“Tiếng Nghệ” – Một Bài Thơ Giàu Tình Quê Hương, Tình Yêu Tiếng Mẹ ...

“Tiếng nói là của cải vô cùng lâu đời và quý báu của dân tộc”  (Bác Hồ). Ở mỗi vùng, mỗi miền, mỗi tỉnh đều có “thổ âm” riêng. Ta còn gọi đó là “phương ngữ”. Năm mươi tư dân tộc anh em, từ miền ngược tới miền xuôi, từ rừng núi tới hải đảo, dù tiếng nói có khác nhau, phát âm khác nhau, song tất cả đều là con Rồng, cháu Lạc, đều chung tay xây dựng Tổ quốc Việt Nam. Tiếng Việt của ta giàu đẹp lắm:

Tiếng tha thiết nói thường như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

(Lưu Quang Vũ)

Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Bùi Vợi, người con của xứ Nghệ đã đằm sâu trong một tình thương quê đến da diết, tình yêu “Tiếng Nghệ” nói riêng và tiếng Việt nói chung đến nao lòng. Bài “Tiếng Nghệ” chính là máu thịt của anh gắn với quê hương:

Cái “gầu” thì gọi là cái “đài

Ra “sân” thì bảo ra ngoài cái “cươi

Chộ” tức là “thấy” em ơi

Trụng” là “nhúng” đấy, đừng cười nghe em

Thích” chi thì bảo là “sèm

Khi ai bảo “đọi” thì đem “bát” vào

Cá quả” lại gọi “cá tràu

Vo troốc” là bảo “gội đầu” đấy em.

 

Nghe em giọng Bắc êm êm

Bà con hàng xóm đến xem chật nhà

Khi “” sang “nhởi” bên “choa

Bà “o” đã nhốt “con ga” trong “truồng”!

Em cười bối rối mà thương

Thương em một, lại trăm đường thương quê

Gió Lào thổi rạc bờ tre

Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn

Chắt từ đá sỏi đất cằn

Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.

(“Tuyển tập thơ Nguyễn Bùi Vợi” – Nhà xuất bản Văn học 2002) 

Từ  xưa tới nay, mảnh đất xứ Nghệ đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt. Đây là nơi “làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” (Chính Hữu), nhưng con người xứ Nghệ rất thẳng thắn, bộc trực, có ý chí học hành thành tài để vượt lên nghèo đói. Và ở họ không chỉ giàu tình yêu thương mà còn có cả sự thâm thúy sâu sắc. Tiếng nói của người dân Nghệ nặng nề thổ âm trọ trẹ với những chộ, nhởi, o, bọ… Chính “bà xã” của Nguyễn Bùi Vợi cũng đã nhận xét rất hóm hỉnh về ông chồng nhà thơ của mình:

… Nói thì giọng nặng như bổ củi

Mô, tê, răng, rứa nghe nhức đầu.

… Đã nói khi nào cũng nói to

Đã nhìn ai là nhìn thẳng mặt.

Chính cái chất Nghệ “thẳng như ruột ngựa” ấy của anh nhiều lúc lại dễ tạo được sự đồng cảm chân thành với bạn bè và khi nó đi vào thơ một cách hồn nhiên, mộc mạc thì rất dễ đến với “điệu tâm hồn” của quần chúng. Tuy nhiên những “khẩu ngữ” ấy nhà thơ phải đặt nó đúng lúc, đúng chỗ với một liều lượng nhất định trong bài thơ, thì nó mới “phát sáng”, và vang lên một giai điệu đa thanh. Có khi những tiếng thông thường ấy lại lung linh một sắc màu mới của cuộc sống mà ngôn ngữ bác học không có được. Bài “Tiếng Nghệ“ của Nguyễn Bùi Vợi cũng như bài “Nhớ” của Hồng Nguyên là những bài thơ như thế! Cứ đọc lên là ta như thấy có ngay “đồng hương”  bên cạnh để cùng xẻ chia buồn, vui, sướng, khổ.

Tám câu đầu của bài thơ là lời tự sự, giải thích và phiên ngang một số từ ngữ của Nghệ An sang “giọng Bắc”: đài ~ gầu, cươi ~ sân, chộ ~ thấy, trụng ~ nhúng, đọi ~ bát, cá tràu ~ cá quả, sèm ~ thích v.v… Chất thơ chưa ló ra nhưng tác giả đã tạo được sự gần gũi dân dã với bạn đọc, kích thích trí tò mò về những từ khẩu ngữ của một vùng đất mà “Gió Lào thổi rạc bờ tre”. Từ ngữ ở những câu này cứ sần sùi, thô ráp, khắc khổ, mộc mạc như chính cuộc sống vốn có. Nhân vật “em” ở đây không ai khác, đó chính là vợ của nhà thơ, một cô giáo người Bắc chính cống có giọng nói “êm êm” vừa lạ vừa dễ thương đối với người “quê choa”. Bởi thế nên mới có chuyện “Bà con hàng xóm đến xem chật nhà”.

