống cà phê đen! Nếu thấy anh ta mệt mỏi hãy thông cảm vì trong phòng sếp anh đã phải làm đèn cầy (đứng ngay đơ) cho sếp xát xà bông.

Tiếng lóng sinh ra rất nhanh từ một giới nào đó và đời tiếng lóng cũng ngắn. Khi lính Mỹ ào ạt sang miền Nam, chập choạng tối là những cây than (Mỹ đen) hay lảng vảng ở các khu vực. Đám dắt mối, ăn xin, du thủ du thực chế ngay ra OK Salem, tức tiếng bồi cộng với ngôn ngữ hình thể, nói bằng miệng thì ít mà bằng tay thì nhiều làm ngôn ngữ tiếp thị.

Ra chợ Bến Thành, những chú lính Yankee đụng ngay đám ăn xin lóc nhóc, một chữ Việt bẻ đôi cũng không biết nhưng tiếng Anh bồi, phương tiện hành nghề thì đám này xài nhanh như gió, kiểu "nô bà ba, nô mà ma, ghi vờ mi, oăn đồ la”, có nghĩa là "không cha không mẹ, cho tôi một đồng!". Tuy loại ngôn ngữ này không hề có trong bất cứ thứ từ điển nào nhưng than nghe không hiểu, chết liền!

Thời Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống, tiếng lóng tông tông dành riêng cho ông ta, người đứng đầu Phủ đầu rồng. Trụ sở hạ viện trở thành Chuồng cu gáy trên mặt báo. Ông Chủ tịch viện này độc chiếm tiếng lóng Hồi dương liệt lão, do ông quá hom hem nhưng là gia nô nên được cho suốt ngày cầm cái búa. Không nhớ do đâu mà một bà dân biểu nhiều "điển tích" chết cái tên dân biểu nín tè đều do báo chí đặt ra.

Còn Quế tướng công là… đặc sản dành cho viên Tư lệnh Sư đoàn 2 ở Quảng Ngãi, chuyên sai lính mở cuộc hành quân… tìm quế cho tướng, sau Quế tướng công hiếp dâm một bé gái 12 tuổi, con thuộc cấp nhưng tông tông bỏ qua chắc cũng là cùng hội cùng thuyền chớ đâu xa!

Đất nước thống nhất, người Sài Gòn làm quen - dĩ nhiên rất nhanh, tiếng lóng mà - những đánh quả, con phe, một vé hai vé, bôi trơn, mắt thứ hai tai thứ bảy, phao v.v...

Ngày nay, có hai thứ không phải ngôn ngữ nhưng rất… biểu cảm: Cục gạch cắm miếng giấy (chỗ bán xăng lẻ) và cái phong bì, không biết có nên cho chúng vào từ điển tiếng lóng thông dụng hay không?

Nhắc đến tiếng lóng mà quên nhà văn quá cố Nguyên Hồng là một sự thất lễ. Trước năm 1945 (gọi cho sang trọng là thời tiền chiến), cụ đã lên đời loại tiếng vỉa hè này, đưa nó vào văn chương hẳn hoi. Tiểu thuyết "Bỉ vỏ" - nội cái nhan đề đã là một tiếng lóng (chỉ người đàn bà móc túi) - của cụ đọc thật bá chấy.

Lần đầu tiên người đọc được nghe tiếng của giới giang hồ đất cảng Hải Phòng: Mõi (móc túi); kỳ bẽo (cờ bạc); sò quỷnh (người nhà quê); đông địa (nhiều tiền) v.v... Một dân móc túi thuộc loại trinh sát theo dõi một người nhà quê có vẻ có tiền, khi thấy ông ta vào quán cơm bụi, đã báo cho đàn anh biết một cách gần như công khai: Sò quỷnh đông địa tranh vòm (một thằng nhà quê giàu có vào quán)!

Trong khi chưa tìm ra ai khác nhà văn Nguyên Hồng, xin cứ tôn xưng cụ là… vua tiếng lóng, vì nhân vật của cụ nói được nguyên một câu bằng tiếng lóng, còn đám hậu sinh chỉ đệm được vài từ là cùng.