Ở phần hai của bài thơ tác giả đã có sự chuyển “gam” như một bản nhạc chuyển từ giọng “trưởng” sang giọng “thứ”. Chất bình luận trữ tình nổi lên át chất tự sự. “Giọng Bắc êm êm” của em đã làm dịu đi cái gồ ghề, thô ráp của giọng anh, tạo nên sự hòa tấu vui tai. Bà con, hàng xóm, bà o với lời mời mọc chân tình, cởi mở:

Khi sang nhởi bên choa

o đã nhốt con ga trong “truồng”!

Từ chuyện tiếng nói quê mình, nhà thơ nâng lên một tầng liên tưởng mới vừa triết lý về tình ”thương quê” đằm thắm vừa cảm thông về nỗi “thương em”. Nhưng ở đây thương em chỉ có một, còn thương quê lại gấp trăm lần. Thế mới biết tình yêu thương quê nhà của người con xa xứ sâu nặng xiết bao:

Em cười bối rối mà thương

Thương em một, lại trăm đường thương quê

Gió Lào thổi rạc bờ tre

Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn.

Người xứ Nghệ dù đi đâu và xa cách bao nhiêu, họ vẫn nhớ về “nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”, vẫn không quên bánh đa, bánh đúc, kẹo Cuđơ… cho dù nơi ấy “đất sỏi, đất vôi, bạc màu” với những trận gió Lào cháy bỏng tới hừng hực như lửa cháy đã từng đi vào bao lời văn, ý thơ của dải đất miền Trung. Nhưng lần đầu tiên tôi thấy Nguyễn Bùi Vợi có một miêu tả và nhận xét về gió Lào chính xác và hay đến thế:

Gió Lào thổi rạc bờ tre

Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn

Nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã từng viết về gió Lào thật cảm động:

Ôi! gió Lào ôi! ngươi đừng thổi nữa!

Những ruộng đói mùa, đồng đói cỏ

Những đồi sim không đủ quả nuôi người.

(Kết nạp Đảng trên quê mẹ)

Cái độc đáo ở tứ thơ của Nguyễn Bùi Vợi là anh đã tạo được sự liên tưởng giữa cái thấy được và cái cảm nhận được. Hình ảnh “gió Lào” và âm thanh của “giọng nói” là một sự chuyển đổi cảm giác tinh tế trong hư cấu nghệ thuật. Chỉ có những ai đã từng gắn bó, máu thịt với quê hương thật nặng nghĩa, nặng tình, và đắm mình trong dòng sông tiếng Mẹ, mới có được trí tưởng tượng phong phú và sự cảm nhận sâu sắc như thế! Thơ nói ít mà gợi nhiều là vậy. Nó phát khởi từ trái tim của một tình thương quê, tình yêu tiếng mẹ đẻ rất lớn.

Bài thơ kết thúc như một lời nhắc nhở đối với “em” và với mỗi chúng ta:

Chắt từ đá sỏi đất cằn

Nên yêu thương mới sâu đằm đó em

Quê ta cũng như bao làng quê khác còn nghèo lắm, nhưng ta rất đỗi tự hào khi ta được sinh ra và lớn lên ở đó. Mẹ cha ta đã từng “bắt sỏi đá phải thành sắn, gạo” (Tố Hữu). Đồng bào Nghệ An đã một thời “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” để xây đắp lại giang san, để xóa bỏ đói nghèo và lạc hậu. Quê hương ấy là máu thịt ta, là nghĩa, là tình, là biết bao thương nhớ, khát khao đằm thắm đó em!

Bài thơ nói về “Tiếng Nghệ” nhưng thực ra là nói về tình thương quê, tình yêu tiếng mẹ đẻ da diết. Chất Nghệ như thấm đẫm trên từng câu, từng chữ thật dung dị, sâu lắng như câu hò lên thác xuống ghềnh, như câu hát dặm, hát ví nơi làng quê Thanh Chương (Nghệ An) – quê nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Tôi tin rằng đây là một bài thơ sẽ vượt  thời gian bởi nó nói được với ta rất nhiều về tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương, đối với tiếng Việt. Đúng như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết:

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nỗi thành người

(Quê hương)

Lê Xuân

Tên thật: Lê Xuân Bột

Trường chuyên Lý Tự Trọng – Cần Thơ

ĐT: 071 – 828363

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
  • LinkedIn
  • Email
Like Loading...

Related

Từ khóa » Bài Thơ Tiếng Nghệ An