"Mỏ" đại từ nhân xưng

Để xưng hô với nhau dù quan hệ giữa ngôi thứ nhất với ngôi thứ hai số ít như thế nào (cha - con; ông - cháu; anh - em v.v...) thì tiếng Anh hoặc tiếng Pháp - hai ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới - cũng chỉ có I- you; je-tu (hoặc vous nếu là số nhiều) mà dịch thật sát nghĩa sẽ là mày-tao!

Tiếng Việt không thế, không biết tự bao giờ và bằng cách nào, đã có cả một kho, một "mỏ" ngôn ngữ xưng hô chuyên dùng, ai hà tiện là thất lễ, thậm chí kém văn hóa, còn ai lãng phí thì người ấy được bình chọn là có máu tấu hài.

Khi xưng hô, người Việt phải tùy theo mối quan hệ giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai mà chọn từ thích hợp. "Hô" với cha thì có… cha, bố, thầy, tía và xưng con. Khi đã lên chức bố bèn gọi cha là ông nội hay vắn tắt là nội. Lỡ mà xưng tôi với cha, ở thời nay thì chỉ mới hơi thất lễ, chứ như "Bố, cho ta (tao, tớ, mình v.v...) cái này" thì… hơi bị mất dạy!

Nghe người Tây nói với nhau khó phân biệt ngôi thứ của họ, nhưng khi nghe người Việt nói: "Anh vào cho mẹ bảo" thì hiểu liền ai đang nói với ai. Không chỉ phải đảm bảo ngôi thứ trong nhà, ngoài xã hội mà còn phải biết già - trẻ khi xưng hô, với người dưng khác họ nhưng cao tuổi hơn đã có chú - cháu; cụ - con; mệ - con; cô - cháu v.v...

Già xưng hô với xấp nhỏ mà anh - em, thân thì có thân nhưng hơi chướng, còn có thể bị nghi có ẩn ý trong lòng nếu đó là cô gái. Nếu độ chênh tuổi ngắn hơn mà độ thân chưa có thì anh - tôi là phổ biến. Bạn bè khi đã thân, người Việt Nam… hơn hẳn cả Tây salon lẫn Tây balô khi xưng hô với nhau: cậu - mình; đằng ấy - tớ; tao - mày; đại ca - tiểu đệ; ông - tôi; nếu đã có tí vong niên thì bác - em, chứ chẳng nên xưng cháu mà mang tiếng câu nệ, vả như thế khó đi "temps 2" với nhau, thiệt thòi cho người sinh trước biết là bao!

Trong "mỏ" ngôn ngữ xưng hô Việt Nam có dành cả một container cho xưng hô giữa vợ chồng, không nghèo như người Trung Quốc ngày nay ngổ - nỉ, cũng không "bất bình đẳng giới" như họ ngày xưa chàng - thiếp.

Mới biết nhau nhiều khi chị - tôi hay anh - em, nhưng ở thời bùng nổ này, khi đã nhá đèn và được nhá lại thì qua điện thoại đã có thể một nửa của anh, "hào phóng" một tí đã có ba phần tư (của anh hay của em).

Cưới nhau về, khi còn trẻ… xưng hô thế nào mà chẳng được, miễn tình cứ đầy thì thôi, nhưng cần để ý đến ngữ cảnh: đang ở chốn phòng the hay trước mặt cha mẹ ông bà hoặc cả hai cùng làm công chức chung một phòng đang trong 8 giờ vàng ngọc.

Trong các… thế kẹt đó mà "Con chó của em ơi" thì cải lương quá, nếu không thì cũng hơi bị hâm! Sống với nhau sắp tới đám cưới vàng, cưới bạc, con đàn cháu đống, người tỉnh thành may ra còn một số xưng hô anh em nhưng chả nên giữ "giai điệu trầm bổng" quá, nên "khô" một tí mới là đúng điệu.

Ở nông thôn, vợ chồng người Việt xưng hô với nhau mới thật là tuyệt nhất thế giới, mới thật là một nửa của nhau: Mình - tôi, nhà ơi. Không tuyệt sao được khi mình có gì khác với cái thân cha mẹ cho tôi? Đúng là mình với ta tuy hai mà một, ngôi thứ nhất như hoá thân nhập vào ngôi thứ hai.

Nhà là nơi có mái che mưa gió, nơi để người ta đi dù chỉ một buổi làm cũng ngong ngóng trở về. Một giáo sư đại học người Pháp giảng bài cho sinh viên văn khoa Sài Gòn trước năm 1975 bằng tiếng Việt như gió, vậy mà ông vẫn băn khoăn vì chưa cảm hết sự tinh tế, thâm thúy mà tình tứ trong cái chữ nhà xưng hô giữa vợ chồng người Việt Nam. Trong tiếng Pháp, nhà (la maison) - có thân thiết cũng chỉ thân bằng… căn hộ là cùng!

Thời tam đại đồng đường ở nông thôn, vui thì có vui nhưng… khổ cho những cặp vợ chồng thuộc thế hệ thứ ba (hoặc tư). Sống chung nhà với ông bà (chưa già bao nhiêu), cha mẹ (còn có thể sinh thằng út), căn nhà lại chỉ rộng hơn căn hộ tập thể thời bao cấp, những cặp vợ chồng thế hệ thứ ba đã quen xưng hô theo gia phong (cũng không thua quốc pháp), chẳng dám anh - em hoặc khỉ con đanh đá, một nửa... cũng không; cục cưng chẳng dám, cho nên bao nhiêu tình tứ đành cứ "ém" trong lòng.

Một bữa anh chồng ra ruộng cày, trưa cô vợ mang cơm ra, đứng trên bờ gọi ngọt như mía lùi tạo thành mẩu đối thoại sau: Ai ơi ai lên mà ăn, trưa rồi/ Ai ơi, ai gọi ai đấy?/ Gọi ai chứ còn gọi ai vào đây nữa, nỡm!/ Cơm ai nấu ngon lắm hử?/ Ai nấu làm sao ngon được.

Mấy anh Tây biết nhiều ngoại ngữ đã tròn xoe đôi mắt chào thua ngôn ngữ của người Việt! Họ còn chưa biết, với người Việt, xưng hô còn tùy thuộc tâm trạng, những khi cơm lành canh ngọt thì lời cũng ngọt theo.

Rủi mà giữa cha - con; chồng - vợ; anh - em có vấn đề trầm trọng thì chỉ nghe họ xưng hô với nhau là nhận ra ngay nhiều điều, trong đó có thể có một lỗ hổng văn hóa: Thằng trời đánh thánh vật kia!; cái đồ này đồ nọ; ngày nào ngọt sớt mà nay bỗng mày - tao, nghe biết là họ tan tành tới nơi!

Không thiếu những bà vợ đanh đá mạnh miệng bà - mày với chồng, không bằng cái gót chân Hoạn Thư khi đứng trước Thúc Sinh. Tuy nghe rất chói tai nhưng cũng phải thừa nhận ngôn ngữ xưng hô trong tiếng ta có nhiều cung bậc, làn điệu và có cả một "mỏ"!

Xưng hô trong quan hệ thầy trò còn độc đáo hơn nữa mà hiếm thứ tiếng nào có nổi. Ngày xưa thì thầy - con, ngày nay thầy - em. Xưng em với thầy dù khoảng cách tuổi tác tương đương ông ngoại với cháu, nhưng đã không hề thất lễ lại còn đầy tình nghĩa vừa tôn kính vừa thương yêu vừa gần gũi, khẳng định được tiếng nói đặc dụng của môi trường sư phạm nữa, mới đáng phục cho tiếng Việt!

Vô cơ quan Nhà nước, cô thư ký nói chuyện công vụ với trưởng phòng mà cứ thưa chú, xưng cháu, lễ phép thì có nhưng… kỳ kỳ. Coi phim Hàn Quốc thử, người ta trong giờ làm việc xưng hô theo chức vụ, có vẻ đâu ra đó hơn. Trưởng phòng dù ít tuổi nhưng là cấp chỉ huy mà xưng cháu, em với cấp dưới, có phải đã làm cho cơ quan thành ra một mái nhà, kỷ cương công vụ không còn nữa?

Từ khóa » Tiếng Lóng Giang Hồ